Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

46. Siêng tu giữ vững

 Trong phẩm này, đức Thế Tôn phó chúc đại chúng thủ hộ kinh này, rồi lại dạy nên cứu giúp chúng sanh; kế đó dạy hạnh phải tương ứng với tín giải để cầu sanh Tịnh Ðộ.

  Chánh kinh: Phật bảo Di Lặc:

- Pháp vô thượng của chư Phật Như Lai, thập lực vô úy, pháp vô ngại vô trước thậm thâm và ba la mật v.v… các pháp Bồ Tát chẳng thể dễ gặp. Người có khả năng thuyết pháp cũng khó khai thị. Tin sâu kiên cố thời cũng khó gặp. Ta nay đúng như lý tuyên nói pháp môn vi diệu, quảng đại, được hết thảy chư Phật khen ngợi, phó chúc cho các ông thực hiện sự thủ hộ lớn lao.

Giải: Ðoạn đầu trong phẩm này là lời phó chúc hộ trì kinh này. ‘Pháp vô thượng’ là như Vãng Sanh Luận Chú đã viết: ‘Vô thượng là đạo này cùng lý, tận tánh, không còn gì cao hơn nữa’. ‘Pháp vô thượng’ là Niết Bàn. Trí Ðộ Luận nói: ‘Vì thế biết là không có pháp nào hơn được Niết Bàn’.

‘Thập lực’ là mười lực dụng đức Như Lai vốn có:

a. Một là giác thị xứ phi xứ trí lực. Xứ nghĩa là đạo lý. Trí lực biết được đạo lý và phi đạo lý của chúng sanh mà cũng có nghĩa là trí biết hết thảy nhân duyên, quả báo của chúng sanh. Tạo nghiệp vui được báo vui, nhân quả phù hợp với nhau thì gọi là ‘thị xứ’. Tạo nghiệp ác lại cầu quả vui thì nhân quả trái nghịch nhau nên là ‘phi xứ’, như ta thường nói: ‘vô hữu thị xứ’ (chẳng có lẽ ấy).

b. Hai là nghiệp trí lực: trí lực biết nhân quả, nghiệp báo trong ba đời của hết thảy chúng sanh, trí lực biết là thiện hay bất thiện, hữu lậu hay vô lậu v.v…

c. Ba là định trí lực: trí lực biết các thiền định, giải thoát tam muội.

d. Bốn là căn trí lực: biết các căn tánh của chúng sanh là thượng hay hạ, giáo hóa tùy theo căn cơ.

e. Năm là dục trí lực: trí lực biết hết thảy các thứ tri giải của chúng sanh, biết các điều ưa thích của những chúng sanh khác, mỗi người đều sai khác.

f. Sáu là giới trí lực: trí lực biết các giới, đối với hết thảy cảnh giới sai khác của chúng sanh trong thế gian đều biết đúng như thật cả.

g. Bảy là chí xứ trí lực: trí lực biết tướng trạng của chỗ đạt đến của hết thảy đạo, biết tu theo giáo pháp nào, đạo phẩm nào sẽ được địa vị nào. Chẳng hạn như tu ngũ giới, thập thiện sẽ đạt đến nhân thiên, tu pháp bát chánh đạo vô lậu sẽ đạt đến Niết Bàn.

h. Tám là túc mạng trí lực: Biết từ một đời cho đến trăm ngàn vạn đời của chúng sanh: tên, họ, thọ yểu, khổ, vui v.v…

i. Chín là thiên nhãn trí lực: Trí lực thấy chúng sanh thọ sanh xả báo, sống sống, chết chết, từ nẻo nào sanh ra, sẽ sanh vào đường nào và các nghiệp duyên thiện ác, hoặc khổ, hoặc vui một cách vô chướng ngại.

j. Mười là lậu tận trí lực: Trí lực vĩnh viễn đoạn dứt chẳng sanh khởi các vọng hoặc, tập khí, biết được một cách chơn thật, chẳng còn thọ thân hậu hữu.

