Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Kính lễ đức Quán Thế Âm !

Một giải thích phác họa về những hành động và những hậu quả của chúng đã được trình bày trong những phần sơ khởi của những giáo huấn về những giáo lý thực hành sâu xa của Quán Thế Âm, nhưng khó mà có được từ đó nhiều hơn là sự hiểu một phần. Sự hiểu chính xác về những hành động và những hậu quả của chúng không thể có cho đến khi nào người ta đã đạt được nhất tâm cấp lớn. Trừ phi có chứng ngộ “một vị xuất hiện trong nhiều cách”, sự tinh vi của những hành động và những hậu quả là không thể phân biệt rõ ràng. Như thế, những đạo sư Kagyu trong quá khứ vẫn nguyện, “Xin ban phước cho con để con có thể phân biệt rõ ràng sự tinh vi của những hành động và những hậu quả của chúng.” Với chúng ta, mọi hạnh phúc và nghịch ý và mọi niềm vui và nỗi buồn của sanh tử đều do nghiệp thống trị.

– “Nhất tâm lớn” là trạng thái định (samadhi) sanh khởi do nghiên tầm bản tánh giác, rigpa. “Một vị xuất hiện trong nhiều cách” là một chứng ngộ đặc biệt, nó cũng được gọi là “chứng ngộ bindu duy nhất”. Cái gì là một vị xuất hiện trong nhiều cách này ? Đó là bản tánh đơn nhất của tất cả sanh tử và niết bàn. Đó là thấy tất cả các hiện tượng đồng thời là một vị và một bản tánh.

Thành công tâm linh và thành công thế gian tất cả đều nảy sanh từ công đức bạn đã tích tập trong quá khứ do hoạt động đức hạnh. Không có công đức, dù bạn có bỏ ra mười triệu đô la cho một mục tiêu riêng biệt nào đó, bạn cũng sẽ không có thành công mà bạn đang nhắm đến. Nó thực sự đến từ những hành động trước kia của bạn. Thế nên quan trọng là không đổ lỗi cho ai cả khi bạn kinh nghiệm thất bại hay thất vọng. Hơn nữa, chúng ta phải biết rằng chúng ta muốn thành công, chúng ta cần gieo trồng những hạt giống của đức hạnh. Nếu chúng ta muốn tránh bất hạnh, chúng ta cần tránh nguồn gốc của nó, tức là không đức hạnh. Đồng thời, thay vì đổ lỗi cho những người khác về những thất bại của chúng ta, chúng ta phải nhận ra những giới hạn và khuyết điểm của chúng ta và xóa tan chúng. –

Chương Về Vòng Hiện Hữu Của Sanh Tử nói :

Dù sanh ra ở đâu trong ba cõi,
Sự sanh ra đó cũng do nghiệp thống lãnh.
Nghiệp là cái gì đã mắc trong quá khứ.
Cái chết cũng do nghiệp thống lãnh.
Khi thời gian đến cho sự sanh và sự chết,
Chư thiên dần dần rơi khỏi những cõi trời.
Mặc dù thần lực kỳ diệu của họ, họ bất lực
trong việc ở lại.

Để cho điều này dễ hiểu, tôi sẽ giải thích sơ lược. Hành động quyết định được bàn luận trong bộ kinh Một Phân Tích của Những Hành Động :

Hành động nào quyết định đưa đến tái sanh ? Khi thực hiện bất kỳ hành động đức hạnh nào, người ta làm một hồi hướng quyết định bằng cách nói, “Nhờ việc này, nguyện tôi có được một tái sanh như vầy.” Và phạm vào năm tội ngũ nghịch, sẽ dẫn thẳng đến tái sanh.

– Bất kỳ lúc nào bạn dấn thân vào những hành vi đức hạnh với động cơ thanh tịnh và rồi hồi hướng công đức của những hành động này, sự cầu nguyện ấy sẽ dẫn bạn đến sự tái sanh mà bạn hồi hướng. Thế nên sự cầu nguyện này có tầm quan trọng lớn nhất. Bất cứ nơi nào bạn muốn cho tâm thức bạn đến sau khi chết, hãy cầu nguyện cho mục đích đó. Thế nên hãy cầu nguyện thường xuyên và ghi nhớ trong tâm ý muốn được sanh vào cõi đó.

Như một kết quả của bất kỳ đức hạnh lớn lao nào, chẳng hạn có được một chứng ngộ tánh không, ngay trong đời tới bạn sẽ đi lên một cõi cao cả của hiện hữu. Ngược lại, nếu bạn phạm vào những việc không có đức hạnh, ác hạnh, như một trong các hành vi ngũ nghịch, bạn sẽ rơi thẳng xuống những cõi khốn khổ. Chớ có nghi ngờ về điều này. –

Nếu bạn nỗ lực có đức hạnh và thường trực cầu nguyện được tái sanh vào Cực Lạc, đó là tối ưu, hay một chọn lọc bậc trung là cõi Núi Vinh Quang Màu Đồng, hay ít nhất trong một vùng con người nơi đó có Pháp, bạn sẽ quyết định được sanh ở đó ; thế nên điều này là quan trọng. Nếu bất kỳ cái nào trong năm tội ngũ nghịch hay một sự phá samaya (những thệ nguyện cam kết) xảy ra, và bạn chết mà không sám hối nó, quyết định bạn sẽ được sanh vào một khổ cảnh ; thế nên sám hối là quan trọng.

Dù những thiện căn đã được tích tập, nếu không có những cầu nguyện về thời gian chín thành của chúng, không chắc chắn chúng sẽ chín thành quả thế nào. Một Phân Tích Của Những Hành Động nói :

Hành động nào không quyết định đưa đến tái sanh ? – khi không có hồi hướng sau khi đã thực hiện một hành vi đức hạnh.

Có bốn khả năng về những hành động đức hạnh và không đức hạnh. Nếu bạn làm một đức hạnh mạnh mẽ hay tội lỗi mạnh mẽ, có thể nó chín ngay trong đời này. Theo lời của Gongchik Dorje, “Những hậu quả của những hành động hiện tại có thể chín ngay bây giờ.” Cũng có hành động đức hạnh hay không đức hạnh không chín trong khoảng đời này, mà chín khi bạn đã đi nơi khác. Điều này giống như câu tục ngữ, “Người ta đi tìm những quả của sự rộng lượng của họ.” Một Phân Tích Của Những Hành Động nói rằng hành động đức hạnh và không đức hạnh chín sau khi người ta đã đi đến một nơi khác, như trong trường hợp thương gia Maitrakanyaka. Hành động này có thể chín trong xứ sở khác.

