Qua những Con Đường có những Khác Biệt,
Quả của chúng không khác như cao hơn và thấp hơn
Đoạn này có hai phần, ý nghĩa thực sự và sự khác biệt giữa những con đường Hoàn Thiện và Mật.
Ý nghĩa thực sự của sự việc không có những Quả
khác nhau của những Con Đường khác nhau
Bác bỏ : Nếu những con đường của hai thừa có cao thấp, bấy giờ mục tiêu đạt đến của chúng là Phật tánh cũng phải thế. Nếu những nguyên nhân khác nhau, sẽ mâu thuẫn nếu những kết quả không khác nhau ; khác đi, sự khác biệt trong những nguyên nhân là vô nghĩa. Bởi thế, địa thứ mười một của ánh sáng hoàn toàn (Đẳng Giác) thì thấp hơn địa của Kim Cương Trì (Vajradhara). Chương bốn của phần đầu Tantra Samputa nói :
Tóm lại Phật tánh
Được thành tựu qua vô số
Hay mười triệu kiếp
Con sẽ đạt đến trong đời này
Qua phúc lạc tuyệt hảo nhất,
Hay là (địa của) Kim Cương Trì.
Bản văn này giảng giải rằng Phật tánh, nó được đạt đến qua mười triệu hay vô số kiếp, và Kim Cương Trì tánh là khác nhau. Nó cũng nói, ‘Trong đời này con sẽ đạt đến hoặc là Phật tánh hay Kim Cương Trì tánh. Những vị đã không đạt đến trạng thái bất khả tư nghì là những Như Lai, những vị Phật. Để làm sáng tỏ cái cần được làm sáng tỏ (đó là người đạt đến trạng thái bất khả tư nghì), vị ấy được gọi là Vajrasattva.’
Trả lời : (Sự giải thích của bạn) là không đúng. Đoạn này không dạy rằng qua con đường Yoga Tối Thượng người ta thành tựu trong chỉ một đời hoặc là địa của ánh sáng hoàn toàn được nêu ra trong Thừa Hoàn Thiện hay là địa của Kim Cương Trì được nêu ra trong Mật thừa. Lại nữa, ngay cả những người của Thừa Hoàn Thiện cũng không xác nhận rằng không có sự khác biệt giữa (Bồ tát địa thứ mười được gọi là) ‘Phật’ được đạt đến qua vô số kiếp và địa thứ mười một của ánh sáng hoàn toàn. Bởi vì có hai loại đạt đến qua vô số kiếp ; một loại là một vị ‘Phật’ tức là một Bồ tát ở địa thứ mười được gọi là một vị Phật (trong khi loại kia là một vị Phật thực sự của địa thứ mười một). Trang Hoàng cho những Chứng Ngộ của Maitreya nói :
Vượt khỏi địa thứ chín, trí huệ
Nhờ nó người ta an trụ vào địa của một vị Phật
Được biết như là
Địa thứ mười của một Bồ tát.
Địa Kim Cương Trì (Phật tánh thật sự) là địa thứ mười một. Dù có những giải thích trong Mật thừa về địa thứ mười hai, mười ba, và mười bốn, những học giả Ấn đã giải thích chúng như là những phân chia của những người trong Thừa Hoàn Thiện. Tôi sẽ giải thích điều này về sau khi đề cập đến quả (vào phần chót của Tantra Yoga Tối Thượng).
Bạn cần biết rằng địa thứ mười một của ánh sáng hoàn toàn và Kim Cương Trì là như nhau, cái mà trong các bộ của Kinh có thể hoàn thành trong ba vô số kiếp, và trong các bộ của Tantra trong một đời. Bạn không nên cho rằng bởi vì nó được gọi là Vajradhara (Kim Cương Trì) mà nó không phải là một quả của Thừa Hoàn Thiện. Luận văn về sự Thiết Lập những Nguyên Lý của Shantirakshita nói, ‘Đại lạc vinh quang, Vajrasattva – mục tiêu chứng ngộ của những con đường khác trải qua nhiều vô số kiếp – được thành tựu không khó khăn trong chính đời này bởi những người có phương tiện của Kim Cương thừa.’ Như thế, Shantirakshita vinh quang nói rằng Kim Cương Trì tánh là mục tiêu đạt đến của cả hai con đường.