‘Vô úy’ chính là tứ vô úy, hay còn gọi là tứ vô sở úy. Do hóa độ người khác tâm chẳng kinh khiếp nên gọi là ‘vô úy’. Ở đây chữ ‘vô úy’ chỉ tứ vô úy của đức Phật (đã giải thích tường tận trong phẩm mười bảy).

‘Vô ngại’ là thông đạt tự tại, thâm nhập lẫn nhau, cả hai dung thông thành một thể như ánh đèn chiếu chập bóng vào nhau, đó là tướng vô ngại. Sách Vãng Sanh Luận Chú nói: ‘Vô ngại nghĩa là biết sanh tử chính là Niết Bàn, bình đẳng nhập vào tướng vô ngại bất nhị như thế’.

Tông Hoa Nghiêm lập ra bốn pháp giới. Theo Ðại Minh Pháp Số, bốn pháp giới là:

a. Một là Sự pháp giới tức là các pháp như chúng sanh, sắc, tâm… mỗi pháp sai biệt, mỗi pháp đều khu biệt nên gọi là Sự pháp giới. 

b. Lý pháp giới tức là các pháp: chúng sanh, sắc, tâm v.v… tuy có sai biệt, nhưng đồng một thể tánh nên gọi là Lý pháp giới.

c. Ba là lý sự vô ngại pháp giới tức là Lý do Sự mà hiển, Sự nhờ Lý được thành. Lý-Sự dung hội lẫn nhau nên gọi là Lý Sự vô ngại pháp giới.

d. Bốn là Sự Sự vô ngại pháp giới tức là hết thảy sự tuy có phần hạn riêng biệt, nhưng xét về tánh thì chúng viên dung: một chính là nhiều, nhiều chính là một, lớn nhỏ chứa đựng lẫn nhau, trùng trùng vô tận nên gọi là sự sự vô ngại pháp giới hay vô chướng ngại pháp giới.

Nay những điều được kinh này tuyên thuyết chính là pháp rất sâu: Lý Sự vô ngại pháp giới và Sự Sự vô ngại pháp giới của Như Lai.

‘Vô trước’ là không có ý niệm chấp trước như kinh Kim Cang dạy: ‘Không có pháp nhất định nào gọi là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cũng chẳng có pháp nhất định để Như Lai nói được. Vì cớ sao? Pháp của đức Như Lai đã nói đều chẳng lấy được, chẳng nói được, chẳng phải là pháp, chẳng phải là phi pháp’.

Sách Phá Không Luận giảng: ‘Vô thượng Bồ Ðề siêu tình ly kiến, chính là bờ kia rốt ráo. Chẳng những là không gì chẳng phải là pháp tướng mà cũng chẳng có pháp tướng nào để được nên bảo là “không có pháp nhất định nào gọi là vô thượng Bồ Ðề”. Ðiều được chứng đã siêu tình ly kiến mà điều được nói cũng là siêu tình ly kiến nên bảo “cũng chẳng có pháp nhất định để Như Lai nói được”.

Vì sao vậy? Bờ kia Thật Tướng tuy là ngôn ngữ dứt bặt, tâm hạnh cùng diệt, chẳng thể lấy hay nói được, nhưng Như Lai dùng bốn tất đàn làm nhân duyên nên cũng có thể nói được. Nhưng pháp được nói ra đó chỉ là tùy thuận tứ tất đàn nên mỗi một câu, một lời ấy không gì là chẳng siêu tình ly kiến, lìa tứ quá, tuyệt bách phi, cũng đều chẳng thể lấy được, chẳng thể nói được, chẳng phải pháp, chẳng phải là phi pháp’.

Chữ ‘vô trước’ dùng trong kinh đây có ý nghĩa giống như chữ ‘vô trước’ trong đoạn kinh Kim Cang vừa dẫn, khác nào hoa sen chẳng dính nước, như nhật, nguyệt chẳng trụ trên không. Có ‘vô trước’ thì mới nở được đóa sen nhiệm mầu vạn đức trọn đủ. ‘Chẳng trụ’ vào hư không thì mặt trời, mặt trăng mới có thể vận hành chẳng nghỉ, quang minh chiếu khắp.