Tôi sẽ giải thích khúc chiết những điểm được dạy trong Một Phân Tích Của Những Hành Động từ các bộ kinh. Một khi bạn đã phạm vào một hành động tội lỗi, không đức hạnh, nếu bạn phát lồ và sám hối nó với sự ân hận lớn lao và không làm nó trong tương lai nữa, nghiệp đó thể hiện nhưng rồi không được tích tập. Nếu bạn hoàn toàn dấn thân vào đức hạnh hay tội lỗi nào với tâm bạn nhưng không với ngữ hay thân bạn, nó được tích tập nhưng không thể hiện. Nếu bạn làm trọn một hành vi tội lỗi mà không tìm cách tránh nó, và do không hối hận, không sám hối nó, và nếu bạn không bỏ hay chừa nó trong tương lai, hành vi đó được hoàn thành và tích tập. Nếu bạn không chủ ý dấn thân vào một đức hạnh hay một tội lỗi, nó không thể hiện cũng không tích tập. Thế nên về việc thể hiện một hành vi, có bốn khả năng khi nó có được tích tập hay không.

Do thể hiện và tích tập nghiệp dẫn đến địa ngục, nếu bạn không sám hối nó, không hối tiếc nó, và không chừa nó, đó là nghiệp tái sanh vào địa ngục không ra khỏi chừng nào đời sống của bạn ở đó đã hết. Do hoàn thành một hành động dẫn đến tái sanh địa ngục, nếu bạn có tránh nó một ít, sám hối nó và chừa bỏ nó, bạn sẽ thoát khỏi địa ngục sau một nửa đời ở đó. Sau khi hoàn thành và tích tập nghiệp dẫn đến tái sanh địa ngục, nếu bạn hối tiếc mãnh liệt, sám hối nó sâu xa, và chừa bỏ rốt ráo nó trong tương lai, bạn sẽ thoát khỏi địa ngục ngay khi vừa sanh ở đó. Chẳng hạn, đó là trường hợp của Vua Ajatasatru (A Xà Thế), đã phạm tội giết cha.

Như có nói :

Trong trường hợp dấn thân vào những hành vi không nói xiết,
Bằng cách tự tránh móc mình, nhờ sám hối,
Và chừa bỏ, những hành vi này sẽ giảm,
Nhưng không có nói rằng chúng hoàn toàn bị loại bỏ.

Trong trường hợp ấy có bốn khả năng liên quan đến việc người ta có ở suốt đời trong một cảnh khổ hay không.

Nếu trước hết bạn vui thích bố thí và trao tặng và cúng dường, rồi sau đó tiếc lẫn do thói keo kiệt, bạn sẽ tái sanh làm con của một người giàu có ; thời tuổi nhỏ bạn sẽ rất hạnh phúc và sung túc, nhưng những năm về sau bạn sẽ nghèo khổ. Nếu ban đầu bạn không thích bố thí, cúng dường... và không tôn trọng và còn tức giận, nhưng rồi khi việc ấy được làm, bạn vui lòng và không tiếc lẫn, bạn sẽ tái sanh làm con của một người nghèo ; nhưng rồi sau đó khi bạn trưởng thành, bạn sẽ có sung túc bằng cách tìm kiếm một cách rất khó nhọc. Nó sẽ tăng trưởng và phồn thịnh, và những năm cuối đời bạn sẽ sung túc và hạnh phúc. Nếu trước tiên bạn vui thích với sự bố thí, cúng dường..., dấn thân vào đó với sự tin tưởng, và sau đó không chịu thua sự tiếc lẫn do thói keo kiệt, bạn sẽ sanh vào nơi giàu có, càng lúc càng tăng và phồn thịnh, và bạn sẽ giàu có và hạnh phúc suốt cả đời. Trong trường hợp những người không có chút nào quan điểm tâm linh và không bao giờ thực hiện dù một hành động nhỏ bố thí hay cúng dường, nếu họ giữ một nguyện nhỏ như một ngày bát quan trai, họ sẽ tái sanh vào nhà nghèo, và trọn đời sẽ khổ sở vì đói nghèo. Đó là một giải thích đơn giản về bốn khả năng liên quan đến những hành động và những hậu quả của chúng đối với vui và buồn.

Do việc trao tặng và cúng dường lớn lao cho những đối tượng thanh tịnh, sau khi trở nên giàu có, bạn sẽ có một ít tham tiếc và bạn sẽ có thể hồi hướng sự sung túc của bạn cho Pháp. Do trao tặng và cúng dường số ít cho người tốt, dù nếu bạn trở nên sung túc, nhưng do tham tiếc lớn lao bạn sẽ không có thể hồi hướng sự sung túc của bạn cho Pháp. Do trao tặng và cúng dường nhiều cho đối tượng bất tịnh, bạn sẽ không giàu có lớn, và bất cứ cái gì bạn có bạn sẽ có thể hồi hướng nó cho Pháp, nhưng rồi nó sẽ cạn kiệt và bạn sẽ nghèo. Nếu bạn giữ gìn một ít giới luật, như một ngày bát quan trai, không dấn thân vào những hành vi tội lỗi, và không trao tặng hay cúng dường, bạn sẽ tái sanh làm một người rất nghèo khổ ; và thậm chí kiếm thực phẩm, y phục cũng rất khó khăn, do rất tham tiếc bạn sẽ không thể hồi hướng chút nhỏ nhất cho Pháp. Đây là bốn khả năng liên hệ đến phạm vi khả năng cho, như được dạy trong Một Phân Tích Của Những Hành Động trong các kinh.

– Phân biệt giữa trao tặng và cúng dường : trao tặng là đối với người ngang hàng, trong khi cúng dường là đối với những đối tượng quy y. Hậu quả thông thường của việc trao tặng và cúng dường là chúng ta thiết lập những khuynh hướng bố thí, rộng lượng trong dòng tâm chúng ta, nó tiếp tục trong những đời tới. Khi hậu quả dội lại của nghiệp này là ở bên trong, nó biểu lộ ra ngoài thành sự sung túc, nó cũng đi theo vào những đời tới. Ngoài ra, thực hành bố thí còn loại bỏ những khuynh hướng keo kiệt bạn có trong đời này, nó cũng bị loại bỏ trong các đời sau, và bạn sẽ có thể hồi hướng không chỉ cho sự sung túc của bạn mà còn mọi thứ cho Pháp một cách không giới hạn hay giữ lại. Tất cả cần được thực hiện bằng một tinh thần vui vẻ và một động cơ thanh tịnh.

