Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

ĐẠO SƯ

Hằng hà sa số chư Phật đã xuất hiện trong quá khứ, và chúng ta đã không có may mắn được gặp các Ngài. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời là để hóa độ chúng sinh trong thời đại suy thoái này. Ngài đã xuất hiện trong thế gian 2500 năm trước và từ đó đã chỉ dạy cho nhiều chúng sinh con đường giải thoát khỏi sự luân hồi đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta không có diễm phúc được gặp Ngài, được ở dưới sự dẫn dắt của Ngài, và vì thế còn bị sót lại với tâm thức chưa thuần thục và tầm thường. Đã có nhiều Đạo sư vĩ đại ở Ấn Độ và Tây Tạng thành tựu trạng thái Toàn Giác. Nhiều Đạo sư vĩ đại khác đã hoàn tất những chứng ngộ cao siêu, trong khi những vị Thầy khác mới chỉ xoay xở để đi vào con đường.

Ngày nay, các giáo huấn đã hiện diện trong nhiều thế kỷ, nhưng sự quan trọng của Pháp không nằm ở tính chất tương tục của nó trải qua một thời gian dài, mà nằm ở chỗ nó có hiện diện trong tâm ta hay không, có sống động trong những hành động của ta hay không. Nếu chúng ta chỉ thỏa mãn rằng giáo lý của Đức Phật vẫn còn hiện hữu trong thế gian thì Pháp có nguy cơ bị suy hoại vì sẽ không ai có đủ khả năng để nói về nó từ kinh nghiệm thực hành. Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 qua đời vào năm 1933, dân tộc Tây Tạng đã tự cô lập. Mặc dù sự biến chuyển lớn lao đang xảy ra ở những nơi khác trong thế giới, người Tây Tạng tự giam nhốt mình… Hiện nay Phật giáo Tây Tạng có thể bị hủy diệt vì sự phân hóa của người dân Tây Tạng, vì thế thực sự nỗ lực trong việc thực hành Pháp là điều hết sức quan trọng trong lúc này. Vào những thời điểm hệ trọng như thế, chính Đạo sư, vị Thầy, là người che chở và nâng đỡ ta. Chính Đạo sư là người khai mở cho ta những giáo lý mênh mông và sâu thẳm do chính Đức Phật lập nên, trong một phương cách thích hợp với tầm hiểu biết của chúng ta.

Mặc dù tất cả chư Phật đã tích cực làm việc cho sự lợi lạc của chúng sinh, nhưng chúng ta có thể hưởng được những lợi lạc như thế hay không thì tùy thuộc vào việc ta quan hệ với vị Thầy của mình thế nào. Đạo sư là cánh cửa duy nhất đi vào sự Giác ngộ vì ngài là vị Thầy sống mà ta có thể quan hệ trực tiếp. Gặp được một vị Thầy thì không đủ nếu ta không tuân theo chỉ dạy của ngài về sự thực hành và về cách sống cuộc đời mình. Nếu chúng ta may mắn gặp được những giáo lý này thì hầu như ta tránh được phần lớn những trở ngại chính khi ta thực hành Pháp. Vì vậy, thật quan trọng nếu ta làm cho phần đời còn lại của ta trở nên có ý nghĩa bằng cách tiến hành sự tu tập. Nếu chúng ta khởi sự từ bây giờ, thì rất có thể là ta sẽ có đủ năng lực để tiến bộ trong suốt con đường.

Sự thực hành theo bất kỳ con đường nào cần được đặt nền trên những giáo lý toàn diện và chính xác. Chúng ta phải xem xét thận trọng loại thực hành nào ta thích làm và loại giáo lý nào ta cần để tạo nền tảng cho sự thực hành. Đại học giả Tây Tạng Sakya Pandita (1182-1251) thường nói rằng người ta quá chăm chút những vấn đề thế gian như việc mua một con ngựa. Vì thế, khi chúng ta đã chọn sự thực hành Pháp, thì điều quan trọng là phải chọn lựa kỹ càng hơn nữa sự thực hành và vị Thầy, vì mục đích là đạt được Phật Quả, chứ không phải là sự truyền bá. Sự việc vị Thầy có đích thực hay không thì không tùy thuộc vào khả năng trích dẫn từ Kinh điển Phật giáo. Bạn cần phân tích lời nói và hành động của vị Thầy. Qua sự phân tích sâu sát thường xuyên, bạn sẽ có thể phát triển sự sùng kính sâu xa đối với vị Thầy đó.

