Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

1. CÂU CHUYỆN THUNG LŨNG NGỌC ĐÁ ĐỎ


Kính Lễ Chư Đạo Sư
Một lần, Đại Hành giả Yoga Milarepa ở Lâu Đài Chim Ưng trong Thung Lũng Ngọc [Đá Đỏ], (1) thâm nhập trong tu tập thiền định Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) (2). Cảm thấy đói bụng, ông quyết định sửa soạn bữa ăn, nhưng sau khi nhìn quanh ông thấy trong hang không còn lại gì cả, nước cũng không, củi cũng không, kể chi đến muối, dầu, hay bột mì. “Dường như mình đã chểnh mảng nhiều thứ quá chừng!” ông nói một mình, “Ta phải ra ngoài tìm ít củi.”
Ông đi ra ngoài. Nhưng khi ông vừa nhặt được một nắm cành cây, thì đột nhiên một cơn bão nổi lên, và gió mạnh đến nỗi thổi bay củi và xé toạc tấm y đã rách nát của ông. Khi ông cố gắng giữ tấm y lại, thì củi bị thổi bay. Khi ông cố gắng gomcủi lại, thì tấm y bị thổi banh ra. [Thất vọng], Milarepa nghĩ, “Mặc dù mình đã tu tập Pháp (3) và sống nơi cô tịch trong một thời gian dài, mình vẫn không dứt bỏ được sự bám víu vào cái ta! Không hàng phục được ngã chấp thì tu tập Pháp để làm gì? Hãy để cho gió thổi bay tấm y của ta nếu nó muốn! Nghĩ như vậy, ông ngừng phản kháng. Nhưng vì thiếu thức ăn, ông trở nên yếu đuối, với cơn gió mạnh kế tiếp, ông không còn chống chọi nổi với bão, và ngã xuống ngất xỉu. Khi ông tỉnh lại, bão đã hết. Trên cành cây cao, ông nhìn thấy tấm y của ông đu đưa theo gió nhẹ. Sự vô ích của thế giannày và tất cả những sự việc của nó đã đập mạnh vào Milarepa, và một cảm xúc khước từ mạnh mẽ đã bao trùm lấy ông. Ngồi lên một tảng đá, ông thiền định một lần nữa.

Chẳng bao lâu, một đám mây trắng nhô lên từ Thung Lũng Dro Wo (4) xa xa về hướng Đông. “Bên dưới bờ mây ấy là ngôi chùa của Đạo Sư (Guru) ta, đại Dịch giả Marpa,” (5) Milarepa ngẫm nghĩ, “Ngay trong giờ phút này, Ông và vợ Ông ắt đang giảng dạy các giáo lý Mật Điển, ban lễ Khai Thị và những chỉ dạy cho các huynh đệ của ta. Vâng, Đạo Sư của ta đang ở đó. Nếu ta có thể đến đó, ta sẽ gặp Người.” Sự mong muốn không thể đo lường, không thể chịu đựng được, về người Thầy của ông dâng lên trong lòng khi ông nghĩ một cách tuyệt vọng về vị Đạo Sư của mình. Mắt ông đẫm lệ, và ông bắt đầu hát một bài hát, “Nghĩ Đến Đạo Sư của Con”:


Khi nghĩ đến Thầy, ôi Sư Phụ Marpa,
nỗi khổ của con được vơi bớt;
Con, người khất sĩ, bây giờ hát dâng Thầy
khúc hát nhiệt tâm.
Bên trên Thung Lũng Ngọc Đá Đỏ, ở phương Đông,
Bềnh bồng một cụm mây trắng;
Bên dưới, giống như con voi nhảy chồm,
một hòn núi khổng lồ vươn cao;
Bên cạnh, tựa như một con sư tử đang nhảy lên,
lờ mờ hiện lên một đỉnh núi khác.
Trong ngôi chùa ở Thung Lũng Dro Wo
một tòa đá kếch sù yên nghỉ;
Bây giờ ai đang ngự trên đó?
Có phải là Marpa Dịch giả?
Dù giới hạn vì tôn kính, con ước mong được thấy Thầy;
Nếu Thầy ở đó, con sẽ vui và an lạc.
Dù lòng tin yếu ớt, con ước mong được hội họp cùng Thầy.
Càng thiền định, con càng mong ước Thầy.
Vợ hiền của Thầy, Dagmema, còn ở với Thầy không?
Đối với bà, con biết ơn còn hơn cả mẹ con.
Nếu bà ở đó, con sẽ vui và an lạc.

