Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Con người sinh ra trong thế giới và dần dần, ngoài những sự vật đã có trong thiên nhiên, sáng chế ra những sự vật để dùng trong cuộc sống. Thế giới và sự vật được cải tạo, chế tạo do những hành động (nghiệp) từ xa xưa cho đến ngày nay.
Thế giới và sự vật trong đó là do vô lượng nhân duyên và những hành động của chúng sanh và những thiện nghiệp của Bồ-tát:

“Ví như đại thiên thế giới này chẳng phải do một duyên, một sự mà được thành tựu, phải do vô lượng nhân, vô lượng sự mới được thành…. như trên đây đều do cọng nghiệp của chúng sanh và thiện căn của chư Bồ-tát phát khởi, làm cho tất cả chúng sanh trong đó đều tùy chỗ thích hợp mà được thọ dụng.

Vô lượng nhân duyên như vậy mới thành đại thiên thế giới. Pháp tánh như vậy không có sanh giả, không có tác giả, không có tri giả, không có thành giả, nhưng đại thiên thế giới vẫn được thành tựu” (Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).

Thế giới và sự vật do vô lượng nhân duyên mà có, và do vô lượng duyên sanh nên vô tự tánh, bản chất là tánh Không: không có sanh giả, tác giả, tri giả, và thành giả.

Thế giới ấy, dù rộng lớn bao la như vũ trụ, cũng nằm trong thân Phật, không chỗ nào không có thân Phật:

Như Lai rộng lớn khắp pháp giới
Với các quần sanh đều bình đẳng….
Thân Phật hiện khắp cả mười phương
Vô trước, vô ngại, bất khả thủ….
Phật trí như hư không vô tận

Quang minh soi sáng khắp mười phương….
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)

Như vậy, mười phương thế giới và những sự vật trong đó đều ở trong thân Phật. Rõ hơn là ở trong Pháp thân tánh Không và Báo thân quang minh.

Sự vật được bao trùm trong Pháp thân tánh Không và Báo thân quang minh, nhưng tự thân sự vật là gì?.

Như Lai trang nghiêm cõi rộng lớn
Đồng với tất cả số vi trần
Phật tử thanh tịnh đều khắp đầy
Mưa bất tư nghì pháp vi diệu.
Như trong hội này thấy Phật ngồi
Tất cả vi trần đều như vậy
Phật thân không đến cũng không đi
Bao nhiêu quốc độ đều hiện rõ
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)

Thân Phật có trong các cõi nước, các sự vật, cho đến các vi trần. Thậm chí trong mỗi sự có tất cả Phật:

Tất cả Như Lai trong ba thời
Thần thông hiện khắp thế giới hải
Trong mỗi sự có tất cả Phật
Hãy xem thanh tịnh trang nghiêm ấy.
Quá khứ, hiện tại, vị lai kiếp
Mười phương tất cả các quốc độ
Tất cả sự trang nghiêm trong đó
Đều thấy ở trong một cõi nước.
Vô lượng Phật trong tất cả sự
Số đồng chúng sanh khắp thế gian
Vì khiến điều phục hiện thần thông
Do đây trang nghiêm thế giới hải.
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4)

“Phật thân không đến cũng không đi”, đây là Pháp thân Phật. Còn Báo thân quang minh của Phật thì cũng đầy khắp mười phương, trong mỗi mỗi vi trần:

Thân Phật phóng quang minh
Đầy khắp cả mười phương
Tùy ứng mà thị hiện
Trong đủ thứ sắc tướng.
Trong mỗi mỗi vi trần
Đều đầy đủ quang minh
Được thấy khắp mọi cõi
Dù chủng loại sai khác.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2)

Trong mỗi sự vật cho đến mỗi vi trần đều có đầy đủ Pháp thân tánh Không của chư Phật, bởi vì mỗi sự vật đều không có tự tánh, mỗi sự vật đều là tánh Không.

Trong mỗi sự vật cho đến trong mỗi vi trần đều có đầy đủ quang minh, tức là có đầy đủ Báo thân Phật.

Mỗi sự vật, dù do cọng nghiệp của chúng sanh và thiện nghiệp của chư Bồ-tát, đều là sự ứng hiện của tánh Không vô tự tánh. Mỗi sự vật sanh khởi từ tánh Không, hiện diện trong tánh Không và tiêu tan trong tánh Không. Mỗi sự vật chính là sự ứng hóa của tánh Không theo nghiệp của chúng sanh. Như thế, khi tánh Không là Pháp thân, thì sự vật là ứng hóa thân của tánh Không, tức là Ứng hóa thân của Pháp thân.

Khi đã thấy như thế thì mỗi sự vật đều có đủ Ba thân: Pháp thân tánh Không, Báo thân quang minh và Hóa thân sắc tướng là sự ứng hiện của Pháp thân tánh Không.

