Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

4. Phương tiện lực dụng

 Như kinh Ðại Tỳ Lô Giá Na dạy: ‘Bồ Ðề là nhân, đại bi là căn, phương tiện là cứu cánh’ thì biết rằng phương tiện độ sanh chính là chỗ kết quy của đại nguyện chư Phật, là điều được đại trí hiển thị, vạn đức trang nghiêm, là chỗ cứu cánh của quả giác. Vì vậy, tiếp sau phần nói về thể tánh, tông thú phải luận về đại lực, đại dụng của phương tiện thắng diệu.

Như kinh Quán Phật tam muội viết:

‘Phật bảo phụ vương:

- Chư Phật xuất thế có ba điều lợi ích:

a. Một là miệng nói mười hai bộ kinh là pháp thí lợi ích, trừ được vô minh ám cấu của chúng sanh, mở mắt trí huệ, sanh trước chư Phật, chóng đắc vô thượng Bồ Ðề.

b. Hai là chư Phật Như Lai có thân tướng quang minh tốt đẹp vô lượng. Nếu có chúng sanh xưng niệm, quán sát, dù là tổng tướng hay biệt tướng, chẳng luận là thân của Phật hiện tại hay quá khứ đều trừ diệt được tứ trọng, ngũ nghịch của chúng sanh, vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ, tùy lòng ưa thích thường sanh Tịnh Ðộ cho đến khi thành Phật.

c. Ba là khuyên phụ vương hành Niệm Phật Tam Muội.

Phụ vương bạch Phật:

 - Vì sao chẳng dạy đệ tử thực hành quả đức của Phật địa, Thật Tướng Chơn Như, Ðệ Nhất Nghĩa Không?

Phật bảo phụ vương:

- Quả đức của chư Phật có vô lượng cảnh giới thâm diệu, thần thông giải thoát, chẳng phải là cảnh giới phàm phu thực hành nổi. Vì vậy, ta khuyên phụ vương hành Niệm Phật Tam Muội’.

Lại chép:

‘Phật bảo phụ vương: Tâm niệm Phật của hết thảy chúng sanh trong sanh tử cũng giống như vậy, chỉ cốt hệ niệm chẳng ngơi, quyết định sanh ở trước Phật. Một khi được vãng sanh liền có thể cải biến hết thảy các điều ác thành đại từ bi’.

Theo lời đấng Thích Tôn đại từ chí hiếu khuyên phụ vương trên đây, Phật chỉ khuyên niệm Phật, đủ thấy các hạnh môn khác không phải là không thù thắng, nhưng bọn phàm phu chẳng thể tu nổi. Chỉ có pháp môn dốc lòng niệm Phật thích ứng căn cơ nhất. Chỉ nên tuân lời dạy niệm Phật thì quyết định vãng sanh. Một phen vãng sanh rồi liền chuyển nổi ác thành thiện. Diệu dụng của phương tiện niệm Phật đã được hiển thị không còn sót.

Theo đoạn kinh Thế Tôn khuyên phụ vương niệm Phật nói trên, hết thảy chúng sanh còn trong sanh tử tâm phải niệm Phật khẩn thiết chẳng ngơi. Ý Phật muốn nói đến cách Trì Danh Niệm Phật trong bốn cách niệm Phật. Niệm Phật có bốn cách: trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, và thật tướng niệm Phật.

 * Trì danh niệm Phật: chính là điều được kinh này đề cao: xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật. Thiện Ðạo đại sư bảo: ‘Chỉ có con đường tắt tu hành là niệm Phật A Di Ðà’.

Các môn tu hành khác gọi là vượt tam giới theo chiều dọc như trùng sanh trong tre: đục dọc theo thân tre khó thoát ra, nên là đạo khó hành. Còn niệm Phật như trùng đục ngang ống tre thời dễ thoát ra, là vượt tam giới theo chiều ngang, gọi là đạo dễ hành. Pháp này được ví như đường tắt vì phương tiện thẳng chóng, thành công nhanh chóng.

 * Quán tượng niệm Phật:

Bày biện tượng Phật, chú mục ngắm nhìn. Hiềm rằng có tượng mới quán được, rời khỏi tượng lại khó quán: Tịnh nhân dễ mất, giữ cho liên tục càng khó. Vì vậy, cổ đức bảo: ‘Tượng đi rồi lại là không, cho nên trở thành gián đoạn’.

