Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 23

Tựa Hội thứ Sáu
Quyển Thứ 566
Hội thứ sáu Phẩm Duyên KhởI thứ 1
Hội thứ sáu Phẩm Thông Suốt thứ 2

Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm

Tựa

Hội Thứ Sáu

******

Ðường, Sa Môn Huyền Tắc chế tác tại chùa Tây Minh

Vốn là giăng bủa ngăn chế đem về một nẻo, nên noi theo yếu cực làm giếng mối cho sự việc. Muốn được thế không gì bằng răn tu mười độ nơi một Thí, vạch trần sáu che nơi ba Ðàn. Huống gì Ðại Ðạo Bát Nhã vẫn làm tổng lĩnh cứ ngồi cao xem xuống, thật là cửa ngõ các tâm, then cốt của nhiều hạnh. Vậy nên, năng phạm vi chơn tế mà đầy rẫy cả trần sa: rộng ra thời không duyên dính, thu lại thời không lây động. Ðại Bi chống mở nơi đầu, Ðại Xả giữ gìn đường sau. Thương năm thống siêng khổ tu, rút ngắn nhanh chóng ba kỳ xa xôi. Nguyện không gần xa, gặp vật thành của quý; thiện chẳng lớn nhỏ, chạm việc tất hanh thông. Nương không tượng (mặt trời) mà ngày hằng, ngưng có luân (mặt trăng) thành đêm dài. Cùng tột chỗ thâm u vi diệu, kìa phải Bát Nhã mới gây nên ôi!

Do đó nên có vị Thiên vương tên là Tối Thắng, bỏ cung vui mà giáng xuống lễ lạy, rồi tự xưng danh tốt mà dâng lên. Nhớ đây tại đây, bèn vượt qua mà đến rốt ráo. Nhưng vì ngôi cao xa, Ðạo ngăn cách, chẳng phải mục kích năng tồn được. Sở dĩ chúng Hội mô phạm hòa hiệp đương thời, mới gởi lời đến mà lấy chứng ngộ.

Tức cựu bản "Thắng Thiên Vương Bát Nhã", nay dịch thành tám quyển mười bảy phẩm, để phát minh ý chỉ rộng rãi, mở bày chỗ u quan. Cố nhiên Pháp Bảo ảnh hưởng lẫn nhau, rừng nghĩa giao chứa. Ba món tự tánh sầm uất nơi vô tánh mù mịt, muôn phần quả đức ân thịnh nơi bất đức mà rực rỡ.

Ðã có những kẻ rương trắp bút nghiên, vẫn cầu mong lấy văn chấp; huống gì kẻ khách ngồi mâm nâng chén, nỡ nào chẳng nghĩ tới ư?

Thích Trí Nghiêm phụng dịch.

Quyển Thứ 566
Hội Thứ Sáu Phẩm Duyên Khởi Thứ 1

Tôi nghe như vậy:

Một thời Ðức Bạc Già Phạm trụ trên đỉnh núi Thứu Phong thành Vương Xá, cùng đồng chúng Ðại Bí sô bốn vạn hai ngàn người đều A la hán đã hết các lậu, không còn phiền não, được chơn tự tại, tâm khéo giải thoát, huệ khéo giải thoát, như tập ngựa khôn, cũng như rồng lớn; đã làm đáng làm, đã xong nên xong, bỏ các gánh nặng, vừa được lợi mình, hết gút các cõi, chính biết giải thoát, tâm đến tự tại rốt ráo đệ nhất.

Ngoại trừ A Nan Ðà độc ở bậc học, được quả Dự Lưu. Thường gọi Cụ thọ: Giải Kiều Trần Na, Đại Ca Diếp Ba, Cấp Phòng Bát Để, Yết Lệ Phiệt Đa, Đại Thái Thục Thị, Đại Ca Đa Diễn Na, Tất Lan Đà Phiệt Ra, Xá Lợi Tử, Mãn Tử Từ, Bạc Cự La, Ô Ba Ly, La Cổ La, Vô Diệt Thiện Hiện mà làm thượng thủ.

