Bồ-tát hạnh là những việc làm, những hành động đem lại lợi ích cho người khác, khiến cho chính mình được nhập pháp giới. Sở dĩ nhập pháp giới vì nguyện và hạnh của Bồ-tát đã tròn đủ, khiến cho tâm mở rộng trùm khắp pháp giới.
Vì lợi thế gian phát đại tâm
Tâm ấy khắp cùng cả mười phương
Chúng sanh, cõi nước, pháp tam thế
Phật và Bồ-tát biển tối thắng
Từ niệm chúng sanh không tạm bỏ
Lìa những não hại, khắp lợi ích
Quang minh chiếu thế làm chỗ quy
Thập lực hộ niệm khó nghĩ bàn
…
Tâm đó rộng lớn khắp pháp giới
Không y, bất biến như hư không
Hướng đến Phật trí không chỗ bám
Rõ thấu thật tế, lìa phân biệt.
Biết tâm chúng sanh, không sanh tưởng
Rõ thấu các pháp, không pháp tưởng
Phân biệt khắp mà không phân biệt
Vô số ức cõi đều qua đến.
(Phẩm Sơ phát tâm công đức, thứ 17)
Bồ-tát phát tâm trên chính pháp giới không nương y, bất biến như hư không. Pháp giới ấy cũng là thật tế, Phật trí, Pháp thân. Chính vì nguyện và hạnh làm trên Phật địa như vậy mà bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu nguyện hạnh ấy cũng có thể tiếp xúc tương ưng với Pháp thân, từng phần hay trọn phần.
Tất cả việc làm của Bồ-tát dù nhỏ dù lớn đều mở rộng ra và đi sâu vào toàn bộ pháp giới. Chẳng hạn Hồi hướng là một trong mười Phổ Hiền hạnh nguyện:
“Đại Bồ-tát đem căn lành này hồi hướng như vầy:
Chẳng chấp thế gian, chẳng chấp chúng sanh, trong tâm thanh tịnh, không y tựa, chánh niệm đối với các pháp, rời phân biệt kiến, chẳng bỏ trí huệ tự tại của chư Phật, chẳng trái môn hồi hướng (y nơi) chân tánh của tam thế chư Phật, tùy thuận tất cả chánh pháp bình đẳng, chẳng mất thật tướng Như Lai, bình đẳng quán sát ba đời không có tướng chúng sanh…
Ví như chân như khắp tất cả chỗ không có ngằn mé, thiện căn hồi hướng cũng khắp tất cả chỗ như vậy. Ví như chân như luôn giữ bản tánh không thay đổi, thiện căn hồi hướng giữ bản tánh nó trước sau không thay đổi. Ví như chân như dùng tất cả pháp không tánh làm tánh, thiện căn hồi hướng cũng thấu rõ tất cả pháp không tánh làm tánh. Ví như tướng của chân như là không tướng, thiện căn hồi hướng cũng thấu rõ tướng của tất cả pháp là không tướng. Ví như chân như nếu ai chứng được thì không thối chuyển, nơi thiện căn hồi hướng nếu có người được thời không còn thối chuyển trong Phật pháp. Ví như chân như là chỗ đi của tất cả chư Phật, thiện căn hồi hướng cũng là chỗ đi của tất cả chư Phật. Ví như chân như lìa tướng cảnh giới mà làm cảnh giới, thiện căn hồi hướng cũng lìa tướng cảnh giới mà làm cảnh giới viên mãn của tất cả chư Phật. Ví như chân như hay an lập tất cả, thiện căn hồi hướng cũng hay an lập tất cả chúng sanh… Ví như chân như đầy khắp tất cả, thiện căn hồi hướng trong một sát-na trùm khắp pháp giới. Ví như chân như thể tánh bất động, thiện căn hồi hướng an trụ nơi hạnh nguyện viên mãn của Phổ Hiền rốt ráo bất động”. (Phẩm Thập Hồi hướng, thứ 25).
Hồi hướng là một hạnh của Bồ-tát. Hạnh nguyện ấy y trên chân như, không làm ngoài chân như cho nên luôn luôn có thể tương ưng với chân như, hay toàn thể pháp giới.
Cứu độ chúng sanh là hạnh nguyện lớn nhất của Bồ-tát. Để thâm nhập pháp giới, Bồ-tát phải cứu độ chúng sanh, vì lìa bỏ chúng sanh tức là lìa bỏ phần lớn pháp giới.
Bồ-tát phải cứu độ chúng sanh, vì trong công việc khó làm và lâu dài ấy, Bồ-tát mới tích tập viên mãn trí huệ và công đức. Trí huệ là thấu rõ vô ngã và vô pháp trong việc cứu độ chúng sanh, và công đức thì có được trong việc cứu độ ấy.
