Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Một cá nhân thường được định nghĩa gồm có hai phần: tâm lý và sinh lý hay tâm và thân. Thân là phần vật chất được cấu tạo bởi các yếu tố mà khoa học có thể giải thích và chứng minh. Tâm là những tri giác, suy tưởng, quan niệm và tình cảm của con người mà khoa Tâm lý học đang cố gắng giải thích.

Khoa học chú trọng phần sinh lý và ít để ý đến phần tâm lý mặc dù không hề phủ nhận nó nhưng giáo lý Phật giáo lại giải thích rất rõ rệt sự liên hệ giữa hai phần này.

Phật giáo giải thích rằng vạn vật tự nó vốn không có tự tánh nhưng nhờ tác dụng của tâm thức mà phân biệt được mọi thứ. Con người có các giác quan (yếu tố sinh lý) nhưng các giác quan này cần phải có thêm các thức căn (yếu tố tâm lý) mới có thể sử dụng được. Thí dụ như người chết mặc dù vẫn có giác quan nhưng không thể hiểu biết, cảm xúc vì thiếu yếu tố tâm lý.

Có năm thức căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân) liên quan mật thiết với năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và năm thức căn này đều có tính cách giới hạn trong phạm vi riêng của chúng. Thí dụ như nhãn căn phối hợp với mắt được sử dụng để nhìn nhưng không thể nghe họ nói được. Nhĩ căn phối hợp với tai dùng để nghe nhưng không thể làm gì khác v.v…

Ngoài ra còn có một thức căn tổng quát phối hợp tất cả năm thức căn kia gọi là ý thức hay tâm thức. Ý thức đóng vai trò kiểm soát, điều khiển các thức căn kia nhưng ngoài ra nó còn có thể phân biệt, tiên đoán, tưởng tượng, phối hợp mọi thứ. Tuy nhiên ý thức vẫn có tính cách giới hạn vì khi thân thể ngủ say, ý thức cũng bị hôn mê theo nên Phật giáo còn phân biệt thêm một căn thức nữa gọi là Mạt Na Thức (Manasvljnana) hay ý căn vẫn còn nên khi tỉnh giấc con người vẫn không thay đổi. Vì tính chất không gián đoạn này nên ý căn theo kiếp sống đi đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác. Khoa Phân tâm học cố gắng giải thích ý thức và ý căn bằng những danh từ như tiềm thức, vô thức nhưng họ không thể đi xa hơn vì thiếu kinh nghiệm và phương tiện để đào sâu vào tâm hồn con người.

Ngoài ra Phật giáo còn phân biệt thêm một thức nữa có tính cách bao gồm tất cả, phát sinh mọi hiện hành gọi là Tàng Thức hay Á Lại Da Thức (Alayavijnana). Chính Tàng thức gìn giữ tất cả mọi kinh nghiệm cá nhân và tùy theo những định luật vô cùng tế nhị mà thúc đẩy các cơ hội thuận tiện, các cơ duyên cho hạt giống chất chứa nơi đây phát hiện. Tất cả mọi tư tưởng, hành động của con người đều tạo ra một năng lực làm rung động và biến chuyển vạn vật chung quanh. Cái năng lực này được ghi nhận vào Táng Thức dưới hình thức một chủng tử và tùy theo các định luật nhân qủa phức tạp mà chủng tử này phát hiện hay tiềm ẩn trong mỗi kiếp sống.

Tàng thức có tính cách cá nhân vi Tàng thức mỗi người đều khác nhau, điều học hỏi của người này khác với kinh nghiệm của người kia. Tuy nhiên Tàng Thức lại có tính cách vô biên nghĩa là Tàng Thức của cá nhân và của vạn pháp vẫn là một. Do đó mới có sự ảnh hưởng của cộng nghiệp và biệt nghiệp đối với con người.

Biệt nghiệp là điều do mình gây ra được lưu trữ trong Tàng Thức và dĩ nhiên vì những nhân duyên đặc biệt, cá nhân được sinh ra trong một quốc gia, dân tộc sẽ phải chịu ảnh hưởng hoàn cảnh chung của xã hội nơi cá nhân ấy sinh sống (cộng nghiệp).

Sinh ra trong xã hội văn minh, thịnh vượng, con người có nhiều điều kiện thuận tiện để học hỏi và phát triển hơn là tại một hoàn cảnh xã hội nghèo đói, khốn cùng. Do đó tùy theo những tâm nguyện, hoàn cảnh cá nhân cũng như các chủng tử mà nghiệp dẫn dắt con người đến những hoàn cảnh xã hội thích hợp.

Nói một cách khác chính hoạt động của những cá nhân trong xã hội đã tạo ra hình thức cho xã hội đó. Một quốc gia, xã hội đang lúc suy kém thì sẽ có nhiều cá nhân xấu xa đến đầu thai tại đó để làm cho nó càng suy yếu thêm. Một quốc gia hưng vượng sẽ được nhiều cá nhân cao cả, tài giỏi đến phục vụ giúp cho nó thêm thịnh vượng. Sự liên hệ giữa cộng nghiệp và biệt nghiệp vô cùng phức tạp và quan hệ mật thiết.

Hiểu biết được những định luật thiên nhiên là một điều quan trọng giúp cho ta ý thức được tính chất cao cả của sự sống. Sự sống thực sự vốn có tính cách rộng rãi bao la chứ không thu hẹp trong cái bản ngã cá nhân nhỏ hẹp. Nếu sự sống chỉ giới hạn vào những mục đích ích kỷ tầm thường, những tham vọng giả tạo tạm thời thì tiềm năng của nó sẽ bị thui chột, các năng lực của nó hao tán và rồi nó sẽ mất đi tính chất thiêng liêng cao quý mà chỉ là một cái gì tầm thường bất động như gỗ đá. Một cuộc đời như thế thử hỏi còn có ý nghĩa gì nữa? Chúng ta cần ý thức rằng sự hiện hữu của chúng ta trong vũ trụ không phải là một sự ngẫu nhiên hay một ảo ảnh mà có một mục đích hết sức cao cả và thiêng liêng.

Chúng ta đều là những giọt nước trong đại dương của sự sống, tuy là một thành phần nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được toàn thể sự sống của đại dương. Nước có thể bốc thành hơi, thành mây bay khắp chân trời, thành những giọt mưa chảy lai láng khắp nơi nhưng rồi nó cũng tụ lại thành suối, thành sông và chảy vào biển cả. Chúng ta có thể mang những thể xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, học hỏi kinh nghiệm khác nhau nhưng chúng ta đều là thành phần của một sự sống vĩ đại, của một Chân Như Đại Thể.

Chúng ta không thể kết luận về ý nghĩa của sự sống qua cái nhìn phiến diện và giới hạn của một kiếp sống ngắn ngủi mà phải kinh nghiệm nó như một cái gì tiếp diễn liên tục. Chết không phải là chấm dứt sự sống mà chỉ là một giai đoạn của sự sống cũng như ngày và đêm, sáng và tối. Nếu không có sự chết ta không ý thức được ngày và nếu không có bóng tối chúng ta không biết đến ánh sáng. Những giai đoạn này cần thiết và bổ túc cho nhau chứ không chống đối, trái nghịch nhau. Để kết luận, tôi muốn dẫn chứng bằng hai trường hợp về sự chết và tái sinh mà chính tôi đã chứng kiến.

Vào năm 1929, tôi có dịp ghé đến Miến Điện cùng với vị thầy truyền giới, Đại Đức Nyanatiloka Mahathera. Thấy tôi đến dự lễ hỏa táng nhục thân sư phụ của ngài là Đại Đức Kumara Mahathera trụ trì tại chùa Kyundaw Kyaung vừa qua đời cách đó ít lâu.

