Ai là những vị thầy đầu tiên của truyền thống Kalachakra ?
Đức Dalai Lama hiện tại soi sáng vấn đề này trong Về sự nhập môn Kalachakra(1) :
Về nhân vật thỉnh cầu để được dạy Tantra Kalachakra, khác với mọi truyền thống khác, Kalachakra được trao truyền là kết quả của lời thỉnh cầu từ Suchandra, vị lãnh đạo tinh thần của xứ sở huyền thoại Shambala.
Tương truyền rằng để làm lợi lạc cho dân chúng của chín mươi sáu tỉnh của đất nước mình, Suchandra đã đi Ấn Độ và thỉnh cầu một sự giáo huấn như thế từ đức Phật. Bởi thế Kalachakra có một mối liên quan đặc biệt với Shambala.
Từ Suchandra dòng pháp được truyền xuống (ở Shambala) qua một hàng bảy vị đại sư, bắt đầu với Suchandra, và rồi đến hai mươi mốt vị thầy Kalkin, bắt đầu với Manju Yashas. (Bây giờ chúng ta đang ở trong thời của Kalkin thứ hai mươi mốt). Trong tương lai, vào thời của vị Kalkin thứ hai mươi lăm, sự liên hệ đặc biệt mà con người của trái đất này chia xẻ với Kalachakra sẽ biểu lộ mạnh mẽ trong các biến cố của thế giới.
Như thế người truyền bá đầu tiên Kalachakra trong thế giới chúng ta chính là đức Phật. Địa điểm truyền dạy là Tháp Dhanyakataka, miền Nam Ấn Độ, và người nhận pháp là các thiền giả đã thành tựu, không phải là người bình thường. Các vị cũng như đức Phật đã du hành đến Tháp Dhanyakataka bằng thần lực thiền định. Người nhận pháp chính là Suchandra, vị Dharmaraja danh tiếng, hay là lãnh tụ tinh thần của Shambala, một quốc độ miền Tây Bắc Ấn Độ. Thêm nữa, các đại diện của sáu vương quốc khác cũng hiện diện ở đó.
Như Đức Dalai Lama đã nói trong Lời nói đầu của cuốn sách, truyền thống của vị guru Khedrup Norzang Gyatso của Dalai Lama thứ Hai xác lập thì thời gian chỉ dạy là vào ngày trăng tròn tháng thứ tư vào năm đức Phật nhập diệt. Vị guru Bodong Chokley Namgyal của Dalai Lama thứ Nhất có cùng quan điểm. Một truyền thống thứ hai (và có lẽ phổ biến hơn) nói rằng đức Phật ban cho giáo lý này vào ngày trăng tròn của tháng thứ ba vào năm sau sự giác ngộ của Ngài.
Mặc dầu đức Phật dạy truyền thống Kalachakra ở Ấn Độ, không thể nói chính xác vào lúc nào hệ thống bắt đầu lan rộng công khai ở xứ sở đó. Tuy nhiên người ta biết rằng dòng truyền thừa đến với Tây Tạng không có lịch sử lâu dài ở Ấn Độ, đã được đem ra khỏi Ấn Độ đến Shambala khi Suchandra trở về quê nhà hầu như ngay sau khi nhận được sự trao truyền từ đức Phật, và chỉ trở lại Ấn Độ sáu mươi năm trước khi cộng đồng tâm linh Tây Tạng chú ý đến nó. Còn với các dòng truyền của sáu nước được đại diện kia vào lúc khởi đầu, hình như là không biết được điều gì (ít ra là thế) chúng đã ra sao.
Cuốn Tóm tắt về truyền thống Kalachakra của ngài Thứ Mười Ba Vĩ Đại diễn tả dòng Kalachakra và văn chương cổ thời như sau :
Đức Phật Thích Ca khởi đầu dạy truyền thống này ở Tháp Dhanyakataka miền Nam Ấn. Giáo huấn được Vua Suchandra của Shambala thỉnh cầu, ngài là một hóa thân của Bồ tát Vajrapani. Những phái đoàn từ sáu vương quốc khác nhau cũng có mặt. Trong dịp ấy đức Phật truyền trao Tantra Kalachakra Gốc trong mười hai ngàn dòng kệ và sau đó Suchandra nhanh chóng tạo ra bản luận giải gồm sáu mươi ngàn dòng.
Tuy nhiên, chỉ một phần Tantra Kalachakra Gốc đến với chúng ta là chương Luận về các nhập môn. Về sau, Manju Yashas, ngài là vị đầu tiên trong hai mươi lăm đạo sư Kalkin của Shambala, đã viết một tổng lược về Tantra Kalachakra Gốc được biết dưới tên Tantra Kalachakra Rút Gọn, gồm năm chương… Một bản văn quan trọng khác là Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ, nhằm soi sáng Tantra Kalachakra Rút Gọn… do một đạo sư Kalkin của Shambala khác là Pundarika… Thêm vào đó, các giảng luận diễn rộng và rút gọn về các yoga giai đoạn phát sanh của Kalachakra là những sách đọc căn bản, như là các trước tác của các đạo sư Dro.
Ở đây ngài Thứ Mười Ba Vĩ Đại đã cho chúng ta một danh sách nhiều vị đạo sư và bản văn quan trọng, hầu hết các ngài là người Ấn, các vị khác từ Shambala và rồi Tây Tạng, hợp với sự truyền thừa Kalachakra sơ thời. Cuốn Tóm Tắt của ngài cũng liệt kê một số các vị khác và các bản văn khác, nhưng tôi không trích chúng ra đây. Những gì được trích đủ để cho chúng ta một bức phác họa về truyền thống sơ thời.
