Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Dalai Lama thứ Nhất bắt đầu cuốn Ghi chú về hai cấp bậc yoga của Kalachakra vinh quang của ngài với lời khuyên :

Người ta phải thanh lọc trước tiên tâm thức bằng những phương pháp thông thường của Giáo thừa. Đặc biệt, phải bồi dưỡng một sự hiểu biết xác thực về cái nhìn trong sạch thấu suốt tánh Không.

Mọi trước tác truyền thống đều xác nhận trước khi vào thực hành tantric, trước tiên người ta phải phát triển một sự an định vững chãi về tâm linh bằng các tu hành tổng quát, chúng tạo nên nền tảng của đời sống Phật giáo.

Ba trong số các bản văn Tây Tạng được dịch trong phần Hai – chương Mười Ba, Mười Bốn và Mười Lăm – đề cập chủ yếu về các sơ bộ của Giáo thừa. Bốn chương còn lại chủ yếu xem xét các phương pháp của Mật thừa ‘Quả’.

Chẳng hạn trong chương Mười Ba, bài kệ ngắn về Kalachakra của Panchen Lama thứ Sáu trước tiên nhắm đến tính chất vô thường, luật nghiệp báo, từ và bi v.v…, tất cả các cái đó là giáo lý Giáo thừa. Chỉ có hai câu dành cho Mật thừa.

Trong chương Mười Bốn, đức Dalai Lama hiện tại khảo sát viễn tượng Phật giáo tổng quát về hiện tượng tâm linh con người và đặt nó trong bối cảnh của người chờ đợi buổi lễ được truyền thọ Kalachakra. Ngài thảo luận Bốn Thánh Đế, nó tạo nên cơ cấu chính yếu của tổng quan Phật giáo, và rồi khảo sát gốc rễ của sự rối loạn của con người, nó là vọng tưởng về bản chất của cái ta, cái ngã, của cả chính chúng ta và của các hiện tượng khác bên ngoài. Thế rồi Ngài chỉ ra phương thuốc được gợi ra từ Giáo thừa :

Trong các phương pháp Bồ Tát thừa, người ta thiền định rằng điều gì người ta làm đều vì lợi ích cho chúng sanh. Một khi hiểu ra rằng tất cả chúng sanh, cũng giống như chính mình, đều mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, thái độ đảm đương trách nhiệm vì hạnh phúc của họ tự nhiên sanh khởi. Thái độ này là một năng lực lạ lùng, kỳ diệu và can đảm nhất, quý giá hơn bất kỳ điều gì khác trên đời.

Khi người ta dùng nó như là một căn bản để thiền định về thực tướng tối hậu của sự vật, các năng lực để phá hủy ảo tưởng và sai lệch sẽ dễ dàng có được.

Có lẽ sự khảo sát toàn triệt nhất về các sơ bộ của Giáo thừa là trong chương Mười Lăm, với Những điều tiên quyết để nhận sự nhập môn Tantra của Dalai Lama thứ Bảy. Ở đây tác giả đáng kính này đặt chúng vào trong bối cảnh sửa soạn tâm thức để nhận các truyền thọ Mật thừa. Mục đích của ngài là phóng lớn một hình ảnh về các nguyên tắc của một tâm thức được ‘điêu luyện’ bởi thực hành Giáo thừa. Đây là căn bản bên trong được đòi hỏi để đi vào con đường Mật thừa và để nhận các truyền thọ thích hợp.

Dalai Lama thứ Bảy mở đầu luận văn của ngài với sự dẫn nhập bốn ‘tri giác thanh tịnh’ mà người ta cần mang theo đến chỗ địa điểm nhập môn – một động lực thanh tịnh, một cảm thức thanh tịnh về môi trường, một cảm thức thanh tịnh về các chúng sanh khác, và một cảm thức thanh tịnh về hoạt động.

