Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

8. Từ Thiền Định Và Bát Nhã Xem Xét Luyến Ái Và Hận Thù

Một người dùng công phu Thiền định để khắc phục tình dục là chuyện hết sức khó khăn và gian khổ, nhất là con người hiện đại, có nhiều vọng niệm lại càng khó dùng công phu Thiền định để khắc phục tình dục.

Nhà văn Nhật Bản Thực Đốc có viết một truyện cổ tích nội dung như sau: có một vị tiên, tên là Cửu Mễ vì thất tình cho nên xuất gia tu hành, cho rằng đó là phương pháp tốt nhất để giải quyết tình dục. Ông tu hành trong núi 30 năm, và tự cho rằng mình đã hoàn toàn khắc phục được tình dục. Lúc bấy giờ, ông đã có được nhiều phép thần thông bèn gọi một đám mây lại, nghĩ rằng sau khi mình đã hoàn toàn chế ngự được tình dục thì có thể xuống nhân gian đi chơi một chuyến. Bèn cưỡi mây đi chơi. Khi bay qua một con sông, ông thấy một phụ nữ đang giặt quần áo. Ông lại gần xem xét thì động niệm: “Đùi cô gái này sao mà trắng đẹp thế?” Niệm vừa động như vậy thì mây tản ra, nên ông rơi xuống đất!

Dùng phương pháp Thiền định để khắc phục tình dục thì cũng giống như tiên ông Cửu Mễ, nhất là trong xã hội hiện nay, con người hiện đại muốn dùng Thiền định để khắc phục tình dục thì cũng giống như vào thời Phật Thích Ca còn tại thế, hầu như không thể làm được. Trừ phi đó là người có năng khiếu đặc biệt, còn người bình thường thì không thể.

Con người hiện đại, muốn khắc phục tình dục, giải quyết tình dục thì phương pháp duy nhất là mở mang Trí tuệ Bát nhã. Vì sao mở mang Trí tuệ Bát nhã lại có thể giải quyết được vấn đề tình dục?

Bởi vì con người có một bản thể siêu việt cảm quan. Dù rằng trước kia, anh có phạm tội lỗi gì, có tình yêu hay thù hận gì, bản thể đó cũng không bị ô nhiễm.

Khi học tập Thiền định, mà có một tư tưởng xấu nảy sinh thì phương pháp của Thần Tú sẽ là đoạn trừ tư tưởng đó. Sự vĩ đại của Lục Tổ Huệ Năng chính là ớ chỗ ông nhận thức được rằng, trong con người có một bản thể không bị ô nhiễm, do đó có thể hoàn toàn không cần xử lý bụi bặm trong đời sống, không cần phải chùi quét ý thức khỏi tư tưởng xấu. Ông đề cao tâm tánh con người lên vị trí thanh tịnh tối cao. Nhờ đứng ở vị trí thanh tịnh như vậy, cho nên đối với mọi chuyện ở đời, dù là rất nhỏ nhặt cũng có thể dùng cái nhìn trực quan để thấy rõ ràng minh bạch.

Nhận định chủ quan rằng, trong con người, có một bản thể thanh tịnh không nhiễm, có thể giúp người học Phật chúng ta có được niềm tin rất lớn, tức là dù có lúc mắc vào chuyện tình ái cũng không có quan hệ gì. Bồ tát là như vậy, nhờ chúng ta có niềm tin đó, thấy rằng luyến ái cũng không làm ô nhiễm được tâm tánh chúng ta, cho nên mới có thể có được thái độ tương đối tốt đẹp để đối xử vấn đề tình dục.

Bây giờ hãy đứng ở giác độ khác để nói chuyện. Thần Tú nói về một kinh nghiệm đặc thù của Thiền định. Ông cho rằng muốn tu hành thì tâm phải được định tỉnh lại và luôn luôn chùi quét tư tưởng.

Còn Lục Tổ Huệ Năng thì nói với chúng ta rằng, Thiền định không phải là một kinh nghiệm gì đặc thù, nó không khác gì kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày. Kinh nghiệm Thiền định khai ngộ có thể rút ra được từ tất cả mọi kinh nghiệm.

Nói một cách giản đơn, Thần Tú cho rằng phải dùng phương pháp thường xuyên quét sạch bụi bặm nơi tâm, thì rồi mới có được cái tâm thật của con người.

Tâm thật của con người giống như tâm của trẻ con, thiên chân, thong dong, không có hư dối, tức cái tâm của con người dù có phải ngủ trong điện thờ Phật cũng ngủ được thoải mái.

Còn bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng thì sâu sắc và cảm động lòng người hơn rất nhiều. Bài kệ của ông nói rằng, cái chân tâm đó của con người ở đâu cũng có, nơi nào cũng có, bởi vì không bao giờ bị nhiễm ô!

