Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

42. Bồ Tát vãng sanh

 Cả ba bậc vãng sanh cùng với nghi thành được nói trong những phẩm trước đều là việc vãng sanh của hạng phàm phu; phẩm này giảng rộng về việc thập phương Bồ Tát vãng sanh số đến vô lượng, nhằm chỉ rõ diệu pháp Tịnh Ðộ thâu nhiếp cả phàm lẫn thánh, độ cả lợi căn lẫn độn căn, khuyên khắp chúng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ.

 Chánh kinh: Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Nay các vị bất thối Bồ Tát trong thế giới Sa Bà đây và mười phương cõi Phật sẽ sanh về cõi Cực Lạc số đến bao nhiêu?

Phật bảo Di Lặc:

- Trong thế giới này có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, trồng các cội đức, sẽ sanh về cõi ấy. Chẳng thể tính kể nổi số các tiểu hạnh Bồ Tát tu tập công đức sẽ sanh về cõi ấy.  

 Giải: Trước hết, Di Lặc đại sĩ thưa hỏi số lượng các vị Bất Thối Bồ Tát trong cõi này và mười phương sẽ vãng sanh. Phật đáp rằng trong số các Bồ Tát được vãng sanh ở cõi này có bảy trăm hai mươi ức đại hạnh Bồ Tát, còn tiểu hạnh Bồ Tát thì chẳng tính kể nổi số lượng.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng chữ ‘tiểu hạnh’ như sau: “Những vị tiểu hạnh” là Thập Tín Bồ Tát thì gọi là “tiểu hạnh”, đấy là do so với địa vị bất thối vậy’. Tức là: Bất thối Bồ Tát thì gọi là đại hạnh, còn hàng Thập Tín thì gọi là tiểu hạnh vì họ còn thăng trầm bất định.

 Chánh kinh: Chẳng những các hàng Bồ Tát trong cõi ta vãng sanh cõi ấy, mà trong các cõi Phật phương khác cũng giống như vậy.

Từ cõi Phật Viễn Chiếu có mười tám câu chi na do tha Bồ Tát Ma Ha Tát sanh về cõi nước ấy.

Cõi Phật Bảo Sát ở phương Ðông Bắc có chín mươi ức bất thối Bồ Tát sẽ sanh về cõi ấy.

Từ cõi Phật Vô Lượng Âm, cõi Phật Quang Minh, cõi Phật Long Thiên, cõi Phật Thắng Lực, cõi Phật Sư Tử, cõi Phật Ly Trần, cõi Phật Ðức Thủ, cõi Phật Nhân Vương, cõi Phật Hoa Tràng, các vị bất thối Bồ Tát sẽ vãng sanh hoặc số đến mười trăm ức, hoặc số đến trăm ngàn ức, cho đến vạn ức.

 Giải: Ðoạn kinh này nói đến danh hiệu mười một cõi Phật và số lượng các Bồ Tát được vãng sanh trong những phương khác. Ðoạn kinh tiếp theo đoạn này sẽ lại nêu tên hai cõi Phật thứ mười hai và mười ba.

Sách Hội Sớ viết: ‘Thứ tự của mười ba vị Phật này là kể theo thứ tự xuất thế hay là tính theo phương vị? Chưa rõ nghĩa này’. Bởi thế, ở đây tôi cũng chẳng bàn sâu. Kinh nêu lên cõi này và mười ba cõi Phật cũng chỉ là nêu đại lược một số cõi trong vô lượng cõi Phật.

 Chánh kinh: Vị Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa. Ngài có vô số các vị Bồ Tát đều là bất thối chuyển, trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đủ đại tinh tấn, hướng đến Nhất Thừa, trong vòng bảy ngày liền có thể nhiếp thủ những pháp của bậc đại sĩ tu hành kiên cố trong trăm ngàn ức kiếp. Các vị Bồ Tát ấy đều sẽ vãng sanh.

Vị Phật thứ mười ba tên là Vô Úy, ngài có bảy trăm chín mươi ức đại Bồ Tát; chẳng thể tính kể các tiểu hạnh Bồ Tát và các tỳ kheo đều sẽ vãng sanh. Ðối với mười phương thế giới, danh hiệu chư Phật và hàng Bồ Tát sẽ vãng sanh dù chỉ kể tên thì hết cả kiếp cũng chẳng hết nổi.

 Giải: Ðoạn này trích từ bản Ngụy dịch. Cứ theo như bản Ðường dịch thì thật ra, câu đầu tiên ‘vị Phật thứ mười hai’ nên hiểu là ‘cõi Phật thứ mười hai’ (chẳng hạn như bản Ngụy dịch ghi là “vị Phật thứ hai tên là Bảo Tạng”, bản Ðường dịch ghi là “cõi Phật Bảo Tạng”).