Lại có bảy vạn hai ngàn Bồ tát Ma ha tát đều đã thông đạt pháp tánh sâu thẳm, điều thuận dễ hóa, diệu hạnh bình đẳng, được vô ngại biện đà la ni môn, là bạn lành chơn tịnh tất cả hữu tình, năng quay xe pháp vi diệu chẳng lui, thương xót thế gian hộ trì Pháp tạng, đã từng cúng dường vô lượng Như Lai, nối thịnh Tam Bảo năng khiến chẳng tuyệt, thông suốt cảnh giới thẳm sâu chư Phật, còn buộc một đời Pháp vương chơn tử, thường năng nối Phật quay xe Chánh pháp, mặc dù ở thế gian mà không bị nhiễm, đủ vô lượng công đức như thế thảy. Từ cõi Phật đây hoặc từ phương khác, vì nghe pháp nên đi đến chỗ Phật. Chỗ gọi: Bảo Tướng Bồ tát, Bảo Thủ Bồ tát, Bảo Ấn Bồ tát, Bảo Kế Bồ tát, Bảo Quan Bồ tát, Bảo Phong Bồ tát, Bảo Hải Bồ tát, Bảo Diệm Bồ tát, Bảo Tràng Bồ tát, Bảo Tạng Bồ tát, Kim Tạng Bồ tát, Tịnh Tạng Bồ tát, Đức Tạng Bồ tát, Định Tạng Bồ tát, Trí Tạng Bồ tát, Nhật Tạng Bồ tát, Nguyệt Tạng Bồ tát, Như Lai Tạng Bồ tát, Liên Hoa Tạng Bồ tát, Kim Cương Tạng Bồ tát, Giải Thoát Nguyệt Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Phổ Âm Bồ tát, Phổ Giới Bồ tát, Phổ Hạnh Bồ tát, Phổ Nhãn Bồ tát, Quảng Nhãn Bồ tát, Liên Hoa Nhãn Bồ tát, Trí Huệ Bồ tát, Thường Huệ Bồ tát, Thắng Huệ Bồ tát, Liên Hoa Huệ Bồ tát, Kim Cương Huệ Bồ tát, Nhật Quang Bồ tát, Nguyệt Quang Bồ tát, Trí Quang Bồ tát, Trí Ðức Bồ tát, Hiền Ðức Bồ tát, Hoa Ðức Bồ tát, Nhật Quan Bồ tát, Nguyệt Quan Bồ tát, Vô Nhiễm Bồ tát, Diệu Âm Bồ tát, Ðại Âm Vương Bồ tát, Sư Tử Hống Bồ tát, Sư Tử Du Hý Bồ tát, Hiền Thủ Bồ tát, Thập Lục Hiền Bồ tát, Từ Thị Bồ tát thảy các Bồ tát thời Hiền Kiếp, Quán Tự Tại Bồ tát, Diệu Cát Tường Bồ tát mà làm thượng thủ.

Lại có vô lượng trời Bốn đại vương chúng, bốn Ðại Thiên vương mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Ba mươi ba, Thiên Ðế Thích mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Dạ ma, Tô Dạ Ma Thiên vương mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Ðổ sử đa, San Ðổ Sử Ða Thiên vương mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Lạc biến hóa, Thiện Hóa Thiên vương mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Tha hóa tự tại, Tự Tại Thiên vương mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Phạm chúng thảy, Ðại Phạm Thiên vương mà làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Tịnh cư, Ðại Tự Tại thiên mà làm thượng thủ. Thiên vương như thế đem các quyến thuộc vì nghe pháp nên đi đến chỗ Phật.

Lại có vô lượng A tố lạc vương, chỗ gọi Cụ Lực a tố lạc vương, Kiên Uẩn a tố lạc vương, Tạp Uy a tố lạc vương, Bạo Chấp a tố lạc vương mà làm thượng thủ, đều lãnh vô lượng trăm ngàn quyến thuộc, vì nghe pháp nên đi đến chỗ Phật.

Lại có vô lượng Ðại Lực long vương, chỗ gọi Vô Nhiệt long vương, Mãnh Ý long vương, Hải Trụ long vương, Công Xảo long vương mà làm thượng thủ, đều lãnh vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vì nghe pháp nên đi đến chỗ Phật.

Lại có vô lượng Dược xoa Ðại thần, người phi người thảy và các quyến thuộc vì nghe pháp nên đi đến chỗ Phật.

Khi ấy núi Thứu Phong lượng ngang rộng bốn mươi do tuần đầy rẫy đại chúng, mặt đất và hư không chẳng có chỗ xen hở.

Bấy giờ, Thế Tôn ngự tòa Sư tử, vô lượng đại chúng vây quanh trước sau, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, một lòng chấp tay ngửa trông lên Tôn nhan. Lúc ấy Như Lai hiện sức thần thông, từ diện môn phóng ra các thứ sắc quang soi khắp mười phương vô biên thế giới, hiện việc hiếm có, trở lại đến Phật quanh hữu ba vòng rồi về nơi diện môn lại.

Khi ấy, phương Ðông cách cõi Phật đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới tên là Trang Nghiêm, Phật hiệu Phổ Quang Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, đang hiện tại kia yên ổn trụ trì, vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên nói Chánh pháp tương ưng Nhất thừa. Thế giới Phật kia hãy chẳng nghe có danh Nhị thừa, huống có kẻ tinh siêng tu pháp ấy. Các Bồ tát kia đều đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề được chẳng quay lui. Các hữu tình kia chẳng ăn đoạn thực, chỉ nhờ giải thoát tĩnh lự đẳng chí. Cõi kia chẳng cần ánh sáng nhật nguyệt thảy, chỉ thân quang Phật thường soi ngày đêm. Cõi ấy không có gai độc sỏi đá khe hang núi gò, đất bằng như lòng bàn tay.

Kia có Bồ tát tên là Ly Chướng, đã thấy quang đây lòng ôm do dự, cùng chúng các Bồ tát Ma ha tát đến trước chỗ Phật đảnh lễ hai chân, lệch che vai tả, gối hữu chấm đất, chấp tay cung kính thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Nhân nào duyên gì mà có điềm đây?

