02
Khi ấy, chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ðại đức Thiện Hiện là chơn đệ tử đức Phật, từ Như Lai sanh. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện đã thuyết tất cả pháp đều tương ưng với không.
Cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc:
- Chư Thiên các ông nói Thiện Hiện tôi là chơn đệ tử đức Phật, từ Như Lai sanh. Thế nào là Thiện Hiện từ Như Lai sanh? Nghĩa là từ Như Lai chơn như sanh. Vì sao? Vì Như Lai chơn như không đến, không đi, Thiện Hiện chơn như cũng không đến, không đi, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như tức tất cả pháp chơn như, tất cả pháp chơn như tức Như Lai chơn như. Chơn như như thế là không tánh chơn như, cũng không phải không tánh chơn như. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như thường trụ là tướng, Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như không biến đổi, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như không bị trở ngại, tất cả pháp chơn như cũng không bị trở ngại. Hoặc Như Lai chơn như, hoặc tất cả pháp chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác, không tạo, không làm. Chơn như như thế là tướng thường chơn như, không thời, không tướng chơn như. Vì tướng thường chơn như, không thời, không tướng chơn như nên không hai, không khác. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như khắp mọi nơi không nhớ nghĩ, không phân biệt. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như không đổi khác, bất khả đắc. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Như Lai chơn như không lìa tất cả pháp chơn như, tất cả pháp chơn như không lìa Như Lai chơn như. Chơn như như thế là tướng thường chơn như, không thời, không tướng chơn như. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Tuy nói từ sanh nhưng không chỗ từ sanh, vì Thiện Hiện chơn như không khác Phật.
Như Lai chơn như không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Tất cả pháp chơn như cũng không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Thiện Hiện chơn như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh. Quá khứ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức quá khứ chơn như. Vị lai chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức vị lai chơn như. Hiện tại chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức hiện tại chơn như. Hoặc quá khứ chơn như, hoặc vị lai chơn như, hoặc hiện tại chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Sắc chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức sắc chơn như. Thọ, tưởng, hành, thức chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức thọ, tưởng, hành, thức chơn như. Hoặc sắc chơn như, hoặc thọ, tưởng, hành, thức chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Nhãn xứ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhãn xứ chơn như. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chơn như. Hoặc nhãn xứ chơn như, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Sắc xứ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức sắc xứ chơn như. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chơn như. Hoặc sắc xứ chơn như, hoặc thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Nhãn giới chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhãn giới chơn như. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới chơn như. Hoặc nhãn giới chơn như, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Sắc giới chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức sắc giới chơn như. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức thanh, hương, vị, xúc, pháp giới chơn như. Hoặc sắc giới chơn như, hoặc thanh, hương, vị, xúc, pháp giới chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Nhãn thức giới chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhãn thức giới chơn như. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới chơn như. Hoặc nhãn thức giới chơn như, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Nhãn xúc chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhãn xúc chơn như. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc chơn như. Hoặc nhãn xúc chơn như, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra chơn như. Các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra chơn như. Hoặc các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra chơn như, hoặc các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Ngã chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức ngã chơn như. Hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sanh, thanh niên, người làm, người thọ, người biết, người thấy chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức hữu tình cho đến người thấy chơn như. Hoặc ngã chơn như, hoặc hữu tình cho đến người thấy chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Bố thí Ba-la-mật-đa chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức bố thí Ba-la-mật-đa chơn như. Tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa chơn như. Hoặc bố thí Ba-la-mật-đa chơn như, hoặc tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Pháp nội Không (Không của các pháp nội tại) chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp nội Không chơn như. Pháp ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp nội ngoại tại), Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi