Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

III. KHAI THỊ ĐÂY LÀ TÂM CHÚ CỦA MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI

Kinh : “Anan, đây là Phật Đảnh Quang Tụ Tất Đát Đa Bát Đát Ra (SITATAPATRA), bí mật Già Đà, vi diệu chương cú, xuất sanh tất cả mười phương Chư Phật. Mười phương Như Lai nhân Chú Tâm này đắc thành Vô thượng Chánh Biến Tri Giác. Mười phương Như Lai nắm Chú Tâm này hàng phục các ma, chế dẹp ngoại đạo. Mười phương Như Lai cỡi Chú Tâm này ngồi hoa sen báu mà ứng hiện vi trần quốc độ. Mười phương Như Lai ngậm Chú Tâm này chuyển Đại Pháp Luân trong vi trần quốc độ. Mười phương Như Lai trì Chú Tâm này, ở khắp mười phương xoa đảnh thọ ký, tự quả của mình chưa thành, cũng ở nơi mười phương nhờ Phật thọ ký. Mười phương Như Lai y Chú Tâm này, thường khắp mười phương nhổ cứu các khổ như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đui điếc, câm ngọng, oán ghét ở chung khổ, thương phải xa cách khổ, cầu chẳng được khổ, khổ vì năm ấm lẫy lừng, trái ngang lớn nhỏ đồng thời giải thoát. Nạn cướp, nạn binh, nạn vua, nạn ngục, nạn nước, gió, lửa, đói khát bần cùng ứng niệm tiêu tan. Mười phương Như Lai tùy Chú Tâm này ở khắp mười phương phụng sự thiện tri thức, trong bốn oai nghi, cúng dường như ý, trong pháp hội hằng sa Như Lai được suy tôn là Đại Pháp Vương Tử. Mười phương Như Lai được Chú Tâm này ở khắp mười phương nhiếp thọ thân nhân, khiến cho hàng Tiểu Thừa nghe tạng bí mật chẳng sanh kinh sợ. Mười phương Như Lai tụng Chú Tâm này thành Vô Thượng Giác, ngồi cội Bồ Đề, nhập Đại Niết Bàn. Mười phương Như Lai truyền Tâm Chú này, sau khi diệt độ, phó chúc Phật pháp sự, trụ trì rốt ráo, nghiêm tịnh Giới Luật, tất hẳn đắc thanh tịnh.

“Nếu Ta nói về Chú Phật Đảnh Quang Tụ Bát Đát Ra này thì dù âm thanh liên tục, câu chữ không lập lại, từ sáng đến tối, trải qua hằng sa kiếp cũng không thể cùng tận. Chú này cũng gọi tên là Như Lai Đảnh. Hàng Hữu Học các ông chưa hết luân hồi, phát tâm chí thành cầu quả A La Hán mà không trì Chú này thì không thể nào ngồi đạo tràng khiến cho thân tâm xa lìa các ma sự được.

Thông rằng : Thần Chú Phật Đảnh không thể nghĩ bàn, tuy nói là trì các danh hiệu nhưng cũng như mật lệnh trong quân đội, âm thầm phù hợp tương ứng, và cũng như lấy nước biển lớn để diệt lửa đóm. Hết thảy ma sự do tâm tạo ra, nay lấy cảnh giới không thể nghĩ bàn của Chư Phật mà tẩy rửa đi thì cũng như dùng Tâm Vương dẹp trừ Tâm Tặc, hẳn lập tức diệt ngay.
Tối Thượng Thừa, mật tu, mật chứng, chẳng mượn lời nói, tức đây là thật tế, nên bảo rằng xuất sanh hết thảy mười phương Chư Phật. Một là thành Chánh Biến Tri. Hai là chế phục tà ma, ngoại đạo. Ba là ứng hiện trong vi trần quốc độ. Bốn là chuyển Đại Pháp Luân. Năm là nhờ Phật thọ ký. Sáu là nhổ cứu các khổ. Bảy là làm Pháp Vương Tử. Tám là nhiếp thọ thân nhân. Chín là nhập Đại Niết Bàn. Mười là phó chúc Phật-Pháp sự. Tất cả đều dùng Tâm Chú này mà thành tựu. Nếu chẳng phải là Một Đường Tối Thượng thì có gì đáng hơn nữa ? Cái ý của tên kinh, rốt cuộc chẳng ra ngoài chỗ đó.

Thành Chánh Biến Tri tức là thể nhập Biển-Khắp-Biết vậy. Hàng phục tà ma, ngoại đạo tức là tà chú tiêu tan vậy. Ứng hiện trong vi trần quốc độ tức là Diệu Liên Hoa Vương vậy. Chuyển Đại Pháp Luân tức là Vô Thượng Bảo Ấn vậy. Xoa đỉnh thọ ký tức là Quán Đảnh Chương Cú vậy. Nhổ cứu các khổ tức là cứu thoát Ông Anan cùng Tánh Tỳ Khưu Ni vậy. Đại Pháp Vương Tử tức là Vạn Hạnh của Chư Bồ Tát vậy. Nhiếp thọ thân nhân tức là cứu hộ thân nhân vậy. Nhập Đại Niết Bàn tức là Định Thủ Lăng Nghiêm vậy. Phó chúc Phật Pháp Sự tức là Tu Chứng Liễu Nghĩa vậy.