Khi ấy, Phật Phổ Quang bảo Ly Chướng rằng: Phương Tây cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Kham Nhẫn, Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai, đầy đủ mười hiệu, hiện vì chúng Bồ tát Ma ha tát nói Ðại Bát Nhã Ba la mật đa. Do nhân duyên kia nên hiện điềm đấy.

Ly Chướng Bồ tát nghe rồi thưa rằng: Tôi nay xin qua thế giới Kham Nhẫn xem lễ cúng dường Thích Ca Như Lai, nghe thọ Chánh pháp. Cúi xin hứa cho.

Khi ấy, Phật Phổ Quang bảo Ly Chướng rằng: Nay chánh phải thời, ngươi nên đi gấp. Ly Chướng được phép, vui mừng nhảy nhót, tức cùng vô lượng chúng Bồ tát đồng đến núi Thứu Phong, đảnh lễ chân Phật, quanh hữu ba vòng lui ngồi một phía.

Phương Nam cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Thanh Tịnh Hoa, Phật hiệu là Nhật Quang, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Nhật Tạng.

Phương Tây cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Bảo Hoa, Phật hiệu Công Đức Quang Minh, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Công Đức Tạng.

Phương Bắc cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Thanh Tịnh, Phật hiệu là Tự Tại Vương, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Quảng Văn.

Phương Ðông Nam cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Hỏa Diệm, Phật hiệu Cam Lồ Vương, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Bất Thối Chuyển.

Phương Tây Nam cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Thanh Tịnh Công Ðức, Phật hiệu Trí Cự, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Ðại Huệ.

Phương Tây Bắc cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Duyệt Ý. Phật hiệu Diệu Âm Vương, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Công Ðức Tụ.

Phương Ðông Bắc cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Huệ Trang Nghiêm, Phật hiệu Trí Thượng, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Thường Hỷ.

Phương Thượng cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới tên là Bất Ðộng, Phật hiệu Kim Cương Tướng, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Bảo Tràng.

Phương Hạ cách đây qua mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Nguyệt Quang Minh, Phật hiệu Kim Cương Bảo Trang Nghiêm Vương, đầy đủ mười hiệu. Kia có Bồ tát tên là Bảo Tín. Tất cả như thế đều như phương Ðông.

Hội Thứ Sáu
Phẩm Thông Suốt Thứ 2

Bấy giờ, có Thiên vương tên là Tối Thắng từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, lệch che vai tả, gối hữu chấm đất, chấp tay cung kính bạch Thế Tôn rằng: Tôi có chút nghi nay muốn hỏi Phật, nếu nhờ khai cho mới dám trình bày.

Lúc đó, Phật bảo Tối Thắng Thiên rằng: Thiên vương! Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác theo điều nghi hỏi sẽ vì quyết cho.

Khi ấy, Tối Thắng Thiên đã được Phật cho, nhảy nhót vui mừng, bèn thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát Ma ha tát làm sao tu học một pháp năng thông suốt được tất cả pháp?

