CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN PHẬT QUẢ
Những Giáo lý về Pháp Bảo của sự Giải thoát của Gampopa
Ringu Tulku
Lời Giới thiệu của Matthieu Ricard
Briona Nic Dhiarmada, Maggy Jones, và Corinne Segers hiệu đính
PATH TO BUDDHAHOOD
TEACHINGS ON GAMPOPA’ S
Jewel Ornament of Liberation
Ringu Tulku
Shambhala
Boston – London . 2003
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
Gampopa (1079-1153)
Ringu Tulku
Sinh năm 1952 tại Tây Tạng, Ringu Tulku từng là một giáo sư Đại học về những vấn đề Tây Tạng trong mười bảy năm và là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Naropa ở Boulder, Colorado, Hoa Kỳ, trong năm năm. Ngài là giám đốc của bảy trung tâm thiền định ở Âu Châu, Hoa Kỳ, và Ấn Độ. Ngài đã du hành và giảng dạy rộng rãi ở Âu Châu và Hoa Kỳ.
Mọi điều tôi huyên thuyên nhân danh Giáo Pháp đã được các đệ tử có thị kiến thuần tịnh ghi lại một cách trung thực. Nguyện rằng ít nhất một mẩu nhỏ trí tuệ của các bậc Thầy giác ngộ đã không biết mệt mỏi dạy dỗ, có thể soi chiếu mớ hiểu biết rời rạc của tôi.
Nguyện bản văn này giúp xua tan bóng tối vô minh trong tâm thức của tất cả chúng sinh và dẫn dắt họ tới sự chứng ngộ viên mãn, thoát khỏi mọi sợ hãi.
LỜI NÓI ĐẦU
Con Đường dẫn đến Phật Quả là một trong những sự giới thiệu tuyệt hảo cho giáo lý của Phật giáo Tây Tạng được sử dụng ngày nay. Bằng ngôn ngữ đơn giản, thông tuệ và với sự trong sáng trong khi sử dụng vô cùng tinh tế những hình ảnh lôi cuốn kinh nghiệm hàng ngày của ta, Ringu Tulku Rinpoche dẫn dắt ta khám phá những nguyên lý căn bản của con đường suy niệm và triết học của Phật giáo như nó được thực hành ở Tây Tạng.
Ở đây ngài rút ra tinh túy và đưa ra một luận giảng về Pháp Bảo của sự Giải thoát, một bản văn do Đức Gampopa, trưởng tử tâm linh của ẩn sĩ vĩ đại Milarepa, biên soạn.
Trong thể loại được coi là con đường tuần tự, cẩm nang của Gampopa là một tác phẩm kinh điển từng bước dẫn dắt ta tới sự giác ngộ. Những giai đoạn của con đường này tuyệt nhiên không giả tạo: chúng đánh dấu sự đâm chồi của quá trình chuyển hóa sâu xa, của sự phát triển làm cho một đứa trẻ tâm linh trở thành một người trưởng thành về mặt trí tuệ. Việc ráng sức theo đuổi một tiến trình một cách giả tạo có nguy cơ làm khô héo mầm chồi trí tuệ thậm chí trước khi nó có thể nở rộ. Vì thế điều tối quan trọng là hành giả phải trở nên quen thuộc với mỗi giai đoạn này và thực hành chúng cho tới khi đạt được một kinh nghiệm nội tâm đích thực. Hành giả Tây Tạng Shabkar khuyên ta đề phòng sự mất kiên nhẫn, là điều có thể khiến ta xao lãng phương diện trọng yếu này của con đường và ước muốn tới đích mà thậm chí không bước đi:
Trong thời đại của ta, một vài người nói: “Không cần thiết phải sử dụng quá nhiều nỗ lực để hoàn thành những thực hành chuẩn bị. Vì sao làm cuộc đời phức tạp? Chỉ thực hành mahamudra (Đại Ấn) siêu vượt mọi ý niệm là đủ rồi.” Nhưng nói như thế thì cũng giống như nói: “Mặc dù không thể nhai bơ, tôi sẽ nhai những viên đá.” Đừng nghe những điều vô nghĩa như thế. Làm sao ta có thể đi tới đại dương mà không vượt qua các vùng đất?1
Bài giảng của Ringu Tulku Rinpoche cho ta thấy giá trị và ý nghĩa của đời người, ý nghĩa của cái chết và sự vô thường, định luật nghiệp quả và những đau khổ cố hữu trong thế giới của những điều kiện, samsara (sinh tử). Nó ca tụng những đức hạnh của sự từ bỏ, sự cần thiết của việc đi theo một Đạo sư đầy đủ phẩm tính và việc đưa những lời dạy của ngài vào thực hành. Nó cho ta thấy lòng bi mẫn là đặc điểm chính yếu của một hành giả đích thực, lòng bi mẫn mà ta đã ước nguyện: “Cho tới khi giác ngộ, tôi sẽ làm mọi sự trong khả năng của mình để giúp đỡ chúng sinh mà không bỏ sót dù chỉ một chúng sinh, bằng hữu, kẻ thù, hay người xa lạ nào.” Có câu nói rằng:
Người có lòng bi mẫn sở hữu mọi giáo lý;
Người không có lòng bi mẫn chẳng sở hữu giáo lý nào.