Sau buổi lễ, chúng tôi đi dọc theo sông Irrawadi để đến Madalay, một thành phố khá lớn và cũng là một trung tâm Phật giáo quan trọng của Miến Điện. Phía đông của thành phố này có một rặng đồi thấp, ở trên xây chi chít hàng ngàn ngôi chùa. Đại Đức Nyanatiloka cho biết tổng cọng có hơn 1500 ngôi chùa nhỏ bao bọc quanh một ngôi chùa lớn, vị trí các ngôi chùa được sắp đặt thành hình những cánh hoa sen với nhụy hoa là ngôi chùa chính. Lịch sử ngọn đồi này vô cùng đặc biệt và mãi về sau khi gặp Hòa thượng Tomo tôi mới biết đến tầm quan trọng của nó.

Lịch sử Miến Điện chép rằng Mindo Min (trị vì từ 1851 đến 1878) là một vị hoàng đế nhân từ, rất sùng đạo Phật. Một hôm nhà vua đi kinh lý, trời tối phải nghỉ đêm tại một làng nhỏ. Đêm đó vua nằm mộng thấy tự nhiên mặt đất rung chuyển mãnh liệt, khắp nơi lửa cháy rực trời xen cùng với tiếng kêu gào thảm thiết của muôn loài chúng sinh. Đúng lúc ngọn lửa sắp thiêu hủy tất cả thì một đoá sen trắng tinh khiết ở dưới đất vươn lên tỏa hào quang chói lọi, rồi trời đổ mưa như hoa, những đóa hoa rơi đến đâu thì lửa tắt đến đó…

Nhà vua giật mình tỉnh dậy cho gọi quan hầu cận đến để hỏi về giấc mộng kỳ lạ kia. Trong lúc vua tôi đang bàn tán thì vừng đông ló rạng, soi rõ một đám mây ngũ sắc đang lơ lửng trên đỉnh ngọn đồi thấp, chính giữa đám mây hiện ra một bông sen trắng rực rỡ toả hương thơm ngào ngạt. Trước linh ảnh đó, vua và các quan tùy tùng vội vã sùy sụp xuống, khi họ ngửng đầu lên thì đóa sen và đám mây ngũ sắc đã biến mất, nhưng nhà vua không cần hỏi ý các quan nữa, ông đã biết mình phải làm gì.

Hôm sau vua Mindo Min cho người đi khắp nơi thỉnh những bộ kinh Phật mang về Miến Điện. Ông cho gọi thợ đến khắc những bộ kinh này vào bia đá để lưu truyền lại cho đời sau. Sở dĩ vua cho khắc lên đá vì đá vừa to vừa nặng, khó di chuyển, không sợ hư hại và có thể chịu đựng được sự tàn phá của thời gian.

Trong lịch sử đã có nhiều vị vua tôn sùng Phật giáo cho khắc kinh điển lên những tấm bảng đúc bằng vàng khối. nhưng vì thế mà kinh điển này chỉ được giữ gìn cẩn thận trong hoàng cung, rất ít ai được chiêm ngưỡng. Không những thế nó đã làm nhiều người nổi lòng tham muốn cướp đoạt và tạo sự chú ý của các nước láng giềng. Mindo Min chỉ muốn kinh điển được phổ biến rộng rãi để ai cũng có thể đọc được những lời vàng ngọc của đức Phật, từ các nhà bác học uyên thâm đến những người dân quê dốt nát. Sau khi việc khắc kinh lên đá hoàn tất, vua cho xây cất những ngôi chùa nhỏ sắp đặt theo hình cánh hoa sen, mỗi chùa để một tấm bia đá khắc nguyên bản tiếng Pali, Sanscrit và bản dịch bằng tiếng Miến Điện.

Để tiện việc kiểm soát công trình xây cất này, vua truyền lệnh cho dời Thủ đô Amarapura về ngôi làng đó và đặt tên cho thủ đô mới là Mandalay (thành phố của những đóa sen, Madala là tên một loài sen có nhiều cánh).

Trên đỉnh đồi vua cho xây ngôi quốc tự Kuthawdaw để chứa toàn bộ kinh điển mà vua thỉnh được từ khắp các quốc gia trên thế giới, kể cả những bộ kinh vô cùng qúy giá và ít được truyền tụng. Vua dự định cho xây cất thêm trên ngọn đồi kế cận những kiến trúc tương tự để chứa đựng những bộ luật, luật mà vua thỉnh được. Tiếc thay công trình chưa hoàn tất thì vua đã lâm bạo bệnh qua đời.

Vị vua kế vị, hoàng đế Thibaw không chú ý gì đến công trình xây cất dở dang này. Ông cho rằng Mandalay không thuận tiện cho việc giao thong nên dời thủ đô về Ragoon. Công quỹ dành cho việc xây chùa ở Mandalay được chuyển qua để xây cất những cung điện nguy nga tráng lệ cho những phi tần được vua sùng ái. Vua Thibaw sống một cuộc đời trụy lạc, trác táng cho đến khi quân đội Anh tấn công Miến Điện và đặt quốc gia này dưới ách bảo hộ.

Chính quyền Anh không để ý gì đến một ngọn đồi hẻo lánh, xa thành phố với những kiến trúc xây cất dở dang nên ít lâu nó đã trở thành sào huyệt của một đảng cướp. Dĩ nhiên vì lý do an ninh khách hành hương cũng ít ai dám lai vãng đến đây.

Theo thời gian, những ngôi chùa lớn nhỏ trên đồi Mandalay không người săn sóc đã trở nên đổ nát, điều tàn. Hầu hết các bia đá đều bị rêu rong phủ kín, kinh điển bị hư hại hoặc bị thất lạc rất nhiều. Một hôm, có một tu sĩ đi khất thực ngang đây. Xúc động trước cảnh chùa chiền đổ nát, tro lạnh hương tàn, tu sĩ phát nguyện sẽ sống tại đây để chăm lo, săn sóc cho những ngôi chùa này. Ông khởi công quét dọn, lau chùi những bàn thờ, cạo rửa rong rêu bám trên các bia đá. Vì là một tu sĩ khuất thực, trên mình chỉ có mảnh vải che thân, tài sản chỉ độc có một chiếc bát cũ không giá trị nên bọn cướp trú ngụ quanh vùng không thèm để ý đến ông mà mặc kệ cho tu sĩ muốn làm gì thì làm.

Một hôm chúa đảng cướp thấy ông ra ông cạo rửa một tấm bia đá bám đầy rong rêu bèn lên tiếng hỏi tại sao ông làm một việc vô ích như vậy. Tu sĩ từ tốn giải thích rằng tấm bia có ghi khắc những lời của đức Phật chỉ dẫn cho chúng sinh giải thoát ra các khổ đau, phiền não. Tướng cướp yêu cầu tu sĩ đọc cho y nghe những lời đó và tu sĩ bắt đầu đọc phần đức Phật nói về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Lời giảng chân thành của tu sĩ khiến tướng cướp hồi tâm, y vội giải tán đảng cướp, phát nguyện tu hành, giúp tu sĩ tái thiết những ngôi chùa đổ nát.

Sự kiện một tu sĩ cảm hóa được đảng cướp hung dữ đồn xa, dân chúng bắt đầu kéo đến hành lễ, nghe U Khanti, vị tu sĩ thuyết pháp, rồi người góp công, kẻ góp của, cùng nhau chung sức tái thiết đồi Mandalay. Từng ngôi chùa rồ từng ngôi chùa được sơn sửa cẩn thận, các tăng ni bắt đầu kéo về, các khóa lễ long trọng được cử hành và khách hành hương khắp nơi nô nức trở lại ngọn đồi thiêng này.