Không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’) chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp ngoại Không cho đến pháp vô tính tự tính Không chơn như. Hoặc pháp nội Không chơn như, hoặc pháp ngoại Không cho đến pháp vô tính tự tính Không chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Chơn như chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức chơn như chơn như. Pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì chơn như. Hoặc chơn như chơn như, hoặc pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Thánh đế khổ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức Thánh đế khổ chơn như. Thánh đế tập, diệt, đạo chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức Thánh đế tập, diệt, đạo chơn như. Hoặc Thánh đế khổ chơn như, hoặc Thánh đế tập, diệt, đạo chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Bốn niệm trụ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức bốn niệm trụ chơn như. Bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo chơn như. Hoặc bốn niệm trụ chơn như, hoặc bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Bốn tịnh lự chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức bốn tịnh lự chơn như. Bốn vô lượng, bốn định vô sắc chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức bốn vô lượng, bốn định vô sắc chơn như. Hoặc bốn tịnh lự chơn như, hoặc bốn vô lượng, bốn định vô sắc chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Tám giải thoát chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức tám giải thoát chơn như. Tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ chơn như. Hoặc tám giải thoát chơn như, hoặc tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Pháp môn giải thoát không chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp môn giải thoát không chơn như. Pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện chơn như. Hoặc pháp môn giải thoát không chơn như, hoặc pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Thập địa, Tam thừa chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức thập địa, Tam thừa chơn như. Bồ-tát thập địa chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức Bồ-tát thập địa chơn như. Hoặc thập địa, Tam thừa chơn như, hoặc Bồ-tát thập địa chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Năm loại mắt chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức năm loại mắt chơn như. Sáu phép thần thông chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức sáu phép thần thông chơn như. Hoặc năm loại mắt chơn như, hoặc sáu phép thần thông chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Mười lực Phật chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức mười lực Phật chơn như. Bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chơn như. Hoặc mười lực Phật chơn như, hoặc bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Ba mươi hai tướng Ðại sĩ chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức ba mươi hai tướng Ðại sĩ chơn như. Tám mươi vẻ đẹp chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức tám mươi vẻ đẹp chơn như. Hoặc ba mươi hai tướng Ðại sĩ chơn như, hoặc tám mươi vẻ đẹp chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Pháp không quên mất chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp không quên mất chơn như. Tánh luôn luôn xả chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức tánh luôn luôn xả chơn như. Hoặc pháp không quên mất chơn như, hoặc tánh luôn luôn xả chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Pháp môn Ðà-la-ni chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp môn Đà-la-ni chơn như. Pháp môn Tam-ma-địa chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức pháp môn Tam-ma-địa chơn như. Hoặc pháp môn Đà-la-ni chơn như, hoặc pháp môn Tam-ma-địa chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Quả Dự lưu chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức quả Dự lưu chơn như. Quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức quả Nhất lai cho đến Ðộc giác Bồ-đề chơn như. Hoặc quả Dự lưu chơn như, hoặc quả Nhất lai cho đến Ðộc giác Bồ-đề chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đồng một không hai, không khác. Tất cả hạnh Đại Bồ-tát chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức tất cả hạnh Đại Bồ-tát chơn như. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chơn như. Hoặc tất cả hạnh Đại Bồ-tát chơn như, hoặc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác. Trí nhất thiết chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức trí nhất thiết chơn như. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như tức Như Lai chơn như, Như Lai chơn như tức trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như. Hoặc trí nhất thiết chơn như, hoặc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như, hoặc Như Lai chơn như, đều đồng một chơn như không hai, không khác.
Thiên chúng nên biết, các Đại Bồ-tát đang chứng tất cả pháp chơn như như thế. Thưa Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác! Con tin hiểu sâu sắc các pháp chơn như như thế nên nói Thiện Hiện từ Như Lai sanh.
Đang lúc Thiện Hiện thuyết tướng chơn như như vậy, ở thế giới Tam thiên đại thiên này, các núi lớn biến động sáu cách: Đông vọt Tây lặn, Tây vọt Đông lặn; Nam vọt Bắc lặn, Bắc vọt Nam lặn; giữa vọt bên lặn, bên vọt giữa lặn.