Cũng thế, bình giải của Abhayakara về đoạn văn từ Tantra Samputa (trang trước) trong Những Chương của những Giáo Huấn tinh yếu của ngài nói, ‘ “Phật” ám chỉ bậc ở địa thứ mười. “Phật Cao Tột” là sự đạt đến của một con đường đặc biệt. “Kim Cương Trì” ám chỉ bậc ở địa thứ mười một.’ Cũng thế, Ngọn đèn cho Ba Thể Thức của Tripitakamala nói :
Dù mục tiêu là đồng, nhưng khảo luận của Mật
Thì cao hơn bởi vì dành cho người không bị che ám,
Có nhiều phương tiện thiện xảo, không có những khó khăn, và
Được đặt ra cho những người khả năng nhạy bén.
Chính người bác bỏ cũng xác nhận rằng điều này có nghĩa là mục tiêu đạt đến của Mật thừa và Thừa Hoàn Thiện là như nhau.
Hơn nữa, Thừa Hoàn Thiện giải thích rằng người đã đạt đến địa của ánh sáng hoàn toàn đã loại bỏ hai ngăn chướng cùng với những tập khí tiềm ẩn của chúng và đã đạt đến mọi phẩm tính Phật như những thần lực, những vô úy, và những phẩm tính bất cộng. Nếu có cái gì còn cao hơn Phật tánh được nói trong Thừa Hoàn Thiện, người ta phải xác nhận rằng dù hai ngăn chướng cùng với những tập khí tiềm ẩn của chúng đã bị loại bỏ, thì vẫn còn những khiếm khuyết cần phải loại trừ tiếp. Người ta phải chấp nhận rằng dù bốn trăm bốn mươi chín phẩm tính không ô nhiễm, như là mười lực, đã đạt được, người ta còn chưa thành tựu những phẩm tính tốt lành. Bởi thế, nên phân tích – như nhiều học giả Ấn Độ đã làm – nếu không dựa vào con đường Mật thừa, người ta có thể hay không thể tiến đến một trạng thái như thế khi chỉ dùng những con đường được giải thích trong Thừa Hoàn Thiện ; tuy nhiên, sẽ sai lầm khi xác nhận rằng người ta có thể tiến đến địa của ánh sáng hoàn toàn chỉ bởi con đường Hoàn Thiện và còn phải tiến cao hơn.
Những cách thức tiến bộ trên những con đường Hoàn Thiện và Mật khác nhau như thấp với cao theo nghĩa trên cái trước người ta không thể và trên cái sau người ta có thể trở thành hoàn toàn giác ngộ mà không phải qua vô số kiếp (thực hành). Tuy nhiên, điều này không làm cho các quả khác nhau về phẩm chất. Nhưng ngược lại, không phải là vô căn cứ khi sự khác biệt trong những nguyên nhân là có ý nghĩa, bởi vì dù cho quả không khác nhau về phẩm chất, thì chúng cũng khác biệt lớn lao về khoảng cách xa hay gần.
Sự khác biệt giữa những con đường Hoàn Thiện và Mật
Đoạn này có hai phần, sự khác biệt theo hệ thống riêng của chúng ta và theo những giải thích của những vị thầy khác.
