Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Lợi ích của Ðại Thủ Ấn và Thập Ðịa Bồ Tát

Trước tiên nói về lợi ích của các pháp dự bị tu tập, nền tảng của con đường giác ngộ và sự tái sanh trong nhàn cảnh.

Quán chiếu về sự may mắn có được thân người (đầy đủ lục căn) cũng như về cái chết và vô thường sẽ kéo ta ra khỏi những cám dỗ của cuộc đời. Suy nghĩ về nghiệp báo và luật nhân quả giúp ta thấy rõ đâu là thiện ác và như vậy ta sẽ cố gắng giữ giới thanh tịnh. Quán sát về đau khổ luân hồi giúp ta nhàm chán ba cõi. Có nhàm chán thì chí nguyện giải thoát mới kiên cố. Thiền quán về tình thương, từ bi khiến Bồ Ðề Tâm tăng trưởng, cầu thành Phật độ khắp chúng sanh.

Tu tập Kim Cang quán, năng trì chú 100 chủng tự, sẽ gặt hái được nhiều điềm báo ứng bên ngoài hoặc trong chiêm bao, chứng nhận rằng nghiệp chướng đã tạo trong quá khứ được tiêu trừ. Cúng dường Mạn Ðà La, thân thể trở nên nhẹ nhàng, tâm thần sáng suốt, muốn ít, biết đủ, tích tụ công đức không thể tính đếm. Thiền quán Bổn Sư Du Già làm tăng trưởng lòng tin kính vị Thầy (Lama), nhờ đó sẽ cảm nhận được sự gia hộ giúp ta khai triển kinh nghiệm chánh kiến và Thiền Ðịnh. Sự tu tập có đứng đắn và tiến bộ hay không đều tùy thuộc vào lòng tin kính đối với vị Thầy.

Về phần tu tập chính yếu, lợi ích của Thiền Ðịnh giúp ta khai triển, chứng đạt ba đặc tính: an lạc, sáng suốt và vô niệm. Lòng ham muốn về vật chất (quần áo, thức ăn, v.v...) giảm dần. Có thể đắc nhiều loại thần thông và ngũ nhãn.

Những ý niệm vi tế, tán loạn bị mờ dần dưới ánh sáng của định lực, tựa như những ngôi sao dưới ánh sáng mặt trời.

Ngũ nhãn gồm: 1) Nhục nhãn, thấy được cảnh vật ở xa trước mắt, 2) Thiên nhãn, thấy được sự tái sinh trong quá khứ, vị lai, 3) Huệ nhãn, thấy rõ, trực nhận được Không tánh, 4) Pháp nhãn, thấy được căn tánh của mỗi chúng sanh cùng giáo pháp thích ứng để độ họ, 5) Phật nhãn, thấy rõ tất cả các pháp, tức nhất thiết chủng trí.

Về Thiền Quán, kết quả lợi ích thâu thập được tùy thuộc vào căn tánh của hành giả. Với hàng thượng căn thì Thiền Quán giúp họ trực chỉ, trực đáo Bồ Ðề. Hàng trung căn thì có lúc đi thẳng một mạch có lúc lại đi theo thứ tự. Hàng hạ căn thì tiến bước từ từ theo thứ tự sơ phát tâm cho đến Thập Ðịa Bồ Tát, tùy theo cách phát triển 12 (4 lần 3) phép quán Du Già (Yoga).

Năm con đường (ngũ đạo) [1] và mười cảnh giới (Thập Ðịa) của Bồ Tát dẫn đến Chánh Giác (Phật quả) có thể được chia theo nhiều cách, hoặc chứng đạt với nhiều phương thức khác nhau. Các phương thức tổng quát được tìm thấy ở các trường phái Phật giáo cổ Ấn và Tạng mật. Theo ngài Gampopa trong "Ngọc báu trang nghiêm giải thoát" thì hệ thống trên được chia làm 13 giai đoạn: giai đoạn (sơ) phát tâm, giai đoạn thành khẩn mong cầu, 10 giai đoạn Thập Ðịa Bồ Tát và Phật Ðịa. Trong trường phái "Ðại Thành Tựu" (Maha-Ati, Dzogtchen) lại chia theo cách khác, nhưng ở đây theo Ðại Thủ Ấn, ngũ đạo và Thập Ðịa được chia theo 12 pháp Du Già. Dù được phân chia khác nhau nhưng nền tảng căn bản và kết quả chứng đắc vẫn là một.