Khi ấy, Thiên chúng cõi Dục, cõi Sắc lại dùng bột hương chiên đàn, bột hương Đa-yết-la, bột hương Đa-ma-la và hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa sen vàng trên trời một lượt rải lên Như Lai và Thiện Hiện sau đó đồng thưa Phật:
- Bạch Như Lai! Thật là chưa từng có. Do chơn như nên đại đức Thiện Hiện từ Như Lai sanh.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên:
- Chư Thiên nên biết, Thiện Hiện tôi không do sắc nên từ Như Lai sanh, không do sắc chơn như nên từ Như Lai sanh; không lìa sắc nên từ Như Lai sanh, không lìa sắc chơn như nên từ Như Lai sanh. Không do thọ, tưởng, hành, thức nên từ Như Lai sanh, không do thọ, tưởng, hành, thức chơn như nên từ Như Lai sanh; không lìa thọ, tưởng, hành, thức nên từ Như Lai sanh, không lìa thọ, tưởng, hành, thức chơn như nên từ Như Lai sanh. Như vậy, cho đến không do trí nhất thiết nên từ Như Lai sanh, không do trí nhất thiết chơn như nên từ Như Lai sanh; không lìa trí nhất thiết nên từ Như Lai sanh, không lìa trí nhất thiết chơn như nên từ Như Lai sanh. Không do trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên từ Như Lai sanh, không do trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như nên từ Như Lai sanh; không lìa trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên từ Như Lai sanh, không lìa trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như nên từ Như Lai sanh. Không do hữu vi nên từ Như Lai sanh, không do hữu vi chơn như nên từ Như Lai sanh; không lìa hữu vi nên từ Như Lai sanh, không lìa hữu vi chơn như nên từ Như Lai sanh. Không do vô vi nên từ Như Lai sanh, không do vô vi chơn như nên từ Như Lai sanh; không lìa vô vi nên từ Như Lai sanh, không lìa vô vi chơn như nên từ Như Lai sanh. Vì sao? Chư Thiên chúng! Vì tất cả pháp này đều vô sở hữu. Những ai từ đó sanh, hoặc nơi sanh, do đây sanh, hoặc từ nơi đây sanh đều bất khả đắc.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đều rất sâu xa. Nghĩa là trong đó sắc bất khả đắc, sắc chơn như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó sắc còn bất khả đắc, huống nữa có sắc chơn như bất khả đắc. Trong đó thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc; thọ, tưởng, hành, thức chơn như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó thọ, tưởng, hành, thức còn bất khả đắc, huống nữa có thọ, tưởng, hành, thức chơn như khả đắc. Như vậy, cho đến trong đó trí nhất thiết bất khả đắc, trí nhất thiết chơn như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó trí nhất thiết còn bất khả đắc, huống nữa có trí nhất thiết chơn như khả đắc. Trong đó trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng bất khả đắc; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng còn bất khả đắc, huống nữa có trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như khả đắc.
Phật dạy:
- Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, các pháp chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều rất sâu xa. Nghĩa là trong đó sắc bất khả đắc, sắc chơn như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó sắc còn bất khả đắc, huống nữa có sắc chơn như khả đắc. Như thế cho đến trong đó trí nhất thiết tướng bất khả đắc. Trí nhất thiết tướng chơn như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó trí nhất thiết tướng còn bất khả đắc, huống nữa có trí nhất thiết tướng chơn như khả đắc.
Khi đức Phật thuyết tướng chơn như như vậy, có hai trăm Bí-sô dứt hết các lậu, tâm được giải thoát, thành A-la-hán; lại có năm trăm chúng Bí-sô-ni xa lìa trần cấu, ở trong các pháp sanh pháp nhãn tịnh; năm ngàn Bồ-tát sanh trong trời, người được vô sanh nhẫn; sáu ngàn Bồ-tát dứt hết các lậu, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.
Khi ấy, Phật dạy Xá-lợi Tử:
- Nay trong chúng đây có sáu ngàn Bồ-tát đã ở quá khứ gần gũi cúng dường năm trăm chư Phật. Ở chỗ mỗi đức Phật, phát hoằng thệ nguyện chánh tín xuất gia. Dù tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự mà không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo, nên suy nghĩ khác, hành hạnh khác.
Khi tu bố thí, suy nghĩ như vầy: Ðây là bố thí, đây là vật bố thí, đây là người nhận, ta hành bố thí. Khi tu tịnh giới, suy nghĩ như vầy: Ðây là tịnh giới, đây là tội nghiệp, đây là cảnh được hộ, ta thường trì giới. Khi tu an nhẫn, suy nghĩ như vầy: Ðây là an nhẫn, đây là chướng nhẫn, đây là cảnh được nhẫn, ta hành an nhẫn. Khi tu tinh tấn, suy nghĩ như vầy: Ðây là tinh tấn, đây là lười nhác, đây là việc nên làm, ta thường tinh tấn. Khi tu tịnh lự, suy nghĩ như vầy: Ðây là tịnh lự, đây là tán động, đây là việc nên tu, ta thường tu định. Đó là họ không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo, nương suy nghĩ và hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự sai khác. Do suy nghĩ sai khác, hành sai khác, nên không được Bồ-tát suy nghĩ đúng lý, mất Bồ-tát hành đúng lý. Do đó nên không được vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh. Do không được vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh, nên đắc quả Dự lưu, lần đến quả A-la-hán. Thế nên, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào dù có đạo Bồ-đề và có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện mà không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa và xa lìa phương tiện thiện xảo, chứng thật tế, rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa.
