XXXV. PHẨM THIẾT-XÁ-LỢI
- Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Giả sử Thiết-lợi-la (Xá-lợi) của Phật đầy khắp châu Thiệm-bộ đây, chọn lấy một phần; biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, lại chọn lấy một phần. Trong hai phần đây, ngươi lấy phần nào?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Chắc chắn con lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì đối với Thiết-lợi-la của chư Phật, chẳng phải con không tín thọ, chẳng phải con chẳng vui thích cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, nhưng Kim thân và Thiết-lợi-la của chư Phật đều do Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra, và đều do công đức thế lực huân tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra, nên mới được tất cả thế gian, trời, người, A-tố-lạc… đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa, cho đến đèn sáng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bảo trời Ðế Thích:
- Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng, đó là vô tướng. Pháp vô tướng đã chẳng thể lấy được, vậy ông lấy như thế nào? Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa không lấy không bỏ, không thêm không bớt, không tụ không tan, không ích không tổn, không nhiễm không tịnh; chẳng đồng với pháp chư Phật, chẳng đồng với pháp Ðộc giác, chẳng đồng với pháp A-la-hán, chẳng đồng với pháp học, chẳng bỏ pháp dị sanh; chẳng đồng với vô vi giới, chẳng bỏ hữu vi giới, chẳng đồng với nội không cho đến vô tánh tự tánh không; chẳng đồng với bốn niệm trụ, cho đến trí nhất thiết tướng, chẳng bỏ pháp tạp nhiễm.
Trời Ðế Thích bèn nói với cụ thọ Xá-lợi Tử:
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như Ðại đức nói. Bạch Ðại đức! Nếu như thật biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa không lấy không bỏ, cho đến chẳng đồng với trí nhất thiết tướng, chẳng bỏ tạp nhiễm, đó là chơn thật lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cũng là chơn thật tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Nhưng Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chẳng theo hai hạnh, vì không hai tướng. Tĩnh lự cho đến bố thí Ba-la-mật-đa cũng như vậy, chẳng theo hai hạnh, vì không hai tướng.
Khi ấy, đức Phật khen trời Ðế Thích rằng:
- Hay thay! Hay thay! Ðúng như ông đã nói. Bát-nhã cho đến bố thí Ba-la-mật-đa sâu xa đều chẳng theo hai hạnh. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì sáu pháp Ba-la-mật-đa như thế đều không hai tướng.
Này Kiều-thi-ca! Những người có ý muốn khiến Bát-nhã cho đến bố thí Ba-la-mật-đa sâu xa có hai tướng, tức là muốn pháp giới, chơn như, pháp tánh, thật tế, bất tư nghì giới cũng có hai tướng. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã cho đến bố thí Ba-la-mật-đa sâu xa cùng với pháp giới cho đến bất tư nghì giới là không hai, không hai chỗ.
Trời Ðế Thích lại thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, thế gian, trời, người, A-tố -lạc… đều nên chí thành lễ bái, đi nhiễu, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng Đại Bồ-tát đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, tinh tấn siêng năng tu học, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề.
Bạch đức Thế Tôn! Như khi con ngồi trên tòa Thiên Ðế, trong điện Thiện pháp của cõi trời Ba mươi ba, vì các thiên chúng mà tuyên nói Chánh pháp thì có vô lượng các thiên tử… đi đến chỗ con cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, đi nhiễu lễ bái, rồi chấp tay lui về. Nhưng khi con chẳng ở trên pháp tòa kia, các thiên tử… cũng đến chỗ ấy, dù chẳng thấy con ngồi trên pháp tòa, họ vẫn cung kính cúng dường, nói rằng: Chỗ đây là chỗ ngồi của trời Ðế Thích, vì chư thiên… thuyết pháp, chúng ta nên xem như có thiên chủ ở đây mà cúng dường, đi nhiễu, lễ bái rồi lui về.
Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy, nếu nơi nào có người biên chép, thọ trì đọc tụng, rộng vì hữu tình giảng nói lưu bố thì phải biết rằng, chỗ ấy luôn có vô lượng vô số trời, rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn… ở cõi đây và mười phương vô biên thế giới khác, đều đến nhóm hội. Giả sử ở chỗ ấy không có người thuyết pháp, vì kính trọng pháp, họ cũng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, lễ bái rồi lui về. Vì cớ sao? Vì tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và các chúng Đại Bồ-tát, Ðộc giác, Thanh văn, tất cả hữu tình có được sự an vui là đều nhờ nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà được. Thiết-lợi-la của Phật được cúng dường cũng do công đức huân tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà được vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa cùng với các hạnh Đại Bồ-tát và chỗ chứng được trí nhất thiết tướng làm nhân, làm duyên, làm chỗ nương dựa, hay khéo dẫn phát. Vậy nên con nói: Giả sử Thiết-lợi-la của Phật đầy khắp châu Thiệm-bộ đây, chọn lấy một phần; biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, chọn lấy một phần. Trong hai phần đây, nhất định con lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế.
Bạch đức Thế Tôn! Ðối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, nếu khi con thọ trì đọc tụng, nhớ nghĩ chơn chánh, vì tâm hợp với pháp nên chẳng thấy có các tướng sợ hãi. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói. Do Bát-nhã Ba-la-mật-đa không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói nên tĩnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết tướng cũng không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây có hình tướng, ngôn từ, lời nói, chẳng phải không có hình tướng, ngôn từ, lời nói thì chẳng phải Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác thấu đạt tất cả pháp không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề, vì các đệ tử nói tất cả pháp không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói.
Bạch đức Thế Tôn! Do Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây không có hình tướng, ngôn từ lời nói, chớ chẳng phải có hình tướng, ngôn từ lời nói. Cho nên đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác thấu đạt tất cả pháp không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề, vì các đệ tử nói tất cả pháp không hình, không tướng, không ngôn từ, không lời nói.
Bạch đức Thế Tôn! Do vậy, Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể thọ nhận trời, người, A-tố-lạc… đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng mà cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu ai đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố, hoặc lại biên chép, trang hoàng bằng các thứ báu, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thì quyết định chẳng đọa lại trong các cõi địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, biên địa quê mùa, chẳng tin Phật pháp, ác kiến; chẳng rơi vào hàng Thanh văn và Ðộc giác, nhất định huớng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề, thường thấy chư Phật, luôn nghe Chánh pháp, chẳng lìa bạn lành, nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và các chúng Đại Bồ-tát.
Lại nữa, Bạch đức Thế Tôn! Giả sử Thiết-lợi-la của Phật đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới đây, chọn lấy một phần; biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, lại chọn lấy một phần. Trong hai phần này, nhất định con lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và Thiết-lợi-la của Phật khắp Tam thiên đại thiên thế giới đều từ Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây sanh ra. Hơn nữa, Thiết-lợi-la của Phật khắp Tam thiên đại thiên thế giới là do thế lực công đức huân tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên được các trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Bởi nhân duyên đây, nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Thiết-lợi-la của Phật thì quyết định chẳng đọa vào ba đường ác, thường sanh cõi trời người hưởng các sự an vui phú quí, tùy theo sở nguyện mà nương pháp Tam thừa hướng tới Niết-bàn.