‘Chẳng thể dễ gặp’ ý nói: các pháp trên đây của Như Lai đều là khó được gặp gỡ. Nếu có được nghe thì đều là do đời trước từng tu hành Phật đạo, chẳng phải là phàm nhân nên bảo là ‘chẳng thể dễ gặp’. Dẫu có người khéo thuyết pháp thì đối với pháp môn siêu tình ly kiến, thậm thâm bất khả tư nghị này cũng khó thể dùng ngôn ngữ, văn tự để hiển thị được như kinh đây có câu: ‘Chẳng thể dùng ngôn ngữ, phân biệt để biết được nổi’. Vì thế Phật dạy: ‘Người có khả năng thuyết pháp cũng khó khai thị’.

Nếu ai có thể sanh lòng tin sâu xa nơi pháp hết thảy thế gian khó tin này thì đó là do thiện căn đã gieo trong nhiều đời trước nay cùng phát động. Ðây quả là một dịp hy hữu khó gặp trong vạn kiếp, ngàn đời nên bảo là ‘tin sâu kiên cố, thời cũng khó gặp’.

Từ chữ ‘ta nay đúng như lý’ đến ‘thực hiện sự thủ hộ lớn lao’ chính là lời phó chúc. ‘Ðúng như lý’ là phù hợp với lý. ‘Quảng đại vi diệu’: pháp môn này trọn đủ vạn đức, độ khắp các căn cơ nên bảo là ‘quảng đại’; do vì niệm Phật nên thiện căn, phước chóng được bằng với chư Phật, thần diệu khó nghĩ lường nên bảo là ‘vi diệu’. Câu ‘được hết thảy chư Phật khen ngợi’ có hai ý nghĩa:

a. Một là như trong phẩm hăm ba của kinh này có nói mười phương vô lượng chư Phật mỗi vị đều khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của Vô Lượng Thọ Phật.

b. Hai là như kinh A Di Ðà dạy: ‘Các đức Phật ấy cũng khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta, mà nói như sau: Thích Ca Mâu Ni Phật làm được chuyện rất khó hy hữu, có thể ở nơi cõi Sa Bà trong đời ác ngũ trược… vì các chúng sanh nói pháp hết thảy thế gian khó tin nổi này’. Mười phương chư Phật đều khen đấng Thích Tôn diễn nói kinh này.

Vả lại, kinh Di Ðà nguyên có tên là Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh nên biết rằng kinh pháp như vậy thật sự được chư Phật khen ngợi, hộ niệm. Bởi thế, đức Thích Tôn phó chúc cho các vị như Di Lặc thực hiện sự đại thủ hộ. ‘Ðại’ là siêu việt muôn loài, là vì pháp môn này đệ nhất hy hữu nên gọi là ‘đại’. Thủ hộ kinh này nên gọi là đại. Giữ gìn còn hơn giữ gìn đầu, mắt, siêu việt thường tình nên gọi là đại.

Bản Ðường dịch còn chép: ‘Ông A Dật Ða! Ta đem pháp môn này và các Phật pháp giao phó cho ông. Ông nên tu hành… Ta nay thực hiện sự phó chúc lớn lao để pháp này sẽ được tồn tại lâu dài chẳng diệt’.

Thế Tôn trân trọng giao phó cho các vị như Di Lặc đại sĩ gìn giữ cẩn trọng. Trong pháp hội Vô Lượng Thọ, Từ Thị đại sĩ vâng lãnh lời Phật ủy thác nên trong tương lai khi ngài hạ sanh ắt sẽ hoằng truyền kinh này.

 Chánh kinh: Làm lợi ích cho các hữu tình trong đêm dài, chẳng để cho chúng sanh chìm đắm trong năm đường, chịu đựng khổ ách. Phải siêng tu hành tùy thuận lời dạy của ta, nên hiếu với Phật, thường nghĩ ân thầy khiến cho pháp này tồn tại dài lâu chẳng diệt, nên gìn giữ vững, không được hủy thất, không được làm quấy, tăng giảm kinh pháp. 

