Quán chiếu cùng lúc tâm an tịnh và tâm dao động
Hãy đặt tâm trở lại trạng thái trong sáng, rỗng lặng, và quán sát tánh của nó. Sau đó khởi lên một ý niệm và cũng quán sát tánh của nó. Nhìn kỹ xem hai tánh này là một hay khác? Nếu bảo là khác thì khác chỗ nào? Tâm an tịnh và tâm dao động xuất hiện cùng một lúc hay luân phiên nhau, cái này trước, cái kia sau? Tâm an tịnh có giống như một cánh đồng trong đó tâm dao động khởi lên như những cây lúa chăng? Hoặc giả cả hai đều giống nhau tựa như một cuộn dây và những sợi chỉ dệt nên nó? Khi tâm an tịnh, không mảy may vọng niệm, nó có di chuyển không? Khi tâm dao động (khởi niệm), nó có cùng lúc an tịnh không? Chắc chắn phải có sự khác biệt giữa hai tâm, vì tâm dao động hay suy nghĩ, khái niệm sự vật, trong khi đó tâm an tịnh lại không mảy may vọng động, rỗng lặng như như. Nhưng nếu cho rằng hai tâm này tánh khác nhau, vậy khác nhau ở màu sắc, hình dáng chăng? Khác nhau ở sinh, trụ, diệt hoặc ở quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc ở thường, vô thường? Hãy quán chiếu kỹ lưỡng xem sự khác biệt nằm ở đâu?
Kiên nhẫn tu tập, quán chiếu về sinh khởi của ý niệm, ta sẽ hiểu tánh của tâm an tịnh và tâm dao động chỉ là một, nó thay phiên nhau hiện khởi. Khi tâm đứng lặng thì không có gì di động; khi tâm di động thì không có gì đứng yên cả, như nước và sóng. Hiểu rõ tánh không hai của tâm, đó là đã giác ngộ được một phần nhỏ.
Tâm tựa như một tấm gương sáng, luôn luôn chiếu soi dù có hay không có cảnh vật.
Từ nay mỗi lần thiền quán, ta phải quán chiếu tiếp tục những ý niệm, xem nó có phải là một phần của "tánh rỗng lặng" [1], hay nó tan biến rồi nhường chỗ lại cho "tánh rỗng lặng"?
Nói một cách khác, phải chăng khi mặt trời ló rạng, ta mở cửa sổ, tức thì bóng tối tan hoà vào ánh sáng? hay bóng tối chạy đi nơi khác nhường chỗ lại cho ánh sáng?
Hoặc giả chính ý niệm tự thân nó cũng là rỗng lặng? Nếu cho rằng một trong hai giả thuyết trên là đúng, ta phải thành khẩn tham vấn vị Thầy cầu gia hộ, và sau đó trở về cố gắng quán chiếu một lần nữa để thấu hiểu thế nào là thực tánh của các pháp.
Cách thức quán chiếu (thực) tánh của tâm có thể chia làm 3 loại tùy theo căn tánh của hành giả:
1) Tu tập Thiền Quán trước rồi đến Thiền Ðịnh.
2) Tu tập cùng lúc Thiền Quán và Thiền Ðịnh.
3) Tu tập Thiền Ðịnh trước rồi đến Thiền Quán
Loại 1) và 2) thường thích hợp với người nghiệp nhẹ, căn tánh lanh lợi. Người căn tánh trung bình nên tu tập theo loại 3) với sự chỉ dẫn thứ tự mạch lạc như đã trình bày ở các chương trước.
Hãy tinh tấn tu tập, không nên giải đãi, tăng trưởng lòng tin và kính trọng đối với vị Thầy. Củng cố sự tập trung tâm ý không để xao lãng, không mong cầu cũng không lo sợ.
Nếu cố gắng tu tập quán chiếu tâm (cộng thêm chí nguyện Bồ Ðề), chắc chắn sẽ trực ngộ nhanh chóng tánh giác nguyên thỉ (bổn tánh). Ðến đây, hãy dứt bặt các ý niệm nghi vấn về tâm an tịnh và tâm dao động. Ðây là điểm thứ tư.
