Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

 

Bài Thực Tập số 9


LÀM SỐNG ĐỘNG
ĐỨC PHẬT BÊN TRONG

 

 

Trước khi dấn thân vào thực tập mới này, có lẽ nên nhìn lại và đánh giá một chút về điều người ta đã làm. Trước hết người ta học ngồi cho đúng, thư giãn và mở mình ra với những người khác. Rồi người ta dùng cầu vồng để làm mất sự “cứng đặc”, bản chất bất biến đã gán cho những đối tượng sự vật. Tiếp theo, thực tập tấm gương đã chuẩn bị cho chúng ta trao đổi vai trò với một người bạn. “Cầu Vồng”, “Người Bạn” và “Đức Phật Bên Trong” đã cho phép chúng ta thấy rằng chúng ta có khả năng “quán tưởng”. Với “Người Bạn”, người ta đã chơi đùa với sự thân thiết của những mối liên hệ, với sự bám luyến với một người nào đó để khai triển thói quen quán tưởng : thật vậy, người ta càng gần gũi với một ai, thì hình ảnh của nó sẽ trở lại tự nhiên dễ dàng trong tâm thức, như khi người ta đang yêu đương. Một khi người ta đã hiểu cơ chế, người ta có thể quán tưởng những sự vật mà người ta không cảm thấy liên kết nhiều, như một đức Phật hay một khối cầu ánh sáng.

 

Mọi người đều có khả năng quán tưởng những hình ảnh, như chúng ta đã ghi nhận. Một số người có lẽ làm dễ dàng hơn những người khác, nhưng với một chút thực hành, mỗi người có thể tiến bộ không khó khăn lắm. Những vấn đề nếu có thường là do một cố gắng quá độ để quán tưởng : những hình ảnh khó hình thành trong một tâm thức khô cứng vì căng thẳng, trong khi chúng khởi lên dễ dàng khi tâm thức thoải mái thư giãn. Nếu người ta đem vào sự thực hành một lượng thư giãn và nhiệt tình và người ta tin rằng điều đó có thể làm cho tốt hơn, những quán tưởng sẽ tức thời thành tựu một cách tự nhiên, tự phát.

 

Nếu khuôn mặt người bạn hay kẻ thù trở lại trong bạn không ngừng khi bạn đang quán tưởng đức Phật hay khối cầu ánh sáng, bạn chớ lo âu. Điều đó có nghĩa là bạn còn một khoảng đường để hiểu rằng tất cả chúng sanh đều có nơi họ tinh túy của sự thức tỉnh và lòng bi. Người ta còn chưa tri giác điều đó vì hai lý do : một mặt, người ta cứ ngoan cố xếp loại những người họ biết thành hai phạm trù – bạn hay thù – và mặt khác, người ta có khuynh hướng không biết đến khía cạnh tốt của nhân cách những người khác mà chỉ thấy những khía cạnh xấu. Với những quán tưởng này, người ta phải đến chỗ hiểu rõ hơn rằng mỗi chúng sanh đều có trong nó tinh túy của sự toàn thiện, tiềm năng của thức tỉnh, giác ngộ.

 

Khi nghiên cứu giải phẫu học, người ta không cần lấy hết ruột gan và những cơ quan để khảo sát : người ta dùng những kiểu mẫu chúng chỉ là những hình ảnh được phóng chiếu ra bên ngoài từ một thực tại bên trong. Cũng thế, thực tập ở trước đã dùng một kiểu mẫu – đức Phật hay một khối cầu ánh sáng – để làm cho chúng ta hiểu sự hiện diện nơi chúng ta những phẩm tính vốn có sẵn trong trạng thái thức tỉnh của tâm thức. Kiểu mẫu này không gì khác hơn là hình ảnh, phóng chiếu ra bên ngoài mình, của tiềm năng toàn thiện – “Phật tánh”, “thiên tánh” trong ngôn ngữ Thiên chúa giáo – hiện đang ở trong mỗi chúng ta. Vậy thì sự quán tưởng vận hành như một phương tiện để phóng chiếu một hình ảnh ra bên ngoài mình để hiểu cái ở bên trong mình.

