48. Nghe kinh được lợi ích
Phẩm này nói về việc nghe kinh được lợi ích, chỉ rõ người nghe kinh được lợi ích khó thể nghĩ bàn. Sách Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận viết: ‘Do nghe kinh mà được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn như vậy thì đều là do sức bổn nguyện của Phật Vô Lượng Thọ, mà cũng là do oai thần của đức Bổn Sư gia bị. Hễ có chúng sanh nào nghe được kinh này thì cũng đạt được lợi ích như thế’.
Chánh kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kinh pháp này, [trong] trời, người thế gian có một vạn hai ngàn na do tha ức chúng sanh viễn ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh; hai mươi ức chúng sanh đắc quả A Na Hàm, sáu ngàn tám trăm tỳ kheo hết sạch các lậu, tâm được giải thoát.
Giải: Chữ ‘trần cấu’ chỉ chung các phiền não. Câu kinh Duy Ma: ‘Viễn trần ly cấu, đắc pháp nhãn tịnh’ cũng mang cùng ý nghĩa với câu kinh trong đoạn này.
Theo bản sớ giải kinh Duy Ma của ngài Gia Tường thì ‘pháp nhãn tịnh’ được hiểu như sau: ‘Nói về pháp nhãn tịnh là nói về pháp nhãn của Tiểu thừa lẫn pháp nhãn của Ðại thừa. Pháp nhãn của Tiểu Thừa chính là Sơ Quả, thấy được pháp Tứ Ðế nên gọi là pháp nhãn. Pháp nhãn của Ðại thừa là bậc Sơ Ðịa chứng đắc pháp vô sanh chơn thật nên gọi là pháp nhãn’.
Chữ ‘pháp nhãn’ trong kinh Vô Lượng Thọ đây chỉ cho pháp nhãn tịnh của Tiểu thừa. Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Pháp nhãn tịnh chính là Dự Lưu quả’. Tịnh Ảnh Sớ cũng viết: ‘Thấy được bốn chơn đế thì gọi là tịnh pháp nhãn’. A Na Hàm là quả vị thứ ba trong tứ quả Tiểu Thừa.
‘Hết sạch các lậu, tâm được giải thoát’ là như kinh Duy Ma nói: ‘Tám ngàn tỳ kheo chẳng thọ các pháp, lậu tận ý giải’. Ngài Tăng Triệu giảng: ‘Lậu tận là cả chín mươi tám kết lậu đều đã hết sạch, ý được giải thoát thành A La Hán’. Ý nói: đã đoạn hết sạch các phiền não, tâm ý được giải thoát, chứng quả A La Hán. Như vậy, những vị đắc pháp nhãn tịnh và hết sạch các lậu trong kinh đây đều thuộc về Thanh Văn thừa.
Như có ai hỏi rằng: Nghe kinh điển Ðại thừa vô thượng này sao lại được ích lợi nơi pháp Tiểu thừa? Tịnh Ảnh Sớ đáp: ‘Chúng sanh [căn tánh] Tiểu thừa nghe nói Sa Bà uế ác đáng chán, tâm nhàm chán nên đắc quả Tiểu thừa’. Ngài Cảnh Hưng cũng nói: ‘Chúng sanh do nghe nói cõi này uế ác đáng chán nên đắc quả Thanh Văn’.
Chánh kinh: Bốn mươi ức Bồ Tát trụ chẳng thối chuyển nơi vô thượng Bồ Ðề, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm. Hai mươi lăm ức chúng sanh đắc bất thối nhẫn. Bốn vạn ức na do tha trăm ngàn chúng sanh chưa từng phát ý vô thượng Bồ Ðề nay mới bắt đầu phát tâm, trồng các căn lành, nguyện sanh Cực Lạc thấy A Di Ðà Phật, đều sẽ vãng sanh trong cõi đức Phật ấy, đều sẽ ở các phương khác lần lượt thành Phật, cùng hiệu là Diệu Âm Như Lai.