Phật bảo Tối Thắng: Hay thay, hay thay! Năng hỏi được Như Lai thâm nghĩa như thế! Lóng nghe, lóng nghe, khéo suy nghĩ kỹ. Như ngươi đã nghi sẽ vì khai giải thích. Tối Thắng Thiên thưa: Dạ, cúi xin nghe.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tối Thắng rằng: Thiên vương phải biết: Các Bồ tát Ma ha tát tu học một pháp năng thông suốt tất cả pháp ấy, chỗ gọi Bát nhã Ba la mật đa. Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa, thời năng thông suốt được bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, bát nhã, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được bố thí Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí diệu pháp Ba la mật đa. Nghĩa là đem tịnh tâm không điều mong cầu, vì kia nói pháp, chẳng cầu danh lợi, chỉ vì dứt khổ, chẳng thấy ta năng vì người nói pháp, chẳng thấy kia nghe, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí vô úy Ba la mật đa. Nghĩa là quán hữu tình in như cha mẹ anh em, bà con nội ngoại, khiến tất cả chúng đều gần gũi ta. Vì cớ sao? Vì từ vô thỉ đến nay trôi lăn sáu thú đều làm nội ngoại. Nếu các hữu tình mắc nạn sợ hãi hãy đem thân mạng mà cứu vớt đó, huống lẽ đối kia mà gia não hại. Chẳng thấy ta năng thí kia vô úy, chẳng thấy kia thọ, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí giúp sống Ba la mật đa. Nghĩa là theo hữu tình cần dùng của cải thí cho các thứ, khiến nó thọ hành mười thiện nghiệp đạo, chẳng thấy ta năng thí của cải cho kia, chẳng thấy kia nhận, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí chẳng trả Ba la mật đa. Nghĩa là khi hành thí chẳng trông trả quả, lẽ vậy Bồ tát tự phải bố thí, chẳng thấy ta năng hành thí chẳng trả, chẳng thấy thí trả quả, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí đại bi Ba la mật đa. Nghĩa là thấy các hữu tình nghèo cùng già bệnh, không kẻ cứu giúp, khởi tâm đại bi mà phát thề nguyện: Khi ta được Vô thượng Chánh đẳng giác, vì các hữu tình làm chỗ về nương. Vì hữu tình nên đem ít căn lành hồi hướng Bồ đề, cũng chẳng phân biệt ta năng cứu giúp, kẻ nhận cứu giúp, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí cúng kính Ba la mật đa. Nghĩa là theo hữu tình cần dùng vật liền tự kính dâng, chẳng khiến kia mệt mỏi, chẳng thấy ta năng hành thí cung kính, chẳng thấy kia nhận, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí tôn trọng Ba la mật đa. Nghĩa là đối hữu tình khởi tưởng thầy Tăng, hoặc tưởng cha mẹ, tâm thí tôn trọng. Nếu không của vật, dùng lời thiện mà cho. Chẳng thấy ta năng hành thí tôn trọng, chẳng thấy kia nhận, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí cúng dường Ba la mật đa. Nghĩa là thấy Bảo tháp, hoặc chỗ Tăng ở thời nên quét rưới, dùng các hoa hương và đèn sáng mà vì cúng dường. Hoặc thấy Tôn tượng, Chánh pháp bị hư hoại tức nên tinh siêng tu trị cúng dường. Nếu thấy Tăng chúng nên đem uống ăn áo mặc đồ nằm thuốc chữa mà cúng dường đó. Chẳng thấy ta năng hành thí cúng dường, chẳng thấy kia nhận, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành thí không nương Ba la mật đa. Nghĩa là khi hành thí chẳng khởi nghĩ này: Nguyện đem thí đây được sanh trời người, làm vua trời người hưởng vui giàu sang. Cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng chẳng lấy cầu, vì vô sở đắc vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được bố thí Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được tịnh giới Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát khởi suy nghĩ này: Phật đối trong tịnh giáo Tỳ nại da nói Giới kinh tương ưng biệt giải thoát, Bồ tát nên học chẳng thấy giới tướng và năng thọ trì, chẳng chấp giới kiến, cũng chẳng chấp ngã, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát suy nghĩ này: Chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chẳng những thọ trì tịnh giới bèn được, cần phải học khắp giới hạnh Bồ tát, giới tánh mát mẻ, vắng lặng chẳng khởi, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát khởi suy nghĩ này: Sao là trì giới năng dứt phiền não? Phiền não ba thứ là tham sân si, đây lại đều mỗi có ba, tức thượng trung ha. Muốn dứt phiền não phải biết đối trị: Kẻ tham tăng thượng tu quán bất tịnh, quán thân ba mươi sáu vật đầy đủ. Kẻ sân tăng thượng tu quán từ bi. Kẻ si tăng thượng tu quán duyên khởi. Chẳng thấy năng quán và pháp sở quán, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát khởi suy nghĩ này: Sao là Bồ tát phải chánh xa lìa suy nghĩ bất chánh? Nghĩa là các Bồ tát chẳng khởi tâm này: "Ta hành vắng lặng, hạnh lìa hạnh trống, các Sa môn, Bà la môn thảy khác đều ở chỗ ồn tạp, chẳng ưa hạnh trống vắng". Thấy không hai không riêng, biết tự tánh lìa tức năng xa lìa suy nghĩ bất chánh.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát Ma ha tát dù biết các pháp lìa mà rất sợ tội. Như Phật đã nói nên trì tịnh giới, tu các phước nghiệp cho đến Bát nhã Ba la mật đa. Ðối trong tội nhỏ nên ôm sợ lớn, chẳng cho ở chung. Vì Thế Tôn dạy: "Ví như thuốc độc nhiều ít đều hại".

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát thường sanh sợ hãi tương ưng tín hạnh. Giả sử ở chỗ trống vắng đơn độc không bạn, có Sa môn thảy mang đem vàng bạc và ngọc phệ lưu ly chơn châu thảy gởi nơi Bồ tát, đối của ấy chẳng khởi tâm tham đắm lấy, khởi suy nghĩ này: Thế Tôn thường dạy: "Thà phải tự cắt thịt nơi thân mà ăn, đối với của người chẳng cho chẳng lấy".

