Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Truyền thống Kalachakra khởi lên công khai ở Ấn Độ khá lâu sau các hệ thống của ba loại tantra cấp thấp và cũng sau ba tantra chính yếu. Như thế trong một nghĩa nào, từ thời xuất hiện, nó có lẽ đã biết đến những hệ thống ấy, và là một sự tinh lọc cuối cùng của chúng.

Như đã giải thích ở trước, sự tu hành trong ba tantra cấp thấp bao gồm hai giai đoạn là yoga có biểu tượng và yoga vượt khỏi biểu tượng. Những tantra cấp thấp này làm việc trong lãnh vực thô của tâm thức, và bởi thế không mạnh mẽ bằng các phương pháp của yoga tantra tối thượng ; chúng không có những phương tiện nhờ đó một hành giả ở mức độ ban đầu có thể biệt lập các mức độ vi tế của thân và tâm ra khỏi cái thô. Tuy nhiên, bởi vì lúc ban đầu của sự tu hành, kinh nghiệm tâm thức của chúng ta chủ yếu bị giới hạn trong các mức độ thô (chỉ trừ những giây phút ngắn ngủi như khi đi vào giấc ngủ, sự cực khoái cảm, lúc chết…), các hệ thống đơn giản hơn này được xem như bước khởi đầu thực hành cụ thể.

Trong các yoga tantra tối thượng chủ yếu, thiền giả được dạy các kỹ thuật đặc biệt nhờ đó thân vi tế tách lìa khỏi cái thô. Hậu quả là, tâm thức khởi lên một cách đơn độc trong các mức độ vi tế. Các trạng thái siêu thường này của tâm thức, khởi lên qua kinh nghiệm về hỷ lạc của thiền định, lúc ấy được hướng đến sự quán chiếu về tánh Không, bản tánh tối hậu của mọi sự. Kết quả là giây phút gần sát với giác ngộ.(1)

Kalachakra đưa vào tiến trình thêm một bước nữa, hòa tan ngay cả các năng lực vi tế và các hạt, và thiền định trên nền tảng của một ‘thân trống không’. Nó cũng đưa vào một số đặc trưng và kỹ thuật không tìm thấy trong các yoga tantra tối thượng như chúng ta sẽ thấy sau này.

Tính độc nhất của giáo lý Kalachakra được ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại chỉ ra trong Tóm tắt về truyền thống Kalachakra của ngài :

Truyền thống yoga tantra tối thượng khác là Kalachakra, một hệ thống trình bày con đường Mật thừa theo một cách khác biệt đáng kể với sự trình bày trong các hệ thống yoga tantra tối thượng khác. Tantra ‘rõ ràng’ này thường được dạy riêng biệt với các yoga tantra tối thượng khác, vì hạ tầng cơ sở của nó là khác biệt đáng kể với các truyền thống chính yếu, như Guhyasamaja, Yamantaka và Heruka Chakrasamvara.

Ở đây Kalachakra được xem là tantra ‘rõ ràng, hiển’ hay selgyu. Từ này khác biệt với ‘tantra che dấu, ẩn’, hay begyu. Kalachakra là hiển, rõ ràng vì nó nói bằng ngôn ngữ trực tiếp ; ba tantra chính yếu kia là ‘tantra ẩn, che dấu’ vì chúng chôn dấu ý nghĩa trong một thứ ngôn ngữ cố tình làm cho mơ hồ.

Tính cách đầu tiên của giáo lý Kalachakra là sự trình bày của nó về ‘ba Kalachakra’. Đức Dalai Lama giải thích điều này như sau trong Về sự nhập môn Kalachakra :

Bàn về giai đoạn phát sanh của Kalachakra, nó làm chín và trưởng thành tâm thức để cho giai đoạn thành tựu, truyền thống đưa vào chủ đề về ba Kalachakra : ngoài, trong và thay thế.

Kalachakra bên ngoài gồm các nguyên tố của vũ trụ chúng ta đang sống. Kalachakra bên trong gồm bởi các uẩn, giác quan và hoạt động tâm thức của con người… Thứ ba Kalachakra luân phiên là con đường của các yoga giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu, các phương pháp có sức mạnh tịnh hóa hai Kalachakra ở trên.

Ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại trong cuốn Tóm tắt về truyền thống Kalachakra nói thêm như sau :

Kalachakra thay thế là thực hành thực sự các yoga của hệ thống Kalachakra nhờ đó thế giới và các cư dân của nó được tịnh hóa. Nền tảng cho sự tịnh hóa là con người có sáu nguyên tố cùng với nghiệp để được sanh ra từ một dạ con của loài người trong thế giới nơi này.

Cũng thế, Dalai Lama thứ Nhất viết trong Những ghi chú về hai giai đoạn của Kalachakra vinh quang :

Về ba Kalachakra nói ở trên, Kalachakra bên ngoài và bên trong là những nền tảng để được tịnh hóa, trong khi Kalachakra thay thế ám chỉ đến các thực hành thiền định chúng thực hiện sự tịnh hóa này và tạo ra ba kết quả được tịnh hóa.

Như thế về ba Kalachakra – ngoài, trong và luân phiên – chính cái chót là con đường yoga hiện thực của truyền thống Kalachakra. Vì yoga này tịnh hóa thế giới và các cư dân của nó, nên cả ba có thể được xếp vào ‘Kalachakra luân phiên’.

Tính độc nhất của hệ thống Kalachakra trở nên rõ ràng ngay từ lúc bắt đầu của con đường, với sự nhận lãnh lễ nhập môn.

Trích dẫn đại thành tựu giả Ấn Độ Gandhapada (TT. Tilbupa), Dalai Lama thứ Nhất diễn tả mạn đà la(2) có thể được dùng như là căn cứ của buổi lễ nhập môn trong các yoga tantra tối thượng chính yếu :

Có ba loại mạn đà la được dùng như căn cứ cho sự nhập môn (trong các tantra chính yếu) : những mạn đà la làm từ các hạt nhỏ nhuộm màu, những cái được vẽ trên vải, và những cái được quán tưởng trong thân.

Rồi Dalai Lama thứ Nhất chỉ ra rằng Guhyasamaja và các hệ thống khác cũng chấp nhận một loại mạn đà la thứ tư, tức là mạn đà la dhyana, hay thiền định.

Tuy nhiên, Kalachakra khác với các truyền thống ấy bởi điều nó chỉ chấp nhận nhập môn trên căn cứ của một mạn đà la làm bằng bột nhuộm màu, nói cách khác, một bức vẽ bằng cát. Điều này được Naropa xác nhận trong bình giải của ngài về một đoạn độc nhất trong Tantra Kalachakra Gốc còn giữ lại được, chương có tên là ‘Khảo luận về các nhập môn’.

Thứ hai là tiến trình nhập môn thật sự có khác biệt đáng kể trong Kalachakra. Như chúng ta thấy trong một chương trước, các nhập môn của tantra chính yếu gồm có bốn pháp ban quyền cho cá nhân, là bính chứa, bí mật, trí huệ và lời thiêng, mỗi cái được trao cho chỉ một lần trong suốt buổi lễ.

Trong Kalachakra tiến trình nhập môn lại là ba nhóm riêng biệt : ‘đi vào như một đứa trẻ’, nó gồm có bảy phần ; bốn nhập môn cao cấp ; và bốn nhập môn siêu cao. Bốn phần của mỗi nhóm trong hai nhóm sau có cùng tên với bốn nhập môn của các tantra chính yếu, và các thiền định tiến hành trong các phần cũng giống như trong các tantra chính yếu. Tuy nhiên, bản chất và công năng của chúng có chút khác biệt, như chúng ta sẽ thấy trong phần bình giải của Dalai Lama thứ Nhất và thứ Mười Ba.

Bảy phần nhập môn ‘đi vào như một đứa trẻ’ cốt đưa chúng ta trở lại thời sinh ra và cho chúng ta bắt đầu một cuộc đời mới. Như thế chúng được tượng trưng bằng bảy kinh nghiệm mà một đứa trẻ trải qua khi đi vào thế giới này : được tắm rửa ; được cắt tóc ; được xâu tai ; học cười và nói ; học dùng các giác quan ; được đặt tên ; học đọc, viết và vân vân. Bảy phần được gọi là nhập môn nước, khăn buộc đầu, dải lụa, chày kim cương và chuông, hoạt động, tên và được phép. Để nhận được chúng, người đệ tử đến trước mỗi mặt của bốn mặt Kalachakra – trắng, đỏ, đen và vàng. Các nhập môn này đưa người ta vào kinh nghiệm tịnh hóa năm uẩn, mười năng lực, kinh mạch phải và trái, mười chức năng giác quan và đối tượng của chúng, những hoạt động của năm chức năng của thân, ba cửa, và nguyên tố của trí huệ nguyên sơ.