Sau một thời gian họ đã tái thiết hoàn toàn ngọn đồi Mandalay huy hoàng như thuở trước nhưng U Khanti vẫn chưa hài lòng. Ông kêu gọi việc khởi công xây cất ở ngọn đồi kế cận những kiến trúc tương tự để chứa những bộ Luật, Luận theo đúng tâm nguyện của vua Mindon năm xưa. Trong vòng mười năm, hơn một ngàn ngôi chùa được xây cất, hàng ngàn tấm bia đá được dưng lên, hàng triệu khách hành hương khắp nơi kéo về và Mandalay trở thành một trung tâm tôn giáo quan trọng nhất Miến Điện.

Đối với U Khanti thì việc khắc những bộ kinh lên bia đá chỉ giúp một thiểu số người viếng nơi đây có cơ hội đọc được những lời vàng của Đức Phật. Muốn truyền bá giáo pháp đức Phật đi khắp mọi nơi để ai cũng có thể đọc được, đòi hỏi một phương tiện mới mẻ khác: Ấn tống kinh sách, phát hành rộng rãi khắp nơi.

U Khanti bèn tính đến việc cho in lại những bộ kinh điển lưu trữ nơi đây và phổ biến rộng rãi. Ông tin rằng vua Mindon Min đã mất bao công khó nhọc mới thỉnh được các bộ kinh quý giá này, nếu không truyền bá ra ngoài thì e rằng chẳng mấy chốc những kinh điển này có thể bị thất lạc hoặc hư hỏng thì uổng phí cả một công trình vĩ đại. Việc ấn tống kinh sách, hàng ngàn bộ kinh mà vua Mindon Min thỉnh được là một công việc qúa lớn, không nhà xuất bản nào dám nhận lãnh. Ngay những người hợp tác với ông trong việc trùng tu đồi Mandalay cũng khuyên ông không nên có cái tham vọng to lớn như vậy. U Khanti không phải là một người dễ nản chí. Không tìm được nhà xuất bản nào hợp tác, ông tự tay quyên góp tiền bạc mua máy in, lập cơ sở ấn loát riêng dưới chân đồi Mandalay và khởi công ấn tống kinh sách.

Khi chúng tôi đến Mandalay, cơ sở ấn loát của U Khanti đã ấn hành được hơn một trăm bộ kinh, đa số đều là những bộ kinh hết sức quý giá và hiếm có. Thầy tôi, đại đức Nyântiloka một bậc học giả uyên thâm đã kinh ngạc khi nhìn thư mục của nhà xuất bản cũng như danh sách những cuốn kinh mà vua Mindon sưu tập được hiện còn cất trong kho. Đại đức cho biết có rất nhiều bộ kinh mà ông chỉ nghe nói đến chứ chưa từng thấy qua. Nhiều bộ kinh tưởng đã thất truyền không ngờ lại được lưu trữ nơi đây. Phải thành thật mà nói đây quả là một việc hết sức phi thường, ngoài sức tưởng tượng.

Ngay như tại Tích Lan, một quốc gia sùng mộ đạo Phật với những viện đại học và thư viện Phật giáo mà vẫn không thể so sánh với số lượng tài liệu sưu tầm và lưu trữ nơi đây. Đa số kinh điển tại Tích Lan đều là kinh thuộc Nam Tông, nhưng tại đây chúng tôi thấy cả kinh điển của Nam Tông lẫn Bắc Tông, các bộ Luận của những học giả, các vị tổ mà chúng tôi chỉ nghe đề cập chứ không biết rõ về thân thế, sự nghiệp v.v… Dĩ nhiên chúng tôi rất muốn tiếp xúc với U Khanti để bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Chúng tôi được một tu sĩ cho biết đức Maha Yathi (sư trưởng) đã rời đó đi giám sát một công việc ở xa.

– Nhưng chừng nào ngài về?

– Điều đó không rõ, có khi ngài đi vài hôm, có khi nửa tháng và đôi khi cả tháng tùy theo công việc.

Vì thời gian eo hẹp, chúng tôi đành đi dạo cảnh chùa, thắp hương trước một bàn thờ Phật rồi thất vọng ra về, nhưng khi vừa ra đến cửa thì một chiếc xe nhỏ ở đâu phóng tới rồi một tu sĩ lớn tuổi nhưng còn khỏe mạnh, quắc thước bước ra. Maha Yathi U Khanti, Sư trưởng đồi Mandala.

Mặc dù tuổi tác đã cao nhưng U khanti đã qùy ngay xuống làm lễ trước mặt đại đức Nyanatiloka. Ông cho biết vì bận rộn công việc trùng tu, xuất bản kinh sách nên đã không nhập Hạ. (Theo luật Phật, các tăng ni mỗi năm phải nhập Hạ ba tháng tại một tu viện để trau dồi giới đức. Mỗi lần nhập Hạ là được một tuổi hạ và ai nhiều tuổi hạ là được tôn kinh hơn. Do đó mặc dù lớn tuổi đời nhưng vì không nhập Hạ nên U khanti vẫn phải tôn kính Đại Đức Nyanatiloka).

U khanti cung kính mời chúng tối ghé vào chùa để ông có dịp hầu chuyện. Sự khiêm tốn của một bậc chân tu, dầy công đức như ông đã làm tôi hết sức kinh phục. chúng tôi theo ông vào một căn phòng nhỏ, bầy biện giản dị sau chùa, ông tự tay rót nước trà mời chúng tôi uống và ngỏ ý rất hân hạnh được chúng tôi đến thăm.

Mặc dù tiếp chuyện chúng tôi nhưng cứ mỗi chốc lại có một tu sĩ bước vào nhận chỉ thị. Tôi hết sức ngạc nhiên khả năng chỉ huy lãnh đạo của U khanti, tuy tuổi tác đã cao nhưng đầu óc ông ta vô cùng bén nhậy, chỉ cần liếc qua một tấm giấy, lắng nghe vài câu là ông đã có thể quyết định tức thì. Ông vừa ký giấy tờ, vừa ra những chỉ thị ngắn và gọn. Trông ông có nét oai vệ như một vị đại tướng cầm quân ra trận hay một giám đốc điều hành xí nghiệp hơn là một tu sĩ. Ông luôn miệng xin lỗi vì vừa phải đích thân trông nom việc trùng tu đồi Mandalay, lo xuất bản kinh sách và chịu trách nhiệm điều hành một tu viện với hàng trăm tăng sĩ. Ông tỏ ra hết sức chú ý đến việc thành lập một tổ chức Phật giáo quốc tế mà Đại Đức Nyanatiloka đang vận động. Ông cũng hết sức quan tâm đến việc xây cất một trung tâm phiên dịch kinh sách ra ngoại ngữ mà tôi đã khởi công tại tu viện Dodanduwa, Tích Lan. Ông đưa ra nhiều nhận xét xác đáng, những đề nghị xây dựng mà về sau chúng tôi đã áp dụng làm căn bản cho Hội Phật giáo thế giới.

Khi tôi ngỏ muốn có một bộ Luật nguyên bản bằng tiếng Sanscrit để đối chiếu với bộ Luật bằng tiếng Pali thì ông quay qua nói nhỏ với một tăng sĩ hầu cận. Một lúc sau tu sĩ này đã đêm đến cho tôi một bộ Luật dầy gồm mấy chục quyển in rất đẹp, ngoài ra còn có mấy cuốn kinh trong bộ Trường A Hàm đóng bìa cẩn thận. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là tôi vẫn có bộ kinh này tại tu viện Dodanduwa nhưng thiếu mất mấy cuốn và tu sĩ đã đem đến đúng cho tôi những quyển kinh mà tôi còn thiếu sót. U khanti mỉm cười một cách bí mật:

– Bây giờ thì Đại Đức không phải lo nữa, ngài đã có đầy đủ trọn bộ kinh Trường A Hàm rồi.

