Kính Lễ Chư Đạo Sư
Danh tiếng của Jetsun Milarepa chinh phục quỉ ma lan rộng vì kết quả sự viếng thăm của ông ở vùng Núi Tuyết Lashi. Tất cả dân làng Nya Non trở thành những người bảo trợ của ông, cúng dường và phục vụ ông. Trong bọn họ có một người đàn bà tên là Wurmo, với lòng tin sâu xa nhiệt tình tìm cầu Giáo Pháp. Bà có một cậu con trai nhỏ gọi là Joupuva mà bà đã định tâm tặng cho Milarepa làm người hầu cận khi cậu bé lớn lên.
Milarepa được dân làng Nya Non Tsar Ma mời ở lại, và có Shindormo, nữ bảo trợ, hầu cận. Jetsun ở lại làng một thời gian, nhưng trở nên chán ngán trầm trọng vì tính cách thế gian của mọi người. Tỏ ra không an lạc, ông bảo dân làng rằng ông muốn trở lại Núi Tuyết Lashi.
Lúc ấy dân làng khóc, “Tôn Giả! Chỉ vì chúng tôi mà không phải vì lợi ích của những chúng sinh khác mà chúng tôi yêu cầu ngài ở lại làng và dạy chúng tôi mùa đông này. Ngài có thể hàng phục quỉ bất cứ lúc nào. Mùa xuân tới mọi thứ sẽ sẵn sàng cho ngài đi.” Dunba (1) Shajaguna đáng kính [một giáo sĩ] và Shindormo đặc biệt nhiệt tâm trong các thỉnh cầu: “Mùa đông đang đến, ngài sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cực nhọc trên núi tuyết. Xin vui lòng hoãn lại việc ra đi cho đến sau này.”
Bất chấp sự thỉnh cầu nhiều lần của họ, Milarepa quyết định đi. “Tôi là con cháu của Dòng Truyền Thừa Naropa,” ông nói “tôi không sợ khó nhọc và bão táp trên núi tuyết. Với tôi, ở lại trường kỳ trong làng còn tệ hơn là chết. Đạo Sư Marpa của tôi cũng đã ra lệnh cho tôi tránh những sự phân tâm thế gian mà ở lại trong cô tịch để theo đuổi sự sùng mộ của tôi.”
Lúc ấy dân làng Tsar Ma nhanh chóng sửa soạn lương thực cho ông. Trước khi ra đi, ông hứa sẽ gặp những ai đến với ông để được chỉ dạy Pháp trong mùa đông. Dunba Shajaguna, Shindormo, và bốn người khác, tăng nhân và cư sĩ, đã mang đồ uống đến cho bữa tiệc tiễn đưa, cùng đi với Jetsun. Họ băng qua một ngọn đồi và đến một cao nguyên nhỏ.
Mang theo bột mì, gạo, một miếng thịt, và một miếng bơ, Milarepa bước đi một mình về phía Động Hàng Ma, nơi ông định ở đó.
Trên đường trở về nhà, sáu đệ tử gặp một trận bão khủng khiếp trên sườn núi xa bên kia, quá mù mịt họ khó có thể thấy được đường đi. Họ phải gom tất cả sức lực để chống lại bão, và họ chỉ đến làng sau khi mọi người đã mệt nhọc trong đêm.
Tuyết rơi mười tám ngày đêm, cắt đứt liên lạc giữa Drin và Nya Non sáu tháng. Tất cả đệ tử của Milarepa cho rằng Đạo Sư của họ đã bị chết trong bão, và để tưởng nhớ ông, họ đã tổ chức một bữa tiệc lễ cúng trọng thể xả tội.
Vào tháng Saga [phần của tháng ba và tháng tư], các đệ tử mang theo rìu và các dụng cụ khác, đi tìm thi thể của Jetsun. Vì thiếu định hướng, họ ngồi xuống nghỉ một lúc lâu. Xa xa họ thấy một con báo tuyết đang ngáp và vươn mình như sắp leo lên một tảng đá to. Họ nhìn nó một lúc lâu, cho đến khi nó hoàn toàn biến mất. Họ chắc chắn rằng họ sẽ không tìm thấy thi thể của Jetsun, vì họ tin rằng con báo đã giết và ăn thịt ông rồi. Họ thì thầm, “Vẫn có thể tìm được chút ít quần áo hay tóc ông còn lại chứ?” Chính ý nghĩ này làm họ khóc trong sầu khổ. Rồi họ chú ý thấy có những vết chân bên cạnh lối đi của con báo. Sau này, con đường mòn hẹp nơi hình ảnh của con báo [hay cọp] đã xuất hiện được biết đến như là “Đường Mòn Cọp Beo.” [Thấy cảnh quái lạ về con báo], dân làng bị huyễn hoặc. Họ nghĩ, “Đây có phải là phù chú của Thần hay ma?” Trong bối rối, họ đến gần cái Động Hàng Ma, và họ nghe Milarepa đang hát. Họ tự hỏi, “Có thể nào các tay thợ săn tặng thịt cho Jetsun, hay ông ta đã tìm được con mồi nào đó còn sót lại, vì vậy ông ta không chết?”
