Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Nhìn từ một quan điểm, ta không cần biết trước những cấp độ (quả vị) khác nhau mô tả con đường hướng đến giác ngộ. Ta chỉ cần thực hành đều đặn và nhìn những gì xảy ra. Tuy nhiên, hoàn toàn là tự nhiên khi ta muốn biết ta đang ở đâu, để đánh giá đoạn đường đã vượt qua và để biết rõ những gì còn ở phía trước. Không ý thức về toàn bộ cuộc hành trình, ta có nguy cơ phạm những sai lầm hay cảm thấy lạc lối và bối rối. Một số người nghĩ rằng họ đã thành tựu điều gì vĩ đại trong khi chỉ có một kinh nghiệm nhỏ xíu hay có được chút hiểu biết bé nhỏ. Những người khác có nguy cơ ngã lòng khi nhận thấy năm tháng trôi qua mà không đạt được những gì họ cảm thấy ở trong tầm tay. Nếu ta biết rằng con đường thì dài và có vài cấp độ, ta sẽ bớt nôn nóng và sẽ không hy vọng đạt được giác ngộ thật nhanh chóng mà không cần nỗ lực. Ta sẽ trở nên tỉnh giác về sự sâu thẳm của những vấn đề mà ta đối diện. Ta chỉ phải nghĩ về những khó khăn phải đối mặt của những người cố gắng giải quyết các vấn đề xuất phát từ thời thơ ấu của họ: những phép chữa bệnh và điều trị dài dằng dặc, năng lực và ước nguyện cần có… Nhưng ở đây ta đang nói về sự tự do viên mãn, về việc giải thoát bản thân khỏi mọi quy định vô cùng sâu xa và mạnh mẽ đã được tạo lập và củng cố trong rất nhiều cuộc đời! Ta không thể hy vọng giải thoát bản thân một cách dễ dàng khỏi những quy định như thế. Ta phải lặn sâu vào tận cùng tâm thức ta, đến tận gốc rễ của tâm hồn ta. Ta phải đi thật sâu bởi vấn đề được cắm rễ hết sức sâu xa. Điều này thật không dễ dàng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc giải quyết những vấn đề này nhất thiết phải mất một quãng thời gian dài. Thời gian cần thiết thì tùy thuộc vào khả năng của mỗi cá nhân, nhưng thời gian không phải là yếu tố chính yếu. Điều cốt yếu là đi thẳng vào bình diện sâu xa nhất của tâm thức, sâu hơn mức độ mà bất kỳ loại điều trị nào có thể đạt tới và một khi ta đạt được mức độ đó, mọi quy định của tâm thức sẽ được tịnh hóa.

Nếu mục tiêu này không được hiểu biết một cách đúng đắn, ta có thể thiền định trong nhiều tháng, nhiều năm, hay trong toàn bộ cuộc đời ta mà không đạt được chút kết quả nào. Ta phải hiểu rõ rằng công việc này không dễ dàng; nếu không ta sẽ nhanh chóng trở nên ngã lòng khi nhận ra rằng sự thay đổi thật ít ỏi và những vấn đề của ta tiếp tục tồn tại sau vài tháng, vài năm thực hành. Gampopa đã cô đọng điều ta gọi là ba mươi bảy nhánh giác ngộ (37 Bồ đề phần, 37 giác chi) thành năm giai đoạn.

  1. 1. Tích tập (tư lương vị) 

Giai đoạn đầu tiên của con đường là sự tích tập. Ở cấp độ này, ta đang bắt đầu và thâu thập càng nhiều thiện hạnh càng tốt. Có thể ta không có đức hạnh hay trí tuệ toàn hảo, nhưng ta làm hết sức mình và nhắm vào mục tiêu đó. Ta nỗ lực phát triển lòng bi mẫn, Bồ đề tâm, và đức hạnh, nhờ việc nghiên cứu, quán chiếu, và thiền định. Ta làm việc trên giai đoạn này với lòng nhiệt thành và sự đều đặn, và từng chút một ta nhận ra sự tiến bộ.

Gampopa đã bao gồm trong giai đoạn này mười hai trong ba mươi bảy nhánh của sự giác ngộ, đặc biệt là Bốn Tu tập trong sự Chánh niệm (Tứ niệm xứ), Bốn Thực hành Đúng đắn (Tứ chánh cần), và Bốn Hỗ trợ của sự Hiển lộ Thần diệu (Tứ pháp như ý túc).

