Phật giáo Kim Cương Thừa thường được nhiều người cho là nền Phật giáo của riêng Tây Tạng. Về cơ bản, nền Phật giáo của Tây Tạng, dù được gọi là “Phật giáo Tây Tạng” hay “Phật giáo Kim Cương Thừa”, đều hoàn toàn dựa trên nền tảng giáo lý của Đức Phật về Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định). Dù là Tiểu Thừa, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa, tất cả đều dựa trên nền tảng Tam tạng, gồm Luật, Kinh và Luận (Abhidharma)[1]. Phật giáo Tây Tạng cũng không nằm ngoài ba nền tảng này.
Kim Cương Thừa là một phần của Đại Thừa
Một số bậc thầy và các triết gia đã tranh luận liệu có nên xếp Kim Cương Thừa vào riêng Abhidharma-kosha[2] (Câu Xá luận) hay được xếp thuộc trong tất cả Tam tạng. Một số cho rằng Kim Cương Thừa chỉ thuộc về Câu Xá luận, một số khác lại cho rằng nằm trong Kinh và Luật của Tam Tạng. Thực ra, Kim Cương Thừa là một phần của Đại thừa và nằm trong Đại thừa - gồm Kinh thừa và Mật thừa, và tất cả dựa trên nền tảng Tiểu thừa. Điều này đã được giải thích rõ ràng trong giáo lý của Đức Bồ Tát Long thọ Nagarjuna.
Đạo Phật đặt căn bản trên nguyên lý trở thành một người toàn thiện. Do đó điều quan trọng hàng đầu là hành giả tu tập hay Phật tử phải thật sự toàn thiện. Toàn thiện có nghĩa là có chính kiến. Thế nào là chính kiến? Một người lương thiện, nhân ái, không vị kỉ và luôn kính trọng cha mẹ, quan tâm đến xã hội, quan tâm đến mọi người và những chúng sinh khác, tuân theo những mô phạm đạo đức là căn bản cho tất cả.
Trong nhiều kinh điển đạo Phật đã dạy tất cả con đường tâm linh đều dựa trên nền tảng chính kiến. Vì vậy chúng ta không nên chỉ cho rằng đạo Phật mới có chính kiến, còn các Đạo khác thì không. Chính kiến là nguyên lý Phật pháp căn bản, vô cùng cần thiết để thực hành Kim Cương Thừa. Đối với hành giả Kim Cương Thừa, một trong những nguyên lý hỗ trợ thiết yếu là có quan kiến thanh tịnh về vạn vật.
Đa số con đường tâm linh đều phát triển những phẩm tính tích cực của tâm, thiếu đó thì không thể là con đường Đạo
Đức Phật đã thuyết dạy Bát Chính Đạo. Sau đó, trên nền tảng này, Ngài thuyết giảng sáu Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ). Thật ra, phần lớn các Đạo đều phát triển bố thí, trì giới, từ bi, nhân ái, lợi tha với chúng hữu tình, v.v... tất cả những phẩm tính tích cực của tâm. Nếu không có những phẩm tính này thì không phải là con đường tâm linh.
Ba la mật thứ sáu là trí tuệ. Đó là giáo lý đặc biệt của Đức Phật thuyết giảng về vô ngã, về tiêu trừ ngã chấp và chứng ngộ bản chất của vạn pháp là duyên sinh, không thật, không bền chắc và không cố định. Ba la mật thứ sáu giúp chúng ta chứng ngộ quả vị A La Hán, và nhờ vậy nhận ra bản chất chân thật của tâm. Cùng với đó, thực hành những công hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, và thiền định giúp chúng ta phát triển, tinh tấn trên con đường thực hành Bồ Tát đạo.
Cách sử dụng những phương tiện thiện xảo đã khiến Kim Cương Thừa trở nên đặc biệt
Kim Cương Thừa siêu việt trong việc sử dụng những phương tiện thiện xảo khác nhau, như bốn quán đỉnh (bình, bí mật, trí tuệ và ngữ), hay thụ nhận quán đỉnh, thực hành các phương pháp thiền định khác nhau như tụng thần chú... Tất cả những phương pháp thiện xảo khác nhau nói trên khiến Kim Cương Thừa trở nên đặc biệt.
Samaya là một thuật ngữ được sử dụng trong Kim Cương Thừa, liên quan đến quán đỉnh và bậc Thầy trao truyền quán đỉnh, như bậc Căn bản Thượng Sư được kết nối trong sự thực hành. Phần lớn thời gian, mọi người tỏ ra lúng túng, vật lộn với những vấn đề chẳng liên quan đến mandala hay mandala của quán đỉnh. Đa phần những vấn đề của họ đến từ mối quan hệ thực tế với Guru, hay bậc Căn Bản Thượng Sư. Khi họ nói đến samaya, họ cũng nói về Guru. Mọi người thường sợ hãi quá mức về samaya đến nỗi nhiều khi cả ngày họ lo nghĩ về samaya. Thực sự không đúng như vậy. Samaya vô cùng thâm diệu và sâu sắc.