Khi họ đến cái động, Milarepa khiển trách họ: “Các người những kẻ chậm chạp, các người đã đến sườn núi bên kia lâu rồi. Tại sao lại mất nhiều thời gian như thế mới đến đây? Thức ăn đã được chuẩn bị lâu rồi, chắc phải nguội lạnh mất. Nhanh lên! Hãy vào đi!” Các đệ tử quá vui, la lên và sung sướng nhảy múa. Họ nhanh chóng chạy đến Jetsun và cúi đầu làm lễ. Milarepa nói, “Bây giờ không phải là lúc bàn cãi chuyện này; bây giờ là lúc để ăn.” Nhưng trước hết họ cúi đầu làm lễ, chào mừng ông và hỏi thăm sức khỏe của ông. Rồi họ nhìn quanh hang động và thấy bột lúa mì họ tặng ông vẫn còn chưa dùng hết. Một đĩa lúa mạch, cơm, và thịt đã sẵn sàng. Dunba Shajaguna kêu với Jetsun, “Quả thật, đây là bữa ăn chiều cho chúng tôi, nhưng chắc ngài đã biết rằng chúng tôi đang đến.” Milarepa đáp, “Khi tôi đang ngồi trên tảng đá, tôi thấy tất cả mọi người đang nghỉ phía bên kia đèo.” “Chúng tôi thấy một con báo ngồi trên đó,” Dunba Shajaguna nói, “nhưng chúng tôi không thấy ngài. Lúc ấy ngài ở đâu?” “Tôi chính là con báo,” Milarepa đáp. “Với một hành giả yoga đã hoàn toàn làm chủ được Tâm-Khí, (2) cũng hoàn toàn kiểm soát được yếu tánh của Bốn Đại. Ông ta có thể tự biến mình thành bất cứ hình thể nào tùy ý chọn. Tôi đã cho các người thấy huyền lực của tôi biểu hiện những hành động siêu nhiên bởi vì tất cả các người là những đệ tử tài năng và tiên tiến. Tuy nhiên, các người chớ nói chuyện này với ai.” Shinmordo nói, “Jetsun, mặt và thân của ngài dường như có vẻ có nhiều sức khỏe hơn năm ngoái. Những con đường mòn cả hai bên sườn núi đều bị tuyết lấp hết, không ai có thể đi qua được để đem thức ăn cho ngài. Ngài được thần tiên nuôi ăn hay là tìm được con vật nào bị dã thú giết chết? Bí mật là gì?”
Milarepa đáp. “Phần lớn thời gian, tôi ở trong Định, nên không cần thức ăn. Vào những ngày có thức ăn thịnh soạn, nhiều nữ thần Đa-ki-ni (3) đã cho tôi thức ăn trong những cuộc hội họp lễ tiệc Mật Giáo của họ. Có khi tôi ăn một ít bột mì khô trên đầu muỗng, như tôi đã ăn ngày hôm qua và mấy ngày trước. Vào cuối tháng con Ngựa, tôi đã có một thị kiến rằng tất cả các người, những đệ tử của tôi, vây quanh tôi và tặng tôi rất nhiều thứ để ăn và uống trong nhiều ngày sau đó tôi không cảm thấy đói gì cả. Nhân tiện, các người đã làm gì cuối tháng con Ngựa?” Các đệ tử đếm ngược thời gian và họ thấy rằng đó là ngày họ đã tổ chức tiệc cúng dường trọng thể cho Jetsun vì tin rằng ông đã chết. Milarepa phê bình, “Khi người thế gian cúng dường, chắc chắn có ích cho Cảnh Giới Trung Gian Bardo (4) của họ. Tuy nhiên, chứng ngộ được Cảnh Giới Trung Gian Ở-Đây-và-Bây-Giờ thì còn tốt và có ích hơn nhiều.” (5)
Các đệ tử nhiệt tâm tìm kiếm Milarepa nài nỉ ông xuống Nya Non, nhưng ông từ chối và nói rằng, “Tôi rất thích ở lại đây. Định (Samadhi) của tôi cũng tỏ ra tiến bộ. Tôi muốn ở lại, các người hãy trở về mà không có tôi vậy!” Nhưng các đệ tử phản đối, “Nếu Tôn giả không xuống núi với chúng con lần này, dân làng Nya Non sẽ trách chúng con đã bỏ ngài một mình đi xuống mồ. Rồi họ sẽ hành hung và chửi mắng thậm tệ chúng con.” Wurmo khóc, “Nếu ngài không xuống, chúng con sẽ khiêng ngài xuống hoặc sẽ ngồi lại đây cho đến chết vậy.” Milarepa không thể phản kháng sự khăng khăng thỉnh cầu của họ, và bắt buộc phải nhượng bộ, đồng ý xuống núi với họ.
Lúc ấy các đệ tử nói, “Có thể các nữ thần Đa-ki-ni không cần ngài, nhưng các đệ tử trong Truyền Thừa của ngài chắc chắn cần. Bây giờ hãy để chúng con cho các nữ thần Đa-ki-ni thấy làm cách nào chúng con có thể chinh phục tuyết mà không có giày tuyết.”