Hơn nữa, tại sao không hồi hướng đức hạnh bố thí đó cho sự đạt đến giác ngộ của bạn và những người khác ? Nếu bạn làm như vậy, tức là bạn theo bước chân của chư Phật quá khứ. Làm thế là bạn hồi hướng nó cho cái gì lợi lạc trong đời này và những đời sau cả cho bạn và những người khác. Thế tại sao không hồi hướng những trao tặng của bạn cho cái gì thật sự cao cả và mang tính chuyển hóa thay vì chỉ kéo dài sự hiện hữu của bạn trong vòng sanh tử này ?

Có giàu có, quyền lực bao nhiêu đi nữa, có sanh làm chuyển luân thánh vương, bạn vẫn ở trong sanh tử, lãnh vực của khổ. Hơn nữa, chúng ta có khuynh hướng kiêu căng vì những tính chất của mình – giàu có, quyền lực, thông minh hay ưa nhìn. Cái gì làm nền cho sự tự phụ kiêu căng đó khi mọi thứ vẫn ở trong cảnh vô thường, khổ và vô ngã. Trong thế giới này, nhiều người si mê sự nổi tiếng. Chúng ta rung động khi thấy họ bằng xương bằng thịt, giàu có, quyền lực hay nổi danh, nhưng có gì hấp dẫn về những cái đã được thành tựu ấy ? Sau khi những người ấy chết đi, thân thể họ bắt đầu thối, và chúng ta muốn càng xa họ càng tốt. Da người là da người dù được đắp lên một xác chết hay một thân thể sống. Thịt cũng thế, xương cũng thế, ruột gan cũng thế. Có gì để kiêu căng, ư ? Tại sao chúng ta quá bị kích động khi thấy lớp da của người khác dù đó là lớp da của một nghiệp báo nổi tiếng ?

Thật vậy, chúng ta cảm thấy ghê tởm khi thấy một cái toa lét, nhưng khi thấy một thân người đi ngang với cùng một chất liệu như vậy ở bên trong, chúng ta nghĩ là đẹp. Mọi hấp dẫn đối với thân thể người khác và sự kiêu căng mà chúng ta phát sanh trong chúng ta chỉ là trò mê vọng. Đâu là căn cứ cho sự kiêu căng ?

Nhiều người chói sáng là những nhân vật hàng đầu của những lãnh vực trong thế giới này, họ thông thái trong việc kéo dài sự không đức hạnh, nhưng họ mê muội không nhận ra cái gì là đức hạnh. Trong khi đó, chúng ta bám lấy cái không hiện hữu mà cho là có hiện hữu, cái vô thường cho là thường, có thể tin cậy, ở yên. Để cắt đứt những lối nhìn thực tại theo kiểu mê vọng như vậy, đức Phật đã dạy mười thí dụ diễn tả tính chất của những hiện tượng. Đã có vô biên đức Phật đã đến trong quá khứ và chúng ta vẫn còn ở đây – hành động theo lối ngược lại, khoa trương những đặc điểm riêng của chúng ta.

Nếu bạn là một hành giả đích thực, bạn đang trong tiến trình chuyển hóa năm độc của bạn thành năm trí huệ bổn nguyên. Khi sự chuyển hóa đã trọn vẹn, bạn là một vị Phật. Chưa đạt đến điều đó, có gì để hãnh diện ? Đã chuyển hóa thậm chí phiền não kiêu căng thành trí huệ bổn nguyên, thì tuyệt đối không có nền tảng nào cho sự hãnh diện hay kiêu căng. Nếu bạn chưa là một vị Phật, thì không có căn cứ, và nếu bạn ở chặng giữa, cũng chẳng có căn cứ nào cho kiêu hãnh. Thế nên thật sự không có nền tảng nào cho sự kiêu căng hay tự phụ trong bất cứ giai đoạn nào dù bạn là chúng sanh hay là Phật.

Chúng ta có cơ hội để nhận biết những lỗi lầm và giới hạn của chúng ta về thân, ngữ, ý của chúng ta. Ngay bây giờ chúng ta có dịp may để nhận biết cái gì cần tránh bỏ và cái gì cần chấp nhận. Trong chừng mực chúng ta có thể nhận ra những hành vi xấu chúng ta đã phạm, bây giờ là lúc chúng ta phát lồ chúng và áp dụng những năng lực chữa trị để chúng hoàn toàn được tịnh hóa. Không có lý do để bạn cảm thấy không hy vọng và không biết làm gì. Hơn nữa, bạn cần chấp nhận tình huống hiện thời của bạn và rút ra lợi lạc. Bây giờ đã đến lúc ! Bây giờ là thời gian để sám hối ; bây giờ là thời gian để nhận giới, bây giờ là thời gian để khai triển lòng bi. Bây giờ là thời gian để xoay khỏi sanh tử.

Chính phẩm tính của việc biết cái gì cần tránh và cái gì cần theo cung cấp cho tinh túy của lòng bi. Chính vì lý do này mà lòng bi sanh khởi đối với tất cả chúng sanh. Cũng lý do này là căn cứ để trau dồi Bốn Tâm Vô Lượng. –

Những cá nhân bình thường tích tập những kho lớn lao (hiểu biết và công đức) sẽ tái sanh làm những vị vua vĩ đại, họ có thân thể tốt đẹp nhưng về tinh thần thì bất hạnh. Những người trở thành A La Hán mà không tích tập công đức, như Likunchika Đệ, quả thật đã thành tựu chứng ngộ cao cấp, nhưng họ thường bịnh. Họ không tốt đẹp về thân, nhưng tinh thần thì hoan hỷ. Những A La Hán có tích tập công đức, như Balanatin Đệ, trước kia đã tích tập lớn lao (hiểu biết và công đức) và không thành tựu chứng ngộ cao cấp, có thân và tâm đều an vui. Những người không tích tập hai kho này trong quá khứ cũng không thành tựu chứng ngộ trong hiện tại thì có thân và tâm không tốt đẹp. Đây là bốn khả năng của những vui vẻ và buồn rầu của những hành động và những hậu quả của chúng.