(Thông thường, khi đắc định, tức đạt được trạng thái an tịnh tâm), ta có thể tùy ý trụ trong trạng thái an lạc, sáng suốt, vô niệm bất cứ lúc nào. Tuy vậy, có nhiều lúc 3 trạng thái trên không xảy đến trong khi Thiền Ðịnh và ngược lại, khi không cố ý Thiền Ðịnh thì nó lại xảy đến. Ta chưa hoàn toàn làm chủ được sự "tập trung vào một điểm". Ðây là trình độ sơ cấp của Thiền Ðịnh. Nếu ta đạt được tâm an tịnh, không bị xao lãng bởi ngoại duyên và bất cứ lúc nào Thiền Ðịnh, 3 trạng thái trên cũng đều hiện khởi. Làm chủ được sự "tập trung vào một điểm", đây là trình độ trung cấp của Thiền Ðịnh.

An trú tập trung không gián đoạn, không xao lãng, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, ý niệm vẫn bình lặng, trong tất cả các thời, hành vi, cử động và ngay trong giấc ngủ, tâm vẫn an trú không rời trạng thái an lạc, sáng suốt, vô niệm, đây là trình độ thượng cấp của Thiền Ðịnh.

Ðến đây ta có thể nghĩ rằng mình đã đạt được "Không-Thiền" [2] hoặc chứng ngộ. Nhưng đây chỉ có nghĩa là ta đã chứng đạt Thiền Ðịnh mà thôi, chưa phải thực sự thấu hiểu tánh Không (hay kiến tánh, nói theo danh từ Thiền tông). Những trạng thái Thiền Ðịnh ở trên được xem như thuộc hai con đường Tích Tụ và Chuẩn Bị. Vì chưa thấu hiểu hoàn toàn Tánh của tâm nên trạng thái (trống rỗng) mà ta đạt được chỉ là một đặc tính của Thiền Ðịnh. Cần phải tiếp tục tu tập lâu dài, xa lìa mọi bám víu thủ xả, dần dần những trạng thái trên sẽ trở thành thanh tịnh. Tất cả khái niệm dư hưởng về an lạc, sáng suốt, và vô niệm đều tan vỡ, tiêu hoại (vì trạng thái này hiện khởi và tan biến cùng lúc trong từng sát na), nhờ đó ta thấy được thực tại (tối hậu) của tánh Không. Nói theo cách khác, khi sự bám víu vào 3 trạng thái trên (cho rằng chúng có thật) được hóa giải bằng vô-khái-niệm, đưa tâm vào trạng thái Không-an-lạc, Không-sáng-suốt, Không-vô-niệm, thì lúc đó thực tánh của tâm được hiển lộ một cách thanh tịnh, tựa như trái cây đã được lột vỏ, kho tàng được mở nắp.

Ðang đói thấy được trái cây đã là mừng, nhưng chưa ăn được. Muốn ăn phải lột vỏ. Vỏ ở đây chỉ sự bám víu vào 3 trạng thái an lạc cho rằng chúng thực có. Khi vỏ được lột, thì thực chất bên trong trái cây mới hoàn toàn hiển lộ, tức thực tánh rỗng lặng (vide) của tâm, thường được tạm khái niệm hóa bằng sự an lạc, sáng suốt và vô niệm, tuy rỗng chất nhưng vẫn khởi diệt từng sát na.