Sáng hôm sau, tất cả bọn họ từ giã hang động và đi xuống Nya Non. Shindormo đi trước đem tin lành cho dân làng rằng Jetsun vẫn còn sống và đang trở về với họ.
[Khi họ đến gần làng], Milarepa và các đệ tử đến một tảng đá khổng lồ phẳng có hình dạng giống như cái sàn, những người nông dân đã đập lúa mì của họ trên đó. Vào lúc ấy, tin ông về đến làng đã lan rộng. Đàn ông và đàn bà, người lớn và trẻ con, già và trẻ, tất cả tụ thành đám đến với Milarepa, nhìn ông, ôm ông, khóc đầy xúc động, hỏi thăm sức khỏe của ông, trân trọng chào mừng ông, và cúi đầu làm lễ với ông. Đáp lại, Milarepa, với đôi giày tuyết vẫn còn trên chân, đứng tựa cằm trên đầu gậy hát:
Các người và tôi – những bảo trợ nam và nữ,
và ông già Milarepa,
Dưới tàng lọng gia trì của bầu trời cát tường này,
Hãy gặp một lần nữa trước khi kiếp sống thế gian
của chúng ta qua mất.
Tôi hát để trả lời câu hỏi các người về sức khỏe của tôi.
Hãy lắng nghe, và hãy chú ý những gì tôi hát!
Vào cuối năm con Cọp Trước khi năm con Thỏ bắt đầu,
Vào ngày thứ sáu Wa Jal,
Một cảm xúc khước từ chỗi dậy trong tôi.
Milarepa, kẻ ẩn tu, đến Núi Tuyết Lashi xa xôi Bám vào nơi cô tịch. Dường như trời và đất đã đồng ý với nhau; ở giữa, Một cơn gió xé da được gửi đến;
Những dòng sông chảy, những con suối sóng dâng;
Mây đen bị quét đến từ mọi hướng;
Mặt trời và mặt trăng bị nhốt trong u tối;
Và Hăm Tám Chòm Sao (6) bị giữ chặt.
Giải Ngân Hà bị đóng chốt, Và Tám Hành tinh (7) bị xích sắt xiềng. Bầu trời phủ kín sương mù;
Trong hơi mù, tuyết rơi chín ngày đêm.
Càng lúc càng nhiều trong mười tám ngày đêm nữa.
Tuyết rơi, to như những bao lông cừu,
Rơi như chim bay giữa bầu trời, Rơi như những bầy ong lượn.
Những bông tuyết rơi nhỏ như vòng thoi, Rơi tí hon như những hạt đậu,
Rơi như những chùm bông vải.
Tuyết rơi ở bên kia tất cả mọi đo lường,
Tuyết phủ tất cả núi và còn đụng cả trời
Rơi xuyên qua các bụi cây và đọng lại dưới cành.
Núi đen biến thành trắng,
Tất cả hồ đóng băng.
Nước trong đông cứng dưới đá;
Thế giới biến thành bình nguyên phẳng, trắng;
Đồi và thung lũng bằng nhau.
Tuyết như thế dù kẻ ác cũng không mạo hiểm ra ngoài. (8)
Dã thú và súc vật trên đồng cũng đói chết,
Bị người bỏ rơi trong núi sâu,
Đáng thương, đói, và yếu ớt.
Trong cây mù, chết đói tấn công chim,
Khi chuột lớn chuột nhỏ trong hang ẩn nấp.
Trong đại nạn này, tôi ở trong cô tịch hoàn toàn.
Tuyết rơi trong bão tuyết cuối năm
Đánh tôi, người áo vải, cao trên Núi Tuyết,
Tôi đánh trả khi nó rơi lên tôi
Cho đến khi nó trở thành mưa bụi.
Tôi chinh phục những cơn gió giận dữ –
Làm chúng dịu xuống im lặng nghỉ ngơi.
Tấm áo vải (9) tôi mặc giống như một miếng cây đang cháy.
Cuộc đấu tranh của sinh và tử,
Như khi những tên khổng lồ vật nhau và đao va chạm.
Tôi, hành giả yoga có tài, đã chiến thắng –
Tôi lập một kiểu mẫu cho tất cả những người Phật tử, Một tấm gương cho tất cả những đại hành giả yoga.
Năng lực của tôi vượt qua Sinh Nhiệt (10)
và hai Kênh như thế đã lộ ra.
Bằng quan sát cẩn thận Bốn Bệnh (11) do thiền định gây ra,
Và tiếp tục tu tập bên trong,
Các Khí lạnh và nóng trở thành Yếu Tánh. Đây là lý do cơn gió giận dữ trở nên thuần hòa,
Và trận bão, lắng dịu, và mất toàn năng lực;
Ngay cả đoàn quân của chư Thiên cũng không
sánh được với tôi. Cuộc chiến này, tôi, hành giả yoga, đã thắng.
Một đứa con trung thành của Pháp trong lớp da cọp, Ta không bao giờ mặc áo lông chồn.