“Đại Bồ-tát thấy các chúng sanh gây tạo ác nghiệp, chịu nhiều khổ, do bị chướng ngại như vậy mà không thấy được Phật, chẳng được nghe Pháp, chẳng biết Tăng, Bồ-tát bèn nghĩ rằng, tôi sẽ ở trong các nẻo xấu ác kia, thay thế các chúng sanh chịu các thứ khổ, khiến họ được giải thoát… Bồ-tát lại nghĩ rằng, chỗ tu hành của tôi, muốn làm cho chúng sanh đều được thành trí huệ vô thượng. Tôi chẳng vì tự thân mà cầu giải thoát, chỉ vì cứu độ tất cả chúng sanh, khiến họ đều được Nhất thiết trí, vượt khỏi vòng sanh tử thoát tất cả khổ”. (Phẩm Thập Hồi hướng, thứ 25)
Đây gọi là Hồi hướng thứ nhất: cứu hộ tất cả chúng sanh, lìa chúng sanh tướng. Hồi hướng sự cứu hộ này được trải rộng khắp pháp giới, nhiếp khắp chúng sanh:
“Đại Bồ-tát lại nghĩ rằng: Tôi phải như mặt trời, chiếu khắp tất cả mà chẳng cầu báo ân. Chúng sanh có kẻ ác hại tôi, tôi đều dung thọ, chẳng vì thế mà bỏ thệ nguyện; chẳng vì một chúng sanh xấu ác mà bỏ tất cả chúng sanh, tôi chỉ siêng tu tập thiện căn hồi hướng, khiến khắp chúng sanh đều được an lạc. Thiện căn dầu ít, nhưng vì nhiếp khắp chúng sanh nên tôi dùng tâm hoan hỷ hồi hướng rộng lớn. Nếu có thiện căn mà chẳng muốn lợi ích tất cả chúng sanh thì chẳng gọi là hồi hướng. Tùy một thiện căn dùng khắp chúng sanh làm cảnh sở duyên mới gọi là hồi hướng”.
Sự hồi hướng cứu hộ này được đặt nền trên pháp giới, nghĩa là trên nền tánh Không, quang minh và như huyễn nên khiến hành giả tương ưng, thâm nhập pháp giới:
“Hồi hướng đặt để chúng sanh nơi pháp tánh vô trước. Hồi hướng thấy chúng sanh bất động bất chuyển. Hồi hướng vô y vô thủ đối với sự hồi hướng. Hồi hướng chẳng phân biệt thể tánh của các nghiệp và báo. Hồi hướng chẳng tham trước tướng năm uẩn. Hồi hướng chẳng phá hoại tướng năm uẩn. Hồi hướng chẳng chấp tướng chúng sanh, tướng thế giới, tướng tâm ý…
Chẳng phải tức nghiệp tu tập nhất thiết trí. Chẳng phải lìa nghiệp hồi hướng Nhất thiết trí. Nhất thiết trí chẳng phải tức nghiệp, nhưng chẳng phải lìa nghiệp mà được Nhất thiết trí. Bởi vì nghiệp thanh tịnh như ảnh sáng nên quả báo cũng thanh tịnh như ảnh sáng. Quả báo như ảnh sáng thanh tịnh nên Nhất thiết trí cũng thanh tịnh như ảnh sáng, lìa ngã ngã sở tất cả động loạn tư duy phân biệt. Rõ biết như vậy mà đem các thiện căn phương tiện hồi hướng.
Lúc hồi hướng như vậy, Bồ-tát luôn độ thoát chúng sanh không thôi nghỉ, chẳng trụ pháp tướng. Dầu biết các pháp không nghiệp, không báo, mà khéo hay xuất sanh tất cả các nghiệp báo không trái nghịch. Bồ-tát phương tiện khéo tu hồi hướng như vậy”. (Phẩm Thập Hồi hướng, thứ 25)
Cứu hộ chúng sanh mà không bỏ chúng sanh, đó là hạnh Bồ-tát. Khi pháp giới là “tâm, Phật, chúng sanh; cả ba không sai khác” thì nếu bỏ chúng sanh, chắc chắn pháp giới ấy sẽ không đầy đủ. Và chính sự cứu hộ chúng sanh được làm trên nền tảng pháp giới, nên hạnh ấy có thể tương ưng với pháp giới vào mọi thời gian và không gian.
Bồ-tát hạnh trùm khắp pháp giới nên Bồ-tát hạnh thâm nhập pháp giới:
“Đại Bồ-tát có mười vô lượng đạo:
Vì hư không vô lượng nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì pháp giới vô biên nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì chúng sanh giới vô tận nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì thế giới vô biên tế nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì thời gian không cùng tận nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì ngữ ngôn của chúng sanh vô lượng nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì thân Như Lai vô lượng nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì âm thanh Phật vô lượng nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì lực Như Lai vô lượng nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng.