Sau khi nhận được giáo lý Kalachakra từ đức Phật, tương truyền rằng Suchandra ghi lại nó thành một bản văn, đó là Tantra Kalachakra Gốc : Phật Nguyên Thủy,(2) gồm mười hai bài kệ. Sau đó ngài làm một giảng luận diễn rộng về nó, trong sáu mươi ngàn dòng.
Tuy nhiên, không có bản nào đã được biết rộng rãi ở Ấn Độ trong hình thức nguyên gốc của nó. Chỉ có Luận về các nhập môn, một phần tinh yếu của Tantra Kalachakra Gốc hình như đã được đưa vào Trung Ấn từ Shambala, cùng với một số bản văn luận giải quan trọng được viết bởi các đạo sư Shambala sau này. Các bản văn này cùng với truyền thống khẩu truyền được xem là cần thiết cho sự giác ngộ của nhân loại trong thời suy đồi này ; nhiều hơn sẽ là thừa, vô ích.
Tinh túy của hai cuốn Tantra Kalachakra Gốc và bản văn bình luận của Suchandra về nó được đem đến Ấn Độ, và sau đó vào Tây Tạng trong bản dịch, với hình thức là Tantra Kalachakra Rút Gọn và bản minh giải về nó là Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ, hai bản văn đã được tạo soạn ở Shambala (bằng tiếng Sanskrit).
Bản văn đầu trong hai bản này, Tantra Kalachakra Rút Gọn, được viết ra bởi Kalkin Yashas (thường được cho là Manjushrikirti(3) một cách sai lầm trong văn chương Tây phương), vị đạo sư thứ tám trong dòng truyền thừa từ Suchandra. Được xếp thành năm chương – có tiêu đề là ‘Thế Giới’, ‘Thực Thể’, ‘Các Nhập Môn’, ‘Tu Hành’ và ‘Trí Huệ bổn nguyên’ – công trình này được xem là sự cô đọng của mọi giáo huấn chính yếu chứa đựng trong lời dạy Kalachakra nguyên gốc của đức Phật và trong bản văn bình giải của Suchandra về nó. Như vậy bản văn của ngài ngày nay là một hướng dẫn đầy đủ nhất đi vào Tantra Kalachakra Gốc. Dalai Lama thứ Nhất thường xuyên trích dẫn từ đó, và nhận biết chính bản tiêu đề các chương.(4)
Bản văn sau, Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ, được viết ra như một minh giải về Tantra Kalachakra Rút Gọn. Tác giả của nó, Kalkin Pundarika là đệ tử chính và người thừa kế tâm linh của Kalkin Yashas. Ngài cũng được tin là đứa con máu thịt của vị sau. Công trình của Pundarika còn dùng đến ngày hôm nay như là chìa khóa chính cho cuốn Tantra Kalachakra Rút Gọn.(5)
Ánh Sáng Không Vết Mờ, cùng với hai bản văn khác được ngài Thứ Mười Ba Vĩ Đại đề cập ở chỗ khác, tạo thành bộ ba được biết trong tiếng Tây Tạng như là Sems grel skor gsum, hay là Ba Bộ của các Bồ tát. Hai bộ kia là Luận giải Vajrapani và Luận giải Vajragarbha, cả hai ngài Dalai Lama thứ Nhất thỉnh thoảng trích ra trong cuốn Ghi chú về hai giai đoạn thiền định của Kalachakra vinh quang của ngài.
Ba bộ này, cùng với Luận về các nhập môn (từ Tantra Kalachakra Gốc được đức Phật dạy) và Tantra Kalachakra Rút Gọn của Manju Yashas, được người Tây Tạng xem là phần văn chương căn bản nhất của Kalachakra. Mong rằng trong các thập kỷ tới năm tác phẩm căn bản này sẽ nhận được sự chú ý của các học giả Tây phương như ngày xưa của chúng. Có thể rằng bản gốc tiếng Sanskrit của vài bản văn vẫn còn tồn tại. Các bản dịch Tây Tạng và Mông Cổ cũng có thể dùng, dĩ nhiên, đối với người có thể đọc các ngôn ngữ ấy.
Đạo sư Manju Yashas truyền bá rộng rãi Kalachakra ở Shambala. Với ngài và các vị nối giữ dòng truyền thừa Shambala được gán thêm danh hiệu Kalkin,(6) nghĩa là ‘vị thầy dòng phái’ hay ‘vị thầy của bộ tộc’. Vì ngài là người đầu tiên mang danh hiệu này, ngài được biết như là vị Kalkin thứ Nhất. Pundarika, người tạo luận Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ, được xem như là vị Kalkin thứ Hai.
Tóm tắt, những vị thầy chính yếu đầu tiên của Kalachakra căn cứ theo ngài Thứ Mười Ba Vĩ Đại trong đoạn trích dẫn trên là đức Phật, ở Ấn Độ và ba vị nắm giữ dòng phái đầu tiên – Suchandra, Manju Yashas và Pundarika – cả ba vị đều từ Shambala.