Trong cõi Phật thứ mười hai này, tuy đức Phật có nêu những đức hạnh của các Bồ Tát ấy, nhưng cũng chỉ là nêu lên tượng trưng một vài đức.

‘Pháp kiên cố’ chính là bất thối chuyển. Ngay cả các vị bất thối chuyển Bồ Tát cũng vãng sanh Cực Lạc thì nghĩa là làm sao? Ðại Luận giải đáp:

‘Hỏi: Pháp của Bồ Tát lẽ ra phải độ chúng sanh, sao lại chỉ sanh về thế giới thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ?

Ðáp: Bồ Tát có hai loại: Một là có tâm từ bi thường vì chúng sanh, hai là [thích] tu tập nhiều các công đức của Phật. Hạng thích tu tập nhiều các công đức của chư Phật thì sanh trong thế giới Nhất Thừa thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ; hạng thích vì chúng sanh thì sanh vào nơi chẳng có Phật pháp’.

Sách Luận Chú cũng nói: ‘Các vị Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm là các Bồ Tát từ Sơ Ðịa trở lên, Thất Ðịa trở xuống. Các vị Bồ Tát ấy cũng có thể hiện thân trong trăm, hoặc ngàn, hoặc ức, hoặc trăm ngàn vạn ức cõi không có Phật để làm Phật sự. Nhưng họ cần phải vận tâm nhập tam muội thì mới làm nổi như thế chứ chẳng thể không vận tâm. Do phải vận tâm nên gọi là chưa đắc tịnh tâm. Các vị Bồ Tát ấy nguyện sanh trong Tịnh Ðộ An Lạc liền thấy Phật A Di Ðà. Lúc thấy Phật A Di Ðà sẽ được thân rốt ráo, đắc pháp bình đẳng với các bậc địa thượng Bồ Tát. Long Thọ Bồ Tát, Bà Tẩu Bàn Ðậu Bồ Tát (Vasubandhu, tức ngài Thế Thân) nguyện sanh về cõi ấy cũng chính vì điều đó’.

Sách còn viết thêm: ‘Bồ Tát trong Thất Ðịa đắc đại tịch tĩnh: trên chẳng thấy chư Phật để cầu, dưới chẳng thấy chúng sanh để độ, muốn bỏ Phật đạo chứng vào Thật Tế. Lúc bấy giờ, họ chẳng được thần lực của thập phương chư Phật hỗ trợ khuyến khích nên liền diệt độ, chẳng khác gì Nhị Thừa. Còn nếu Bồ Tát vãng sanh cõi An Lạc thì do thấy A Di Ðà Phật nên không mắc nạn ấy’.

Trên đây, cả Ðại Luận lẫn Vãng Sanh Luận Chú đều đã nói rõ nguyên do bất thối Bồ Tát nguyện vãng sanh cõi An Lạc.

Sách Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận viết: ‘Ðoạn kinh trên nói rõ Bồ Tát vãng sanh chẳng thể tính nổi số, đều là những người được nguyện lực của Như Lai gia trì, quang minh của Phật nhiếp thọ.

Bởi thế, Trí Giả đại sư khi lâm chung sai môn đồ xướng tụng đề mục các kinh Vô Lượng Thọ và Quán kinh, chắp tay khen rằng: “Bốn mươi tám nguyện trang nghiêm Tịnh Ðộ, ao hoa, cây báu, dễ đi mà chẳng có người. Dẫu tướng xe bốc lửa hiện, nhất niệm cải hối còn được vãng sanh, huống hồ [là kẻ] giới, định huân tu. Thánh hạnh đạo lực thật chẳng luống uổng”. Nói xong, ngài xưng danh hiệu Tam Bảo, nghiễm nhiên mà tịch’.

Ðời Ðường, sư Pháp Chiếu lên núi Ngũ Ðài, vào chùa Trúc Lâm Ðại Thánh, gặp hai vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền liền thưa hỏi pháp yếu tu hành. Ðức Văn Thù dạy:

‘Các môn tu hành chẳng môn nào bằng pháp niệm Phật. Trong kiếp quá khứ, ta do niệm Phật nên đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Vì thế, hết thảy các pháp: Bát Nhã Ba La Mật Ða, thiền định rất sâu cho đến biển Chánh Biến Tri của chư Phật đều từ pháp Niệm Phật sanh ra’.