Cụ thọ Xá-lợi Tử lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào có những vị Bổ-đặc-già-la Thanh văn thừa hoặc Ðộc giác thừa tu pháp không, vô tướng, vô nguyện không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo, chứng thật tế rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa? Có những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, nương phương tiện thiện xảo, tuy chứng thật tế nhưng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Phật dạy:
- Xá-lợi Tử! Những vị Bổ-đặc-già-la Thanh văn thừa hoặc Ðộc giác thừa xa lìa tâm trí nhất thiết trí, không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, không có phương tiện thiện xảo, tu pháp không, vô tướng, vô nguyện nên chứng thật tế, rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa. Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa không xa lìa tâm trí nhất thiết trí, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, có phương tiện thiện xảo, khởi đại bi tâm làm thượng thủ tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, tuy chứng thật tế nhưng vào ngôi Bồ-tát Chánh tánh ly sanh, chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Xá-lợi Tử! Thí như có con chim, thân dài lớn trăm do-tuần, hoặc hai trăm, hoặc ba trăm do-tuần mà không có cánh. Từ trời Ba mươi ba chim này gieo mình rơi xuống châu Thiệm-bộ, rơi giữa đường nó suy nghĩ: Ta muốn trở lại trời Ba mươi ba. Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Chim này có thể về lại trời Ba mươi ba được không?
Xá-lợi Tử thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!
Phật dạy:
- Xá-lợi Tử! Giữa đường chim này lại mong muốn đến châu Thiệm-bộ thân không bị tổn thương. Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Sự mong muốn của chim này có được như ý không?
Xá-lợi Tử thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Chim này khi đến châu Thiệm-bộ, chắc chắn nó bị tổn thương, có thể mất mạng, hoặc đau đến gần chết. Vì sao? Vì thân chim này lớn, từ cao rơi xuống mà không có cánh.
Phật dạy:
- Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói. Xá-lợi Tử! Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa cũng lại như vậy. Tuy trải qua vô lượng, vô số đại kiếp, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự cũng tu Bát-nhã cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo, tu pháp không, vô tướng, vô nguyện chứng thật tế, thì cũng rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa này xa lìa tâm trí nhất thiết trí, dù trải qua vô lượng, vô số đại kiếp, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu Bát-nhã mà không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo, thì sẽ rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa.
Xá-lợi Tử! Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa này dù nhớ chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại có giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn, cung kính cúng dường, tùy thuận tu hành, nhưng đối trong đó chấp trước tướng, nên hiểu không đúng lý công đức viên mãn về giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Các Đại Bồ-tát này vì không hiểu đúng lý công đức của Phật, nên dù nghe đạo Vô thượng Chánh đẳng giác và pháp không, vô tướng, vô nguyện nhưng nương âm thanh này chấp trước tướng. Chấp trước tướng rồi lại quay về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa này tuy quay về như thế nhưng không đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa này, do không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa và xa lìa phương tiện thiện xảo, nên dù đem các căn lành đã tu quay về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nhưng vẫn rơi vào Thanh văn địa hoặc Ðộc giác địa.
Lại nữa, Xá-lợi Tử! Có những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa, từ sơ phát tâm không xa lìa tâm trí nhất thiết trí, khởi đại bi làm thượng thủ, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu diệu tuệ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, không xa lìa phương tiện thiện xảo, vẫn nhớ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại nhưng không chấp trước tướng; tuy tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng cũng không chấp tướng. Vẫn nhớ các thứ công đức của mình và người, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau quay về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không chấp tướng.
Xá-lợi Tử! Nên biết, trụ Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa như thế thẳng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không rơi vào Thanh văn địa và Ðộc giác địa. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa này, từ sơ phát tâm cho đến tận cùng không xa lìa tâm trí nhất thiết trí, trong tất cả thời luôn khởi đại bi làm thượng thủ. Vẫn tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu Bát-nhã nhưng không chấp tướng. Tuy nhớ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng cũng không chấp tướng. Vẫn tu đạo Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và pháp không, vô tướng, vô nguyện cũng không chấp tướng.
