Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
Yoga Hóa thần Bổn tôn

Trích dẫn nguồn bản văn

Đoạn này có hai phần : phương tiện được giải thích trong những bản văn của Yoga Tối Thượng và trong những bản văn của các tantra cấp thấp như thế nào.

Phương tiện được giải thích trong những 
bản văn của Yoga Tối Thượng như thế nào

Đoạn này có hai phần : phương tiện được giải thích trong các tantra và trong các luận giải như thế nào.

Phương tiện được giải thích trong những 
Tantra Yoga Tối Thượng như thế nào

Chương đầu của Tantra Vajrapanjara bày giải phương tiện một cách rõ ràng :

Nếu tánh Không là phương tiện, thì
Phật tánh không thể là phương tiện. Bởi vì ngoài
Nguyên nhân này không thể có quả nào khác,
Phương tiện không phải là tánh Không.

Những bậc Điều Ngự dạy tánh Không
Để chiến thắng những ý niệm về cái ngã
Cho những người lìa khỏi những (chánh) kiến
Và cho những người tìm kiếm tri kiến về cái ngã.

Bởi thế nó là ‘vòng tròn mạn đà la’,
Nó là một sự gắn liền với phương tiện phúc lạc.
Qua yoga của sự kiêu hãnh của Phật
Phật tánh sẽ không lìa cách xa xôi.

Một Đạo Sư có ba mươi hai tướng tốt
Cũng như đủ tám mươi tướng phụ,
Bởi thế phương tiện để tựu thành
Là mang lấy hình tướng của Đạo Sư.

Bốn đoạn kệ này theo thứ tự (1) bác bỏ sự khẳng định rằng chỉ thiền định về tánh Không là phương tiện, và chỉ ra (2) mục đích của sự chỉ dạy tánh Không, (3) phương tiện không cùng chung và sự vĩ đại của nó, và (4) lý do tại sao Phật tánh được thành tựu qua phương tiện này.

Đoạn kệ đầu tiên có nghĩa : Vốn có dạy trong Vajra-panjara rằng, bởi vì tâm thức bị nhiễm ô bởi những vết bẩn của tư tưởng mình, người ta phải làm mọi cố gắng để tịnh hóa nó. Bấy giờ người ta nghĩ, ‘Để tẩy sạch những vết bẩn này, người ta chỉ cần thiền định về tánh Không bởi vì trí huệ nhận biết tánh Như của vô ngã thì đối nghịch lại những tư tưởng vọng tưởng ra cái ngã trong khi những con đường khác không chống lại những tư tưởng này. Bởi thế, phương tiện để phát triển thành một vị Phật là chỉ thiền định về tánh Không. Cần gì phải làm những thứ khác ?

Bản văn nói rằng bất kể người ta tu hành một phương tiện như vậy ráo riết bao nhiêu, người ta cũng không thể trở thành một vị Phật. Bởi vì, ngoài một nguyên nhân là thiền định về tánh Không, không có phương tiện nào (để thành tựu) quả (của Phật tánh) ; do không có nhánh phương tiện, những nguyên nhân không được đầy đủ. Như thế, chỉ có được sự quen thuộc với tánh Không thì không phải là một phương tiện đầy đủ. Devakulamahamati giải thích rất đúng rằng nó không chỉ là hệ thống của Mật thừa, mà còn là của Thừa Hoàn Thiện.

Câu hỏi : Vậy thì đâu là ý định khi dạy tánh Không?

Trả lời : Tánh Không, hay vô ngã, được dạy để vượt qua hai ý niệm về ngã cho những người lìa khỏi những tri kiến về vô ngã của những hiện tượng v.v… và cho những người tìm kiếm tri kiến về một cái ngã (của con người) và họ gắn chặt vào ý niệm đó. Điều này chỉ ra rằng để tẩy sạch những vết bẩn của những tư tưởng về hai loại ngã (chấp ngã và chấp pháp, có hiện hữu tự thân trong cả con người và hiện tượng) người ta quyết định phải tìm kiếm và trau dồi một tâm thức tìm thấy và nhận biết tánh Như – tính vô ngã.