Vì vậy, cách này chẳng tiện dụng như trì danh niệm Phật, lúc nào, chỗ nào cũng tu được.

 * Quán tưởng niệm Phật

Như các phép quán dạy trong Quán kinh: ‘Dùng con mắt trong tâm ta, tưởng đức Như Lai kia’. Khổ nỗi, tâm phàm phu tạp loạn, phù động, hiếm có lúc tịnh định, khó nhập pháp quán vi diệu. Vì vậy, mới nói: ‘Cảnh tế tâm thô, diệu quán khó thành’.

Do đó, cách này chẳng bằng trì danh tiện dụng dễ hành, chẳng nề thượng trí, hạ ngu, nào luận khổ, vui, rảnh, bận, ai cũng niệm được, kẻ nào cũng hành được.

 * Thật tướng niệm Phật: xa lìa các tướng sanh diệt, có, không, năng sở, ngôn thuyết, danh tự, tâm duyên... chuyên niệm tự tánh vốn sẵn đức Phật thiên chơn. Khốn nỗi, chúng sanh chưa thoát luân hồi, tâm sanh diệt niệm niệm tiếp nối như kinh Viên Giác dạy:

‘Chưa thoát luân hồi mà bàn đến Viên Giác thì tánh Viên Giác ấy cũng bị xoay chuyển. Ðã như vậy mà mong thoát được luân hồi thì quyết chẳng thể được’.

Kinh còn dạy: ‘Huống hồ là tâm cấu trược sanh tử chuyển vần chưa từng thanh tịnh, quán Viên Giác của Phật làm sao lãnh hội được’

Ví như loài trùng rất nhỏ chỗ nào cũng bu được, chẳng thể đậu trên lửa. Ví như tâm chúng sanh, duyên chỗ nào cũng được chỉ chẳng duyên nổi Bát Nhã. Bởi thế, ông Phật của Thật Tướng, tánh Viên Giác tuy chúng sanh sẵn đủ, nhưng bởi vọng tâm niệm niệm sanh diệt nên chẳng quán nổi. Vì vậy, trong kinh Quán Phật Tam Muội, Phật bảo phụ vương: Bổn đức của chư Phật: chơn như thật tướng v.v... chẳng phải là cảnh giới phàm phu hành nổi nên Phật khuyên phụ vương niệm Phật.

Do những điều trên, thấy được rằng: trong các pháp, pháp môn Niệm Phật được xem là đường tắt, trong bốn phép Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật lại là phương tiện rốt ráo nên được gọi là đường tắt nhất trong các đường tắt.

Hơn nữa, bốn cách Niệm Phật khó dễ khác xa nhau, dường như có sâu cạn khác biệt, nhưng thật ra sự-lý bất nhị: sâu chính là cạn, cạn chính là sâu. Nếu được người viên đốn dùng đến thì thầm hợp diệu đạo, còn với kẻ sơ cơ thì cũng về được nhà. Vì vậy, Trì Danh Niệm Phật khác chi Thật Tướng Niệm Phật. Sách Di Ðà Sớ Sao viết:

‘Nói đến Thật Tướng chẳng phải là diệt trừ các tướng mà chính là ngay nơi tướng thấy được vô tướng. Kinh dạy: ‘‘Ngôn ngữ thế tục chẳng trái nghịch Thật Tướng’’, lẽ nào vạn đức hồng danh chẳng bằng nổi một lời thế tục sao?’.

Hơn nữa, sách Viên Trung Sao viết:

‘Ngài Tứ Minh nói: Nơi quả viên cực, tất cả danh tự mỗi mỗi chẳng hư, rốt ráo thành tựu, vì mỗi điều được nó chiêu cảm đều là chơn thật tột cùng vậy’.

Vì vậy, Ðại Kinh dạy: “Thế Ðế chỉ có cái tên, không có thật nghĩa. Ðệ Nhất Nghĩa Ðế có cái tên, có thật nghĩa vì Phật là đệ nhất nghĩa đế vậy”.