Sự khác biệt giữa những con đường Hoàn Thiện
và Mật theo hệ thống riêng của chúng ta
Sự khác biệt về tốc độ giữa ba tantra cấp thấp và Thừa Hoàn Thiện là (trong những con đường của ba tantra cấp thấp) những thực hành để giác ngộ được hoàn thành qua nhiều thành tựu chung dựa vào những thần lực của yoga hóa thần và trì tụng, và qua nhiều phương tiện thiện xảo như được gia hộ và ban pháp trực tiếp bởi chư Phật và Đại Bồ tát. Sự khác biệt về tốc độ trong Tantra Yoga Tối Thượng là ngay giai đoạn phát sanh đã có nhiều phần chủ yếu sâu xa mà ba bộ tantra cấp thấp không có, trong khi giai đoạn thành tựu có những phần chủ yếu sâu xa tối thượng. Những điều này sẽ được giải thích về sau.
Một khác biệt về tốc độ trong sự tiến triển đến giác ngộ mà không qua nhiều vô số kiếp là một đặc trưng độc đáo của Tantra Yoga Tối Thượng. Một sự đạt được như vậy đối với những người tu hành của ba bộ tantra cấp thấp tùy thuộc việc họ đã đi vào hai giai đoạn của Yoga Tối Thượng ; chỉ những con đường riêng của họ thì không đủ. Như thế phải thấy rằng mọi khác biệt về tốc độ trong Mật thừa chỉ tùy thuộc vào sự tiến triển đến giác ngộ hoàn toàn trong một đời của thời đại xung đột này hay vào sự tiến triển đến giác ngộ hoàn toàn mà không cần trải qua những vô số kiếp.
Sự khác biệt giữa những con đường Hoàn Thiện và Mật
theo những giải thích (sai lầm) của những vị thầy khác
Đoạn này có hai phần, sự khác biệt theo Bình Giải về những Điểm Khó trong tantra Samvarodaya của Ratnarakshita và Ngọn Đèn cho Ba Thể Thức của Tripikamala.
Sự khác biệt giữa những con đường Hoàn Thiện và Mật
theo ‘Bình Giải về Tantra Samvarodaya’ của Ratnarakshita
Ratnarakshita giải tích rằng những thiền định về sự giải thoát khỏi những tạo tác (về tự ngã, những quy ước, và nhị nguyên) ở giai đoạn thành tựu thì như nhau trong cả hai thừa. Ngài cũng chỉ ra trong Kinh Sự Gặp Gỡ của Cha và Con nói rằng đối với một Bồ tát đã đạt đến định của lạc thấm nhuần mọi hiện tượng, thì chỉ có một cảm giác vui sướng khởi lên đối với mọi vật ; đau khổ và trung tính không xảy ra, và dầu có một phần nhỏ thân thể của ngài bị cắt hay dù cho thân thể ngài bị đám voi chà đạp, thì cũng chỉ có một phân biệt của lạc được duy trì. Ratnarakshita nói rằng cái lạc này (nó là một phẩm tính của Thừa Hoàn Thiện) không xung đột với Mật thừa (được giả định sai lầm rằng cái lạc này là giống như cái lạc trong Mật thừa) và rằng kinh này cũng nêu ra phương tiện của Mật thừa. Ngài nói (đúng) rằng nguyên nhân chính của mọi điều kỳ diệu thế gian và siêu thế gian là do tâm giác ngộ trong Thừa Hoàn Thiện và rằng điều tương tự cũng được dạy trong Mật thừa. Trích dẫn Những Hình Tướng Chiếu Sáng như những Kim Cương và các nguồn khác, ngài ‘chứng minh’ rằng ngay cả đại lạc là chung (cho cả hai Thừa Hoàn Thiện và Mật thừa).
(Ratnarakshita nêu ra một cách đúng đắn rằng) Trang Hoàng cho những Chứng Ngộ của Maitreya nói, ‘(Những Bồ tát của Thừa Hoàn Thiện) là thiện xảo trong sự sử dụng tham muốn,’ và trong Kinh Chương Kashyapa nói qua ví dụ về một người làm nông rằng phân bón những phiền não thì quan trọng cho sự lớn lên của những phẩm tính Phật. Bởi thế, (ngài chỉ ra một cách đúng đắn rằng) đi vào trong những sự vật của cõi dục là chung cho cả hai thừa. Cũng thế, (dù ngài giải thích đúng rằng) nền tảng của quả và các thứ là như nhau trong cả hai thừa, ngài (đã sai khi) rút ra kết luận giai đoạn phát sanh là đặc trưng độc đáo của Mật thừa.