Tại sao U khanti biết tôi thiếu mấy cuốn kinh này? Cho đến nay nó vẫn là một câu hỏi mà tôi không sao tìm được câu trả lừi.

Mặc dù rất vui mừng nhận món qùa biếu qúy giá nhưng chúng tôi còn định du lịch thăm viếng một số thắng tích, việc mang theo bên mình mấy trăm cuốn kinh dầy cộm vẫn có phần bất tiện. Như đọc được ý nghĩ, U khanti đề nghị cho người đem những bộ kinh này về tận tu viện Dodanduwa để chúng tôi khỏi phải xách nặng trong khi du lịch.

Khi về đến Tích Lan, chúng tôi vui mừng khôn xiết khi thấy hàng trăm cuốn kinh mới tinh vừa in xong đã được gửi đến tận nơi . Chỉ nội tiền cước không cũng lên đến hơn 3000 rupies, một món tiền khổng lồ lúc đó.

Về sau khi gặp Hòa thượng Tomo tôi có kể cho ngài nghe về câu chuyện này. Hòa thượng Tomo mỉm cười:

– Thế mà con không đoán ra ư? U khanti chính là hoàng đế Mindon Min đầu thai trở lại để hoàn tất tâm nguyện còn dở dang.

Quả thật tôi đã không nghĩ ra điều này nhưng tôi không nghi ngờ một chút nào hết. Cái dáng dấp lịch sự, cử chỉ oai nghiêm của vị tăng sĩ đó không phải dễ ai mà có được. Một đứa trẻ sinh nơi miền thôn dã, đi tu từ nhỏ không thể có cái phong cách oai nghi như một vị vua, trừ khi nó chính là một hoàng đế tái sinh. Cái cung cách làm việc vô cùng hiệu quả với những quyết định nhanh chóng, những mệnh lệnh ngắn, gọn và chính xác là điều không phải ai cũng có thể học được, trừ khi đó là một thói quen từ tiền kiếp, một thói quen chỉ có ở những bậc chỉ huy, lãnh đạo hay một vị hoàng đế.

Trên đây chỉ là một trong những điều mà tôi ghi nhận về sự chết và tái sinh. Còn nhiều trường hợp lạ lùng khác nữa mà tôi đã chứng kiến hoặc nghe kể nhưng không trường hợp nào rõ rệt như trường hợp sau đây của Maung Tun Kyaing:

Chúng tôi nghe kể về Maung Tun Kyaing khi du lịch ở Maymyo, một thành phố lớn thuộc tỉnh Shan. Người ta nói rằng không những Maung đã nhớ được tiền kiếp mà còn sở hữu những kiến thức đặc biệt khác thường. Quan Thống sứ Miến Điện, Sir. Henry Butler quá khâm phục tài ăn nói hùng hồn và kiến thức quảng bác của cậu bé tám tuổi này đã cho phép Maung đi khắp xứ, thăm viếng các khám đường để reo rắc những niềm hy vọng cho những tù nhân trong ngục tối. Mỗi khi Maung Tun Kyaing đi đến đâu là hàng người người kéo đến đó để nghe cậu bé này thuyết pháp.

Khi chúng tôi đến Maymyo thì Maung Tun Kyaing đang thuyết pháp, một đám đông vây kín ngôi chùa nhỏ không chừa một chỗ len chân. Cũng may vì chúng tôi đều là tăng sĩ nên họ nhường lối cho chúng tôi vào trong chùa. Tôi ngạc nhiên thấy một cậu bé trạc năm sáu tuổi đứng trên bục cao, chững chạc diễn thuyết. Mặc dù không hiểu cậu ta nói gì nhưng cứ nhìn đám đông yên lặng, chăm chú theo dõi tôi đoán cậu ta phải đề cập một điều gì quan trọng lắm.

Sau buổi thuyết pháp, chúng tôi được phép gặp Maung Tun Kyaing trên chánh điện chùa. Maung khoác tăng bào mặc dù chưa đến tuổi xuất gia, trông cậu ta không có vẻ gì đặc biệt khác thường trừ cặp mắt điềm đạm hiền từ không thể có ở những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Cậu ta yên lặng lắng nghe những câu hỏi của tôi và trả lời một cách thong thả, đầy tự tin. Cha cậu bé, một nông dân khỏe mạnh đã kể cho tôi về những sự kiện lạ lùng như sau:

Maung xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, thất học. Khi lên bảy tuổi, cha cậu đưa các con lên tỉnh để xem hội. Trời nóng, người đông chen chúc nhau nên ai cũng vừa mệt vừa khát nước. Khi đi qua hàng bán mía, mấy đứa nhỏ tỏ ra thèm thuồng nhiều không dám xin vì biết nhà nghèo không có tiền. Người bán mía thương tình bán cho mỗi đứa nhỏ một gắp mía nhai cho đỡ khát. Trong khi đứa em nhanh nhẹn bỏ mía vào miệng ăn liền thì Maung đã ngăn lại, bắt đứa em phải cám ơn người bán mía trước khi ăn. Sau đó Maung đã cám ơn người bán mía “Suki Hotu”, một danh từ của các tăng sĩ khất thực dùng để cám ơn những người dâng cúng phẩm vật. Sau khi nói xong, Maung lặng người đi một lúc như chợt hồi tưởng những kinh nghiệm qúa khứ. Cậu bé yêu cầu người cha bồng câu lên một bục cao gần đó rồi bắt đầu lên tiếng giảng giải về sự tốt đẹp của hạnh Bố Thí. Lời nói sang sảng của đứa bé lên bảy đã gây sự chú ý của mọi người. Họ quây quần chung quanh để nghe Maung nói. Lúc đó có lẽ vì tò mò nhưng về sau ai cũng phải công nhận cậu bé nói hết sức hay, không thua các bậc diễn giả kinh nghiệm. Sau khi nói xong, cậu bé yêu cầu người cha đưa cậu đến Khyang, một chùa ở gần đó.

– Nhưng đến chùa làm gì?

– Đó là ngôi chùa mà con đã dựng lên…

– Mày nói cái gì? Mày đã đến đó bao giờ đâu?

Nhưng Maung khẩn khoản năn nỉ cha đưa cậu đến ngôi chùa đó và đám đông cũng hùa vào nói giúp, cuối cùng người cha xiêu lòng.

Thấy đám đông kéo đến trước cửa chùa, vị sư già ngạc nhiên bước ra hỏi tự sự. Mọi người đẩy Maung Tun Kyaing ra trước nhưng cậu bé cứ ngây người ra nhìn ngôi chùa mà không nói gì. Thấy con tỏ ra vô lễ, người cha nạt:

– Tại sao mày không chào sư cụ trụ trì?

Vị sư già cũng hỏi:

– Cậu bé có biết ta là ai không?

– Dĩ nhiên, tôi biết ông từ ngày ông còn để chỏm. Chính tôi đã thu nhận và làm lễ truyền giới cho ông, trước khi xuất gia tên ông là A Meng và tôi đã ban cho ông pháp danh Yung kha Thera. Ông không nhận ra tôi sao? Tôi là Hòa thượng U Pandeissa Thera đây.

Vị sư già giật mình. Khi xuất gia người tu từ bỏ tên học sử dụng pháp danh. Hầu như không mấy ai biết tên tuổi cũ của các tu sĩ trừ vị thày truyền giới. Ông đã trụ trì chùa này hơn sáu mươi năm, dĩ nhiên không ai biết đến tên cũ của ông và có lẽ chính ông cũng đã quên mất rồi. Vị thầy truyền giới cho ông, Hòa thượng Pandeissa đã viên tịch từ lâu.