Điểm cốt yếu đầu tiên trong Kim Cương Thừa là chúng ta phải trở thành những hành giả chân chính.
Như tôi đã nói từ trước, Kim Cương Thừa sử dụng rất nhiều phương tiện đặc trưng khác nhau. Điều quan trọng đầu tiên trong Kim Cương Thừa là chúng ta phải trở thành những hành giả chân chính. Trên hết, người thực hành cần phải trì giữ giới luật, một, hai, ba, bốn hoặc năm giới của Phật tử (giới cư sĩ), giới Sadi (giới của người mới tu chưa thọ đại giới) hay Bhikshu (giới tỳ kheo, hay tỳ kheo ni). Do đó, về cơ bản họ là những Phật tử trì giữ giới luật, bất kể là cư sĩ, tăng hay ni. Hành giả không nhất thiết phải trở thành một Bhikshu, tức tỳ kheo hoặc Bhikshuni, tỳ kheo ni. Trong đạo Phật, không có sự nhảy vọt đến giới Bhikshu mà có nhiều giai đoạn và quan niệm cũng khác nhau theo từng giai đoạn. Nói chung, đa số bắt đầu với năm giới nguyện của cư sĩ.
Dựa trên nền tảng giới luật Vinaya, hành giả phát triển Bồ đề tâm Đại thừa, đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn chân thật. Không chỉ có vậy, hành giả cần phải trau dồi trí tuệ siêu việt, những tâm nguyện sâu sắc và mạnh mẽ nhất xả thân dâng hiến cho lợi ích của chúng hữu tình. Trên cơ sở đó và vượt lên trên cả những ý niệm về sự siêu việt ấy, hành giả phát triển Bồ đề tâm tức là “Tâm Giác ngộ”.
Bồ đề tâm là tâm hướng về hết thảy chúng sinh, thấu hiểu căn nguyên khổ đau của họ
Thường khi mọi người nói về Bồ đề tâm, họ thường nghĩ đến một người có tấm lòng thuần hậu, nhưng đó không phải là ý nghĩa của Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm hướng về hết thảy chúng sinh và thấu hiểu căn nguyên khổ đau của họ, chính là ngã chấp và vô minh. Khi chúng ta thấu hiểu và được điều này một cách sâu sắc và thực sự phát triển loại trí tuệ này trong tâm mình, thì tâm vô phân biệt, lòng từ bi nhân ái sẽ ban trải khắp tới hết thảy chúng sinh, bởi người đó có thể thấy tất cả chúng sinh đều bình đẳng như mẹ mình, giờ đây đang chịu đựng khổ đau và đắm chìm trong luân hồi sinh tử. Không kể đến những hạnh phúc hay bất hạnh tạm thời, tất cả chúng sinh đều đang chịu khổ đau do sự vô minh của chấp ngã, theo lời Phật dạy vô minh này rất vi tế, không thể thấy biết được, nhưng căn bản sâu xa nhất lại nằm trong Ngũ uẩn. Loại khổ đau sâu rốt này được tạo ra do chấp ngã, hay cái tôi. Vì vậy, với trí tuệ và quyết tâm mạnh mẽ cứu độ hết thảy hữu tình, hành giả phát Bồ đề tâm, nguyện giải thoát hết thảy chúng sinh khỏi luân hồi sinh tử, và hành giả quyết định trụ lại trong luân hồi sinh tử để cứu độ chúng sinh.
Bồ đề tâm tiêu trừ chấp ngã, giải thoát chúng sinh khỏi luân hồi sinh tử, đưa họ đến niết bàn giải thoát
Thực hành bố thí, trì giới, và tất cả các công hạnh Ba la mật sẽ giải thoát chúng sanh từ cõi thấp đến cõi cao hơn và tới cõi cao nhất. Bồ đề tâm tiêu trừ chấp ngã, dẫn dắt chúng sinh hoàn toàn vượt thoát luân hồi dẫn tới niết bàn giải thoát.
Niết bàn thường bị hiểu nhầm là một cảnh giới xa xôi rỗng không nào đó hoặc hoàn toàn trống rỗng về mặt vật lý. Niết bàn là một cảnh giới không thể nghĩ bàn, và chỉ được chứng ngộ thông qua thiền định. Nếu đó là hư không hoặc trống rỗng cứng đờ, thì ai sẽ muốn đạt tới cảnh giới này? Nếu Niết bàn có thể diễn tả bằng lời nói thì Đức Phật chắc hẳn đã mô tả rõ ràng để giúp tất cả chúng ta đều được giải thoát, nhưng tất cả đều không phải như vậy. Niết bàn cần phải được thực hành và chứng ngộ từ bản thân mỗi người. Bởi Niết bàn không thể diễn tả, không thể lý luận nó tồn tại hay không tồn tại, không phải là thứ mà trí óc bình thường của chúng sinh có thể tiếp cận được dễ dàng.