Trong Thừa Hoàn Thiện cũng dạy tương tự khi nói rằng chỉ thiền định về tánh Không thì không đủ và mục đích của nó là tẩy sạch tâm thức. Sự giải thích này về hai dòng ‘cho những người lìa khỏi những (chánh) kiến / Và cho những người tìm kiếm tri kiến về cái ngã,’ phù hợp với tư tưởng trong bình giải của Devakulamahamati về Vajrapanjara.

Câu hỏi : Nếu chỉ thiền định về tánh Không không là một phương tiện đầy đủ, thì đâu là cái đặc biệt?

Trả lời : Bởi vì chỉ thiền định về tánh Không là không khả thi như là phương tiện, nên phương tiện đặc biệt là ‘vòng tròn một mạn đà la’ (một ‘mạn đà la người ở’ là thân thể của hóa thần bổn tôn và một ‘mạn đà la chỗ ở’ là nơi ở của hóa thần bổn tôn). Những câu kệ nói về điều này như thế nào tiếp sau đây.

Trong bình giải Devakulamahamati về Vajrapanjara câu sau được dịch (ra tiếng Tây Tạng) thành ‘Phương tiện là một sự gắn liền phúc lạc.’ Đây là một cách dịch hay hơn câu được trích dẫn ở trên, ‘Nó là một sự gắn liền với phương tiện phúc lạc.’ Ở đây, một phương tiện cao hơn cái của Thừa Hoàn Thiện được chỉ ra, và nó biểu lộ rằng chỉ thiền định về tánh Không không phải là một phương tiện đầy đủ. Như thế, có một phương tiện được cộng thêm với thiền định về tánh Không, và nó được nói là yoga hóa thần. Bởi thế, thiền định về một vòng tròn mạn đà la (người ở và chỗ ở thiêng liêng của một hóa thần) được biết là phương tiện chính yếu để (thành tựu) một Sắc thân.

Những đặc trưng của phương tiện này có hai, sự phúc lạc và gắn liền. Phúc lạc là sự không tùy thuộc về khổ hạnh. Nhiều hình thức gắn liền được nêu lên trong Tantra Hevajra, nhưng ở điểm này gắn liền phải được hiểu như là sự không thể phân chia của phương tiện – sự xuất hiện của một vòng tròn thiêng liêng – và trí huệ – sự nhận biết tánh Không, vô tự tánh.

Với một yoga của phương tiện và trí huệ như vậy trong đó người ta trau dồi sự kiêu hãnh của một vị Phật như Vairo-chana, người ta đạt đến trạng thái của một vị Phật mà không trải qua một thời gian dài như trong Thừa Hoàn Thiện. Trong cách ấy sự vĩ đại của Mật thừa được trình bày. Sự giải thích yoga hóa thần bổn tôn là con đường nhanh chóng đã bác bỏ những ý kiến sai lầm rằng yoga hóa thần là không hữu ích cho sự thành tựu cái tối thượng.

Câu hỏi : tại sao để thành tựu một Sắc thân người ta cần một yoga mang chứa sự kiêu hãnh của một vị Phật và một vòng tròn mạn đà la?

Trả lời : Vajrapanjara nói :

Một Đạo Sư có ba mươi hai tướng tốt
Cũng như đủ tám mươi tướng phụ,
Bởi thế phương tiện để tựu thành
Là mang lấy hình tướng của Đạo Sư.

Lấy lý do rằng một Sắc thân – đối tượng để đạt được – được trang nghiêm với những tướng chánh và phụ, quả phải được hoàn thành qua một phương tiện có hình tướng hay phương diện của một Đạo Sư.

Trong hai bình giải khác về Vajrapanjara (do Krshnapada và Indrabobhi) không có những nghi ngờ được nhổ sạch và chủ đề được giải thích rõ ràng, nhưng bình giải của Devakula-mahamati thì có (dù không phải tất cả đều đúng). Trong bình giải của ngài về đoạn kệ đầu tiên, ở điểm bác bỏ rằng chỉ thiền định về tánh Không, là phương tiện, ngài giải thích rằng nếu người ta chỉ trau dồi một tánh Không không có phương tiện, người ta sẽ được sanh vào một cuộc đời không thuận lợi như ở Không Vô Biên Xứ. Điều này không đúng (bởi vì người ta trở thành một A la hán Hủy Diệt Kẻ Thù của Tiểu thừa).