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát trì giới vững vàng. Nếu các ác ma và bè lũ dùng hình sắc đẹp ép thử Bồ tát, Bồ tát đối kia lòng chẳng lay động, khởi suy nghĩ này: Thế Tôn thường dạy: "Sắc thảy các pháp như mộng huyễn hóa", không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tịnh giới Ba la mật đa, là các Bồ tát tuy siêng trì giới mà chẳng mong cầu ngôi vua người trời. Thân lìa ba lỗi, ngữ không bốn lầm, ý khỏi ba quấy. Trì giới như thế chẳng thấy ta trì, chẳng thấy giới tướng, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được tịnh giới Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được an nhẫn Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành an nhẫn Ba la mật đa, là các Bồ tát thường học nội nhẫn rầu buồn khổ não thảy đều chẳng theo; cũng học ngoại nhẫn, nếu người đánh mắng dối cướp lấn nhục trọn chẳng sanh giận. Cũng học pháp nhẫn, như Thế Tôn dạy: "Thật tánh sâu thẳm không pháp, không ngã, không sanh, vắng lặng, tức là Niết bàn". Nghe dạy như thế lòng chẳng kinh sợ, khởi suy nghĩ này: Chẳng học pháp ấy làm sao năng được sở cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, năng tận vị lai lợi ích an vui các loại hữu tình. Suy nghĩ xét kỹ, độc tham sân si mỗi mỗi như thế ở chỗ nào khởi, nhân duyên nào sanh, nhân duyên nào diệt? Như thật quán sát đều chẳng thấy có năng sanh sở sanh, năng diệt sở diệt. Tâm nhẫn như thế nối nhau chẳng dứt, ngày đêm các ngôi thường không xen hở. Ðối cảnh sở nhẫn không tâm chọn lựa, nghĩa là đối quốc vương, cha mẹ, thầy bạn, ta nên tu nhẫn. Các có thể gia ác, Bồ tát hành nhẫn chẳng vì trả ơn, danh lợi, nhân nghĩa, sợ hãi, xấu hổ. Phép vậy Bồ tát phải hành nhẫn vậy. Nếu kia gia hại đánh đập mắng nhục xâm cướp dối lấn, tâm chẳng nghiêng động.

Nếu Bồ tát ở ngôi vương thần thảy, có người bần tiện hủy mắng sỉ nhục, trọn chẳng vội bạo tỏ hình thế thị uy rằng ta ở ngôi cao sang, pháp phải quở phạt, chỉ khởi nghĩ này: Thuở xưa ta ở chỗ Phật Thế Tôn phát thệ nguyện rộng lớn: Tất cả hữu tình ta đều cứu vớt, khiến được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nay nếu khởi sân hận bèn trái bản thệ. Ví như thầy thuốc giỏi phát thề như vầy: Thế gian đui mù ta đều chữa lành. Nếu tự mình thất minh đâu ai lành tật được! Như vậy, Bồ tát vì trừ mù cho người, tự khởi giận dữ làm sao cứu người được? Chẳng thấy ta năng nhẫn và nên nhẫn, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được an nhẫn Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được tinh tiến Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tinh tiến Ba la mật đa, là các Bồ tát chưa diệt khiến diệt, chưa độ khiến độ, chưa thoát khiến thoát, chưa yên khiến yên, chưa giác khiến giác.

Bồ tát khi hành tinh tiến như thế, có các ác ma muốn làm lưu nạn bảo Bồ tát ràng: Thiện nam tử! Ngươi chớ tu hạnh này luống chịu khổ nhọc. Vì cớ sao? Vì ta ở xưa kia từng tu hạnh đây: chưa diệt khiến diệt, chưa độ khiến độ, chưa thoát khiến thoát, chưa yên khiến yên, chưa giác khiến giác, luống chịu khổ nhọc đều không thật lợi. Ta từ xưa nay thấy nhiều Bồ tát tu học hạnh đây đều quay lui hết, ngươi nên hồi tâm tu đạo Nhị thừa, lấy quả Nhị thừa mà tự diệt độ.

Bồ tát nghe rồi tức liền giác biết, bảo ác ma rằng: Ngươi lui đường đi! Lòng ta vững chắc in như kim cương, lời dối gạt ngươi chẳng thể lui hoại được. Ngươi cố lưu nạn đêm dài tự khổ. Ma nghe lời ấy liền mất chẳng hiện.

Nếu Bồ tát khác chưa được Bát nhã Ba la mật đa, tu năm thứ Ba la mật đa trước lâu trăm ngàn kiếp, Bồ tát khi hành tinh tiến như thế hãy năng vượt qua, huống bậc Nhị thừa.

Như vậy, Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật đa trọn nên Phật pháp, đều lìa các ma. Dù hành tinh tiến chẳng mau chẳng chậm mà năng phát khởi đại nguyện thù thắng: Khiến ta cảm được thân ngang đồng Như Lai, nhục kế trên đảnh, lông trắng giữa mày. Phật quay xe pháp, ta cũng như thế. Ví như vàng thật trau dồi các báu thời được nghiêm tịnh, Bồ tát tinh tiến cũng lại như thế, lìa các bẩn uế. Nghĩa là lìa lười nhác biếng trể mỏi mệt, chẳng tự giác biết, suy nghĩ chẳng chánh. Nhờ đấy bèn năng được thắng thanh tịnh phước đức trí tuệ mà trang nghiêm chung. Thân chẳng mỏi mệt, tâm không chán lười. Tất cả pháp ác bất thiện ngăn đạo hướng tới Niết bàn đều khiến tăng trưởng. Chút ác chẳng khởi, huống là có nhiều.

Giả sử lửa dữ đầy trong mười phương cõi Căng già sa như ngục vô gián, ngoài thế giới đây chỉ có một hữu tình có thể độ được, Bồ tát vì kia vẫn từ trong ấy vượt qua, huống nhiều hữu tình.