Con đường bắt đầu từ lúc ta đã phát triển Bồ đề tâm bằng cách biểu lộ ước muốn thành Phật và giúp đỡ để tất cả chúng sinh cũng thành Phật như vậy. Qua việc thực hiện ước nguyện này ta hiến mình cho việc theo đuổi con đường của các bậc giác ngộ. Ta sẽ lang thang không mục đích cho tới khi tập trung vào một mục tiêu đặc biệt. Cho dù ta đi hàng nhiều dặm theo một hướng đặc biệt, ta không thể tuyên bố là đã bắt đầu cuộc hành trình. Trái lại, từ lúc ta quyết định đi tới một nơi nào đó, cho dù ta đi theo hướng ngược lại, cuộc hành trình của ta đã bắt đầu. Ngay khi Bồ đề tâm phát khởi trong tâm ta và ta thực hiện những nỗ lực tích cực để phát triển nó xa rộng hơn nữa, ta đang du hành trên con đường của các bậc giác ngộ.

Khi ta đang ở giai đoạn tích tập, ta phải làm mọi sự ta có thể để ở trên con đường đúng đắn, bằng cách lắng nghe, quán chiếu, thiền định, và thực hành. Ở cấp độ này, ta sẽ thiếu niềm tin và sự quả quyết bởi ta chưa có một nội quán trực tiếp vào bản tánh đích thực của các sự vật. Có thể ta vẫn còn có nhiều nghi ngờ, và điều này thì bình thường, nhưng ta phải nỗ lực để tiệt trừ chúng với sự thông tuệ của ta, bằng sự suy diễn, luận lý, và tranh luận. Cũng rất cần phải tìm ra một vị thầy mà ta có thể tin cậy. Ta cần những giáo lý xác thực để làm nền tảng cho những xác quyết, triết học và lối sống của ta. Khi đó cách sống của ta trở thành con đường.

2. Kết hợp (gia hạnh vị)

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn của sự kết hợp, hay đôi khi được gọi là giai đoạn của sự nối kết. Ta sẵn sàng đánh giá những gì ta đã học và đạt được. Giai đoạn này được phân chia thành bốn giai đoạn phụ, vạch ra lằn ranh nhỏ nhiệm giữa tâm thái sinh tử của chúng sinh bình thường và tâm thái phi sinh tử của những bậc cao cả. Vì thế nó là một giai đoạn trung gian, đối với những chúng sinh chỉ sống một ít giây phút và đối với những chúng sinh sống vài tháng hay vài năm, nhưng tuy thế nó là một quãng thời gian tương đối ngắn ngủi. Ta có thể nói rằng chính tột đỉnh của giai đoạn tích tập đã bắt đầu con đường dẫn tới giai đoạn kế tiếp. Khi ta di chuyển gần hơn tới giai đoạn kế tiếp, ta nhận thức được sự ấm áp của nó và phát triển một sự tin tưởng to lớn hơn. Đây là lý do vì sao giai đoạn phụ đầu tiên được gọi là “ấm áp” (noãn vị). Nó như thể một ngọn lửa ở gần, bị che dấu bởi một tấm màn: ta không thể thấy nó, nhưng nó gần đến nỗi ta có thể cảm nhận hơi nóng của nó và ta tin chắc là nó đang hiện diện. Sự thiền định, hiểu biết, và tin tưởng của ta mạnh mẽ đến nỗi hầu như mọi hoài nghi của ta biến mất. Sau đó đến các giai đoạn phụ là “tột đỉnh” (đảnh vị) và “nhẫn nhục” (nhẫn vị). Giai đoạn phụ cuối cùng được gọi là “tột đỉnh của pháp thế gian” (thế đệ nhất vị). Đó là giai đoạn cuối cùng ở đó ta vẫn giữ lại một quan niệm sinh tử về các sự việc.

Gampopa giảng rằng nếu ta liên kết giai đoạn này với ba mươi bảy nhánh của sự giác ngộ (37 Bồ đề phần), thì tầm quan trọng được đặt trên việc thực hành năm khả năng (Ngũ căn) và năm năng lực (Ngũ lực).

  1. 3. Nội quán (kiến vị) 

Giai đoạn thứ ba là nội quán, kinh nghiệm trực tiếp về chân lý và bản tánh đích thực của tâm, giai đoạn Mahamudra. Ở đây ta đạt được trạng thái của một arya, có nghĩa là “thánh nhân, tôn giả.” Mặc dù chưa là một vị Phật viên mãn, tuy nhiên ta không còn là một chúng sinh bị trói buộc trong sinh tử nữa.