Tuy nhiên, ngài Thứ Mười Ba Vĩ Đại nói đến hai chiếu, chúng Kalachakrapada và dòng Dro. Tên trước dính với câu chuyện truyền thống Kalachakra được tìm lại ở Shambala và đem trở lại Ấn Độ nguyên quán của nó như thế nào ; đề cập đến các vị thầy Dro gợi ra câu chuyện sự hiểu biết về truyền thống Kalachakra được đưa vào Tây Tạng như thế nào.
Chỉ sáu mươi năm giữa khoảng thời gian truyền thống Kalachakra được đưa trở lại Ấn Độ từ Shambala (hầu hết học giả Tây phương xác định vào 966/7 sau Công nguyên) và thời gian nó được đem vào Tây Tạng lần đầu tiên (1026). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, hai vị Kalachakrapada xuất hiện. Vị đầu tiên được biết là Anh, vị thứ hai là Em. Hầu hết những người cầu nguyện những vị thầy dòng truyền thừa thường đặt một tên giữa hai vị này là Pindo Acharya.
Vị đầu tiên trong hai Kalachakrapada được biết tiếng nhiều hơn ở Ấn như là Chilupa, đại thành tựu giả của Orissa du hành đến Tây Tạng và tìm lại được truyền thống Kalachakra. Vị Kalachakrapada thứ hai rất chắc chắn có thể là Naropada, được biết ở Tây Tạng là Naropa, người trong buổi đầu thế kỷ thứ mười một làm trụ trì tu viện Nalanda.
Các câu chuyện lịch sử truyền thống Tây Tạng bình luận rằng giáo lý Kalachakra phải đã hiện diện ở Ấn Độ trước khi Chilupa tìm lại được từ Shambala, vì có nói rằng Chilupa có ý định đi Shambala. Sau khi đã thấy một bản văn trong hệ thống Kalachakra. Có thể là dòng đến Tây Tạng cũng như dòng phổ biến rộng rãi khắp Ấn Độ từ cuối thế kỷ thứ mười hay đầu thế kỷ thứ mười một trở đi, đều được khởi dẫn bởi truyền thừa từ Shambala. Không thấy nói gì trong văn chương lịch sử Kalachakra về bản văn đã gây nguồn cảm hứng cho Chilupa ; từ khi trở về Ấn Độ, hình như ngài chỉ truyền bá các giáo lý của Shambala.
Kalachakrapada Anh (tức là Chilupa) dạy giáo lý Kalachakra cho nhiều đệ tử. Nổi bật trong số họ là Pindo Acharya.(7) Đến lượt ngài, lại có nhiều đệ tử thành tựu, người quan trọng nhất là Kalachakrapada Em, tên khác là Naropa. Có thể là Naropa cũng có gặp Kalachakrapada Anh và nhận sự truyền thọ trực tiếp từ ngài.
Như đã nói trên, dù cho Chilupa và Pindo Acharya có nhiều đệ tử, chính những dòng truyền của đệ tử họ là Naropa là được truyền thọ và bởi thế được gìn giữ ở Tây Tạng và Trung Á. Như thế dòng của Naropa chắc chắn là truyền thống Kalachakra độc nhất được truyền xuống đến chúng ta hôm nay trong một sự truyền thừa không đứt đoạn.
Tengyur Tây Tạng chứa đựng hầu hết một tá các công trình của Naropa về các mặt của chủ đề Kalachakra. Một trong những cái quan trọng nhất là Bình luận Luận đề về các nhập môn mà Dalai Lama thứ Nhất thỉnh thoảng trích dẫn trong Ghi chú về hai giai đoạn Yoga của Kalachakra vinh quang.
Đến lượt mình, Naropa đã truyền dòng cho nhiều đệ tử Ấn Độ, vài người trong số đó là đặc biệt quan trọng trong sự phát triển Kalachakra ở Tây Tạng.
Người đầu tiên trong số đó là Shribhadra, từ năm 1026/7 đã làm việc với dịch giả Tây Tạng Jyojo Dawai Ozer. Dòng này không trở thành quan trọng trong một ý nghĩa tâm linh trực tiếp, nhưng nó đã lôi kéo sự chú ý của giới trí thức Mật thừa Tây Tạng về sự hiện hữu và bản chất của các nguyên bản Kalachakra.
Đệ tử thứ hai của Naropa trong giáo lý Kalachakra là đạo sư Somanatha, đến Tây Tạng năm 1064 và làm việc với Dro Lotsawa để dịch nhiều nguyên bản căn bản Kalachakra sang tiếng Tây Tạng, gồm cả bình giảng rộng của Pundarika. Đây là Dro mà Dalai Lama thứ Mười Ba đã tham chiếu ở trên. Sự truyền thừa xuống từ chỗ gặp gỡ này được biết như là truyền thống Dro.
Một đệ tử khác của Naropa là Manjukirti, phát sanh ra một đệ tử có tên là Samanta Shribhadra. Vị đạo sư thứ hai này về sau truyền giáo lý Kalachakra cho Rva Chorab, một đệ tử của Rva Dorjey Drak.(8) Samanta Shribhadra và Rva Chorab cũng dịch nhiều bản kinh Kalachakra quan trọng.
Hai truyền thống trên, Dro và Rva, được xem là những dòng truyền thừa quan trọng nhất trong buổi đầu lan rộng của Kalachakra ở Tây Tạng. Sau đó chúng được hòa nhập làm một bởi Buton Rinchen Druppa, một đạo sư quan trọng ở thế kỷ thứ mười bốn (và cũng là tác giả của sadhana được dịch trong chương Mười Chín của cuốn sách này). Chính dòng hợp đôi này từ Buton về sau truyền xuống đến Lama Tsongkhapa, và bởi thế tạo nên truyền thống được giữ gìn trong phái Gelukpa ngày nay.