 Giải: Thế Tôn ân cần trân trọng phó chúc như thế vì trong đời mạt pháp chỉ có pháp này mới có thể ban cho chúng sanh cái lợi chơn thật. Bởi thế, Phật dặn dò các vị đại sĩ thủ hộ phải làm đèn sáng cho hết thảy chúng sanh trong biển sanh tử, dẫn dắt chúng sanh vượt qua biển khổ nên bảo là ‘trong đêm dài làm lợi ích’. Nhờ vào diệu pháp này nên các loài chúng sanh chóng lìa được sanh tử, chẳng đọa vào năm đường, khỏi chịu các khổ. Vì thế, Phật phó chúc các vị như Di Lặc phải hộ trì kinh này.

Từ câu ‘phải siêng tu hành’ trở đi, kinh nêu lên hai điều lợi ích rốt ráo: tự giác và giác tha, chỉ nên tùy thuận lời Phật dạy, giữ gìn vững vàng kinh pháp, siêng năng tu tập hòng báo đền ơn Phật.

Cả ba câu: ‘Tùy thuận lời ta dạy, nên hiếu với Phật, thường nghĩ ân thầy’ đều nói lên ý tôn sư, trọng đạo, phụng hành đúng theo lời dạy; cực lực răn dạy hành nhân chẳng nên ích kỷ, trái nghịch bổn sư, lìa kinh, phản đạo. Nên biết rằng trong cái đạo lợi ích khắp tất cả thì trước hết là ‘khiến cho pháp này tồn tại lâu chẳng diệt’. Ðể pháp được tồn tại lâu dài thì phải ‘nên gìn giữ vững, không được hủy hoại, đánh mất, không được làm quấy tăng giảm kinh pháp’; ấy là vì: nói ra ngoài kinh một chữ thì khác gì ma nói.

 Chánh kinh: Thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng. Pháp ta như thế, nói ra như thế, cũng nên hành theo hạnh Như Lai hành, vun bồi phước thiện, cầu sanh cõi tịnh.

 Giải: Tám câu trên đây chính là lời tổng kết của cả bản kinh này, là cương yếu tu hành của Tịnh tông. Toàn bộ phần trường hàng do đức Thế Tôn nói ra trong pháp hội này đến đây là hết. Vì thế, tám câu trên chính là những lời nói tối hậu trong Tịnh tông, là lời kết thúc của toàn bộ kinh này. Tám câu ấy nêu trọn cả Lý lẫn Sự, chỉ rõ chánh hạnh và trợ hạnh, giãi bày trọn vẹn bí tạng của Như Lai.

Trước hết là ‘thường niệm chẳng dứt’. Thứ nhất, ‘thường niệm’ là luôn niệm kinh này, như trong phẩm Vãng Sanh Chánh Nhân, ngay nơi câu đầu tiên đã dạy: ‘Nghe kinh điển này thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường ngày đêm liên tục cầu sanh cõi ấy’. Ðấy chính là ý nghĩa thật sự của câu ‘thường niệm chẳng dứt’ trong đoạn này. Phẩm Chẳng Phải Là Tiểu Thừa có câu: ‘Ðối với kinh này tưởng như đạo sư’, phẩm Thọ Ký Bồ Ðề cũng chép: ‘Do chẳng được nghe pháp này, có một ức Bồ Tát thối chuyển nơi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sanh biên chép, cúng dường, thọ trì, đọc tụng kinh điển này, trong khoảnh khắc vì người khác diễn nói… lúc người ấy lâm chung dẫu cả tam thiên đại thiên thế giới tràn ngập đại hỏa vẫn vượt qua được, sanh về cõi nước kia’.