Ðến đây ta đã bước vào con đường thứ ba (kiến tánh), còn được gọi là trung đạo bất nhị. Tuy nhiên nếu chưa hoàn toàn dứt bỏ thói quen hay khái niệm (đóng khung) tánh Không, hoặc chỉ thấy vài lần bổn tánh thì ta mới ở trình độ sơ cấp. Sau khi thanh lọc, tâm trở nên trong suốt, không còn quán chiếu một cách khái niệm nữa, đây là trình độ trung cấp. Khi trạng thái này trở nên vững chắc, không còn khái niệm về tâm và vật thì ta đạt được "Không kiến" thấy tất cả các pháp đều rỗng lặng. Chặt đứt mọi phân biệt cân nhắc về Không tánh của các pháp bên ngoài lẫn bên trong, đây là trình độ thượng cấp. Trong thời gian này, mọi cảnh vật đều ảnh hiện như ảo ảnh, dương diệm (mirage). Trên con đường (thứ 3) kiến tánh này, ta chứng ngộ được thực tánh của Bồ Ðề Tâm và gột sạch 82 kiến hoặc; không còn tái sinh trong 3 cõi, trừ khi bởi nguyện lực (muốn trở lại hóa độ chúng sanh). Tới đây là hoàn thành con đường kiến tánh hay Sơ Ðịa của Bồ Tát, "Hoan Hỷ Ðịa". Tiếp tục tu tập, ta tiến đến giai đoạn "Ðộc vị" (một vị duy nhất).

Ở bước đầu giai đoạn này, ta vẫn còn gặp vài khó khăn để trụ trong "bây giờ và ở đây". Ðến khi những khó khăn này được vượt qua thì dù đã hay chưa thoát khỏi sự chi phối của ý niệm hiện khởi [3], dù các pháp có hay không có, chỉ cần nhớ và nhận lại tánh của (trạng thái) "bây giờ và ở đây". Thấu hiểu được thực tánh các pháp, ta sẽ thấy tất cả đều cùng một vị (rỗng lặng).

Trên đây là trình độ sơ cấp của "Ðộc vị", kinh nghiệm độc vị giữa cảnh vật và Không tánh chưa hoàn toàn, vẫn còn một chút dính mắc vọng tưởng.

Vọng tưởng là: cho "bây giờ và ở đây" là một pháp.

Khi vọng tưởng này được thanh lọc, tánh của pháp đều tan hoà thành một vị duy nhất, luân hồi và giải thoát, sinh tử và Niết Bàn cũng vậy. Ðây là trình độ trung cấp của "Ðộc vị". Tiếp theo, cái vị duy nhất này luôn luôn ảnh hiện xuyên qua mọi vật, đây là trình độ thượng cấp của "Ðộc vị".

Ðến đây ta đã chứng ngộ hoàn toàn sự hiện khởi không thực của các pháp. Con đường này bắt đầu từ Nhị Ðịa cho đến Thất Ðịa (theo vài luận sư thì nó bao gồm cả Bát Ðịa), thuộc con đường Thiền Quán.

Trong hệ thống của Ðại Thủ Ấn, có nhiều cách phân chia 12 phép Du Già. Theo tài liệu, bút tích của Kontrul Rinpoché đệ III, cách định nghĩa có vẻ đơn giản hơn:

Trong giai đoạn tập trung tâm ý của Thiền Ðịnh, ở sơ cấp, 3 trạng thái an lạc xuất hiện lần lượt, lúc không lúc có. Ở trung cấp, 3 trạng thái này xuất hiện tự nhiên và ở thượng cấp thì chúng tan hòa vào Thanh Quang, ngay cả trong giấc ngủ.

Trong giai đoạn sơ cấp của Kiến Tánh, ta thấy được tâm không sanh, không diệt, không trụ. Ở trung cấp, ta không còn bám víu vào tánh Không cùng cảnh vật. Ở thượng cấp, ta hoàn toàn dứt lìa khái niệm phân biệt về các pháp hiện hữu.