Giải: Ðoạn này nói đến những chúng sanh căn tánh Ðại Thừa nghe pháp được lợi ích.
‘Bất thối chuyển’ là công đức, thiện căn mình tu càng thêm tăng tấn, chẳng bị lui sụt, biến đổi. Bất thối chuyển cũng có nghĩa là siêng năng tu tập, chẳng hạn như niệm Phật bất thối, siêng năng tu tập bất thối v.v…
‘Bất thối chuyển’ tiếng Phạn là A-bệ-bạt-trí. Trong đoạn kinh này, phần trước đã nói ‘trụ bất thối chuyển’; phần sau ghi ‘đắc bất thối nhẫn’. Những câu này đều trích từ bản Ðường dịch; bản Ngụy dịch chỉ ghi là ‘đắc bất thối chuyển’.
Ngài Tịnh Ảnh giảng: ‘Chúng sanh [căn tánh] Ðại thừa nghe đức Di Ðà oai đức rộng độ bèn bền lòng cầu nguyện nên đắc bất thối chuyển. Nghe pháp này nhiều điều lợi ích nên thề muốn cứu độ, đấy gọi hoằng thệ tự trang nghiêm’. Ý nói: nghe danh hiệu Phật, ý nguyện cầu vãng sanh kiên quyết nên đắc bất thối. Thề muốn làm lợi cho người khác nên gọi là ‘dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm’.
Tuy chữ ‘trụ bất thối’ trong bản Ðường dịch chứa đựng ý nghĩa khá sâu, nhưng sơ bộ, ta có thể hiểu câu ấy theo cách Tịnh Ảnh Sớ vừa giảng trên đây.
‘Ðắc bất thối nhẫn’: Theo Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 9, chữ ‘nhẫn’ có nghĩa là ‘huệ tâm an trụ nơi pháp thì gọi là nhẫn’; quyển mười một lại ghi: ‘An trụ trong Thật Tướng của pháp là nhẫn’. Chẳng hạn như theo Trí Ðộ Luận, vô sanh pháp nhẫn là an trụ vào lý pháp vô sanh, chẳng động tâm. Ta thấy rằng nhẫn chính là an nhẫn, nghĩa là đối với lý quyết định, không có ý niệm di động.
Chuẩn theo đó, ‘bất thối nhẫn’ chính là tâm niệm an trụ vào lý bất thối chẳng hề di động. Ðấy là mỗi niệm đều chẳng thối chuyển. Nói cách khác, bất thối nhẫn là niệm bất thối trong ba thứ bất thối chuyển. Có ba thứ bất thối:
a. Vị bất thối: địa vị mình đã tu được chẳng bị lui sụt.
b. Hạnh bất thối: Chẳng hề thối thất hạnh pháp đã tu.
c. Niệm bất thối: Chẳng thối chuyển chánh niệm.
Sách Quán Kinh Diệu Tông Sao viết: ‘Nếu phá được kiến hoặc và tư hoặc thì gọi là Vị Bất Thối, vĩnh viễn siêu thoát khỏi cái giả hữu của phàm phu. Ðoạn trừ được trần sa hoặc thì gọi là Hạnh Bất Thối, vĩnh viễn chẳng đánh mất Bồ Tát hạnh. Phá được vô minh hoặc thì gọi là Niệm Bất Thối, chẳng đánh mất chánh niệm Trung Ðạo’.
Ở đây, Bất Thối Nhẫn chính là an trụ trong lý Thật Tướng, niệm niệm chẳng dời đổi; do đó, nó phải tương ứng với Niệm Bất Thối. Trụ bất thối chuyển dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm thì tương đương với Hạnh Bất Thối. Do căn cơ các vị Bồ Tát nghe kinh chẳng phải chỉ có một loại nên nghe pháp xong được lợi ích cũng phải sai khác.