Rồi để trả lời cho lý thuyết rằng về mặt con đường, tánh Không là phương tiện và về mặt thành quả, tánh Không là quả, Devakulamahamati giải thích rằng bởi vì tánh Không của cả hai thứ nguyên nhân hay con đường và của kết quả hay thành quả không có những đặc trưng khác biệt nào khác, nên tánh Không – khi được chấp nhận như là quả – cũng không thể là phương tiện. Ngài còn thêm rằng bởi vì nguyên nhân như là một thực thể tạo tác bao hàm sự thấu hiểu (về hiện hữu tự thân) và kết quả là cái trái ngược lại, nguyên nhân và kết quả khác nhau ; bởi thế, phương tiện không thể là tánh Không.

Sự giải thích của ngài về ý định dạy tánh Không thì cũng giống như đã nêu ra ở trên. Rồi có sự nghi ngờ, ‘Nếu Thừa Hoàn Thiện dạy rằng giác ngộ được thành tựu với sự thực hành – qua ba vô số kiếp – sự hoàn thiện của trí huệ kết hợp với năm hoàn thiện kia, vậy dùng những phương tiện như một vòng tròn mạn đà la để làm gì ?’ Để trừ sự nghi ngờ này, Devakula-mahamati giải thích phúc lạc trong đoạn kệ thứ ba như ở trên. Ngài nói rằng ‘gắn liền’ là kinh nghiệm cái lạc của sự kết hợp của hai bộ phận (điều này được giới hạn vào Tantra Yoga Tối Thượng). Sự ‘kiêu hãnh là một Phật’ ngài giải thích (đúng) là thoát khỏi sự kiêu hãnh thường tục, và ‘không lìa cách xa xôi’ ngài giải thích là đạt được Phật tánh trong đời này (nhưng điều này cũng chỉ giới hạn trong Tantra Yoga Tối Thượng).

Người ta có thể nghĩ rằng một Thân Phật được trau dồi theo cách Pháp thân (chỉ thiền về tánh Không mà thôi). Đoạn kệ cuối trừ bỏ mối băn khoăn này, Devakulamahamati giải thích rằng phương tiện là ba cái định trong hình thức của Ba Thân.

Nhiều lama Tây Tạng đã áp dụng (sai) giáo lý yoga hóa thần – một vòng tròn mạn đà la – chỉ dùng nó cho giai đoạn đầu của Tantra Yoga Tối Thượng (giai đoạn phát sanh). Điều ấy có lỗi lầm không phân biệt giữa phạm vi lớn hơn và nhỏ hơn theo tuần tự của yoga hóa thần (nó có trong cả ba tantra cấp thấp và hai giai đoạn của Yoga Tối Thượng) và giai đoạn phát sanh (chỉ có trong Yoga Tối Thượng và là cái đầu tiên của hai giai đoạn). Yoga hóa thần cần được xem là áp dụng cho cả hai giai đoạn (phát sanh và thành tựu).

Quan niệm này cho là thiền định về tánh Không là phương cách độc nhất để thành tựu cả Hai Thân là căn cứ lớn lao của những ý tưởng sai lầm bỏ qua yoga hóa thần như là một phương tiện cho thành tựu tối thượng (Phật tánh). Tôi đã trích dẫn Vajrapanjara bởi vì nó rõ ràng bài trừ sự nghi ngờ này và rõ ràng nói rằng yoga hóa thần phải được trau dồi như một nguyên nhân cho Sắc thân. Như thế, với cái này như là một minh họa, những giáo lý của các tantra khác cũng được hiểu. E rằng đã quá nhiều, tôi không trích dẫn chúng ra ở đây.

Phương tiện được giải thích như thế nào 
trong những bình giải về Yoga Tối Thượng

Đoạn này có hai phần : phương tiện được giải thích như thế nào trong những bản văn của đạo sư Jnanapada và rồi bởi những đạo sư khác.