Bạch đức Thế Tôn! Hoặc thấy đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, hoặc thấy biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Hai công đức đây bình đẳng không khác nhau. Vì cớ sao? Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa cùng với các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác bình đẳng không hai, không hai chỗ.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu có đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nào trụ ba phen chỉ dẫn, vì các hữu tình tuyên nói Chánh pháp, tức là Khế kinh cho đến Luận nghị; hoặc có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, thọ trì đọc tụng, rộng vì người thuyết; thì hai công đức đây bình đẳng không khác nhau. Vì cớ sao? Vì nếu đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác hoặc ba phen chỉ dẫn, hoặc tuyên thuyết mười hai phần giáo thì đều phải nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà sanh ra.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương cõi, trụ ba phen chỉ dẫn, vì các hữu tình tuyên nói Chánh pháp, tức là Khế kinh cho đến Luận nghị; hoặc có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, thọ trì đọc tụng, rộng vì người thuyết, thì hai công đức đây bình đẳng không khác nhau. Vì cớ sao? Vì nếu tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương cõi, hoặc ba phen chỉ dẫn, hoặc tuyên thuyết mười hai phần giáo thì đều phải nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà sanh ra.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đem vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác như cát sông hằng khắp mười phương thế giới; hoặc có thiện nam tử, thiện nữ nhân biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cũng dùng vô lượng đồ cúng thượng diệu cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, thì hai công đức đây bình đẳng không khác nhau. Vì cớ sao? Vì các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác kia đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà sanh ra vậy.
Bạch đức Thế Tôn ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu bố thì tương lai, vị ấy chẳng bị đọa vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ; chẳng rơi vào hàng Thanh văn và Ðộc giác. Vì cớ sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân này quyết định sẽ trụ bậc Bất thối chuyển, xa lìa tất cả việc tai họa, tật dịch, khổ não.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, dùng vô lượng đồ cúng thượng diệu cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thì nhất định vị ấy dứt hẳn tất cả sự sợ hãi. Như kẻ mắc nợ sợ hãi chủ nợ, bèn gần gũi phụng sự quốc vương, nương thế lực nhà vua tránh được sợ hãi. Bạch đức Thế Tôn! Vua dụ cho Bát-nhã Ba-la-mật-đa, kẻ mắc nợ người dụ cho thiện nam tử, thiện nữ nhân nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa được thoát sợ hãi.
Bạch đức Thế Tôn! Ví như có người nương dựa vua, nhờ vua bảo hộ nên họ được mọi người cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Thiết-lợi-la của Phật cũng lại như thế, do huân tu từ Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên được các trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Bạch đức Thế Tôn! Vua dụ cho Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Thiết-lợi-la của Phật dụ cho kẻ nương vua.
Bạch đức Thế Tôn! Chư Phật đạt được trí nhất thiết tướng là cũng nhờ nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà được. Vậy nên con nói, giả sử Thiết-lợi-la của Phật đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới, chọn lấy một phần; biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, cũng chọn lấy một phần. Trong hai phần đây, con nhất định lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì Thiết-lợi-la của Phật cứng chắc hơn kim cương, đủ các màu sắc và ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân, mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cho đến trí nhất thiết tướng của Như Lai đều do Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà thành tựu.
Bạch đức Thế Tôn! Do sức oai thần của Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây nên năm pháp: bố thí… cũng được gọi là Ba-la-mật-đa. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì nếu không có Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì bố thí… chẳng thể đưa đến chỗ rốt ráo được.
Lại nữa, Bạch đức Thế Tôn! Nếu trong kinh đô vương quốc, thành ấp, xóm làng nào của Tam thiên đại thiên thế giới, hoặc các thế giới khác mà có người thọ trì đọc tụng, biên chép giải nói, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, thì hữu tình ở chỗ đó chẳng bị các loài nhơn phi nhơn… làm não hại, chỉ trừ ác nghiệp đã chín mùi phải chịu. Hữu tình trong đây lần lược tu học chánh hạnh Tam thừa, tùy theo sở nguyện mà sớm chứng được Niết-bàn của Tam thừa.
Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế làm lợi ích lớn cho cõi Tam thiên đại thiên thế giới. Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế đủ đại thần lực, ở chỗ nào thì chỗ đó có Phật, làm các việc Phật, nghĩa là luôn làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình.
