Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

B. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ HIỆN TÍNH THƯỜNG

1. NGHI CĂN TÁNH KHÔNG CÓ TỰ THỂ

Kinh : Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy, muốn cầu được thường trụ, thì phải ở từ Nhân Địa là Giác Tâm, và những danh mục tu chứng phải cần tương ưng với quả vị. Thưa Thế Tôn, như trong quả vị đó, thì bảy danh hiệu là Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Am Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, tuy tên gọi khác nhau, nhưng Thể Tánh là trong sạch tròn đầy, vững chắc như Kim Cương Vương, thường trụ chẳng hoại.

“Nếu cái Thấy Nghe này lìa ngoài cái sáng, cái tối, cái động, cái tĩnh, cái thông bít thì rốt ráo không có tự thể; cũng như cái tâm niệm rời ngoài Tiền Trần vốn không chỗ có, thế thì tại sao lại lấy cái rốt ráo là đoạn diệt này mà làm Nhân Địa để tu cho được bảy quả đức Thường Trụ của Như Lai ? Thưa Thế Tôn, nếu lìa ngoài sáng và tối, thì cái thấy của tâm niệm diệt mất. Tới lui qua lại, suy xét chín chắn, thì vốn không có Tâm tôi và cái Tâm Sở của tôi, vậy lấy gì làm Nhân Địa để cầu Vô Thượng Giác ? Đức Như Lai trước kia có nói cái Tánh trong lặng tròn đầy thường trụ, nay lời nói khác nhau, hóa thành hý luận. Đâu là lời chân thực của Như Lai. Xin Thế Tôn rủ lòng đại từ, mở chỗ mê chấp cho tôi.

Thông rằng : Ông Anan cho cái Nhân là Nhân Thực, cái Quả là Quả Thực, nên cho là lìa ngoài Trần không có tự thể, lìa ngoài Niệm không có Tâm : nghi là đoạn diệt. Đó là vì ông chưa từng biết rằng cái Tâm đối với Cảnh nguyên thuộc về sanh diệt, là sanh diệt thì có thể đoạn, còn cái Tâm lìa Cảnh, không thuộc sanh diệt, nên chưa từng đoạn được. Cái Tánh trong lặng tròn đầy thường trụ rốt ráo là vô sở đắc, xem xét nhặt nhiệm thì vốn không có Tâm ta, cùng với Tâm Sở của ta. Lấy cái ấy làm Nhân, thì đó là Chánh Nhân; lấy cái ấy chứng quả, thì đó là Chân Quả. Cái Tánh trong lặng tròn đầy thường trụ vốn là như thế, sao lại nghi ngờ là mâu thuẫn ư ? Vốn là một Tánh mà có bảy thứ tên gọi. 

Kinh Bảo Tích nói : Không Như Lai Tạng lìa tất cả phiền não của tâm thức không giải thoát. Bất Không Như Lai Tạng đầy đủ hằng sa Pháp không thể nghĩ bàn của Phật Trí giải thoát. Không Bất Không Như Lai Tạng tùy hiện sắc không, ứng khắp tất cả. 

Không Như Lai Tạng là Quả Thường Trụ. Đại Viên Cảnh Trí thấy rõ tất cả mà không phân biệt. Am Ma La Thức phân biệt tất cả mà không nhiễm trước. Vì rõ ràng thấu suốt nên gọi là Phật Tánh. Rõ ràng thấu suốt là cứu cánh Giác, nên gọi là Bồ Đề. Cứu cánh Giác, Thể vốn Tịch Diệt, nên gọi là Niết Bàn. Tịch Diệt nên hết thảy vọng tâm không chạm tới được, nên gọi là Chân Như. Bảy quả đức vốn là một Thể vậy.

Sơ Tổ Đạt Ma chỉ dùng tám chữ bao quát đầy đủ hết. Đó là : “Tịnh Trí Diệu Viên, Thể Tự Không Tịch”. Tịnh là Bạch Tịnh Thức. Trí là Đại Viên Cảnh Trí. Không là Không Như Lai Tạng. Tịch là Niết Bàn. Còn Chân Như, Bồ Đề, Phật Tánh, không ngoài hai chữ Diệu Viên. Hai chữ Diệu Viên tức là phân biệt mà chẳng phân biệt, sanh diệt mà chẳng sanh diệt, đó là Tánh Giác Như Như tròn khắp vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Thế nào là Đạo ? Thế nào là tu hành ?”
Tổ Bá đáp : “Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành ?”
Hỏi : “Tông sư các nơi truyền nhau tham thiền học đạo như thế nào ?”
Tổ Bá nói : “Lời tiếp dẫn hạng độn căn, chưa thể nương dựa được”.
Hỏi : “Ấy đã là lời tiếp dẫn hạng độn căn, còn chưa rõ là tiếp hạng thượng căn thì nói pháp gì ?”
Tổ Bá nói : “Nếu là người thượng căn, thì chỗ nào mà đến Đạo, tìm Đạo ? Cái Tự Mình còn bất khả đắc, huống là có riêng pháp để tìm cầu ? Chẳng thấy trong kinh nói, “Các pháp có hình trạng gì ?”, sao ?”
Hỏi : “Nếu như thế kia, ắt chẳng cần tìm kiếm gì hết thảy ?”
Tổ Bá nói : “Như thế ấy thì chẳng hao tâm lực”.
Hỏi : “Nếu như thế thì thành đoạn diệt, chẳng phải là không có ư ?”
Tổ Bá nói : “Ai bảo cái ấy không có. Nhưng cái đó là gì mà ông định tìm kiếm nó ?”
Hỏi : “Đã chẳng cho tìm kiếm, cớ sao lại còn nói chẳng đoạn lìa nó ?”
Tổ Bá nói : “Chẳng tìm kiếm, tức bèn thôi nghỉ. Ai bảo ông đoạn lìa ? Ông thấy hư không trước mắt đó, làm sao đoạn lìa nó ?”
Hỏi : “Có phải pháp ấy đồng như hư không chăng ?”
Tổ Bá nói : “Hư không có bao giờ nói với ông là đồng hay khác gì đâu. Ta mới tạm nói thế, ông lại ngay liền ở trong ấy mà sanh tri giải”.
Hỏi : “Vậy nên chẳng cho người sanh tri giải ư ?”
Tổ Bá nói : “Ta không hề ngăn chướng ông. Nhưng tri giải là thuộc Tình, Tình sanh thì Trí cách”.
Hỏi : “Hướng vào trong ấy mà chẳng sanh tình, thế có đúng không ?”
Tổ Bá nói : “Như chẳng sanh tình, thì ai nói là đúng ?”
Thế mà hơn ngàn năm rồi, vẫn còn có cái nghi như của Ông Anan, nếu được vài lời của Ngài Hoàng Bá, bèn cùng trùng tuyên cái chỉ thú sâu xa !

Xem mục lục