Kim Cương Thừa nghiêm ngặt hơn với những phiền não tiêu cực bởi chúng được hoá giải một cách trực tiếp
Thực hành Kim Cương Thừa là thực hành tâm Bồ đề. Kim Cương Thừa hoàn toàn dựa trên nguyên lý của Tiểu thừa và Đại thừa. Mọi người đôi khi lầm lẫn rằng Kim Cương Thừa cho phép thực hiện những điều lạ lùng, như tự do tham dục, hay các xúc tình tiêu cực khác. Nhưng đây hoàn toàn là những tà kiến. Thực tế, Kim Cương Thừa nghiêm ngặt với những loại xúc tình phiền não này, bởi các phương pháp thực hành của Kim Cương Thừa sẽ hoá giải trực tiếp chúng. Trong Tiểu thừa, ghét bỏ, sân hận, hay ghen tị và tất cả xúc tình loại này đều bị đè nén. Trong Đại thừa, chúng ta sử dụng phương pháp đối trị những cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, với sân giận chúng ta thực hành từ bi, với tham muốn chúng ta thực hành bố thí, v.v... Trong Kim Cương Thừa, hành giả phải phát triển quan kiến thanh tịnh, nghĩa là trưởng dưỡng tâm thức để thấy rằng vạn pháp không như thông thường và điều này phải dựa trên nền tảng thiền định tâm Bồ đề Đại thừa. Quan kiến này chuyển hóa hoàn toàn tâm thức nhị nguyên nhờ có hiểu biết chân chính về Xả (vô chấp) và phương thức sống không bám chấp vào ngã. Thông qua thực hành thiền định, hành giả thấu hiểu bản chất tâm và bắt đầu nhìn thấu được hết thảy vạn pháp. Từ đó, trong mối liên hệ với thế giới bên ngoài, họ không thấy nam, nữ, nhà cửa, vườn tược, cảnh vật, tài sản, tên tuổi v.v... là tốt hay dở, đẹp hay xấu, bởi tâm họ không còn những nhận thức nhị nguyên như vậy.
Đối với hành giả thực hành Kim Cương Thừa, toàn bộ vũ trụ, gồm cả ngũ uẩn, đều được chuyển hoá thành mandala trí tuệ của Ngũ Bộ Phật. Do đó việc phá vỡ thệ nguyện samaya sẽ xuất hiện một khi hành giả đánh mất sự thực hành này và bám chấp vào quan niệm thông thường “ta - người”, hay “cái này và cái kia”. Trong Kim Cương Thừa, có ba samaya căn bản phải trì giữ:
Tất cả các hình tướng đều là Bản tôn
Tất cả các âm thanh đều là thần chú
Tất cả tư tưởng đều là Pháp giới.
Khi tâm thức hành giả thực sự đạt tới mức độ này, sẽ chẳng có cơ hội nào cho những sai lầm diễn ra. Bất kỳ sai lầm hay sự phá vỡ thệ nguyện đều là kết quả của sự thiếu khuyết ba samaya căn bản này.
Giới nguyện Samaya kết nối với Thượng sư
Như tôi đã nói ngay lúc đầu, samaya được kết nối với Thượng sư. Thượng sư là trung tâm trong thực hành Kim Cương Thừa, do đó chúng ta phải suy xét Bậc Thầy trước khi tạo sự kết nối quan trọng. Như Đức Phật đã dạy: “Trong thực hành Phật Pháp, mọi thứ đều phải được suy xét.”. Trong Kim Cương Thừa, bốn quán đỉnh là vô cùng quan trọng; để nhận được bốn quán đỉnh, bạn phải có một Thượng sư, và bậc Thượng sư phải do chính bạn lựa chọn. Bạn không thể dựa vào lời nói từ một người bạn của mình khi họ bảo rằng: “Đây là một Thượng sư tuyệt vời tình cờ gặp ở trong thị trấn, hãy đến và nhận quán đỉnh từ Ngài!”. Mọi người thường thụ nhận quán đỉnh rất dễ dàng, đơn giản, thậm chí không cần kiểm tra lại lý lịch của Thượng sư. Sau đó họ có thể bị đau đầu và hối hận khi nghe những lời đồn đại và thị phi, tất cả những tiêu cực này xảy ra bởi họ đã không tìm hiểu trước đó. Bởi vậy chẳng nên trách cứ ai ngoại trừ chính bản thân họ.