Sự vật vốn toàn thiện, viên mãn trong chính chúng vì có đủ cả Ba thân.

Sự toàn thiện, viên mãn này cũng là sự trang nghiêm thanh tịnh được nói rất nhiều trong Kinh Hoa Nghiêm. Sự trang nghiêm thanh tịnh này nằm sẵn trong sự vật cho đến mỗi vi trần. Với cái thấy như vậy, sự vật và chúng sanh do tưởng phân biệt biến mất, chỉ còn sự vật và chúng sanh “như lưới ngọc của trời Đế Thích”, chỉ còn Pháp thân, Báo thân, Hóa thân Phật.

Nhan đề Kinh Hoa Nghiêm nói lên điều đó: sự vật là trang nghiêm thanh tịnh như những đóa hoa, với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp theo nghĩa thiêng liêng nhất (xem bài Ngũ Trí Như Lai, VHPG số 218 – 219), và những đóa hoa ấy đã kết nên thế giới, pháp giới. Pháp giới ấy được người xưa gọi là Pháp giới Chân Không-Diệu Hữu.

Chính trong ý nghĩa ấy mà khắp nơi đều có Phật, ở đâu cũng thấy Phật:

Các pháp không chỗ đến
Cũng không có tác giả
Cũng không từ đâu sanh
Thức chẳng thể phân biệt.
Tất cả pháp không đến
Vì thế nên không sanh
Nên cũng không có diệt
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu biết được như vậy
Người này thấy được Phật.
(Phẩm Dạ Ma cung kệ tán, thứ 20)

Trước pháp giới đầy đặc Phật như vậy, Bồ-tát Phổ Hiền tán thán Phật trong bài kệ cuối cùng của phẩm Nhập Pháp giới. Tán thán, xưng tán là một trong mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.

Mở đầu bài kệ, Bồ-tát Phổ Hiền nói: “Các ngài lắng nghe! Nay tôi muốn nói tướng một giọt nước trong biển công đức của Phật”.

Ở đây chúng ta chỉ trích ra vài câu kệ để thấy chút ít giọt công đức ấy:

Mỗi mỗi đầu lông bất khả thuyết
Chư Phật tướng hảo ba mươi hai
Bồ-tát quyến thuộc đồng vây quanh
Vì độ chúng sanh luôn thuyết pháp.
Hoặc xem thấy nơi một lỗ lông
Đầy đủ cõi trang nghiêm rộng lớn
Vô lượng Như Lai đều ở trong
Phật tử thanh tịnh đều sung mãn.
Hoặc là thấy trong một vi trần
Có đủ hằng sa cõi nước Phật
Vô lượng Bồ-tát đều thấy khắp
Bất khả thuyết kiếp tu các hạnh.
Hoặc là thấy nơi một đầu lông
Vô lượng trần sa những sát hải
Bao nhiêu nghiệp khởi đều sai khác
Tỳ Lô Giá Na chuyển pháp luân….

Toàn thể Kinh Hoa Nghiêm là lời tán thán, ca ngợi pháp giới Ba thân Phật. Sự tán thán, ca ngợi ấy khắp suốt cả thời gian, không gian, và bằng sự tán thán, ca ngợi, Bồ-tát Phổ Hiền trở thành tất cả pháp giới.

Nói cách khác, toàn thể pháp giới là lời tán thán, ca ngợi của Bồ-tát Phổ Hiền:

“Nói xưng tán Như Lai là thế này: Tận pháp giới hư không giới, mười phương ba đời tất cả các cõi nước có bao nhiêu vi trần, trong mỗi mỗi vi trần đều có các Phật nhiều như số vi trần trong tất cả thế gian. Nơi mỗi mỗi Phật đều có hải hội Bồ-tát vây quanh. Tôi phải trọn dùng tri kiến hiện tiền thắng giải rất sâu, mỗi mỗi đều dùng lưỡi vi diệu hơn Biện Tài thiên nữ, mỗi mỗi lưỡi xuất sanh vô tận âm thanh hải, mỗi mỗi âm thanh xuất sanh tất cả ngôn từ hải, tán thán ngợi ca tất cả công đức hải của tất cả Như Lai, ca ngợi cho đến hết đời vị lai, tương tục không dứt, khắp cả pháp giới không chỗ nào không đến.

Như vậy bao giờ hư không giới tận, chúng sanh giới tận, nghiệp chúng sanh tận, phiền não chúng sanh tận, sự tán thán ca ngợi của tôi mới cùng tận. Nhưng hư không giới cho đến phiền não không có cùng tận, cho nên sự tán thán ca ngợi này của tôi không có cùng tận, niệm niệm tương tục không có gián đoạn, ba nghiệp thân, ngữ, ý không hề mệt chán” (Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện).

Xem mục lục