Trong giai đoạn Ðộc vị, ở sơ cấp những hiện tượng (trước đây được xem như tự hữu) đều tan hòa vào tánh Không (rỗng lặng). Ở trung cấp, tâm và cảnh tựa như nước hòa với nước. Ở thượng cấp, ta thoáng thấy được sự hiện khởi của ngũ trí [4] (xuất phát từ Ðộc vị).

Những phân chia, định nghĩa ở trên không nên được xem là chống trái, vì nó được thiết lập từ những kinh nghiệm thiền tập cá nhân của chư Tổ.

Trước đây ngoài thời gian thiền tập, trong tâm vẫn còn lưu lại vài vết dính mắc vào tánh Không. Nhưng nay, trạng thái trong lúc thiền tập và ngoài giờ thiền tập vẫn như như không khác, tất cả đều được bao trùm trong một khối rỗng lặng, thanh tịnh, trong đó không còn gì để chứng đạt cũng không còn ai chứng đắc, không còn một chút khác biệt giữa xao lãng hay không xao lãng. Hoàn toàn thoát ly khỏi mọi đối đãi nhị nguyên giữa năng quán và sở quán, đây là giai đoạn sơ cấp của Không Thiền, hay Bát Ðịa Bồ Tát.

Ở mức này, có thể lâu lâu trong giấc ngủ, vài dấu vết vi tế dính mắc (năng, sở) vẫn còn hiện khởi. Khi những dấu vết trên được tẩy sạch và các pháp hiển hiện như như trong trạng thái đại định của Căn Bản Trí [5], đó là giai đoạn trung cấp của Không Thiền, hay Cửu Ðịa của Thập Ðịa Bồ Tát.

Tiếp theo, khi lưỡi kiếm của Phân Biệt Trí và Căn Bản Trí vung lên chặt đứt tận gốc những lậu hoặc tột cùng vi tế (nguyên nhân của vô minh) thì Mẫu Quang, toàn khối thanh tịnh rỗng lặng và Tử Quang, trí huệ nguyên thủy trong như gương [6], tương hòa nhập một. Ðây là sự toàn giác của một đức Phật, còn gọi là thượng cấp của Không Thiền hay Phật quả.

Tánh thanh tịnh tự nhiên của trạng thái nguyên thủy, kết quả của sự hợp nhất (giữa toàn khối rỗng lặng và Ðại Viên Cảnh Trí) chính là Pháp thân (Dharmakaya) mà ta đã làm hiển lộ trên hành trình từ Bát Ðịa đến Phật quả.

Thân của Phật có thể được nhìn duới 2 khía cạnh: Pháp thân và Sắc thân [7]. Pháp thân là kết quả của sự toàn thắng phiền não vô minh, tự tánh nó cụ túc. Sắc thân là kết quả của sự thành tựu tất cả hạnh lành và xuất phát từ Bồ Ðề Tâm (Bodhicitta) để hóa độ chúng sinh. Pháp thân bất sinh, bất diệt là tánh thường hằng bất biến, thanh tịnh của tâm và mọi hiện tượng.

Tánh thanh tịnh của những ý niệm chính là Báo thân (Sambhogakaya) mà ta đã làm hiển lộ.

Có nhiều định nghĩa về Báo thân, nhưng theo kinh tạng thì Báo thân có 5 đặc tính sau:

Về 1) sắc tướng: luôn luôn đầy đủ 112 dấu hiệu chính [8] và phụ của một đức Phật; 2) giáo lý: giảng dạy Ðại Thủ Ấn; 3) đệ tử: gồm chư Ðại Bồ Tát; 4) địa vức: chỉ xuất hiện ở các cõi Tịnh Ðộ; 5) thời gian: trụ cho đến tận cùng của luân hồi.

Ðại Bồ Tát là những người, nuôi dưỡng và thúc đẩy bởi Bồ Ðề Tâm, có được sự chứng ngộ thanh tịnh, không khái niệm về Không tánh. Do đó cõi nước, địa phương của các ngài trở thành tịnh độ, cảnh giới của chư Phật. Ngoài chư Ðại Bồ Tát, không có chúng sinh nào khác có thể trực nhận được tánh thanh tịnh của ý niệm.