 

Mô tả thực tập

1. Chuẩn bị

 

Thực tập này nhắm đến làm sinh động đức Phật bên trong. Bạn hãy dùng sự thu hoạch của bài tập trước để tưởng tượng trực tiếp đức Phật hay khối cầu ánh sáng rực rỡ trên một hoa sen vàng ở trung tâm thân thể bạn, và hãy tập trung vào đó. Hãy nghĩ rằng tâm thức bạn đã giống như tâm thức của Phật, như sự hiện diện của đức Phật bên trong bạn chứng tỏ điều đó.

 

Hãy nhớ rằng thân thể bạn và thân thể đức Phật hay khối cầu ánh sáng là trong suốt và không thể đụng chạm, thấy được rõ ràng nhưng không thể sờ nắm, như một cầu vồng. Điều đó sẽ tránh cho bạn khỏi tạo ra những vấn đề rắc rối vô ích, về hình thể hay kích cỡ của những sự vật, chiều hướng... – mọi cái phát sinh từ tính vật chất của những sự vật. Bạn hãy nhớ rằng không làm việc trên vật chất cứng đặc có một cơ cấu vững chắc.

 

2. Phần I : tưởng tượng bạn của mình dưới hình thức một vị Phật

 

Hãy gợi lên trước mặt bạn một trong những người bạn mà bạn đã dùng để quán tưởng “Người Bạn”. Mỗi khi bạn thở ra, một vị Phật – hay một khối cầu ánh sáng – giống như hình ảnh trong bạn phát xuất từ trung tâm thân thể bạn đi vào thân thể người bạn và tan biến vào trong đó. Hãy tìm ra một sự phối hợp tự nhiên giữa quán tưởng và hơi thở của bạn khi “phát ra” một vị Phật hay một khối cầu sáng rỡ, bởi chu kỳ hơi thở. Nhưng điều đó không bắt buộc ; tùy bạn tìm ra một nhịp điệu thích hợp.

 

Hãy nghĩ rằng hình tướng sáng rỡ của Phật hay khối cầu đi vào trong người bạn hòa trộn hoàn toàn với anh ấy hay chị ấy, ban cho người ấy tất cả những phẩm tính hiểu biết thanh tịnh và lòng bi vũ trụ, kết thúc thì chỉ còn là một với anh, chị ấy. Trước đây, người ta dùng sự bám luyến làm cho bạn nhạy cảm với người bạn của bạn để hiểu anh ấy hay chị ấy hơn ; bây giờ cũng chính sự thân thiết này sắp giúp bạn hiểu biết nguyên lý của sự toàn thiện – tức là đức Phật – trộn lẫn trong người bạn của bạn.

 

3. Phần II : hãy tự tưởng tượng mình trong hình thức một vị Phật

 

Hãy tưởng tượng rằng Phật – hay khối cầu ánh sáng – ở trung tâm bản thể bạn phát ra một ánh sáng rực rỡ đầy khắp thân thể bạn và tịnh hóa nó toàn bộ. Bây giờ bạn không chỉ có tâm thức của một vị Phật (như bắt đầu cuộc thực tập) mà còn thân thể của ngài nữa. Thâm sâu trong sự xác tín này, bạn hãy tưởng tượng bạn trong hình thức một vị Phật.

 

Giờ đây, người bạn và bạn cả hai đều có thân thể không thể sờ nắm và sáng rỡ của một vị Phật ; không còn chút dấu vết nào của bản sắc lý lịch của bạn trước kia. Không còn nữa vấn đề “tôi” hay “bạn tôi” ; chỉ còn một vị Phật đối diện với một vị Phật khác, hay nếu bạn thích, một hiện thể hoàn toàn thanh tịnh và thức tỉnh trước một vị khác.

 

 

4. Cảm thấy một “niềm tự hào chính đáng”

 