Maung Tun Kyaing thong thả nhắc lại một vài kỷ niệm cũ mà chỉ có thầy trò mới biết và trước sự kinh ngạc của đám đông, vị sư già trụ trì qùy ngay xuống đất ôm lấy chân cậu bé khóc rống lên:

– Đúng rồi, đúng là thầy U Pandeissa rồi…

Maung Tun Kyaing oai nghiêm bước vào chùa, cậu nhận đúng căn phòng nhỏ cùa mình ở khi trước cũng như những thay đổi mà vị trụ trì sau này đã kiến thiết thêm.

Khi bước vào chánh điện, Maung Tun Kyaing qùy xuống đảnh lễ và đòi cho được bộ kinh ông vẫn dùng khi xưa. Vị trụ trì vội mang ra một cuốn kinh cũ, Maung bắt đầu tụng một cách say sưa mặc dù cậu ta chưa bao giờ đến trường.

Tin đồn về cậu bé nhớ được tiền kiếp đến tai viên Thống sứ, Sir Henry butler. Ông này truyền lệnh cho gọi cậu bé vào để xem thực hư thế nào. Không những Maung Tun Kyaing đã đối đáp trôi chảy mà còn giảng cặn kẽ căn bản giáo lý cho viên Thống sứ. Qúa thán phục tài năng của cậu bé lên bảy, Sir Henry đã thưởng ngay cho cậu hai trăm Rupees, một số tiền lớn lúc đó nhưng Maung Tun Kyaing đã từ chối viện lẽ một tu sĩ xuất gia không được sở hữu tiền bạc.

– Nhưng cậu đâu phải là một tu sĩ, cậu chưa đến tuổi kia mà.

– Tôi đã phát nguyện xuất gia, tuân theo các giới luật từ lâu rồi. Luật Phật không cho người xuất gia giữ tiền bạc, một khi đa từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời Tầm thường Bất Túc thì giữ tiền bạc làm gì?

– Như vậy cậu có thể nhận những gì?

– Ông có thể cúng dường cho tôi vật thực đủ ăn trong một ngày là đầy đủ rồi.

– Tại sao chỉ nhận vật thức ăn trong một ngày?

– Sống ngày nào, biết ngày đó. Trong cuộc sống đầy vô thường tại sao lo lắng tích trữ làm gì?

Sau khi nhận vật thực mà Sir henry dâng cúng, Maung Tun Kyaing có ý tặng lại cho ông này một món quà nhưng cậu không có gì ngoài chuỗi tràng hạt, cậu cởi chuỗi tràng trao cho viên Thống Sứ.

– Nhưng tôi làm gì với chuỗi tràng này?

– Ông hãy quán trưởng đến sự vô thường, vô ngã và những cảnh khổ của đời này…

Maung Tun Kyaing thong thả chỉ dẫn cho viên Thống Sứ cách lần tràng, niệm hồng danh chư Phật và quán tưởng. Sir henry đã viết “Chính tai tôi đã nghe những chân lý cao tột từ miệng một đứa trẻ lên bảy, làm sao một đứa bé lại có thể nói năng khôn ngoan như một người lớn tuổi? Ngoài kiến thức hết sức rộng rãi về giáo lý, Maung Tun Kyaing đã giảng giải rõ ràng minh bạch và ứng đáp trôi chảy mọi câu hỏi của tôi. Tôi có thể cam đoan rằng không một đứa trẻ nào có thể học thuộc lòng những điều như vậy được…”

Sau đó viên Thống sứ đã cho phép Maung Tun Kyaing đi khắp nơi thuyết pháp độ sinh. Ông còn ra lệnh mở cửa các khám đường để tội nhân có thể nghe được những lời khuyên bảo đầy minh triết của vị thánh tăng này.

Dựa vào những sự kiện này, tôi nghiệm rằng cuộc đời hiện tại chỉ là một phần nhỏ trong chu kỳ của kiếp sống. Ý thức được đời sống là một cái gì bao la rộng rãi, tiếp diễn liên tục chúng ta có thể phát những hạnh nguyên rộng lớn như một kim chỉ nam soi đường, hướng dẫn chúng ta trong đời sống. chúng ta có khả năng phục hồi ký ức, phát triển các đức tính sẵn có, những kinh nghiệm học hỏi từ trước và sử dụng những điều này như động cơ thúc đẩy chúng ta tiến tới không ngừng trên con đường giải thoát. Chính cái ý tưởng thanh cao này mới là điều làm chúng ta trở nên bất tử chứ không phải sự tồn tại của linh hồn kéo dài sự sống lầm than trong trăm nẻo luân hồi.

U khanti, Maung Tun Kyaing là những trường hợp tiêu biểu cho sự tái sinh, trở lại thế gian để thực hiện một lý tưởng tâm linh cao cả nào đó. Tuy nhiên, không phải chỉ những người có ý hướng về tâm linh mới có thể nhớ lại tiền kiếp. Một rằng buộc tình cảm hay trách nhiệm chưa hoàn tất cũng có thể giúp con người phục hồi ký ức. Trường hợp của Shanti Devi sau đây có thể coi như tiêu biểu cho sự kiện này.

Shanti Devi sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại Delhi. Ngay từ khi còn nhỏ cô quả quyết rằng cô đã có chồng con ở Muttra, một làng nhỏ cách Delhi khoảng 80 dặm. Dĩ nhiên không ai để ý đến những câu nói vu vơ của một đứa bé. Cô cứ tiếp tục nhắc đi nhắc lại điều này điều này mãi khiến ông chú Kischen chán đâm ra ngờ vực. Shanti quả quyết rằng chồng của cô tên là Kedarnath Chaubey, con trai của cô tên là Chandra, cả hai hiện sống tại làng Muttra trong một căn nhà nhỏ sơn màu trắng. Cô còn tả rõ đường đi đến căn nhà và phong cảnh chung quanh.

Ông chú bèn đích thân đến làng Muttra dò hỏi và được biết quả có một người đàn ông tên Kedarnath Chaubey sống ở đó. Anh này có một đứa con với người vợ trước nhưng bà này đã qua đời hơn mười năm và hiện nay anh ta đã tục huyền. Ông Kischen liên lạc với Kedarnath, kể cho anh nghe câu chuyện về cô bé Shanti.

Kedarnath đưa vợ và con trai đến nhà cha mẹ cô bé Shanti, dĩ nhiên cô bé không biết một chút gì về sự sắp đặt này cả. khi được gọi vào phòng, Shanti Devi nhận ngay ra Kedarnath và đứa con trai lên mười. Thái độ cô bé lên tám đột nhiên thay đổi, cô tỏ ra bẽn lẽn trước mặt người chồng cũ và gọi anh bằng một danh từ mà chỉ có vợ chống nói với nhau trong những lúc riêng tư. Cô bé còn bước đến bên đứa bé trai lớn hơn cô, âu yếm vuốt tóc như mẹ hiền vuốt tóc con thơ. Kischen bèn đặt câu hỏi và Shanti thong thả kể lại những kỷ niệm qúa khứ, Kedarnath lúng túng xác nhận những điều này. Hiện diện hôm đó còn có Desbandhu Gupta, giám đốc một tờ báo lớn. Ông này yêu cầu đưa Shanti về làng Muttra để xem cô bé có thể nhớ thêm được những gì.

Shanti thong thả dẫn lối, cô đi xuyên qua những ngõ hẻm bé nhỏ, chật chội, những con đường tắt mà chỉ người trong xóm mới biết và đưa Gupta đến đúng căn nhà mà trước đây cô đã từng sống. Cô nhận ngay ra căn nhà đã được sơn phết lại bằng một màu sơn mới:

– Tại sao căn nhà lại sơn mùa vàng thế này? Tôi nhớ rõ khi trước nó sơn màu trắng kia mà?