Con của người khổng lồ, ta không bao giờ
Chạy vì phẫn nộ.
Con của sư tử ‒ vua của tất cả các loài dã thú ‒
Ta đã từng sống trong núi tuyết.
Làm công việc của đời chỉ là trò cười đối với ta.
Nếu các người tin những gì ông già này nói
Hãy nghe lời ông ấy tiên tri:
Giáo lý của Kế Thừa Tu Tập (12) sẽ phát triển và lan xa;
Lúc ấy trên trái đất sẽ xuất hiện một vài người thành tựu;
Danh tiếng của Milarepa sẽ lan rộng khắp thế gian.
Các người, những đệ tử, trong ký ức con người
Sẽ sinh ra nhiều tin tưởng;
Danh tiếng và lời ca ngợi chúng ta
Sẽ được người ta nghe mãi sau này.
Để trả lời sự quan tâm của các người về sức khỏe của ta,
Ta, hành giả Yoga Milarepa, quả thực rất khỏe.
Còn các người thế nào, những người bảo trợ thân mến
của ta? Tất cả các người có khỏe và an lạc không?
Khúc ca an lạc của Jetsun khởi hứng dân làng khiến họ nhảy múa, ca hát vì vui, và Milarepa, trong tâm thái vui vẻ, cũng nhập bọn. Cái sàn đá khổng lồ họ nhảy múa trở thành nơi in dấu chân và dấu tay của họ, giống như tạc lên đó. Chính giữa sàn bị lún xuống, tạo thành một bồn tắm nhỏ với những vết chân không đều, do đó, trước kia gọi là “Tảng Đá Bước Chân Trắng,” giờ đây trở thành “Tảng Đá Giày Tuyết.”
Rồi dân làng hộ vệ Milarepa tới làng Nya Non Tsar Ma, phục vụ và cúng dường ông. Nữ bảo trợ Lesebum nói, “Thưa Tôn giả, không có gì làm chúng con vui hơn là biết được ngài còn sống và trở về làng bình an vô sự. Sắc mặt của ngài rạng rỡ hơn bao giờ hết, ngài đầy năng lực và tinh thần. Có phải đây là do các nữ thần đã cúng dường khi ngài ở nơi cô tịch?”
Trả lời câu hỏi, Milarepa hát rằng:
Con cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đạo Sư Marpa của con.
Món quà gia trì được các nữ thần Đa-ki-ni ban tặng;
Nước cam lồ Samaya (13) là dưỡng chất phong nhiêu;
Qua sùng mộ thành tín, các giác quan được nuôi sống.
Những công đức thuận lợi như thế được các đệ tử của ta
cất giữ.
Tâm tức không bản thể;
Nó là không, nhỏ hơn cả vi trần.
Khi cả hai, người thấy và vật bị thấy được loại bỏ,
Cái “Thấy” được thực sự nhận ra.
Về “Tu Tập”‒ trong Dòng Quang Minh,
Không giai đoạn nào có thể tìm thấy.
Kiên trì trong Tu tập được xác nhận
Khi cả diễn viên và diễn cảnh không còn.
Trong Cõi Quang Minh,
Nơi chủ và khách là một,
Ta thấy không nguyên nhân, vì tất cả là Không.
Khi diễn cảnh và diễn viên biến mất,
Tất cả hành động đều trở thành đúng hết.
Tư tưởng hữu hạn (14) tan biến trong Pháp giới;
Tám Gió Thế Gian không đem đến hy vọng hay sợ hãi.
Khi giới luật và người giữ giới biến mất, Giới luật được giữ tốt nhất.
Khi biết rằng Tự Tâm là Pháp Thân (15) –
Thân Phật tuyệt đối –
Do thệ nguyện nhiệt thành, vị tha,
Việc làm và người làm biến mất.
Như vậy Pháp vinh quang khải hoàn.
Để trả lời câu hỏi của các đệ tử,
Đây là khúc ca an lạc ông già này hát!
Tuyết rơi vây bọc Căn nhà thiền định của ta; (16)
Các thiên nữ đã tặng ta thức ăn và dưỡng chất;
Nước của Tuyết Sơn là nước uống tinh khiết nhất.
Tất cả đã làm xong không gắng sức;
Không cần làm nông khi không có nhu cầu [thức ăn].
Nhà kho của ta đầy mà không có chuẩn bị hay dự trữ.
Bằng cách quán tự tâm, sẽ thấy tất cả sự vật.
Bằng cách ngồi ở chỗ thấp, sẽ lên đến ngai vua.
Hoàn thiện đạt được nhờ ân huệ của Đạo Sư;
Ân huệ này đền đáp được bằng tu tập Pháp.
Hỡi các tín đồ và người bảo trợ tụ tập nơi đây,
Hãy phụng sự với niềm tin.
Hãy an lạc và vui đi, tất cả.