Bạch đức Thế Tôn! Ví như thần châu đại bảo vô giá có đủ vô lượng oai đức thắng diệu. Thần châu này ở chỗ nào thì chỗ đó, người và phi nhơn không có não hại. Giả sử có người nam hoặc người nữ nào bị quỷ bắt giữ, thân tâm khổ não, nếu cầm thần châu đây đưa cho họ thấy thì do oai lực của thần châu, quỷ liền bỏ chạy. Hoặc người bị bệnh nóng, bệnh gió, bệnh đàm, hoặc nóng gió đàm tập hợp sanh bệnh, nếu buộc thần châu nơi thân thì các bệnh như thế đều lành. Trong đêm tối, thần châu có thể soi sáng và khi nóng, làm cho mát, khi lạnh, làm cho ấm. Bất cứ nơi đâu có thần châu thì thời tiết nơi đó điều hòa, chẳng lạnh chẳng nóng.
Nếu nơi nào có thần châu thì rắn độc, bọ cạp… không dám nương ở. Giả sử có người nam hoặc người nữ nào bị trúng độc đau khổ mê man, nếu cầm thần châu đưa cho họ thấy thì nhờ oai lực của thần châu độc liền tiêu mất.
Nếu các hữu tình thân bị tật hủi, ghẻ dữ, đầy thủng, nhặm mắt, mù loà, bệnh mắt, bệnh tai, bệnh mũi, bệnh lưỡi, bệnh cổ, bệnh thân, bệnh khắp tứ chi, đeo thần châu vào thân thì các bệnh đều lành.
Nếu nước trong các ao hồ, suối, giếng… bị đục uế, hoặc sắp cạn khô, đem thần châu bỏ vào trong ấy thì nước tràn đầy, thơm sạch tinh khiết, đủ tám công đức.
Nếu dùng tấm vải đủ các loại màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng tía, bích lục xen tạp nhau, gói thần châu lại rồi cho vào nước, vải ngũ sắc kia có màu sắc như thế nào thì nước cũng có màu sắc như thế.
Viên thần châu đại bảo vô giá Như vậy, oai đức vô biên, khen chẳng thể hết. Nếu đựng trong rương thì rương kia cũng thành tựu đầy đủ vô biên oai đức. Dù cho rương này hiện tại trống không, nhưng do trước đây từng đựng thần châu, nên nó vẫn được nhiều người mến trọng.
Bấy giờ, Khánh Hỷ hỏi trời Ðế Thích rằng:
- Thần châu như thế chỉ độc nhất chư thiên mới có hay loài người cũng có?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch Ðại đức! Trong cõi người và trên trời đều có châu này. Nhưng ở trong cõi người thì châu này hình nhỏ mà nặng, còn ở trên trời thì châu này hình lớn mà nhẹ. Thần châu này ở trong cõi người, tướng của nó chẳng đầy đủ, nhưng ở trên cõi trời thì tướng của châu này tròn trịa. Thần châu trên cõi trời oai đức thù thắng vô lượng bội phần hơn ở cõi người.
Khi ấy, trời Ðế Thích lại thưa Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy, làm gốc các đức, năng diệt vô lượng pháp ác bất thiện; ở bất cứ nơi đâu, nó cũng khiến cho thân tâm khổ não của các hữu tình đều được trừ diệt; nhơn phi nhơn… chẳng làm hại được.
