Ba thân. Ba cách thế hiện hữu và tiếp thông của một bậc giác ngộ. Pháp thân là tánh Không và sự chứng ngộ tánh Không, Báo thân là phương tiện tiếp thông với những thiền giả cao cấp. Hóa thân xuất hiện như một thân thể vật chất trong thế giới, nhưng hình sắc và những hoạt động của nó được điều khiển một cách chủ ý và cốt ở việc giáo hóa, chỉ dạy cho những chúng sanh chưa phát triển. Một thân thứ tư, tinh túy thân hoặc tự tính thân (svabhavakaya) tiêu biểu cho sự hợp nhất của ba thân trên.
Bošn. Tôn giáo bản địa của Tây Tạng.
Bồ đề tâm. Ý định đạt đến giác ngộ cho mình để giúp đỡ, giải thoát cho những chúng sanh khác. Nó không phải là bản thân giác ngộ, mà là sự nỗ lực mong muốn đạt đến giác ngộ vì lợi lạc của chúng sanh. Trong Đại thừa nó là cái bổ sung cần thiết cho quán chiếu thấu suốt vào tánh Không và trong Mật thừa là tiền đề sơ bộ để thực hành thật sự.
cầu nguyện (pranidhana). Sự cầu xin với chư Phật chư Bồ tát nhân danh tất cả chúng sanh, nhằm cung cấp cho họ lợi lạc, cả tâm linh lẫn tạm thời. “Cầu nguyện” gồm cả cầu nguyện và quyết tâm giúp đỡ chúng sanh, cái sau thay chỗ nghiệp và phiền não để tạo ra sự tái sanh và những khả năng siêu thường của một bồ tát.
chiến sĩ (TT. dpa bo). Nhân vật nam của mật thừa.
chủng tử tự (bija). Âm thanh một âm hiện thân một nguyên lý vũ trụ, một thực tại bổn tôn hay một tiến trình tâm linh.
chướng. Hai thứ Phiền não chướng (klesavarana) che chướng sự thoát khỏi khổ của niết bàn. Sở tri chướng (jneyavarana) là những tri giác sai lầm căn bản về thế giới, chúng che ám giác ngộ trọn vẹn.
cõi pháp, pháp giới (dharmadhatu). Thực tại tối hậu của mọi sự.
Dakini. Những vị thần mật thừa, phái nữ, giúp đỡ thiền giả và trông coi sự thực hành và hạnh kiểm của thiền giả.
dấu in (vasana) tập khí, ấn tượng. Những dấu vết tâm thức của kinh nghiệm và hành động quá khứ làm sanh khởi hoàn cảnh sanh tử hiện tại.
đại ấn. Một thực hành cao cấp được xếp vào hàng Vô thượng (anuttara) Tantra Yoga ; nhắm đến sự phát hiện trực tiếp thực tại tự nhiên của thế giới biểu hiện bề ngoài.
định tĩnh (samatha). Sự làm yên tĩnh có hệ thống hoạt động tâm thức nhờ thực hành tập trung nhất tâm. Nó là phương tiện để đạt được tám cấp độ thiền và tiền đề để thực hành quán chiếu phân tích.
geshe (kalyanamitra). “Bạn tâm linh” ; một danh hiệu dành cho một người có thẩm quyền đặc biệt về kinh điển và những chủ đề Phật giáo căn bản.
giác ngộ. Trạng thái Phật quả do hoàn thiện hai kho trí huệ và công đức và xóa bỏ hai chướng. Đó là cấp độ chứng đắc duy nhất vượt khỏi sanh tử.
giai đoạn, hai (krama). Hai giai đoạn của thực hành Mật thừa. Cái thứ nhất, giai đoạn phát sanh (utpattikrama) gồm sự phát sanh quán tưởng những bổn tôn và trụ xứ của các vị. Cái thứ hai, giai đoạn thành tựu (utpannakrama) là sự thành tựu của tiến trình này do tri giác tánh Không của mọi hình tướng xuất hiện.
hạt (bindu). “Những chất” của hệ thống tâm sinh lý của thiền giả. Trong mật thừa, bindu trắng hay chất trắng, tương đương với Bồ đề tâm. Nó phải được “nấu chảy” ở trung tâm đầu và “nhỏ giọt” xuống kinh mạch trung ương xuống các trung tâm phía dưới, tạo ra bốn cái “xuất thần”.