Dunbar Shajaguna lễ bái Milarepa, nói, “Thực kỳ diệu và thích thú khi biết rằng tuyết rất nhiều mà không làm hại được Jetsun, và chúng con, những đệ tử của thầy, đã có thể đưa thầy về làng an toàn. Vui sao tất cả đệ tử có thể thấy được Đạo Sư của họ. Chúng con sẽ biết ơn sâu xa và sung sướng nếu thầy giảng Pháp về các kinh nghiệm thiền định mùa đông này của thầy, như là một món quà khi đến cho chúng con.”
Đáp lại lời yêu cầu của Shajaguna và như là món quà khi đến cho các đệ tử ở Nya Non, Milarepa hát khúc hát “Sáu Tinh Yếu của Kinh Nghiệm Thiền Định”:
Chí tâm đảnh lễ Đạo Sư của con với Ba Hoàn Thiện.
Chiều hôm nay, vì yêu cầu Của các đệ tử Shajaguna và thí chủ Dormos,
Ta, Milarepa, kể lại những gì ta kinh nghiệm khi thiền định,
Ta mãi trú trong những hang động xa xôi.
Lời nguyện thuần khiết khiến cho hội này khả hữu;
Giới luật thuần khiết của Pháp hợp nhất ta với
những người bảo trợ.
Các con! Những gì các con hỏi, ta,
Người cha, sẽ tặng như món quà khi đến.
Ta khước từ thế gian, và tiếc thương cho nó.
Ta, Milarepa, đến Núi Tuyết Lashi Một mình chiếm lấy Động Hàng Ma.
Trong sáu tháng tròn, kinh nghiệm thiền định
đã phát triển;
Bây giờ ta tiết lộ nơi đây, trong bài hát Sáu Tinh Yếu.
Thứ nhất là Sáu Ngụ ngôn về Hình Tướng Bên Ngoài;
Thứ nhì, Sáu Hành Xử Không Tốt Bên Trong,
Mà một người nên xem xét kỹ;
Thứ ba, Sáu Cái Áo trói buộc chúng ta trong Sinh Tử;
Thứ tư, Sáu Con Đường qua đó đạt Giải Thoát;
Thứ năm, Sáu Tinh Yếu của Tri Thức
Qua đó đạt tin tưởng;
Thứ sáu, Sáu Kinh Nghiệm Cực Lạc của Thiền Định.
Nếu một người không giữ bài hát này cho ký ức,
Thì không có ấn tượng gì để lại trong tâm.
Hãy cẩn thận chú ý, rồi ta giải thích.
Nếu có vật cản trở,
Không thể gọi hư không;
Nếu có những con số, Không thể gọi sao trời.
Người ta không thể nói, “Đây là một hòn núi,”
Nếu nó di động và lung lay.
Không thể là đại dương Nếu nó phình ra và teo lại.
Không thể gọi là người bơi Nếu y cần chiếc cầu.
Nếu có thể nắm bắt, Nó không phải cầu vồng.
Đây gọi là Sáu Ngụ Ngôn Bên Ngoài.
Giới hạn của xác định Giới hạn sự hiểu biết.
Hôn trầm và phân tán
Không phải là thiền định.
Chấp nhận và từ chối
Không phải là hành động của ý chí.
Dòng niệm tưởng miên tục Không phải là Yoga.
Nếu có Đông và Tây, (17) Chẳng phải là Trí Tuệ;
Nếu sinh và tử
Ấy chẳng phải là Phật.
Đây là Sáu Lỗi Bên Trong.
Cư dân của Địa ngục thì bị ghét trói buộc,
Ma đói do khốn khổ,
Súc sinh do mù quáng,
Người do tham dục buộc,
A-tu-la do ganh tị,
Thiên thần do kiêu hãnh.
Sáu Xiềng xích này là Chướng Ngại cho Giải Thoát.
Đại tín, nương tựa
Vào Đạo Sư trí và nghiêm,
Giới luật tốt,
Cô tịch ở trong am,
Quyết tâm, kiên trì
Tu tập và thiền định –
Đây là Sáu Con Đường đưa đến Giải Thoát.
Trí Bản Lai Bất Sinh (18) là
Tinh cầu nguyên thủy.
Không “ngoài” cũng không “trong” là tinh cầu Tỉnh Giác;
Không sáng cũng không tối là tinh cầu Nội kiến; Phổ hiện và bao khắp là tinh cầu của Pháp; Không đột biến hay nhanh chóng là tinh cầu Tig Le; (19)
Không có sự gián đoạn là tinh cầu Kinh Nghiệm. (20)
Đây là Sáu Cõi Bất Động của Tự Tánh.
Cực Lạc dâng lên khi Nhiệt Sống được quạt cho,
Khi khí từ các Kênh (21) lưu chuyển trong Kênh Giữa,
Khi Tâm Bồ-đề (22) lưu chuyển từ bên trên,
Khi nó được thanh tẩy bên dưới,
Khi trắng và đỏ gặp nhau ở giữa,
Và niềm vui của thân không rỉ lậu làm mãn nguyện,
Đây là Sáu Kinh Nghiệm Cực Lạc của Yoga.
Để làm hài lòng các người, các con và những kẻ theo ta,
Ta hát khúc hát nầy về Sáu Tinh Yếu,
Về kinh nghiệm của ta trong mùa đông vừa qua
khi thiền định.