Bạch đức Thế Tôn! Cái gọi là thần châu đại bảo vô giá, chẳng những chỉ dụ cho Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, mà còn dụ cho trí nhất thiết tướng của Như Lai, cũng dụ cho tĩnh lự Ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, cũng dụ cho nội không cho đến vô tánh tự tánh không, cũng dụ cho bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng dụ cho pháp giới, pháp tánh, pháp trụ, pháp định, chơn như, thật tế, bất tư nghì giới. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì công đức như thế đều do đại oai thần lực của Bát-nhã Ba-la-mật-đa dẫn phát hiển bày. Công đức này sâu rộng vô lượng vô biên. Thiết-lợi-la của Phật do các công đức đã huân tu, nên sau khi Phật Niết-bàn mới có thể kham nhận tất cả thế gian, trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Lại nữa, Bạch đức Thế Tôn! Thiết-lợi-la của Phật là cực viên mãn tối thắng thanh tịnh; do nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, nội không cho đến vô tánh tự tánh không, bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, dứt hẳn tập khí phiền não nối nhau và nương vào vô lượng vô biên Phật pháp khác, nên sau khi Phật Niết-bàn mới có thể kham nhận tất cả thế gian, trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Bạch đức Thế Tôn! Thiết-lợi-la của Phật là công đức trân bảo cực viên mãn tối thắng thanh tịnh, do nương vào Ba-la-mật-đa nên có thể kham nhận tất cả thế gian, trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Bạch đức Thế Tôn! Thiết-lợi-la của Phật là cực viên mãn tối thắng thanh tịnh, không nhiễm không tịnh, không sanh không diệt, không vào không ra, không thêm không bớt, không đến không đi, không động không ngừng, không đây không kia; do nương vào Ba-la-mật-đa nên sau khi Phật Niết-bàn mới có thể kham nhận tất cả thế gian, trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Bạch đức Thế Tôn! Thiết-lợi-la của Phật là thật tánh của các pháp cực viên mãn tối thắng thanh tịnh, do nương vào Ba-la-mật-đa nên sau khi Phật Niết-bàn mới có thể kham nhận tất cả thế gian, trời, người, A-tố-lạc… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Lại nữa, Bạch đức Thế Tôn! Ngoài việc nói Thiết-lợi-la của Phật đầy Tam thiên đại thiên thế giới, giả sử Thiết-lợi-la của Phật đầy khắp mười phương giới nhiều như cát sông Hằng, chọn lấy một phần; biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế cũng chọn lấy một phần. Trong hai phần đây, con nhất định chọn lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế. Vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn! Vì Thiết-lợi-la của tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều do Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh ra, đều do Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế huân tu, đều do Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế làm chỗ nương tựa nên có thể kham nhận tất cả trời, rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Thiết-lợi-la của Phật thì vị đó sẽ hưởng được các sự giàu sang, an vui không có cùng tận trong các cõi trời, người. Trong cõi người, đó là đại tộc Sát-đế-lợi, đại tộc Bà-la-môn, đại tộc Trưởng giả, đại tộc Cư sĩ. Trên cõi trời, đó là chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Tha hóa tự tại. Tức do căn lành thù thắng như thế nên đến thân cuối cùng dứt sạch các khổ.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, biên chép giải nói, suy nghĩ đúng lý thì do Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây mà mau được viên mãn. Do được viên mãn Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy, nên khiến cho tĩnh lự Ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng được viên mãn. Do đây, nên giỏi khéo vượt bậc Thanh văn và Ðộc giác, chứng nhập chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, được thần thông thù thắng của Bồ-tát. Hóa thần thông dạo các cõi Phật; từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, phát tư nguyện thù thắng, thọ các loại thân, vì muốn làm lợi ích cho các loại hữu tình nên làm Chuyển luân vương, hoặc làm các Tiểu vương, hoặc làm Sát-đế-lợi, hoặc làm Bà-la-môn, hoặc làm Tỳ-sa-môn, hoặc làm Ðế Thích, hoặc làm Phạm vương, hoặc làm các loài khác lợi ích an vui cho vô lượng hữu tình.
Do vậy, bạch đức Thế Tôn! Ðối với Thiết-lợi-la của chư Phật, con chẳng phải không tín thọ, chẳng phải không vui mừng, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Nhưng đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, con cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, thì được công đức rất nhiều hơn kia. Do nhân duyên đây, con quyết định chọn lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Bạch đức Thế Tôn ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân… cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế thì làm tăng trưởng tất cả Phật pháp, cũng là thu nhận sự giàu có, an vui tự tại của thế gian và xuất thế gian. Như vậy là đã cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Thiết-lợi-la của Phật.
Lại nữa, Bạch đức Thế Tôn! Nếu có ai muốn được thường thấy Sắc thân, Pháp thân của tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác khắp mười phương vô lượng, vô số vô biên thế giới, nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì vị ấy sẽ thấy được hai thân của tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác khắp mười phương vô lượng, vô số vô biên thế giới; rồi dần dần tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa khiến cho mau viên mãn. Khi ấy, nên dùng pháp tánh để tu tập quán Phật tùy niệm.