Xá-lợi Tử! Những vị Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa này vì có phương tiện thiện xảo nên đem tâm ly tướng tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự và Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến đem tâm ly tướng tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Do đó quyết chắc chứng sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu lời Phật thuyết Đại Bồ-tát nào từ sơ phát tâm cho đến tận cùng, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, không xa lìa phương tiện thiện xảo thì Đại Bồ-tát này gần về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này từ sơ phát tâm cho đến tận cùng đều không thấy có một chút pháp nào khả đắc. Nghĩa là hoặc năng chứng, hoặc sở chứng, hoặc chỗ chứng, hoặc thời chứng, hoặc do đây chứng đều bất khả đắc. Đó là hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức, cho đến hoặc trí nhất thiết, hoặc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều bất khả đắc.
Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ… Bồ-tát thừa không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo mà cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nên biết sự cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của họ còn nghi hoặc, do dự hoặc đắc, hoặc không đắc. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ… Bồ-tát thừa này không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa phương tiện thiện xảo, nên đối với sự tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa đều chấp trước tướng. Như vậy, cho đến sự tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều chấp trước tướng. Do đó nên các thiện nam, thiện nữ… Bồ-tát thừa này còn nghi hoặc do dự hoặc đắc, hoặc không đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên, bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, quyết định không nên xa lìa phương tiện thiện xảo, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát này an trụ phương tiện thiện xảo, Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đem tâm vô tướng tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến đem tâm câu hành (vô sở đắc) và vô tướng tu hành trí nhất thiết, tu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đại Bồ-tát nào an trụ phương tiện thiện xảo, Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, đem tâm câu hành với vô tướng tu hành tất cả Phật pháp như thế chắc chắn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, Thiên chúng cõi Dục, cõi Sắc đồng thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp tự tướng, cộng tướng đều chứng biết, nên mới có thể đạt được sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng sự hiểu biết pháp tướng của các chúng Đại Bồ-tát đều vô sở hữu bất khả đắc.
Phật bảo chư Thiên:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như các ông đã nói. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc. Chư Thiên nên biết: Ta cũng giác ngộ tướng tất cả pháp, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng đều không đắc thắng nghĩa pháp tướng có thể gọi đây là năng chứng, đây là sở chứng, đây là chỗ chứng, đây là thời chứng, do đây mà chứng. Vì sao? Vì tất cả pháp rốt ráo tịnh, hữu vi, vô vi rốt ráo không. Do đó nên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như Ngài đã nói, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc, nhưng con suy nghĩ lời Ngài nói quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật rất dễ tin hiểu, rất dễ chứng đắc. Vì sao? Vì nếu tin hiểu không có pháp năng chứng, không pháp sở chứng, không có chỗ chứng, không có thời chứng, cũng không do đây mà có chứng đắc, thì tin hiểu được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Nếu chứng biết không có pháp năng chứng, không có pháp sở chứng, không có chỗ chứng, không có thời chứng, cũng không do đây mà có chứng đắc, thì chứng được sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì tất cả pháp đều rốt ráo Không (tất cánh Không). Trong rốt ráo Không, đều không có pháp có thể gọi năng chứng, có thể gọi sở chứng, có thể gọi chỗ chứng, có thể gọi thời chứng, có thể gọi do đây mà có chứng đắc. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh tướng đều Không, hoặc tăng, hoặc giảm đều vô sở hữu, đều bất khả đắc. Do đó sự tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát đều vô sở hữu, đều bất khả đắc. Như vậy, cho đến trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều vô sở hữu, đều bất khả đắc.
Các Đại Bồ-tát quán sát các pháp, hoặc hữu sắc, hoặc vô sắc, hoặc hữu kiến, hoặc vô kiến, hoặc hữu đối, hoặc vô đối, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi đều vô sở hữu, đều bất khả đắc. Do đó nên con suy nghĩ ý nghĩa đức Phật nói quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật rất dễ tin hiểu, rất dễ chứng đắc.