Các Bậc thầy có những phẩm hạnh và mức độ khác nhau; có vị phẩm hạnh rất tốt, tốt, trung bình và rất thấp, đôi khi chỉ có mỗi cái danh hiệu “Guru” mà chẳng có bất cứ phẩm hạnh nào. Một vài vị thậm chí còn giả mạo, một vài vị thì không. Việc này đã xảy ra trong suốt tiến trình lịch sử chứ không phải là điều mới mẻ hiện nay. Bạn có thể thấy qua rất nhiều kinh điển và tiểu sử của các bậc thầy vĩ đại, khám phá ra rằng nhiều vị thầy đã la mắng tăng sĩ và các hành giả bởi họ đã không nghiêm cẩn khi lựa chọn Guru. Do đó, điều quan trọng nhất là bậc thầy, hay Guru phải được cân nhắc suy xét và phải là chân chính. Các hành giả mới bước vào đường Đạo thường đi theo các bậc thầy bằng sự ưa thích, cuồng nhiệt cùng rất nhiều thông tin, nhận thức sai lệch. Phần lớn thời gian, sự ưa thích đến cùng với sự bám chấp. Những tác nhân như thiếu động cơ thanh tịnh, bám chấp và những kiểu ưa thích, trái ngược nhau gây ra sự rối loạn nơi hành giả. Đây là hậu quả rất khó giải quyết. Một vấn đề khác là phần đông mọi người không thực sự hiểu thế nào là Căn Bản Thượng Sư. Họ nghe lời đồn đại, đọc một vài trang giấy rồi băn khoăn với những thông tin sai lệch. Ví dụ, một vài người đọc đâu đó rằng phải biết coi Bậc Thượng sư như một Đức Phật, do đó họ nghĩ: “Tôi phải tin rằng Guru của tôi là một vị Phật”. Sau đó họ cố gắng ép mình phải tin tưởng một cách mù quáng rằng Người mà họ kính trọng như vị thầy là Đức Phật thực sự. Chẳng đâu trong giáo lý của Đức Phật hay Kim Cương Thừa nói như vậy cả. Đó hoàn toàn là những tà kiến.
Đức Phật đã dạy rõ ràng trong Kim Cương Thừa, Ngài không bao giờ nói rằng sẽ có một Đức Phật nào xuất hiện giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật Di Lặc. Điều thực sự được dạy trong Kim Cương Thừa, là qua việc đã khai thị cho chúng ta thật nghĩa của Phật pháp và giúp chúng ta chứng ngộ, vai trò của Thượng sư còn tôn quý hơn cả Đức Phật bởi chúng ta chẳng đủ thiện nghiệp để gặp bất kì vị Phật quá khứ nào trong hình tướng con người. Về việc này, mọi người đa phần đã hiểu lầm.
Căn bản Thượng Sư được tôn kính và trân quý như một Đức Phật bởi lòng Từ của Ngài còn lớn hơn cả Đức Phật.
Patrul Rinpoche, tác giả của cuốn ‘Lời vàng của Thầy tôi’, đã đưa ra giải thích rất giản đơn và rõ ràng. Ngài dạy: “Căn Bản Thượng Sư được tôn kính và trân quý như một Đức Phật không phải vì Ngài là Đức Phật, mà bởi tâm Từ bi của Ngài làm lợi lạc cho hành giả thậm chí còn lớn hơn cả Đức Phật.”. Điều này cũng giống như so sánh giữa một gia
đình tuy nghèo nhưng lại giúp đỡ để bạn có thể sống và tồn tại, với một gia đình khác vô cùng giàu có nhưng không đưa cho bạn dù chỉ một xu. Vậy giữa hai gia đình, gia đình nào tử tế hơn? Tất nhiên gia đình nghèo đã nâng đỡ và nuôi sống bạn là tốt hơn. Cái mà bạn thực sự cần là được sống chứ không phải là biết một số người giàu mà họ chẳng làm lợi lạc hay giúp đỡ bạn chút nào.
Điều chúng ta đang muốn nói là Đức Phật rất vĩ đại: không có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta không thể có những giáo pháp giải thoát. Tuy nhiên, không có Thượng sư dìu dắt, chúng ta không thể có được tấm gương sống, cảm hứng và sự hướng đạo. Trừ khi chúng ta có thể đích mắt nhìn thấy được sự chứng minh bằng cuộc sống thực sự của một Bậc Thầy minh họa cho Giáo Pháp của Đức Phật, nếu không chúng ta không thể hoàn toàn thấu hiểu hay có đức tin giúp chúng ta chứng ngộ ngay trong một đời. Từ “chứng ngộ” ở đây không hoàn toàn là Phật quả Toàn Giác. Trong giáo pháp, chúng ta thường nói về “chân lý tương đối” (Tiếng Tây Tạng là Drangdon) và “chân lý tuyệt đối” (Tiếng Tây Tạng là Nyedon). Drangdon là sự hướng đạo, ví dụ những chỉ dẫn về con đường, hướng đạo tâm hành giả để họ nhất tâm vào những điểm chính yếu dẫn tới trí tuệ hiểu biết, tất cả những điều này đem lại niềm cảm hứng và sự hy vọng. Nyedon là chứng ngộ tuyệt đối, hay Phật quả Toàn Giác. Đôi khi hai điều này được dùng lẫn với nhau nên gây ra sự hiểu lầm.