Tương tự đối với sáu trạng thái sanh tử, nếu bạn phải sanh ra trong cùng một chỗ sau khi chết, mạng sống của bạn cạn kiệt nhưng không phải nghiệp của bạn đã hết. Nếu ban đầu bạn hạnh phúc, nhưng những năm sau bạn khốn khổ, hay nếu trong phần đầu của cuộc đời bạn nghèo khổ nhưng phần sau của cuộc đời bạn hạnh phúc và thịnh vượng, nghiệp của bạn cạn kiệt nhưng không phải là mạng sống của bạn. Đối với sáu trạng thái sanh tử cũng vậy, nếu bạn không tái sanh nơi bạn đã chết mà vào nơi khác trong sáu cõi, cả mạng sống và nghiệp của bạn cạn kiệt. Những người thành A La Hán hay Bích Chi Phật nhờ năng lực của thiền định không cạn kiệt mạng sống hay nghiệp của họ, mà là những phiền não tắt mất. Đây là bốn khả năng liên hệ đến sự cạn kiệt của mạng sống và nghiệp.

– Trong trường hợp cái chết của một đứa bé còn trẻ có một tính khí tuyệt hảo và cư xử rất tốt, có thể là mạng sống của nó cạn kiệt nhưng không phải nghiệp của nó cạn kiệt. Thế nên với những khuynh hướng đức hạnh này rất có thể đứa bé sẽ trở lại ngay với một tái sanh may mắn. –

Những người sanh trong một trạng thái khốn khổ như cảnh của thú vật nhưng lại đẹp đẽ và hấp dẫn là đã giữ gìn kỷ luật đạo đức nhưng từ một động cơ thù ghét. Những người sanh trong một trạng thái khốn khổ như thú vật và xấu xí, kinh tởm là đang kinh nghiệm những hậu quả của nghiệp của kỷ luật đạo đức không trong sạch có động cơ là thù ghét. Những người sanh ra trong một trạng thái khốn khổ như cảnh của thú vật và hôi hám, với những khả năng giác quan không sáng tỏ và chậm lụt, là đang kinh nghiệm những hậu quả của nghiệp của kỷ luật đạo đức không trong sạch có động cơ là thù ghét. Đó là bốn khả năng liên hệ đến sự xuất hiện của người ta trong một trạng thái khốn khổ của sanh tử.

Trong trường hợp thực hiện một hành vi đức hạnh bề ngoài với ý định làm hại người khác, thì vì hành vi đức hạnh đó, có nghiệp dẫn đến hậu quả khổ. Trong trường hợp thực hiện một việc không đức hạnh, như bốn sa đọa hàng đầu, với động cơ là Bồ đề tâm, thì vì hành vi không đức hạnh đó, có nghiệp dẫn đến hậu quả vui. Chẳng hạn, những thực hành như “hợp nhất và giải thoát” trong Mantra Bí Mật là sự vi phạm với Bồ đề tâm. Trong trường hợp dấn thân vào tội lỗi với một ý định tội lỗi, vì hạnh xấu đó hậu quả chỉ là khổ. Trong trường hợp thực hiện đức hạnh với động cơ Bồ đề tâm, niềm vui sanh khởi như là kết quả của nghiệp đức hạnh. Đây là một giải thích đơn giản bốn khả năng liên hệ đến động cơ như được dạy trong những kinh Bồ tát.

Nếu bạn cư xử một cách tội lỗi với một ý định đức hạnh, dù bạn được tái sanh trong một trạng thái thuận lợi của sanh tử, bạn cũng nghèo khổ, với những gian khổ của vui và buồn, và chịu bệnh tật vân vân. Đó là nghiệp trong đó sự thúc đẩy là bởi đức hạnh, và sự thành tựu là bởi tội lỗi. Nếu bạn cư xử một cách đức hạnh với một ý định tội lỗi, dù bạn sanh trong một trạng thái khốn khổ của hiện hữu, bạn cũng được thịnh vượng, như trường hợp những vua rồng và những ngạ quỷ bay trên trời. Dù thân thể họ là thú vật và ngạ quỷ, họ sống thọ và sung túc. Đó là nghiệp trong đó sự thúc đẩy là bởi tội lỗi, và sự thành tựu là bởi đức hạnh. Nếu bạn tích tập tội lỗi với một ý định tội lỗi và bạn sanh trong một trạng thái khốn khổ của hiện hữu, bạn sẽ kinh nghiệm khổ đau mãnh liệt. Đó là nghiệp trong đó cả sự thúc đẩy và sự thành tựu đều bởi tội lỗi. Nếu bạn cư xử một cách đức hạnh với một ý định đức hạnh và sanh trong một trạng thái thuận lợi của hiện hữu, bạn sẽ luôn luôn kinh nghiệm niềm vui và thịnh vượng. Đó là nghiệp trong đó cả sự thúc đẩy và sự thành tựu đều bởi đức hạnh. Đây là một giải thích đơn giản ý nghĩa của các kinh về bốn khả năng liên hệ đến sự thúc đẩy và thành tựu.

Nếu với một ý định xấu, bạn làm hại hay mắc phạm dầu một hành vi không đức hạnh nhỏ đối với một đối tượng thanh tịnh, hậu quả là bạn phải kinh nghiệm khổ đau lớn lao ; và nếu bạn làm một đức hạnh nhỏ, như tôn kính một đối tượng thanh tịnh với lòng tin, ý định tôn sùng, hạnh phúc lớn lao sẽ xảy ra như là một kết quả. Đó là nghiệp trong đó một hành vi nhỏ chín thành một hậu quả lớn lao.

Một khi nghiệp tội lỗi được tích tập, trừ phi bạn có thể tịnh hóa rốt ráo nó bằng cách hối tiếc và sám hối mãnh liệt, cuối cùng bạn phải nhất định, không sai chạy, kinh nghiệm những hậu quả của nó. Luận Về Giới Luật nói :

Dù trên trăm kiếp
Những hành động không tiêu tan,
Và khi những điều kiện và thời gian chín muồi,
Những hậu quả xảy ra cho chúng sanh.

Nếu một tội lỗi không được sám hối sau khi phạm nó, với ngày qua nó sẽ lớn lên ; thế nên dù với một tội nhỏ cũng trở thành lớn. Nếu nó được sám hối, dù nếu không được tịnh hóa hoàn toàn, nó cũng không thêm tác hại. Một kinh nói :

Nếu không có đối trị để chống lại một cách toàn triệt
Những hành vi đức hạnh và tội lỗi,
Chúng sẽ tăng trưởng và còn đó,
Và thậm chí sau những kiếp (những hậu quả của chúng) xảy ra.

Đó là một giải thích về sự không biến mất của những hành động và những hậu quả của chúng.