Thế Tôn bi tâm vô lượng, nhiếp trọn hết không sót nên luôn luôn khuyên trì niệm kinh này. Ðức Thế Tôn cực lực khuyên nên trì niệm kinh này vì kinh này dạy vô thượng đại pháp nhất thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh. Hành nhân chỉ cần phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm thì ắt được vãng sanh, muôn người tu muôn người được sanh. Bởi đó, hành nhân thọ trì kinh này ắt phải nên phụng hành đúng theo lời dạy, theo đúng lời Phật dạy, thật sự vì sanh tử phát Bồ Ðề tâm, tin sâu, nguyện thiết trì danh hiệu Phật.

Do đó, nói một cách rốt ráo thì ‘thường niệm chẳng dứt’ chính là niệm một câu danh hiệu.

‘Chẳng dứt’ là tịnh niệm tiếp nối. Hành nhân nếu thật sự phát tâm chơn thật, niệm Phật chuyên ròng, chỉ giữ mỗi câu Phật hiệu này cho luôn liên tục trong mọi niệm thì nhất định ‘như người nhiễm hương, thân có mùi hương’. Lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn, quyết được vãng sanh, chứng lên bất thối, sanh trọn vẹn cả bốn cõi Tịnh Ðộ, rốt ráo Niết Bàn.

Vì thế, Phật từ bi khai thị: ‘Thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng’ (thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp). ‘Tiệp’ là nhanh chóng, mau lẹ, chẳng hạn như ‘tiệp kính’ là con đường đi tắt cho nhanh. Ở đây, ý nói: một pháp Trì Danh là đường tắt tu hành, trì danh ròng chắc thì đắc đạo rất nhanh chóng. Ðó là do pháp Trì Danh đây lấy tâm này làm Phật, tâm này là Phật, lấy quả giác làm nhân để phát tâm nên đắc đạo nhanh chóng. Ấy chỉ vì pháp Trì Danh Niệm Phật đây phát xuất từ chính bổn nguyện lớn lao của Phật Di Ðà nên thực hiện thật dễ dành, thành tựu rất dễ dàng. Bởi thế, nó được gọi là pháp dễ hành, được xưng tụng là con đường tắt nhất trong các con đường tắt.

Hai câu ‘pháp ta như thế, nói ra như thế’ chính là ‘tiếng Phật phạm lôi chấn, thuyết pháp sư tử hống’, thật là kim cang vương bảo kiếm chém tan hết thảy tình chấp và kiến hoặc, hiển lộ toàn vẹn bổn tâm của Như Lai.

Phật dùng Phật tâm ấn để ấn chứng kinh này nên bảo là ‘pháp ta như thế, nói ra như thế’. Nói trắng ra, hai câu này để ấn chứng câu ‘thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng’ ở trên. Bốn câu này phải đọc một mạch thì mới lãnh hội nổi ý nghĩa. Có lãnh hội nổi những câu ấy thì mới biết là một pháp Tịnh Ðộ dứt tuyệt đối đãi một cách viên dung.

Lại cũng như Lục tổ của Thiền Tông đã ấn chứng cho người khác như sau: ‘Như thế đó, như thế đó, ông như thế đó, ta cũng như thế đó’. Ý nghĩa chữ ‘như thế’ của Lục Tổ giống hệt với ý nghĩa chữ ‘như thế’ trong đoạn kinh này.

Trong hai câu ‘pháp ta như thế, nói ra như thế’ thì câu trước nghĩa là: pháp của ta là Như, còn câu sau nghĩa là: điều được ta nói ra cũng là Như. Cả hai câu diễn tả ý: lời ta nói ra chính là pháp của ta. Pháp của ta là Như cho nên lời của ta nói ra phải là Như Như. ‘Như’ là Chơn Như, mà cũng chính là Chơn Tâm, Thật Tướng, tức là Chơn Thật Tế được giảng trong kinh này. Thể của bản kinh này chính là Chơn Như, Thật Tướng, Chơn Thật Tế nên Phật nói: ‘Pháp ta như thế’. ‘Nói ra như thế’‘khai hóa hiển thị Chơn Thật Tế’. Bởi thế, chúng ta biết được rằng ‘pháp của ta’ chính là Chơn Thật Tế, những điều được diễn nói ở đây chính là nhằm để khai thị Chơn Thật Tế, cho nên bảo là ‘nói ra như thế’.

