Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

Trung đạo


Có một đoạn văn rất quan trọng trong Căn bản Trung quán luận tụng (Mlamadhyamaka-stra-krik) của ngài Long Thụ[75] viết rằng: “Sự vật nào có nguồn gốc phụ thuộc,[76] tôi gọi là không. Và rồi sự vật đó lại được định danh một cách phụ thuộc.” Theo ý này thì, bất cứ sự vật nào được sinh khởi một cách phụ thuộc đều là trống không trong ý nghĩa rốt ráo, và những gì ta định danh, một cách phụ thuộc, không phải gì khác hơn là hiện tượng trống không. Việc các sự vật và hiện tượng được định danh một cách phụ thuộc hàm ý rằng chúng không phải là không hiện hữu, không phải là sự trống không hoàn toàn. Vì thế, khi sự hiểu biết về duyên khởi được kết hợp với hiểu biết về tính không, ta thấy rằng điều này sẽ mở ra khả năng đi trên con đường Trung đạo. Gọi tên như vậy là vì con đường này tránh được những cực đoan của chủ nghĩa tuyệt đối và chủ nghĩa hư vô.

Cho nên, cách diễn đạt “được định danh một cách phụ thuộc” của phái Trung quán có một ý nghĩa sâu sắc. Cụm từ “một cách phụ thuộc” hàm ý rằng sự vật và hiện tượng được hiện hữu thông qua sự phụ thuộc vào những nhân tố khác, tức là chúng không có sự độc lập, tự tồn, hay tồn tại tuyệt đối. Vì thế, ý nghĩa này phủ nhận chủ nghĩa tuyệt đối. Cụm từ “được định danh” hàm ý rằng các sự vật và hiện tượng không chỉ là sự trống không hoàn toàn, không phải là không tồn tại – chúng quả thật là có tồn tại. Do đó, ý nghĩa này xác quyết rằng hiện thực của thế giới hiện tượng không bị phủ nhận. Ngài Phật Hộ trong Căn bản Trung luận chú[77] có lập luận rằng: Nếu các sự vật và hiện tượng có một trạng thái tồn tại độc lập, và hình thành mà không phụ thuộc vào các nhân tố khác, thì tại sao các sự định danh của chúng lại phụ thuộc và tương quan với nhau?

Liên quan đến điểm này, nhiều nhà vật lý từng nói với tôi rằng họ bắt đầu gặp phải những vấn đề khi đưa ra giả định một ý niệm về thực tại phù hợp với hiểu biết lượng tử về thế giới vật lý – ngay cả chỉ là một khái niệm, thì thực tại đã là một nan đề. Đối với tôi, điều này chỉ ra sự khó khăn để tìm kiếm các thực tính khi ta nhìn vào bản chất của sự vật. Mặc dù vậy, nếu ta chuyển sang một cực đoan khác và cho rằng vạn vật chỉ là toàn là ảo tưởng, chỉ thuần là hình dung hóa của tâm thức, thì ta sẽ rơi vào cái bẫy mà các nhà Duy thức đã rơi vào, tức là quan điểm cho rằng tất cả chỉ hoàn toàn là thức tâm.

Vậy nếu như sự vật không có thật tính tự hữu, nhưng đồng thời chúng ta cũng không hài lòng với kết luận rằng mọi sự vật chỉ là hình dung hóa của tâm thức, thì thay vào đó phải là gì? Con đường ở giữa hai quan điểm đó là gì? Câu trả lời của Trung quán (Mdhyamika) là: Các sự vật và hiện tượng khởi lên chỉ hoàn toàn là kết quả sự kết hợp của nhiều nhân tố, và sự tồn tại của chúng theo ước lệ[78] phát sinh từ đặc tính mà ta gán ghép cho mỗi sự kết hợp đó.

Về sự diễn bày học thuyết tính không của Phật giáo nói chung, ta thấy có nhiều cách lập luận được trình bày trong kinh luận, đều nhằm dẫn tới một sự hiểu biết về tính không. Trong tất cả những cách lập luận này, cách lập luận dựa trên sự hiểu biết về duyên khởi được xem là hiệu quả nhất. Để phát triển sự hiểu biết sâu sắc nhất về ý nghĩa của duyên khởi, tôi cho rằng những trước tác của các ngài Phật Hộ và Nguyệt Xứng là rất quan trọng. Phần lớn hiểu biết của tôi, và do đó dẫn đến hầu hết những gì tôi trình bày ở đây, được dựa trên sự giảng giải của ngài Lạt-ma Tsongkhapa (Tông-khách-ba) về các đề tài này, mà những giảng giải đó lại dựa rất nhiều trên các luận giải về ngài Long Thụ (Ngrjuna)[79] của hai ngài Nguyệt Xứng và Phật Hộ, đến mức gần như ngài Tsongkhapa đã chứng minh hầu hết mọi luận điểm quan trọng bằng cách trích dẫn các chú giải của hai vị luận sư vĩ đại này.