Phương tiện được giải thích như thế nào 
trong những bản văn của đạo sư Jnanapada

Vị thầy Jnanapada đã nêu ra một trình bày rất rõ ràng về cái được dạy trong tantra được trích ở trên trong tập Đi Vào Phương Tiện của sự Tự Thành Tựu (Atmasadhanavatara). Trước hết, ngài nêu ra con đường của Thừa Hoàn Thiện, ngài nói :

Nếu thiền định về vô ngã thiếu những đặc trưng của phương tiện, nó không thể phát sanh một trí huệ toàn giác thoát khỏi mọi vết bẩn của tư tưởng và cứu giúp tất cả chúng sanh lưu lạc. Bởi thế, người ta cần tu hành ráo riết một phương tiện rất rõ ràng. Vì cái có bản chất cứu giúp tất cả chúng sanh là một trí huệ toàn giác, và sự cứu giúp này khởi sanh từ sự rộng lớn tối hậu, nguyên nhân của nó là chỉ trau dồi phương tiện bởi vì trau dồi vô ngã chỉ có quả là từ bỏ tư tưởng. Hơn nữa, (Trang Hoàng cho những Kinh Điển Đại thừa của Maitreya) nói 
:
Bởi vì cái sâu xa và bởi vì cái rộng lớn
Hai cái này (trí huệ và phương tiện) được dạy để cho cả hai,
Vô niệm và thành quả trọn vẹn,
Bởi thế, chúng là phương tiện tối thượng của tất cả.

Những hoạt động không tà vạy của tâm thức như bố thí… là phương tiện bởi vì khi chúng được hồi hướng toàn triệt về trí huệ toàn giác chúng trở thành những nguyên nhân cho giác ngộ viên mãn. Kinh Cô Đọng về Trí Huệ Hoàn Thiện nói :

Toàn triệt hồi hướng đến giác ngộ,
Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.
Chớ bám chấp vào giác ngộ như một hình tướng.
Điều ấy được dạy cho người sơ học.

Qua đoạn trên, Jnanapada muốn nói : Nếu người ta thiếu phương tiện rộng lớn, bất kể người ta thiền định về vô ngã nhiều bao nhiêu, người ta cũng không thể đạt đến Phật tánh, cái cứu giúp cho mọi chúng sanh lưu lạc. Bởi thế, người ta phải tu hành quyết liệt phương tiện. Trạng thái cứu giúp cho tất cả chúng sanh là dấu in (kết quả) chỉ của phương tiện rộng lớn bởi vì dấu in của thiền định về vô ngã là một sự từ bỏ – chỉ là một diệt mất mọi vết bẩn nhiễm ô.

Điều này không dạy rằng qua thiền định về tánh Không mà không có phương tiện rộng lớn, người ta có thể làm diệt mất mọi vết bẩn nhưng không thể đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Nó cũng không dạy rằng qua trau dồi chỉ phương tiện rộng lớn mà không có thiền định về tánh Không người ta có đạt được một Sắc thân đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh nhưng không thể đạt đến Pháp thân – nó là sự diệt hết mọi vết bẩn. Bởi vì không có Thân nào có thể đạt được mà không có cái kia. Bởi vì Pháp thân và Sắc thân có sự tương quan quyết định phải dựa vào một tập hợp nguyên nhân, chúng không bao giờ tách biệt nhau.

Hơn nữa, trí huệ nhận biết tánh Không, nó được thúc đẩy bởi nguyện vọng trước đó là đạt đến giác ngộ vì tất cả chúng sanh, tịnh hóa mọi vết bẩn của vọng tưởng về ngã. Bởi thế, trí huệ này là nguyên nhân đặc biệt của Pháp thân, cái này có hai sự thanh tịnh (thanh tịnh tự nhiên và thanh tịnh với những nhiễm ô ngoại lai). Tuy nhiên, trí huệ nhận biết tánh Không cũng là một nguyên nhân cộng tác của một Sắc thân.

Tương tự, những phương tiện rộng lớn là những nguyên nhân đặc biệt của một Sắc thân nhưng cũng là những nguyên nhân cộng tác của Pháp thân. Bởi vì nếu người ta không ráo riết tu hành những phương tiện này thì bất kể người ta thiền định nhiều bao nhiêu về tánh Như của các hiện tượng, người ta chỉ có thể từ bỏ được vòng sanh tử và không thể đạt đến Pháp thân là sự diệt mất mọi vết bẩn. Cũng thế, nếu người ta không nỗ lực với trí huệ nhận biết tánh Không, thì bất kể người ta tu hành những phương tiện này nhiều bao nhiêu, người ta cũng không thể đạt được một Sắc thân.