‘Nay mới bắt đầu phát tâm’ là phát Bồ Ðề tâm. Hai điều: phát tâm và tất cánh tâm (chứng quả Bồ Ðề) chẳng sai biệt, nhưng trong hai tâm trên, phát tâm là khó. Vì thế trong hết thảy các kinh đều chép kỹ số người phát Bồ Ðề tâm. Những vị Bồ Tát đã phát đại tâm như thế xong lại thực hành các điều thiện, nguyện sanh Cực Lạc nên đều được vãng sanh, gặp Phật, lại sẽ ở trong các phương khác lần lượt thành Phật, cùng mang một danh hiệu là Diệu Âm Như Lai.
Chánh kinh: Lại trong mười phương cõi Phật, mỗi cõi có tám vạn câu chi na do tha người hoặc đang vãng sanh, hoặc sẽ vãng sanh, gặp Phật A Di Ðà được thọ ký pháp nhẫn, thành vô thượng Bồ Ðề. Các hữu tình ấy đều có nhân duyên túc nguyện với Phật A Di Ðà, đều được vãng sanh về Cực Lạc thế giới.
Giải: Ðoạn này nói rõ chúng sanh đủ duyên trong mười phương đều được thọ ký. Phật đối trước chúng sanh dự đoán tương lai họ sẽ thành Phật thì gọi là ‘thọ ký’. Có bốn thứ thọ ký:
a. Chưa phát tâm Bồ Ðề mà thọ ký.
b. Thọ ký cho kẻ đã phát tâm Bồ Ðề.
c. Thọ ký ngầm: Người khác nghe biết đương sự được thọ ký, nhưng chính bản thân người ấy lại chẳng biết.
d. Hiện tiền thọ ký.
Hễ được nhận bất cứ một hình thức thọ ký nào trong bốn loại kể trên đều bảo là ‘được thọ ký’. Trong câu ‘được thọ ký pháp nhẫn’, chữ ‘được thọ ký’ như trên vừa giảng, ‘pháp nhẫn’ chính là ba thứ nhẫn như đã nói trong nguyện băm tám của Phật A Di Ðà (bản Ngụy dịch ghi là đệ nhất, đệ nhị, đệ tam pháp nhẫn) mà cũng là âm hưởng nhẫn, nhu thuận nhẫn và vô sanh pháp nhẫn. Do có những người được Phật thọ ký, chứng nhập vô sanh, thành vô thượng chánh giác như vậy nên kinh nói: ‘Ðắc thọ ký pháp nhẫn, thành vô thượng Bồ Ðề’.
Câu ‘đều có nhân duyên túc nguyện với Phật A Di Ðà’ được bản Ðường dịch ghi như sau: ‘Tám vạn ức na do tha chúng sanh được thọ ký pháp nhẫn, thành vô thượng Bồ Ðề. Họ đều là hữu tình xưa kia đã được Phật Vô Lượng Thọ Phật thành tựu khi ngài còn đang tu đạo Bồ Tát, thảy đều sẽ sanh về Cực Lạc thế giới’.
Ý nói: Hết thảy pháp từ nhân duyên sanh. Những chúng sanh ấy trong đời quá khứ từng được gặp gỡ Phật Di Ðà trong khi ngài đang tu nhân, từng được ngài dạy dỗ ân cần, căn lành chín muồi. Ðấy chính là thiện duyên vô thượng thù thắng. Do bởi nhân duyên từng được Phật dạy dỗ trong các đời trước, từng nghe pháp tư duy, từng do tư duy mà phát nguyện nên chánh tư duy, chánh nguyện ấy in hằn vào tám thức trong tâm điền một cách quyết định chẳng tiêu. Ðấy chính là thiện nhân vô thượng thù thắng. Nay Phật Di Ðà đã viên mãn quả giác, công đức viên thành, thành quả giác Cứu Cánh. Do cả nhân lẫn duyên đều chín muồi nên họ được oai lực của Phật nhiếp thọ, ‘đều được sanh về Cực Lạc thế giới’.