Khi nghiên cứu Căn bản Trung quán luận của ngài Long Thụ, tôi đã kết hợp chương 23 bàn về Thập nhị nhân duyên với chương 18 bàn về Vô ngã. Chương 18 chỉ ra cách thức mà tiến trình của sự bám chấp vào thuyết thường hằng, hay một linh hồn chắc chắn thực hữu, trói buộc ta trong đời sống không giác ngộ. Thêm nữa, chương này cũng cho thấy việc phủ nhận thuyết tự ngã và trừ bỏ sự bám chấp đó sẽ dẫn tới giải thoát như thế nào. Điểm chính là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt tới sự thấu triệt tính không.

Sau đó, tôi kết nối sự nghiên cứu hai chương này với chương 24, trong đó ngài Long Thụ đã lường trước một số điểm phản bác có thể được nêu ra bởi những trường phái Phật giáo Duy thật. Cốt lõi của những điểm phản bác đó có thể được tóm lại như sau: Nếu không có thực tại tự hữu, và nếu mọi sự vật và hiện tượng đều không có tự tính thực hữu và tự tính cá biệt, thì sẽ không có gì cả. Từ đó suy ra là không thể có Tứ diệu đế; nếu không có Tứ diệu đế thì không có Tam bảo; nếu không có Tam bảo thì không thể có Chánh đạo đưa đến chứng ngộ. Ngài Long Thụ đáp lại bằng cách dùng chính luận điểm phản bác của các nhà Duy thật để chống lại họ. Ngài nói rằng, ngược lại, nếu sự vật quả thật tồn tại một cách tự hữu thì những suy diễn của các nhà Duy thật đối với lập luận của Ngài cũng sẽ đúng với các luận điểm của họ. Có nghĩa là, nếu các sự vật là có tự tính tự hữu thì chẳng cần dùng đến Tứ diệu đế, và các nguyên nhân cũng không thể tạo ra kết quả. Do đó, ý nghĩa trọng tâm của chương 24 này là cho thấy những gì ngài Long Thụ muốn nói về tính không không phải chỉ là một sự trống không thuần túy, hay phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại. Tính không nên được hiểu trong ý nghĩa là bản chất phụ thuộc lẫn nhau của thực tại: Chính vì có nguồn gốc duyên khởi mà sự vật hoàn toàn không có sự tồn tại độc lập.

Một đại sư Tây Tạng ở Amdo là Lodrơ Gyatso đã ghi lại được điểm quan trọng này trong một bài kệ rất hay.[80] Ngài nói rằng, tính không trong ngữ cảnh này không có nghĩa là không có tính năng. Vậy nó có nghĩa gì? Đó là nói không có sự hiện hữu chân thật hay tuyệt đối. Giáo lý duyên khởi không liên quan đến thực tại tự hữu hay tự tính cá biệt, nhưng điều nó thực sự gắn liền là thế giới hiện tượng như ảo hóa này. Vì thế, khi hiểu được ý nghĩa của cả tính không lẫn giáo lý duyên khởi, bạn sẽ có thể đồng thời thừa nhận cả tính không và những gì được nhìn thấy trong cùng một phạm vi mà vẫn không có gì mâu thuẫn.

Hơn thế nữa, vị đại sư này còn thêm rằng, tất cả các trường phái triết học đều mô tả quan điểm của họ là tránh khỏi cực biên của chủ nghĩa tuyệt đối bằng cách đề cập tới một dạng tính không nào đó; và tránh khỏi cực biên kia của chủ nghĩa hư vô bằng cách nói về cấp độ của thế giới hiện tượng. Dù vậy, ngài chỉ ra rằng, chỉ khi nào bạn đảo ngược được tiến trình thì bạn mới vượt qua được tất cả các hình thức bám chấp. Dĩ nhiên, đó chính là quan điểm của phái Trung quán Cụ duyên. Vì thế, theo quan điểm của phái này thì chính nhờ vào sự hiểu biết về sự trình hiện (của thế giới hiện tượng) mà người ta được giải thoát khỏi bám chấp vào sự tuyệt đối; và chính nhờ vào sự hiểu biết ý nghĩa chân thật của tính không mà người ta tránh khỏi rơi vào chủ nghĩa hư vô.

Xem mục lục