Nguyện tất cả tại cuộc hội họp thích thú này
Uống cam lồ cõi trời trong khúc ca ta hát.
Nguyện mọi người vui vẻ và đầy an lạc.
Nguyện ước muốn thuần khiết của các người
thành hiện thực.
Đây là khúc hát ngây ngô do ông già này hát;
Chớ xem nhẹ nó, đây là món quà của Pháp.
Mà với lòng hân hoan bước dài tiến tới Trên Con Đường của Giáo Pháp Gia Trì!
Shindormo kêu lên, “Jetsun! Bậc Quí Nhất! Ngài giống như chư Phật quá khứ, hiện tại, và vị lai. Cơ duyên được phục vụ ngài và học ngài thật là hiếm có. Nhưng ai không tin ngài quả thật còn ngu ngốc hơn cả súc vật.”
Milarepa đáp, “Có thể không quan trọng đến thế đối với một người tin tưởng nơi thầy. Cũng không thành vấn đề mấy. Nhưng nếu các người có được thân người quí giá và được sinh vào lúc và nơi Phật Giáo chiếm ưu thế, mà không tu tập Pháp thì quả thật rất ngu ngốc.” Milarepa hát như vầy:
Dưới chân Dịch giả Marpa, ta quì lạy, Và hát cho các con, những người bảo trợ trung thành.
Thật ngu si là phạm tội mà không lo lắng Trong khi Pháp thanh tịnh rải khắp chung quanh.
Thật ngu ngốc là tiêu phí đời mình không ý nghĩa,
Khi thân người quí giá là món quà hiếm có.
Thật buồn cười là bám vào các phố thị giống như ngục tù
và ở lại đó.
Thật đáng cười là tranh cãi, đánh vợ và thân nhân,
Những người đến chỉ để thăm viếng các người.
Thật vô nghĩa là ấp ủ những lời ngọt dịu
Ấy chỉ là âm vang trống rỗng trong mơ.
Thật ngốc nghếch là bất chấp sinh mạng mà đánh kẻ thù Mà đấy chỉ là những đóa hoa mỏng manh.
Thật ngu ngốc khi chết do tự dày vò vì nghĩ đến gia đình,
Ấy là buộc người vào lâu đài Ma-ya huyễn hóa. (23)
Thật ngu ngốc là dành dụm cho nhà ở và tiền bạc
Ấy chỉ là món nợ vay từ người khác.
Thật buồn cười là làm đẹp và trang điểm bản thân,
Nó chỉ là cái thùng đầy bẩn thỉu.
Thật ngốc nghếch căng thần kinh cho giàu sang, của cải,
Và chểnh mảng cam lồ của giáo lý bên trong!
Trong đám ngu, kẻ khôn lanh và nhạy cảm Nên tu tập Pháp như ta.
Những người trong hội chúng nói với Milarepa, “Chúng con biết ơn thầy sâu xa vì những bài hát Trí Tuệ của thầy. Nhưng chúng con không thể thi đua với thầy về sự cần mẫn và trí thông minh. Chúng con chỉ có thể tránh những điều ngu ngốc mà thầy đã kể. Ước mong duy nhất của chúng con là vì đặc quyền tiếp tục hiện diện của thầy và những người sống có thể phục vụ thầy và được thầy chỉ dạy, và người chết cũng được độ qua ân huệ của thầy.”
Milarepa đáp, “Tuân lệnh Đạo Sư của ta, ta đã thiền định trên Núi Tuyết Lashi. Ta có thể ở lại đây một thời gian, nhưng ta không bao giờ ở lại đây như các con, những người thế gian làm. Nếu ta ở lại giữa các con thì kết quả sẽ là không kính trọng, và không thiện chí. Rồi ông hát:
Chí tâm đảnh lễ Marpa Dịch giả.
Cầu cho tất cả những bảo trợ nam và nữ tụ hội nơi này
Có tín tâm không lay chuyển,
và cầu cho con với lòng chân thành, không giả dối.
Nếu một người ở lại quá lâu với bạn bè,
Họ sẽ sớm chán y;
Sống gần gũi như thế sẽ dẫn đến không thích và ghét.
Ấy chỉ vì con người mong muốn và đòi hỏi quá nhiều
Khi một người ở lại quá lâu trong tình bạn.
Tính chiến tranh nơi con người sẽ dẫn đến giới luật bị phá;
Bạn bè xấu phá hoại hành vi tốt;
Lời lương thiện khi nói giữa đám đông sẽ đem đến điều ác;
Tranh luận đúng sai chỉ tạo thêm kẻ thù.
Bám vào cuồng tín và giáo điều môn phái Khiến người ta xấu và thêm tội lỗi.
Sự đáp ứng miễn cưỡng đối với những cúng dường
của kẻ trung thành luôn luôn gây nên những ý xấu.
Hưởng thụ Thức Ăn của Người Chết (24) là có tội
và nguy hiểm.
Những cống hiến của người thế gian thì thấp kém
và không giá trị.