Tâm Chú này bao hàm nhiều nghĩa như thế. Mười phương Như Lai đều do đây mà xuất sanh, nên là Chú Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni. Chưa thấu rõ điều này thì các kiến chấp nổi lên như ong vỡ tổ mà thành tà ma, ngoại đạo, tạo nghiệp không thôi mà chịu các khổ. Đây là chỗ giống nhau của vi trần quốc độ. Thấu rõ điều này tức là Pháp Vương Tử, nhờ Phật thọ ký, phó chúc việc Phật pháp, chuyển Đại Pháp Luân, không chỉ tự độ mà còn độ người, thế tức là trước sau thành Phật vậy. Người trì Chú này kỳ hạn là ở chỗ thấy Tánh thành Phật thì loại chương cú bí mật tầm thường há có thể sánh ư ?

Tổ Bách Trượng nói : “Nếu mà nay ở nơi tất cả các pháp hữu vô có tơ hào tâm ái nhiễm thì dù cho chân đang đạp lên hoa sen cũng đồng là ma làm. Nếu chấp vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, tự là Phật, tự là người hiểu thiền tức là thuộc về ngoại đạo tự nhiên. Nếu chấp do Nhân Duyên mà chứng đắc tu thành thì thuộc về ngoại đạo nhân duyên. Chấp Có thì thuộc Thường Kiến đạo. Chấp Không thì thuộc Đoạn Kiến đạo. Chấp Cũng Có, Cũng Không thì thuộc Biên Kiến đạo. Chấp Chẳng phải Có, Chẳng phải Không thì thuộc Không Kiến ngoại đạo cũng gọi là ngu si ngoại đạo”.

Như nay chẳng khởi ra cái Phật Kiến, Niết Bàn Kiến... Tuyệt không có tất cả Kiến Hữu Vô và cũng không có cái Vô Kiến, thì gọi là Chánh Kiến. Không có hết thảy các cái Nghe mà cũng không có cái Không nghe, gọi là Chánh Văn. Đó là chế phục ngoại đạo. Không có ma phàm phu đến là Đại Thần Chú. Không có ma Nhị Thừa đến là Đại Minh Chú. Không có ma Bồ Tát đến là Vô Thượng Chú. Cho đến cũng không có ma Phật đến là Vô Đẳng Đẳng Chú.

Một là biến ra chúng sanh xiểm xúc Tu La; hai là biến ra Nhị Thừa xiểm xúc Tu La; ba là biến ra Bồ Tát xiểm xúc Tu La. Đây là Tịnh Độ tam biến. Hết thảy các pháp Hữu Vô phàm Thánh ví như quặng vàng, cái Chân Như của chính mình ví như vàng. Vàng và quặng tách ra, thì vàng ròng lộ bày. Bỗng có người kiếm tiền, kiếm đồ báu liền biến vàng ra tiền mà cho. Cũng như bột gạo tinh thuần không có đất cát, có người xin bánh liền biến bột ra bánh mà cho. Lại cũng như kẻ bầy tôi có trí hiểu được ý vua, nếu vua muốn đi mà đòi Tiên Đà Bà(04) thì liền dâng ngựa. Khi vua ăn mà đòi Tiên Đà Bà liền dâng muối... Các thí dụ trên để chỉ người khéo thông đạt huyền chỉ nên ứng cơ chẳng sai lầm. Cũng gọi là Lục Tuyệt Sư Tử.  

Tổ Chí Công nói : “Mặc người tạo tác trăm điều, hàng Thập Địa Bồ Tát không đói, không no, vào nước không chìm, vào lửa không cháy. Dù muốn cháy cũng không thể cháy được ! Người ta thì bị số lượng cai quản, qui định. Phật thì chẳng phải thế, vào lửa không cháy mà muốn cháy là cháy. Vào nước không chìm, mà muốn chìm là chìm ! Vì Phật sử dụng được bốn Đại tự do vậy”.
Ôi, đến địa vị Phật, sử dụng được bốn Đại tự do thì Tánh tức là Chú, Chú tức là Tánh, có chỗ nào mà chẳng thành tựu ? Thật không thể nghĩ bàn vậy, đất Trung Nguyên có được chuyện ấy, chỉ có Chú mới hàng phục tà ma. Nay Tổ Bách Trượng nói : “Không có các thứ ma đến, tức đó là Chú”, thật rất có ý vị vậy.

Xem mục lục