Khi hành giả trì giữ ba samaya căn bản, thì không thể phá vỡ bất kì samaya nào khác
Có đến hàng trăm hàng nghìn loại samaya, như là ba samaya, năm samaya, mười bốn samaya, và hai tám samaya. Điều đó phụ thuộc vào việc bạn nhận quán đỉnh Kriya Tantra, Charya Tantra, Yoga Tantra hay Anuttara Yoga, chẳng hạn như Ati Yoga trong thực hành Dzogchen. Có vô số thệ nguyện, tùy thuộc vào mức độ hành giả đang thực hành. Tóm lại, có ba samaya căn bản tôi đã nhắc đến ở trên. Nếu hành giả tinh nghiêm trì giữ được ba samaya này, sẽ không bao giờ phá vỡ bất kì samaya nào khác. Đây không chỉ là samaya, mà là thực hành Kim Cương Thừa, tương tự như hai mặt của một đồng xu vốn bất khả phân vậy. Do đó, khi hành giả thực hành Kim Cương Thừa một cách chân chính và đúng đắn, họ không thể phá vỡ bất kỳ samaya nào. Nếu hành giả trì giữ tuyệt đối ba samaya căn bản, họ sẽ thực hành Kim Cương Thừa một cách đúng đắn. Samaya được tìm thấy trong bốn quán đỉnh: Trong quán đỉnh bình có samaya bình, trong quán đỉnh bí mật có samaya bí mật, với quán đỉnh trí tuệ có samaya trí tuệ, và cuối cùng với ngữ quán đỉnh sẽ có samaya khẩu.
Có 14 lỗi căn bản đọa phá bể samaya. Một trong những lỗi lầm nghiêm trọng là bất kính giáo pháp của Đức Phật, bất hòa với đạo hữu Kim Cương và bỏ rơi hữu tình từ trong niệm tưởng, liên quan đến thệ nguyện tâm Bồ đề đại thừa; nghĩa là “Tôi sẽ không giúp người đó”. Ngay cả khi có ai đó gây ra tổn thương, đau đớn lớn lao với Thượng sư của họ, hay phá hủy hoàn toàn Phật Pháp, Đức Phật cũng không bao giờ cho phép nảy sinh sự thù hận dù là nhỏ nhất. Thay vào đó, Ngài giúp đỡ những người này thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Do đó nếu bạn nói: “Đây là người xấu, tôi sẽ không giúp anh ta”, hay ngay cả khi bạn vừa khởi mống niệm này, bạn đã phá bể giới nguyện Samaya.
Mười bốn lỗi căn bản đọa phá bể samaya:
1. Về hành động hay lời nói, làm tổn hại Kim Cương Thượng Sư, hay chất chứa sự hiểu lầm về Ngài.
2. Đi ngược giáo lý của Đức Phật và những chỉ dẫn của Guru.
3. Phát triển mạnh mẽ các phiền não, xúc tình tiêu cực hướng về chúng sinh đặc biệt là cộng đồng đạo hữu Kim Cương Thừa.
4. Từ bỏ tâm Bồ đề và sự thực hành từ bi đối với chúng sinh.
5. Đi lạc vào sự bám chấp về dục lạc và từ bỏ Bồ đề tâm.
6. Bác bỏ các truyền thống, truyền thừa hoặc tôn giáo khác vì động cơ muốn được nhiều sự tôn kính cho bản thân.
7. Tiết lộ bí mật Mật thừa cho những người chưa chín muồi về mặt tâm linh, dẫn đến kết quả là sự hiểu lầm giáo pháp.
8. Làm tổn hại thân thể mình và chúng sinh khác.
9. Nghi ngờ chân lí tuyệt đối.
10. Từ chối không làm những hoạt động mạnh mẽ khi cần thiết để tránh những kết quả mang tính hủy diệt do năng lực xấu gây ra, như là không sẵn sàng cứu giúp chúng hữu tình mặc dù bản thân có khả năng.