Tình bạn bè tự gây khinh khi;
Từ khinh khi sinh gớm ghét và không ưa.
Càng có nhiều nhà, khi chết càng thêm khổ.
Những nỗi khổ này và thương tiếc quả thực khó cưu mang,
Nhất là với những hành giả yoga sống trong cô tịch.
Ta, Milarepa, sắp đi đến am tịch tĩnh, sống một mình.
Các người bảo trợ trung thành, nhiệt tình của các người tích lũy công đức thực là tuyệt diệu;
Các người bảo trợ của ta, nam và nữ, tốt là
Cúng dường và phục vụ Đạo Sư.
Ta xác nhận ta ước mong sớm gặp các người, Và thấy các người nhiều lần nữa.
Tất cả những người bảo trợ nói với Milarepa, “Chúng con không bao giờ nhàm chán nghe thầy chỉ dạy và giảng giải; có thể là thầy nhàm chán chúng con. Bất kể chúng con nhiệt tình đối xử với thầy như thế nào, chúng con biết sẽ là vô dụng. Chúng con chỉ hy vọng rằng thỉnh thoảng thầy sẽ từ Lashi đến thăm chúng con.”
Rồi dân làng tặng Milarepa nhiều lương thực và các vật dụng khác, nhưng ông không lấy. Tất cả mọi người phấn khởi với lòng ngưỡng mộ và tỏ kính trọng sâu xa. Trong tâm trạng rất hân hoan và sung sướng, dân làng mạnh mẽ xác nhận niềm tin không lay chuyển của họ nơi Jetsun.
Đây là Ca Khúc Rặng Núi Tuyết.
Chú Thích Chuyện 3
(1) Dunba (T.T.: sTon.Pa.): một giáo sĩ cao cấp thông hiểu kinh điển Phật Giáo và có khả năng cống hiến tín đồ Phật Giáo những chỉ dạy tinh thần. [Pháp sư].
(2) Tâm-Khí: Theo giáo lý Mật Điển, Tâm và Khí (Prāṇa) biểu hiện như là hai hình thái của một nhất thể. Tâm là cái mà nó ý thức; Khí là hoạt lực yểm trợ cho sự ý thức đó. Người nào làm chủ được tâm thì tự động làm chủ được Khí, và ngược lại. Mục tiêu của bất cứ một phương pháp thiền định nào cũng là để kiểm soát hay làm chủ Tâm-Khí. Một hành giả yoga thành tựu là một người đã làm chủ được Tâm-Khí của mình.
(3) Xem Chuyện 1, Chú thích 19.
(4) Cảnh Giới Trung Gian Bardo (T.T.: Bar.Do.) [Thân Trung Ấm]: cảnh giới hiện hữu giữa chết và tái sinh. Theo Phật Giáo Tây tạng, cảnh giới rất quan trọng này giống như một ngả ba đường, số mệnh và sự may mắn trong sự tái sinh của một người tùy thuộc rất nhiều vào nó.
(5) Cảnh Giới Trung Gian của Ở-Đây-và-Bây-Giờ: Theo quan điểm của giáo lý Mật Giáo, Cảnh Giới Trung Gian (Bardo) không bị hạn chế trong trạng thái sau khi chết. Chính cuộc sống này là một Cảnh Giới Trung Gian. Con người trong hiện hữu thân xác, như chúng ta biết, trải qua những kinh nghiệm giống như trong cảnh giới Bardo, chỉ là trong “cách có thể chất” hơn. Đối với một cư dân trong cảnh giới Bardo, thì người hiện hữu trong thân xác dường như là ở trong cảnh giới Bardo, vả lại, hai cảnh giới sống và chết thực ra là tương liên và tương tự.
(6) Hăm Tám Chòm Sao (T.T.: rGyu.sKar.Ner.brGyad.: theo nguyên văn là hai mươi tám hành tinh): Đó là những chòm sao mặt trăng đi qua khi quay vòng trên bầu trời.
(7) Tám Hành Tinh: chỉ Mặt Trời, Mặt Trăng, sao Hỏa, sao Thủy, sao Kim, sao Mộc, sao Thổ, và sao La Hầu (Rahu).
(8) Ở Tây Tạng đôi khi tuyết rơi nhiều đến nỗi tất cả mọi sinh hoạt phải tạm ngừng. Như vậy, dù cho kẻ muốn làm những chuyện xấu cũng bị ngăn chận.
(9) Tấm áo vải: Hành giả yoga Mật Giáo tu tập hơi nóng “huyền bí” không được mặc áo lông thú – mà chỉ được mặc tấm vải đơn giản ngay cả ở một xứ lạnh như Tây Tạng.
(10) Sinh Nhiệt, Dumo [Tumo] (T.T.: gTum.Mo.): khí nóng “huyền bí” [lửa tam-muội] sinh ra từ Trung Khu Rốn (đan điền) trong các thiền định Tantra. Nó là một trong những phép tu quan trọng nhất của Mật Giáo Tây Tạng. Xem “The Six Yoga of Naropa” trong “The Tibetan Yoga and Secret Doctrines” của Evans-Wentz. [Cũng xem Du già Tây Tạng, Giáo lý và Tu tập, ND].