Ratnarakshita nói trong bình giải về chương thứ mười ba của Tantra Samvarodaya, ‘Bởi thế nếu người ta không tu hành giai đoạn phát sanh, (sự thực hành của người ta) không có đặc trưng của con đường Mật thừa.’ Ngài nói điều này (một cách sai lầm) khi nghĩ rằng mọi trau dồi yoga hóa thần bao hàm trong giai đoạn phát sanh (trong khi yoga hóa thần không chỉ có trong hai giai đoạn của Tantra Yoga Tối Thượng (phát sanh và thành tựu) mà cũng có trong ba tantra cấp thấp) rằng những yoga về kinh mạch, khí và hạt là để phát sanh lạc (trong khi những cái này phát sanh lạc bẩm sinh thấu hiểu tánh Không), và rằng lạc này là như nhau (trong hai thừa, trong khi có một sự khác biệt lớn lao).
Sự khác biệt giữa những con đường Hoàn Thiện và Mật
theo ‘Ngọn Đèn cho ba Thể Thức’ của Tripitakamala
Ngọn đèn cho ba Thể Thức của Tripitakamala nói :
Dù mục tiêu là đồng, những khảo luận của Mật
Thì cao hơn bởi vì dành cho người không bị che ám,
Có nhiều phương tiện thiện xảo, không có những khó khăn, và
Được đặt ra cho những người khả năng nhạy bén.
Ngài nói rằng quả – toàn giác – không khác nhau trong Thừa Hoàn Thiện và Mật thừa, nhưng bốn bộ tantra thì cao hơn Thừa Hoàn Thiện vì bốn đặc trưng.
Sự giải thích sai lầm của Tripitakamala
Đặc trưng dành cho những người không bị che ám của Mật thừa : Khi những người của Thừa Hoàn Thiện dấn thân vào bố thí… họ làm thế với cái hiểu (sự vô tự tánh của) ba lãnh vực (tác nhân, hành động và đối tượng) ; bởi thế, họ không quá bị che ám. Tuy nhiên, bởi vì họ dấn thân vào sự bố thí bên ngoài như cho đi đầu mình v.v…, họ không có khả năng rất nhạy bén ; như thế, họ hoàn thành giác ngộ trải qua một thời kỳ lâu dài.
Những người tu hành sự tiếp cận của Mật thừa không có sự che ám này. Vì lẽ, một hoàn thiện (ba la mật) là khả năng đáp ứng một ước muốn của tất cả chúng sanh một cách đồng thời, và bởi vì cho cái đầu của mình v.v… không thể cứu giúp chúng sanh vô biên, những hành giả Mật thừa thấy rằng một hoàn thiện là một quả của định. Thấy là bình thường (bố thí v.v…), họ tìm kiếm một phương pháp cao hơn. Qua sự trau dồi đồng thời và không loại trừ một chiều hướng nào cái định của sự bất nhị giữa phương tiện và trí huệ, lợi lạc của chúng sanh vô biên có thể được đáp ứng. Nhờ đó, sự hoàn thiện của bố thí (bố thí ba la mật) được hoàn thành cùng với những hoàn thiện (ba la mật) còn lại. Bởi vì sự bố thí bình thường một thân thể v.v… không bao hàm điều này, nó không được xem là một hoàn thiện.