Tuy nhiên, sự diệt mất mọi vết bẩn khi thành Phật phải được xem như một dấu in của việc đã thiền định về tánh Không, trong khi trở thành chỗ nâng đỡ cho mọi chúng sanh lưu lạc phải được xem như dấu in của những phương tiện rộng lớn. Ví dụ, bởi vì cả ba điều kiện phải hiện diện để sanh ra một nhãn thức nắm bắt hiểu biết được màu xanh, thức này là một kết quả của cả ba cái. Tuy nhiên, sự hiểu biết này của nó về một hình sắc thấy được mà không phải là những thứ khác, như âm thanh, là một dấu in của giác quan mắt. Hiện thể của nó được phát sanh như một thực thể được kinh nghiệm, là dấu in của ‘điều kiện trực tiếp trước đó’ (một khoảnh khắc trước của tâm thức). Hiện thể được phát sanh trong hình ảnh màu xanh là dấu in của đối tượng.

Trích dẫn từ Trang Hoàng cho những Kinh Điển Đại thừa của Maitreya (ở trang trước) là một nguồn bản văn chỉ ra rằng nếu cả hai yếu tố phương tiện và trí huệ đều đầy đủ, chúng là phương tiện không gì hơn để thành tựu quả. Trích dẫn từ Kinh Cô Đọng về Trí Huệ Hoàn Thiện (ở trang trước) là một nguồn bản văn chỉ ra rằng nếu những phương tiện để thành tựu Phật tánh – bố thí… – được hồi hướng cho giác ngộ và được kết hợp với trí huệ không bám nắm (vào hiện hữu nội tại), chúng sẽ trở thành những phương tiện (đích thực, có khả năng duyên thành sự đạt đến Phật tánh).

Sau đó, Jnanapada nêu lên phương tiện đặc biệt của Mật thừa : ‘Điều ấy thực ra không phải thế, bởi vì ngoài sự trau dồi những nguyên nhân khác nhau, thì không có sự thiền định nào không tương hợp với giác ngộ viên mãn được thành hiện thực.’ Điều này nghĩa là bố thí… chúng được giải thích là phương tiện trong Thừa Hoàn Thiện, không phải là phương tiện không gì hơn hay là tối thượng bởi vì chúng không có sự thiền định tương hợp với một Thân Phật được hiện thực hóa. Vì trong Thừa Hoàn Thiện người ta chỉ trau dồi những con đường hoàn toàn khác trong phương diện với quả (của một Sắc thân).

Jnanapada chứng minh rằng nếu (một hệ thống) không có sự trau dồi một con đường tương ưng với một Sắc thân, nó sẽ không là một phương tiện không gì hơn để thành tựu Phật tánh. Ngài nói : ‘Những quả mà tự tánh của chúng có một bản chất của sự sâu xa và rộng lớn thì được thành tựu từ chính bản chất của chúng.’

Như thế, tổng quát những quả để đạt được là Pháp thân với một bản chất của sự sâu xa và (một Sắc thân) được trang nghiêm với những tướng chánh và phụ chói lọi, an trụ không bao giờ biến đổi. Hai cái này là không thể phân chia trong một thực thể ; đây là ý nghĩa của ‘tự tánh của chúng.’ Như thế, phương tiện và trí huệ thành tựu (những kết quả) như vậy phải tương ưng với chúng. Ví dụ, khi (thực hành để) thành tựu tâm của một bậc Điều Ngự – Pháp thân – một thiền giả đặt tâm nó ngay trong tánh Như của các hiện tượng và trau dồi một con đường tương ưng với tâm của một bậc Điều Ngự. Cùng cách ấy, khi (thực hành để) thành tựu một Sắc thân, một thiền giả phải trau dồi một con đường tương ưng với Thân ấy theo nghĩa thân thể của chính nó xuất hiện với đầy đủ những tướng chánh và phụ. Vì Pháp thân và Sắc thân tương tự nhau một cách triệt để trong nghĩa nếu con đường có phương diện tương tự với cái này được thực hành, thì cái kia cũng được thực hành, và nếu cái này bị bỏ, thì cái kia cũng bị bỏ.

Nghĩ đến điều này, Jnanapada nói trong Tự Thành Tựu, ‘Bởi thế, như trong trường hợp với vô ngã, người ta cần thiền định về bản chất của sự rộng lớn trong cách thức của sự không khác biệt.’ Sự rộng lớn của hệ thống này là yoga hóa thần bổn tôn ; tôi sẽ giải thích về sau (trong đoạn về Tantra Yoga Tối Thượng) nó rộng lớn thế nào. Thành tựu qua những phương cách như thế được gọi là ‘thành tựu từ chính bản chất của chúng.’