Lòng bi mẫn dạy ta tinh túy của sự bố thí: sự không vướng mắc kham nhẫn điều bất lợi và chiến thắng những cơn giận dữ; sự tinh tấn qua đó ta cam kết thực hành mà không xao lãng bằng cách tiệt trừ mọi lười biếng; sự tập trung chế ngự những cảm xúc che chướng và những tư tưởng lan man; và cuối cùng, trí tuệ khám phá bản tánh tối thượng của các hiện tượng, sự thấu suốt về tánh Không liên kết mật thiết với lòng bi mẫn vô biên, việc nhận ra Phật tánh trong mỗi chúng sinh, sự thuần tịnh nguyên sơ, bất biến của mọi hiện tượng.
Những giảng nghĩa sáng sủa của Ringu Tulku Rinpoche mang lại cho ta căn bản cần thiết của một thực hành tâm linh liên kết với sự hiểu biết và kinh nghiệm, sự nghiêm cẩn và hứng khởi.
Matthieu Ricard
Mục Lục
Lời Nói đầu
Lời Tựa
Lời Cảm ơn
Kính lễ Đức Văn Thù
Dẫn nhập
1. NGUYÊN NHÂN: Phật Tánh
2. NỀN TẢNG: Một Đời Người Quý báu
3. ĐIỀU KIỆN: Thiện tri thức
Vì sao ta cần có một Thiện tri thức
Những Loại Thiện tri thức Khác nhau
Những Phẩm tính của các Thiện tri thức Thông thường
Mối Liên hệ Đạo sư-Đệ tử
Thọ nhận Giáo lý một cách đúng đắn
4. PHƯƠNG PHÁP: Những Giáo huấn của các Thiện tri thức
Cách Đối trị thứ nhất: Suy niệm về lẽ Vô thường
Cách Đối trị thứ hai
Suy niệm về Nỗi khổ của Sinh tử
Sự Hiểu biết về Nghiệp
Cách Đối trị thứ ba: Lòng Từ và Bi
Phát triển lòng Từ ái
Phát triển Lòng Bi mẫn
Cách Đối trị thứ tư: Bồ đề tâm
Bồ đề tâm Khát nguyện
Quy y
Quy y Phật
Quy y Pháp
Quy y Tăng đoàn
Ba Thân
Lễ Quy y
Bồ đề tâm Cam kết
Các Giới nguyện Bồ Tát
Những Giáo huấn để Phát triển
Bồ đề tâm Cam kết: Sáu Ba la mật
Ba la mật thứ nhất: Bố thí
Ba la mật thứ hai: Đạo đức hay Hành vi đúng đắn
Ba la mật thứ ba: Nhẫn nhục
Ba la mật thứ tư: Tinh tấn
Ba la mật thứ năm: Thiền định
Ba la mật thứ sáu: Trí tuệ
Năm Cấp độ của Con Đường Bồ Tát
Tích tập
Kết hợp
Nội quán
Thiền định
Thành tựu Viên mãn
Mười Quả vị Bồ tát
5. KẾT QUẢ: Phật Quả Viên mãn
6. Những Hoạt động của một vị Phật
Kết luận
Hồi hướng Công đức
Chú thích