Nhóm nhập môn thứ hai là bốn nhập môn cao cấp và cũng gọi là bốn nhập môn thế gian. Chúng đặt người đệ tử vào con đường của bốn niềm vui, dùng như các phương tiện là nước trong bình, nếm chất thể bí mật, kinh nghiệm sự chảy lỏng của các hạt huyền bí và lạc do từ đó, và được nhập vào Lạc và Không bổn nguyên.

Nhóm thứ ba được biết là bốn nhập môn siêu cao và cũng là bốn nhập môn siêu thế. Chúng đưa người đệ tử vào cái tâm thức nó trực tiếp cảm nghiệm tánh Không trong khi trụ vào cái Lạc tối thượng bất biến, một tâm thức được đặc trưng bởi sự xuất thần siêu việt an trụ trong sự tỉnh giác toàn vẹn về thực tại tối thượng, nó là một vị với thân không khởi lên trong hình tướng Kalachakra và Phối Ngẫu trong sự kết hợp tính dục.

Dalai Lama thứ Nhất chỉ ra bản chất và các công dụng của ba nhóm nhập môn này :

Mục đích chính của bảy nhập môn là chuyển hóa người có nguyện vọng tâm linh thành ra một bình chứa thích hợp cho sự thực hành các yoga của giai đoạn phát sanh và đem lại một con đường cho việc trau dồi thiền (dhyana). Tuy nhiên, các nhập môn dải lụa buộc đầu và chày kim cương và chuông cũng có công dụng chuyển hóa đệ tử thành một bình chứa có khả năng thực hành thành công các yoga giai đoạn thành tựu, chúng kiểm soát được các năng lực chảy qua các kinh mạch phụ của thân thể và hướng lại chúng vào trong dhuti, kinh mạch chính trung ương.

Nhóm nhập môn thứ hai, được biết như là bốn nhập môn cao cấp, có sự liên kết của cả hai giai đoạn phát sanh và thành tựu…

Ba nhập môn đầu của nhóm siêu cao là cũng như trong nhóm trước, sự kết hợp tính dục được quán tưởng được thực hành với chín phối ngẫu thay chỉ vì một. Cách thức dẫn khởi (các lạc ban cho) các nhập môn là rất giống nhau. Tuy nhiên, ở đây sự nhập môn thứ tư, nó làm phát hiện ý nghĩa toàn vẹn của cái phải được hoàn thành và cái siêu vượt lên, có những đặc trưng toàn vẹn của sự nhập môn thứ tư, và như thế được gọi là ‘sự nhập môn siêu thế gian thứ tư’.

Có được mười một sự nhập môn này (hay là mười lăm, tùy theo cách người ta tính), người ta được ban cho quyền lực để đi vào các yoga giai đoạn phát sanh và thành tựu.

Đặc trưng phân biệt kế đó của hệ thống Kalachakra là sự đề cập đến danh sách samaya, hay là các cam kết Mật thừa, chúng được nhận lãnh trong thời gian nhập môn. Trong các tantra chính yếu, nó gồm sự thệ nguyện quyết định của Bồ tát, mười chín cam kết của năm Gia tộc Như Lai,(3) và nhóm mười bốn cam kết chính và tám cam kết phụ tổng quát. Các tantra âm, gồm cả Heruka Chakrasamvara, còn thêm vào danh sách này một số cam kết khác, như bắt đầu các hoạt động với phần bên trái của thân thể (ví dụ cầm đồ vật bằng tay trái thay vì tay phải vân vân) cũng như các cam kết cử hành lễ tiệc Mật thừa (gồm sự sử dụng thịt và rượu) ít ra một lần trong một tháng.

Như Dalai Lama thứ Mười Ba chỉ ra, Kalachakra bao gồm các kỷ luật tổng quát về Mật thừa này, dù cho sự diễn dịch về mười bốn samaya căn bản có khác, với bảy cái thì đồng nhất với các truyền thống chính yếu và bảy cái được giải thích theo cách riêng.(4) Thêm vào đó, Kalachakra có một nhóm hai mươi lăm samaya đặc biệt khác, gồm năm nhóm mỗi nhóm năm cái.

Những cái này thêm vào con số đáng kể các điều luật ; có lẽ nhiều hơn phần đông người có thể nhớ được. Truyền thống Tây Tạng không bận tâm đến chúng quá nhiều ở những mức ban đầu của sự tu hành, mà lần lần trưởng thành trong chúng như sự chín chắn của mình trong tu hành. Thông lệ là nhận chỉ một hay hai lời khuyên nhủ căn bản, và vào lúc những cái đó thích hợp nhất với cách sống hiện tại. Thế rồi người ta từ từ mở rộng ra từ điểm bắt đầu căn bản đó.

Tổng quát, các điều luật được chia thành ba loại tương ứng với ba thừa : Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa.

Giới luật của thừa đầu tiên là ‘sự quyết định giải thoát mình’. Nó bao gồm tám loại ‘thọ giới’, như là hành giả cư sĩ, tăng hay ni vân vân. Mục đích chánh của nó là tạo ra một môi trường giản dị và điều hòa cho người thực hành thành tựu sự tiến bộ tâm linh cá nhân. Mỗi mức độ thọ giới có một số điều luật riêng, nhưng châm ngôn chính xuyên suốt chúng là sự cam kết không hại và quyết định kèm theo là đi vào con đường tránh làm hại người khác.

Giới luật của thừa thứ hai, Đại thừa là ‘sự quyết định của Bồ tát’. Nó gồm hai loại : ‘nguyện’ tức là sự quyết định ưu tiên nắm giữ nguyện vọng thành tựu giác ngộ tối thượng như là cách làm lợi lạc cho thế giới ; và ‘hạnh’ tức là quyết định sống trong điều luật sáu ba la mật của Bồ tát. Vài kinh văn Tây Tạng nói đến sáu mươi bốn điều luật của Bồ tát ; tinh yếu của chúng là châm ngôn luôn luôn cố gắng độc nhất vì lợi lạc cho người khác.

Các điều luật của Kim Cương thừa cũng nhiều tương tự. Tuy nhiên chúng cô đọng trong hai châm ngôn căn bản. Chúng được đức Dalai Lama ban cho trong Trau dồi một thiền định hàng ngày :

Các điều luật chính (trong thực hành Mật thừa) gồm có hai : kiềm chế đối với các hình tướng bình thường và kiềm chế không bám trước vào cái bình thường.

Sự thực hành hiện thực của con đường Kalachakra bắt đầu với các yoga giai đoạn phát sanh. Chúng trình bày một số khác biệt với sự tiếp cận và thuật ngữ của các tantra chính yếu, như đã được phát hiện trong khi so sánh điều mà Dalai Lama thứ Nhất và thứ Mười Ba nói về các yoga này với điều được nói trước kia về các giai đoạn tương tự trong ba truyền thống chính khác.(5)

Sự phân biệt chính là tất cả ba tantra chính yếu nhấn mạnh vào tiến trình được biết như là ‘nắm lấy ba cơ hội như con đường của ba thân’, nghĩa là các thiền định về sự chuyển hóa các kinh nghiệm cái chết, trạng thái trung ấm và tái sanh thành các con đường của Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, ba thân của một vị Phật. Hệ thống Kalachakra thay thế ba sự tiếp cận này với sự phân chia giai đoạn phát sanh thành bốn phần đoạn. Chúng là mạn đà la chiến thắng tối thượng, sự thực hành hoạt động tối thượng, yoga về ‘hạt, giọt’ thần bí, và yoga vi tế.(6)

Dầu cho hai cái đầu tiên là chung (ít ra trên danh từ) với các hệ thống yoga tantra tối thượng khác, thì cái sau là độc nhất của Kalachakra, chính vì lý thuyết của truyền thống này về ‘bốn hạt của bốn cơ hội’. Như Dalai Lama thứ Nhất chỉ ra trong Ghi chú về hai giai đoạn Yoga, trong Kalachakra các hạt này (gọi là các hạt của trạng thái thức, trạng thái mộng, ngủ sâu, và xuất thần tính dục) hoạt động như nền tảng của tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta.