Khi ta nói về cái thấy (kiến), nó không thực sự là một vấn đề của việc nhìn thấy trong nghĩa thông thường, mà đúng hơn là “kinh nghiệm một cách trực tiếp.” Ở giai đoạn này, ta có được lối đi vào kinh nghiệm viên mãn về chân lý. Đó không phải là cái thấy cao cấp, tuy nhiên nó không có nghĩa là nó không thể được mở rộng, đào sâu, hay được hoàn thiện. Có nhiều tranh luận triết học về vấn đề này. Theo một số người, bởi cái thấy là một kinh nghiệm về chân lý trong toàn bộ của nó, không thể có những thay đổi dần dần trong nó. Những người khác biện luận rằng có những sự thay đổi và những cấp độ cao hơn. Những người này minh họa quan điểm của họ với ví dụ sau: một người ở trong một căn phòng tối, họ nhìn bầu trời qua một lỗ khóa nhỏ, họ thực sự nhìn thấy bầu trời nhưng không biết toàn thể bầu trời ra sao, cùng với những vì sao, những đám mây, chân trời v.v.. Tương tự như thế, có thể ta đã từng nhìn thấy chân lý mà không kinh nghiệm nó một cách bao quát. Càng tiến bộ thì cái thấy của ta càng mở rộng và sâu xa hơn. Lỗ khóa trở thành một cửa sổ, rồi thành một cửa sổ lớn, cho tới khi mọi vách ngăn biến mất và ta thấy mình ở ngoài một bãi biển, ở đó cuối cùng ta nhìn thấy toàn bộ bầu trời.

Giai đoạn thứ ba này tương ứng với sơ địa của các quả vị Bồ Tát, cũng như quả vị “nhập lưu” trong truyền thống Theravada.

4. Thiền định (tu tập vị)

Giai đoạn thứ tư là sự vun trồng hay thiền định. Dĩ nhiên là ta đã thực hành thiền định trước khi tới giai đoạn này, nhưng cho tới thời điểm này việc thiền định của ta vẫn còn là thiền định thế tục. Chỉ ở giai đoạn thứ tư ta mới có thể nói về thiền định siêu việt, hay thiền định ba la mật.

Ngay khi ta đạt được giai đoạn của cái thấy, ta được giải thoát khỏi sự mê lầm và ảo tưởng. Tuy nhiên, những tập quán của ta khó có thể bị tiêu diệt. Rất khó khăn mới có thể tống khứ nó, và tự thân giai đoạn thứ tư này được phân chia thành mười giai đoạn khác nhau, ghi dấu việc tiệt trừ dần dần những tập khí này của ta. Mười cấp bậc (quả vị) hay bhumi, khác nhau này của một Bồ Tát sẽ được giảng chi tiết trong tiết mục sau. Vào lúc bắt đầu, mọi sự thật rõ ràng trong khi ta đang thiền định, nhưng sự lầm lạc quay lại ngay khi ta xuất định. Bởi ta tiến bộ qua các giai đoạn, lằn ranh giữa thiền định và hậu thiền định trở nên mờ nhạt và cuối cùng biến mất.

Chính ở giai đoạn này mà ta được phú bẩm con đường tám nhánh của bậc Chứng ngộ.

5. Thành tựu Viên mãn (vô học vị)

Giai đoạn thứ năm là sự thành tựu viên mãn. Đôi khi giai đoạn này được nhắc đến như giai đoạn “siêu vượt thiền định” hay “siêu vượt việc học” (vô học). Trong cấp độ cuối cùng này, ta đã trở thành những vị Phật hoàn toàn giác ngộ, ta không còn gì nữa để thành tựu, và không còn những dị biệt giữa việc thiền định và đời sống hàng ngày. Đức Milarepa đã đạt được cấp độ này, là cấp độ đôi khi được nhắc đến như “yoga dòng sông trôi chảy”: dù ta làm gì, dòng sông vẫn cứ trôi. Trong giai đoạn này không có gì không phải là thiền định. Ta ở trong thiền định thường hằng, không một dấu vết mê lầm và không điều gì có thể quấy nhiễu ta. Ta cũng nói “định như kim cương.” Theo truyền thuyết Ấn Độ, kim cương là một chất xương cứng đến nỗi không thể bị hủy diệt. Nó có thể tiêu diệt hay hủy hoại mọi sự nhưng bản thân nó không bị hủy diệt. An trụ trong một thiền định “như kim cương” có nghĩa là không điều gì có thể phá hủy, quấy nhiễu, hay làm cản trở thiền định của ta; ta an nhiên bất động.

Gampopa đã liệt kê năm phẩm tính của thiền định như-kim cương này:

Nó không bị nhiễm ô bởi không hoạt động thế tục nào có thể là nguyên nhân quấy nhiễu nó; nó bền bỉ bởi không sự ngăn che nào có thể làm tổn hại nó; nó kiên cố bởi không tư tưởng nào có thể quấy rầy nó; nó đồng nhất bởi nó là nhất vị; và nó trùm khắp bởi nó được tập trung trên bản tánh tối thượng chung nhất đối với mỗi một và mọi sự có thể nhận biết.

Xem mục lục