Tánh thanh tịnh của cảnh vật chính là Hóa thân (Nirmanakaya) mà ta đã làm hiển lộ.

Nếu mặt đất toàn bằng lưu ly mà không được lau chùi, bóng của vua Trời Ðế Thích cũng không ảnh hiện được. Tương tựa như vậy, nếu tâm của chúng sanh không trong sạch, dù đức Phật có hiện ra trước mặt, họ cũng không nhìn thấy. Ðối với chúng sanh căn tánh thông thường, Hóa thân Phật xuất hiện như một hiện tượng bị chi phối bởi luật nhân duyên và có thể sắp xếp thành 3 hạng. Hóa thân thượng, như Thích Ca Mâu Ni Phật, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thực hiện 12 việc: xuống từ cung trời Ðấu Suất (Tushita), sinh trong hoàng tộc, tinh thông võ nghệ, xuất gia, tu khổ hạnh, giác ngộ dưới cây Bồ Ðề, chuyển pháp luân, v.v... Nếu không đầy đủ phước đức và tâm thanh tịnh thì ta sẽ chỉ nhìn thấy nơi Thích Ca Mâu Ni Phật, một người to lớn với đôi tai dài mà thôi. Nếu đầy đủ tâm thanh tịnh thì vị Thầy (Lama) cũng chẳng khác chi đức Phật. Hóa thân trung thường xuất hiện dưới hình thức nghệ sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, v.v... Hóa thân hạ xuất hiện dưới hình thức thú vật như voi, khỉ, chim, v.v... để hóa độ chúng sanh.

Tất cả hạnh lành phát xuất từ tam thân Phật để hóa độ chúng sanh, vượt ngoài sức tưởng tượng của phàm nhân. Chúng sanh vô biên thì sự hóa độ cũng vô cùng như hư không, cho đến ngày không còn một ai trong luân hồi nữa.

Trên đây là những lợi ích của các pháp dự bị tu tập và của tất cả tiến trình tu tập cho tới mức Không Thiền.

Chú thích:

[1] Ngũ đạo: 5 con đường. Mật giáo thường chia tiến trình tu tập thành 5 giai đoạn: Tích Tụ (accumulation), Chuẩn Bị (préparation), Kiến Tánh (vision), Thiền Quán (méditation), Không Thiền (non-méditation).

[2] Non-méditation: dịch là Không Thiền. Trong tất cả các thời, đi, đứng, nằm, ngồi, hành động tạo tác, tâm đều an trú trong Thiền Ðịnh, không còn hạn cuộc vào các thời khóa công phu thiền tọa. Trong Thiền tông gọi là không thiền mà thiền, thiền mà không thiền

[3] Tuy thấy Tánh nhưng chưa hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối của những ý niệm hiện khởi.

[4] Tây Tạng thường nói đến Ngũ Trí thay vì Tứ Trí. Theo Shamar Rinpoché trong quyển "Les deux visages de l’esprit", Ngũ Trí gồm: Ðại Viên Cảnh Trí (sagesse semblable au miroir), Bình Ðẳng Tánh Trí (sagesse de l’identité), Diệu Quang Sát Trí (sagesse de la simultanéité), Thành Sở Tác Trí (sagesse tout accomplissant), và Pháp Giới Trí (sagesse du Dharmadhatu).

[5] Kinh sách Tây Tạng thường phân chia 2 loại trí huệ: 1) Phân Biệt Trí, connaissance discriminante (shérab) là trí huệ của Không tánh, thấy rõ đâu là chân đế, tục đế. Còn gọi là trí Bát Nhã. 2) Căn Bản Trí (yéshé) là trí huệ của bất nhị tánh, dung thông nhị đế.

[6] Sagesse primordiale semblable au miroir

[7]Sắc thân bao gồm Báo thân và Hóa thân.

[8] 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.

Xem mục lục