Dù đi xa, con ước mong thấy bà,
Dù đường hiểm nghèo, con vẫn ước mong đoàn tụ cùng bà.
Càng chiêm nghiệm nhiều, con càng nghĩ đến Thầy.
Càng thiền định, con càng nghĩ đến Đạo Sư của con.
Nếu con có thể cùng nhau tụ họp thì thực là an lạc,
Ở đó có lẽ Thầy đang dạy Mật Điển Hevajra. (6)
Dù tâm trí đơn giản, con mong muốn học.
Dù dốt nát, con ước mong tụng đọc.
Càng chiêm nghiệm, con càng nghĩ đến Thầy;
Càng thiền định, con càng nghĩ đến Đạo Sư của con.
Thầy bây giờ có lẽ đang ban Bốn Lễ Khai Thị
Thủ Ấn (7) của Dòng Đạo Khẩu Truyền; (8)
Nếu có thể đoàn tụ cùng nhau, con sẽ vui và an lạc.
Dù thiếu công đức, con ước mong được khai thị –
Dù quá nghèo không thể cúng dường nhiều,
con mong được khai thị.
Càng chiêm nghiệm, con càng nghĩ đến Thầy;
Càng thiền định, con càng nghĩ đến Đạo Sư của con.
Bây giờ có lẽ Thầy đang dạy Sáu Yoga
của [Sư ông] Naropa; (9)
Nếu con có thể ở đó, con sẽ vui và hạnh phúc.
Dù thiếu tinh tấn, con cần học;
Dù nghèo kiên trì, con ước mong tu tập.
Càng chiêm nghiệm, con càng nghĩ đến Thầy;
Càng thiền định, con càng nghĩ đến Đạo Sư của con.
Các huynh đệ từ Weu và Tsang có thể đang ở đó.
Nếu vậy, con sẽ vui và hạnh phúc.
Dù Kinh Nghiệm và Chứng Ngộ của con thấp kém,
Con mong so sánh sở đắc của con với họ.
Dù trong niềm tin và tôn kính sâu xa nhất
Con không bao giờ xa cách Thầy,
Giờ đây con khổ sở vì cần thấy Thầy.

Mong ước nồng nhiệt này làm con thống khổ,
Sự dày vò to lớn này làm con nghẹt thở.
Đạo Sư ân huệ của con,
nguyện giải thoát con khỏi sự dày vò.


Ngay khi Milarepa kết thúc, Tôn giả (Jetsun) Marpa (10) xuất hiện trên đám mây cầu vồng giống như chiếc y năm màu. Với ánh [thiên] quang luôn gia tăng tuôn tràn trên khuôn mặt, và cưỡi con sư tử với yên cương giàu có, Tôn giả đến gần Milarepa. “Đại Phù Thủy (11), con ta, tại sao con gọi ta một cách tuyệt vọng, với xúc động sâu xa như vậy?” Ông hỏi. “Tại sao con tranh đấu như vậy? Con không có niềm tin nơi Đạo Sư của con và Phật Hộ Trì sao? Ngoại giới có hấp dẫn con vì những ý nghĩ quấy rầy không? (12) Tám Gió Thế Gian (13) có hú lên trong
hang động của con không? Có phải sợ hãi và ước mong đã hút đi sức mạnh của con? Có phải con đã không liên tục phụng sự chư Đạo Sư và Tam Bảo (14) ở trên? Có phải con đã không hiến công đức của con cho chúng sinh (15) trong Sáu Nẻo? (16) Có phải bản thân con đã không đạt đến cảnh giới ân huệ để con có thể tẩy sạch tội lỗi của con và thành tựu công đức không? Bất kể là nguyên nhân gì, con có thể chắc chắn rằng chúng ta không bao giờ chia cách. Vì thế, vì pháp, vì lợi ích của chúng sinh, con hãy tiếp tục thiền định.”
Được thị kiến hân hoan tối thượng phấn khích như thế,Milarepa hát trả lời:


Khi con thấy vẻ mặt của Đạo Sư và nghe lời Người nói,
Con, người khất sĩ, được Khí (Prāṇa) khuấy động trong tim (17)
Khi nhớ đến những lời dạy của Đạo Sư,
Trong lòng con sinh tôn kính.
Những sự gia trì từ bi của Người đã vào tim con;
Tất cả những ý nghĩ phá hoại (18) đều bị xua tan.
Bài hát nhiệt thành, gọi là “Nghĩ Đến Đạo Sư của Con.”