Bây giờ nếu có nhiều yếu tố trong cư xử chúng hỗn hợp cả đức hạnh và tội lỗi, cái nào trong chúng chín trước ? Cái mạnh hơn sẽ chín trước. Nếu chúng bằng nhau về sức mạnh, cái nào rõ ràng hơn trong tâm vào lúc chết sẽ chín trước. Nếu chúng lại bằng nhau về mặt này, thì cái nào phạm trước sẽ chín trước. Thánh Rahula-bhadra nói :

Về những hậu quả của những hành động,
Cái nào nặng hơn, trầm trọng hơn, quen thuộc hơn,
Và cái nào phạm trước hơn
Có những hậu quả xảy ra trước nhất.

Đây là một giải thích khúc chiết từ những kinh về những hành vi làm sanh khởi những hậu quả nào trước.

Người thường có thể nghĩ rằng : “ Không chắc rằng hạnh phúc có từ việc thực hiện những hành vi đức hạnh và khổ đau có từ mắc phạm hành vi không đức hạnh. Những người để cả đời mình dành cho Pháp và đức hạnh thì có một cuộc đời ngắn ngủi, nhiều bệnh tật, nghèo và nhiều loại khổ sở ; trong khi những kẻ giết hại, những người săn bắn, lính tráng, cướp trộm thì sung sướng tốt đẹp.” Đối với người tội lỗi mà hạnh phúc, đó là do những hậu quả của đức hạnh đã làm trong những đời trước đang chín trong đời này ; và mọi công đức của họ được dùng hết trong đời này. Trong tương lai họ bị trói buộc vào những nơi chốn không thể trốn thoát được, cho nên đó là nghiệp đức hạnh cuối cùng của họ. Do phạm những tội trong đời này, những hậu quả của khổ đau rộng lớn sẽ xảy ra sau đời này. Như một thí dụ, do ăn thức ăn trộn với thuốc độc, trong một lúc cảm thấy ngọt ngào và no nê, nhưng sau đó người ta hấp hối. Bộ Những Cách Ngôn nói :

Chừng nào tội lỗi chưa chín,
Người ngu nghĩ nó ngọt ngào.
Khi tội lỗi chín,
Bấy giờ chúng thiêu đốt.
Chừng nào tội lỗi chưa chín,
Nó được thấy là có thể chấp nhận được.
Khi tội lỗi chín,
Bấy giờ khổ đau được kinh nghiệm.

Một Lá Thơ Cho Một Người Bạn nói :

Dù cho người ta dấn thân vào những hành vi tội lỗi,
Người ta không bị cắt ngay như với một vũ khí.
Nhưng khi thời gian của cái chết đến,
Những hậu quả của những hành vi tội lỗi trở nên rõ ràng.

Có khổ đau xảy ra trong đời này khi thực hành Pháp và đức hạnh, đây là một trường hợp kinh nghiệm trong đời này những hậu quả của tội lỗi đã phạm trong những đời trước. Những hậu quả của thực hành đức hạnh và Pháp trong đời này sẽ xảy ra trong những đời tới như là niềm vui cao cả, bao la. Bộ Những Cách Ngôn nói :

Chừng nào cái tốt chưa chín,
Đức hạnh được thấy là kém.
Khi đức hạnh chín,
Bấy giờ nó được thấy là niềm vui.

Có người thực hành Pháp một cách nhất tâm hoặc trồng các thiện căn, như một kết quả của việc đó, trong đời này họ nhận lãnh mọi sự xấu tệ, tội lỗi và những chướng ngại từ những đời trước. Bấy giờ kết quả là khổ đau bao la trong những trạng thái khốn khổ trong những đời khác được tịnh hóa chỉ bằng đau đớn bệnh hoạn trong đời này. Có nói rằng trong những đời tiếp theo họ sẽ thành tựu sự vinh quang của việc đi từ một niềm vui này đến một niềm vui khác. Kinh Sự Hoàn Thiện Của Trí Huệ (Bát Nhã Ba La Mật) nói :

Này Tu Bồ Đề, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nhận những lời của một kinh như kinh này, ghi nhớ chúng, ca tán chúng, hiểu rõ chúng và thiền định nhiệt tình về chúng sẽ kinh nghiệm đau khổ. Vì sao ? Do chịu khổ đau trong đời này, những chúng sanh ấy tịnh hóa những hành vi không đức hạnh của những đời trước, những hành vi sẽ làm tái sanh trong những trạng thái khốn khổ của hiện hữu ; và họ sẽ thành tựu giác ngộ của Phật.

Kinh Đại Niết Bàn nói :

Chỉ bằng một cơn bệnh đau đầu, một bệnh do lây, bị bệnh hay bị những người khác khinh thường, những thiện nam tử những thiện nữ nhân thiết tha mong cầu Pháp sẽ nhanh chóng thành tựu giác ngộ không gì sánh.

Do nhất tâm thực hành Pháp trong đời này, mọi chướng ngại ngăn che của nghiệp trong những đời trước nhanh chóng chín, như khói nhiều sanh ra trước khi lửa cháy. Sự xảy ra của bệnh tật khổ đau được gọi là “sự khởi lên của nghiệp”, bởi vì nó là một dấu hiệu của sự hoàn thành nhanh chóng thành tựu tối thượng. Orgyen Rinpoche nói nhiều về sự xảy ra của nhiều nghịch cảnh, như bệnh tật và khổ đau, sanh khởi do dấn thân vào những thực hành sâu xa của Mật thừa. Như chùi rửa một cái bình chứa làm chất dơ nổi lên, cũng thế sự khởi lên của nghiệp là do tịnh hóa những che chướng. Đây là trường hợp của Gyarey, Gotsangwa, Lorey v.v... những người trước khi đạt được những thành tựu, đã có những chứng bệnh phù gần chết, một bệnh do rận chấy, và một bệnh do loài rồng gây ra, bởi vì đi vào thực hành nhất tâm.