Rồi ngài nhanh chóng đổi hướng tư duy, và quay về với sự tu hành Giáo thừa, nó hoạt động như là các thực hành sơ bộ cho Kim Cương thừa : trau dồi một sự tỉnh giác về sự quý giá của đời người được phú bẩm được có tự do và cơ hội để có thể giác ngộ ; trau dồi sự tỉnh giác về cái chết và tính vô thường ; phát triển sự thấu hiểu về luân hồi và luật nhân quả ; trau dồi sự tỉnh giác về tính chất bất toại nguyện của một đời sống không giác ngộ ; phát khởi cảm thức về sự quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng ; vận hành thái độ vị tha của Bồ tát, ước nguyện đại bi đạt đến giác ngộ tối thượng để lợi lạc cho tất cả chúng sanh ; và trau dồi trí huệ về tánh Không, sự tỉnh giác về bản chất trống rỗng của mọi sự vật.

Như đó là thói quen của hầu hết tác giả Tây Tạng, đặc biệt là trường phái Gelukpa, Dalai Lama thứ Bảy trích dẫn rộng rãi các đạo sư Ấn Độ để làm sáng tỏ các quan điểm của mình. Những công trình gốc mà ngài ưa thích(1)Một bức thơ cho một người bạn của Nagarjuna ; Lột bỏ những màn che của Tâm của Aryadeva ; Một hướng dẫn vào Bồ tát đạo rất quan trọng của Shantideva ; Một bức thơ cho một đệ tử của Chandragomin ; và bản trích yếu cổ điển của Đại thừa Ấn Độ Những lời chọn lọc của đức Phật, nó là một toàn tập sắp xếp các lời dạy tinh túy của đức Phật về mọi phương diện quan trọng của đời sống tâm linh, trong hình thức các câu kệ.

Hai vị thầy Ấn Độ khác mà ngài thường trích dẫn tên (thường không xác định nguồn gốc văn bản) là Acharya Vira và Atisha.

Vị trước, Acharya Vira, cũng được biết với tên là Ashvaghosha, là một trong những thi sĩ cổ điển vĩ đại nhất của Phật giáo Ấn Độ. Xuất thân là một người chống Phật giáo thẳng thừng, ông thách thức đệ tử chính của Nagarjuna là Aryadeva tranh luận. Aryadeva đánh bại ông, và Ashvaghosha theo Phật giáo. Ông dành cuộc đời còn lại để thiền định và sáng tạo thi ca sùng mộ.(2)

Về Atisha, tức là vị sư Dipamkara Shrijnana, ngài đến Tây Tạng năm 1042 và giảng dạy ở đó cho đến khi chết, khoảng mười ba năm sau, và đệ tử chính của ngài, Lama Drom Tonpa, được xem là người tiền nhiệm trong chuỗi các tái sanh của các vị Dalai Lama. Phái Kadampa do Atisha thành lập có ảnh hưởng lớn của Phật giáo Tây Tạng. Về sau, nó được xem là cơ cấu tâm linh căn bản của tông phái Gelukpa, mà tất cả hậu thân tái sanh của Dalai và Panchen Lama đều thuộc vào. Atisha cũng là một tên quan trọng trong việc truyền bá giáo lý Kalachakra ở Tây Tạng, như chúng ta sẽ thấy sau này.

Chỉ có một vị thầy dòng phái Tây Tạng mà Dalai Lama thứ Bảy trích dẫn ở một mức độ nào là Lama Tsongkhapa, người sáng lập phái Gelukpa. Điều này chỉ ra sự kính trọng ngài dành cho vị Lama danh tiếng này.

Mỗi phái Phật giáo Tây Tạng đều có đóng góp phần phương pháp của mình vào các tu hành Giáo thừa. Ví dụ, phái Sakyapa nói đến ‘Các phương pháp để xả ly Bốn trói buộc’. Kargyupa dùng phương pháp ‘Bốn cách để lật ngược tâm thức’. Phái Gelukpa nói đến ‘Đào luyện tâm thức trên những cấp bậc của Giác Ngộ’. Phái Nyingmapa sắp xếp các tu hành Giáo thừa thành ‘Sơ bộ Dzogchen’, và ‘Dzogchen Lam Rim’.