Một đạo sư Ấn Độ quan trọng khác nghiên cứu Kalachakra dưới tay Naropa là Atisha, ngài đến Tây Tạng năm 1042 và các giáo lý của ngài gần bốn thế kỷ sau trở thành nền tảng cho những nguyên lý của phái Gelukpa mới thiết lập. Atisha không viết về chủ đề này, nhưng ngài được nói rằng đã dạy nó rộng rãi.
Cùng với sự nghiên cứu Kalachakra với Naropa, Atisha cũng nghiên cứu nó với một vị thầy gọi là Pindo trong khi ở Indonesia. Trong cuốn tự bình giảng về Một ngọn đèn soi sáng con đường Giác Ngộ, Atisha ghi nhận rằng sự đề cập của ngài về ‘Adi Buddha Tantra’ vĩ đại (tức là Tantra Kalachakra Gốc) chiếu theo lời truyền miệng bản văn này nhận được từ guru của ngài là Acharya Pindo xứ Java. Vị đạo sư này có phải là Pindo Acharya sinh ở Bengal, người đã truyền dòng cho Naropa ? Dầu cho Naropa là guru của Atisha, không có sự khác biệt lớn trong tuổi tác của họ. Thêm rắc rối cho vấn đề, một trong sáu đệ tử chính của Atisha lại tên là Pindo. Người ta cũng tự hỏi ‘Pindo xứ Java’ có một liên quan gì với Borobudur, ngọn tháp khổng lồ ở trung Java, được nói là làm theo nguyên bản Tháp Dhanyakataka miền nam Ấn, nơi đức Phật đã ban cho giáo lý Kalachakra đầu tiên.(9)
Như ghi nhận ở trước, ở Tây Tạng truyền thống Kalachakra được phổ biến trong hai dòng là Dro và Rva, chúng được hợp lại vào cuối thế kỷ mười ba bởi Buton Rinchen Druppa. Buton viết nhiều về chủ đề này,(10) và từ ngài nó lan rộng khắp mọi phái Phật giáo Tây Tạng, nhưng phổ thông lớn nhất là trong phái Gelukpa. Lama Tsongkhapa và hầu hết các đệ tử trực tiếp của ngài đã nghiên cứu, thực hành, dạy và viết nhiều về Kalachakra.(11)
Thường nêu ra rằng ngay dù Lama Tsongkhapa và hai đệ tử chính Khedrupjey và Gyaltsepjey mạnh mẽ dấn thân vào truyền thống Kalachakra, thì Kalachakra cũng không có mặt đầy đủ trong chương trình học chính của Gyumey hay Gyuto, trường Sơ đẳng và Cao đẳng Mật thừa.(12) Thay vào đó, hai trường này chuyên chú vào ba hệ thống kia của bốn yoga tantra tối thượng, tức là Guhyasamaja, Heruka Chakrasamvara và Yamantaka. Sự nghiên cứu Kalachakra chỉ gồm trong đó như một điểm tham chiếu. Kết quả là, những ai trong trường muốn học hệ thống Kalachakra đã (và đang) phải làm chuyện ấy một cách riêng tư. Kalachakra được giữ gìn không chỉ ở một số trung tâm, tu viện trung ương mà còn bởi các vị nắm dòng riêng lẻ (như Kyabjey Ling Rinpochey, vị thầy Trưởng đã quá cố của đức Dalai Lama), và trong nhiều cộng đồng Gelukpa khác suốt Trung Á.
Có thể rằng giáo lý Kalachakra được giữ ngoài học trình của các tu viện trung ương phái Gelukpa vì các lý do chính trị. Truyền thống truyền miệng nói rằng sau khi Tsongkhapa tịch, các đệ tử chia làm hai phái. Đệ tử trưởng Gyaltsepjey, người kế vị Tsongkhapa ở tu viện Ganden không tham gia vào cuộc tranh luận ; sự phân chia này là do đệ tử chính khác của Tsongkhapa, Khedrupjey, người về sau tiếp nối Gyaltsepjey ở ngôi tu viện Ganden.
Người ta nói rằng nhiều vị tăng phái Gelukpa không thích cốt cách quý phái và kiểu cách hấp dẫn đặc trưng trong các hoạt động của ngài. Nhiều người trong họ cũng đặt dấu hỏi về sự quan trọng mà ngài đặt vào giáo lý Kalachakra, phê bình rằng nó làm tổn hại đến sự nghiên cứu các tantra chính yếu.
Vị tăng Gungru Gyaltsen Zangpo là người chỉ trích Khedrupjey thẳng thừng nhất. Sau khi Khedrupjey trước tác luận giải mở rộng về Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ của Pundarika, Lama Gungru đã cười sự chú ý của mọi người vào bản văn và tuyên bố : ‘Đối với cái gọi là ‘Tantra Kalachakra Vinh Quang’ này, nguyên bản không bắt đầu và chấm dứt cả với các âm e-vam, dấu ấn cho mọi yoga tantra tối thượng khác. Bản giải thích thì đầy những mâu thuẫn. Còn về nguồn gốc của nó, cũng chẳng rõ ràng như dòng họ cha của một đứa bé sinh ra bởi một cô gái điếm.’