Các Bồ tát đây chẳng khởi nghĩ này: Vô thượng Bồ đề chẳng dễ khá được. Bồ tát tu hành như chữa đầu cháy, cần lâu trăm ngàn ức kiếp, gánh nặng như thế thực khó mang cõng.

Chỉ khởi nghĩ đây: Chư Phật quá khứ hiện tại đều tu hạnh này chứng được Bồ đề. Ta cũng như thế, nên chánh tu tập. Thà trăm ngàn kiếp ở trong địa ngục khiến các hữu tình đều được độ thoát, trọn chẳng nới bỏ mau tới Niết bàn.

Bồ tát khi hành tinh tiến như thế tâm chẳng tự cao, đối người chẳng thấp. Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được tinh tiến Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được tĩnh lự Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành tĩnh lự Ba la mật đa, là các Bồ tát trồng sâu căn lành nơi trong Ðại thừa, đời đời kiếp kiếp tu nhiều diệu hạnh, gần gũi bạn lành, chẳng sanh những nhà bần tiện tà kiến, thường sanh đại tộc Bà la môn, Sát đế lợi, chánh tín Tam Bảo, tăng trưởng pháp lành.

Nhờ căn lành đời trước, khởi nghĩ như vầy: Hữu tình đêm dài trôi lăn các thú, xe khổ chẳng ngưng đều bởi tham ái. Bồ tát nghĩ rồi khởi tâm chán lìa, như từ hư vọng phân biệt mà có. Trong kinh Thế Tôn nhiều thứ phương tiện nói tội lỗi dục như gươm dài mâu ngắn, như dao như rắn, như bọt như bèo, hôi uế bất tịnh, chuyển biến vô thường. Vì sao người trí tham đắm pháp này?

Tức thì cạo râu tóc xuất gia tu đạo, chưa thấy vì thấy, chưa được vì được, chưa chứng vì chứng. Nghe thuyết thọ trì, hoặc lý thế tục, hoặc lý thắng nghĩa như thật tu hành, quán sát đúng pháp, là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định, xa lìa ồn tạp. Chẳng màng danh dự, cũng lại chẳng cầu cúng dường cung kính. Thân tâm tinh tiến, thường không biếng nghỉ. Suy gẫm tâm đây nhiều đi cảnh nào, là thiện, là ác hay vô ký ư? Nếu đi cảnh ác tức tốc đình dứt, nếu đi vô ký cũng nên xa bỏ, nếu đi cảnh thiện tức siêng tinh tiến giục khiến tăng trưởng căn lành thù thắng.

Vì muốn đối trị pháp ác bất thiện, dẫn ba mươi bảy phần diệu Bồ đề. Ác bất thiện ấy là tham sân si. Tham lại có ba là thượng trung hạ. Tham loại thượng là nghe tên cảnh dục cả thân nhảy nhót hết tâm vui mừng, chẳng quán cõi Dục, nhàm lìa chẳng sanh, tìm tòi phi lý, không có xấu hổ. Kẻ không xấu hổ là như đi riêng dạo qua chỗ nào hằng nghĩ cảnh dục, tâm tâm nối nhau từng không tạm nới, chỉ thấy tốt đẹp chẳng biết tội lỗi. Cha mẹ, thầy bạn quở kia sở dục trọn không xấu hổ, chẳng ngờ khởi tranh, như thế gọi là kẻ không xấu hổ, loại này mạng chung sẽ đọa ác thú. Tham loại trung là khi lìa cảnh dục, dục tâm chẳng khởi. Tham loại hạ là chỉ chung nói cười, tình dục bèn hết.

Sân cũng có ba. Sân loại thượng là tức giận nếu phát tâm mờ mắt hoa, hoặc gây vô gián, hoặc báng Chánh pháp, hoặc lại gây các nghiệp trọng tội khác hơn năm vô gián nhiều gấp trăm ngàn. Sân loại trung là vì giận dữ nên dù gây các ác liền tức sanh hối. Sân loại hạ là tâm không hiềm hận, chỉ miệng mắng hủy liền bèn ăn năn.

Si cũng có ba loại, như lẽ nên biết. Mặc dù tác quán này mà biết các pháp đều như huyễn, mộng, vang, tượng, sáng bóng, ánh nắng, biến hóa và thành tầm hương, hư dối chẳng thật, điên đảo nên thấy. Diệt cảnh giới ngoài, nội tâm vắng lặng, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được tĩnh lự Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được Bát nhã Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành Bát nhã Ba la mật đa, là các Bồ tát chánh trí quán sắc thọ tưởng hành thức, chẳng thấy sắc sanh, chẳng thấy sắc nhóm, chẳng thấy sắc diệt, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế. Vì cớ sao? Vì tự tánh đều không, không có chơn thật, chỉ có hư giả thi thiết danh tự mà hành Bát nhã Ba la mật đa, hóa các hữu tình, trọn chẳng vì nói không nghiệp không quả. Mặc dù biết các pháp đều như huyễn, mộng, vang, tượng, bóng sáng, ánh nắng, biến hóa và thành tầm hương, hư dối, không có ngã, hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ đặc già la, mà thường tuyên nói có nghiệp có quả.