Nghe Lục Tổ Huệ Năng nói, người nào mà không có được niềm tin lớn.

Chúng ta sống trong thế giới này, tuy chúng ta bị bao nhiêu ràng buộc, thống khổ, thử thách, thế nhưng về chủ quan chúng ta phải có nhận định: Chúng ta có một Phật tánh siêu việt tất cả mọi chuyện đó

9. Không Cần Bài Xích Cảm Quan, Phải Khéo Léo Dùng Cảm Quan Để Tu Hành

Ái tình hay thù hận của chúng ta đều đến từ cảm quan. Một người sống trên thế giới này không thể không có cảm quan. Cảm quan tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thông qua các cảm quan, xâm nhập vào nội thân thì có sắc âm thanh, mùi, vị, xúc, pháp.

Con người không thể thoát lìa khỏi thế giới của cảm quan. Nếu hoàn toàn phủ định thế giới cảm quan, thì cũng không thể sống trong thế giới này được. Một thế giới hoàn toàn mất cảm quan là một thế giới đáng sợ. Một người mất cảm quan sẽ không thể phân biệt các mùi phân, mùi thịt, mùi hoa sen. Anh ta sẽ không còn cách gì phân biệt cái đẹp cái xấu, cái hay, cái dở của thế giới này.

Huệ Năng xác định là, ở đàng sau cảm quan của chúng ta có một cái siêu việt cảm quan. Trong kinh Phật, cái siêu việt cảm quan đó gọi là Phật tánh hay tự tánh. Điều rất có ý nghĩa là cái siêu việt cảm quan đó, không phải từ trên hư không đến, mà chính là từ ở cảm quan đến, cho nên chúng ta không được phủ nhận tầm quan trọng của cảm quan.

Trong nửa phần sau của kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo với 25 vị Bồ tát có mặt báo cáo về kinh nghiệm tu hành của họ: 25 vị Bồ tát ấy báo cáo về 25phương pháp tu hành. Xem đoạn ấy của kinh Lă ng Nghiêm mới phát hiện thấy, đại bộ phận các vị Bồ tát đều khai phát tánh không, khai phát Trí tuệ Bát nhã từ 6 cảm quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Trong số Bồ tát này, tôi nhớ có một vị tên Hỏa Đầu Kim Cương, vốn rất mãnh liệt về tình dục. Nhưng ông lại bắt đầu sự tu hành của mình, xuất phát từ lòng ái dục của ông, chuyển hóa được lòng ái dục đó thành lòng Từ bi đối với thế giới này, và cuối cùng, ông chứng ngộ được Thật tánh là cái không thể bị hủy hoại tức là Kim Cương.

Trong Mật tông, cũng có một vị thần Kim Cương, gọi là Ái nhiễm Kim Cương. Vị này cũng vậy, xuất phát từ tham ái, nhiễm trước mà khai ngộ, tu hành, chứng được quả vị.

Bây giờ, lấy Bồ tát Quán Thế Âm làm ví dụ, một vị Bồ tát mà mọi người đều biết rất rõ. Bồ tát Quán Thế Âm tu hành như thế nào? Ngài dựa vào đâu để tu hành pháp môn mà trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Nhĩ căn viên thông pháp môn.” Nghĩa là Ngài dựa vào thính giác để tu hành. Ngài dùng thính giác để nghe những âm thanh nội tại để nghe những âm thanh xin cứu khổ của chúng sanh. Dựa vào thính giác mà Ngài chứng nhập tánh không, chứng ngộ được Bát nhã của Phật, mở mang được lòng Từ bi và Trí tuệ rộng lớn nhất.

Vì vậy tu hành không nhất định là đóng bịt cửa các cảm quan lại, không nhất định là phải bịt tai lại hay là cắt xẻo tai đi! Bồ tát Quán Thế Âm từng dạy chúng ta rằng, phải khôn khéo dùng tai của ngươi, lại có một số Bồ tát dạy chúng ta, hãy khôn khéo dùng mũi, dùng mắt của ngươi. Chúng đều là công cụ tu hành cả.

10. Luyến Ái Và Hận Thù Đều Là Bài Học Để Tu Hành

Bồ tát đã biết lợi dụng cảm quan để tu hành thì các chuyện luyến ái hận thù trong nhân gian không phải là không có ý nghĩa. Nếu có người cho rằng đều là không có ý nghĩa thì người ấy sẽ không thấy được cái có ý nghĩa hơn, ở đằng sau luyến ái và hận thù. Tu hành như vậy không phải là tu hành theo Đại thừa, cũng không phải là tu hành của nhân gian.