Thật lạ lùng, truyền thống Kalachakra tuy nhiên lại tồn tại vững chắc trong phái Gelukpa, mạnh mẽ hơn bất kỳ phái nào khác của Phật giáo Tây Tạng. Chắc chắn sự phổ thông của nó thì tăng và giảm với các thế hệ, do bởi sự mê hoặc và ý chí của các vị thầy dòng Kalachakra trong mỗi thời đại, nhưng nó không chỉ tồn tại, mà thường còn nở rộ với một cường độ rực rỡ hơn so với ba tantra tối thượng ‘đã ổn định’ kia.
Thông thường các tín đồ Tây Tạng cũng như các nhà hàn lâm không thấy sự khác biệt đa dạng về đời sống tâm linh và trí thức trong hàng ngàn ngôi chùa Gelukpa khắp Trung Á trước ngày bị hủy hoại (trước 1950). Nhiều ngôi chùa có một chương trình thống nhất nhắm vào các chủ đề đặc biệt hoàn toàn khác với một nửa tá các tu viện được thừa nhận đặc biệt ở Lhasa và các vùng lân cận.
Một ví dụ là Amchok Tsennyi Gonpa, ở Amdo, miền đông Tây Tạng. Đó là ngôi chùa thừa tự của Thượng tọa Amchok Tulku, mà tôi đã dịch một số trước tác trong Phần Hai, và tiểu sử tôi có đề cập trong lời nói đầu. Cơ sở này thật ra là một cộng đồng gồm năm tu viện độc lập, mỗi cái khoảng năm trăm đến một ngàn vị tăng. Bốn trong năm tu viện này mỗi cái chuyên tu một trong bốn hệ thống Mật thừa nói ở trên : Guhyasamaja, Heruka Chakrasamvara, Yamantaka và Kalachakra. Cái thứ năm đặc biệt về thiên văn học và y học.
Kumbum, một tu viện lớn và quan trọng khác ở tỉnh Amdo, cũng có một chương trình học tương tự trong các phân viện khác nhau, với Kalachakra giữ một vai trò có ý nghĩa. Tashi Lhunpo ở Shigatsey, tây nam Tây Tạng, cũng duy trì một dòng Kalachakra quan trọng, cũng thế là Namgyal Dratsang, tu viện riêng của đức Dalai Lama ở Lhasa. Một dòng cũng được duy trì trong một của các phân viện của Ganden Shartsey, tu viện được chính Lama Tsongkhapa lập ra gần Lhasa.
Hầu hết các tái sanh của Dalai Lama và Panchen Lama, hai lãnh tụ tâm linh cao cấp nhất của Tây Tạng, đều mạnh mẽ dấn thân vào giáo lý Kalachakra. Ví dụ, sự đam mê biểu lộ bởi Dalai Lama thứ Nhất trong Ghi chú về hai giai đoạn của Kalachakra vinh quang nói lên tình cảm của ngài về phương diện này.
Dalai Lama thứ Hai cũng biểu lộ sự tán dương đối với Kalachakra. Sự nồng nhiệt của ngài phản ảnh trong một bài thơ ngài viết một hôm khi những tư tưởng của vị thầy Mật thừa chính yếu của ngài là Khedrup Norzang Gyatso (đức Dalai Lama có đề cập trong bài Tựa), phủ trùm ngài trong một thời thiền định(13) :
Ở đây, tôi ngồi trong nơi ẩn cư Rinchen Gang
Nơi đây thiền định tự nhiên hoàn thành kết quả,
Một nơi chốn của Pháp dưới chân ngọn Ode Gungyal,
Một ngọn núi đẹp sánh được với Kailash.
Tư tưởng của thầy tôi Khedrup Norzang Gyatso khởi ra
Và tôi gom nhặt lòng tốt của ngài.
Một nguồn xúc cảm dâng trào trong tôi
Và mỗi sợi lông tóc trên người đều run lên vui sướng.
Tôi kêu gọi ngài với giọng khẩn cầu :
Xin hãy đến từ nơi không biểu hiện.
Xuất sanh hình tướng rực rỡ của thánh thân ngài ;
Và dẫn dắt chúng sanh đến trạng thái giác ngộ
Nó không cách lìa tâm vô song của ngài.
Ôi, bổn sư thiêng liêng, dưới sự dẫn dắt từ ái của ngài
Con đã chinh phục các yoga của hai giai đoạn Mật thừa
Về Kalachakra vinh quang, vua của những tantra,
Và cũng thành thạo các nhánh của Kalachakra,
Như kiến thức thiên văn về các cõi trời,
Nó trợ giúp cho trí huệ tâm linh cao hơn.
Không nương dựa vào lời nói, ngài dẫn con
Đến sự hiểu biết không còn gì che dấu của các giáo lý thâm sâu
Của thánh Long Thọ, Thánh Thiên và Lama Tsongkhapa.
Về thực tướng rốt ráo của Hiện Hữu :
Rằng tất cả sự vật an trụ trong tánh Không ;
Rằng không có gì hiện hữu tự mình ;
Rằng mọi sự đều chỉ là sự phóng chiếu của tâm thức
Quy về nền tảng xuất sanh của chúng.
Ngài giúp con nhìn thấy kẻ thù vĩ đại bên trong,
Thói quen chấp ngã thấy mọi sự là thật,
Và thấy hậu quả tai hại vô biên của nó.
Ngài cũng chỉ cho con làm thế nào để hủy diệt nó ;
Thế nên giờ đây cái gì xảy ra trong trường tri giác
Đều khởi lên trong con đường của tánh Không mà không cố gắng.