11. Những nghi ngờ liên quan đến ý nghĩa của Như thị.
12. Phiền nhiễu chúng sinh khác do những điều liên quan đến cái Tôi.
13. Kiềm chế những hành xử chính đáng khi thích hợp, như là không sẵn sàng chấp nhận thực hành thích hợp, thiết yếu (uống rượu, ăn thịt đã được cúng dường trong thực hành Ganachakra) khi được yêu cầu.
14. Lạm dụng phụ nữ hoặc coi họ như kẻ thấp kém.
Có rất nhiều cách để sửa chữa sai lầm và những giới nguyện bị bể
Trong Kim Cương Thừa, có rất nhiều cách để sửa chữa sai lầm và những giới nguyện bị bể. Nhưng nói chung đối với Bhikshu hay những vị xuất gia, một khi phá vỡ 4 giới căn bản, không có cách nào để sám hối. Trong đa phần các trường phái, vị đó vẫn có thể sám hối. Thông thường trong suy nghĩ của mọi người, nếu một vị tỳ kheo (Bhikshu) có thể có thể xả giới rồi sau đó lại xuất gia thọ giới lại, họ sẽ cười to và cho rằng anh ta mất trí. Một số trường phái cho phép điều này, nhưng một số thì không.
Bốn giới luật căn bản của tăng sĩ (tứ y)
1. Không la mắng khi bị quát tháo
2. Không sân hận khi bị kích động
3. Không nhắc lỗi người khác khi người đó chỉ lỗi của mình
4. Không đánh trả lại khi bị đánh
Phật Pháp được chia thành 18 trường phái, đây là chủ ý của Đức Phật. Ngài không muốn có duy nhất một trường phái tổng thâu toàn bộ các trường phái Phật giáo. Thay vào đó, Ngài chủ ý mong rằng các đệ tử và người theo đạo chia thành 18 trường phái hoàn toàn khác nhau. Đức Phật Kashyapa đã nói điều này, Ngài đã truyền đạt cho đệ tử là Vua Kri Kri, trong giấc mơ về 18 người đàn ông chia một tấm vải trắng thành 18 phần: “Đây là chủ ý của Đức Phật Thích Ca. Ngài không muốn một nhóm lớn điều khiển mọi thứ, vì điều này sẽ dẫn đến hậu quả là sự gián đoạn lớn. Vì thế, điều này đã khiến phân ra
18 trường phái khác nhau, tuy nhiên các trường phái đều đi theo một con đường dẫn đến giác ngộ.”. Thực tế, một trong những trường phái này có phần giống đạo Hindu chấp nhận quan niệm về atma (tiếng Sanskrit) nghĩa là “Thượng đế”: “linh hồn” hay “đại ngã”.
Đối với các loại samaya khác nhau, phương pháp sám hối tùy thuộc vào mức độ vi phạm nghiêm trọng
Trong Đại thừa, một khi lời nguyện Bồ đề tâm bị phá bể, bạn có thể sửa chữa bằng việc duy trì trở lại. Trong Kim Cương Thừa, có rất nhiều phương pháp tịnh hóa, tùy thuộc loại samaya nào bị phá bể. Đối với các loại samaya khác nhau, phương pháp sám hối vào mức độ vi phạm nghiêm trọng, thời gian (như trong 6 tháng, 3 năm...) và samaya với Guru, Tăng già hay chúng sinh khác. Đây là lí do tại sao hành giả Kim Cương Thừa nên phát triển tâm rộng mở chân thành đối với tất cả muôn loài, không phân biệt giới tính, tôn giáo, địa vị... Chúng ta nên thật sự bỏ quan niệm phân biệt, khinh hạ chúng sinh. Có rất nhiều phương pháp đã nói trong chỉ dạy về sự tịnh hóa, sửa chữa và sám hối những samaya hay thệ nguyện đã bị phá vỡ. Trong Kim Cương Thừa, dù bạn là cư sĩ, Bhikshu, nam hay nữ, nguyên tắc đều giống nhau, sự khác biệt chỉ là cấp độ của tantra mình đang thực hành. Ví dụ, Kriya và Charya có ít thệ nguyện hơn. Khi hành giả nhận quán đỉnh Kriya có chỉ rõ nếu bạn phá bể nguyện này, nguyện khác, thì bạn sẽ phải làm những gì. Khi bạn nhận quán đỉnh Charya, nếu bạn phá bể giới nguyện này, giới nguyện khác thì bạn sẽ phải làm những gì. Khi phá bể samaya do cố tình hoặc vô tình, cách tốt nhất
là tịnh hóa bằng trì tụng thần chú Vajrasattva một trăm âm 21 biến hoặc 108 biến một ngày. Điều này được dạy trong giáo lí rằng thực hành Vajrasattva có thể tịnh hóa bất kì nhiễm ô, vô minh che chướng hay samaya bị phá bể ở mức thông thường nào.