hậu chứng đắc. Trạng thái theo ngay sau bất kỳ kinh nghiệm trực tiếp, siêu việt nào về tánh Không, cái này gọi là “trạng thái chứng ngộ thực sự”. Trong trạng thái chứng ngộ thực sự, tri giác về thế giới bề ngoài nhường chỗ cho tri giác về tánh Không của thế giới, nhưng trong trạng thái hậu chứng đắc, tri giác định kiến về thế giới bề ngoài trở lại làm biến chất một cách vi tế kinh nghiệm trước đó.
hiểu biết (jnana). Tổng quát, là hiểu biết hay Trí ; đặc biệt, là trí huệ nhờ đó thế giới giả tạo bề ngoài và thật tánh của nó được tri giác đồng thời.
hình tướng xuất hiện, thế giới bề ngoài (TT. snang ba). Thực tại như nó xuất hiện với một cá nhân bình thường. Với một người như vậy, tri giác của họ bị điều kiện hóa, bị méo mó khiến họ kinh nghiệm thực tại trong hình thức những sự vật rời rạc, cô lập. Đồng nghĩa : thế giới huyễn ảo, thực tại giả tạo bề ngoài.
hồi hướng (parinama). Sự chia xẻ với những người khác hành động đức hạnh của mình, thực hành thành công của mình và chứng đắc của mình. Nó cốt ở cầu nguyện, quán tưởng, và thái độ chúng khép lại mỗi thời thực hành, và cũng gồm sự hồi hướng theo thủ tục của những thiền giả khi nhận thực phẩm.
huyễn, hư vọng (mayopama, bhranti). Mayopama, “như huyễn, như một trò huyễn thuật”, nhấn mạnh sự kiện rằng tâm thức làm méo mó kinh nghiệm về thực tại theo kiểu một nhà ảo thuật làm sai lạc những tri giác của chúng ta. Tri giác bị quy định, bị điều kiện hóa của chúng ta khiến cho thế giới xuất hiện như một cái gì không là như vậy.
khí (prana). Những sức mạnh tâm-vật lý của tâm thức, thân thể và môi trường.
kho, hai (sambhara). Hai sự tích tập thần lực cá nhân : kho công đức căn cứ trên hạnh kiểm và nghi lễ, và kho trí huệ. Khi đã đầy đủ, hai kho cung cấp những yếu tố cần thiết để hoàn thành kinh nghiệm trực tiếp về tánh Không.
không phân biệt (niravalamba). Trong trí huệ, tri giác thoát khỏi những sự bị quy định định kiến, chúng đã “tạo ra” những bản sắc độc lập của thế giới giả tạo bề ngoài.
mantra (thần chú). Âm thanh trong hình thức các chữ và lời có thể tương thông với những thực thể các bổn tôn mật thừa, ban cho những thần lực siêu nhiên (siddhi) hoặc làm tịnh hóa và đưa đến chứng ngộ.
niết bàn. Sự dừng dứt của khổ đau cá nhân do nhổ dứt mọi phiền não. Trong Đại thừa, niết bàn được dùng phân biệt với giác ngộ. Giác ngộ bao gồm không chỉ sự nhổ dứt thống khổ mà còn là sự chứng đắc những khả năng chỉ có Phật chứng được và những huệ quán vào thực tại.
phiền não. Những tác động của tâm thức ngăn che sự tĩnh lặng của niết bàn. Có sáu phiền não chủ yếu : vô minh, tham, sân, nghi, kiêu mạn và những tà kiến ; và một số phiền não phụ.
phương tiện (upaya). Sự biểu hiện năng động của Bồ đề tâm. Nó là cái bổ sung của trí huệ ba la mật, làm quân bình những phát giác mãnh liệt của trí huệ và là cái mà bồ tát dùng để liên hệ với chúng sanh, khéo léo (thiện xảo) chuyển mỗi hoàn cảnh thành một cơ hội cho sự tiến bộ của tất cả.
phương tiện xã hội, bốn (samgrahavastu, tứ nhiếp pháp). Bốn thực hành của một bồ tát chủ yếu vì lợi lạc của những người khác : bố thí, giao thiệp tốt, tham dự vào sự phát triển của người khác và phụng sự như một tấm gương cho những người khác.
quán chiếu phân tích (vipasyana). Tiến trình khảo sát chi tiết đối tượng thiền định cũng như là cách thế hiện hữu của đối tượng đó. Nó bao gồm tư tưởng và nhằm thấu rõ tiến trình ý niệm. Kết quả của nó là sự tiếp nhận tri giác trực tiếp về tánh Không.
repa. Một thiền giả đã làm hoạt động nội nhiệt bằng yoga tummo và như vậy chỉ mặc một áo vải mỏng dù trong mùa đông.