Chú thích:
[1] Vacuité thường được dịch là tánh Không, nhưng ở đây tôi dịch là "tánh rỗng lặng" vì tánh Không trừu tượng và hay gây nhiều hiểu lầm
Nhận ra tánh của tâm an tịnh
Thực ra vị Thầy không cần ra tay chỉ bày, nếu ta tinh tấn tu tập y theo những lời chỉ dẫn ở trước, thì bổn tánh sẽ hiển lộ tự nhiên. Song le có nhiều người dù tinh tấn vẫn không thể nhận ra. Lại có một số khác, chưa bao giờ đạt được kinh nghiệm trực tiếp, nhưng nhờ đọc sách nghe Kinh, có được sự hiểu biết khái niệm, lại bày đặt dùng những thuật ngữ, Pháp ngữ diễn tả bổn tánh. Do đó vị Thầy cần phải có khả năng nhận định căn tánh của đệ tử, và đệ tử cũng phải luôn thành thật với Thầy.
Sau khi xem xét quán chiếu tâm, ta sẽ thâu thập được nhiều kinh nghiệm khác nhau, nhưng không biết đâu là phải hay trái. Ở trường hợp này, địa vị của Thầy trở nên quan trọng, qua nhiều phản ứng cùng chất vấn, vị Thầy ấy sẽ hướng ta đến gần bổn tánh bằng cách xác định những điều ta thấy là kinh nghiệm trực ngộ hay chỉ là mường tượng. Ðây gọi là khai thị, hay đúng hơn là giúp ta nhận ra.
Sau đây là cách thứ nhất giúp cho những người sơ cơ nhận ra bổn tánh (của tâm):
Sau khi điều tâm trở về trạng thái an tịnh, hãy nhìn thẳng vào tánh của nó. Ðó là một vầng ánh sáng (hào quang) trong suốt và linh động, không phải là hư vô. Trong trạng thái này có một cái biết trong sáng, rộng tỏa, êm dịu, thông suốt, không thể định nghĩa được. Không thể nói đó là cái này hay cái kia, màu này hay dáng nọ, v.v... cũng không thể diễn tả bằng lời được. Dù không thể định nghĩa hay diễn tả, cái biết nguyên thỉ, thanh tịnh chiếu soi rõ ràng mọi vật không ngăn ngại, vẫn hiển lộ sờ sờ trước mặt. Cái biết này không phải là một cái gì trước kia không thấy nay mới thấy, trước kia không kinh nghiệm, nay mới kinh nghiệm, hoặc trước không biết nay mới biết.
Nó luôn luôn có mặt vì tánh của tâm là thường hằng.
Thêm nữa ta phải ý thức chắc chắn rằng nó không thể định nghĩa hay khái niệm được. Nếu chỉ có một sự hiểu biết trí thức, văn tự, hào nhoáng cho rằng bổn tánh là một trạng thái trong suốt, tĩnh lặng thì sẽ không bao giờ đạt được tiến bộ nào cả. Ngược lại nếu thực sự đạt đến kinh nghiệm này qua thiền tập, đó là ta đã thấy được tánh của tâm an tịnh. Ngoài sự tu tập Thiền Quán, không còn cách nào khác để trực nhận được tánh này. Nếu vị Thầy giảng nói quá sớm (trước khi ta thực sự chứng nghiệm), ta sẽ dính mắc vào hiểu biết khái niệm chết cứng và dần dần sẽ chán nản. Dù cố gắng giảng giải đi nữa, điều đó cũng chỉ làm hại cho ta mà thôi. Vì lý do này, vị Thầy không nên giảng nói về tánh (của tâm) trước khi kinh nghiệm của đệ tử chín mùi.
Nếu chưa cắt đứt được giòng tư tưởng, ý niệm, ta sẽ không thấy được tánh (của tâm an tịnh). Nếu không thấy được, làm sao ta có thể biết nó ra sao? Chưa nhận ra được nó thì vẫn chưa thực sự bước vào con đường giác ngộ.
Trong lúc Thiền Quán, nếu có những kinh nghiệm chán nản xảy đến thì phải kiên nhẫn gia tăng sức quán chiếu.
Nói một cách khác, khi có cảm giác đau đớn, khó chịu, không nên than khóc, phải nhìn thẳng vào cái tâm đang cảm thọ sự đau đớn. Nhờ sự gia tăng chú ý này, các vọng niệm khác sẽ dứt bặt.
Giảng dạy những cách thức tu tập như trên gọi là truyền khẩu. Khi ta hiểu được toàn bộ cách thức tu tập thì cuộc truyền khẩu được xem như chấm dứt. Sau đó ta có thể tự tu tập dễ dàng, khai triển kinh nghiệm quán chiếu. Tuy nhiên nếu muốn biết chắc đã trực ngộ đuợc tánh cùng xóa tan mọi nghi ngờ, ta vẫn cần sự ấn chứng và chỉ đạo của vị Thầy.