Bạch đức Thế Tôn! Pháp tánh có hai: một là hữu vi, hai là vô vi. Trong đây, cái gì gọi pháp tánh hữu vi? Ðó là trí nội không cho đến trí vô tánh tự tánh không, trí bốn niệm trụ cho đến trí tám chi thánh đạo, trí ba môn giải thoát, trí mười lực Phật cho đến trí mười tám pháp Phật bất cộng, trí pháp thiện phi thiện, trí pháp hữu ký vô ký, trí pháp hữu lậu vô lậu, trí pháp hữu vi vô vi, trí pháp thế gian xuất thế gian, trí pháp tạp nhiễm thanh tịnh. Các trí môn nhiều vô lượng như thế đều được gọi là pháp tánh hữu vi.
Trong đây, pháp tánh vô vi là gì? Ðó là tất cả pháp vô sanh vô diệt, vô trụ vô dị, vô nhiễm vô tịnh, vô tăng vô giảm, vô tướng vô vi, tự tánh các pháp. Sao gọi là tự tánh các pháp? Tự tánh tất cả pháp là vô tánh. Như vậy, gọi nó là pháp tánh vô vi.
Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích:
- Này Kiều-thi-ca! Ðúng vậy! Ðúng vậy. Ðúng như ông đã nói. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà đã chứng, sẽ chứng, hiện chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề. Ðệ tử Thanh văn của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà đã được, sẽ được, hiện được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán. Các vị Ðộc giác quá khứ, vị lai, hiện tại đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà đã chứng, sẽ chứng, hiện chứng quả Ðộc giác Bồ-đề. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Vì trong tạng bí mật của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế đã rộng nói pháp tương ưng với Tam thừa. Song những điều đã nói ở đây đều lấy không sở đắc làm phương tiện, không tánh không tướng làm phương tiện, không sanh không diệt làm phương tiện, không nhiễm không tịnh làm phương tiện, không tạo không tác làm phương tiện, không nhập không xuất làm phương tiện, không tăng không giảm làm phương tiện, không thủ không xả làm phương tiện. Những điều đã nói như thế đều là do thế tục mà nói, chẳng phải thắng nghĩa. Vì sao vậy? Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, chẳng phải bờ đây, chẳng phải bờ kia; chẳng phải hai bờ, chẳng phải giữa dòng; chẳng cao, chẳng thấp; chẳng bình đẳng, chẳng phải chẳng bình đẳng; chẳng phải có tướng, chẳng phải không tướng; chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian; chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải thiện, chẳng phải ác; chẳng phải hữu ký, chẳng phải vô ký; chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế chẳng đồng với pháp Phật, chẳng đồng với pháp Đại Bồ-tát, chẳng đồng với pháp Ðộc giác, chẳng đồng với pháp Thanh văn, cũng chẳng bỏ pháp dị sanh.
Trời Ðế Thích lại thưa Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế là Ðại Ba-la-mật-đa, là Vô thượng Ba-la-mật-đa, là Vô đẳng đẳng Ba-la-mật-đa. Khi các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, tuy biết tâm hành, cảnh giới của tất cả hữu tình sai khác nhau, nhưng chẳng thủ đắc ngã; chẳng thủ đắc hữu tình cho đến chẳng thủ đắc tri giả, kiến giả; chẳng thủ đắc sắc cho đến thức; chẳng thủ đắc nhãn cho đến ý; chẳng thủ đắc sắc cho đến pháp; chẳng thủ đắc nhãn thức cho đến ý thức; chẳng thủ đắc nhãn xúc cho đến ý xúc; chẳng thủ đắc nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ; chẳng thủ đắc bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; chẳng thủ đắc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; chẳng thủ đắc bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng thủ đắc Bồ-đề; chẳng thủ đắc Niết-bàn; chẳng thủ đắc chư Phật và pháp chư Phật. Vì cớ sao?