– Nhiều vị thầy đã chết vì những bệnh nặng. Có nhiều cách để hiểu những trường hợp này. Kinh nghiệm về bệnh tật của các ngài một phần có thể các ngài nhận lãnh những vi phạm các giới samaya của những đệ tử. Hay có thể các ngài kinh nghiệm những quả của những chướng ngại nghiệp quả còn sót từ thời quá khứ. Hay bệnh tật của các ngài có thể chỉ là một biểu lộ cho lợi lạc của những người khác – để chỉ cho họ thấy tính chất của những hành động và những hậu quả của chúng và tính chất sanh, già, bệnh, chết của sanh tử. Đây chắc chắn là trường hợp của Phật Thích Ca. Ngài đã nhập diệt để minh chứng sự thật vô thường. –

Có những người khác để cả đời mình thực hành Cắt Đứt một cách nhất tâm, và thậm chí những bậc vĩ đại trong các địa Bồ tát có sự chứng ngộ tốt đẹp qua kinh nghiệm, các vị đó được tịnh hóa trước khi chết bằng sự khổ đau lớn lao do bệnh tật. Sự đau đớn mãnh liệt, không thể chịu đựng làm tịnh hóa những chướng ngại nghiệp quả còn sót vào lúc chết ; và đây là một dấu hiệu rằng họ đạt đến giác ngộ trong pháp thân của cái chết hay tái sanh trong một tịnh độ. Khi Milarepa cao cả kinh nghiệm sự đau đớn nhức buốt từ một đồ cúng dường, người đàn bà cúng dường món này nói bà muốn giúp đỡ bằng cách nhận sự đau đớn của ngài. Bấy giờ ngài chuyển nó cho bà chỉ trong một giây lát, và bà kêu la, “Hãy lấy nó lại !” Rồi ngài chuyển nó vào một hòn đá, nó liền bể. Ngài nói đây là sự tịnh hóa cho những che chướng nghiệp quả còn sót lại của ngài, và ngài nhận nó nơi mình. Đức Phakdrup, Dromtošnpa... cũng nói rằng bệnh cùi của các ngài là một tịnh hóa cho những che chướng còn sót, và các ngài chết với tâm trụ trong hoan hỷ.

– Sự thực hành Cắt Đứt một cách nhất tâm không có nghĩa chỉ là thực hành mọi nghi thức với sự chính xác, mà nhất tâm trau dồi hai giai đoạn phát sanh và thành tựu hơn là đi vào những nghi thức bên ngoài. Bạn cắt đứt cái gì ? Bạn cắt đứt hai loại vô ngã, tức là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Đây là cốt lõi đích thực của thực hành này. Người không hiểu điều này và chú tâm vào làm sao rung chuông hay đánh trống thì chỉ như thủ diễn một vai trò trong ngày lễ hội.

Cũng như chúng ta chuẩn bị trước một bữa ăn bằng cách rửa tay, sự đau đớn mãnh liệt không thể chịu đựng này là một chuẩn bị, một tịnh hóa sau cùng, trước “bữa ăn” cái chết. Điều này có thể là một cơ hội cho sự chứng ngộ tâm linh vĩ đại. –

Với những điểm này trong tâm đạo sư Dezhin Shekpa nói :

Ba trạng thái bất tận khốn khổ của hiện hữu là vòng sanh tử.
Hơn là tái sanh trong những thế giới không được rảnh rang,
Nguyện nghiệp của tôi chín trong chính đời này,
Và nguyện tôi không kinh nghiệm nó vào những dịp nào khác.

Do cầu nguyện lời này, nó có thể được thành, như trường hợp của Neudzok Nakpa, ngài chấp nhận một cách hiểu biết một lời mời (của những người định ám sát ngài).

Như vậy, dù những việc xấu xảy ra cho những hành giả trong sạch khi họ ở trên ngưỡng cửa của cái chết, không chắc hẳn điều đó là xấu. Chẳng hạn Bồ tát Supus-pacanda bị hành hình cho dù ngài vô tội, và Vua của Kalingka tuyên bố, “Dù tay chân tôi có bị cắt, tôi không kinh nghiệm tư tưởng giận thù.”

– Tôi đã chứng kiến một thí dụ mới đây về sự rộng lượng loại này của bổn sư tôi, Tulku Natsok Rangdrošl. Năm 1958, tôi hỏi ý kiến ngài về việc tôi và những người khác sẽ trốn ra nước ngoài. Ngài bảo tôi : “Con không có nghiệp để phải chịu đựng sự cai trị của một chế độ hà khắc ; thế nên không có lý do gì để con ở lại. Nhưng thầy sẽ không đi với con, bởi vì dù con không có nghiệp đó, nhưng thầy có. Một mặt, thầy có nghiệp cần được tịnh hóa, mặt khác, thầy sẽ ở lại vì lợi lạc cho chúng sanh. Thầy biết cái gì sẽ xảy ra cho thầy. Thầy sẽ bị hành hạ và giết chết. Thầy thấy rõ điều này sẽ xảy ra, nhưng thầy không đi đâu cả.”

Những bạn đồng hành và tôi đi xa xứ, và về sau tôi được biết ngài bị người ngoại quốc đến cai trị bắt giam và hành hạ nhiều năm trong một trại tập trung. Cuối cùng họ kéo lê ngài sau một con ngựa chạy cho đến khi ngài chết. Đó là cách ngài đã gặp gỡ cái chết của mình. Tôi đã nghe những tường thuật về những năm trong trại tập trung của ngài. Dù ngài bị chế diễu, khinh miệt hay bị hành hạ thân xác, ngài chỉ bình thản mỉm cười nói với những người bắt mình, “Bất cứ điều gì các anh muốn làm, hãy cảm thấy tự do khi làm ; các anh có sự cho phép của tôi. Các anh càng làm tôi đau đớn, tôi càng cầu nguyện rằng tôi có thể lợi lạc cho các anh.” –

Về những hành động làm khởi lên những kinh nghiệm thấy được, do những đức hạnh hay tội lỗi mãnh liệt trong đời trước, chúng có thể chín trong đời này. Nếu thế, khi nghiệp trước chín trong đời này như sống thọ và sức khỏe tốt, thì dù một ngàn kẻ cực đoan và ngoại đạo có nguyền rủa bạn, họ cũng không thể làm hại bạn. Khi nghiệp chín thành thịnh vượng và quyền lực lớn lao, dù nếu những quân địch khởi lên từ bốn hướng, họ cũng không thể tước đoạt bạn khỏi quyền lực của bạn. Khi nghiệp chín làm thành một đời ngắn ngủi và bệnh tật liên miên, dù một ngàn thầy tu đã thành tựu “lời chân lý” có cố gắng bảo vệ cho bạn, và Kumarajivaka (một hóa thân của Phật Dược Sư) được gọi làm thầy thuốc cho bạn, họ cũng không thể giúp bạn. Khi nghiệp chín để mất thịnh vượng và thần lực, tất cả thực phẩm, tài sản và thịnh vượng sẽ biến mất như nước đổ vào trong cát, và những quyến thuộc và những tôi tớ của bạn sẽ nối giáo cho những kẻ địch của bạn và ở sau lưng bạn. Trong trường hợp đó, chỉ có lòng bi của Tam Bảo mới có thể bảo vệ cho bạn, ngoài ra không có ai khác.