Một sự sắp xếp ba phần các tu hành Giáo thừa được Tsongkhapa dạy. Nổi tiếng ở Tây Tạng trong tên Lam-tso-nam-sum, hay ‘ba đường chính’, truyền thống này cô đọng mọi sự thực hành ‘thừa chia xẻ’ thành ba chủ đề : những sự thực hành để trau dồi tâm thoát khỏi các bám níu ; những sự thực hành để trau dồi tâm vị tha của Bồ tát hay Bồ đề tâm, đặt căn bản trên từ và bi, ước nguyện thành tựu giác ngộ như phương tiện làm lợi lạc cho thế gian ; và những thực hành để trau dồi trí huệ thấu đạt tánh Không, vô tự tánh của mọi sự vật.(3)

Có thể nói rằng tất cả lời dạy trong kinh điển của Phật gồm Tiểu thừa và Đại thừa đều gom tụ trong ba chủ đề ấy.

Khi hệ thống này được tuân theo, các thiền định về sự quý giá của đời người và về sự trau dồi một tương quan có hiệu quả với vị thầy tâm linh được dạy như là những nền tảng cho cả ba phạm trù.

Trong các phương pháp để trau dồi tâm thức xả chấp là các thiền định về cái chết và vô thường, vòng xoay của sanh tử luân hồi, tính chất bất toại nguyện của đời sống trong sáu loài sanh tử, các sự thiền định về quy y Tam Bảo, Bốn Thánh Đế vân vân.

Cái thứ hai của ba con đường chính, trau dồi Bồ đề tâm, gồm tất cả các thiền định làm cho tăng trưởng thái độ Bồ tát, như là thiền định về xả, từ, bi, nhẫn nhục và ý nghĩa của trách nhiệm vũ trụ vân vân. Nó cũng gồm sự trau dồi sáu cái hoàn thiện, sáu Ba la mật.

Dalai Lama thứ Bảy nhấn mạnh về phương diện này của các tu hành Giáo thừa. Trích một đoạn từ Lama Tsongkhapa, ngài nói :

Có một thực hành Đại thừa là chưa đủ. Hành giả phải có cái nhìn tổng quan của Đại thừa. Hơn nữa, tính cách làm cho một người là hành giả Đại thừa không gì khác hơn là Bồ đề tâm ; nếu một người có Bồ đề tâm người ấy là một nhà Đại thừa, nếu không có, thì họ không ở trên con đường Lớn. Thế nên, hãy hồi hướng mình cho sự vun bồi Bồ đề tâm…

Để phát triển trạng thái này của tâm, người ta phải phát triển hai tính cách : tư tưởng hướng đến chúng sanh, và tư tưởng hướng đến giác ngộ.

Ngài giải thích thế nào là trau dồi tư tưởng hướng đến giác ngộ :

Dù ngay cả hạnh phúc và thịnh vượng của chúng sanh được đầy đủ, một cá nhân bị trói buộc vào vòng xích sanh tử có thể quên chuyện có thể làm điều gì đó thật sự để giúp đỡ người khác…

Vị trời quyền lực nhất của thế gian, chính y cũng bị giới hạn trong gông cùm của vòng sanh tử, không có khả năng làm lợi lạc hoàn toàn cho chúng sanh khác. Cũng như thế các bậc Thanh Văn, A La Hán, Bích Chi Phật, những vị đã thoát khỏi mọi trói buộc…

Nếu một người có thể đạt đến trạng thái Phật tánh viên mãn, người ấy thoát khỏi mọi lỗi lầm, thấy trực tiếp mọi khía cạnh của các đức tính cần trau dồi và của mọi lỗi lầm cần vượt qua trong sự tìm cầu giác ngộ, sắc thân được trang nghiêm bằng các tướng của sự viên mãn, chỉ thấy người cũng đủ lợi lạc, người ấy sẽ siêu vượt khỏi sự phân biệt của cảm giác bị hấp dẫn hay ghét bỏ đối với vô số chúng sanh. Người ấy nhìn tất cả chúng sanh với một tâm từ bi bình đẳng, và có khả năng thực sự lợi lạc cho họ…

Tóm lại, động lực sẽ là : ‘Vì sự lợi lạc rốt ráo của chúng sanh, họ cũng vô hạn như hư không, tôi phải đạt đến trạng thái của một vị Phật vô đẳng, hoàn hảo, thanh tịnh’.

Rồi Dalai Lama thứ Bảy kết luận với sự diễn tả tâm đại bi đầy khắp vũ trụ của hành giả Đại thừa :

…tính cách của tâm của một bậc tối thượng là nó quay lưng lại với sự quan tâm vào chính mình và chỉ nghĩ đến việc làm lợi lạc cho người khác.