Lý thuyết của Kalachakra là bằng cách tịnh hóa bốn hạt này chúng ta sẽ tịnh hóa toàn bộ cảnh quan của tiến trình nhận thức của chúng ta, chuyển hóa thần thức ở những điểm gốc của sự khởi sanh của nó. Tiến trình này không chín và không chấm dứt cho đến khi chúng ta đi vào các yoga của giai đoạn thành tựu ; nhưng những mầm giống đã được gieo trồng bằng các thực hành trong giai đoạn phát sanh. Chủ đề về bốn hạt này được nói đến nhiều trong khi tu hành giai đoạn thành tựu.

Như với các yoga tantra tối thượng khác, khi áp dụng các yoga giai đoạn phát sanh, có các hình mạn đà la sai khác mà người ta có thể chọn lựa như là nền tảng của sự thực hành. Chúng ta tìm thấy một danh sách của các hình chính trong Tóm tắt về truyền thống Kalachakra của ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại :

Về phần các mạn đà là khác nhau có thể dùng làm căn cứ cho giai đoạn phát sanh, cuốn Tantra Kalachakra Gốc nói đến mạn đà la những ngôi sao vinh quang chuyển động gồm 1.620 vị thần. Tantra Kalachakra Tóm Gọn nói đến 722 vị thần trong mạn đà la của thân, khẩu và tâm ý. Các truyền thống tùy ý chọn lựa khác là mạn đà la tâm với ba mươi sáu vị thần và mạn đà la tâm ba mươi hai vị thần. Rồi có các mạn đà la nhỏ hơn với hai mươi lăm, hai mươi ba, mười chín, mười ba và chín vị thần. Cũng có một mạn đà la với chỉ một Kalachakra và Phối Ngẫu, và một mạn đà la Kalachakra Đơn Độc.

Bình luận về điểm này, thiền giả Kalachakra xứ Amdo vào thế kỷ mười tám, Lama Longdol nổi danh, là một đệ tử quan trọng của học trò Dalai Lama thứ Bảy tức Panchen Lama thứ Ba, viết trong Từ vựng Kalachakra theo quan điểm của Lama Tsongkhapa :

Có mười một hình thức mạn đà la chính nương vào đó sự tu hành (và giai đoạn phát sanh của Kalachakra) có thể được hoàn thành : mạn đà la 1.620 vị thần thân tướng vinh quang như được diễn tả trong Tantra Kalachakra Gốc ; mạn đà la của bộ ba thân, khẩu, ý như được tả trong Tantra Kalachakra Tóm Gọn, chứa đựng 722 vị thần ; một mạn đà la tâm có ba mươi sáu hoặc ba mươi hai vị thần ; rồi mạn đà la hai mươi lăm vị thần gần gũi và hai mươi ba vị thần gần gũi ; các mạn đà la mười chín, mười ba và chín vị thần ; và cũng có các mạn đà la năm vị thần lạc phúc ; mạn đà la nam cùng với phối ngẫu ; và Kalachakra Đơn Độc, không có phối ngẫu.

Đây là các hình mạn đà la khác nhau có thể dùng như là căn cứ cho sự thực hành giai đoạn phát sanh. Sự chọn lựa có thể làm với sự cố vấn của một vị thiền sư. Hầu hết các thiền sinh sẽ bắt đầu với một trong các mạn đà la đơn giản ; như là Kalachakra và Phối Ngẫu, hay Kalachakra Đơn Độc, để phát triển sự quen thuộc với môi trường giai đoạn phát sanh của Kalachakra trước khi tiếp tục với các hình mạn đà la phức tạp hơn.

Cơ cấu của giai đoạn phát sanh và thành tựu trong Kalachakra khác biệt đôi chút với các truyền thống chính yếu. Bởi thế các định nghĩa của hai giai đoạn này cũng có khác biệt đôi chút.

Lama Kalzang Tenzin xứ Buriati cho sự định nghĩa như sau về sự tu hành giai đoạn phát sanh trong cuốn Một thông điệp từ Lama Norzang, một công trình về Kalachakra phù hợp với truyền thống của vị guru của Dalai Lama thứ Hai là Khedrup Norzang Gyatso :

(Yoga giai đoạn phát sanh của Kalachakra được định nghĩa như là) sự áp dụng thiền định của giai đoạn đầu tiên thuộc về Mật thừa, được dẫn dắt bởi một người mà dòng tâm thức đã trưởng thành do nhận được các nhập môn ; con đường này được đặc trưng bởi sự thực hành Kalachakra luân phiên như là tinh túy của cả ba Kalachakra (ngoài, trong và thay thế), ở trong bối cảnh của một sự thiền định phóng chiếu về các giai đoạn khai mở của kinh nghiệm giác ngộ chúng được biểu trưng bằng các tiến trình sanh khởi và hoại diệt của thế giới thường nghiệm, với tác dụng của sự đồng nhất được lập nên với một hình tướng thân thể độc nhất của giác ngộ.

Ở đây bốn từ đồng nghĩa được dùng : giai đoạn đầu tiên của Mật thừa, yoga của sự tạo lập, giai đoạn phát sanh, và yoga phóng chiếu của tâm thức.

Khi chúng ta phân chia các thiền định giai đoạn phát sanh, chúng có hai cái. Thứ nhất là tiến trình thiền định về cách thế rút lui của các nguyên tố thân thể vào lúc chết và tịnh quang của cái chết xuất hiện ; để biểu trưng điều này, người ta tăng cường sự tích tập năng lực công đức và tham thiền về bốn cửa giải thoát. Thứ hai, để biểu trưng tiến trình vượt qua trạng thái trung ấm và đi vào dạ con của sự tái sanh, có yoga thiền định về bốn nhánh của sự tiếp cận và sự thành tựu.

Giai đoạn hai này gồm bốn tiến trình quán tưởng, được biết như mạn đà la vinh quang tối thượng, các hoạt động vinh quang, yoga của hạt, và yoga vi tế.

Như chúng ta có thể thấy khi so sánh định nghĩa này và sự phân tích các yoga giai đoạn phát sanh của các tantra chính yếu trong chương Tám ở trước, sự nhấn mạnh của Kalachakra là hoàn toàn duy nhất.

Các chương Mười Tám và Mười Chín của cuốn sách này chứa hai bản văn về thiền định chúng thuộc về sự tu hành giai đoạn phát sanh của Kalachakra. Bản văn đầu là một nghi thức guruyoga sáu thời, nghĩa là để trì tụng và thiền quán ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm dành cho người mới khởi tu Kalachakra, để hoàn thành mười chín lời cam kết của năm Gia tộc Như Lai được nhận lãnh trong lễ nhập môn. Nó do Kyabjey Khangsar Dorjey Chang viết ra, ngài là một bậc thánh quan trọng của phái Gelukpa sinh năm 1888 và tịch vào giữa thế kỷ này. Vị Lama này dạy giáo lý Kalachakra cho hai vị trợ giáo của đức Dalai Lama hiện tại, và như thế ngài là sư ông tinh thần của đức Dalai Lama. Bản văn Tây Tạng được dịch ở đây là để đáp ứng cho lễ nhập môn Kalachakra do đức Dalai Lama chủ trì năm 1976 tại Ladakh, mà một thí chủ bảo trợ cho sự in ấn và phân phối mười ngàn bản cho quần chúng. Do đó thần chú danh hiệu của đức Dalai Lama được đưa vào bản gốc.

Bản văn thứ hai khá dài, ở đây là chương Mười Chín, là một sadhana, hay là phương pháp hoàn thành, của một loại được dùng trong giai đoạn phát sanh. Nó diễn tả bốn giai đoạn của tiến trình mạn đà la mà một hành giả có thể thiền quán một lần, hai lần hay bốn lần trong một ngày, cùng với trì tụng thần chú. Tác giả là Buton Rinchen Druppa (1290-1364), một vị tăng phái Sakya tu viện Zhalu, có lẽ là vị thầy Tây Tạng vĩ đại nhất của thế hệ ngài. Toàn tập của ngài có năm bộ viết về Kalachakra, và gồm các tựa đề bao trùm tất cả các phương diện chính của truyền thống. Chính là từ đệ tử của ngài Buton là Chokyipel mà Lama Tsongkhapa đã nhận sự trao truyền.

