Bấy giờ Bồ tát Quán Thế Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn, con nhớ hằng sa kiếp về trước có Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, từ đức Phật ấy con phát tâm Bồ đề (Giác ngộ). Đức Phật ấy dạy con từ Nghe (Văn), Suy nghĩ (Tư) và Tu, nhập vào tam ma đề.
……………………………..
Đạo Phật, dù ở pháp môn nào, tông phái nào cũng lấy ba cái Nghe, Nghĩ, và Tu làm căn bản.
Pháp bắt đầu bằng nghe, đọc, học. Sau đó là suy nghĩ, tư duy về Pháp, nhờ suy nghĩ này mới tin hiểu được rồi mới đi vào thực hành (tu). Có tu mới có chứng, kinh nghiệm được Pháp trực tiếp và thực sự.
Ngay cả suy nghĩ cũng cần trong lúc thực hành, biết phân biệt cái này đúng cái kia sai, cái này là thật, cái này là tạm thời, đây là nhập địa, đây là trụ địa, đây là xuất địa…. Suy nghĩ này cũng cần căn cứ vào những điều đã nghe, đã học. Tóm lại khi hành một cái thì vẫn có hai cái kia đi kèm.
………………………………..
Ban đầu ở trong cái nghe, vào dòng mất cái được nghe (sở). Cái được nghe và chỗ vào đã vắng lặng, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sanh. Như vậy dần dần tăng tiến thêm, cái nghe (năng) và cái được nghe (sở) đều hết.
Chẳng dừng lại nơi hết cái nghe và cái được nghe thì cái năng giác và sở giác đều Không. Không và giác cùng tột tròn vẹn thì năng Không và sở Không đều diệt.
Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền. Tức thì vượt khỏi thế gian lẫn xuất thế gian, tròn sáng khắp mười phương, được hai điều tột bậc: Một là trên hợp với Bản giác diệu tâm của mười phương chư- Phật, cùng với chư Phật Như Lai đồng một sức Từ, hai là, dưới hợp với tất cả mười phương chúng sanh sáu nẻo, cùng với các chúng sanh đồng một Bi ngưỡng.
…………………………………….
Ban đầu ở trong cái nghe, vào dòng là vào dòng tánh nghe thì cái được nghe (âm thanh, không có âm thanh) bèn mất. Cái được nghe và chỗ vào đã vắng lặng, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sanh, như vậy là bắt đầu đi vào tánh nghe, vì tánh nghe thì không có người nghe và cái được nghe. Đây chỉ mới là Tam hiền, tương tự giác, chưa thực sự vào địa tức là vào Pháp thân tánh Không.
Nhưng chẳng dừng lại nơi hết cái nghe và cái được nghe mà tiến thêm nữa thì năng giác sở giác đều Không. Lúc này mới thực sự thấy biết được tánh nghe, mà cũng tức là tánh Không. Đây là vào Sơ địa tức là vào Pháp thân. Pháp thân có mười địa, giác theo các địa nên gọi là Tùy phần giác. Năng giác, sở giác đều Không, trực tiếp thấy biết điều đó gọi là Kiến đạo vị, địa vị thấy đạo tức là thấy Pháp thân tánh Không. Ngộ là phải từ đây trở lên, vì trực tiếp thấy được tánh Không.
Không và giác cùng tột tròn vẹn thì năng Không và sở Không đều diệt, đây là tu hành trong pháp thân tánh Không nhằm đạt đến sự cùng tột tròn vẹn tánh Không, từ sơ địa cho đến địa thứ bảy, Viễn hành địa.
Đến khi cùng tột trọn vẹn, năng Không và sở Không đều diệt, khi ấy sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền, đây là Địa thứ Tám, Bất động địa, đắc Vô sanh pháp nhẫn, ở Địa thứ Tám là hoàn toàn giải thoát, tương đương với quả Vô học của bậc A La Hán, vượt khỏi thế gian và xuất thế gian, tròn sáng khắp mười phương.
An trụ trong tánh nghe không có mọi năng sở thì sanh tử tập khí dần dần tiêu mất. Do đó mà “sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”. Đây là đắc quả vô lậu giải thoát.
Với bậc Bồ tát thì còn lên nữa để thành Phật. Ở đây có hai điều tột bậc: trên hợp với Tâm chư Phật, đồng một sức Từ, dưới hợp với tất cả chúng sanh, đồng một Bi ngưỡng.
Chúng ta thấy bậc Bồ tát không chỉ đạt đến tánh Không như một vị A La Hán, mà còn hợp nhất tánh Không với từ bi. Tánh Không bao trùm tất cả, đó là đại từ đại bi. Thế nên trong Kinh Đại Bát Nhã, chuyên nói về tánh Không, khi nói về Phật thì luôn luôn có từ bi “bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, mười lực, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi”.
Điều quan trọng cần ghi nhận, đây là con đường gồm 52 cấp bậc của Bồ tát, trong đó quan trọng nhất là Mười Địa, vì từ đây mới thoát khỏi sanh tử, thành bậc thánh. Con đường này là khách quan, còn đốn hay tiệm, nhanh hay chậm, nhảy vọt hay thứ lớp là do căn cơ từng người.