Như thế, nó giống như mặt trời chiếu sáng không mệt mỏi cuộc đời của chúng sanh trên bốn châu, và giống như đại địa mang chở mọi thứ sống trên bề mặt của nó. Những Bồ tát có tâm từ bi như thế không có việc gì lại giống như vì mình. Các vị chỉ quan tâm đến các phương tiện đem lại lợi lạc và hạnh phúc cho chúng sanh vô biên.

Người ta có thể nghĩ đến điều gì bất thường khi Những điều tiên quyết để nhận sự nhập môn Tantric không đặt nhiều chú ý vào các phương pháp trau dồi trí huệ tánh Không, điều thứ ba của ‘ba con đường chánh’ của Lama Tsongkhapa. Điều này có lẽ vì ngài tán thành quan điểm rằng các phương pháp phân tích để thấu hiểu tánh Không như ở trong Giáo thừa là những cái Mật thừa không cần thiết ; rằng các phương pháp để trau dồi trí huệ tánh Không như đã có trong các thực hành Mật thừa chính chúng đã đầy đủ rồi.

Thái độ này một lần đức Dalai Lama hiện tại đã nói với tôi, trong một lần tiếp kiến với Ngài khoảng giữa những năm bảy mươi. Tôi hỏi Ngài vạch rõ lằn mức trưởng thành tâm linh đủ chín để đi vào Mật thừa trong ba con đường chính của Lama Tsongkhapa. Ngài trả lời :

Với sự thiền định về vô thường, nghiệp báo, sanh tử vân vân, người ta kinh nghiệm được tâm thức tự do, giải thoát khỏi trói buộc đến mức độ mà, nếu người ta thấy một tiến trình hành động rõ ràng là sai lầm và có hại, người ta có sức mạnh bên trong để dừng lại và không bị cuốn theo. Về phương diện trau dồi tinh thần Bồ tát, khi nguyện vọng thành tựu giác ngộ trở nên ưu thế, và thái độ đối với người khác phải là một sự giúp đỡ, một cảm giác rằng chúng ta đều là một gia đình. Đó là một sự tận tâm mạnh mẽ để trau dồi Bồ tát đạo. Về mức độ kinh nghiệm của trí huệ về tánh Không, ở đây không có điều tiên quyết đặc biệt nào, bởi vì có một sự đa dạng rộng lớn về các phương pháp rất mạnh mẽ để khám phá ý nghĩa của tánh Không trong chính Mật thừa. Đa số hành giả sẽ có một tu hành căn bản các phương tiện Giáo thừa ; tuy nhiên một số hành giả có thể đi vào Mật thừa mà không có những sơ bộ này. Họ có thể nương dựa riêng biệt vào các phương pháp Mật thừa để khai mở trí huệ về tánh Không.

Là một hành giả, một người có thể nghiên cứu tánh Không từ tổng quan Giáo thừa trước khi đi vào tu hành Mật thừa, hay có thể đi vào thực hành Mật thừa mà không có Giáo thừa như một sơ bộ, trong trường hợp này một sự hiểu biết về cảm giác căn bản đối với tánh Không là cần thiết từ khi khởi sự thiền định tantric. Ví dụ, nó là chủ đề chính của tham thiền trong suốt buổi lễ nhập môn ; và rồi sau đó, khi người ta có một cuộc dụng công (sadhana), thần chú về tánh Không đánh dấu phần mở đầu của nghi thức.(4)

Trong Về sự nhập môn Kalachakra, đức Dalai Lama đề cập đến ba tính cách căn bản mà bất kỳ người nào muốn tham dự lễ nhập môn Kalachakra phải xem xét :

Phẩm chất thứ nhất là Bồ đề tâm, nguyện vọng vị tha hướng đến giác ngộ tối thượng, nó quý trọng người khác hơn chính mình. Ở đây nói rằng người đệ tử tốt nhất an trú trong một kinh nghiệm về cái tâm cao cả này ; người đệ tử trung bình có một cái nhìn chốc lát thoáng qua về nó trong thiền định của họ ; người thấp nhất ít ra cũng đánh giá cao và quan tâm phát triển nó.