Một cách tổng quát, tu thiền bao gồm hai điều thiết yếu: Thiền Ðịnh và Thiền Quán. Thiền Ðịnh là đưa tâm trở về trụ trong trạng thái bổn nhiên, êm dịu trong sáng, các ý niệm đều tiêu tan (ngay khi chúng vừa phát khởi). Tâm không còn phóng chạy bừa bãi theo ý niệm vật chất thế gian nữa, nó hoàn toàn an lạc, tất cả vọng tưởng dường như chìm vào giấc ngủ vùi. Lúc này ta hoàn toàn tự chủ, có thể tùy ý kéo dài hay thâu ngắn trạng thái này và nhiều khi có cảm giác như không còn hô hấp nữa. Ðây chính là dấu hiệu thành tựu Thiền Ðịnh.
Những giây phút trực nghiệm về an lạc, sáng suốt và vô niệm này rất quan trọng. Tuy không hẳn là thực tánh (vì chưa phối hợp với Thiền Quán) nhưng thiếu chúng, ta không có thể tiếp tục được. Tinh tấn tu tập, khai triển an trụ trong Thiền Ðịnh, không để rơi vào hôn trầm, tán loạn, dần dần ta sẽ nhận ra được thế nào là tánh của tâm. Nó vừa rỗng lặng, vừa trong sáng, vượt khỏi mọi khái niệm ý thức. Nó hiển lộ tự nhiên, như như, nguồn gốc của tất cả pháp lành. Nếu chưa nhận được nó tức còn vô minh và trôi lăn trong sanh tử. Nhận được nó thì gọi là trí huệ, Căn Bản trí, Niết Bàn, tánh giác, bổn tánh, Thanh Quang [1], v.v...
Nhận ra thực tánh của tâm, đó là Niết bàn, nếu không thì trôi lăn trong sanh tử. Thực ra tánh của sanh tử và Niết bàn là một, nhưng khác nhau ở chỗ là ta đã giác ngộ hay chưa mà thôi.
Khi được vị Thầy khai thị thấy được tánh (của Tâm) rồi, ta sẽ có cảm tưởng như gặp lại một người bạn thân đã quen biết từ lâu. Sự kiện này còn được gọi là nhận ra (lại) tánh (của Tâm). Tánh của Tâm không phải là cái gì đạt được do sự thông minh của người đệ tử hay tài diễn thuyết khéo léo của vị Thầy.
Tâm có mặt từ đời vô thỉ, nhưng vì bất giác vọng niệm dấy khởi che lấp bổn tánh làm ta quên hẳn nó. Ngày nay nhờ chặt đứt giòng ý niệm trở về nhìn thẳng vào Tâm, nên ta nhận lại được bổn tánh. Sau khi nhận ra rồi, phải tiếp tục tinh tấn tu tập không xao lãng. Quán chiếu thâm sâu tâm an tịnh và nhận ra bổn tánh được xem là sự khai thị đầu tiên (của vị Thầy) . Hãy ghi khắc vào tâm và tinh tấn thiền tập không ngơi nghỉ. Ðây là điểm thứ năm (của Thiền Quán): nhận ra tánh (của tâm an tịnh).
Chú thích:
[1] Claire lumière. Trong Mật giáo Tây Tạng thường dùng những danh từ như Thanh Quang (Claire lumière mère), Tử Quang (Claire lumière fille) để nói về kiến tánh.
Nhận ra tánh của tâm dao động
Ðiểm thứ hai của Thiền Quán (tức quán chiếu tâm dao động) có công năng chặt đứt gốc rễ của vô minh. Ở những chương trước đã trình bày hai cách thức: 1) quán chiếu tâm vô niệm hay an tịnh, và 2) quán chiếu tâm dao động hay suy nghĩ.
Về cách thứ nhất, sau khi quán chiếu tâm an tịnh, trong sáng vô niệm, không hôn trầm tán loạn, ta thấu triệt được tánh của nó không sanh, không diệt, nhưng ta không hề khởi nghĩ (khái niệm) rằng: "tánh này không sanh, không diệt, không hình, không sắc". Thực hiện như vậy gọi là quán chiếu thâm sâu tâm vô niệm.