Các hành giả tận tụy của yoga tantra tối thượng thường được khuyên nên trau dồi một thực hành thường lệ gồm sự trì tụng hàng ngày cả hai guruyoga sáu thời và sadhana, như được đưa ra ở đây.

Ở Tây Tạng có hàng ngàn bản văn trong phạm trù guruyoga sáu thời và sadhana nhật dụng. Trải qua các thế kỷ, các Lama Tây Tạng tiếp tục viết các công trình thuộc loại này. Một số có hàng trăm trang, số khác chỉ có vài dòng hay vài đoạn. Các bản tiêu biểu được in ở đây là rất ngắn.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù truyền thống hôm này là trì tụng loại bản văn này, có thể không luôn luôn là như thế. Một trong những vị thầy Lama chính của tôi, Thượng Tọa Doboom Tulku, có lần bình luận cho tôi rằng ngài cảm thấy các loại cẩm nang thiền định này không được xướng tụng thật sự vào hồi xưa, như là vào thời của Lama Tsongkhapa. Ý kiến của Thượng Tọa Doboom là các vị Ấn Độ và Tây Tạng thời xưa nhớ thuộc lòng cấu trúc chính của tiến trình, thế rồi trong khi thực hành các vận hành một cách im lặng các phần đoạn của quán tưởng và thiền định, và trì tụng thầm lặng các thần chú.

Như trong các yoga tantra tối thượng khác, một khi hành giả đã thành thạo giai đoạn phát sanh của Kalachakra, người ấy tiếp tục các yoga của giai đoạn thành tựu. Chúng có sáu : sự rút lui của cá thể, dhyana (thiền), tập trung năng lực, sự giữ gìn được, sự chánh niệm từ đó và samadhi (đại định). Dù cho các danh từ dùng để gọi sáu yoga của giai đoạn thành tựu này cũng được tìm thấy trong văn chương Guhyasamaja, thì sự áp dụng chúng trong truyền thống Kalachakra là hoàn toàn khác.

Bởi vì tính cách độc nhất của con đường Kalachakra, giai đoạn thành tựu có một định nghĩa đôi chút khác biệt so với các hệ thống chính yếu đã thấy ở trước. Trong Một thông điệp từ Lama Norzang, Lama Kalzang Tenzin cho định nghĩa sau :

(Giai đoạn thành tựu của Kalachakra được định nghĩa như là) sự áp dụng thiền định của giai đoạn thứ hai trong Mật thừa, được hộ trì bởi người mà dòng tâm thức đã chín do nhận được các nhập môn (Kalachakra) ; con đường này đặc trưng bởi (sự thực hành) Kalachakra thay thế như là tinh túy của ba Kalachakra (ngoài, trong và thay thế), trong bối cảnh các thiền định tập trung vào thân kim cương không tạo tác.

Ở đây bốn từ đồng nghĩa được dùng : giai đoạn Mật thừa thứ hai, yoga vượt qua sự tạo tác, giai đoạn thành tựu, và yoga vượt qua sự phóng chiếu của tâm thức.

Khi chúng ta chia giai đoạn thành tựu ra, nó có sáu phần : các yoga rút lui cá thể, dhyana, kiểm soát năng lực, giữ gìn, tỉnh giác chánh niệm tiếp theo và samadhi.

Trong cuốn Ghi chú về hai giai đoạn thiền định của Kalachakra vinh quang, Dalai Lama thứ Nhất phát lộ vài đặc trưng duy nhất của hệ thống Kalachakra. Chẳng hạn, cách thức các kinh mạch của thân kim cương được quán thấy biểu lộ một số khác biệt với cách chúng được quán thấy trong Guhyasamaja và các tantra chính yếu khác. Có các sự khác biệt nhỏ trong sự xác định chỗ của một vài chakra, và trong con số các ‘cánh hoa’ được tạo thành bởi các kinh mạch tụ hội tại các trung tâm năng lực. Một sự so sánh sơ qua các bản văn của hai hệ thống – như trong Ghi chú về hai giai đoạn của Dalai Lama thứ Nhất và chân dung các tantra chính yếu được Dalai Lama thứ Hai phác họa trong Các Yoga Tantric của sư tỷ Niguma – phát hiện ra một số đổi mới trong cách trình bày Kalachakra.

Chủ đề chính tiếp theo được Dalai Lama thứ Nhất đưa vào thảo luận về giai đoạn thành tựu là chủ đề bốn hạt. Ở đây, ngài chỉ ra :

Nơi chốn của hạt của cơ hội trạng thái thức tỉnh, thân thể và hình sắc là ở trán. Nơi chốn của hạt của trạng thái mộng, lới nói, và âm thanh là ở cổ họng. Nơi chốn của hạt của ngủ sâu, tâm thức và tư tưởng là ở trái tim. Cuối cùng, nơi chốn của sự xuất thần tình dục, trí huệ và trí huệ bổn nguyên là ở rốn…

Đối với người bình thường, các hạt của bốn cơ hội – thức, mộng, ngủ sâu và xuất thần tình dục – mang chứa những tiềm năng chúng khởi dẫn ra tri giác về các đối tượng bất tịnh của thế giới. Những tiềm năng làm phát sanh các hình tướng và âm thanh điên đảo, những tiềm năng làm nảy sanh sự tối tăm của tâm thức và vô minh, và những tiềm năng làm nảy sanh sự xuất thần phung phí.

Các tiềm năng này được tịnh hóa bởi các thiền định Kalachakra. Đặc biệt, chúng được chuyển hóa thành thân trống không, âm thanh không điên đảo, trí huệ không ý niệm và phúc lạc không biến đổi. Những cái này được trau dồi đến hoàn thiện, làm khởi sanh thân, khẩu, tâm kim cương của một vị Phật và hiển lộ hoàn toàn trí giác.

Như thế Kalachakra dùng sự tịnh hóa bốn hạt này như là phương pháp chủ yếu để tu hành. Để thực hiện điều ấy nó dùng kỹ thuật của giáo lý Kalachakra về ‘thân trống không’, cùng với sức mạnh của ‘đại lạc không biến đổi’. Cơ cấu của sự dụng công chính là sáu yoga.

Cũng có một truyền thống nói đến bốn hạt như là tám, bằng cách xếp bốn cái trong phần trên của thân kim cương và bốn cái trong phần dưới. Dalai Lama thứ Nhất không đề cập điều này một cách riêng rẽ trong Ghi chú của ngài, mặc dầu sự giảng giải của ngài về cách thức các hạt chuyển động trong thân và các hiệu năng của chúng trên tâm thức chứng tỏ rằng ngài cũng có ý thức rất rõ ràng về sự bàn luận trên. Vị thầy xứ Amdo là Lama Longdol viết trong Một hướng dẫn về cơ cấu của các yoga giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu của Kalachakra rằng :

Trong phần trên của thân kim cương, hạt của trạng thái thức là ở trán, hạt của giấc mộng là ở yết hầu, hạt của ngủ sâu là ở tim, và hạt của xuất thần tình dục là ở rốn. Bốn hạt này được năng lực duy trì đời sống thống trị.

Bốn hạt này ở đâu trong phần dưới của thân kim cương, thì hạt của trạng thái thức là ở rốn, hạt của giấc mộng ở chỗ bí mật, hạt của giấc ngủ sâu ở trung tâm của (căn cứ của) hạt ngọc, và hạt của xuất thần tình dục ở đầu viên ngọc.

Cực kỳ quan trọng phải biết tám hạt này hoạt động như thế nào và những tác động của chúng trên tâm thức. Mọi thứ được chuyển hóa đều do bởi chúng : cả hai sự che chướng, sở tri chướng làm chướng ngại toàn giác và phiền não chướng làm chướng ngại giải thoát.