Như vậy, Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật đa, ác ma dòng họ chẳng thể làm gì được. Vì cớ sao? Vì các Bồ tát này gần kề bạn lành trợ Bồ đề, lìa pháp thế gian, đối Chánh pháp sâu thẳm các Như Lai vui mừng khen ngợi, các trời ma phạm và các Sa môn, Bà la môn, trừ Phật chánh trí, không ai kịp được. Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai không riêng, vì tự tánh lìa vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được Bát nhã Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được phương tiện khéo léo Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành phương tiện khéo léo Ba la mật đa, là các Bồ tát phương tiện khéo léo hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nếu thấy hoa quả thế gian tốt đẹp thường đem cúng dường chư Phật Bồ tát, ngày đêm sáu thời từng không tạm bỏ, đem thắng thiện đây hối hướng Bồ đề. Thấy cây hoa quả cũng lại như thế.

Nếu nghe trong khế kinh Như Lai nói pháp nghĩa sâu thẳm vui mừng thọ trì, tin muốn đọc tụng, chuyển vì người nói, đem diệu thiện đây hồi hướng Bồ đề.

Nếu thấy hình tượng Bảo tháp Như Lai liền đem các thứ hương hoa cúng dường, nguyện loại hữu tình lìa hương phá giới, được hương tịnh giới in như chư Phật. Quét rưới xoa đất, nguyện các hữu tình uy nghi tề chỉnh. Hoa lọng đèn lồng, nguyện các hữu tình đều lìa nóng nảy. Vào chỗ Tăng trụ, nguyện các hữu tình đều vào viên tịnh. Ra chỗ Tăng trụ, nguyện các hữu tình đều ra cõi ma. Thấy cửa Tăng mở bèn khởi nguyện này: Ðem trí xuất thế vì các hữu tình khai cửa chưa mở đều khiến ngộ vào. Nếu thấy cửa đóng, nguyện các hữu tình đóng cửa ba cõi, hoặc bốn ác thú.

Nếu được ngồi yên, nguyện các hữu tình ngồi tòa Bồ đề. Nếu nằm hông hữu, nguyện các hữu tình đều chứng viên tịch. Từ ngồi nằm dậy, nguyện các hữu tình lìa các khởi hoặc. Nếu khi rửa chân, nguyện các hữu tình xa lìa đất dơ. Nếu khi lễ Phật, quanh hữu Bảo tháp, nguyện các hữu tình đều phải làm Phật, người trời cung kính chẳng lấy làm vui mừng.

Nếu có ngoại đạo tà kiến khó giáo hóa bèn khởi nghĩ này: Ta là thầy kia, kia khinh sở tri tất chẳng chịu tin. Vả làm đồng học hoặc là đệ tử, dù ở chúng kia mà giới hạnh đa văn hơn các ngoại đạo, nhân đấy hàng phục, tôn thờ làm thầy, nói tất tin chịu hủy bỏ tà pháp, nói chánh Niết bàn khiến vào Như Lai pháp giáo thanh tịnh, tịnh tu phạm hạnh, tĩnh lự đẳng trì, được thắng thần thông, rộng tu diệu thiện.

Thấy kẻ đa dục, hóa làm nữ nhân đoan chính số một khiến kia say mê, trong chừng bỗng chốc thị hiện vô thường, sắc thân biến đổi sình chướng, những chỗ bấy nát hôi thúi, khiến rất ghét ớn, khởi tâm chán lìa, liền phục bản hình làm tượng Bồ tát, nhân vì nói pháp yếu sâu thẳm khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tu hạnh Ðại thừa thành quả Vô thượng.

Thấy kẻ Ðại thừa lìa bạn lành quen biết, dù siêng tinh tiến học đạo Nhị thừa mà đối quả kia chẳng thể chứng được, mất nơi pháp lợi Ðại thừa khiến kia hồi tâm vào Ðạo Vô thượng. Kẻ chưa phát tâm hóa khiến phát khởi, kẻ đã phát tâm khuyến khiến vững bền.

Thấy người trì giới phạm tội ít nhẹ chẳng hiểu, trình bày sám hối, sợ lui buồn rầu, do đấy chẳng thể tiến tu thắng đạo; bèn vì nói pháp khiến mau hối trừ, tâm lìa rầu buồn tiến tu thắng đạo.