Tuy nhiên ngài không để con rơi vào hư vô đoạn diệt,
Mà chỉ ra cho con sự thích đáng như thế nào
Mọi sự xuất hiện, dù cho chỉ là danh tướng,
Tuy nhiên tiếp tục vận hành một cách ước lệ
Theo quy luật của tương đối và nhân quả.
Như thế ngài giải thoát con khỏi vực thẳm khủng khiếp
Của sự chấp vào hai đối cực ‘có’ và ‘không’.
Ôi, bổn sư từ bi, chính ngài đã dạy con
Làm thế nào rút ra ý nghĩa tinh túy
Của mọi kinh và tantra sâu xa
Và giúp con tìm ra sức mạnh bên trong
Của một tâm khéo tu trong truyền thống trí huệ.
Dalai Lama thứ Ba cũng nhận được sự truyền thọ và dạy dòng Kalachakra. Năm 1578, hóa thân du hành đến Mông Cổ, ở đó ngài cải hóa người Mông Cổ theo đạo Phật. Ngài để phần đời còn lại để du hành và dạy khắp Mông Cổ và Đông Tây Tạng, xây dựng các cơ sở Phật giáo và truyền thống giác ngộ. Những vùng này vẫn còn hướng một cách vững chắc đến sự nghiên cứu và thực hành Kalachakra, và một bài văn hay nhất Trung Á đã được tạo ra bởi những Lama của vùng biên giới Amdo-Mông Cổ.
Dalai Lama thứ Bảy đóng góp vào di sản của Kalachakra phải nói là có ý nghĩa đặc biệt. Ngài tên là Gyalwa Kalzang Gyatso, sinh năm 1708 ở Litang vùng Kham, Đông Tây Tạng.(14) Ngài học hỏi với nhiều guru, gồm cả Panchen Lama thứ Hai. Một trong những thầy giáo thân thiết nhất của ngài là Trưởng phái Gelukpa, Trichen Ngawang Chokden, và chính từ vị Lama này mà ngài lần đầu tiên nhận được các lời chỉ dạy chi tiết về sáu yoga Kalachakra.
Về sau ngài hiểu rằng những giáo lý Kalachakra đã trở thành manh mún một cách nguy hiểm. Ngài thỉnh cầu vị guru trưởng gom góp mọi phần trước khi chúng bị mất, và rồi chuyển giao truyền thống toàn vẹn cho ngài, để sự bảo toàn được chắc chắn.
Tiểu sử của Dalai Lama thứ Bảy tìm thấy trong Những cuộc đời của các vị thầy Lam Rim của Tsechokling nói như vầy về sự đóng góp của ngài(15) :
Vào lúc ấy, Ngài (Dalai Lama thứ Bảy) không ngừng khẩn cầu guru của mình là Trichen Ngawang Chokden gom góp lại toàn bộ dòng phái Kalachakra, nó đã được Lama Tsongkhapa và các đệ tử thu gom lại từ vài thế kỷ trước, nhưng bây giờ đang có nguy cơ bị phân tán và thất lạc.
Dầu đã rất già, từ lòng kính trọng Ngài và cái thấy tâm linh sâu xa của Ngài, và để cố gắng giúp cho sự giữ gìn di sản đầy đủ của Tsongkhapa, vị Trưởng phái truy nguyên và sưu tập những truyền thống manh mún khác nhau với sự cố gắng lớn lao. Rồi ngài tiếp thu đồng hóa mọi giáo lý đã nhận được bằng cách thực hành những cuộc nhập thất thiền định thích hợp. Sau này ngài chuyển toàn bộ gia sản của các dòng cho đức Gyalwa Kalzang Gyatso. Đức Gyatso lại nhập thất và thành tựu các sự tu hành, và như thế trở nên vô úy trong việc ban cho các nhập môn và việc dạy về Kalachakra.
Sự thân thiết của Dalai Lama thứ Bảy với vị thầy Kalachakra Trichen Ngawang Chokden tồn tại vững chắc cho đến khi vị sau tịch. Tsechokling nhớ lại biến cố này một cách cảm xúc :
Khi Ngawang Chokden bảy mươi lăm tuổi, thân thể ngài đã rất nặng nề cho ngài và ngay cả đứng dậy từ chỗ ngồi mà không ai giúp đỡ đã là một khó khăn cho ngài. Đức Dalai đến chỗ ở của vị Lama và thỉnh cầu ngài dùng thần lực để kéo dài đời sống.
Vị guru già của ngài trả lời : ‘Từ tuổi nhỏ ta đã sống như một ông tăng Phật giáo… Ta đã có phước đức lớn để học hỏi, tư duy và thiền định tương ưng với các giáo lý theo sở nguyện tối hậu, và đã phụng sự như là thầy giáo cho đức Dalai, vị bảo hộ của dân Tây Tạng. Thật là vui sướng lớn lao cho ta khi có thể trao truyền cho ngài nhiều nhánh Kinh và Mật của Phật đạo… Nhưng bây giờ thân ta đã sẵn sàng gặp gỡ cái chết. Cái thân phờ phạc này đã mòn mỏi rồi. Lão già này chỉ muốn một điều là được yên tĩnh một mình ở tu viện Redeng khi thời cái chết đã đến’.
