11. Tùy Duyên Mà Ứng Xử Với Tình Cảm Tốt Nhất Không Thay Đổi
Trong kinh điển có câu: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.”
Tùy theo nhân duyên, tình dục và thế giới mà chuyển động, còn tâm tánh mình thì không biến hóa. Đó là tùy duyên bất biến. Tâm tánh của một người không thay đổi, vẫn giữ được chất vắng lặng thiện lành, nhờ vậy là có thể tùy duyên một cách vui vẻ.
Không có sợ hãi mình bị biến chất mà không dám tùy duyên. Vì rằng, khi một người mở rộng được bản tính trong sáng của mình thì anh ta phát hiện thấy bản tính đó kiên cường hơn nhiều, so với nhân duyên, và không bị dao động.
Một người giác ngộ sẽ biết rằng, nhân duyên thời gian và không gian rất là rộng lớn. Phải yêu thương cha mẹ mình, cũng phải yêu thương tất cả chúng sanh như là yêu thương cha mẹ vậy. Sự thật, tất cả chúng sanh mà chúng ta có nhân duyên gặp gỡ, rất có thể trong các đời sống quá khứ, đã từng làm cha mẹ chúng ta. Từ kiếp vô thỉ đến nay, chúng sanh đã từng là cha mẹ chúng ta.
Có người bị thất bại trong hôn nhân hay trong luyến ái, bèn nói: “Đó là nhân duyên. Số mệnh đã quyết định rồi.” Sự thực thì không phải như vậy. Nếu mở rộng quan điểm thời gian và không gian ra nữa, thì sẽ phát hiện thấy, trên thế giới có rất nhiều người cùng ở với chúng ta đã có quan hệ vợ chồng. Những nhân duyên đó trong tương lai dần dần chín mùi mà chưa chắc là ở đời này. Trong đời này có rất nhiều nhân duyên chín mùi, nhưng còn do chúng ta lựa chọn trong số nhân duyên chín mùi đó, chúng ta lựa chọn lấy ông này, bà kia làm chồng làm vợ. Còn đối với những nhân duyên chưa chín mùi, thì hãy chờ đợi ở vị lai.
Người với người đều có nhân duyên. Nhưng lựa chọn và phán đoán cũng rất quan trọng. Chúng ta không nên vì học Phật mà trở thành nhà túc mạng luận. Tất cả đều là quan hệ nhân quả nhưng vẫn có phạm vi để chúng ta cân nhắc, lựa chọn. Đó là vì bản tính chúng ta mạnh hơn nhân duyên.
Thế giới nội tại ở trong chúng ta lớn mạnh hơn nhân duyên.
Vì vậy mà chúng ta không bị tình dục chuyển, mà có thể siêu việt lên trên tình dục.
Trong Thiền tông, có câu chuyện này: Có một người tu hành, đã tu hành hơn 20 năm, và được một bà già thường xuyên cúng dường mỗi ngày, và đều cho một cô gái xinh đẹp đem cơm cúng dường nhà tu hành. Một ngày bà già muốn thử trình độ của nhà tu hành, bèn dặn cô con gái đưa cơm ngồi trên đùi nhà tu hành và hỏi nhà tu hành cảm giác thế nào. Cô gái trở về, thuật lại với bà già rằng, nhà tu hành chỉ nói:
“Khô mộc y hàn nham
Tam đông vô hoản khí.”
(Cây khô dựa vào tảng đá lạnh
Ba mùa đông không có hơi ấm)
Bà già nghe nói rất bực, cho rằng 20 năm cúng dường là uổng công, bèn phóng hỏa đốt am và đuổi nhà tu hà nh đi chỗ khác. Bà cho rằng tu hành mà biến thành người vô tình thì không phải là người tu hành chân chính.
Siêu việt tình cảm cha mẹ không phải là vô tình mà là chí tình. Chí tình là thăng hoa tình cảm đến trình độ cao nhất. Như xem cha mẹ thiên hạ như cha mẹ mình, vợ con thiên hạ như vợ con mình. Nâng cao tâm tánh, mở rộng tâm tánh, để bao dung mọi phiền não và chuyển hóa tình dục.
Nên nhớ bốn chữ này: “Tùy duyên, nhậm vận” là ứng xử một cách tự tại với nhân duyên, không dao động, không thay đổi. Trên thế giới này, có rất nhiều nhân duyên gặp gỡ, làm tâm người dao động. Chúng ta vẫn có thể không né tránh, không đoạn trừ tất cả những nhân duyên đó mà vẫn tu hành được nếu biết nhậm vận tùy duyên. Tình dục sẽ được làm cho thanh tịnh và con người sẽ được giải thoát.
12. So Sánh Với Giây Phút Trước
Có nhớ tới mâm cỗ thịnh soạn hôm qua cũng không giúp gì cho cơn đói ngày hôm nay. Bây giờ ăn no căng bụng, cũng không giúp gì cho cơn đói của giờ phút sau! Mỗi giờ phút đều có tình hình của giờ phút ấy. Các giờ phút đều không giống nhau.
Có sự thể nghiệm như vậy, mới không chấp trước vào giờ phút trước hay giờ phút sau; không chiếm hữu gì cũng không cầu mong gì thì sẽ không chấp trước vào giờ phút trước cũng không chấp trước vào giờ phút sau.
Chúng ta học Phật không cầu mong được gì, chỉ cầu mong làm cho nhân cách con người được nâng cao và hoàn thiện không ngừng.
