Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

IV. TÁNH THẤY 
KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN DUYÊN, RỜI CÁC DANH, TƯỚNG

Kinh : Phật dạy : “Ông nói Nhân Duyên, Ta hỏi ông : “Nay ông do nhân bởi cái Thấy, Tánh Thấy hiện tiền. Vậy cái Thấy này nhân cái sáng mà có thấy ? Nhân cái tối mà có thấy ? Nhân hư không mà có thấy ? Nhân ngăn bít mà có thấy ? 

“Anan, nếu cái Thấy nhân cái sáng mà có thì lẽ ra không thấy được tối; còn như nhân cái tối mà có thì lẽ ra không thấy được cái sáng. Như vậy cho đến nhân hư không, nhân ngăn bít thì cũng đồng như nhân cái sáng và cái tối. 

“Lại nữa, Anan, cái Thấy ấy lại là nương cái sáng mà có thấy ? Nương cái tối mà có thấy? Nương hư không mà có thấy hay nương ngăn bít mà có thấy ? Anan, nếu nương hư không mà có thấy thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Nếu nương ngăn bít mà có thấy thì lẽ ra không thấy được hư không. Như vậy cho đến nương cái sáng, nương cái tối cũng đồng như nương hư không, nương ngăn bít. 

“Nên, biết rằng cái Tinh Giác Diệu Minh như thế chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, cùng chẳng phải Tự Nhiên, chẳng phải Không Tự Nhiên. Không có cái Không Phải hay Không Không Phải, không có Tức Là hay Không Tức Là, lìa cả thảy tướng, tức là cả thảy pháp. Nay ông làm sao ở trong ấy mà khởi tâm, dùng những danh tướng hý luận thế gian mà phân biệt cho được ? Như lấy tay mà nắm bắt hư không, chỉ thêm tự làm nhọc mình. Hư không làm sao lại để cho ông nắm bắt ?”

Thông rằng : Nương vào vật là Nhân; theo với vật là Duyên. Nhân thì gần, Duyên thì xa, nên phân làm hai môn. Tánh Thấy hiện tiền, nếu nói là Thông Bít mà hiển bày, thì được ; chứ nói : tánh Thấy nhân sáng, tối, thông bít mà có, thì không được. Nói rằng Tánh Thấy duyên sáng, tối, thông, bít mà phát ra tác dụng, thì được, chứ nói : Tánh Thấy duyên sáng, tối, thông, bít mà khởi, thì không được. 

Cho nên nói Nhân Duyên là sai. Vì sao thế ? 

Cái Tinh Giác Diệu Minh vốn không có hình tướng. Nếu nói là Nhân Duyên, là Tự Nhiên thì thuộc về tướng Nhân Duyên, tướng Tự Nhiên rồi. Bởi vậy, ban đầu nói “Chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, cũng chẳng phải Tự Nhiên”, là để trừ bỏ Tướng. Nhưng còn cái chẳng phải Tướng ở trong đó. Kế đến nói “Chẳng phải Không Nhân Duyên, chẳng phải Không Tự Nhiên”, là để trừ bỏ Phi Tướng. Nhưng mà còn cái Không Phải Phi Tướng ở trong đó. Cuối cùng thì nói “Không có Không Phải hay Không Không Phải, không có Tức là hay Không Tức là. Đó là cái chỗ mà Phải và Chẳng Phải đều không tới được, chẳng cho phép sự luận bàn, chẳng dung tha suy tính, tức là cái thực tướng Tinh Giác Diệu Minh vậy.

Các tướng Phải hay Chẳng Phải kia đều là vọng tình biến kế phân biệt. Bản Thể Diệu Minh vốn không có chuyện đó, nên nói “Lìa cả thảy Tướng”. Biến kế vọng tưởng phân biệt đã lìa thì đó là cái Thể Viên Thành Thật, chạm vào đâu là hiện bày trước mắt. Thế nên mới nói “Tức cả thảy Pháp”.

Cổ Đức nói “Chỉ lìa vọng duyên tức Như Như Phật”, là nói chỗ này đây vậy.

Xưa, Tổ Sơ Sơn đến chỗ ở của Tổ Quy Sơn bèn hỏi : “Thầy tôi có nói : “Câu có, câu không, như dây leo bám cây. Bỗng nhiên cây ngã, dây khô, câu về chốn nào ?”

Tổ Quy Sơn ha hả cười lớn. 

Sơ Sơn nói : “Tôi mua vải làm giày, từ bốn ngàn dặm đến đây, Hòa Thượng đâu nên đùa cợt”.

Tổ Quy Sơn gọi thị giả : “Lấy tiền trả lại cho Ông Thượng Tọa này”. 

Rồi dặn rằng “Sau này sẽ có con rồng một mắt vì thầy mà chỉ phá cho”.

Sau, Ngài Sơ Sơn đến Tổ Minh Chiêu, kể chuyện cũ. 

Tổ Minh Chiêu nói : “Ngài Quy Sơn, có thể nói là đầu chánh, đuôi chánh, chỉ vì chẳng gặp tri âm !”

Ngài Sơ Sơn bèn hỏi : “Cây ngã, dây khô, câu về xứ nào ?”

Tổ Chiêu nói : “Lại khiến Quy Sơn phát tiếng cười mới”.

Ngài Sơ Sơn ngay dưới lời nói có tỉnh ngộ, bèn nói : “Thì ra trong cái cười của Quy Sơn vốn có chứa đao !”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Dây khô, cây ngã, hỏi Quy Sơn
Ha hả cười to, há chẳng màng ?
Trong cười có dao sắc, nhìn ra được
Không đường suy, nói, bặt cơ quan(41)”.

(Đằng khô thọ đảo vấn Quy Sơn
Đại tiếu kha kha khởi đẳng nhàn
Tiếu lý hữu đao không đắc phá
Ngôn tư vô lộ tuyệt cơ quan).

Tổ Quy Sơn trong chỗ ấy, trước sau chỉ có ha hả cười to, như một dấu ấn ấn ra. 
Ngài Sơ Sơn nói “Trong cái cười có đao !”, bèn chụp được hư không vậy.
Tổ Thạch Củng hỏi Thầy Tây Đường : “Ông có nắm bắt được hư không chăng ?”
Ngài Tây Đường đáp : “Nắm bắt được”.
Tổ Củng nói : “Bắt thế nào ?”
Tổ Đường lấy tay chụp nắm hư không. 
Tổ Củng nói : “Ông chẳng biết chụp !”
Tổ Đường hỏi lại : “Sư huynh bắt như thế nào ?” 
Tổ Thạch Củng nắm mũi Ngài Tây Đường kéo đi. 
Ngài Tây Đường nhịn đau, nói : “Gã đại hung thần này kéo lỗ mũi người !” Liền muốn thoát ra.
Tổ Thạch Củng nói : “Phải như thế mới bắt hư không được”.
Nên chi, lấy danh tướng hý luận mà nắm bắt hư không : Ôi, khó thay ! Khó thay!
 

Xem mục lục