Siddha. Thành tựu giả ; người thành tựu những siddhi.
siddhi. Những thần lực siêu thường khai triển từ thực hành yoga : thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, bay lên, tha tâm thông, và kiểm soát được thân thể và thế giới bên ngoài. Mọi thành tựu (siddhi) đều là thế gian, sanh tử, chỉ trừ sự thành tựu tối thượng là giác ngộ.
tantra. Những kinh điển của Phật Thích Ca và những vị Phật khác liên hệ đến sự thực hành bí mật, mật thừa.
tánh Không (sunyata). Bản tánh thực sự của mọi sự vật ; sự không có bản sắc, tự tánh của bản ngã con người và của sự vật.
tạo tác (prapanca). Dòng bên trong của sự ý niệm hóa được điều khiển bởi những định kiến đã in dấu. Từ ngữ này gồm cả hai cái : dòng chảy bên trong của tư tưởng tạo dựng và cái ngã cùng môi trường sinh ra từ những định kiến đã in dấu đó.
Thân-huyễn. Thân được tâm thức kiểm soát của một thiền giả thành tựu. Đồng nghĩa : thân-cầu vồng, thân-kim cương.
thiền, những cấp độ thiền (dhyana). Những trạng thái riêng biệt, siêu-vững chắc đạt được qua sự làm định tĩnh tâm thức bằng tập trung nhất tâm. Có tám cấp độ liên tiếp nhau của định tĩnh (tám thiền), loại trừ tư tưởng và những vọng động của tâm thức. Bốn cái đầu thuộc về cõi sắc và bốn cái sau thuộc về cõi vô sắc. Sự kéo dài của chúng thuộc vào sức mạnh của tiến trình loại trừ vọng niệm. Chúng là những trạng thái chung cho mọi yoga và về bản chất hoàn toàn thuộc sanh tử.
thức căn bản (alayavijnana). Thức thứ tám, theo hệ thống Duy Tâm do Asanga phát triển trong thế kỷ thứ năm. Nó là tầng nền của thức cá nhân, mang theo những dấu in của những “chủng tử” của những kinh nghiệm quá khứ và tương lai.
thực tại, hai (satyadvaya). Hai cách thế hiện hữu của những hiện tượng. Thực tại bề ngoài (samvrtisatya, tục đế, chân lý quy ước) là thế giới xuất hiện trong hình thức những bản sắc độc lập theo tri giác bình thường bị quy định bởi những định kiến. Thực tại tuyệt đối (paramathasatya, chân đế, chân lý tuyệt đối) là tánh Không của tất cả mọi hiện tượng, đó là sự không có bản sắc, tự tính độc lập của chúng.
thực tại bề ngoài, thế giới bề ngoài (samvrtisatya). Thế giới như nó xuất hiện khi tri giác bị quy định bởi những quy ước ngôn ngữ. Danh từ “thực tại” nhấn mạnh sự kiện rằng do tính tự nhất quán của nó, nó có vẻ là một thực tại vững chắc với chúng sanh bình thường.
tiệc vòng tròn : Một tiệc cúng được chúng hội dakini tham dự.
tịnh quang (TT. od gsal, Skt. abhasvara). Kinh nghiệm về trạng thái tự nhiên, nguyên sơ, không tạo tác chỉnh trị của tâm thức.
tummo (canda). Sức nóng bên trong (nội nhiệt) được khai triển bởi một loại yoga mật thừa.
tự tánh (svabhava). “Bản sắc nội tại” của mọi sự. Tâm thức bình thường chia ngăn kinh nghiệm của nó thành những đối tượng xuất hiện như những thực thể độc lập, riêng rẽ. Sự vắng mặt bẩm sinh “bản sắc” trong con người và sự vật chính là tánh Không còn gọi là vô tự tánh, nó là cách thế hiện hữu chân thật.
trạng thái tự nhiên (TT. gnas lugs). Cách thế tự nhiên của sự hiện hữu của tất cả mọi sự ; trạng thái tâm thức trong đó kinh nghiệm không bị méo mó bởi những tri giác định kiến về những bản sắc.
trí huệ (prajna). Tổng quát, mọi hiểu biết đúng. Đặc biệt, trí huệ siêu việt (ba la mật), trí huệ trực tiếp về tánh Không của người và vật. Trong một kinh nghiệm như vậy, tri giác về thế giới giả tạo bề ngoài tạm thời bị biến mất.
Vajradhara. Phật siêu sử, nguồn gốc của dòng Kagyu