Các kinh Tiểu thừa bảo chúng ta rằng, phải đoạn trừ mọi lòng ái dục mới có thể được giải thoát; mới có thể ngộ được tự tánh; tu hành theo Đại thừa thì không như vậy. Về sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa, tôi xin đưa ra hai ví dụ dễ hiểu:

Ví dụ thứ nhất là trồng cây. Một ngườỉ muốn trồng cây, sau khi trồng, anh ta ra sức làm cho cây trồng được lớn mạnh. Một người khác, khi bắt đầu trồng cây đã có ý định: Ta sẽ bắt cây này có hình thù một cái dùi đầu tròn. Sau khi cây lớn, anh ta bèn sửa sang cắt dọn để cây mang hình một cái dùi đầu tròn. Làm như vậy, anh ta không làm cho cây lớn tốt được. Còn người thứ nhất thì đầu tiên tập trung sức lại làm cho cây trồng được tốt, rồi sau mới lo cắt dọn. Đó là phương pháp của Đại thừa. Còn phương pháp của người thứ hai là phương pháp Tiểu thừa.

Tu hành ở nhân gian, điều quan trọng nhất là trồng cây của anh cho tốt. Trồng cây của anh cho tốt là thế nào? Nghĩa là làm cho anh có tâm Từ bi rộng lớn, có Trí tuệ rộng lớn. Sau đó mới sử dụng lòng Từ bi và Trí tuệ của anh, để xem xét luyến ái và hận thù. Xem xét như vậy sẽ thấy sự vật rất rõ ràng, minh bạch.

Ví dụ thứ hai là trồng hoa. Người Tiểu thừa trồng hoa, thì chỉ trồng một cây hoa. Nếu gần cây hoa đó có cỏ mọc thì lập tức nhổ cỏ đi. Chỉ canh cánh chăm sóc cho cây hoa mọc tốt là được. Còn người Đại thừa thì trồng rất nhiều hoa, vì có rất nhiều người cần tới hoa của anh ta, và anh ta cũng không ngừng gởi hoa đến những người khác. Vì phải chăm sóc nhiều cây hoa như vậy, và phải làm cho cây nào cũng lớn tốt, cho nên có lúc không chú ý được tới những cỏ dại, mọc lên giữa các cây hoa. Chờ khi các cây hoa lớn, nếu có một vài sợi cỏ cũng không thành vấn đề. Nhưng nếu chỉ trồng có một cây hoa mà thôi thì chỉ một ít cỏ cũng thành vấn đề rất nghiêm trọng.

Hiểu như vậy rồi, sẽ có quan điểm rất tốt để xem xét vấn đề dục vọng của nhân gian. Tôi luôn luôn tin rằng, mọi sự vật ở thế gian này đều thuộc phạm vi tu hành của con người, mọi đối tượng chúng ta gặp trong nhân gian đều là đối tượng của Từ bi, chứ Từ bi không phải chỉ là mua cá hay chim để rồi thả gọi là phóng sanh. Anh gặp một người đau khổ trên đường, người ấy cũng là đối tượng Từ bi của anh. Mỗi nhân duyên gặp gỡ đều là nhân duyên khai mở Trí tuệ, ở bất cứ nơi nào hay lúc nào đều có thể tu tập Thiền định. Đối với người học Phật, sống một ngày là một ngày tu hành.

Rất nhiều Phật tử, mỗi ngày đêm đều lên khóa lễ sớm chiều nghiêm túc. Sáng dậy, lập tức đánh chuông đánh mõ tụng kinh. Tối đến cũng như vậy. Trong chùa Phật là người thành kính thanh tịnh, ra khỏi chùa thì lập tức biến thành người khác rồi. Tu hành như vậy là không triệt để. Trong chùa, ngoài chùa, và ở khắp mọi nơi, sự ứng xử của chúng ta phải không thay đổi.

Đối với người yêu, chúng ta hy vọng người yêu cũng như mình đều có được đời sống hạnh phúc. Nhưng nếu chẳng may, tình yêu không thành thì cả hai người đều rút ra được bài học trong thất bại, mở mang Trí tuệ, đi theo con đường Trí tuệ. Đó chính là khóa tu hành của chúng ta: là sự giác ngộ trong ái tình, và có lòng khoan dung đối với người mình thù hận, thậm chí còn cười với họ nữa.

- Giữa những người cấp tháo nóng nảy, hãy chịu đựng và bình tĩnh.

- Giữa những người hung bạo hãy ôn hòa.

- Giữa những người có lòng tham, hãy sống khẳng khái.

- Giữa những người buồn khổ, hãy sống Từ bi.

- Giữa những người lòng tràn đầy cừu hận, hãy sống với lòng không hận thù.

Tất cả những cái đó đều là công khóa tu hành.

Cho nên, luyến ái và hận thù đối với chúng ta cũng là công khóa tu hành.

Xem mục lục