Phẩm chất thứ hai là trí huệ hay sự tu hành quán chiếu đặc biệt, kinh nghiệm của chính mình về tánh Không. Ở đây nói rằng người đệ tử tốt nhất có một kinh nghiệm không méo mó về bản tính của thực tại tối hậu như được giảng giải trong Trung Quán luận hay Duy thức của tư tưởng Đại thừa ; đệ tử trung bình có một hiểu biết đúng căn cứ trên nghiên cứu và lý trí tổng quát ; và đệ tử thấp nhất ít ra cũng có một cảm kích mạnh mẽ và quan tâm vào sự học các quan điểm triết học về tánh Không trong một hay hai tông phái nói trên.

Thêm nữa, một đệ tử mong cầu được nhập môn Kalachakra phải có một hứng thú hay quan tâm vào truyền thống tantric đặc biệt này. Mục đích của nhập môn là gieo trồng những hạt giống nghiệp đặc biệt vào trong tâm của người nhận ; nhưng nếu họ không có sự mở lòng nảy sanh từ một mức độ căn bản của sở thích tâm linh, thì sẽ rất khó cho các hạt giống ấy có tác động nào.

Những độc giả quan tâm đến một sự giải thích chi tiết hơn về các thực hành căn bản của Giáo thừa có thể nghiên cứu một trong những cuốn sách đầu tiên của tôi ở nhà xuất bản Snow Lion, cuốn Tinh chất của vàng ròng của Dalai Lama thứ Ba, một công trình về trình tự Lam Rim nó được phụ thêm một bình giảng miệng bởi Dalai Lama hiện thời trong ngôi chùa chính ở Dharamsala năm 1976.

Trong Những vần thơ huyền bí của một Dalai Lama điên, Dalai Lama thứ Hai diễn tả những điểm chủ yếu của Giáo thừa trong thể thơ ca, chúng như là sơ bộ của Kim Cương thừa :

Luôn luôn chánh niệm về cái chết và vô thường,

Trở nên thiện xảo sống với luật nhân quả,

Thường trực mang Phật, Pháp, Tăng như đội mũ trên đầu

Và như thế, đóng cánh cửa của sự tái sanh thấp kém :

Hướng tâm thức về Pháp như vậy,

Thật không tệ đâu, đó là một con đường để đi.

Thấy sanh tử luân hồi như ngọn núi trở ngại,

Nhận ra gốc rễ của khổ đau chính là tâm chấp ngã,

Hãy nhìn cánh cổng dẫn đến sự giải thoát cuối cùng

Và để có được trạng thái tự do mầu nhiệm này,

Hãy thực hành mãnh liệt ba vô lậu học giới định huệ :

Bộ hành trên đường dẫn đến trí huệ này,

Thật không tệ đâu, đó là một con đường để đi.

Nhìn thấy mọi chúng sanh đã từng là cha mẹ mình,

Liên tục an trú trong từ và bi với tất cả,

Thành tựu sự chín muồi trong trau dồi hai Bồ đề tâm –

Bồ đề tâm quy ước của tâm hồn Bồ tát

Và Bồ đề tâm tối hậu của trí huệ tánh Không –

Và như thế trở nên thiện xảo trong phương tiện và trí huệ kết hợp :

Con đường này để vun bồi giác ngộ vô song,

Thật không tệ đâu, đó là một con đường để đi.

Biết những lỗi lầm bám chấp cho cuộc đời là thật,

Thấy được bản chất tương đối của nhân duyên,

Nhìn thấy tánh Không của mọi sự xảy ra

Và chứng nghiệm cái thấy vô thượng :

Đó là những điều ý nghĩa khi đi theo

Con đường cao cả rọi sáng bởi thánh nhân Nagarjuna.

Thật không tệ đâu, đó là một con đường để đi.

Được chín dần bởi những nước của các nhập môn Mật thừa,

Hiểu thấu các lời dạy sâu rộng của tantra

Và rồi trau dồi các yoga của hai giai đoạn tantric

Nhờ đó giác ngộ nhanh chóng và dễ dàng đạt đến :

Cầm nắm Phật tánh trong lòng tay mình như thế,

Thật không tệ đâu, đó là một con đường để đi

Xem mục lục