Liệu Thượng sư hay đệ tử sẽ chịu hậu quả khi samaya bị phá bể?
Thượng sư hay đệ tử sẽ chịu hậu quả khi samaya bị phá bể? Điều này còn tùy thuộc mỗi hoàn cảnh khác nhau và không có câu trả lời chung. Đôi khi, nếu cả thầy và đệ tử cùng mắc lỗi, thì cả hai cùng phải chịu hậu quả tương ứng, bởi vì cả hai đều đáng như vậy. Đôi khi đệ tử phạm lỗi nhưng hoàn toàn vô tội, và Guru mắc lỗi còn đệ tử thì không, nên chẳng có lý do nào đệ tử phải chịu hậu quả cả. Dĩ nhiên trong trường hợp này Guru sẽ nhận hậu quả vì Ngài đã tạo ra sai lầm.
Trước tiên bạn phải hiểu rằng tâm nguyện của Thượng sư là nhằm hướng đạo, trợ giúp đệ tử. Nhưng nếu sau khi làm hết sức, Ngài thấy rằng đệ tử vẫn không thể hiểu - thay vào đó, lại gây thêm nhiều cuồng loạn bất an bởi những tranh đấu và xúc tình phiền não, thậm chí có thể đọa xuống địa ngục - sau đó tất nhiên Thượng sư sẽ nghĩ rằng: “Tốt hơn là ta nên rời bỏ cõi này bởi họ không thể nào thấu hiểu.” Nói cách khác, nếu đệ tử không tạo đủ các điều kiện lý do khiến cho Thượng sư trụ thế, thì Ngài có thể rời đến cõi giới khác để tới bất cứ nơi nào cần sự hướng đạo của Ngài. Trường hợp này, mặc dù đệ tử đã phá vỡ samaya và nhận hậu quả, nhưng người thầy thì không, do đó Ngài không phải chịu hậu quả. Cuộc đời đạo sư không nhất thiết bị giảm thọ trong trường hợp này.
Giới thiệu tiểu sử Đức Hộ trì Chúng sinh Kyabje Drugu Choegyal Rinpoche đời thứ VIII
Đức Kyabje Drugu Choegyal Rinpoche đời thứ VIII đản sinh năm 1946 tại Wari Chaksam Kha, ở Nangchen, Tây Tạng. Khi vẫn còn trụ trong bào thai, Choegyal Rinpoche đã được Ngài Karmapa đời thứ XVI nhận ra, ấn chứng là Choegyal Yonten Gyatso, hóa thân của Drugu Choegyal đời thứ VIII của Truyền Thừa Drukpa. Ngài Choegyal Rinpoche quy y Đạo sư tôn quý Sonam Tenzin và Kathog Getse và đăng quang khi mới 4 tuổi. Ngài trải qua hầu hết tuổi thơ của mình ở vùng Drungu, Tây Tạng, thánh địa mà Ngài đã có những trải nghiệm tuyệt vời, nơi mà theo lời Ngài: “Nghệ thuật, rèn luyện tâm linh và thực hành thiền định là bất khả phân”
Ngài Drugu Choegyal Rinpoche bắt đầu thực hành tu tập khi Ngài mới 5 tuổi. Ngài ghi nhớ rất nhiều kinh điển và tu học chín thừa cao quý. Ngài được rèn luyện, tu học từ năm 1955 đến 1979 dưới sự chỉ dạy của Đức Kyabje Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII quá cố (một nghệ sĩ thành tựu và một đạo sư thiền định), thụ nhận giáo pháp và sự hướng đạo riêng từ Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche. Ngài trở thành bậc trì giữ những giáo pháp độc nhất vô nhị của Truyền thừa. Những Đạo sư khác của Ngài là Đức Karmapa đời thứ XVI, Đức Kyabje Tsentul Logan Sotan Rinpoche, Kyabje Dorzong Rinpoche đời thứ VIII, cố Đạo sư Kyabje Trulshik Adeu Rinpoche, Togden Choelek, Togden Anjam và
Đạo sư Sakya Khenpo Rinchen tôn quý. Rinpoche cũng thụ nhận những giáo pháp trọng yếu từ các đạo sư tôn quý khác như các ngài Khenpo Nubgon Lekshe, Khenpo Zigar Choedar, Drugu Gegan Dechen, Khenpo Gedun Gedun của Truyền Thừa Nyingma Kathok, cùng các ngài Khenpo Tsondue, Khenpo Thubchoe, Sogchen Khenpo Tsega, Khenchen Nangchen Yangwen, và Khenpo Tipa của Tự viện Chakzam Gelugpa.