Rõ ràng là mỗi một chữ trong kinh đều từ Như Lai tánh hải đại quang minh tạng tự nhiên biến hiện ra, mỗi một chữ đều thật sự chứa đựng vô biên diệu lý, mỗi một chữ đều được tánh đức và tu đức của Phật Di Ðà trang nghiêm, mỗi mỗi chữ đều nhằm khai thị Phật tri kiến cho bọn ta. Lời chỉ dạy từ mẫn ‘thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng’ chính là do đức Như Lai xứng hợp theo tánh mà thốt ra, là những lời được tâm ấn của Phật in dấu, đều là lời đúng lý do đấng Ðại Từ Bi Phụ dạy ra. Vì thế, ta phải nên chí thành tin nhận, trong hết thảy thời, chốn thường niệm A Di Ðà Phật.

Phẩm này trước hết chỉ rõ pháp vô thượng của Như Lai chẳng dễ được gặp.

Tiếp đó, dạy rõ Tịnh tông là pháp khó tin; dẫu kẻ có khả năng thuyết pháp có thể thuyết giảng nổi các pháp khác, nhưng đối với diệu pháp Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh siêu tình ly kiến này cũng khó lòng khai diễn khiến chúng sanh phát khởi lòng tin nổi! Bởi thế, trong kinh A Di Ðà, mười phương Như Lai khen ngợi đức Thích Tôn ở trong cõi Sa Bà, trong đời ác ngũ trược ‘vì các chúng sanh nói pháp hết thảy thế gian khó tin này’. Mười phương Như Lai đều bảo là khó nói, quả thật đã tỏ rõ ý nghĩa ‘cũng khó khai thị’.

Nếu đối với pháp khó gặp gỡ, khó chỉ dạy này tuy đã được gặp, được nghe mà chẳng sanh lòng tin sâu thì dẫu nghe có ích gì, trọn vẫn là phụ bạc. Còn may mắn mà tin tưởng sâu xa vào kinh này thì thật là một dịp hy hữu, khó gặp trong cả vạn kiếp ngàn năm; cho nên phải siêng tu hành, thường niệm chẳng dứt. Chỉ cần tín nguyện trì danh nổi ắt sẽ nhanh chóng đắc đạo!

Từ chữ ‘hạnh của Như Lai’ trở đi là nói về chánh hạnh và trợ hạnh.

Nguyện thứ tám trong mười đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền là ‘thường học theo Phật’. Vì thế, Bồ Tát phải học hành theo hạnh Như Lai đã hành. Mà sở hạnh của đấng đạo sư Di Ðà cõi Cực Lạc là: ‘Nhất tâm chọn lựa những điều ưa thích, kết thành đại nguyện’, ‘trụ chơn thật huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm cõi nước nhiệm mầu’; sở hạnh của đấng Thích Tôn là ‘muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chơn thật’. Sở hạnh của mười phương Như Lai cũng cùng vì sự chơn thật ấy nên các ngài đồng thanh khen ngợi ‘công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ’ hòng khuyên chúng sanh vãng sanh Cực Lạc. Nay bọn ta học theo những điều Phật đã hành thì trước hết phải tuân theo lời Phật dạy, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.

Sách Di Ðà Yếu Giải viết: ‘Phật lấy đại nguyện làm cái nhân nhiều thiện căn cho chúng sanh, dùng đại hạnh để làm cái duyên nhiều phước đức cho chúng sanh khiến cho tín nguyện trì danh, niệm niệm thành tựu công đức như thế, mà đều là đã thành, chứ chẳng hiện tại, chẳng phải là tương lai’.