Dính mắc vào trạng thái vô niệm của tâm chính là mắc vào lỗi khái niệm hóa tánh không sinh, vì đã biến nó thành một "vật" (pháp).
Về cách thứ hai, tương tựa như trên, nếu bảo rằng tánh của tất cả ý niệm vọng tưởng là Không, không sinh, không diệt, đó là đã ghép tánh Không vào văn tự và rơi vào chấp đoạn, cho rằng các pháp không có (hiện hữu). Thực tế đó là một sự linh động hằng chuyển, không lưu lại dấu vết; tánh của nó chưa hề sanh, cũng không bao giờ diệt, vượt khỏi mọi định nghiã, khái niệm. Hiểu rõ điều này, đó là đã có được một chút chánh kiến. Sau đó phải tiếp tục quán chiếu để nhận ra điều trên một cách trực tiếp chứ không phải khởi niệm suy nghĩ: "Tánh của nó bất sinh, bất diệt, v.v...". Không nên phân biệt thủ xả giữa hai tánh rỗng lặng và linh động của những ý niệm, phải trực ngộ rằng chúng sinh khởi và tiêu diệt cùng một lúc (giống như vẽ hình trên nước). Thêm nữa, ta phải thấy rõ rằng không có một sự khác biệt nào giữa tánh của tâm và vật, giữa tâm an tịnh và tâm dao động, giữa tâm quá khứ và hiện tại, v.v... Tất cả đồng một tánh sáng suốt, rỗng lặng (rỗng sáng).
Khi ta làm khởi lên một ý niệm (để quán chiếu) hoặc khi nó tan biến, đó không phải là nó được khởi lên rồi lại trở về tánh rỗng sáng mà ngay khi đang khởi, chính nó vẫn là tánh rỗng sáng. Hiểu và đích thân trực nghiệm điều này, gọi là nhận ra tánh (của những ý niệm).
Tâm an tịnh, tâm dao động và ý niệm, cả ba đều sáng suốt, rỗng lặng, linh động như nhau. Nếu bảo là khác biệt thì đó là suy luận của người chưa tập quán chiếu.
Trước kia, chưa nhận ra được thực tánh của ý niệm nên ta rất khó chịu muốn xua đuổi chúng trong lúc thiền tập. Ðó là vô minh. Nhưng nay đã nhận được tánh rồi, ta có thể quán chiếu thẳng vào ý niệm (lấy đó làm đối tượng).
Trước kia, những ý niệm vẩn đục che lấp mất tự tánh. Nhưng từ nay chúng trở thành sáng suốt: ta có thể nhìn rõ ràng xuyên qua chúng.
Quán chiếu về ý niệm sinh khởi được xem như cao hơn một bậc đối với sự quán chiếu về trạng thái vô niệm. Bất cứ ý niệm nào khởi lên ta cũng ghi nhận khách quan. Khi không còn vọng niệm, hãy an trụ trong vô niệm không cần cố ý làm nó dấy khởi. Nếu bất chợt nó dấy khởi, ta cũng an trụ trong trạng thái dao động, không cần xua đuổi hay dập tắt nó. Tất cả ý niệm không là gì khác hơn là tâm. Cái tâm vắng lặng tự nhiên này chính là Pháp thân tự tánh sáng suốt rỗng lặng, trong đó không có gì cần phải khởi hay diệt. Ðạt đến cái thấy này, cái thấy thâm sâu về thực tánh của ý niệm, đó là nhận ra được Pháp thân.
Ta cần chứng nghiệm rằng tất cả ý niệm đều là tánh rỗng sáng, vừa khởi vừa diệt cùng lúc, giống như in dấu tay trên mặt nước. Từ lúc khởi đến khi diệt không có một sát na tồn tại nào, cũng không có một khoảng cách nào giữa hai ý niệm khác nhau, đây chính là cái gọi là "vắng lặng tự nhiên", còn có nghĩa là "tự tan biến lấy".
Tóm lại, ta phải nhận diện tất cả những ý niệm phát sanh, tập trung tâm ý nhìn thẳng vào tánh của chúng và cứ thế tăng trưởng sức quán chiếu. Ðây là điều khai thị thực sự thứ hai (của vị Thầy) về bổn tánh (của tâm). Trực ngộ (nhận ra) được bổn tánh như vậy chưa phải là xong, ta phải tiếp tục tu tập tinh tấn củng cố sự trực ngộ này. Ðây là điểm thứ sáu.