Vào buổi sáng ra đi, Ngài đến với vị guru vĩ đại và nói với ngài về những vấn đề tâm linh. Khi thầy mình sắp ra đi, Ngài đặt vương miện trên đầu lên ngực của vị thầy già một lúc và rồi, chảy nước mắt dâng lời cầu nguyện cho mối nối kết tâm linh của họ được tiếp tục. Đức Dalai tức thời yêu cầu các buổi lễ được cử hành ở ba tu viện lớn của Lhasa, để cầu an cho vị thầy của mình đi đến nơi ẩn cư. Tsechokling kể tiếp :
Trichen Ngawang Chokden đến tu viện Redeng, và không lâu sau đó thì tịch… Đức Dalai rút lui vào một phòng trên cao của Potala và dấn thân vào sự cầu nguyện và thiền định mãnh liệt… Từ lúc đó trở đi, mỗi năm ngài cử hành một thực hành Kalachakra rộng rãi để tôn kính vị guru quá cố.
Từ Đức Dalai Lama thứ Bảy cho tới ngày nay giáo lý Kalachakra là một ưu tiên đối với chức vụ Dalai Lama.
Dalai Lama thứ Bảy đã dâng cúng tu viện Redeng cho Trichen Ngawang Chokden, và như thế vị Thầy giáo này được biết trong lịch sử như là Redeng Rinpochey thứ Nhất. Cho đến cuối thế kỷ vừa qua, khi các mối liên lạc giữa Lhasa và Shigatsey trở nên căng thẳng vì sự liên hệ ngây thơ và không chính đáng với British Raj (và đặc biệt với gián điệp Sarat Chandra Das),(16) truyền thống tâm linh cha-con đã có giữa Dalai và Panchen Lama, với vị lớn tuổi hơn là guru cho vị nhỏ tuổi hơn trong mỗi thế hệ, đã được chủ yếu chuyển qua cho Redeng Rinpochey. Sau cái chết của Dalai Lama tiền nhiệm, vị Redeng Rinpochey đương chức được bổ nhiệm làm nhiếp chính, và cuối cùng trở thành người có trách nhiệm trông coi việc tìm kiếm vị tái sanh mới. Thật vậy, ngài đã có một công việc rất tốt. Không may cái chết bi thảm của ngài dẫn đến một sự viết lại vai trò của ngài về mặt này ở Tây Tạng, và nói chung đưa đến một chiến dịch ám sát tính cách do các nhà quý tộc ở Lhasa phạm phải, chịu trách nhiệm về sự ám sát dã man ngài. Cũng đáng tiếc rằng hầu hết các học giả Tây phương cũng bị lầm lẫn về tính cách và sự đóng góp của con người kỳ diệu này, mà lỗi lầm thật sự duy nhất là lòng tốt tự nhiên và tình yêu cái đẹp.
Các tái sanh của Panchen Lama, chỉ đứng hàng thứ hai sau các Dalai Lama trong hệ thống tâm linh Tây Tạng, cũng tham gia rất nhiều vào sự trao truyền Kalachakra. Panchen Lama thứ Nhất, ngài là vị guru của Dalai Lama thứ Năm, và tập Một nguyện vọng hoàn thành các giai đoạn của con đường Kalachakra vinh quang làm thành chương Hai Mươi của cuốn sách này là do ngài viết, đã tận lực chỉ dạy Kalachakra, và đức Panchen Lama thứ Hai cũng làm như thế. Tái sanh thứ Ba hoàn thành sự phổ cập Kalachakra còn lớn hơn với bản văn Guide to Shambala,(17) trở nên một thành công tức thời khắp vùng Trung Á. Các tái sanh sau đó tiếp tục di sản. Vị thứ Sáu, mà công trình thi kệ về Kalachakra được gồm trong chương Mười Ba, cũng là một vị thầy hoạt động cho giáo lý Kalachakra.
Ở Tây Tạng truyền thống Kalachakra cũng được dạy ngoài phái Gelukpa, dầu cho không cùng một sự nồng nhiệt như vậy. Ví dụ phái Kargyu giữ một dòng truyền thừa độc nhất đến từ phái Jonangpa. Các Lama phái Jonangpa, mà người nổi bật nhất là Taranatha, đã viết nhiều về truyền thống Kalachakra, và nhiều tác phẩm của các Lama trong phái còn có thể tìm thấy trong các thư viện Tây Tạng khắp thế giới. Cũng thế, phái Sakya đã duy trì một truyền thống Kalachakra từ những ngày đầu hiện hữu.
Một mặt khủng khiếp của sự phá hoại các thư viện lớn trong chùa ở Trung Á bởi xâm lăng trong các thập kỷ vừa qua là nhiều bản văn bị hủy hoại trong khi chỉ có một bản chép tay, và không có bản sao thứ hai nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nhiều tu viện lớn ở Kham và Amdo chuyên về trao truyền Kalachakra hẳn đã sản xuất ra nhiều bản văn về loại này. Một số đã được cứu thoát, dĩ nhiên, và số nhiều hơn tiếp tục thỉnh thoảng xuất hiện. Nhưng tiếc thay đây chỉ là một phần của những gì đã có chỉ nửa thế kỷ trước đó.
