A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con được nghe khi Thế Tôn cùng với ngài Văn Thù Sư Lợi và các vị Pháp vương tử bàn về nghĩa Thật tướng, Thế Tôn cũng nói, ‘tâm chẳng phải ở trong, cũng chẳng phải ở ngoài’.
Theo con suy nghĩ, nếu tâm ở trong lại không thấy bên trong, ở ngoài thì thân tâm không biết nhau. Vì tâm không biết bên trong, nên nghĩa bên trong không thành. Thân và tâm cùng biết, nên nghĩa bên ngoài cũng chẳng phải. Nay thân tâm cùng biết, lại không thấy được bên trong, nên chắc ở chặng giữa.
Phật bảo: ông nói ở chặng giữa, thì cái giữa ấy chắc không lẫn lộn, chẳng phải không có chỗ. Nay ông xét kỹ, chặng giữa là chỗ nào ? Là ở nơi cảnh hay ở nơi thân ? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì chẳng phải là ở giữa. Còn nếu là ở giữa thân thì cũng là ở trong thân rồi.
Nếu chỗ giữa ấy ở nơi cảnh thì có thể nêu ra được hay không nêu ra được ? Không nêu ra được thì cũng như không có, còn nêu ra được thì lại không định chỗ được. Vì sao thế ? Ví như có người cắm một cây nêu là chỗ giữa, ở phương Đông mà nhìn thì nó nằm ở phương Tây, nếu ở phương Nam mà nhìn thì thấy nó ở phương Bắc. Chỗ giữa cắm nêu đã lẫn lộn thì tâm cũng tạp loạn.
……………………
Ở giữa, ở trong, ở ngoài, ở phương này phương khác là do lấy thân làm điểm quy chiếu. Nếu ý thức về thân mất đi thì tâm là ở khắp không gian, tâm là tất cả không gian.
Đây là cái tâm thoát khỏi mọi sự chia cắt phần đoạn của không gian thời gian. Đây là cái tâm vốn giải thoát.
……………………..
A Nan thưa : con nói chỗ giữa chẳng phải là hai thứ ấy. Như Thế Tôn dạy, mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức. Mắt thì có phân biệt, sắc trần thì vô tri, thức sanh ở giữa thì tâm ở tại đó.
Phật bảo : Nếu tâm ông ở giữa căn và trần thì tâm thể ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên ?
Nếu gồm cả hai bên thì vật và tâm thể xen lộn, vật thì vô tri tâm thể thì tỏ biết, thành ra hai thứ đối địch nhau, lấy gì làm cái ở giữa ? Gồm cả hai bên cũng không được, vì vừa chẳng phải biết vừa chẳng phải không biết, tức là không có thể tánh, lấy gì làm cái tướng ở giữa ?
Thế nên phải biết tâm ở chỗ giữa là điều không thể có.
………………………….
Căn mắt mà không duyên với sắc trần thì không có gì để thấy, cũng chẳng thành căn mắt. sắc trần không duyên với căn mắt thì không phải là sắc trần. Thức sanh ở giữa cũng phụ thuộc vào cả hai, mất một thì thức không sanh.
Cả ba căn, trần, thức do duyên nhau mà có, không cái nào có thể tự mình đứng riêng. Căn, trần, thức là không có tự tánh. Cái “ ở giữa” này là không có tự tánh. Chính vì vô tự tánh, mỗi cái tự giải thoát lấy chính nó. Như hoa giữa trời, không từng có nên nói là tự giải thoát lấy chính chúng.
Khi biết căn trần thức là vô tự tánh, vốn tự giải thoát thì ngay nơi mỗi cái, thấy ra tâm thường trụ không ở chỗ nào cả đồng thời ở khắp tất cả.