Đức Phật - Bậc Đạo Sư tuyệt hảo - với sự thiện xảo và lòng bi mẫn vĩ đại đã chuyển ba Pháp Luân để dẫn dắt tất cả chúng sinh đến các trạng thái giải thoát và Toàn Giác. Các giáo lý của Ngài – Kinh điển và các Tantra – thì mênh mông như đại dương, và chúng đã được nhiều học giả và các bậc chứng ngộ ở Ấn Độ và Tây Tạng luận giảng.
Một trong những đại học giả của Tây Tạng là Đức Jigten Sumgön (1143-1217), được coi là Long Thọ (Nāgārjuna) thứ hai. Khi phát triển cốt tủy giáo lý của Đức Phật về chân tánh (hay cách hiện hữu tự nhiên) của thực tại, ngài đã truyền dạy nhiều giáo lý cho hàng trăm ngàn đệ tử. Về sau, một trong các đệ tử của ngài là học giả chứng ngộ vĩ đại Chennga Drikung Lingpa đã biên soạn các giáo lý của ngài. Tác phẩm này được đặt tên là Một tư tưởng: giáo lý siêu việt của tất cả Chư Phật, nhưng thường được nhắc đến là ‘Gong Chik’ (Một Tư tưởng), bao gồm cốt tủy thực sự của các Kinh điển và Tantra (Mật điển).
Nhiều học giả đã luận giảng tác phẩm Gonchik vĩ đại này. Các luận giảng quan trọng được các đệ tử của Jigten Sumgön biên soạn: nhiều luận giảng do chính Chennga Drikung Lingpa; một đại luận giảng của Dorje Sherap tên là Dorshema; Gargonma của Gartamba Chodingpa; và Rinchangma của Tupba Rinchen Changchup.
Các luận giảng quan trọng khác được viết sau này: Sự Minh giải của Shamar Shipa, Shamarpa Rinpoche thứ tư; luận giảng vĩ đại của Karmapa Mikyö Dorje; Các câu hỏi và trả lời về các nan đề của Gong Chik của Gyalwang Kunga Rinchen (một trong những hóa thân vĩ đại của Đức Jigten Sumgön); Luận giảng về Gong Chik: Ánh dương và ngọn đèn xua tan bóng tối của các nan đề của Künkyen Chökyi Trakpa; và nhiều chú giải nữa.
Từ quan điểm khác – quan điểm về thực hành thiền định thực sự – Đức Gampopa (1079-1153) đồng thời chắt lọc toàn bộ giáo lý của Đức Phật thành một hệ thống năm nhánh. Đối với hệ thống này, về sau người nắm giữ và trưởng tử của ngài là Pakdru Dorje Gyalpo (1110-1170) đã đặt tên là “Con đường Đại Ấn năm nhánh sâu xa”
Chính Pakdru Dorje Gyalpo đã kiến lập nhiều đệ tử trên các con đường của kết quả và giải thoát và viết Các bài kệ về con đường năm nhánh, cũng như các tác phẩm khác. Truyền nhân và đệ tử chính của Pakdru Dorje Gyalpo là Đức Jigten Sumgön. Ngài rất chú tâm vào các tác phẩm của vị Thầy và bản thân ngài đã viết Đôi cánh xám của con đường năm nhánh, Một kiểu mẫu của con đường năm nhánh, và các tác phẩm khác.
Các bản văn liên quan tới con đường năm nhánh sâu xa được những bậc Thầy của các dòng truyền thừa Trobu Kagyu và Taklung Kagyu biên soạn; và một bậc Thầy trong dòng Drukpa Kagyu là Gyalwa Yang Gönpa đã viết về nó trong tác phẩm Giọt cam lồ: Con đường năm nhánh của ngài. Các luận giảng khác được Situ Chökyi Jung-ne biên soạn, và có các giáo lý về con đường này được Drukpa Künkyen Pema Karbo viết trong Hạt nhân của Tâm. Nhiều tác phẩm khác về con đường sâu xa này được các Đạo sư biên soạn trước và sau các tác phẩm này. Ngày nay, người học đạo tìm kiếm sự giải thoát thường theo các thực hành như được trình bày trong tác phẩm được gọi là Các giáo lý của Dharmakīrti, của Dharmakīrti, một Đạo sư vĩ đại của dòng Drikung Kagyu.
Ngài Gyalwang Kunga Rinchen, người viết Các câu hỏi và trả lời về các nan đề của Gong Chik, cũng viết Minh giải chuỗi ngọc của con đường năm nhánh sâu xa. Quyển này được Tu viện trưởng Kagyu Könchog Gyaltsen và Katherine Rogers dịch sang Anh ngữ, vì niềm hứng khởi của những người dấn mình vào việc lắng nghe, suy tưởng và thiền định về các giáo lý của Đức Phật.
Giá trị đặc biệt của tác phẩm này là ở chỗ ngài Gyalwang Kunga Rinchen giới thiệu giáo lý thuần tịnh của Jigten Sumgön và Pakdru Dorje Gyalpo mà không có bất kỳ thêm thắt hay tô vẽ nào vào tác phẩm của ngài. Nó hoàn toàn được dựa trên các giáo lý của Đức Phật và trong sáng, dễ hiểu. Mặc dù nhiều luận giảng được biên soạn vào khoảng giữa thời đại của Jigten Sumgön và Kunga Rinchen, Kunga Rinchen đã thận trọng phân tích tất cả chúng trước khi biên soạn tác phẩm của mình.
Cầu mong công đức của việc dịch thuật và xuất bản tác phẩm này mang lại sức mạnh cho việc truyền bá giáo lý quý báu của Đức Phật. Thật may mắn cho những ai gặp được con đường sâu xa này, là con đường có các gia hộ kỳ diệu; khi đã nhận được sự ban phước này, họ sẽ nhanh chóng đạt được Phật Quả Siêu Việt.
Lời tựa này do Đức Könchog Tenzin Kunsang Trinley Lhündup, Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, truyền nhân của Đức Jigten Sumgön dòng Drikung Kagyu, biên soạn ngày 27 tháng 11 năm 1984 (năm Mộc Tý theo lịch Tây Tạng).