Đặc trưng có nhiều phương tiện của Mật thừa : Những khổ hạnh, thệ nguyện, giới luật v.v… được nêu ra trong Thừa Hoàn Thiện như những phương tiện cho những địa vị cao (trong vòng sanh tử) và giải thoát (khỏi sanh tử này) phù hợp với sự tu hành trong những hoạt động rất an bình ; bởi thế, chúng không thể giúp đỡ cho tất cả chúng sanh. Trong Mật thừa, bốn bộ tantra được nêu ra cho sự thực hiện lợi lạc của tất cả chúng sanh. Về điều này, người ta trước tiên hiểu biết loại phiền não nào trổi vượt trong chính mình, và rồi, như trong trường hợp tham muốn, người ta phát sanh chính mình như A Di Đà và đi vào một mạn đà la tâm của trì tụng (bằng tâm thức) một mật chú, một mạn đà la khẩu của phát sanh các nguyên âm và phụ âm như các hóa thần bổn tôn, và một mạn đà la thân của thiền định về một cung điện vô biên với nền tảng của nó. Như thế, ba sự tiếp cận khác nhau này được nêu ra (cho một phiền não).
Đặc trưng không có những khó khăn của Mật thừa : Có sự khó khăn hay không là do tâm và không nhất thiết do một hiện tượng riêng biệt nào, bởi vì cái khó đối với người này thì dễ đối với người khác. Cái dẫn dắt một người chạy theo những tham muốn của nó thì đem lại sự đạt được lạc qua chính lạc ; như thế, những công hạnh khó khăn không được chủ trương trong Mật thừa.
(Những thực hành Mật thừa được nêu lên phù hợp với những khả năng của người tu hành là như sau :) Những người tốt nhất trong số người có những khả năng cao – họ không đi vào những lỗi lầm của tham muốn v.v…, ít phóng dật, mà có lòng bi lớn lao và nỗ lực với tánh Như bất nhị – được dạy cho Đại Ấn (sự bất khả phân của trí huệ và phương tiện). Điều này cũng được gọi là ‘phương tiện và trí huệ’ – thực thể của trí huệ về vô ngã trong một vị với đại bi.
Loại trung bình (trong những người có những khả năng cao) đã lìa bỏ những sự vật gây thích thú thường tục, mà không từ bỏ những tư tưởng tham muốn v.v… Họ không thể đi vào đại dương của trí huệ tối hậu, và được dạy cho thiền định về một Ấn Trí Huệ (một phối ngẫu do tham thiền). Giải Thích Vắn tắt về mọi Lời Nói của Jnanakirti giải thích rằng họ thiền định về năm dòng Như Lai và những Tri Thức Nữ của các ngài, nữ thần Lochana v.v… Ngài giải thích con đường thâm nhập tánh Như qua sự thiền định về những hóa thần : Chính tâm thức, khi cố định vững chắc vào thân thể hóa thần, xuất hiện như hóa thần và không có đối tượng bên ngoài nào. Nhờ đó người ta đến chỗ hiểu được giáo lý không bám chấp vào ba lãnh vực của một đối tượng thiền định, sự thiền định và người thiền định. Bấy giờ người ta an trụ trong một thân thoát khỏi những tư tưởng về những đối tượng bên ngoài và về chủ thể và đối tượng. Ngoài ra, người ta cũng hiểu bởi những lời dạy tinh yếu của một guru rằng những thân này vô tự tánh bởi vì không phải một cũng chẳng phải nhiều. Bấy giờ, người ta hiểu rằng tất cả hiện tượng đều vô tự tánh như thế. Nghĩ đến điều này, Phật đã nêu ra vô số thiền định về hóa thần.
Những người kém nhất trong số người có những khả năng cao thì vui sướng trong trí huệ bất nhị, nhưng họ không từ bỏ những tham muốn của cõi dục ; qua tiếp cận với một đối tượng đáng ưa tâm thức họ bị phóng dật và không đi vào định. Họ được chấp nhận dạy cho những Ấn Cam Kết (những phối ngẫu hiện thực) có những thuộc tính của Tri Thức Nữ được giải thích rải rác ở những chỗ khác (trong các tantra, như những phẩm chất về hình thể, sắc đẹp, tuổi tác, dòng họ, tu hành tuyệt hảo những mật chú và tantra, và giữ gìn những cam kết của tantra).