(11) Bốn Bệnh: Những bệnh do sự mất quân bình trong sức mạnh và hoạt động của bốn đại [bốn nguyên tố]– đất, nước, gió, và lửa – trong thân của hành giả yoga.
(12) Kế Thừa Tu Tập (T.T.: sGrub.brGyud.)”: một tên khác của Ghayuba [Kagyupa], tông phái của Marpa và Milarepa. Lý do có danh biểu này là vì tinh thần và truyền thống của phái này nhấn mạnh vào tu tập Yoga và kinh nghiệm thực tại hơn là thẩm vấn học giả. Truyền thống này khác hẳn với Truyền Thống phái Mũ Vàng (Gelugpa) và phái Mũ Xám (Sajyaba) của Tây Tạng.
(13) Nước Cam Lồ Samaya: Samaya [Mật nguyện] ám chỉ các giới luật Mật Giáo. Những ai giữ các giới luật này sẽ nhận ân điển và sự gia trì, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển tâm linh.
(14) Cũng có thể dịch như vầy: “tư tưởng của khuôn mẫu giới hạn” (T.T.: Phyogs.Chahi.rTog.Pa.): khuôn mẫu tư tưởng của chúng sinh có bản chất giới hạn và hữu cùng. Khi một người nhận ra chân lý Tánh Không (Śūnyatā), cách thức hữu hạn của tư tưởng được biến đổi tận nền tảng. Dùng thuật ngữ Phật Giáo, chúng “tan biến” trong Pháp giới – cảnh giới tuyệt đối, phổ biến, và tương nhập của tất cả các hình thái hiện hữu trong ánh sáng Tánh Không.
(15) Pháp Thân (Ph.: Dharmakāya): “Pháp Thân” thì tối hậu, vô hình, phổ hiện, và không có bất cứ thuộc tính nào.
(16) Khi một hành giả yoga chuẩn bị thiền định qua một thời kỳ dài, ông ta vẽ những đường trên mặt đất vòng quanh chỗ trú của mình, ông ta sẽ không ra ngoài giới hạn đó. Trong trường hợp này, Milarepa không cần phải làm dấu giới hạn, vì tuyết đã lấp dày và nặng đủ để vây ông ở bên trong.
(17) Đông và Tây: Nếu ý niệm về phương hướng vẫn còn, thì không có Trí Tuệ, bởi vì phương hướng ám chỉ giới hạn và phân biệt, trong khi Trí Tuệ siêu việt cả hai.
(18) T.T.: lHan.cig.skyes.Pahi.Ye.Ces. Từ này như được dịch trong sách này là Trí Bản Lai Bất Sinh hay Trí Bẩm Sinh hay Vô sinh. Dịch theo nghĩa đen sẽ là Trí Sinh Cùng Xuất hiện hay Sinh Đồng Thời, ám chỉ rằng nó ở bên trong người ta lập tức và trong tất cả mọi thời. Tuy nhiên, vì tiện lợi, đã dùng chữ Trí Bẩm Sinh hay Trí Bất Sinh.
(19) (T.T.: Thig.Le.; Ph.: Bindu): Từ nay có nhiều nghĩa, như “cái chấm,” “cái rắn chắc,” “tinh yếu,” [Giọt Tinh Chất] v.v… Nó cũng được dùng để chỉ tinh dịch của nam hay “máu” của nữ tượng trưng cho Tinh Yếu Sự Sống của thân xác vật lý. Ở đây Tig Le ám chỉ yếu tánh hay sự bất biến của Chân Lý Tuyệt Đối.
(20) Tinh cầu Kinh Nghiệm: Hành giả yoga, trong tất cả sinh hoạt hàng ngày, hoặc đi, ăn, ngủ, nói, hay những cái tương tự, không bao giờ mất cảm giác hay cảm xúc về kinh nghiệm Yoga của mình.
(21) Các Kênh (Ph.: Nādīs, Roma và Junna): các Kênh huyền bí trái và phải (xem Chuyên 1, Chú thích 28.
(22) Tâm Bồ-đề: ở đây có nghĩa là Tig Le.
(23) Huyễn hóa (Ph.: Mayā): có nghĩa là mê hoặc hay ảo hóa. Phật Giáo xem thế giới hiện tượng là như mộng, như ảo ảnh, như trò ảo thuật, như ảnh phản chiếu – tóm lại, nó chỉ có sự hiện hữu hư huyễn và không thực.
(24) Thức Ăn của Người Chết: Các Lạt-ma Tây Tạng tin rằng nhận cúng dường từ thân nhân của người quá cố, nhân danh y, phải chịu trách nhiệm lớn. Một khi nhận lấy “Thức Ăn của Người Chết,” vị Lạt-ma phải chịu trách nhiệm giải thoát cho “linh hồn” ấy khỏi đau khổ và nguy hiểm. Do đó, ở Tây Tạng, nhận cúng dường vì người chết được xem là một sự việc rất nghiêm trọng.