Khi bạn đã làm xong hai phần của thiền định, nếu bạn muốn bạn có thể thêm vào đó một chốc lát suy nghĩ về “sự tự hào chính đáng” mà người ta có thể cảm thấy khi khám phá ra sự toàn thiện này nơi mình và nơi tất cả mọi chúng sanh. Hãy minh bạch về chuyện này : không phải phồng mình lên vì kiêu ngạo khi tự nhủ mình thật sự là một người phi thường và rất tiến hóa. Đúng hơn đó là một tình cảm cảm kích và kính trọng sâu xa đối với sự toàn thiện của bản tánh nền tảng của tất cả chúng sanh ; ý thức tất cả sự cao cả và phẩm giá của chiều kích hiện hữu này, người ta vui thú, hân hoan, người ta kính trọng nó trong mình và trong những người khác và người ta cảm thấy một sự tự hào chính đáng, như Pháp. Sự tự hào này không có gì tiêu cực, trái lại nó là một đối trị tuyệt hảo với sự kiêu mạn bình thường của chúng ta, vì nó bao gồm những người khác và đem chúng ta lại gần họ thay vì loại trừ họ và đem chúng ta ra xa họ. Vậy các bạn hãy nói : “Chúng ta cả hai là những vị Phật – những hiện thể đã hoàn toàn hiện thực tiềm năng toàn thiện của mình” – và hãy trầm mình vào chốc lát trong một niềm tự hào chính đáng, phát sanh từ sự cảm kích với sự thực này làm bạn kinh ngạc.

 

Hãy thực hành bài tập này trong 4 tuần, khoảng một thời một giờ mười lăm phút mỗi ngày (phân chia giữa những phần khác nhau của bài tập tùy theo sự thích hợp nhất của bạn).

 

Nếu bạn cảm thấy bị xáo động trong khi thiền định, hãy thư giãn một chút bằng hơi thở, rồi lại tiếp tục tiến trình bình thường của thời khóa. Nếu một ngày nào bạn không yên và rất bị kích động, chớ gượng ép giữ mình cho đến cuối thời thiền. Tốt hơn là làm nhiều thời ngắn (dù chỉ năm phút), có những khoảng nghỉ ngơi ở giữa. Hãy tỏ ra mềm dẻo uyển chuyển, tùy theo những giới hạn của bạn lúc đó.

 

Bình luận

 

Thực tập cho phép chúng ta ý thức cái gì cực kỳ quan trọng : khi người ta tự giới hạn vào hình tướng bình thường của những người bạn và của chính mình, những hình tướng đó gợi ra cho chúng ta tham muốn và bám luyến – những tình cảm gieo rắc nhiều chất độc khác trong đường đi của chúng (tham lam, ghen ghét, thù hận, si mê...) Ngược lại, khi người ta – cả hai bên – có những tính chất của một vị Phật, thì sự bám luyến còn có thể ở chỗ nào ? Tình yêu chiếm hữu nhường chỗ cho sự kính trọng và chính sự kính trọng này nảy sanh ra khả năng giúp đỡ thực sự những người khác. Cái gây ra trục trặc nơi chúng ta là ý tưởng người ta tự tạo về mình và về bạn mình, vì nó khơi động trong chúng ta mọi loại chờ mong và hy vọng, với đủ loại vấn đề và khổ tâm thất vọng bao gồm trong đó. Nếu người ta tiến đến chỗ xem mọi chúng sanh là những vị Phật, thái độ của chúng ta đối với họ sẽ thay đổi tự bản chất : người ta không chờ đợi gì nữa ở họ, và người ta thôi ngạo mạn chiếm lấy cho mình quyền phê phán những hành động của họ chẳng hạn. Người ta sẽ lợi lạc nhiều khi làm đi làm lại thực tập này, nó có thể giúp tâm thức dần dần hiểu ra bản tánh thật sự của nó.

 

Câu hỏi : Có tốt hơn khi chọn lấy một người cho mọi ngày, và người ta có thể chọn một kẻ thù thay chỗ một người bạn ?

 

Trả lời : Nếu bạn muốn dùng thực tập này để giải quyết một vấn đề đặc biệt, bạn có thể lấy một nhân vật đối với bạn hiện thân cho những khó khăn này trong suốt thời gian. Nhưng nếu bạn chỉ tìm cách hiểu biết vị Phật hiện diện trong mỗi chúng ta, bấy giờ bạn có thể thay đổi nhân vật mỗi ngày.

 

Câu hỏi : Tại sao kiêu hãnh được xem như một cái gì tiêu cực, trong khi một xã hội như chúng ta đang sống đây, nó thường giúp người ta tự vượt chính mình và như vậy làm gương cho những người khác ?