Bạch đức Thế Tôn! Vì đối với tất cả pháp, chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây nương có sở đắc mà xuất hiện. Vì sao vậy? Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đều không có tự tánh, cũng không có sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt. Năng đắc, sở đắc và hai chỗ nương tánh tướng đều là không, không thể thủ đắc.
Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích:
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như ông đã nói. Này Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát đã nhiều kiếp tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, còn chẳng đắc Bồ-đề, huống nữa là đắc pháp Bồ-tát.
Trời Ðế Thích thưa Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát chỉ hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa hay cũng hành năm pháp Ba-la-mật-đa kia?
Phật đáp:
- Này Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát lấy không sở đắc làm phương tiện tu đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa. Nghĩa là các Đại Bồ-tát khi tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng thủ đắc bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng thủ đắc người thí và kẻ thọ thí. Khi tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, chẳng thủ đắc tịnh giới Ba-la-mật-đa, chẳng thủ đắc người trì giới và kẻ phạm giới. Cho đến khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng thủ đắc Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng thủ đắc người đầy đủ diệu tuệ và kẻ đầy đủ ác tuệ.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa làm pháp đứng đầu, làm pháp dẫn đường, thì các Đại Bồ-tát tu hành tất cả Ba-la-mật-đa mau được viên mãn. Khi Đại Bồ-tát này hành bố thí với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa làm pháp đứng đầu, làm pháp dẫn đường, tu tập bố thí Ba-la-mật-đa mà không chấp trước thì mau được viên mãn. Cho đến khi hành Bát-nhã với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa làm pháp đứng đầu, làm pháp dẫn đường, tu tập Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà không chấp trước thì mau được viên mãn.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Ðại Bồ-tát này đối với tất cả pháp, lấy không sở đắc làm phương tiện tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên không chấp trước, khiến cho việc tu hành mau được viên mãn. Nghĩa là đối với sắc, lấy không sở đắc làm phương tiện, cho đến đối với trí nhất thiết tướng, lấy không sở đắc làm phương tiện.
Này Kiều-thi-ca! Như các cây, nhánh, cọng, thân, hoa, lá, quả, hạt ở châu Thiệm-bộ, tuy có nhiều loại hình sắc khác nhau, nhưng bóng che của nó đều không sai khác. Cũng vậy, năm pháp Ba-la-mật-đa trước tuy có khác nhau, song do Bát-nhã Ba-la-mật-đa thu nhiếp, hồi hướng trí nhất thiết tướng, lấy không sở đắc làm phương tiện nên các tướng sai khác đều bất khả đắc.
Khi ấy, trời Ðế Thích lại thưa Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Như vậy, Bát-nhã Ba-la-mật-đa thành tựu công đức thù thắng rộng lớn, thành tựu tất cả công đức thù thắng, thành tựu công đức thù thắng viên mãn, thành tựu vô lượng công đức thù thắng, thành tựu vô số công đức thù thắng, thành tựu vô biên công đức thù thắng, thành tựu vô đẳng công đức thù thắng.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân biên chép, thọ trì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, trang nghiêm bằng các báu, đem vô lượng phẩm vật thượng diệu cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, y theo kinh đây giảng nói, suy nghĩ đúng lý. Lại có các thiện nam tử, thiện nữ nhân khác biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, bố thí cho người thọ trì, truyền bá cùng khắp. Bạch đức Thế Tôn! Hai nhóm phước này nhóm nào nhiều hơn?
Phật đáp:
- Này Kiều-thi-ca! Ta lại hỏi ông, cứ tùy ý đáp. Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân thỉnh được Thiết-lợi-la của Phật từ người khác, đựng trong hộp báu đặt trên chỗ cao; lại dùng vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Lại có các thiện nam tử, thiện nữ nhân cũng thỉnh được Thiết-lợi-la của Phật từ người khác, rồi đem chia cho người khác cỡ như hạt cải, khiến cho người kia kính thọ, an trí như pháp, dùng đủ loại phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Hai nhóm phước đây nhóm nào nhiều hơn?