Sáu yoga được tu hành liên tiếp nhau hơn là đồng thời. Mỗi cái có mục tiêu đặc biệt riêng để hoàn thành, và khi đã thực hiện xong người ta đi vào yoga kế tiếp. Điều này được Dalai Lama thứ Nhất nhấn mạnh trong Ghi chú :

Sáu yoga được tu hành theo trật tự như trên. Đó là khi người ta thành thạo trong cái thứ nhất, người ta tiến hành cái thứ hai… Nếu thực hành các yoga sau trước khi hoàn thành cái trước người ta sẽ không có được các kết quả mong muốn. Chính tác động của mỗi cái nó sẽ đưa thiền giả liên tiếp băng qua các giai đoạn của con đường, và nó sửa soạn chi yoga kế tiếp cần thâm nhập. Quan trọng là phải hiểu tiến trình này hoạt động như thế nào, và đi vào thực hành một cách thích hợp.

Như trong các tantra chính yếu, giai đoạn thành tựu của Kalachakra căn cứ trên các thiền định chúng làm việc với thân kim cương của các kinh mạch năng lực, các năng lực vi tế, luân xa và hạt. Tuy nhiên, cái ‘thân kim cương’ này có một số khác biệt với cái được dùng trong các hệ thống chính yếu. Dalai Lama thứ Nhất diễn tả bản chất duy nhất của thân kim cương Kalachakra trong Ghi chú. Với thân kim cương này như một điểm tựa đòn bẫy, thiền giả đi vào các yoga giai đoạn thành tựu.

Cái đầu tiên của sáu yoga này được gọi là ‘sự rút lui của cá thể’. Nó có tên này bởi vì chức năng của nó là cắt đứt dòng chảy của các năng lực sống trong mỗi một của sáu giác quan và sáu giới thuộc về tri giác.(7) Thiền giả tập trung vào ‘hạt của trạng thái thức’, ở nơi trán và đưa các năng lực của thân thể vào một trạng thái tĩnh lặng tăng dần. Điều này làm sanh khởi mười dấu hiệu chỉ cho thấy sự tiến bộ, như là khói, vân vân. Chúng xuất hiện như là các sự thấy bên trong, và tương tự các hình ảnh được thấy lúc chết. Sau sự sanh khởi liên tiếp nhau của chúng, xuất hiện dấu hiệu thứ mười một : một đường nét nhỏ màu đen, cỡ bằng sợi tóc, tỏa chiếu ở trong hạt. Điều này nghĩa là sự đạt đến Báo thân thô, với năm đặc tính. Thời điểm của năm đặc tính ấy xảy ra sau mười dấu hiệu bên trong đã được trải nghiệm ; nơi chốn của nó là ở trong kinh mạch chính ; bản chất của nó là không dựa trên vật chất ; hình tướng của nó là Kim Cương Tát Đỏa ; và khía cạnh của nó là sự lạc sanh ra từ sự kết hợp của các năng lực trống và mái (dương và âm) bên trong. Đây chính là thân trống không ‘thay thế’.

Như Dalai Lama thứ Nhất chỉ ra, yoga rút lui cá thể được thực hành trong bóng tối. Ở Tây Tạng, theo truyền thống là đi vào yoga này ở nơi ẩn cư đơn độc, ở một vùng gần với thầy mình. Sự ẩn cư có thể là trong một lều đặc biệt ngăn chặn mọi ánh sáng, và kéo dài vài tháng hoặc có thể vài năm, cho đến khi các dấu hiệu thành tựu xuất hiện.

Yoga thứ hai gọi là dhyana, nghĩa là sự an định của tâm thức.(8) Điều này bởi vì mục đích của nó là làm an định sự thành tựu do yoga đầu tiên sản sinh ra. Nói cách khác, nó dùng để hòa nhập và tăng cường kinh nghiệm về các dấu hiệu cũng như các trạng thái thiền định mà các dấu hiệu ấy chỉ ra. Lại nữa, thiền giả tập trung vào hạt ở luân xa đỉnh đầu, làm tan biến toàn bộ thế giới vào các hóa thần của mạn đà la và vào Báo thân thô đã xuất hiện ở trước, làm phóng xuất sự kiêu hãnh linh thiêng của Mật thừa cho đến khi nó sanh khởi không cần cố gắng. Yoga này được áp dụng trong năm nhánh, hai nhánh đầu có bản chất thiền quán (vipashyana) và ba nhánh sau có bản chất định (shamatha). Tiêu điểm là thân thể thô, niềm vui khởi lên trong tâm thức, cái lạc khởi sanh trong những mức độ vi tế của thân trống không và tính chất tương duyên của hình thể và tâm thức. Sự hoàn thành năm nhánh đưa đến sự đắm chìm thiền định, nó là sự kết hợp bất khả phân của quán và định.

Khi sáu yoga được phân làm ba nhánh, hai nhánh đầu được gọi là nhánh thành tựu hình thể. Thế là bởi vì yoga đầu tiên sản sinh ra một căn cứ vật thể đặc biệt cho sự thiền định, và cái thứ hai làm mạnh thêm sự thành tựu này. ‘Thân thể đặc biệt’ nói ở đây được gọi là một ‘báo thân thô’. Danh từ ‘báo thân’ là chung với Giáo thừa, nơi đó nó ám chỉ một mức độ chỉ có thể nhận biết bởi những người ở những mức độ tâm linh cao.

Một danh từ khác để chỉ ‘thân thể’ được tạo ra qua các phương pháp thiền định này là ‘thân trống không thay thế’. Nó được phát sanh trong hạt ở trung tâm luân xa đỉnh đầu.

Yoga Kalachakra thứ ba được gọi là kiểm soát năng lực.(9) Hai yoga trước làm yên lặng các năng lực chuyển động trong căn và giới ; cái thứ ba sẽ làm cho các năng lực vi tế đi vào kinh mạch trung ương. Hai kỹ thuật yoga chính ở đây là trì tụng kim cương và hít thở ‘cái bình’, chúng được áp dụng để đem các năng lực duy trì sự sống và chuyển động đi xuống vào sự kết hợp ở luân xa rốn. Hơi nóng huyền bí ở rốn được kích phát, làm cho hạt ở luân xa trán chảy lỏng và đi xuống qua kinh mạch trung ương, làm sinh khởi lạc đi qua các luân xa. Cái lạc này làm hoàn thành yoga tập trung năng lực.

Như thế trong yoga thứ ba này, chúng ta thấy từ ngữ ‘hơi nóng huyền bí’ được dùng lần đầu tiên. Điều này khác với sự xếp đặt kỹ thuật trong các yoga tantra tối thượng chính yếu, ở đó nó được đem vào trong yoga đầu tiên của sáu yoga thuộc Guhyasamaja.

Hai kỹ thuật thở dùng trong yoga này thì tương tợ với các sự áp dụng trong các tantra chính yếu, mặc dù trong Kalachakra mục tiêu là sự sản sanh một loại năng lực cao cấp nhằm để khuyến trợ cho sự tạo ra một ‘thân trống không’ ở đây cũng liên quan đến hơi thở, và do tiến bộ thiền định hành giả có thể giữ hơi thở trong khoảng thời gian dài. Cuối cùng, hơi thở có thể giữ được vài ngày, hay vài tuần, mà không gây tổn hại cho thiền giả.

Yoga Kalachakra thứ tư được gọi là ‘giữ lại’.(10) Ở đây thiền giả giữ các năng lực lại trong kinh mạch chính. Trước tiên các nguyên tố tan biến cái này sau cái kia, làm cho những năng lực vi tế trở lại xuyên qua các luân xa. Chúng được giữ lại ở mỗi luân xa một thời gian, làm khởi sinh bốn niềm vui. Người ta tạo ra sự kết hợp không thể phân chia của hai năng lực chính, tâm thức và thân trống không ; rồi điều ấy được giữ trong mỗi một của sáu luân xa. Các kinh nghiệm thần bí được khởi dẫn như vậy chuyên chở người ta qua các giai đoạn của yoga này.

Yoga này và cái trước phối hợp nhau như là nhánh để hoàn thành năng lực cao cấp. Chúng cũng được biết như là ‘các yoga lời kim cương’.

Tiếp theo là yoga của sự chánh niệm sau đó,(11) một phương pháp nhờ đó cái lạc phúc đặc biệt của Kalachakra được khởi dẫn. Nó được gọi là ‘sự chánh niệm sau đó’ và nó được thành tựu bằng cách nhớ lại hình tướng vi tế đã được thành tựu trước đó và áp dụng một kỹ thuật tỉnh giác chánh niệm vào hình ảnh này.

