Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

 

CHÚ THÍCH

Vòng Hoa Quý Báu Của Con Đường Tối Thượng được dịch ra tiếng Việt từ hai bản tiếng Anh, một của Lama Yeshe Gyamso và Lama M. Roth (The Instructions of Gampopa – A Precious Garland of the Supreme Path – NXB. Snow Lion, 1996) và một của Evans Wentz (trong Tibetan Yoga and Secret Doctrines, in lần đầu năm 1935). Bản tiếng Việt lấy bản của Lama Yeshe Gyamtso làm chính về phần ý nghĩa, còn bản của Evans Wentz để bổ túc về phần văn chương.

Về phần chú thích chúng tôi chỉ chú thích những từ và nghĩa cần thiết để hiểu câu văn mà không chú thích từng câu. Không giải thích từng câu vì để cho người đọc tiếp xúc trực tiếp với những lời dạy của đức Gampopa, từ đó soi rọi vào bước chân của mình trên con đường, mình đã đi đến đâu, có thể có những lầm lẫn gì, những điều gì đã làm được, những điều gì chưa làm được, hầu tiến bộ và hoàn thành con đường. Sự giải thích theo một khuynh hướng tông phái nào đó, dù là Thiền tông, Đại Toàn Thiện, Đại Ấn hay Mật thừa, Tịnh độ đều có thể làm giới hạn ý nghĩa trực tiếp của điều đức Gampopa muốn nói, và Ngài nói là để cho mọi hành giả của mọi tông phái.

Những chỉ dạy này áp dụng cho tất cả những hành giả ở mọi cấp độ – chỉ trừ những vị đã bước vào con đường không học nữa – thành thử chúng ích lợi cho bất kỳ một ai đang ở trên đường Đạo, dù ở địa vị nào. Ví dụ câu (1) và (2) của mục thứ 11 : Dục vọng có thể được lầm là đức tin. Ái luyến có thể được lầm là từ bi. Hai câu này không chỉ áp dụng và cần được dùng để soi sáng cho mình ở những người sơ học mới bước vào con đường, mà ở cả những vị đã tiến bộ rất cao, nhưng còn vô minh vi tế, phiền não chướng và sở tri chướng vi tế, tức là các Bồ tát ở các địa, lời dạy ấy vẫn còn có giá trị. Tóm lại, đây là những lời dạy được áp dụng suốt hết con đường, bởi thế chúng có giá trị cho bất kỳ người nào, trong thời gian không gian nào và không phải chúng cần được nghe (Văn) mà còn phải suy nghĩ (tư duy) và thiền định (Tu).

Mong rằng mọi người đều được lợi lạc.

 
1. Mỗi thực hành nào cũng có ba phần, còn được gọi là ba sự tuyệt hảo. Phần chuẩn bị tức là phát Bồ đề tâm. Phần chính là sự thực hành của pháp đó. Và phần kết thúc là sự hồi hướng.

2. Con đường của phương tiện. Con đường của những pháp môn tu hành. Con đường của những pháp môn tu hành có tu có chứng này rất cần để bổ túc con đường của trí huệ là vô tu vô chứng. Thiền tông có câu nói : Trong chỗ thật tế thì không thọ một mảy trần, nhưng trong muôn hạnh thì không bỏ một pháp. (Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp). Đại toàn thiện cũng nói rằng, người ta đi xuống với cái thấy “không có pháp gì để tu để chứng vì tất cả vốn Không”, đồng thời cũng đi lên bằng các hạnh, các hoạt động tu hành, các pháp môn có tính tương đối như ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, thuyết pháp, năm ba la mật đầu... hay các việc chấp tác, quét nhà... Con đường trí huệ là chân lý tuyệt đối, con đường phương tiện là chân lý tương đối. Theo Trung Đạo, thành Phật là sự kết hợp rốt ráo hai chân lý này, nghĩa là sự hợp nhất của Trí Huệ tánh Không và Đại Bi phương tiện.

3. Ba mạn đà la là xem thân mình là hóa thần bổn tôn, ngữ và mọi âm thanh là thần chú và bất kỳ cái gì xảy ra trong tâm thức là sự diễn xuất của trí huệ. Như thế, hành giả hộ trì thân, ngữ và tâm thức như là thân, ngữ, tâm của tất cả chư Phật.

4. Tà kiến gán ghép thêm vào thực tại : vô ngã mà cho là ngã, vô thường mà cho là thường, không có bản chất mà cho là có bản chất...

5. Trong bản dịch của Evans-Wentz đủ mười hai điều. Trong bản dịch của Lama Yeshe Gyamso nêu lên rằng bản in gỗ của Tây Tạng ở đầu mục ghi 12 điều, nhưng ở phần dưới chỉ có 11 điều.

6. Hai câu (10) và (11) : Hai câu này nói về kết quả của thực hành khi người ta phải trải qua cái chết. Ban đầu được thầy chỉ thẳng cho bản tánh của chính mình và tất cả sự vật, đó là cái thấy. Tiếp theo trau dồi nó, thiền định về nó, đó là thiền định. Rồi sống với cái thấy tánh Không hay pháp giới tánh ấy qua mọi hoàn cảnh, trong mọi hình thức pháp môn tu hành cho đến khi pháp giới tánh hiển lộ hoàn toàn, đó là quả. Có quả đó luôn luôn hiện tiền, tức là “niềm tin không thể khuất phục cùng với sự an lạc của tâm”, người ta đi vào cái chết, tức là sự lìa bỏ xác thân. Với quả đó, tức là sự chứng ngộ hoàn toàn bản tánh của thực tại, người ta có thể đi vào Pháp Thân, Báo thân và Hóa thân tùy theo sự chọn lựa và thệ nguyện độ sanh. 
Xem thêm câu (9) mục 17.

7. Ba câu này, người khả năng bậc thấp cần nhấn mạnh và chú ý luật nhân quả, người khả năng bậc trung và bậc cao cần nhấn mạnh và chú ý tánh Không. Cần biết rằng tùy theo khả năng mà sự quan tâm tu hành có khác, nhưng không có nghĩa là đối với người khả năng bậc cao là chỉ chú ý tánh Không mà không để ý tới luật nhân quả, bởi vì dù khả năng nào, nhân quả cũng tác động. Nhân quả là chân lý tương đối, tánh Không là chân lý tuyệt đối. Đủ cả hai chân lý này, không bỏ cái nào, mới có thể đạt đến giác ngộ.

Cũng như ba câu sau (4), (5), (6), “trụ nhất tâm vào đối tượng” là thiền định hoàn hảo của người khả năng bậc thấp, thì sự việc “trụ nhất tâm vào đối tượng” này, vẫn áp dụng cho người khả năng bậc cao, chỉ có điều khác là với người khả năng bậc cao, “đối tượng” ở đây chính là tánh Không không có ý niệm, không có phân chia chủ thể – khách thể.

Bởi thế trong phần mục 20 này, mỗi điều đều dùng chữ “hoàn hảo”, để nói lên tánh phổ quát của mỗi điều cho tất cả mọi cấp bậc.

8. Đức hạnh nhiễm ô là đức hạnh ở trong vòng chấp ngã và chấp pháp, người làm, người nhận và việc làm chưa được không tịch, nghĩa là còn trong vòng sanh khởi của phiền não.

Xem mục lục