Đạo sư Tây Tạng Po-to-wa (1031-1106) nói rằng khởi điểm của toàn thể con đường là học hỏi để nắm được lời chỉ dạy của vị Thầy, và như thế, mọi kinh nghiệm chứng ngộ tối thiểu và sự giảm bớt mê lầm ít ỏi nhất sẽ xảy đến như kết quả của những giáo lý của vị Thầy. Nếu chúng ta không thể điều hành các công việc của mình mà không nhờ tới sự hướng dẫn của một luật sư giỏi, thì không cần bàn tới tầm quan trọng của vị Thầy nếu ta đang đi theo một con đường không quen thuộc để đạt được Phật Quả.

Có những trường hợp những người rất thông minh, họ có vẻ hết sức linh lợi, nhưng khi chú tâm tới Pháp thì tâm trí họ trở nên tê liệt. Điều này cho thấy là họ không tích tập đầy đủ tiềm năng tích cực. Cũng có trường hợp những người rất thông minh và có sự hiểu biết Giáo Pháp uyên bác, nhưng sự hiểu biết này không ảnh hưởng được tâm thức họ. Họ không đem những gì họ biết vào thực hành. Trong bối cảnh này, vị Thầy hết sức quan trọng. Sự chứng ngộ cao cấp đặc biệt chỉ có thể có được nhờ sự dẫn dắt từng bước một của vị Thầy có kinh nghiệm chân xác. Vị Thầy trở nên một vai trò mẫu mực và nguồn hứng khởi cho sự thực hành của chúng ta. Ta có thể phát triển đức tin mạnh mẽ nhờ đọc các bản văn có liên quan tới sự thực hành lòng bi mẫn. Nhưng khi gặp được một con người bằng xương bằng thịt đã từng thực hành nó và là người có thể chỉ dạy cho ta sự thực hành lòng bi mẫn từ kinh nghiệm riêng của ngài, thì điều này còn gây cảm hứng chúng ta mãnh liệt hơn nữa.

Ngài Tsong-kha-pa nói rằng trừ phi tâm thức của vị Thầy được điều phục, sẽ không hy vọng gì vị Thầy điều phục được người khác. Vị Tthầy nên tự chế trong thái độ của mình, nhờ định lực, tâm thức các ngài cần được giữ gìn trước những phóng tâm. Các ngài nên được trang bị năng lực của trí tuệ, nó thấu suốt qua hình tướng của các hiện tượng. Nếu một người có sự tu hành cao cấp trong giới hạnh, có thể nói là tâm thức người ấy đã được điều phục. Trong Kinh Giới Bổn Biệt Giải Thoát, là quyển Kinh đề cập tới những giới nguyện tu viện, tâm thức được so sánh với một con ngựa hoang, và sự thực hành giới luật được sánh với những dây cương nhờ đó con ngựa hoang này được điều phục. Cũng vậy, khi tâm chưa thuần thục khởi hành từ con đường và miệt mài trong những ác hành, con ngựa hoang này cần được điều phục bằng cách dùng dây cương của giới hạnh để kiềm chế thân và tâm trước những hành động tiêu cực.

Một vị Thầy có phẩm tính cũng phải thiện xảo trong việc tu tập thiền định cao cấp, nó được chứng minh bằng việc áp dụng bền bỉ sự chánh niệm và nội quán. (…) Một vị Thầy cũng phải được hoàn toàn an định nhờ sự tu hành trí tuệ cao cấp trong sự thấu hiểu bản tánh như huyễn của các hiện tượng.

Ngài Tsong-kha-pa nói rằng một người chỉ có tâm thức được điều phục thì không đủ; họ cũng nên thông hiểu về các giáo huấn. Lạt ma Drom-ton-pa (1005-1064) thường nói rằng khi một vị Thầy vĩ đại nói về một chủ đề đặc biệt thì ngài có thể liên hệ nó với toàn thể Kinh điển của con đường đạt tới Phật Quả. Các vị Thầy nên có khả năng chuyển hóa sự hiểu biết của mình về toàn bộ một vấn đề thành một sự chỉ dạy lợi lạc và dễ thực hành. Đúng như những Kinh điển đã dạy, chư Phật không thể tẩy sạch ác hành của người khác, không thể tiêu trừ nỗi đau khổ của họ, cũng không thể chuyển nhượng những chứng ngộ của các Ngài cho ta. Chỉ có một cách duy nhất để chư Phật có thể giải thoát chúng sinh là chỉ ra cho chúng ta một con đường đúng đắn.