Những Ấn Hoạt động (những phối ngẫu hiện thực không nhất thiết có đủ mọi thuộc tính)(10) được dạy cho những người mà tham muốn rất lớn lao, sự hiểu biết về tánh Như không lớn, vì tâm thức họ không thể đạt đến quân bình qua những phương tiện khác. Ở đây họ cũng thực hành bằng cách tương hợp (với thần tánh bằng cách quán tưởng phối ngẫu như có một thân thần chú của một hóa thần bổn tôn và một bản tánh của trí huệ và bằng cách tự quán tưởng họ trong hình tướng một đức Phật toàn giác hoạt động từ đại bi).
Về (nhóm chót) này, Ngọn đèn cho Ba Thể Thức của Tripitakamala không giải thích những khả năng hay những Ấn Hoạt Động là gì nhưng Jnanakirti giải thích rằng những người kém nhất trong số người có những khả năng cao thì có hoặc là Ấn Cam Kết hay Ấn Hoạt Động. (Về sự khác biệt giữa hai cái này) Jnanakirti không nói rõ những người này có thực sự dấn thân vào hành vi hay không và Tri Thức Nữ đầy đủ phẩm chất hay không.
Bởi thế, giữa những người tu hành đi vào Mật thừa có những khả năng tốt nhất, những người không tham muốn những thuộc tính cõi dục của một Tri Thức Nữ (hoặc quán tưởng hay hiện thực) được dạy thiền định về Đại Ấn (sự không thể phân chia của phương tiện và trí huệ không bao gồm một phối ngẫu thuộc bất cứ loại nào). Trong những người tham muốn những thuộc tính cõi dục của một Tri Thức Nữ, những người không tham muốn một Tri Thức Nữ bên ngoài (một phối ngẫu hiện thực) được dạy thiền định về một Trí Huệ Ấn (một phối ngẫu do thiền định). Những người tham muốn một Tri Thức Nữ bên ngoài được cho phép cả hai thứ những Cam Kết Ấn và Hoạt Động Ấn (những phối ngẫu hiện thực đầy đủ phẩm chất và không đầy đủ phẩm chất). Như thế, sẽ mâu thuẫn khi tuyên bố hệ thống này của đạo sư (Tripitakamala) như là của mình và xác nhận (như là đúng) rằng những người tu hành chủ yếu của Yoga Tối Thượng phải có tham muốn lớn lao đối với thuộc tính cõi dục của một Tri Thức Nữ bên ngoài.
Đặc trưng được đặt ra cho những người có khả năng nhạy bén của Mật thừa : Đạo sư Tripitakamala giải thích rằng những thiền giả của bốn chân lý cao cả không thấu biết tánh Như ; bởi thế họ có những khả năng chậm lụt. Những thiền giả của những hoàn thiện thì thiếu sót về phương tiện ; bởi thế, họ có những khả năng trung bình. Những người đi vào sự tiếp cận của Mật thừa không bị che ám bởi thứ gì cả ; bởi thế, họ có những khả năng sắc bén bởi vì với thiện xảo trong những phương tiện họ sử dụng được cái gây ra cho những người khác đi vào những cõi thấp, xấu và qua nó họ đạt đến một trạng thái rất thanh tịnh.
Một Giải Thích Tóm Tắt về Mọi Lời Nói của Jnanakirti nói :
Những người không thích thiền định
Về một Trí Huệ Ấn và các thứ
Có ít năng lực trí huệ, như thế họ
Không thiền định về Đại Ấn
Để giúp đỡ họ, bậc Toàn Giác
Dạy cho chính những hình thức
Của Vajrasattva và các thứ
Với danh nghĩa là một Đại Ấn.