Mà Bồ Tát, Thanh Văn, trời người trong cõi Cực Lạc đều nhiều đến vô lượng nên rõ ràng là lúc còn tu nhân, Phật Di Ðà đã trong vô lượng kiếp ở trong biển sanh tử giáo hóa, nhiếp thọ lục đạo chúng sanh số đến vô lượng. Ngày nay chúng ta nghe được, tin được diệu pháp này thì ắt hẳn trong bao kiếp xưa, Phật Di Ðà từng theo chúng ta vào tận Nê Lê, ở trong nhà lửa dạy dỗ chúng ta, nhiếp thọ chẳng bỏ, khuyên lơn tha thiết chẳng ngơi, chẳng nề hà phải cùng với chúng ta luân chuyển trong sáu nẻo, chỉ mong chúng ta hồi tâm dẫu chỉ một niệm. Ân đức Phật vô cực, oai đức vô cùng, Phật vì chúng ta vun bồi thiện căn; nay may mắn thay thiện căn ấy đã nảy nở, tăng trưởng. Chú giải kinh đến đây, tôi không cầm nổi nước mắt!
Chánh kinh: Lúc bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới sáu thứ chấn động và hiện ra các thứ thần biến hy hữu, phóng đại quang minh.
Lại có chư thiên ở trên không trung tấu các âm nhạc nhiệm mầu, vang ra tiếng tùy hỷ, đến tận chư thiên Sắc giới đều được nghe tiếng, khen là chưa từng có. Vô lượng diệu hoa phơi phới rơi xuống.
Tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ Tát và các Bồ Tát, Thanh Văn, thiên long bát bộ, hết thảy đại chúng nghe lời Phật dạy đều đại hoan hỷ, tin nhận, phụng hành[]
Phật thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác kinh
Giải: Ðoạn này thuật pháp hội viên mãn, lại có những điềm lành biến hiện. Trong kinh này, điềm lành biến hiện được ghi trong Tự phần, Chánh Tông phần và Lưu Thông phần, thể hiện sâu xa kinh này sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, vạn đức viên mãn.
Trong phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi của Tự phần, đức Thế Tôn phóng quang chói lọi như khối vàng nung, phóng đại quang minh hiện hơn trăm ngàn thứ biến hóa. Quang minh, dung nhan Phật vòi vọi, cõi báu trang nghiêm từ xưa đến nay chưa hề có. Những điềm lành như thế thật đáng gọi là điềm lành kỳ diệu, xưa nay chưa từng có.
Trong phần Chánh Tông, phẩm Lễ Phật Hiện Quang ghi nhận đại chúng thấy Phật Di Ðà như tòa núi vàng ròng, nhô cao khỏi mặt biển. Lại nghe mười phương ca tụng, ngợi khen Phật A Di Ðà. Từ bàn tay Phật A Di Ðà tỏa ra hào quang hiện rõ hết thảy các cõi Phật. Ðiềm lành như thế thật là kỳ diệu.
Cuối cùng trong phần Lưu Thông thì đại địa chấn động, lại hiện ra các thứ thần biến hy hữu, quang minh chiếu khắp, thiên nhạc rộn trời, hoa trời vần vũ rơi xuống. Kinh bảo ‘thần biến hy hữu’ nên những điều biến hiện ấy cũng là tốt lành kỳ diệu.
Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết: ‘Trong Tự phần thì quang minh, dung nhan của Phật là điềm lành kỳ diệu. Ở đây cũng hiện tướng lành ấy thì biết là ý Phật muốn thể hiện sự trịnh trọng vậy’. Gia Tường Sớ bảo việc hiện tướng lành trong phần lưu thông ‘thể hiện: cảm điềm lành để chứng thực lợi ích’. Ngài Tịnh Ảnh cũng bảo: ‘Như Lai giáo hóa hoàn tất, vì để tăng tấn chúng sanh nên bèn dùng thần lực chấn động cõi đất và phóng quang, trỗi nhạc, mưa hoa’.