Về mặt quả, cái nền tảng – một thân được trang nghiêm với những tướng chánh và tướng phụ – và tâm không bám nắm (vào hiện hữu nội tại) nó dựa vào nền tảng đó an trụ đồng thời như một thực thể không thể phân chia. Cùng cách ấy, về mặt con đường, phương tiện là thân của thiền giả xuất hiện với tâm thức của chính nó trong hình dạng thân của một Như Lai, và cùng lúc ấy tâm của nó trở thành trí huệ thấu hiểu tánh Như – vô tự tánh của mọi hiện tượng. Hai cái này là một là một hợp thể đồng thời, không thể phân chia trong thực thể của một tâm thức. Điều này có thể được hiểu như (ý nghĩa của) phương tiện và trí huệ không thể phân chia (trong Mật thừa). Qua trau dồi yoga nối kết hai cái này trong cùng một lúc người ta đạt đến trạng thái trong đó chính trí huệ bất nhị xuất hiện như những Sắc thân đối với người tu hành.

Nếu phương tiện tối cao – sự xuất hiện của một hóa thần – thiếu trí huệ và không có sự nhận biết không sai lầm về bản chất của tự tâm, người ta không thể tiến đến Phật tánh. Bởi thế, phải cần có hợp thể của hai cái. Tự Thành Tựu của Jnanapada nói, ‘Bởi vì một bậc Hàng Phục có sự tỏa sáng vô cùng dùng như một nguồn của những kỳ tích vô biên cho chính mình và những người khác, ngay cả nếu điều này có đặc tính của phương tiện chân chánh tối cao được trau dồi một cách rành mạch mà không có trí huệ, nó cũng không thể là một phương cách để thành tựu mọi kỳ tích ; bởi thế, bản chất (của thân thể thiêng liêng của hóa thần) phải được biết không chút sai lầm.’

Trí huệ nhận biết vô tự tánh và xuất hiện trong hình dạng của một hóa thần bản thân nó là một thực thể với tâm của yoga hóa thần, cái rộng lớn. Tuy nhiên, phương tiện và trí huệ được trình bày như khác biệt là do quán tính của sự quy ước về những đối nghịch khác nhau thì phủ định nhau dựa vào sự kiện rằng những đối nghịch của chúng là khác biệt. Trí huệ được thiết lập từ quan điểm là cái đối nghịch với một tâm thức vọng tưởng sai lầm về ý nghĩa tánh Như. Cái hiểu biết về cái tối hậu (tánh Không) – mục tiêu rốt ráo của hiểu biết – là cái hiểu biết tối thượng. Phương tiện được thiết lập từ quan điểm là cái đối nghịch với cái không có khả năng thành tựu quả của nó, Phật tánh. Những phương tiện của Phật tánh thì có thể thành tựu trạng thái này. Trong cách ấy, Jnanapada nói trong Tự Thành Tựu, ‘Lại nữa, những (phương tiện và trí huệ) này là một bản tánh trong tâm rộng lớn không sai lầm. Dù vậy, quy ước về sự khác biệt khiến người ta hiểu rằng chúng khác nhau. Nó là như vầy : Trí huệ được hiểu như là một thực thể đối nghịch với một tâm thức lầm lẫn về tánh Như, và phương tiện được trình bày là sự đối nghịch với cái không có khả năng mang chứa quả tương ứng của nó.’ Dù cho Jnanapada diễn tả thể thức thiết lập phương tiện và trí huệ theo cách tổng quát, ở điểm này những nền tảng (ngài dùng) để ấn định phương tiện và trí huệ là phương tiện và trí huệ đặc biệt của Mật thừa.

Như thế, một Sắc thân được thành tựu qua sự xuất hiện của trí huệ thấu hiểu (tánh Không) như là một vòng tròn mạn đà la thiêng liêng, và Pháp thân được thành tựu qua sự nhận biết bản tánh của nó – tánh Không. Người ta phải biết rằng kết hợp phương tiện và trí huệ không nhị nguyên như thế là ý nghĩa chính của phương tiện và trí huệ và của những yoga được xiển dương trong Mật thừa.

Xem mục lục