Nghĩa là: Phật dùng đại nguyện để tạo nên cái nhân ‘nhiều thiện căn’ cho chúng sanh, dùng đại hạnh để tạo cái duyên ‘nhiều phước đức’ cho chúng sanh. Vì thế có thể làm cho người tín nguyện trì danh trong mỗi niệm đều được thành tựu công đức đại nguyện đại hạnh của Phật. Công đức như thế đã thành tựu từ lâu xa, chứ chẳng phải chỉ là mới thành tựu trong hiện tại hay là trong tương lai mới thành. Ấy là vì quả giác của Phật đã viên thành từ lâu rồi. Nay ta niệm Phật là đem cái quả giác của Phật biến thành cái tâm tu nhân của ta, cho nên cái tâm trong lúc tu nhân của ta liền ngang bằng với quả giác. Do ‘niệm Phật thì thiện căn, phước đức nhân duyên giống như Phật’ nên bảo là ‘công đức như vậy đều là thành tựu từ lâu’.

Như Lai chính là vua của các điều thiện, là bậc đức hạnh tôn quý nhất cho nên chúng ta phải bắt chước hành theo. Nhưng đức Như Lai điều thiện nào cũng tu, vạn đức trang nghiêm nên bọn chúng ta phải hành theo các đức của Như Lai, khéo biết căn cơ mình để thuận theo duyên mà tu tập. Chánh hạnh, trợ hạnh hỗ trợ lẫn nhau thì chóng được viên mãn.

‘Vun bồi phước thiện’ là trồng phước, gieo thiện. Kinh đây đã rộng khuyên bỏ ác làm lành, Quán kinh khuyên tu ba phước. Kinh dạy:

‘Muốn sanh về cõi ấy thì phải tu ba phước: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp. Hai là thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi. Ba là phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến khích hành giả. Ba sự như thế gọi là tịnh nghiệp’.

Phước thứ nhất kiêm đủ Thập Thiện. Quán kinh đã dạy muốn vãng sanh Tịnh Ðộ phải tu ba phước. Do đó ta biết được rằng người tu Tịnh nghiệp chẳng thể xem thường việc vun bồi phước thiện.

‘Cầu sanh cõi tịnh’ chính là chỗ quy kết chung của tất cả giáo pháp trong Ðại Tạng. Kinh Hoa Nghiêm gồm thâu trọn vẹn các giáo mà phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện lại dẫn dắt về Cực Lạc. Nay kinh này chính là kinh Hoa Nghiêm bổn trung. Cuối kinh đây, Phật khuyên khắp hữu tình cầu sanh cõi tịnh, đồng quy Cực Lạc. Ðiều khuyên lơn ấy chính là bổn nguyện của Phật Di Ðà, là bổn tâm của đấng Thích Tôn và mười phương Như Lai.

Thế Tôn khai hóa hiển thị chơn thật tế, thật ra chỉ vì muốn cho chúng sanh được cùng nhập Di Ðà nhất thừa nguyện hải, được cái lợi lớn chơn thật cứu cánh.

Trong tín, nguyện, hạnh thì nguyện là mấu chốt; vượt khỏi biển sanh tử hay không toàn cậy vào nguyện vương. Có nhiều môn phương tiện: Thiền, Mật, Giáo Quán; tu môn nào cũng được, nhưng quy về gốc thời chẳng hai. Trong các phương tiện thì chỉ có pháp vãng sanh là phương tiện rốt ráo; tu hành pháp khác mà muốn được ngay trong hiện đời siêu thoát khỏi tam giới thì thật là đạo rất khó hành. Chỉ có mỗi cách ‘cầu sanh cõi Tịnh’ mới thật là dễ hành. Chánh hạnh tu hành của Tịnh tông cốt yếu là trì danh, nhưng tu tập các môn khác và phát nguyện cầu sanh thì cũng được đức Di Ðà nhiếp thọ vượt ngang ra khỏi ba cõi. Vì thế, ở đây Phật nói ‘cầu sanh cõi Tịnh’ để tổng kết toàn bộ những lời dạy trước đây.

Xem mục lục