Vì Nhất thiết chủng trí vô lượng nên Bồ-tát đạo cũng vô lượng”.
(Phẩm Ly thế gian, thứ 38)
Tất cả những hạnh Bồ-tát đã được làm, đang được làm, và sẽ được làm đều nằm trong hạnh nguyện Phổ Hiền hay trong “tam-muội Tỳ-lô-giá-na Như Lai Tạng Thân của tất cả chư Phật” mà Bồ-tát Phổ Hiền an trụ. (Phẩm Phổ Hiền tam-muội, thứ 3)
Hạnh nguyện Phổ Hiền trùm khắp pháp giới và đồng nhất với pháp giới. Bài kệ ca ngợi Bồ-tát Phổ Hiền ở trong phẩm này là như sau:
Chân như bình đẳng tạng hư không
Pháp thân của Ngài đã nghiêm tịnh
Trong chúng hội tất cả cõi Phật
Phổ Hiền ở khắp nơi trong đó.
Quang minh công đức bậc trí hải
Chiếu khắp mười phương đều được thấy.
Phổ Hiền công đức biển rộng lớn
Qua khắp mười phương gần gũi Phật
Các cõi trong tất cả vi trần
Đều đến được kia, xuất hiện rõ.
Phật tử, chúng tôi thường thấy Ngài
Gần gũi tất cả chư Như Lai
Trụ trong tam-muội cảnh chân thật
Kiếp nhiều như vi trần mọi cõi…
Biển cả chúng sanh đều tế độ
Pháp giới vi trần đều vào cả
Vào khắp pháp giới tất cả trần
Thân đó vô tận không sai khác
Ví như hư không đều cùng khắp
Diễn nói Như Lai pháp rộng lớn.
(Phẩm Phổ Hiền tam-muội, thứ 3)
Bồ-tát hạnh dù của bất cứ ai đã làm, đang làm, và sẽ làm đều ở trong hạnh nguyện đã thành và trùm khắp mọi thời gian không gian của Bồ-tát Phổ Hiền. Như vậy, Bồ-tát hạnh của bất cứ ai, dù nhỏ dù lớn, dù ở thời gian không gian nào đều nằm trong Phật quả trùm khắp pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền nói riêng và của chư Phật nói chung.
Kinh Hoa Nghiêm nói giới định huệ, hạnh nguyện Bồ-tát của chúng ta không nằm ngoài giới định huệ, hạnh nguyện vốn đã viên thành của quả Phật Tỳ-lô-giá-na của tất cả chư Phật. Đại thừa của kinh Hoa Nghiêm không phải đi từ nhân là Bồ-tát hạnh để đến quả là Phật quả. Mà Bồ-tát hạnh của kinh Hoa Nghiêm được triển khai trên chính Phật quả. Nói cách khác, Bồ-tát hạnh là quả sinh từ quả vốn đã viên thành.
Chữ “hoa” trong Hoa Nghiêm không phải là hoa để thành quả, mà là hoa sanh ra từ quả. Thế nên kinh Hoa Nghiêm được gọi là Quả thừa thay vì Nhân thừa, được gọi là Đại thừa Viên giáo thay vì Đại thừa nói chung.
Chính vì tu trên Quả như vậy mà kinh nói: “lúc mới phát tâm liền được Giác ngộ Vô thượng”:
“Quán sát như vậy, vì pháp phạm hạnh bất khả đắc, vì pháp ba đời đều không tịch, vì ý không bám nắm, vì tâm không chướng ngại, vì chỗ làm không phân hai, vì phương tiện tự tại, vì thọ pháp vô tướng, vì biết Phật pháp bình đẳng, vì đủ tất cả Phật pháp. Như đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Lại phải tu tập mười pháp, tức là mười trí lực Như Lai. Phải quan sát mỗi trí lực. Trong mỗi trí lực có vô lượng nghĩa đều phải học hỏi. Sau khi nghe phải khởi tâm đại từ bi, quán sát chúng sanh mà chẳng bỏ lìa, tư duy các pháp không có thôi dứt, thật hành nghiệp vô thượng không cầu quả báo, rõ biết cảnh giới như mộng ảo, như bóng như vang, như biến hóa huyễn thuật.
Nếu Bồ-tát nào được tương ưng với hạnh quán như vậy, ở trong các pháp chẳng sanh kiến giải nhị nguyên, tất cả Phật pháp mau được hiện tiền: lúc sơ phát tâm liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, biết tất cả pháp tức là tự tánh của tâm, thành tựu huệ thân giác ngộ, chẳng do người khác”. (Phẩm Phạm hạnh, thứ 16)