Trời Ðế Thích thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Theo như con hiểu nghĩa Phật nói, hai nhóm phước đây, người sau nhiều hơn. Vì cớ sao? Vì các Ðức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác quán thấy các loài hữu tình đối với Thiết-lợi-la của chư Phật mà cúng dường cung kính thì sẽ được độ thoát. Nên khi sắp vào Niết-bàn, các Ngài dùng lực Kim cương dụ Tam-ma-địa đập nát thân Kim cương vụn như hạt cải, lại dùng thần lực đại bi sâu rộng gia trì vào Thiết-lợi-la như thế, khiến cho hữu tình đối với Như Lai sau khi vào Niết-bàn, có được một hạt lượng bằng hạt cải, cúng dường cung kính thì được phước vô biên, ở trong trời người hưởng nhiều sự giàu sang an lạc, cho đến cuối cùng trừ sạch các khổ. Vậy nên kẻ chia cho người, phước ấy thù thắng hơn.
Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích:
- Hay thay! Hay thay! Ðúng như ông đã nói. Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã Ba-la-mật-đa này cũng lại như vậy. Nếu tự thọ trì, so với bố thí cho người, truyền bá cùng khắp thì hai nhóm phước đây, người sau nhiều hơn. Vì cớ sao? Vì người bố thí hay khiến cho vô lượng vô biên hữu tình được pháp hỷ.
Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu có người nào đối với nghĩa thú của Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây đã nói, như thật vì người phân biệt giải nói, khiến cho họ được hiểu chơn chính thì vị ấy được nhóm phước thù thắng hơn công đức bố thí kia gấp trăm ngàn lần.
Này Kiều-thi-ca! Phải kính vị Pháp sư này như kính Phật, tôn trọng bậc đại trí đồng phạm hạnh cũng như Phật. Vì cớ sao?
Này Kiều-thi-ca! Phải biết rằng vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa tức là chư Phật, phải biết chư Phật tức là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Phải biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chẳng khác chư Phật, phải biết chư Phật chẳng khác Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì sao vậy? Vì ba đời chư Phật đều nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tinh chuyên tu học, mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề. Hoặc những người tu phạm hạnh theo chủng tánh Thanh văn, Ðộc giác cũng nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tinh chuyên tu học mà được quả Thanh văn, Ðộc giác Bồ-đề. Bổ-đặc-già-la chủng tánh Bồ-tát cũng nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tinh tấn siêng năng tu học, vượt các bậc Thanh văn và Ðộc giác, chứng vào chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, lần lượt tu hành các hạnh Bồ tát, được trụ bậc Bồ-tát Bất thối chuyển.
Vì vậy, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn được hiện tiền cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn thì nên biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Này Kiều-thi-ca! Khi mới thành Phật, Ta quán nghĩa này, suy nghĩ như vầy: Ta nên nương trụ ai? Ai có thể nhận sự cúng dường cung kính của Ta? Khi nghĩ như vậy, Ta đều chẳng thấy có các thiên, ma, phạm và nhơn phi nhơn nào của thế gian… ngang hàng với Ta, huống nữa là hơn Ta.
Ta lại suy nghĩ như vầy: Ta đã nương pháp đây mà chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề, pháp đây sâu xa mầu nhiệm vắng lặng, Ta phải nương lại pháp đây mà an trụ, cúng dường cung kính. Ðó chính là Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Này Kiều-thi-ca! Ta đã thành Phật, song vẫn phải nương vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cúng dường cung kính, huống nữa là các thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề mà lẽ nào chẳng nương Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, tinh tấn siêng năng tu học, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì sao vậy?
Này Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây năng sanh ra chúng Đại Bồ-tát. Từ chúng Đại Bồ-tát đây sanh ra các Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Nương vào các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, Thanh văn, Ðộc giác mới được sanh ra.
Do vậy, này Kiều-thi-ca! Hoặc Bồ-tát thừa, hoặc Ðộc giác thừa, hoặc Thanh văn thừa, hoặc các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây đều nên chuyên cần tu học, dùng vô lượng phẩm vật thượng diệu như tràng hoa cho đến đèn sáng mà cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.