Ngài Pháp Chiếu thưa: ‘Nên niệm như thế nào?’ Ðức Văn Thù dạy:

‘Phía Tây thế giới này có đức A Di Ðà Phật. Ðức Phật ấy nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn. Ông nên liên tục niệm chớ gián đoạn thì lúc mạng chung quyết định vãng sanh’.

Nhân đó, hai vị Bồ Tát thọ ký rằng:

Ông do niệm Phật bất tư nghì, rốt ráo chứng được vô thượng giác. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nếu nguyện mau được xuất ly thì phải nên niệm Phật’.

Ngài Huệ Nhật cưỡi thuyền vượt biển đến Thiên Trúc, tới nước Kiện Ðà La (Gandhara). Nơi hòn núi lớn ở phía Ðông Bắc nước ấy có tượng Quán Âm. Ngài Huệ Nhật dập đầu lễ bái suốt bảy ngày, lại nhịn ăn, lấy bảy ngày làm kỳ hạn. Ðến đêm hôm thứ bảy, chợt thấy Quán Âm hiện tử kim thân, ngồi tòa sen báu, đưa tay xoa đầu ngài bảo:

‘Ông muốn truyền pháp tự lợi, lợi tha thì chỉ cần niệm đức A Di Ðà Phật ở Tây phương Cực Lạc thế giới’.

Rõ ràng là pháp môn Tịnh Ðộ vượt hẳn các hạnh.

Ngoài ra, các tác phẩm Vãng Sanh Luận của Thiên Thân đại sĩ, Khởi Tín Luận của Mã Minh đại sĩ, Thập Nghi Luận của Trí Giả đại sư và bao nhiêu trước tác của các vị đại đức Vĩnh Minh, Thiên Như, Sở Thạch, Liên Trì, không tác phẩm nào lại chẳng ân cần khen ngợi, dẫn dắt về việc vãng sanh Tây phương, quyết chẳng phải là việc lừa dối người đời. Huống hồ chúng ta sanh nhằm đời mạt, pháp nhược ma cường, lại độc lực tu hành thì há chẳng phải là đi lầm đường sao?

Nếu vẫn bồi hồi chẳng tin, tham đắm trần lao như con thiêu thân đâm đầu vào lửa, như cá mắc cạn, biết đến bao giờ mới hết đại khổ? Ai nấy phải nên dũng mãnh phản tỉnh, đừng cầu pháp nào khác nữa!

Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận, ông Bành Tế Thanh còn viết:

‘Chánh tông là:

1) Một là trước hết nói về nguyện hạnh rộng lớn của ngài Pháp Tạng nhằm làm cho hành giả sanh tâm gánh vác, phát khởi bi trí, đầy đủ nguyện Phổ Hiền.

2) Hai là nói đến công đức rộng lớn của ngài Pháp Tạng khiến hành giả sanh tâm chơn thật, rộng hành phương tiện, đầy đủ hạnh Phổ Hiền.

3) Ba là giảng về các thứ trang nghiêm của y báo, chánh báo cõi Cực Lạc để hành giả sanh tâm quyết định, chí thành hồi hướng, nhập Phật cảnh giới, chẳng đọa nghi thành.

Kế đó, tỏ bày chánh nhân vãng sanh và quả báo thế gian khiến hành giả sanh tâm tinh tấn, nhất niệm niệm Phật, thành tựu tam muội, quyết sanh về cõi ấy’.

Theo thuyết của ông Bành, nói tóm gọn thì hai điều đầu chính là khuyến nguyện mà cũng chính là phát Bồ Ðề tâm; điều thứ ba là khuyến tín, điều cuối cùng là khuyến hạnh: dứt ác làm lành; mà vua của các điều thiện lại là trì danh. Tín nguyện chính là phát Bồ Ðề tâm, trì danh là một bề chuyên niệm. Ðấy chính là tông chỉ của bộ kinh này; nếu xét theo kinh Tiểu Bổn thì chính là “tín nguyện trì danh”. Hai bản tuy có giản lược hay chi tiết sai khác, nhưng cương tông chẳng khác.

Linh Phong đại sư đã nhận định trong phần giải thích về chánh tông phần của kinh Tiểu Bổn như sau:

‘Trước hết rộng bày diệu quả y báo, chánh báo cõi ấy để khơi gợi lòng tin. Hai là riêng khuyên chúng sanh nên cầu vãng sanh để phát nguyện. Ba là phần dạy chánh yếu: dạy hành giả chấp trì danh hiệu để lập hạnh. Tín nguyện trì danh là yếu chỉ của cả bộ kinh’.

Ðem cả hai bản kinh đối chiếu nhau, tông chỉ của chúng càng phân minh.

Xem mục lục