Quả thế, Kedarnath đã cho sơn lại căn nhà trước đó không lâu. Shanti dẫn Guapta đến nhà cha mẹ ruột của cô ở gần đó và một lần nữa cô tỏ ra ngạc nhiên về những đồi thay tại đây;

– Ủa! cái giếng nước trước nhà đâu rồi? Trước nhà ba mẹ có một cái giếng nước kia mà…

Cách đó ít lâu từ khi có hệ thống dẫn nước công cộng, người ta đã lấp kín cái giếng nước trước nhà. Shanti nhận ra cha mẹ mình mặc dù hai ông bà đã già yếu lắm rồi. Cô âu yếm ôm chầm lấy ông lão và gọi ông là “Bapu”, một danh từ chỉ riêng con gái gọi người cha. Không ai còn nghi ngờ gì nữa, quả nhiên Shanti Devi chính là hậu thân của người vợ Kedarnath đã qua đời trước đó.

Shanti Devi ngỏ ý muốn trở về sống với gia đình cũ nhưng Kedarnath đã tục huyền, anh không muốn “người vợ cũ” làm xáo trộn hạnh phúc gia đình hiện tại. Đứa con lên mười cũng không muốn nhìn nhận một đứa bé lên tám tuổi làm mẹ nên cả hai cương quyết từ chối không chịu nhận cô bé Shanti.

Đến khi đó Shanti Devi mới nhận thức rằng các liên hệ tình cảm như tình vợ chồng, con cái chỉ có tính cách giới hạn trong một kiếp sống. Sợi dây thân ái mà cô tưởng bền vững lâu dài thật ra có tính cách tương đối. Cái tình thương mãnh liệt mà cô ấp ủ khi chết đã vượt qua biên giới sinh tử, giúp cô tìm lại người chồng và đứa con thân yêu đã không được đáp ứng. Từ đó Shanti nhận thức rằng sự chết giúp người ta xóa bỏ được những liên hệ tình cảm, những kỷ niệm một kiếp người vì những cái đó chỉ có giá trị giúp người ta học hỏi, kinh nghiệm mà thôi. Nó chỉ đóng vai trò như một cuốn sách giúp học sinh thu tập kiến thức, một cái đò giúp người ta qua sông và khi đã đặt được mục đích là kinh nghiệm sự sống, nó không còn có giá trị gì khác và phải được xóa bỏ. Chỉ có cái kinh nghiệm học hỏi như kiến thức, tình cảm, khả năng thương yêu, chịu đựng, nhẫn nại v.v… những yếu tố hun đúc nên cá tính con người là được lưu trữ trong tàng thức (alaya-vijnana) và ảnh hưởng đến mọi kiếp sống.

Sự nhận thức này đã gây một chấn động mạnh mẽ trong tâm hồn Shanti Devi, giúp cô nhìn thấy rõ sự vô thường của một kiếp người nên cô phát nguyện trao trọn cuộc đời cho việc phụng sự nhân loại. Cô trở nên một giáo sư trung học, đào tạo nhiều thế hệ học sinh gương mẫu. Cô kêu gọi: việc trau dồi phẩm hạnh, xây dựng các đức tính có giá trị lâu dài hơn là những điều chỉ giúp cho người ta thoải mái với kiếp sống hiện tại. Cô từ chối không lập gia đình mặc dù có nhiều người đã ngỏ ý. Cô dành trọn cuộc đời cho việc phát triển giáo dục và những công tác xã hội tại Ấn Độ.

Năm 1960, tôi nghe kể rằng Shanti Devi đã thành lập một đạo viện (Ashram) ở miền bắc Ấn Độ dạy thiền định. Phần lớn những học sinh chịu ơn cô dạy dỗ đã đem gia đình đến đây học thiền và sống theo lý tưởng mà cô đề xướng.

Đã có người hỏi tôi tại sao những trường hợp này chỉ xẩy ra tại Đông phương mà không ở Tây phương? Theo sự hiểu biết của tôi thì trường hợp nhớ lại tiền kiếp hay phục hồi các kinh nghiệm học hỏi từ kiếp trước vẫn xảy ra khắp nơi, không phân biệt vị trí địa dư hay phong tục. Nếu có sự khác biệt chẳng qua là người Tây phương đã không chú trọng đến những chi tiết này, họ không chấp nhận nó vì nó không hợp với chiều hướng suy nghĩ của họ. Người Tây phương tin rằng đời sống con người bắt đầu khi lọt lòng mẹ và chấm dứt sau khi chết. Họ có thể chấp nhận một lý thuyết về linh hồn nhưng lại cho rằng sau khi chết hồn sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục vĩnh viễn chứ không tiếp tục đầu thai, trôi nổi qua nhiều kiếp sống như quan niệm của người Đông phương.

Nếu con người chỉ có một kiếp sống duy nhất thì mục đích của cuộc đời là gì? Phải chăng chúng ta sinh ra để rồi chết? Không lẽ kiếp sống ngắn ngủi lại quan trọng đến nỗi chỉ phạm một tội lỗi thôi cũng bị đầy đọa xuống địa ngục vĩnh viễn? Không lẽ một thượng đế công bình lại có thể bất công như vậy sao? Nếu con người chỉ có một kiếp sống thì tại sao họ lại không giống nhau, người thông minh, kẻ khù khờ, người may mắn, kẻ bất hạnh? Ai đã quyết định về tính nết con người? Ai đã ban cho người này một khối óc thông minh và kẻ khác một thân thể tật nguyền? Nếu con người chỉ có một kiếp sống duy nhất thì chúng ta giải thích thế nào về hiện tượng thần đồng? Hiện nay không một lý thuyết khoa học nào chứng minh hay giải thích được hiện tượng này một cách hợp lý. Đôi khi chính những nhà khoa học đã chấp nhận một lối giải thích vu vơ như “đó là ý muốn của một đấng tối cao nào đó”.

Thần đồng không phải người từ trên trời rơi xuống mà chỉ là kết quả của nhiều kiếp sống không ngừng học hỏi. Chỉ có luật luân hồi mới giải thích được việc những đứa bé có thể tự soạn nhạc, sử dụng nhiều nhạc khí mặc dù không hề được dạy dỗ như trường hợp của Mozart, Beethoven v.v…

Mozart bắt đầu soạn nhạc từ năm lên bốn và điều khiển các buổi hòa tấu khi lên bảy tuổi. Khả năng âm nhạc của ông đã làm ngạc nhiên nhiều bậc thầy lúc đó, không những ông có thể sử dụng nhiều loại nhạc khí khác nhau mà còn có khả năng sáng tạo phong phú vượt xa những nhạc sĩ đương thời. Ông có thể soạn những hợp tấu khúc phức tạp cho hàng chục loại nhạc khí trong vòng một buổi chiều. Beethoven soạn nhạc lúc mới lên ba tuổi và điều khiển một ban nhạc hòa tấu khi lên tám. Các nhạc sĩ khác như Handel, Brahms, Dvorak, Chopin đều bước chân vào lãnh vực âm nhạc khi còn rất trẻ, lịch sử âm nhạc không thiếu gì những thần đồng như vậy.

