NHÌN VÀO CÙNG LÚC TÂM AN ĐỊNH
VÀ TÂM CHUYỂN ĐỘNG
Một lần nữa hãy an trụ tâm con trong một trạng thái sáng tỏ thanh tịnh và tánh Không và hãy nhìn vào bản tánh của nó. Bấy giờ hãy làm cho một tư tưởng khởi lên và nhìn vào bản tánh của nó. Hãy xem thấy bản tánh của hai cái này – tâm an định và tâm chuyển động – là đồng hay khác. Sau khi nhìn, nếu con thấy chúng là khác, thì chúng khác nhau thế nào ? Tâm an định và tâm chuyển động có liên tiếp lần lượt như những hạt khi con lần chuỗi hạt ? Tâm an định có giống như một cánh đồng và tâm chuyển động là lúa mọc trong đó ? Hay chúng giống như một cuộn dây và những sợi của cuộn dây đó và con không thể tách những sợi mà vẫn còn cuộn dây ? Nếu thế, thì khi tâm được an định không có tư tưởng nào khởi lên, nó cũng đang chuyển động, và khi tâm chuyển động, nó cũng đang an định ? Có một sự khác biệt lớn giữa tâm chuyển động có thể suy nghĩ ra mọi sự và tưởng ra không cùng các thứ và tâm an định an trụ không chút dao động. Nhưng nếu con nghĩ rằng hai cái là khác nhau trong bản tánh, thì đó là sự khác nhau về màu sắc, hình dáng... chăng ? Khác nhau về sanh, trụ, diệt, hay về quá khứ, hiện tại, tương lai, hay về thường và vô thường ? Hãy nhìn thấy chúng khác nhau thế nào.
Khi con biết qua tham thiền những tư tưởng thật sự là gì, bấy giờ con thấu hiểu bản tánh của cả hai tâm an định và tâm dao động chỉ là một. Cách thức của chúng là luân phiên sanh khởi, khi tâm an định thì không có gì chuyển động và khi tâm chuyển động thì không có gì an định. Như nước và các sóng, chính chỉ là tâm tác động và vận hành. Tất cả là chính nó. Khi con hiểu rằng cả tâm an định và tâm chuyển động không gì khác hơn là tánh Không sáng ngời, trong suốt, bấy giờ con có được chút hiểu biết.
Tâm như một tấm gương, nó luôn luôn cùng một sự sáng tỏ trống không dù có phản chiếu vật hay không.
Bây giờ khi con khởi ra một tư tưởng và rồi tham thiền, có phải tư tưởng đi vào trong một tánh Không sáng tỏ hay nó tan biến và sau đó nhường chỗ cho tánh Không sáng tỏ ?
Nói cách khác, có giống như bóng tối của đêm tan vào sự sáng tỏ của ngày ? Hay giống như bóng tối tan biến và nhường chỗ cho ánh sáng ban ngày ?
Hay là chính tư tưởng sống động là một tánh Không sáng tỏ ? Nếu con nghĩ rằng nó giống như một trong hai điều trên, con phải thành khẩn hỏi Guru và rồi nỗ lực quán chiếu một lần nữa, cố gắng thấy xác quyết những sự việc ấy thực sự là thế nào.
Những cách thức thấy bản tánh của tâm có thể làm theo ba loại.
Những cách này là nhìn vào tâm an định, tâm chuyển động hay nghĩ tưởng, tâm phản chiếu một hình tướng, tâm trong quan hệ với thân và tâm an định và tâm chuyển động cùng một lúc.
Những người nhảy băng phát triển quán trước rồi sau đó là định, hay đôi khi họ phát triển cả hai cùng lúc khi trước đó họ chưa làm cái nào. Có những người lập tức cùng lúc phát triển cả định và quán khi chỉ được dạy những mô tả về chúng. Đây là nhờ năng lực tu hành của họ ở những đời trước.
Điều này ám chỉ những năng khiếu từ những đời trước như ở những vị Lama tái sanh (Tulku).
Những người tiến bộ dần dần thì phát triển định và quán theo những cấp bậc. Ở đây sự giải thích nói ra dành cho loại sau và nó phải được dạy sau khi đánh giá những kinh nghiệm đệ tử đã trải qua.
Khi nhìn, con phải an trụ trong một trạng thái sáng tỏ không có bám trước nào, như một đứa bé nhìn những bức vẽ trong chùa. Hãy nỗ lực cao độ để nhìn theo cách này và từ bỏ giải đãi. Hãy xa lìa những ám ảnh hấp dẫn và không có những nhu cầu như trước kia. Hãy có một tâm từ bỏ và niềm tin, sự kính ngưỡng và tôn kính thương yêu đối với Guru của con. Hãy làm cho chánh niệm của con vững chắc để tâm con không đi lang thang và hãy thực hành trong một trạng thái không vọng lập giả tạo, không ràng buộc bởi những hy vọng hay lo toan. Hãy chỉ chú ý đến những kiếp tương lai của con mà không để cho mình đi vào những quan tâm cuộc đời bao giờ cũng thay đổi. Nếu con cố gắng nhìn vào tâm (với Động Lực Giác Ngộ của Bồ đề tâm), bấy giờ con có thể chứng ngộ nhanh chóng và chắc chắn tánh giác nguyên sơ của sự quán chiếu. Bởi thế hãy quyết trạch về tâm an định và tâm chuyển động. Đây là điểm thứ tư về thiền quán.