 

Trả lời : Nếu bạn có cảm tưởng kiêu hãnh nhiều, có lẽ tốt khi thử thay thế sự kiêu hãnh bình thường này bằng sự kiêu hãnh chính đáng mà người ta vừa nói. Kiêu hãnh với chúng ta có vẻ ích lợi lúc đầu, nhưng nó sẽ không như thế về lâu về dài, bởi vì nó chất nặng bản ngã. Hãy lấy ví dụ một người hãnh diện về gia đình mình và tự nhủ : “Tôi quả là có một gia đình hết mức.” Điều đó rõ ràng không có gì tai hại, xấu xa trong nó, nhưng chính là qua mọi thứ lưu xuất ra từ đó mà những sự việc sẽ hư hại... Nếu hân thưởng cái người ta có là tốt đẹp, thì không cần thiết cũng không ích lợi khi quan niệm ra sự kiêu hãnh về điều đó.

 

Câu hỏi : Tôi phải làm gì nếu người bạn tôi dùng cho sự quán tưởng chuyển hóa thành một người khác ở giữa thời thiền ? Tôi cứ để vậy hay cố gắng trở lại nhân vật ban đầu ?

 

Trả lời : Lúc khởi đầu, tốt hơn là thử trở lại với nhân vật ban đầu để học làm chủ phần nào sự quán tưởng, nhưng nếu người ta đã đủ kinh nghiệm, điều đó không bắt buộc.

 

Câu hỏi : Với tư cách là tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi không muốn dùng những biểu tượng đặc biệt của Phật giáo. Vậy là tôi dùng khối cầu ánh sáng và điều đó diễn tiến tốt. Bây giờ chỉ có điều tôi hơi khó khăn khi tưởng tượng ra toàn bộ nhân cách của tôi và của người bạn tôi trong hình thức hai khối cầu ánh sáng “đối mặt nhau”. Ngài có điều gì gợi ý cho tôi ?

 

Trả lời : Khi người ta nói đến Phật, phần nhiều người ta nghĩ đến nhân vật lịch sử sống ở Ấn Độ cách đây 2500 năm, giống như phần đông tín đồ Thiên Chúa giáo nghĩ đến đức Jesus Christ xứ Nazareth khi người ta đề cập đến những phẩm tính của Christ. Ở đây người ta đặt mình trong trạng thái thức tỉnh, giác ngộ của tâm thức và danh từ Phật tượng trưng toàn bộ những phẩm tính nội tại của trạng thái này, hơn là một nhân vật lịch sử nhất định. Bạn cũng có thể gọi cái đó là Christ, không quan trọng đâu ; những phẩm tính là như nhau, chỉ có sự gọi tên là khác biệt.

 

Câu hỏi : Làm sao phản ứng lại cái phần “tôi” không ngừng lập lại với tôi rằng tôi chẳng có chút dấu vết gì của lòng bi, mà tôi thật khó cảm nhận và rằng mọi cái ấy chỉ là giả hiệu, giả vờ ?

 

Trả lời : Tôi nghĩ rằng những thực tập này đúng là dành cho sự khai triển lòng bi khi người ta không có nó và sẽ hoàn toàn vô ích nếu bạn đã có nó...

 

Câu hỏi : Khi người ta thấy ở một điểm nào đó những con người có thể là tàn ác và hung dữ, có lẽ khắp nơi trên thế giới, làm sao tin được rằng tất cả họ là những vị Phật ?

 

Trả lời : Tôi tin rằng trước hết phải tự tìm một động cơ đúng đắn, rồi học điều phục tâm thức mình. Tiếp theo, người ta một ngày nào sẽ đến chỗ nhận ra sự thanh tịnh của bản tánh nền tảng của tất cả. Khi bạn đến đó, có lẽ bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi của bạn và bạn sẽ biết làm gì lúc ấy.

 

(Lời nói thêm của người dịch tiếng Việt : Một câu nói “kinh điển” thường ở cửa miệng mọi người Phật tử chúng ta là : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.” Nhưng làm thế nào để trí huệ và đại bi hiển hiện ở đời, làm thế nào để xã hội biến thành một cõi tịnh độ khi ý niệm không biến thành hiện thực qua thực hành ? Bởi thế, ít ra đây là một phương pháp để hiện thực hóa lý tưởng của mọi người chúng ta.)


 

 

 

Xem mục lục