Chẳng hạn khi Virudhaka, vua của một vùng ngoại biên, gây chiến, Mục Kiền Liên hỏi ngài có thể bao trùm thành phố Kapila với chỉ một cái bình bát để nó không còn thấy được, nhưng ngài nói rằng ngài để cho nghiệp được tịnh hóa. Sau đó, năm trăm thành viên của dòng họ Thích Ca bị giết, và năm trăm cô gái họ Thích Ca bị cắt chân đến đầu gối. Biết đó là do nghiệp quá khứ của họ, đức Thích Ca Mâu Ni, dù có mặt, đã không làm gì để bảo vệ họ. Hơn nữa, mọi lợi lạc của những danh hiệu của chư Phật, những đà la ni và thần chú đều có hiệu lực chỉ trừ khi nghiệp trước kia đang thành quả. Đó là nghiệp làm khởi lên những kinh nghiệm thấy được.

Những tội nặng như ngũ nghịch và những đức hạnh mạnh mẽ nhất định chín ngay trong đời tới. Còn những đức hạnh hay tội lỗi nhỏ có thể được xúc tác bởi những duyên và chín trong đời này, và nếu những duyên chưa gặp được, chúng cũng có thể nằm đó chờ một trăm kiếp. Nhưng không tiêu tan, cuối cùng nhất định chúng phải chín. Đó là nghiệp làm khởi lên những kinh nghiệm trong những đời khác.

Khi nghiệp xấu, như đoản mệnh hay nhiều bệnh tật, được xúc tác bởi những ma quỷ và chín trong đời này, những nghi lễ tôn giáo và chữa trị y học có thể chống lại và trì hỗn nó. Điều này giống như một việc tố tụng. Nếu bạn hoàn toàn không có nghiệp xấu trước kia, những ma quỷ không thể làm hại bạn và bệnh tật không sanh ra. Bằng cách thờ phụng những vị thần thế gian, nghiệp sống lâu, sức khỏe tốt và thịnh vượng lớn có thể thu được và chín trong đời này. Điều này cũng giống như lãnh lương cho năm tới và năm sau, và tiêu hết trong năm này. Những thành tựu (siddhi) của những bổn tôn của trí huệ bổn nguyên thì không giống như vậy, vì chúng sanh khởi do những cầu nguyện trước kia và do thần lực đại bi của những bổn tôn này.

Có nói rằng một thí dụ về nghiệp không nhất thiết phải được kinh nghiệm, đó là nghiệp trong dòng tâm của một A La Hán. Chẳng hạn, trước khi đức Thích Ca thành Phật, ngài không nhất thiết phải sanh năm trăm lần làm chuyển luân thánh vương ; nhưng ngài đã đạt giác ngộ trước khi điều đó xảy ra. Thế nên ngài hồi hướng công đức đó để cung cấp những nhu yếu vật chất cho những đệ tử của ngài. Như thế, ngài nói, “Dù có khi người ta không thể có được một nắm gạo do đổi một nắm ngọc trai, những đệ tử của ta sẽ không túng thiếu về những nhu yếu vật chất.” Đây là lý do tại sao, chúng sanh sẽ không đói khi thực hành Pháp.

Đức hạnh của cõi dục là nghiệp không công đức, và đức hạnh của cõi sắc và cõi vô sắc là nghiệp bất động. Hơn nữa, đức hạnh của những cõi cao duy chỉ là nghiệp tích cực, không đức hạnh của cõi dục duy chỉ là nghiệp tiêu cực, và đức hạnh của cõi dục là nghiệp trộn lẫn. Đức hạnh không nhiễm ô là nghiệp làm tắt mất sự chín của nghiệp ; hậu quả của nghiệp tích cực là vui, hậu quả của nghiệp tiêu cực là khổ, và hậu quả của nghiệp trộn lẫn là một hỗn hợp của vui và khổ. Nghiệp không nhiễm ô làm tắt mất những nghiệp này. Chẳng hạn, để cứu mạng năm trăm người, thuyền trưởng bi mẫn đã giết một người xấu ác quỷ quái với một cây gươm ngắn ; và vì giáo pháp, Lhalung Palgyi Dorje đã giết vua Langdarma. Đây là những hành vi trong đó ý định là tích cực và sự thể hiện là tiêu cực. Một hành động như trao một tặng vật để giết ai đó bao gồm một ý định tiêu cực và một thể hiện tích cực. Trao một tặng vật với một ý định trong sạch, chẳng hạn, là nghiệp với một ý định tích cực và một thể hiện tích cực. Một hành động như giết để ăn thịt bao gồm một ý định tiêu cực và một thể hiện tiêu cực.

– Những hành vi tốt được thực hiện trong cõi dục mà chúng ta đang sống hiện thời, là đức hạnh, nhưng chúng bị dơ nhiễm bởi tám mối quan tâm thế gian. Dù chúng là đức hạnh, chúng được nói là nghiệp không công đức. Đức hạnh của cõi dục là một trộn lẫn của nghiệp tích cực và tiêu cực, trong khi đức hạnh của cõi sắc và cõi vô sắc thì chỉ tích cực.

Cái gì là nghiệp không nhiễm ô ? Đó là nghiệp của một người đã đạt được một chứng ngộ trực tiếp, không qua trung gian, không ý niệm về tánh không. Nghiệp không ô nhiễm này tịnh hóa tất cả mọi hành vi nhiễm ô. Không có cái gì tốt hơn để tịnh hóa nghiệp không đức hạnh bằng sự chứng ngộ tánh không. Nó cũng là đặc trưng chính yếu của giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu. Nó là phương tiện vĩ đại nhất của sự tịnh hóa.

Về những hành động đức hạnh và không đức hạnh, khi bạn thấy người khác có vẻ tiến bộ rất tốt trong thực hành và kinh nghiệm sự may mắn, bạn phản ứng thế nào ? Tôi gợi ý rằng bạn hãy nhớ họ đang kinh nghiệm quả của những hành động trước kia của họ. Hãy tùy hỷ, vui sướng với họ ! Hãy tin tưởng và vui mừng cho họ ! Thật vậy, nếu bạn có thể tùy hỷ sự thịnh vượng và tiến bộ của họ, sự tùy hỷ chân thật của bạn là lợi lạc của bạn. Ngược lại, nếu bạn ghen tỵ vì sự may mắn của họ, kết quả sẽ là bất hạnh cho chính bạn.