Mục đích thực sự của việc chỉ dạy người khác là để giúp họ hiểu biết. Vì thế, cần thiết phải có một lối nói lôi cuốn để thực hiện được điều gì là quan trọng khi tiếp cận vấn đề. Động lực để giảng dạy phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất. Nếu động lực là tiền bạc thì sự giảng dạy trở nên đơn thuần là một hoạt động thế tục. Trước khi người Trung Hoa tới Tây Tạng năm 1951, một số người ở Lhasa đọc các bản văn hay ca hát để kiếm tiền. Điều này vẫn còn xảy ra ở Tây Tạng. Các du khách tụ tập quanh họ và chụp ảnh. Tôi thấy điều này thật đáng buồn vì Pháp đã được sử dụng như một khí cụ để xin ăn, chứ không phải để tiến bộ tâm linh.

Ngài Po-to-wa nói rằng mặc dù ngài đã ban nhiều giáo huấn, ngài không bao giờ chấp nhận ngay cả một sự ca tụng nhỏ bé nhất, bởi vì ngài giảng dạy vì lòng bi mẫn chúng sinh. Ngài xem nó như bổn phận phải giảng dạy vì mục đích chính yếu của ngài là giúp đỡ họ. Bạn không cần phải làm cho người khác cảm thấy mắc nợ cũng như không cần nhận những lời cám ơn của họ, vì những gì bạn thực sự đang làm là để thực hiện hạnh nguyện của riêng bạn. Khi bạn ăn thực phẩm của bạn thì không có chuyện cảm ơn chính mình, vì lẽ ăn là điều bạn phải làm.

Ngài Tsong-kha-pa nói rằng những vị Thầy phụng sự như người dẫn đường đến Giác ngộ thì giống như nền móng hay gốc rễ cho sự thành tựu Giác ngộ của bạn. Vì vậy, những người đang tìm kiếm một vị Thầy nên quen thuộc với những tiêu chuẩn cần thiết và xác định vị Thầy có những tiêu chuẩn đó hay không. Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội. Cũng vậy, trừ phi vị Thầy có phẩm chất đúng đắn, mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc tuân thủ theo vị Thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là vị Thầy, điều quan trọng là phải khảo sát họ, hỏi han người khác về họ, và khảo sát chính bạn. Khi bạn nhận thấy một người thích hợp là một vị Thầy thì chỉ khi ấy bạn mới nên bắt đầu coi người đó như Đạo sư của bạn. Cũng tương tự, trước khi vị Thầy chấp nhận ai là một đệ tử, thì tối quan trọng là trước hết người đệ tử đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà một vị Thầy đòi hỏi.

Chỉ vì một vị Lạt ma có một vài thị giả hay người hầu thì không đủ để coi người đó là một vị Thầy. Có một khác biệt giữa một vị Thầy với một Tulku (hóa thân), hay một tái sinh của một Đạo sư đặc biệt trở lại cõi đời. Một số vị vừa là Lạt ma vừa là Tulku, một số là Tulku nhưng không là Lạt ma, và một số là Lạt ma chứ không phải Tulku. Trong cộng đồng Tây Tạng, các vị Tulku chiếm một địa vị cao. Nếu họ cũng không có các phẩm tính của một vị Thầy, thì vị trí của họ chỉ là địa vị xã hội. Trong xã hội Tây Tạng, và ngay cả ở Tây phương là nơi nhiều vị Lạt ma tới giảng dạy, khi người nào đó được gọi là Tulku thì người ta lập tức tôn kính họ. Còn những người khác thật sự là những hành giả nghiêm cẩn thì không được kính trọng nhiều, chỉ vì họ không có danh hiệu Tulku. Triết gia Phật giáo vĩ đại nhất của Ấn Độ là ngài Nagarjuna, ngài được tất cả các hành giả sau này coi như vị Thầy, mặc dù ngài chỉ có một cái tên, và chúng ta không thấy ghi lại là ngài có một đoàn tùy tùng hay thư ký riêng. Các vị Lạt ma Tây Tạng của ta có những danh hiệu dài và rất kêu, một số tên thật khó phát âm. Thật ra, không cần có một danh hiệu nào khác ngoài danh hiệu Tỳ kheo (vị tăng), đã được chính Đức Phật ban cho. Đây là một số trong những sai lầm lớn của xã hội Tây Tạng. Người Tây Tạng chúng ta không chú ý tới các chiếc y tu sĩ màu vàng thực sự được chính Đức Phật ban cho, mà thay vào đó, chú tâm tới những y phục được ban ra như một dấu hiệu đẳng cấp để làm cho người ta có vẻ cao quý. Sau này các vị Thầy Ấn Độ mang một loại mũ màu đỏ nhạt, và ở Tây Tạng, tín đồ theo các vị ấy lưu tâm tới chiếc mũ đỏ đó hơn là tới điều thực sự quan trọng. (…)