Thiền giả đi vào sự kết hợp tình dục, hoặc là thật sự, quán tưởng hay tinh hoa để phát sanh cái lạc không biến đổi. Ở đây có ba loại hành giả : bén nhọn, trung bình và cùn lụt. Loại đầu tiên thiền quán sự kết hợp tình dục với một người nữ tinh hoa trí huệ, và loại thứ nhì quán tưởng đi vào sự kết hợp tình dục để khởi dẫn những kinh nghiệm cần thiết. Đối với loại thứ ba, người cùn lụt, thì anh hay chị ấy phải thiền quán trong khi đang kết hợp với một phối ngẫu thật sự. Nhưng bất cứ người ta bắt đầu với cấp bực nào, cuối cùng cả ba loại hành giả phải được dẫn đến mahamudra, đại thủ ấn.

Hạt màu trắng ở đỉnh đầu chảy tan và đi xuống mút đầu của bộ phận sinh dục, và hạt màu đỏ ở rốn đi lên đỉnh đầu, làm nảy sanh đại lạc tối thượng không biến đổi. Điều này đưa người ta đến ngưỡng cửa của yoga Kalachakra thứ sáu, gọi là ‘yoga của samadhi’.

Trong yoga Kalachakra thứ sáu và cuối cùng này,(12) thiền giả gom các hạt vào kinh mạch trung ương, khởi dẫn những chớp sáng của lạc phúc. Mỗi khoảnh khắc của lạc này được nói là giải tan một trong 21.600 chất liệu của thân thể vật lý, và đưa hành giả đến những trạng thái càng ngày càng cao của xuất thần siêu việt. Cuối cùng toàn bộ căn cứ vật chất, cùng với tất cả các nguyên tố và đối tượng liên hệ, được giải thoát khỏi che ám, và các che chướng đối với trí huệ được loại trừ, đưa người ta đến trạng thái Phật tánh được tượng trưng bởi Kalachakra và Phối Ngẫu.

Như thế thân thể vật lý bình thường bị bốc hơi và được thay thế bằng một ‘thân trống không’ trang nghiêm bởi các tướng của sự hoàn thiện. Tâm thức ngập tràn đại lạc và chuyển hóa thành Trí Huệ bổn nguyên bất động.

Dalai Lama thứ Nhất nói điều đó theo cách sau trong Ghi chú về hai giai đoạn thiền định :

Ý nghĩa… là hành giả Kalachakra thành tựu giác ngộ trong một đời theo cách mà thân thể người ấy đạt đến những đặc tính của hình tướng Kalachakra và Phối Ngẫu ; một thân trống không bao la được trang hoàng với mọi dấu hiệu của giác ngộ, một thân thể giống như chính hư không. Nó ‘sáng rỡ và trong suốt’ bởi vì nó vô tướng và vô chất, trống không mọi cơ cấu nguyên tử thế phàm.

Đó là sự đạt được về phương diện thân thể. Về sự đạt được thuộc tâm thức, bản tính căn bản của nó là đại bi hưng khởi như cái lạc tối thượng, không biến đổi, khóa kín trong một kết hợp vĩnh cửu với một vị Trí Huệ thấu suốt sự trống không của hiện hữu vô tự tánh, vượt khỏi mọi tính cách.

Khi theo phương thức này, thân và tâm được kinh nghiệm như là một thực thể bất khả phân đặt nền tảng trên thân trống không nâng đỡ và trí huệ của cái lạc bất biến được nâng đỡ, đây là điều có nghĩa là ‘Kalachakra nguyên thủy’.

Một nơi khác trong cùng bản văn đó, Dalai Lama thứ Nhất giải thích sáu yoga Kalachakra phối hợp như thế nào để thành tựu con đường toàn vẹn đến giác ngộ :

Sáu yoga cũng có thể được sắp xếp cách khác thành ba nhánh, trong đó các yoga rút lui cá thể và dhyana phối hợp như là nhánh hoàn thành hình thức ; các yoga kiểm soát năng lực và giữ lại phối hợp như nhánh hoàn thành năng lực cao cấp ; và các yoga tỉnh giác chánh niệm tiếp theo và đại định phối hợp như nhánh hoàn thành cái lạc…

Như chúng ta có thể thấy từ sự diễn tả ở trên, do sự hoàn thành bốn yoga đầu, người ta đi vào cái thứ năm (yoga chánh niệm tiếp theo) và đạt được khả năng khởi lên trong thân trống không làm điều kiện. Sức mạnh của sự đạt được này ngược lại cung cấp căn cứ cho sự thành công trong yoga thứ sáu và cuối cùng, yoga của đại định.

Như thế (sáu yoga tự chúng có khả năng làm phát sanh sự đạt đạo hoàn toàn, và bởi thế) không cần phụ trợ cho chúng với các thứ thực hành nào khác, cũng không cần thực hành thứ gì thêm ở trên chúng. Mặt khác, bỏ đi một yoga nào của chúng sẽ làm yếu đi tiềm năng của hệ thống (để đạt đến giác ngộ).

Như đã nói ở trước, hệ thống Kalachakra bỏ đi nhiều từ ngữ then chốt trong các yoga tantra tối thượng chính yếu – như là ba sự biệt lập (của thân, khẩu, ý), các thân huyễn bất tịnh và thanh tịnh, thân thể cầu vồng,(13) tịnh quang tương tợ và thực sự, và yoga của đại kết hợp – và thay vào đó dùng những từ như các thân trống không thay thế và thực sự, sự tịnh hóa bốn hạt, sự phát sanh cái lạc bất biến, và vân vân.

Một phân biệt chính của giai đoạn thành tựu Kalachakra là giáo lý về ‘thân trống không’, đối lại với giáo lý về một ‘thân huyễn’ của các tantra tối thượng chính yếu. Thật khó nói từ này thực sự nghĩa là gì, bởi vì tính chất ẩn mật của kinh nghiệm thần bí và những giới hạn của phương tiện ngôn ngữ. Sự xác định thường có trong các tác phẩm về vấn đề này là thân huyễn (và sản phẩm kết quả của nó là thân cầu vồng) thì được tạo thành bởi vật chất – hình thức vi tế nhất của năng lực ; trong khi ‘thân vật chất’ được hoàn thành bởi một thiền giả Kalachakra là không vật chất, không chất thể, chỉ là một hình ảnh được phóng chiếu.

Dalai Lama thứ Nhất so sánh giáo lý thân huyễn của các tantra chính yếu với thân trống không của truyền thống Kalachakra :

Giáo lý Kalachakra về thân trống không phi thường là một điều gì khá giống với thân huyễn của các hệ thống tantra chính yếu, dầu cho sự hoàn thành của nó phải nhờ vào yoga đầu tiên trong sáu cái, là yoga rút lui cá thể. Yoga thứ hai, yoga dhyana làm cho sự đạt được này trở nên vững chắc. Thân trống không như thế được tạo thành bởi hai yoga này, chúng được xếp thành nhánh thành tựu hình thức, thân ấy là một thân phi thường (được dùng như căn cứ nâng đỡ tâm thức trong thiền định). Yoga thứ ba và thứ tư – kiểm soát và giữ lại năng lực – được áp dụng tiếp theo để có được sự kiểm soát trên các năng lực vi tế. Sau đó, nhờ vào điều kiện bên ngoài của một mudra, người ta áp dụng chánh niệm tiếp theo để cho sự tự chứng đắc, và khởi lên trong hình thức thân trống không của Kalachakra và Phối Ngẫu. Điều này đưa đến sự phát sanh cái lạc, nó chính là yoga đại định an trụ trong sự kết hợp.

Ở đây thân trống không được tạo thành bởi yoga chánh niệm tiếp theo thì giống như thân huyễn ở cấp độ thứ ba trong giai đoạn thành tựu của các tantra chính yếu như Guhyasamaja…

Theo giáo lý thân huyễn trong các hệ thống tantra chính yếu, căn cứ của sự thành tựu được thiết lập do yoga đầu tiên, nghĩa là yoga biệt lập thân. Rồi nó được mạnh dần nhờ yoga biệt lập khẩu, cuối cùng cho đến khi người ta đạt đến cấp độ thứ ba và khởi lên trong một thân huyễn.