Có những người kinh nghiệm đủ loại thăng trầm, khi thì hành rất tốt, khi thì rớt thê thảm. Họ kinh nghiệm những chướng ngại tệ nhất vừa cả tâm linh vừa cả thế gian, bị những người khác xỉ nhục, hắt hủi. Khi gặp những người ấy, họ nên là những đối tượng cho lòng bi của bạn, không phải chê bai, vứt bỏ. Dù họ là bạn hay là thù, không có gì khác nhau. Khi bạn thấy người đang trong một thời khắc nghiệt, hãy cầu nguyện cho sự an ổn của họ, bất kể là bạn hay là thù. Thật tồi tệ khi nghe một Phật tử nói rằng người nào đó xứng đáng với sự bất hạnh của nó. Khi chúng ta có loại phản ứng phê phán này, chúng ta đã phá hỏng chính samaya của mình, dẫn đến sự sa đọa. Chú tâm vào hay lôi kéo người ta chú ý vào những lỗi lầm của những người khác thực sự là một lỗi lầm lớn lao về phần chúng ta. Điều này đặc biệt đúng cho Phật tử chúng ta bởi vì chúng ta đang nỗ lực thoát khỏi vòng sanh tử này. Sự chú tâm vào những lỗi lầm của người khác là một chướng ngại khổng lồ cho sự giải thoát của chúng ta khỏi sanh tử. Thế nên hãy thận trọng trong thái độ đối với những người khác. Và đặc biệt với những người anh chị Pháp hữu của bạn.

Khi chúng ta bị những người khác chê bai, vu khống, và hắt hủi, điều đó thực sự tịnh hóa nghiệp tiêu cực của chúng ta, trong khi những người đối xử với chúng ta như vậy đang thực sự bị tổn hại. Thật ra, người đang nhận sự xỉ nhục là đang nhận sự lợi lạc trong tiến trình.

Xin ghi nhận rằng vị thuyền trưởng ở trên là tiền thân của đức Thích Ca, và Lhalung Palgyi Dorje đã đạt đến những địa của Bồ tát. Để làm những hành động như vậy, bạn phải có những phẩm tính của một người đã chứng ngộ cao. Không có, tốt hơn bạn chỉ nhìn ngắm họ. –

Nghiệp đức hạnh từ cõi dục lên đến đệ tam thiền làm khởi lên kinh nghiệm về niềm vui, trong khi không đức hạnh của cõi dục là nghiệp làm khởi lên kinh nghiệm về khổ. Đức hạnh của thiền thứ ba trở lên là nghiệp làm khởi lên kinh nghiệm về sự an định của thiền.

Mười đức hạnh ô nhiễm và không ô nhiễm là nghiệp đức hạnh, mười không đức hạnh là nghiệp không đức hạnh ; niết bàn giải thoát kèm theo nghiệp trung tính về đạo đức. Nghiệp phiền não của các cõi cao là nghiệp ngăn chướng, trung tính về đạo đức. Chẳng hạn nghề thợ mộc tạo thành nghiệp không ngăn chướng, trung tính với đạo đức.

– Ở đây có lẽ bản văn mất một đoạn. Nghiệp phiền não của các cõi cao là nghiệp ngăn chướng, trung tính về mặt đạo đức bởi vì các cõi sắc và vô sắc thì không có sự không đức hạnh, nhưng phiền não thì vẫn có hiện hành. –

Nghiệp tạo ra vũ trụ vô cơ là nghiệp chung cho chúng sanh một cách tổng quát, còn nghiệp tạo ra chúng sanh trong vũ trụ là nghiệp cá nhân.

– Nghiệp chung, hay tập thể gồm những hành động mà chúng sanh cùng làm. Họ chung nhau kinh nghiệm sự chín của nghiệp đó như là môi trường vô cơ vô tình, trong khi cuộc sống của chúng ta như những chúng sanh là kết quả của những hành động riêng của mỗi người, không phải là chung. –

Như vậy, tổng hợp tất cả nghiệp tích cực và tiêu cực thì mọi sự không đức hạnh gồm những tác hại gây ra cho lợi ích của chính mình chống lại Tam Bảo và chống lại chúng sanh. Mọi đức hạnh gồm những hành động người ta thực hiện để phụng sự Tam Bảo và chúng sanh. Một Hướng Dẫn Vào Bồ Tát Hạnh nói :

Mọi niềm vui trong thế giới
Đến từ mong muốn hạnh phúc cho những người khác,
Và mọi khổ đau trong thế giới
Đến từ mong muốn hạnh phúc cho riêng mình.
Nói nhiều như thế đủ rồi !
Hãy nhận thấy sự khác biệt giữa người ngu,
Đi tìm lợi ích cho riêng mình,
Và người trí, làm việc cho lợi lạc của những người khác.

Bản văn đó cũng nói rằng mọi điều đó được bao hàm trong việc từ bỏ tội lỗi và thực hiện đức hạnh, và được bao hàm trong việc điều phục tâm mình. Kinh Giải Thoát Cá Nhân nói :

Không phạm vào bất cứ tội lỗi gì,
Thực hành những đức hạnh dồi dào,
Hoàn toàn điều phục tâm mình –
Đó là lời dạy của Phật.

Ba tạng kinh điển của Phật được tổng hợp trong đó. Bản văn Những Câu Hỏi Cho Chen-ngawa nói :

Khi làm những lễ lạy, vị thầy nói, “Tôi không có thực hành nào khác ngoài việc không làm mười sự không đức hạnh.” Potowa nói, “Ngài có thể thấu hiểu tánh không với sự tỉnh giác của ngài, nhưng hãy nhiệt tình xem xét sự sâu xa của những hành động và những hậu quả của chúng.”

– Khi được hỏi về bản chất của giới luật, Milarepa trả lời, “Tôi không biết gì về giới luật, nhưng tôi biết làm sao điều phục tâm thức của tôi.” Thế thì cái gì là giới ? Nó đơn giản nghĩa là điều phục tâm bạn. –

Hãy xem, “Bởi vì mọi khổ đau phát sanh từ không đức hạnh, tôi phải tránh thậm chí một sự không đức hạnh nhỏ, nó là những nguyên nhân của khổ đau ; và bởi vì mọi hạnh phúc sanh khởi từ đức hạnh, tôi phải tích tập đức hạnh từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất.” Ngày và đêm hãy liên tục sám hối và từ bỏ tội lỗi của bạn, và nhiệt tình thực hiện đức hạnh. Đến đây kết thúc chương bổ sung về những hành động và những hậu quả của chúng

Xem mục lục