Tu sĩ vĩ đại Geshe Sang-pu-wa (thế kỷ thứ 12) có nhiều vị Thầy. Có lần, khi du hành từ miền đông Tây Tạng, ngài gặp một đệ tử cư sĩ đang ban các giáo lý. Geshe Sang-pu-wa đến nghe. Khi những người tùy tùng hỏi vì sao ngài cần phải nhận giáo lý từ một cư sĩ, thì Geshe Sang-pu-wa trả lời là ngài đã nghe được hai điều rất ích lợi. Vì Geshe Sang-pu-wa có thể phát triển lòng kính trọng và đức tin ở nhiều người nên việc ngài có nhiều vị Thầy không thành vấn đề đối với ngài. Những người như chúng ta có tâm thức chưa thuần thục, có thể nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy của mình và có xu hướng dễ dàng mất lòng tin. Chừng nào ta còn nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy, và chừng nào ta có xu hướng mất lòng tin bởi nhìn thấy các lỗi lầm cạn cợt bên ngoài và được phóng chiếu, thì tốt nhất là có ít Thầy thôi nhưng liên hệ với các ngài thật tốt. Nếu bạn không có vấn đề này thì bạn được tự do, càng có nhiều vị Thầy càng tốt.

Khi bạn nhìn vị Thầy như hiện thân của tất cả chư Phật và mong nương tựa vào ngài, niềm tin đó được đặt nền trên lòng kính ngưỡng. Khi bạn nuôi dưỡng đức tin nhờ sự nhận thức Đạo sư là nền tảng và gốc rễ của sự phát triển của bạn, thì đó là đức tin được đặt nền trên sự xác tín. Khi bạn phát triển đức tin vào vị Thầy bằng cách tuân thủ lời dạy của Thầy, nó được gọi là đức tin tha thiết. Nói chung, đức tin được coi là gốc rễ hay nền tảng của mọi tư tưởng thiện hạnh. Khi bạn có thể thấy vị Thầy của bạn ngang bằng với chính Đức Phật, thì bạn có thể tự ngưng việc nhìn thấy các lỗi lầm của vị Thầy và sẽ chỉ nhận ra những phẩm tính vĩ đại của ngài. Nhưng đức tin phải được đặt nền trên kinh nghiệm đã được thử thách và kiểm chứng. Vì thế, bạn nên nỗ lực bền bỉ và thận trọng để ngăn ngừa những nhận thức khiến cho bạn nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy, nó thực sự có thể là những phóng chiếu của chính bạn, và nỗ lực để nhìn thấy những phẩm tính vĩ đại trong vị Thầy. Có nói rằng mặc dù thực ra vị Thầy của bạn không thực sự là một vị Phật, nhưng nếu bạn coi vị Thầy đích thật là một vị Phật thì bạn sẽ có được cảm ứng như thể từ một Đức Phật thực sự. Trái lại, cho dù trong thực tế vị Thầy của bạn có thể là một vị Phật toàn hảo, nhưng nếu bạn không thể nhìn thấy ngài (có thể nam hay nữ) theo cách thế đó, thì bạn sẽ nhận được sự cảm ứng của một con người bình thường.

Hiện nay, trong thời đại suy thoái này, các guru (Đạo sư) làm việc thay mặt cho tất cả chư Phật và Bồ Tát để giải thoát mọi chúng sinh khỏi vòng luân hồi đau khổ. Trong nhiều tantra có tiên đoán rằng trong thời đại suy thoái, Đức Phật sẽ xuất hiện ở thế gian trong thân tướng guru. Và trong thời đại suy thoái, lòng bi mẫn của các ngài phải làm việc trong một cách thế mạnh mẽ hơn nữa, điều này có thể gây bối rối cho những người nghĩ rằng lòng bi mẫn phải có hình thức quy ước nào đó. Nếu chúng ta không cảm thụ được giáo huấn và lòng bi mẫn của Đức Phật, thì không vị Thầy nào có thể giúp đỡ đắc lực cho ta được. Nhưng đức tin và sự xác tín sẽ khai mở cho chúng ta năng lực của chư Phật, lòng bi mẫn mãnh liệt của các ngài hướng tới mọi chúng sinh không ngoại trừ ai. Tình thương đó bao gồm cả các bạn và tôi.