Thường có người đến gặp tôi, như là để so sánh “thành tích” vậy. Họ cho rằng tôi rất có danh tiếng, chắc là tu hành rất tốt. Họ hỏi: “Ông tu hành được quả vị nào rồi?”, đồng thời cũng nói với tôi một cách nghiêm túc là họ đã chứng đệ tam quả. Tôi trả lời là tôi tu hành chưa chứng được quả nào hết. Chỉ có ngày nào cũng được ăn quả chuối, được nuôi dưỡng tốt, thưởng thức mùi vị. Tức là không được gì! Nếu tâm còn nghĩ được nhiều, ít quả, thì trongcuộc sống sẽ có vướng mắc, bị trở ngại.
Xin đừng có nghĩ tu được “bao nhiêu quả”, mà nên làm sao cho giờ phút này so với giờ phút trước, giờ phút sau này so với giờ phút này anh nhận thức “tánh không” một cách tốt hơn, giờ phút này so với giờ phút trước, anh sống Từ bi hơn, anh gần gũi hơn với chúng sanh, nhân cách anh hoàn thiện hơn.
Hằng ngày, cứ tiến bộ như thế thì sẽ có ngày, anh tiến tới đích Từ bi, Trí tuệ hoàn thiện và tự tại.
Đừng có một mặt tu hành, một mặt lo nghĩ rằng mình đã tu đến trình độ nào! Nếu ngày nào cũng nghĩ tới vấn đề đó thì lấy thời gian đâu mà tu hành?
Hãy sống mỗi giây phút một cuộc sống tốt đẹp. Hãy sống qua mỗi ngày một cách tốt đẹp, nói chung hãy sống một cách tốt đẹp.
Anh đang lễ Phật, vái Phật. Nếu con anh khóc, đòi mẹ thì xin anh hãy tạm thời ngưng lễ Phật, đến chăm sóc đứa bé. Bởi vì, trong giây phút này, đứa bé đang cần anh, chứ Phật không nhất định cần đến anh, Đức Phật, không cần gì hết. Phật và Bồ tát đều không muốn được gì, không cần gì hết ở nơi anh.
Có câu chuyện vui như sau: một người đi trong sa mạc, mới đi được nửa đường, thì vừa mệt, vừa đói, vừa khát. Anh ta bắt đầu cầu nguyện Bồ tát đến cứu anh ta. Đi mãi, đi mãi, anh tìm được giữa quãng đường một cây đèn thần. Anh rất thích bèn lượm lên và xoa xoa. Quả nhiên, hiện ra một người khổng lồ, người khổng lồ nói với anh ta rằng: “Tôi là đầy tớ của ông, ông có gì sai bảo?” Anh ta nói: “Tôi đang rất khát, xin cho tôi một bát nước.” Người khổng lồ trả lời: “Ở đây tôi không có nước.” “Vậy thì hãy cho tôi một bộ quần áo, vì tôi đang rét.” Người khổng lồ nói: “Tôi ở đây, không có quần áo.” “Vậy thì hãy cho tôi một quả dưa.” “Tôi cũng không có quả dưa.” Cuối cùng, người khách bộ hành hỏi: “Thế thì anh cho tôi cái gì nào?” Người khổng lồ trả lời: “Tôi có thể cho ông Phật pháp.” Người khách bộ hành nghe xong bèn chết xỉu trong sa mạc.
Phật pháp là gì? Khi người khác khát, anh cho họ chén nước. Đó là Phật pháp. Khi người khác đói anh cho họ bát cơm, đó là Phật pháp. Giúp đỡ người khác, với tâm không cầu đền đáp, và luôn luôn như vậy, đó là Phật pháp.
13. Nhân Sanh Tốt Đẹp Nhất Chính Là ở Đời Này, Thế Gian Này
Phật pháp không có xa lìa cuộc sống, cũng không xa lìa đời sống này, thế gian này.
Trong nội dung các bài giảng đầu tiên của Phật Thích Ca, có bốn câu rất trọng yếu, gọi là bốn gia hạnh: “Cuộc sống vô thường, thân người khó được, lý nhân quả là chân thực, luân hồi là đau khổ.”
Điều nên đặc biệt chú ý là lẽ vô thường.
Cuộc sống là vô thường, cho nên phải biết trân trọng giờ phút này. Sau đó cần ghi nhớ, thân người là khó được. Cuộc sống này, thế gian này là nhân sanh tốt đẹp nhất. Hãy cứu cái thân này ngay tại cuộc sống này, đừng có chờ đợi một cuộc sống nào khác. Phải suy nghĩ thế này: Chúng ta hãy khẳng định cái thân này của chúng ta là đáng trân trọng, hãy khẳng định cuộc sống của chúng ta trên thế giới này là đáng trân trọng, khẳng định cuộc sống này, thế gian này của chúng ta là đáng trân trọng.
Nếu chúng ta có thể trân trọng thân người này, cuộc sống này của con người, thì chúng ta sẽ biết trân trọng cõi Tịnh độ, và trân trọng mọi chúng sanh.
Nếu đối với cuộc sống này và thế gian này mà không biết trân trọng thì tất cả Phật pháp sẽ trở thành hư vọng, chúng ta sẽ không có nơi nào để đứng vững chân cả.
Hằng ngày chúng ta hãy kiểm điểm hành vi nơi thân ta, lời nói của ta, ý nghĩ của ta, và hằng tháng, hằng năm, chúng ta cũng kiểm điểm như vậy.
Ở đời sống này, thế gian này, không ngừng kiểm điểm hành vi nơi thân ta, lời nói của ta, ý nghĩ của ta. Và đời này qua đời khác, cũng kiểm điểm như vậy. Đó chính là sự tu hành căn bản, trọng yếu nhất.