Nếu chúng ta so sánh điều này với tiến trình thân trống không của Kalachakra, ở đây một sự tương tự vững chắc về thân đặc biệt này được thiết lập trong yoga thứ hai, yoga dhyana. Từ điểm này cho đến yoga giữ lại (yoga thứ tư) sự thành tựu này càng mạnh dần, nhưng thân trống không tự nó không thực sự được tạo thành cho đến khi yoga thứ năm được áp dụng, tức là chánh niệm tiếp theo. Thân trống không được tạo thành ở đây không tương đương với cấp độ của yoga rút lui cá thể (vì nó rốt ráo phi vật chất). Áp dụng yoga chánh niệm tiếp theo rồi, điều sẽ đến sau đó là người ta thanh toán được mọi hợp chất vật lý và khởi lên đơn nhất trên căn bản của một thân Kalachakra trống không.

Rồi ngài nhìn vào các giáo huấn Kalachakra để tìm ra một sự tương đương với tịnh quang được bàn luận trong các tantra chính yếu :

Trong văn chương Kalachakra, người ta thấy một số bàn luận nhắm vào chủ đề ‘trống không có các đặc tính’ và ‘trống không chân thật không có đặc tính’.

Trong cái thứ nhất, tâm thức thấy trực tiếp thân trống không khởi lên bên trong một ánh sáng vi tế của hình tướng nhị nguyên. Tuy nhiên, nó được gọi là ‘trống không’ bởi vì trong nó cái đối tượng cần phủ định, cơ cấu nguyên tử thô và tế của thân, đã được trừ khử, và tổng quát thì trống không mọi chất thể vật lý.

Trong trường hợp thứ hai, (nghĩa là trống không không có các đặc tính), điều này nói đến tâm thức trực tiếp thấy tánh không của mọi đối tượng cần phủ định, nghĩa là sự trống không của hiện hữu. Bởi vì tâm thức vắng bặt mọi hình tướng nhị nguyên, nó được gọi là ‘không có các đặc tính, vô tướng’.

Như thế, (trong truyền thống Kalachakra) sự bàn luận về thân trống không như được giải thích ở trên, trong đó trí huệ về tánh Không được đem vào một vị với đại lạc tối thượng bất biến, là một thay thế cho tịnh quang và thân huyễn trong các tantra tối thượng khác. Đó là thân trống không thay thế cho thân huyễn, và một vị của lạc bất biến và trí huệ thay thế cho tịnh quang. Sự tập hợp của hai cái này (nghĩa là thân trống không và cái lạc bất biến đắm chìm trong trí huệ về tánh Không) trong dòng thân tâm của con người được thay thế cho sự Đại Kết hợp (của tịnh quang và thân huyễn) được nói đến trong các tantra tối thượng chính yếu.

Trước kia, chúng ta đã thấy các yoga của các tantra chính yếu thúc đẩy hành giả qua năm con đường dẫn đến giác ngộ như thế nào. Bởi vì trong truyền thống Kalachakra sự nhấn mạnh là vào sự tạo ra một thân trống không và rồi thiền định về tánh Không với tâm thức lạc phúc đã sanh, tiến trình được diễn tả bằng những từ ngữ khác biệt đáng kể.

Vị guru Khedrup Norzang Gyatso của Dalai Lama thứ Hai giải thích rằng, như trong Guhyasamaja, người ta đi vào con đường tích tập qua sự nhận được các nhập môn. Sau đó, tuy nhiên, mọi sự tương tợ với Guhyasamaja chấm dứt.(14)

Dalai Lama thứ Nhất giảng giải như thế nào kinh nghiệm của các yoga Kalachakra đưa người ta vượt qua những giai đoạn cuối cùng của năm cấp độ của con đường :

Như thế khi người ta đồng thời đem các chất trắng và đỏ đến đầu hạt ngọc và đến luân xa đỉnh đầu (nghĩa là đem hạt trắng xuống đến đầu của bộ phận sinh dục và hạt đỏ lên đến đỉnh đầu) và giữ lại chúng vững chắc ở đó, điều này làm sanh khởi một chớp sáng khoảnh khắc của lạc phúc ổn định. 21.600 yếu tốt tạo thành hình tướng thô của chúng ta được giải tan. Đồng thời, đối với 21.600 năng lực nghiệp thường đi qua hai lỗ mũi, một phần gồm (một tá bộ của) 1.800 được dừng lại.

Khi (trong bộ đầu tiên) 1.800 kinh nghiệm về lạc được hoàn mãn và 1.799 hạt của sự sống được chất đống, người ta đạt đến cấp độ ‘đại pháp tối thượng’ của con đường áp dụng (nghĩa là giai đoạn thứ tư và cuối cùng của cấp độ thứ hai của con đường giác ngộ). Thêm nữa, một phần của 1.800 khoảnh khắc như thế đặt người ta trên con đường của một bậc thánh, con đường thấy đạo trực tiếp (cấp độ thứ ba của con đường giác ngộ).

Nếu theo cách này, người ta có thể rút 21.600 hạt dương (trắng), các nâng dựa của lạc, đến đầu của hạt ngọc, và cất giữ chúng trong một cột trụ vững chắc cao đến luân xa đỉnh đầu, và cũng đem 21.600 hạt đỏ lên và đặt để chúng trong một cột trụ màu đỏ khởi đầu từ luân xa đỉnh đầu và xuống đến đầu hạt ngọc, trên căn bản mỗi một của (21.600 bộ hạt trắng và đỏ) người ta kinh nghiệm một khoảnh khắc của cái lạc ổn định. Theo cách ấy 21.600 khoảnh khắc của lạc bất biến ‘được nâng đỡ’ sanh khởi. Mỗi một khoảnh khắc của chúng cắt đứt một phần của 21.600 gió (khí) nghiệp, và điều này lại gây ra sự giải tan tối hậu của một trong 21.600 yếu tố của thân thể vật lý.

Hợp chất của sắc thân, cùng với các nguyên tố và đối tượng liên quan, trở nên giải thoát khỏi các che chướng. Người ta siêu vượt mọi vô minh ngăn che trí huệ, và đồng thời trong ngay cuộc đời này đạt đến trạng thái giác ngộ trong cách thế của Phật Kalachakra nguyên thủy.

Đôi khi trong văn chương Kalachakra chúng ta thấy trạng thái giác ngộ được đề cập đến như ‘cấp độ thứ mười hai’ hay ‘địa thứ mười hai của Kalachakra’. Danh từ Tây Tạng dùng ở đây là sa, một dịch ngữ của tiến Sanskrit bhumi, có nghĩa là đất, địa, nền tảng, giai đoạn hay cấp độ. Từ tương tự được dùng trong Giáo thừa, nó liên hệ đến mười mức độ của một vị thánh Bồ tát. Đây là những giai đoạn trong kinh nghiệm của một đại Bồ tát, bắt đầu với giây phút vị ấy lần đầu tiên thành tựu sự thấy biết trực tiếp về tánh Không và như thế vững vàng trên con đường của cái thấy trực tiếp, cho đến lúc (nhưng không bao gồm) giây phút đầu tiên của giác ngộ viên mãn.

Như thế mười địa tạo thành bậc thứ ba và thứ tư của năm con đường đi đến giác ngộ (bậc thứ năm chính là giác ngộ). Hầu hết các tông phái Giáo thừa đồng ý rằng cấp độ đầu tiên của Bồ tát (Sơ địa) tương đương với kiến đạo, con đường thấy trực tiếp, và chín địa kia thuộc về con đường thể nhập (hay thiền định), bậc thứ tư của năm con đường.

Lama Mông Cổ Lobzang Tayang, luận giải về con đường trong đó sự giác ngộ Kalachakra liên hệ với các địa của Bồ tát trong cuốn Di sản của các bậc Thầy như mặt trời :

Một cách khác để nói về yoga đại định là gồm có mười hai cấp độ. Cấp độ đầu tiên còn là giai đoạn (chưa phải là thánh) của hạnh nguyện. Mười cấp độ tiếp theo là mười địa của một bậc thánh trong tu hành, từ sơ địa gọi là Hoan Hỷ địa cho tới thập địa là Pháp Vân địa. Cấp độ thứ mười hai, cũng được biết như là con đường Phi Thường, để chỉ con đường Siêu Việt Mọi Chướng Ngại (giác ngộ).