Nói chung, những điềm lành ấy đều nhằm để chứng tín cho chúng sanh, khuyên chúng sanh nên phát sanh lòng tin chơn thật đối với pháp khó tin được dạy trong kinh này.
Ðoạn kinh từ ‘tôn giả A Nan’ trở đi được Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Ý nói đến lợi ích rộng lớn: giáo pháp phù hợp khắp mọi căn cơ, đại chúng cùng vui mừng’.
Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng ‘hoan hỷ’ là: ‘Ngài Pháp Vị nói: “Theo Già Da Sơn Ðảnh Luận, hoan hỷ có ba nghĩa: một là người nói thanh tịnh vì được tự tại đối với các pháp; hai là pháp được giảng thanh tịnh vì thể của pháp là như thật, thanh tịnh; ba là nương theo pháp đã nói sẽ đắc quả thanh tịnh vì chứng được cảnh giới thanh tịnh mầu nhiệm vậy”. Ở đây, đại chúng được nghe Di Ðà bổn nguyện, đội ân đấng Thích Tôn nên tự được lợi ích lớn lao, không ai là chẳng hoan hỷ’.
Ý nói:
a. Người nói kinh là đấng Bổn Sư của chúng ta: ‘Ta là pháp vương, tự tại nơi pháp’. Ðấy là người nói thanh tịnh.
b. Các thứ công đức đã nói ấy chỉ là một thanh tịnh cú: chơn thật trí huệ vô vi pháp thân. Ấy chính là pháp được thuyết là thanh tịnh.
c. Ðắc quả thanh tịnh là như Linh Phong đại sư đã nói: ‘Toàn thể của mỗi một trang nghiêm là lý tánh’. Tu trì theo đúng lời dạy, vượt ngang ra khỏi ba cõi, chứng ngay lên bất thối, sanh trọn cả bốn cõi Tịnh Ðộ, rốt ráo thành Phật, thì đấy là cảnh giới đắc quả thanh tịnh.
Ðủ cả ba thứ thanh tịnh, người nghe được lợi ích vô thượng đều đại hoan hỷ, tin ưa thọ trì nên bảo là ‘tin nhận, phụng hành’.
Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận nhận định: ‘Kinh này chứa cả toàn thân của Phật Vô Lượng Thọ, mà cũng chứa trọn toàn thân của hết thảy chư Phật. Tín nhập kinh này thì chính là đầy đủ hết thảy Phật trí nên bảo rằng: “Nghe được kinh này thì đối với vô thượng đạo, vĩnh viễn chẳng thối chuyển”. Ðến khi kinh đạo diệt hết, do Phật từ gia bị nên kinh này được riêng lưu lại, khác lạ hơn các kinh khác, kính xin hậu hiền đều cùng tin nhận’.
Chú giải Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh hết
Chú Thích
(1) Phần đoạn sanh tử là thân sanh tử của chúng sanh trong 3 cõi. Do quả báo sanh tử, chúng sanh trong ba cõi chiêu cảm thân tướng và thọ mạng dài ngắn khác nhau nên gọi là Phần Ðoạn sanh tử. Biến dịch sanh tử là thân không có hình sắc hơn kém, không có thời hạn thọ mạng dài ngắn, và đang trong quá trình diệt dần mê tưởng, tăng dần chứng ngộ từ thấp đến cao. A La Hán, Bích Chi Phật và Bồ Tát đã đoạn hết chướng hoặc, không còn thọ thân phần đoạn trong ba cõi, nhưng lại dùng thân biến dịch để trở vào ba cõi tu hạnh Bồ Tát trong suốt một thời gian dài để mong đạt đến Vô Thượng Bồ Ðề (theo Huệ Quang tự điển).