Thầy của con, chắc chắn Thầy đã nghe;
Song con vẫn còn trong u tối.
Xin hãy thương xót con và ban cho con sự hộ trì!
Sự kiên trì không thể chế ngự
Là hiến vật cao nhất dâng lên Đạo Sư.
Cách tốt nhất để làm Người hài lòng
Là chịu khó thiền định!
Ở trong hang động này, một mình,
Là phụng sự cao quí nhất đối với các thiên nữ Đa-ki-ni! (19)
Tự hiến mình cho Thánh Pháp
Là phụng sự tốt nhất cho Phật Giáo –
Hiến dâng đời con cho thiền định, như vậy
Trợ giúp những chúng sinh không người trợ giúp!
Thương sự chết và bệnh tật là sự gia trì
Qua đó rửa sạch tội lỗi;
Từ chối thức ăn bị cấm giúp người ta
Đạt Chứng Ngộ và Giác Ngộ;
Đáp lại nhân từ độ lượng của Sư Phụ
Con thiền định và thiền định nữa.
Đạo Sư của con, xin người bảo vệ con!
Xin giúp người khất sĩ này ở lại mãi mãi nơi ẩn tu.


Phấn khởi, Milarepa sửa lại tấm y và mang bó củi trở lại hang động. Vào đến bên trong, ông giật mình thấy năm con quỉ Ấn Độ với mắt to như những cái đĩa. Một con ngồi trên chiếc giường của ông và đang thuyết giảng, hai con khác đang lắng nghe thuyết giảng, một con nữa đang chuẩn bị dọn thức ăn, và con cuối cùng đang nghiên cứu các sách của Milarepa. Sau cái giật mình lúc đầu, Milarepa nghĩ, “Đây phải là hiện hình ma thuật của các thần địa phương không thích ta. Mặc dù ta đã sống ở đây một thời gian lâu, ta chưa bao giờ cho họ thứ gì hoặc lời khen nào.” Rồi ông bắt đầu hát một “Khúc Ca Khen Tặng Các Thần của Thung Lũng Ngọc Đá Đỏ”:

Chỗ cô đơn này chỗ túp lều tôi đứng
Là nơi làm chư Phật hài lòng,
Nơi các bậc thành tựu cư ngụ,
Chỗ trú tôi ở một mình.
Bên trên Thung Lũng Ngọc Đá Đỏ
Mây trắng đang lướt qua;
Bên dưới, sông Tsang dịu dàng chảy;
Linh thứu hoang lượn vòng ở giữa.
Những con ong đang vo ve giữa các bông hoa
Say sưa vì mùi thơm của chúng;
Trong đám cây, những con chim vồ mồi phóng lẹ,
Rót đầy hư không tiếng hót của chim.
Trong Thung Lũng Ngọc Đá Đỏ
Những con sẻ non học bay,
Những con khỉ thích đánh đu và nhảy,
Và dã thú đua nhau rượt đuổi,
Trong khi tôi tu tập Hai Tâm Bồ-đề (20)
và yêu thích thiền định.
Chư vị quỉ, (21) ma, (22) và thần thổ địa,
Tất cả bạn của Milarepa,
Hãy uống cam lồ từ bi,
Rồi trở về chỗ ở của các người.


Nhưng các quỉ ma Ấn Độ không biến mất, mà nhìn trân trân Milarepa một cách thống khổ. Hai quỉ trong bọn tiến tới, nhăn nhó và cắn vành môi dưới, còn quỉ kia thì nghiến răng khủng khiếp. Quỉ thứ ba, từ sau đi tới, cười đanh ác và hét to, tựa hồ như cả bọn cố đe dọa Milarepa với những cái nhăn nhó và điệu bộ hãi hùng. Biết động cơ ác độc của họ, Milarepa bắt đầu phép Thiền Định Phật Thịnh Nộ và tụng mạnh mẽ một thần chú đầy năng lực.(23) Nhưng các quỉ vẫn không bỏ đi. Rồi với tâm đại bi, ông thuyết giảng Pháp cho họ, nhưng họ vẫn ở lại đó. Cuối cùng Milarepa tuyên bố, “Nhờ lòng từ bi của đức Marpa, tôi đã chứng ngộ đầy đủ rằng tất cả chúng sinh và vạn vật đều là của tâm tôi. Tâm chính là tính trong sáng của Tánh Không.(24) Do đó, tất cả cái này dùng để làm gì, tôi ngu ngốc làm sao cố gắng xua đuổi những hiện tượng ở bên ngoài này.” (25) Rồi, với tâm trạng không sợ hãi, Milarepa hát, “Khúc Ca Chứng Ngộ”:


Hỡi Sư Phụ, Người đã chiến thắng Bốn Quỉ, (26)
Con cúi đầu đảnh lễ Người, Dịch giả Marpa.
Con, như Người nhìn thấy, là người với một cái tên,
Con của Darsen Gharmo (27)
Đã được nuôi dưỡng trong thai cung của mẹ,
Đang hoàn thành Ba Kênh (28)
Là em bé, con đã ngủ trong nôi;
Là thanh niên, con đã canh chừng cửa,
Khi trưởng thành, con đã sống trên núi cao.
Dù bão trên đỉnh tuyết là đáng kinh,
Con không có sợ.
Dù hố sâu dốc đứng và nguy hiểm,
Con chẳng sờn lòng!
Con, như Sư phụ nhìn thấy, là người với một cái tên,
Là con của Chim Ưng Vàng (29)
Con đã mọc cánh và lông trong trứng.
Là em bé, con đã ngủ trong nôi,
Là thanh niên, con đã canh chừng cửa,
Khi trưởng thành, con đã bay trên bầu trời.
Dù bầu trời cao và rộng, con không sợ hãi;
Dù đường cheo leo và hẹp, con chẳng sờn lòng.

Con, như Sư Phụ nhìn thấy, là người với một cái tên,
Là con của Nya Chen Yor Mo, (30) Vua của loài cá.
Trong thai cung của mẹ, con đã xoay đôi mắt vàng;
Là em bé, con đã ngủ trong nôi;
Là thanh niên, con đã biết bơi,
Khi trưởng thành, con đã bơi trong biển lớn.
Dù sóng gầm đe dọa, con không sợ hãi,
Dù lưỡi câu thả quanh, con chẳng sờn lòng.
Con, như Sư Phụ nhìn thấy, là người với một cái tên,
Là con của các Lạt-ma Ghagyu.
Niềm tin đã sinh ra trong thai cung của mẹ.
Là em bé, con đã vào cửa Pháp;
Là thanh niên, con đã học lời Phật dạy,
Khi trưởng thành, con đã sống một mình trong hang.
Dù quỉ ma và bao nhiêu yêu quái, con chẳng sờn lòng.
Móng vuốt của sư tử tuyết không bao giờ bị đông cứng,
Hay dùng làm gì
Mà gọi sư tử là “Vua”‒
Kẻ có Ba Lực Toàn Hảo. (31)
Con chim ưng không bao giờ rơi tự trời cao,
Nếu nó rơi tự trời cao, phải chăng ấy là phi lý?
Một khối sắt không thể bị hòn đá phá vỡ;
Nếu bị phá vỡ, sao tinh luyện quặng sắt làm chi?
Ta, Milarepa, không sợ ma cũng không sợ quỉ;
Nếu Milarepa sợ ma hay quỉ, thì có ích gì
Sự Chứng Ngộ và Giác Ngộ của y?
Các ngươi, ma, quỉ, kẻ thù của Pháp,
Ta chào các ngươi hôm nay!
Tiếp các ngươi là thích thú của ta!
Ta cầu các ngươi ở lại; đừng vội bỏ đi;
Chúng ta sẽ cùng nhau đàm luận và vui chơi.
Dù các ngươi sẽ đi, hãy ở lại đêm nay;

Chúng ta sẽ đem Pháp Đen chọi nhau với Pháp Trắng (32)
Và sẽ thấy ai chơi giỏi nhất.
Trước khi đến, các ngươi đã thề làm cho ta khốn khổ.
Xấu hổ và ô danh sẽ theo sau
Nếu các ngươi trở về mà không làm tròn thệ nguyện.


Với tin tưởng Milarepa đứng dậy xông thẳng vào lũ quỉ trong hang của ông. Kinh hoảng, chúng thu mình lùi lại, xoay tròn đôi tròng mắt trong tuyệt vọng và rùng mình dữ dội. Rồi chúng cùng nhau xoay vòng như một xoáy tròn, tất cả bọn chúng nhập thành một và biến mất. “Đây là Quỉ Vương, Vināyaka, (33) Kẻ Tạo Chướng Ngại, đến tìm cơ hội xấu,” Milarepa nghĩ. “Bão cũng vậy, chắc chắn là do y tạo ra. Nhờ từ bi của Đạo Sư ta nó không có cơ hội nào để hại ta.” Sau đó, Milarepa đã đạt được sự tiến bộ tinh thần không thể đo lường được.
Đây là câu chuyện kể lại cuộc tấn công của Vua Quỉ Vināyaka; chuyện có ba nghĩa khác nhau và vì vậy có thể gọi là “Sáu Cách Nghĩ Đến Đạo Sư của Tôi,” “Câu Chuyện Thung Lũng Ngọc Đá Đỏ,” hay “Câu Chuyện Milarepa Nhặt Củi.”

Xem mục lục