Dĩ nhiên, những thiên tài không chỉ tập trung trong lãnh vực âm nhạc, nhìn qua những lãnh vực khác chúng ta thấy hiện tượng này xảy ra khắp mọi ngành…

Văn hào Voltaire thuộc lòng tất cả những bài ngụ ngôn của La Fontaine từ năm lên ba, bắt đầu viết sách khi vừa lên trung học. Stuart Mill viết thông thạo tiếng Hy Lạp và Latin khi mới lên bốn và năm lên bảy đã biên soạn một cuốn sử dày 800 trang nói về triều đại vua chúa La Mã. William Thompson giải toán đại số khi lên sáu. Pascal chứng minh những bài toán phức tạp khi lên tám và soạn sách giáo khoa khi chưa đầy mười bốn tuổi. Khoa học đã giải thích thế nào về những trường hợp này? Người ta thường nói đến yếu tố di truyền như căn bản quan trọng cấu tạo cá tính con người. Theo sự hiểu biết của tôi, yếu tố di truyền chỉ là một phần rất nhỏ, còn thiếu sót trong cái định luật thiên nhiên mầu nhiệm chi phối sự sống mà khoa học chưa thể chứng minh. Tất cả các bằng chứng đều đưa đến kết luận rằng có một yếu tố nào đó sắp đặt sự cấu tạo nên con người, một yếu tố vượt xa cái định luật thiên nhiên mầu nhiệm chi phối sự sống mà khoa học chưa thể chứng minh. Tất cả các bằng chứng đều đưa đến kết luận rằng sự suy luận của toán học, ra ngoài tầm phán đoán của lý luận và không sự suy luận của toán học, ra ngoài tầm phán đoán của lý luận và không thể giải thích bằng những công thức, định luật của khoa học thực nghiệm.

Mặc dù khoa học không thể giải thích một cách rốt ráo về sự sống nhưng người Tây phương vẫn bám cứng lấy thành kiến nhân loại một kho tàng kiến thức y học vô giá. Trường hợp của ông đã mở ra chân trời mới cho khoa tâm lý học, đưa ra các khái niệm về tiền kiếp, khả năng phục hồi ký ức và tầm quan trọng của tiềm thức, vô thức đối với đời sống con người.

Dĩ nhiên, tâm lý học chưa thể đi xa hơn vào thế giới nội tại vì nó chỉ là một khoa học thực nghiệm với các giới hạn của nó. Các nhà bác học về tâm lý chưa dám công khai nhìn nhận những điều mới lạ, những điều không phù hợp với quan niệm thông thường, những điều chưa được đa số quần chúng chấp nhận. Dù đã có tự do tư tưởng và ngôn luận, các khoa học gia vẫn không dám vượt qua bức màn thiên kiến cố hữu, không dám đả phá các thành kiến cố chấp. Họ e sợ dư luận và giữ vững lập trường là những gì chưa được kiểm chứng bởi khoa học thì nó không xảy ra. Có lẽ cũng vì thế mà quan niệm của đa số quần chúng với đời sống vẫn còn là một cái gì mù mờ, không rõ rệt. Người ta vẫn chỉ chú trọng đến những cái lợi nhỏ, những giá trị ngắn hạn, những nhỏ nhen vật chất trong cái thế giới đầy rẫy những sự vô thường. Nếu người ta chấp nhận sự luân hồi như một định luật thiên nhiên, ý thức đời sống không phải chỉ giới hạn trong một kiếp sống ngắn ngủi, và con người sẽ tiếp tục luẩn quẩn mãi trong luân hồi sinh tử vì những tham vọng, ái dục thì biết đâu đời sống chẳng mang một ý nghĩa khác hẳn.

Đối với tôi, tái sinh không phải là một lý thuyết nhưng là một kinh nghiệm. Tôi còn nhớ năm đó, tôi đến thăm một người bạn đúng lúc mẹ anh này đang cầu cơ và bà yêu cầu tôi tham dự. Tuy không tin tưởng chút gì về những vấn đề siêu hình nhưng tuổi trẻ tò mò đã thúc giục tôi nhận lời. Chúng tôi ngồi quanh một cái bàn nhỏ, mọi người nắm tay nhau, lâm râm đọc những câu nói mơ hồ theo chỉ thị của bà mẹ người bạn. Một lúc sau cái bàn rung động nhẹ, cuộc cầu cơ bắt đầu, mọi người đặt những câu hỏi và tôi không khỏi bật cười vì câu trả lời dường như chả ăn nhập gì với câu hỏi.

Một lúc sau có người đề nghị hỏi cơ về tiền kiếp mọi người trong nhóm. Khi đến phiên tôi, câu trả lời là mọi cái tên bằng Latin hay Đức lạ hoắc mà chưa ai nghe nói đến bao giờ. Điều ngạc nhiên là khi cái tên này vừa được nhắc đến thì tâm trí tôi trở nên hoang mang, hình như tôi đã nghe nói đến cái tên này ở đâu rồi thì phải? Tôi ngồi yên cho đến hết buổi cầu cơ nhưng đầu óc cứ vẩn vơ quanh cái tên kỳ lạ ấy. Tôi không tin một chút gì về hiện tượng siêu hình như cầu cơ, lên đồng. Tôi vẫn tin rằng nếu quả có một “đấng thiêng liêng” nào đó biết rõ qúa khứ, vị lai thì họ phải có một nhiệm vụ cao cả nào khác chứ không thể rảnh rỗi tìm đến những nơi tối tăm ẩm thấp, gõ bàn lách cách trả lời những câu hỏi ấm ớ của một nhóm người tò mò đầy mê tín dị đoan.

Qua sự chỉ dạy của các đạo sư Tây Tạng, tôi được biết rằng cái động lực gây chuyển động cái bàn đó không phải là một “đấng vô hình” nào cả mà chính là năng lực phát xuất từ tiềm thức của những người cầu cơ. Tất cả những điều người ta muốn biết đều đã có câu giải đáp sẵn trong tiềm thức và đôi khi câu trả lời chính là điều người ta muốn được nghe, những ao ước thầm kín trong tiềm thức được bộc lộ với những hình thức tế nhị. Nói một cách khác, chẳng phải có bàn đó di động để trả lời mà chính là tâm những người ngồi đó đã di động. Cái năng lực nội tại huyền bí này được phát động qua sự trung gian của đức tin, việc cầu cơ chỉ là một mảnh vụn hết sức thô thiển của một khoa học vẫn được truyền dạy ở Tây Tạng mà tôi sẽ đề cập đến trong một chương sau.

Khi còn trẻ tô thường ghi nhận những cảm nghĩ của mình lên giấy như một hình thức sắp đặt tư tưởng. Tôi có ý định hoàn tất một truyện dài nội dung đề cập đến những vấn đề mà tôi thắc mắc, suy nghĩ. Tôi viết thử mấy đoạn, soạn sẵn một dàn bài để khi nào rảnh sẽ viết tiếp nhưng rồi tôi không có thời giờ hoàn tất.

Khi lên đại học, tôi học văn chương với một giáo sư, ông này thường khuyến khích sinh viên phơi trải tâm sự của mình lên giấy nên tôi đánh bạo đưa bản thảo truyện viết dở cho ông coi để nhờ ông phê bình. Sau khi đọc qua đoạn văn tôi viết, ông ngạc nhiên kêu lên: “Anh đã chép điều này ở đây vậy? Phải chăng anh chịu ảnh hưởng của văn sĩ…”, ông ta nhắc đến một cái tên lạ hoắc nhưng tôi giật mình vì đó là cái tên mà tôi đã nghe nói đến trong buổi cầu cơ năm ngoái. Tôi kêu lên:

– Kể cũng lạ thật, đây là lân thứ hai tôi nghe nhắc đến cái tên đó…

Tôi kể cho giáo sư nghe về sự kiện đã xảy ra trong buổi cầu cơ. Vị giáo sư im lặng một lúc rồi cho tôi biết rằng đoạn văn mà tôi viết dở dang có những trùng hợp lạ lùng với nội dung quyển sách của một văn sĩ người Đức. Ông này chết khi còn rất trẻ nên không được nổi tiếng lắm, tuy nhiên hầu như mọi người học về văn chương Đức đều ít nhiều biết đến ông này.