(2) Chánh sử là chủ thể phát khởi phiền não. Chánh sử còn gọi tắt là sử, tức là những phiền não sai khiến chúng sanh luân hồi trong sanh tử. Từ A La Hán trở lên mới dứt hết nổi chánh sử. Tập khí là những thói quen từ những kiếp trước còn sót lại. Chẳng hạn như ngài Kiều Phạm Ba Ðề tuy đã đoạn chánh sử nhưng miệng vẫn nhai nhóp nhép như trâu nhơi cỏ do quá khứ nhiều đời làm trâu.
(3) Thai Tạng mạn đồ la: Còn gọi là Nhân Mạn Ðà La, Lý Thú Mạn Ðà La, Ðại Bi Mạn Ðà La. Thai Tạng nghĩa là phát sanh ra chư Phật, ý vị cùng tột không gì sánh bằng, tròn khắp đầy đủ. Thai Tạng mạn đà la phát sanh từ tâm địa bình đẳng của Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Thai Tạng chỉ cho lý tánh sẵn có của chúng sanh. Thai Tạng giới giống như chủng tử của các thức được thai mẹ cưu mang cho đến khi thành tựu các phương tiện, thể hiện các hạnh lợi tha cứu cánh viên mãn. Thai Tạng Mạn Ðà La được vẽ ra dựa trên mô tả trong phẩm Cụ Duyên kinh Ðại Nhật. Mạn đà la này chia thành 10 khu vực, mỗi khu được gọi là viện. Viện trung ương mang tên Trung Ðài Bát Diệp gồm 9 tôn vị, tượng trưng cho giáo nghĩa: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Các viện khác như Viện Biến Tri, viện Quán Âm, viện Kim Cang Thủ, viện Hư Không Tạng, viện Thích Ca… tượng trưng cho các khía cạnh tánh đức khác nhau của tự tâm (theo Huệ Quang tự điển)
(4) Tình dục ở đây có nghĩa là những thứ ham muốn, yêu thương của phàm tâm.
(5) Pháp nhĩ: còn gọi là pháp nhiên, tự nhiên, thiên nhiên, tự nhĩ, pháp nhĩ tự nhiên… Từ này chỉ mọi hiện tượng tự nhiên, không trải qua bất kỳ một trạng thái tạo tác nào, tức chỉ những tướng trạng xưa nay của sự vật.
(7) Cầm, sắt, không hầu: Cầm là loại đàn dài ba thước Tàu, rộng sáu tấc, gồm bảy dây. Sắt là một loại đàn từa tựa như đàn tranh, thời cổ chỉ có 13 dây, sau đổi thành 25 dây. Cầm và sắt thường hòa tấu chung với nhau nên xưa hay dùng chữ ‘sắt cầm hảo hợp’ để ví cho tình nghĩa vợ chồng. Không hầu là một loại đàn dây, xuất xứ từ Tây Vực, thường có thân cong, mặt dài, số dây từ 22 đến 25. Khi sử dụng, ôm vào lòng, hai tay cùng khảy.
(8) Sở duyên cảnh; đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên: Sở duyên là những gì bị tâm nhận biết, còn cái tâm nhận biết những cảnh đó thì gọi là năng duyên. Sở duyên cảnh chính là những trần cảnh bị tâm nhận biết như sắc, thanh, hương v.v.. Sở duyên duyên: Những đối tượng nhận thức của tâm và tâm sở (tác dụng của tâm) nếu làm cho tâm sanh ra kết quả thì gọi là sở duyên duyên. Luận Câu Xá giảng: ‘Như nhãn thức và các pháp tương ưng lấy sắc làm sở duyên duyên; cũng như thế nhĩ thức và các pháp tương ưng lấy thanh làm sở duyên duyên…’ Hiểu theo nghĩa rộng, sở duyên duyên chính là tất cả pháp. Ðẳng vô gián duyên là tác dụng của tâm pháp ở niệm trước mở đường cho niệm sau (theo Huệ Quang tự điển)