Các Đại Bồ-tát không nên bảo điều này khó tin hiểu và khó chứng đắc. Vì sao? Vì sắc, tự tánh sắc là không; thọ, tưởng, hành, thức, tự tánh thọ, tưởng, hành, thức là không. Như vậy, cho đến trí nhất thiết, tự tánh trí nhất thiết là không; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, tự tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là không. Đại Bồ-tát đối với nghĩa tự tánh không như thế, sanh lòng tin hiểu, y vậy mà tu hành sẽ đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Xá-lợi Tử bảo Thiện Hiện:
- Cũng do nhân duyên này mà quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát quán tất cả pháp đều vô tự tánh, đều như hư không. Ví như hư không không suy nghĩ: Ta phải tin hiểu sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Các Đại Bồ-tát cũng như thế, không suy nghĩ: Ta phải tin hiểu sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì các pháp đều không, ngang bằng hư không. Các Đại Bồ-tát cần phải tin hiểu các pháp đều không, ngang bằng hư không, y vậy mà tu hành mới đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát nào tin hiểu các pháp ngang bằng hư không thì đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mới dễ sanh lòng tin hiểu, dễ chứng đắc. Không thể có hằng hà sa số Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại công đức, hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà giữa đường thối lui. Vì thế, nên biết quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi Xá-lợi Tử:
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Sắc đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Thọ, tưởng, hành, thức đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Cho đến trí nhất thiết đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Sắc chơn như đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Thọ, tưởng, hành, thức chơn như đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Cho đến trí nhất thiết chơn như đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa sắc có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa thọ, tưởng, hành, thức có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Cho đến lìa trí nhất thiết có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa sắc chơn như có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa thọ, tưởng, hành, thức chơn như có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Cho đến lìa trí nhất thiết chơn như có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Các pháp chơn như đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Các pháp pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa các pháp chơn như có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Lìa các pháp pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì có pháp đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thối lui không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi Xá-lợi Tử:
- Nếu tất cả pháp đều vô sở hữu, đều bất khả đắc, thì hiền giả nói các pháp nào có thể đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà có thối lui?
Xá-lợi Tử bảo Thiện Hiện:
- Như nhân giả đã nói, trong vô sanh pháp nhẫn đều không có pháp, cũng không có Bồ-tát có thể đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nói có thối lui. Nếu vậy thì cớ sao đức Phật nói ba hạng trụ Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa, chỉ nên nói một. Lại như nhân giả nói, lẽ ra không có Tam thừa Bồ-tát khác nhau, chỉ có một Chánh đẳng giác thừa.
Khi ấy, Mãn Từ Tử thưa Xá-lợi Tử:
- Nên hỏi Tôn giả Thiện Hiện chấp nhận có một Bồ-tát thừa hay không? Sau đó mới không kiến lập Tam thừa khác nhau, chỉ có một Chánh đẳng giác thừa mà thôi.
Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
- Hiền giả chấp nhận có Bồ-tát thừa hay không?
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi Xá-lợi Tử:
- Xá-lợi Tử! Ý hiền giả thế nào? Trong tất cả pháp chơn như có tướng ba hạng trụ Bổ-đặc-già-la Bồ-tát thừa khác nhau chăng? Nghĩa là có người lui trụ Thanh văn thừa, hoặc có người trụ Ðộc giác thừa, hoặc có người chứng đắc Vô thượng thừa?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trong tất cả pháp chơn như có khác Tam thừa Bồ-tát chăng?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trong tất cả pháp chơn như, thật có một Bồ-tát thừa không thối lui chăng?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trong tất cả pháp chơn như, thật có các Đại Bồ-tát một Chánh đẳng giác thừa chăng?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trong các pháp chơn như có một, có hai, có ba tướng chăng?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
- Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trong tất cả pháp chơn như, còn có một pháp, hoặc một Bồ-tát có thể đắc không?
Xá-lợi Tử đáp:
- Thiện Hiện! Không!
Cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá-lợi Tử:
- Nếu tất cả pháp đều vô sở hữu, đều bất khả đắc, thì tại sao Xá-lợi Tử có thể suy nghĩ như vầy: Bồ-tát như thế đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chắc chắn thối lui; Bồ-tát như thế đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chắc chắn không thối lui; Bồ-tát như thế đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật không chắc chắn; Bồ-tát như thế là Thanh văn thừa; Bồ-tát như thế là Ðộc giác thừa; Bồ-tát như thế là Chánh giác thừa, như thế là ba, như thế là một.
Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào đối với tất cả pháp đều không sở đắc, đối với tất cả pháp chơn như cũng hoàn toàn tin hiểu đều không sở đắc, đối với các Bồ-tát cũng không sở đắc, đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng không sở đắc. Nên biết đây là chơn Đại Bồ-tát.
Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào nghe thuyết tướng các pháp chơn như bất khả đắc, tâm không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ hãi, không nghi, không hối, không lui, không chìm thì Đại Bồ-tát này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề trong thời gian đó chắc chắn không thối lui.