Năm 1959, Đức Drugu Choegyal Rinpoche rời khỏi Tây Tạng để chuyển tới Ấn Độ, an trú cùng với Căn bản Thượng Sư của Ngài là Đức Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII cùng một số bậc đạo sư chứng ngộ cao cấp và các bậc Tokdens (những hành giả yogi tantra phẩm hạnh). Số lượng chư Tăng và Phật tử từ miền Đông Tây Tạng vân tập dưới sự hướng đạo của Đức Hộ trì Chúng sinh Khamtrul Rinpoche ngày một đông, hình thành cộng đồng Phật tử Tây Tạng ở Kalimpong. Sau đó, cộng đồng này chuyển đến thung lũng Kangra, ở vùng cao nguyên Himachal Pradesh, đầu tiên đến thánh địa Dalhousie, sau đó đến thánh địa hiện nay. Tại đây, dưới rặng Dhauladhar tuyết phủ thuộc dãy Himalaya, Ngài Khamtrul Rinpoche được cấp đất cho những đệ tử của Ngài để tái thiết lại cuộc sống và tiếp tục phát triển di sản phong phú mà họ mang đến từ Tây Tạng.
Ngài Drugu Choegyal Rinpoche phụng sự cộng đồng Khampagar tại Tashi Jong từ năm 1988 đến năm 1994, đầu tiên với cương vị là Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch của cộng đồng.
Giống như các đời hóa thân trước đây, Ngài Drugu Choegyal Rinpoche là một nghệ sĩ thiên tài và nổi tiếng. Các bức tranh của Ngài được trưng bày rộng rãi, trứ danh với cách phối màu sắc rực rỡ gây ấn tượng mạnh, qua đó thể hiện sự am tường sâu sắc về các phong cách thể hiện, từ tính chính xác đầy công phu của thangka truyền thống tới phong cách thể hiện một cách ấn tượng những trải nghiệm thiền định bằng màu sắc và ánh sáng.
Những tuyệt tác của Ngài cũng bao gồm nghệ thuật điêu khắc và thiết kế thảm. Rinpoche đã hợp tác với cộng đồng nghệ thuật thêu thảm dệt Tây Tạng gần Tara Bir và kiến lập Drugu Unique Tiger và Snow Leopard Carpet (thảm dệt hình hổ và báo tuyết độc đáo Drugu). Một số tác phẩm thảm dệt chất lượng cao của Ngài có thể được tìm thấy ở viện bảo tàng và những triển lãm sưu tập cá nhân danh tiếng.
Từ năm 1994, Rinpoche đã nỗ lực trùng tu, phục hồi nghệ thuật và văn hóa truyền thống cũng như nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường vùng Drugu, Đông Tây Tạng. Rinpoche đã viếng thăm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để chia sẻ giáo pháp, triển lãm nghệ thuật và thúc đẩy các dự án của mình. Rinpoche dành phần lớn thời gian của mình qua lại giữa thánh địa Tashi Jong, Học viện Phật giáo Jangchub Jong (gần Dharamsala) của Kyabje Dorzong Rinpoche, và Trung tâm Nhập thất Tara Bir Drugu tại Kathmandu (Nepal).
Mỗi nơi chốn trên đều có những đặc trưng riêng: Tashi Jong hiện là trụ xứ của Nhiếp Chính Vương Kyabje Khamtrul Rinpoche Shedrub Nyima đời thứ IX, hóa thân của Căn bản Thượng Sư của Ngài, bậc Thượng sư mà Ngài luôn tín tâm và tri ân bất thoái, Học viện Phật giáo Jangchub Jong là trụ xứ của Kyabje Dorzong Rinpoche, một trong những Pháp hữu và là Đạo sư Truyền thừa Drukpa tôn kính nhất của Ngài; và Trung tâm Nhập thất Tara Bir Drugu là một thánh địa linh thiêng của Phật mẫu Tara. Tara Bir là nơi quy y của Rinpoche, đồng thời cũng là nơi nhập thất và cơ sở điều phối rất nhiều các dự án của Ngài.
Để tìm hiểu thêm thông tin về Đức Drugu Choegyal Rinpoche đời thứ VIII cùng các hoạt động Phật sự của Ngài, xin vui lòng viếng thăm website chính thức của Ngài: www.choegyalrinpoche.org
[1] Abhidharma: Abhi nghĩa là vô tỷ, hơn thế; dharma nghĩa là pháp; abhidharma có thể hiểu là vô tỷ pháp, có nghĩa là pháp tối thắng, vi diệu pháp. Phiên âm tiếng Trung là A tỳ đàm, A tỳ đạt ma, gọi tắt là Luận.
[2] Abhidharma-kosha: Nghĩa là Kho báu Abhidharma, phản ảnh việc chuyển từ Tiểu thừa (Theravada) sang Đại thừa (Mahayana) được Ngài Thế Thân (Vasubandhu) soạn tại Kashmir vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Phiên âm tiếng Trung là A tỳ đàm câu xá.