Tôi cố gắng giải thích rằng tôi không biết một chút gì về văn sĩ kia cả. Kiến thức văn chương của tôi chỉ giới hạn trong những tác phẩm được giảng dạy trong chương trình giáo dục và dĩ nhiên văn sĩ người Đức kia không hề có tác phẩm nào trong đó.

Vị giáo sư cho biết không những nội dung đã trùng hợp mà ngay cả lối hành văn, cách xuống dòng, chữ viết tắt của tôi cũng ít nhiều giống y như nhà văn nọ. Điều này làm tôi vô cùng bối rối nên tối nhờ ông ta mua dùm tác phẩm đó để tôi xem qua.

Trước khi nhận được tác phẩm đó, một sự lạ khác đã xảy ra. Hôm đó tôi tham dự một bữa tiệc cưới. Trong những quan khách của buổi tiệc có một giáo sư người Đức, ông này có họ hàng chi đó với chủ nhà nên không quản ngại đường xá xa xôi từ bên Đức đến tham dự bữa tiệc. Khi tôi vừa bước vào phòng thì đã thấy ngay cặp mắt kinh ngạc của vị giáo sư kia, ông ta nhìn tôi chăm chú như bị thu hút khiến tôi đâm ra lúng túng. Trong suốt buổi tiệc, ông ta cứ đăm đăm theo dõi tôi nên tôi chỉ ăn qua loa rồi cáo từ, lòng không khỏi bực bội về người khách bất lịch sự đó.

Vài hôm sau tôi có dịp gặp lại chủ nhân bữa tiệc, bà chủ cho biết vị giáo sư kia cứ hỏi đi hỏi lại về thân thế của tôi. Ông ta đang soạn tiểu sử một văn sĩ người Đức từ trần cách đó mấy chục năm và nói rằng tôi trông giống văn sĩ nọ vô cùng, từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói. Mặc dù bà chủ không nhớ cái tên của văn sĩ đó nhưng tôi đã đoán ra ít nhiều, tôi trở về nhà lòng vô cùng xúc động.

Khi vị giáo sư văn chương trao cho tôi cuốn sách của văn sĩ nọ thì tôi nhận ngay rằng chính đó là cuốn sách “của tôi”. Không những cách sắp đặt, cấu kết, nội dung giống y hệt cuốn truyện tôi đang viết dở mà càng đọc tôi càng thấy cuốn sách đó phô diễn rõ rệt tất cả tư tưởng thầm kín của chính mình. Cuốn sách đề cập đến cái lý tưởng mà tôi hằng theo đuổi thời niên thiếu là trở nên một học giả nghiên cứu tất cả mọi môn học, từ thiên văn đến địa lý, từ toán học đến vật lý, từ triết học đến nghệ thuật, để có thể có một cái nhìn tổng quan về đời sống.

Dĩ nhiên tôi ý thức rằng cuộc đời qúa ngắn và đầu óc con người có giới hạn, không ai có thể trở thành một cuốn từ điển sống được nên tôi chỉ chú trọng vào một môn học mà tôi ưa thích là triết học. Từ triết học tôi say mê thần học và rồi xoay ra nghiên cứu tôn giáo, công cuộc nghiên cứu đưa tôi đến với Phật giáo và tôi đã phát nguyện trở nên một tăng sĩ…

Nhìn lại cuộc đời đã qua, tôi thấy rằng mình đã đi đúng con đường vì những điều tôi chưa thực hiện được ở kiếp này, tôi sẽ có cơ hội ở một kiếp khác. Tôi hiểu rằng không một tư tưởng nào sinh ra lại mất đi, tất cả đều được lưu trữ dưới hình thức những chủng tử và tùy theo nhân duyên thích hợp nó sẽ phát sinh.

Cũng như thế, một ý chí cương quyết, một hạnh nguyện to lớn sẽ là những động cơ thúc đẩy con người tiếp tục tiến bước trên con đường họ đã chọn. Con đường của Phật giáo là giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử và đó là con đường tôi đã chọn khi xuất gia. Tôi biết mình không thể thay đổi các nhân đã gieo trong qúa khứ, không thể lẩn tránh hậu quả của những nhân này nhưng tôi cố gắng tu sửa thân tâm, gieo vào tàng thức những tư tưởng tốt lành, những mầm mống vị tha. Nhờ chuyên tâm quán tưởng về những hạnh nguyện đã phát, nhớ mãi hình ảnh của đấng Đại Từ Bi, năng hỷ xả như ngọn đuốc soi đường, nhờ chuyên trì niệm hồng danh chư Phật, các chủng tử này sẽ tăng trưởng để một lúc nào đó sẽ phát sinh, hiện hành đưa tôi đến bến bờ giải thoát.

Tuy chọn con đường của một tu sĩ nhưng sau một thời gian tôi thấy mình không thích hợp với tôn chỉ của Nam tông. Tôi không thích nếp sống thoải mái trong những ngôi chù yên tĩnh, những kỷ luật cứng nhắc, những kiến thức tử chương. Hòa thượng Tomo đã giúp tôi tìm thấy một con đường mới, một nếp sống phóng khoáng mà tôi đã phát nguyện tu theo hạnh đầu đà (Anagarika). Đây là một nếp sống chủ trương lánh mình trong cô tịch, chú trọng nhiều về sự phản quang tự kỷ bằng tri giác nội tại. Kinh nghiệm đời sống như nó là và nương tựa vào năng lực gia trì của các vị tổ Mật tông. Tôi không lưu trú ở một nơi chốn nào nhất định, không sở hữu bất cứ một thứ gì mà chỉ có ba bộ quần áo cần thiết và một chiếc bình bát. Hòa thượng Tomo đã nói: “Trước khi có thể giúp người khác, ta hãy tự giúp mình. Trước khi xứng đáng ngồi trên toà Như Lai giảng pháp, ta hãy kết thảm cỏ ngồi trong động đá để quán tưởng về sự vô thường, lý vô ngã. Trước khi bước vào đời để cứu giúp chúng sinh ta hãy quay vào bên trong để nghe tiếng gọi của Chân tâm, và chỉ khi đã chứng được sự thanh tịnh tuyệt đối ta mới có thể nhập thế gian mà không sợ sa ngã. Một người đang chết đuối không thể cứu một người khác cũng đang chết đuối. Một người mù không thể dẫn dắt kẻ đui. Đừng hấp tấp lo giúp đỡ kẻ khác khi chính mình chưa giúp đỡ nổi cho mình, làm sao ta có thể biết chắc rằng sự giúp đỡ đó hoàn toàn vô vị lợi? Làm sao ta biết rằng mình không tự lừa dối mình? Một việc làm cao đẹp tự nó chỉ có nghĩa khi nó được làm bởi một cái tâm vị tha chân thật. Nếu không cố gắng đạt đến mục đích là thoát khổ thì những nghi thức chỉ là sợi dây trói buộc, lời ta khuyên bảo chỉ là những âm thanh trống rỗng. Hãy tập trung năng lực để suy ngẫm, quán tưởng về việc giải thoát, đừng lo lắng về nơi ăn chốn ở vì nó chỉ ràng buộc. Đừng quan tâm về chứng đắc vì nó chỉ là ảo tưởng. Chỉ khi nào bước vào cuộc đời làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có chúng sinh có sự khác biệt đó mới là vô ngã. Nếu con không để bị vướng mắc, không để bị mong cầu sở đắc một điều gì, thì con sẽ hiểu được điều ta nói: “Vào đời nhưng không rời Tự Tánh, nhập thế nhưng không rời Niết Bàn…

Xem mục lục