Chúng các Bồ tát Ma ha tát này ít muốn đủ, chuyên cầu pháp lợi, vì hữu tình nói cúng dường Như Lai. Do đấy bèn thành sáu đến bờ kia. Nói pháp cúng dường đấy là bố thí Ba la mật đa, hành chẳng trái với lời nói. Ðấy là tịnh giới Ba la mật đa, các thiên ma thảy chẳng thể não hại loạn. Ðấy là an nhẫn Ba la mật đa, tâm tâm nối nhau chẳng cảm giác nhọc mỏi. Ðấy là tinh tiến Ba la mật đa, chuyên tâm nhất niệm chẳng duyên cảnh khác. Ðấy là tĩnh lự Ba la mật đa, nói pháp cúng dường lìa ngã và ngã sở. Ðấy là Bát nhã Ba la mật đa, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được phương tiện khéo léo Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được diệu nguyện Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành diệu nguyện Ba la mật đa, là các Bồ tát có bao sở nguyện chẳng vì được hưởng vui khoái thế gian, cũng chẳng vì mình cầu ra ba cõi tu đạo Nhị thừa chứng vui Niết bàn.

Chỉ khởi nguyện này: Tất cả hữu tình đều vào cõi Vô dư bát Niết bàn, thân ta rốt sau mới thành Chánh giác. Kẻ chưa phát tâm hóa khiến phát khởi, nếu ta phát tâm khiến tu đại hạnh. Ðã tu đại hạnh khiến được Bồ đề. Ðã được Bồ đề khuyên mời thuyết pháp, lần hồi cho đến sau vào Niết bàn dùng bảy báu tốt khởi xây Bảo tháp, an để tôn trí Thiết lợi la mà hằng cúng dường, khiến vô lượng chúng được phước vô biên.

Lại phát nguyện rằng: Các thế giới có Phật thành Chánh giác đều không thiên ma và các ngoại đạo mà làm rối loạn. Nguyện do tự trí phat tâm vô thượng, chẳng nhờ duyên ngoài dù phát mà lui. Lại phải nguyện ta thường ở thế gian thành thục hữu tình khiến được lợi vui. Nguyện các Bồ tát thảy mới phát ý, nếu được nghe Như Lai nói pháp sâu thẳm, như thật ngộ vào, tâm không kinh sợ. Nguyện các hữu tình được đại trí huệ đều khéo thông suốt vô biên Phật đạo, vô biên cảnh Phật, vô biên đại bi, nhiêu ích vô biên các loại hữu tình. Các Bồ tát này phần nhiều nguyện tự thân hằng ở nước uế, chẳng sanh cõi tịnh. Vì cớ sao? Vì như có kẻ bệnh mới nhờ thầy thuốc, nếu không có bệnh nhân, thầy thuốc vô dụng. Bồ tát khi phát diệu nguyện như thế chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được diệu nguyện Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được lực Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành lực Ba la mật đa, là các Bồ tát dẹp được thiên ma, xô các ngoại đạo. Sức phước đức trí huệ đầy đủ, nên tất cả Phật pháp không chẳng tu hành, tất cả Phật cảnh không chẳng chứng thấy. Do sức thần thông dùng một đầu lông cất châu Thiệm Bộ, hoặc bốn đại châu, hoặc cõi Ðại thiên cho đến vô lượng cát Căng già sa thế giới thảy mười phương, rồi để lại chỗ cũ mà không bị tổn hại. Hoặc dùng thần lực, ở giữa hư không lấy các thứ của báu thí loại hữu tình. Năng ở mười phương vô biên thế giới chư Phật thuyết pháp không chẳng nghe trì. Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được lực Ba la mật đa.

Thiên vương! Sao là Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được trí Ba la mật đa?

Thiên vương phải biết: Nếu Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa thời năng hành trí Ba la mật đa, là các Bồ tát quán năm uẩn sanh chẳng thật sanh, diệt chẳng thật diệt. suy gẫm năm uẩn đều rốt ráo không, không có ngã, hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ đặc già la, đứa ngu điên đảo hư vọng chấp trước, chẳng như thật biết các uẩn chẳng phải ngã, trong uẩn không ngã. Chẳng như thật biết ngã chẳng phải các uẩn, trong ngã không uẩn. Do đây các thú sanh tử lộn quanh như vòng lửa xoay, đứa ngu chấp bậy.

Nhưng tất cả pháp tự tánh vốn không, không sanh không diệt, duyên hiệp bảo sanh, duyên tan bảo diệt, thật không sanh diệt. Tánh chẳng phải "Vô" nên chẳng thể nói sanh, tánh chẳng phải "Hữu" nên chẳng thể nói diệt.

Các Bồ tát này đối tất cả cảnh không có một pháp nào chẳng thông suốt được. Tu hành trí Ba la mật đa đây, Nhị thừa ngoại đạo chẳng thể ngăn che được. Dùng trí quán sát từ sơ phát tâm cho đến Niết bàn thảy đều rõ ràng. Năng đem một pháp biết tất cả cảnh. Ðạt tất cả cảnh chẳng lìa một pháp. Sở dĩ vì sao? Vì chơn như một vậy. Các Bồ tát này khi tu trí đây chẳng thấy năng tu và pháp sở tu, không hai không riêng, vì lìa tự tánh vậy.

Thiên vương! Ðấy gọi là các Bồ tát Ma ha tát tu học Bát nhã Ba la mật đa năng thông suốt được trí Ba la mật đa.

Ðấy gọi là Bồ tát tu học một pháp năng thông suốt tất cả pháp.

Xem mục lục