Ngài giải thích rằng đối với những người không thể thiền định về Đại Ấn do ít năng lực trí huệ và họ không thích thiền định về ba Ấn kia (Trí Huệ, Cam Kết và Hoạt Động), một thân thể hóa thần được dạy với danh nghĩa là một Đại Ấn. Đây là sự thiền định của những Tantra Yoga. Qua cái này, (ngài nói) người ta cũng có thể hiểu (sự thiền định của) Tantra Thực Hiện và tantra Hoạt Động.
Bác bỏ những Ý Kiến này
Ngay cả những người của Thừa Hoàn Thiện cũng xác nhận rằng đại bi – phương tiện – và trí huệ nhận biết tánh Như – vô ngã của các hiện tượng – là sự sống của con đường. Nếu một hoàn thiện về bố thí chứa đựng sự đáp ứng những ước mong của chúng sanh được làm qua việc cho đi những đồ vật vật chất như cái đầu của mình, thì sự hoàn thiện của bố thí chẳng bao giờ hoàn thành được. Ý kiến này bị bác bỏ bởi chính những người theo Thừa Hoàn Thiện, khi họ nói rằng sự hoàn thiện của bố thí có nghĩa để tịnh hóa những vết bẩn của sự keo kiệt và của chấp ngã bám nắm đối với mọi tài sản và để tăng trưởng tâm bố thí đến giới hạn cao nhất của nó. Đi vào Bồ tát Hạnh V. 9-10 của Shantideva nói :
Nếu để loại trừ sự nghèo khó của chúng sanh,
Một hoàn thiện của bố thí được làm,
Thế thì bây giờ còn những người nghèo, làm sao
Những bậc Bảo Vệ ngày xưa đã thành tựu hoàn thiện ?
Qua một thái độ cho đi với tất cả chúng sanh
Mọi sở hữu của mình cùng với những kết quả của chúng
Một hoàn thiện của bố thí được xem là xảy ra,
Như thế nó là đúng trong thái độ.
Bởi thế, sự giải thích về đặc trưng không bị che ám của Mật thừa theo Tripitakamala có vẻ lúng túng. Đặc trưng những người có những khả năng nhạy bén cũng có vẻ rối rắm bởi vì nếu được hiểu theo nghĩa những người tu hành của thừa ấy không bị che ám đối với phương tiện, thì đó chỉ là một sự lặp lại của đặc trưng không bị che ám. Nếu nó được xác nhận như là sử dụng tham muốn đối với những thuộc tính của cõi dục trong con đường, thì bấy giờ, bởi vì những người tu hành cấp cao nhất của Mật thừa không có những tham muốn như vậy (theo sự giải thích sai lầm này), đặc trưng này phải không có trong những người tu hành chủ yếu Mật thừa.
Lại nữa, trong nhiều chỗ có giải thích (đúng) rằng những người tu hành tốt nhất đi vào Mật thừa được dẫn dắt trọn vẹn qua giai đoạn đầu (phát sanh), rồi họ được dẫn dắt vào giai đoạn hai (thành tựu), và khi giai đoạn này trở nên vững chắc, họ đi vào một hạnh dựa vào một Tri Thức Nữ và nhờ đó trở nên giác ngộ hoàn toàn trong đời này. Bởi thế, sự xác nhận này nói rằng thiền định về một Trí Huệ Ấn và sự cho phép một Cam Kết Ấn v.v… là dành cho những người có khả năng cấp trung bình và cấp thấp tỏ ra lúng túng. Như thế, sự phân biện cần phân tích những xác nhận này và những cái khác.
Nhiều lama Tây Tạng giải thích rằng ‘nhiều phương tiện’ có nghĩa là nhiều tích tập những hoạt động làm an bình v.v…, và họ giải thích ‘không có những khó khăn’ có nghĩa là dùng những thuộc tính của cõi dục trong con đường. Tuy nhiên, những giải thích ấy không có trong những tác phẩm của đạo sư Tripitakamala hay đạo sư Jnanakirti.