Rồi bản văn ấy kết luận bằng sự ôn lại như thế nào các hạt trắng và đỏ được chất chứa trong các cột lên và xuống sẽ đưa hành giả đi qua các con đường và giai đoạn, cũng dùng cùng một con số phối kết như Dalai Lama thứ Nhất trong Ghi chú :

Như thế với sự khởi lên ở trung tâm của luân xa rốn bên trong kinh mạch trung ương như là một thân trống không thực sự của các năng lực dương và âm trong kết hợp tình dục, và bằng sự sinh khởi hơi nóng thần bí trú ở vùng rốn của thân thể bình thường tạo ra bởi nghiệp lực, một hạt đỏ được đưa đến kinh mạch trung ương từ bên dưới và được giữ lại ở đỉnh đầu.

Đồng thời một hạt trắng được đem xuống kinh mạch trung ương đến đầu hạt ngọc. Các hạt này được duy trì ở đó và không cho chuyển qua chỗ khác. Chúng được an trụ và giữ lại kiên cố. Dựa trên điều này, người ta thành tựu kinh nghiệm tiên khởi về một khoảnh khắc của lạc tối thượng bất biến, gây ra một khoảnh khắc trí huệ bổn nguyên của Lạc và Không nó sẽ giải thoát, buông bỏ một phần vô minh che chướng. Cùng lúc một phần 1.800 nghiệp khí (trong bộ 1.800) được dừng lại và một phần của 21.600 tác nhân của thân xác vật chất (nghĩa là một phần của mười hai lần 1.800) bị tiêu hủy.

Theo cách này, người ta xây dựng một chuỗi 21.600 hạt trắng và đỏ (trong các cột trụ ngược nhau) bên trong kinh mạch trung ương và làm phát sanh 21.600 kinh nghiệm của lạc tối thượng bất biến. Điều này lại làm sanh khởi 21.600 kinh nghiệm về trí huệ bổn nguyên của Lạc và Không, nó gây ra sự siêu thoát cho 21.600 vô minh che chướng được buông bỏ, và sự dừng lại của 21.600 năng lực nghiệp. 21.600 hạt được chứa nhóm thiêu hủy 21.600 yếu tố mà do chúng thân xác nguyên tử được tạo thành, làm cho thân xác được hoàn toàn giải trừ vật chất. Theo cách này, (trong mười hai bộ 1.800 hạt, khoảnh khắc của lạc, kinh nghiệm về trí huệ nhất vị của Lạc và Không, sự dừng lại của nghiệp lực, và sự giải tan các yếu tố thân xác), người ta đi lên mười hai cấp bậc của Kalachakra.

Quy chiếu vào tác phẩm của Lama Tsongkhapa Lobzang Tayang tổng kết tiến trình giác ngộ Kalachakra như sau trong Di sản của các bậc Thầy như mặt trời :

Tóm tắt, về bộ đầu tiên 1.800 kinh nghiệm cái lạc bất biến, 1.799 khởi lên trên con đường áp dụng (tức là cái thứ hai trong năm đường đưa đến giác ngộ). 1.800 khoảnh khắc của cái lạc này đánh dấu sự bắt đầu của con đường thấy Đạo trực tiếp (đường thứ ba của năm đường), và cấp độ đầu tiên của bậc thánh, gọi là Hoan Hỷ địa. 1.800 khoảnh khắc khác của lạc sanh khởi, khoảnh khắc cuối cùng đánh dấu sự bắt đầu của con đường thể nhập (đường thứ tư), và cấp độ thánh thứ hai, gọi là Ly Cấu địa.

Theo cách này, người ta bước lên từng cấp bậc của mười hai cấp độ Kalachakra, mỗi cấp độ gồm 1.800 yếu tố, và cuối cùng đạt đến cấp độ thứ mười hai, con đường siêu vượt vô minh che chướng.

Cũng có một truyền thống nối kết tiến trình ‘chất đống’ cột trụ các hạt trong kinh mạch chính và các kinh nghiệm khởi dẫn từ đó với sự mở ra của mỗi một trong sáu luân xa. Lobzang Tayang lại bình luận về điều này :

Như thế, tiến trình xây dựng cột trụ các hạt bắt đầu ở đầu hạt ngọc. Khi cột trụ cao dần từ luân xa hạt ngọc đến nơi chốn bí mật, thiền giả kinh nghiệm hai địa đầu tiên của Kalachakra : cấp bực (chưa phải thánh) của nguyện vọng, và cấp bực (thánh) Hoan Hỷ địa. Cột trụ bấy giờ tăng trưởng từ nơi chốn bí mật đến rốn, và hai cấp bực tiếp theo của Kalachakra được kinh nghiệm : Ly Cấu địa và Phát Quang địa. Cột trụ tiến thêm từ rốn đến trái tim : người ta kinh nghiệm hai cấp bực Diệm Huệ địa và Thanh Tịnh địa. Nó xây dựng thêm từ trái tim đến yết hầu : người ta kinh nghiệm hai cấp bực Hiện Tiền địa và Trường Cửu địa. Nó xây dựng từ yết hầu đến trán ; người ta kinh nghiệm Bất Động địa và Siêu Huệ địa. Nó xây dựng từ trán đến đỉnh đầu ; người ta kinh nghiệm Pháp Vân địa và ‘Con đường Siêu vượt chướng ngại’…

Trong cách này, người ta xây dựng cột trụ các hạt từ hạt ngọc đến đỉnh đầu và giữ chúng không để chúng tiêu tan, làm viên mãn kinh nghiệm về đại lạc bất biến. Rồi cũng như khi người ta áp dụng chất thuốc thần vào kim khí, sắt hoàn toàn biến mất và thay vào đó là vàng ròng, qua sự hoàn thành các yoga Kalachakra các hợp chất của thân thể vật lý trước kia hoàn toàn biến mất, và thay vào chỗ của chúng là thân thể trống không của Kalachakra và Phối Ngẫu xuất hiện như một mống cầu giữa bầu trời.

Lobzang Tayang cho một sự diễn tả khúc chiết về trạng thái giác ngộ đặc biệt của cấp bực thứ mười hai Kalachakra :

Mọi tính chất của Phật tánh được giải nghĩa như là được xếp vào trong bốn thân, hay các thân của một vị Phật.

Thân đầu tiên là thân bổn sanh. Đây là kinh nghiệm của hạt của cơ hội thứ tư (nghĩa là xuất thần tình dục) thoát khỏi mọi vọng tưởng méo mó. Nó đem lại sự giác ngộ tức thời, và là trí huệ kim cương bổn nhiên. Được tịnh hóa bởi tánh Không, nó là sự đạt được trí huệ thông suốt tất cả và cái nhìn thấy hết tất cả.

Cái thứ hai là Pháp thân của trí huệ nguyên thủy. Đây là hạt của trạng thái ngủ được tẩy sạch mọi vọng tưởng. Nó đem lại khía cạnh giác ngộ được đặc trưng bởi năm phương diện, và là tâm kim cương. Được tịnh hóa do bởi an trụ trong vô tướng, nó đưa đến trí huệ của con đường giác ngộ, và an trú trong đại lạc tối thượng bất biến.

Cái thứ ba là Báo thân. Nó là hạt của trạng thái mộng, được tịnh hóa mọi vọng tưởng làm méo mó. Nó đem lại sự hoàn thành hai mươi cấp độ khai mở của giác ngộ, và là lời kim cương. Được tịnh hóa bởi vô nguyện, nó có khả năng dạy Pháp cho chúng sanh hợp với phương tiện thông hiểu của họ.

Cái thứ tư là Hóa thân. Đây là hạt của trạng thái thức, được tịnh hóa mọi vọng tưởng sai lầm. Nó đem lại những năng lực giác ngộ có thể phóng xuất khắp các thế giới và là thân kim cương. Được tịnh hóa trong cái không điều kiện, nó đem lại trí huệ về tất cả mọi sự, và khả năng hiện nhiều thân khác nhau theo ý muốn…

Mỗi thân trong bốn ‘thân’ này cũng có thể được nói là gồm thân, lời, tâm và đại lạc và như thế trở thành bốn phần… Theo cách ấy, giáo lý Kalachakra nói đến mười sáu thân.

Xem mục lục