Những trước tác của Bodong Chokley Namgyal, một vị guru quan trọng phái Jonangpa của Dalai Lama thứ Nhất đến trong trí nhớ tôi. Dầu cho Bodong hoàn toàn là một triết gia và thầy giáo nổi tiếng trong đời ngài, nhưng thật sự ngài là một tác giả quá sung mãn đến nỗi không ai có thể trợ cấp để in. Chỉ một bản chép tay toàn tập của ngài (gồm 137 bộ) được sắp xếp để thoát khỏi cuộc hủy diệt của Trung Hoa ở Tây Tạng. Toàn tập chứa một nửa tá bộ dày trang các bản văn liên hệ đến Kalachakra. Sưu tập toàn bộ các trước tác của ngài, với hàng trăm tựa đề gồm mỗi chủ đề quan trọng của thế giới Phật giáo, cuối cùng đã được xuất bản ở Ấn Độ bởi Tibet House, New Delhi, hợp tác với Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
Chắc chắn Tây Tạng có hàng ngàn toàn tập kiểu này, hầu hết được cất giữ như một bản chép tay độc nhất trong tu viện gốc của tác giả. Người nào muốn có một bản theo thông lệ phải tiếp xúc với tu viện và thuê một người chép mướn để chép lại, hay đến thăm tu viện và tự tay chép lấy. Kết quả là nhiều bản do sự sản xuất kỳ lạ này chỉ bởi sự cố gắng của một người độc nhất ngày nay đã bị mất cho hậu thế.
Sự xâm lăng Tây Tạng của người Trung Hoa và sự phân tán dân Tây Tạng khắp thế giới chắc chắn là một bi thảm ghê gớm đứng từ quan điểm sự khổ đau gây ra trên dân chúng Tây Tạng và sự tấn công diệt chủng đối với nền văn hóa của họ. Tuy nhiên, nó có mặt tích cực là đã tung các vị Lama và văn hóa Phật giáo Tây Tạng vào những nơi trung tâm của vũ đài quốc tế, vào một thời điểm trong lịch sử khi nhân loại cần cảm hứng và hướng dẫn hơn bao giờ hết.
Nhận xét rất hứa hẹn này đã được cố giáo sư A. L. Basham, chắc chắn là nhà Ấn Độ học vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi, phát biểu trong lời nói đầu cuốn Các Yoga Tantric của Sư Tỷ Niguma :
Một trong những hậu quả không ngờ tới của sự việc Tây Tạng bị chiếm đóng là sự di cư của hàng ngàn Lama Tây Tạng, họ theo đức Dalai Lama tự nguyện lưu vong. Cùng với họ là các sao chép kinh điển và những truyền thống phong phú Phật giáo theo cách thức riêng tư của họ, họ nhanh chóng thích ứng với những môi trường mới và tìm ra nhiều đệ tử ở cả châu Mỹ và châu Âu. Sự lan rộng của hiểu biết tôn giáo Tây Tạng ở Tây phương trong vài thập kỷ gần đây một cách nào đó có thể so sánh với sự lan rộng của hiểu biết Hy Lạp và văn hóa cổ điển ở châu Âu sau sự chiếm đoạt Constantinople do người Thổ Nhĩ Kỳ và sự lưu vong của các học giả Byzantine. Như thể một kích thước mới đã được thêm vào cho kho tàng văn minh thế giới.
Chắc chắn tác động của các vị Lama và văn hóa thế giới là cực kỳ tích cực, như đức Dalai Lama nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989 là tiêu biểu. Thậm chí có thể sau cùng một vài dòng phái truyền thừa sẽ được chuyển qua tay người Tây Phương, vì sự trưởng thành của người Tây Phương trong lý thuyết và thực hành Mật giáo đã lớn mạnh từ sự tò mò tình cảm và trí thức đến sự chứng nghiệm nội tâm thực sự.
Một người bạn Lama của tôi ở Anh, Thượng Tọa Chimey Rinpochey, một lần bình luận với tôi : ‘Người Tây Tạng chúng tôi xem sự du nhập của Phật giáo Mật thừa vào Tây phương như là một điều thí nghiệm. Chúng tôi sẽ còn đợi một người Tây phương đầu tiên hoàn thành giác ngộ qua những phương pháp này, và chứng minh cuộc thí nghiệm thành công.’
Điều đó đã mười hai năm trước. Có lẽ bây giờ sự kiên nhẫn của Rinpochey và các Lama Tây Tạng khác họ đã bỏ thời gian và công sức cho việc huấn luyện các học trò Tây phương đã bắt đầu hình thành trái quả đáng mong trong dòng tâm thức của một hay hai hành giả đâu đó trên mặt hành tinh này.
Đức Phật được nói là đã tiên tri rằng : ‘Hai ngàn năm trăm năm sau khi Ta nhập diệt, Pháp sẽ lan rộng đến miền đất của người mặt đỏ.’(18) Hầu hết người Tây Tạng ngày nay cho là nó ám chỉ Bắc Mỹ, quê hương của người Mỹ.
Năm 1956, Ấn Độ cử hành lễ kỷ niệm 2.500 năm đức Phật ra đi. Trong các khách mời danh dự chính yếu có đức Dalai Lama, ngài đang trong chuyến đi ra nước ngoài (trừ chuyến đi bị bắt buộc qua Peking vài năm trước đó). Đây là sự tiếp xúc thật sự và đầu tiên với cộng đồng Phật giáo quốc tế, và nó đặt bước cho khối đông di dân Tây Tạng qua Ấn Độ tiếp sau sự đàn áp của Trung Hoa ba năm sau. Nó cũng có thể được giải thích như một điềm triệu về sự đóng góp tâm linh mà Ngài và các lãnh tụ tâm linh Tây Tạng khác đã làm cho cộng đồng thế giới kể từ thời gian đó.