Ðức Di Ðà nay lại đã chứng được Ðệ Nhất Nghĩa Ðế, nên một phen xưng tụng gia danh (tức hồng danh A Di Ðà Phật) vạn đức cùng phô bày. Di Ðà vạn đức tuệ nhật đã phô bày trọn vẹn toàn thể thì tội lỗi hắc ám của chúng sanh ngay trong niệm ấy tự nhiên tiêu tan trần kiếp. Tội tánh vốn không, hư dối chẳng thật đã bị tiêu thì công đức xưng danh lớn như hư không tự nhiên sanh ra’.

Căn cứ theo diệu nghĩa trên, một phen xưng danh hiệu công đức còn đến thế, huống là phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm như trong kinh này. Hơn nữa, trì danh chính là thậm thâm Bát Nhã: niệm đến thuần thục, vạn duyên cùng bỏ hết, năng, sở tiêu sạch thì chính là vô trụ. Ngay trong lúc ấy, một câu Phật hiệu rạng ngời, minh bạch, liên tục chẳng dứt thì chính là sanh tâm. Ðấy vốn là chỗ chúng sanh chưa đạt đến, nay do niệm Phật thầm hợp diệu đạo, chẳng hành mà hành, chẳng đến lại đến. Câu nào cũng là Phật tri kiến, niệm nào cũng tỏa ánh sáng Bát Nhã.

Mật giáo nói: ‘Âm chữ đều là Thật Tướng’ nên niệm tên Phật chính là niệm Thật Tướng! Trì Danh Niệm Phật khác gì Thật Tướng Niệm Phật!

Lại nữa, trong hai kinh Ðại, Tiểu, bản dịch Tiểu Bổn đời Tần có câu ‘nhất tâm bất loạn’, còn Ðại Bổn không có câu ấy mà chuyên chú ‘nhất hướng chuyên niệm’. So sánh hai câu ấy thì điều được đề cao trong Ðại kinh là minh xác, lại khế hợp căn cơ của chúng sanh, tỏ rõ ân đức vô cực của đấng Từ Tôn. Sách Di Ðà Yếu Giải giảng:

‘Nếu chấp trì danh hiệu chưa đoạn kiến - tư, do hoặc tán, hoặc định nên trong cõi Ðồng Cư, chia làm ba bậc chín phẩm.

Nếu trì đến mức sự nhất tâm bất loạn, kiến hoặc hay tư hoặc tùy ý đoạn trước được một thứ thì sanh về cõi PhươngTiện Hữu Dư.

Nếu đến mức lý nhất tâm bất loạn, phá toang một phẩm vô minh, cho đến bốn mươi mốt phẩm thì sanh trong Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Ðộ, cũng chứng một phần Thường Tịch Quang độ’.

Nghĩa là: tán tâm trì danh liền được vãng sanh Ðồng Cư Tịnh Ðộ. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn liền vãng sanh ba cõi trên. Ðấy thật là cảnh hạnh của hiền thánh, nào phải khả năng của phàm phu!

Nếu cứ phải nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh, thử hỏi chúng sanh trong biển khổ mấy kẻ đắc độ? Hóa ra pháp môn Trì Danh tiện dụng này cũng là đạo khó hành ư? Sách Tịnh Ðộ Hợp Tán lại viết:

‘Nương theo kinh này phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm mới được nhất tâm bất loạn. Chẳng thể chuyên niệm thì thật khó nhất tâm’.

Tổng hợp hai ý kiến trên, thấy rằng kinh này lấy phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm làm Tông, hiển lộ trọn vẹn bổn tâm của bậc đạo sư hai cõi và thập phương Như Lai, nguyện thù thắng vô tận của đức Di Ðà: phương tiện đại từ tột bực, lực dụng của quả đức khó lường thâu trọn phàm thánh, độ khắp lợi, độn, dưới đến thập ác ngũ nghịch, ngạ quỉ, súc sanh chỉ cần phát tâm chuyên niệm ắt được độ thoát. Rộng độ hết thảy hàm linh, khắp ban cái lợi chơn thật.

Ðại ân, đại đức, đại nguyện, đại lực, đại dụng độ sanh vi diệu khó suy nghĩ nổi. Có như thế mới xứng bổn hoài của Như Lai, mới là phương tiện rốt ráo

Xem mục lục