Một giáo huấn nói: “Khi con lang thang trong luân hồi sinh tử, Ngài (Phật) tìm kiếm con và soi sáng sự vô minh của con. Ngài đã cho con thấy ánh sáng và giải thoát con khỏi sự trói buộc.” Ta có thể tìm thấy vị Phật – là đấng đang làm việc cho chúng ta – bằng một tiến trình loại trừ. Hãy tự hỏi, trong những người thân thiết với bạn thì ai là người đang dẫn dắt bạn ra khỏi sự luân hồi đau khổ, gây nên bởi sự vô minh, trói buộc, và oán ghét. Người đó có phải là cha mẹ bạn ? Bằng hữu bạn ? Chồng hay vợ bạn ? Bằng hữu của bạn không làm điều đó, thân quyến của bạn không làm, cha mẹ bạn không làm. Vậy nếu có một vị Phật đang làm việc cho bạn, thì Ngài (nam hay nữ) phải là con người ngay trong cuộc đời bạn đang đưa bạn tới sự Giác ngộ – đó là Thầy bạn. Đấy là cách người ta có thể coi vị Thầy như vị Phật toàn hảo. Trong quá khứ, đã có những trường hợp mà do một sự che chướng trong tâm thức, các hành giả đã thấy vị Phật hiện thực trong hình tướng bình thường. Ngài Asanga (thế kỷ thứ bốn) có một thị kiến về vị Phật tương lai, Đức Di Lặc, như một con chó đầy dòi, và ngài Sang-pu-wa thấy một vị Phật nữ như một bà lão bị bệnh phong hủi. Nếu bạn được gặp các vị Thầy vĩ đại trong quá khứ là những người đã thành tựu Giác ngộ chỉ trong một đời, các ngài trông hoàn toàn giống như một người hành khất Ấn Độ bình thường, lang thang, trần trụi với những lằn vẽ trên trán.

Khi tôi nói về tầm quan trọng của lòng sùng mộ đối với vị Thầy và về việc xem ngài như vị Phật, xin đừng hiểu lầm là tôi đang ngụ ý rằng tôi là một vị Phật. Không phải như thế; tôi biết tôi không phải là một vị Phật. Dù tôi được tán dương hay bị lên án, tôi vẫn sẽ là tu sĩ Phật giáo bình thường như tôi đang là. Tôi là một tu sĩ, và tôi nhận thấy điều này hết sức thoải mái. Mọi người gọi tôi là Bồ Tát của lòng Bi mẫn, Đức Quán Thế Âm, nhưng điều đó không làm cho tôi thành Quán Thế Âm. Những chính trị gia thù địch gọi tôi là một con sói khoác chiếc y vàng, nhưng điều đó không làm cho tôi thấp hơn một con người hay cao hơn một con chó sói. Tôi vẫn chỉ là một tu sĩ bình thường.

Bạn nên làm gì khi sự tuân thủ giáo huấn của Đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của ngài mâu thuẫn với Phật Pháp ? Bạn nên trung thành với điều gì đạo đức và rời xa điều gì không phù hợp với Pháp. Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị Thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị Thầy thuộc đẳng cấp Bà la môn và rất nghèo. Ông bảo họ rằng khi những người Bà la môn trở nên nghèo khó thì họ có quyền ăn cắp. Ông nói, là những người được Trời Brahma (Phạm Thiên) – đấng sáng tạo của thế giới – yêu quý, việc ăn cắp không xấu xa đối với một người Bà la môn. Khi những đệ tử sắp đi ăn cắp thì người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng, đầu cúi xuống. Ông hỏi anh ta tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm điều đó.” Lời nói này làm vui lòng người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm sự hiểu biết của các con. Mặc dù tất cả các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là ở sự phán đoán. Cậu bé này hết sức trung thành với ta, nhưng khi ta chỉ dạy điều gì sai, cậu ta có thể nhận ra nó trái nghịch với Pháp và không làm việc đó. Như thế là đúng đắn. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy đó chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.”

Xem mục lục