Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con lại suy nghĩ như vầy, thân thể chúng sanh, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài, có tạng phủ thì tối, có khiếu huyệt thì sáng. Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng, gọi là thấy ngoài. Nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong. Nghĩa này có đúng chăng ?

Phật bảo A Nan : Đang khi ông nhắm mắt thấy tối thì cái cảnh tối ấy là đối với con mắt hay không đối với con mắt ? Nếu đối với con mắt thì cái tối ấy ở trước mặt sao lại thành ở trong thân ? Còn cái tối ấy thành ở trong thân, thì khi ở nhà trong tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn thì cái tối ở trong nhà ấy đều là tạng phủ của ông sao ? Còn nếu cái tối không đối với mắt, làm sao thành có thấy ?

Nếu cho rằng rời cái thấy sáng bên ngoài thì thành cái thấy tối bên trong, nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân, thì khi mở mắt sao lại không thấy mặt ở bên ngoài ? Nếu không thấy được mặt thì cái thấy tối đối với bên trong cũng không thành được. Nếu thấy được mặt thì cái tâm hay biết và con mắt phải ở giữa hư không, sao lại thành trong thân được. Nếu ở nơi hư không thì chẳng phải thân thể của ông, vì chẳng lẽ hiện giờ Như Lai thấy mặt ông, Như Lai cũng là thân của ông sao ? Và như thế thì con mắt của ông biết thì thân ông lại chẳng biết. Nếu ông cho thân và mắt đều biết thì ông lại có hai cái biết, một thân của ông thành hai vị Phật sao ?

Thế nên phải biết, ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy không thể có.

………………………….

Đuổi theo cái thức phân biệt tạo nên danh tướng, trong ngoài, tối sáng, thân tâm….thì muôn đời cứ lạc lỏng trong sanh tử. Thức càng hoạt động thì phân biệt càng tăng, mạng lưới sanh tử càng rộng lớn
chằng chịt.

Bằng ba pháp quán, thức phân biệt mỏng dần cho đến lúc hành giả trực tiếp nhận biết tâm không phân biệt – và vì không phân biệt nên toàn khắp – thực sự là gì. Lúc ấy, đường ngôn ngữ mới dứt, sự hoạt động của tâm phân biệt mới diệt (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).

Thân là hữu hạn, nên có trong có ngoài, mà cái biết và tánh biết thì không có trong ngoài. Mắt là hữu hạn, nên có trong ngoài mà tánh biết của mắt thì không có trong ngoài.

Tánh thấy thấu thoát qua mọi thân, mọi mắt, mọi ta-người, mọi tâm-cảnh, không trong không ngoài, không lớn không nhỏ, không tối không sáng. Tánh thấy thấu thoát qua mọi nhân duyên, nó là cái không cần nhân duyên, nên nó vốn giải thoát.

Xem mục lục