4. Chấp Thủ Là Đáng Sợ
Người học Phật vì chăm chú mặt Trí tuệ, cho nên thường coi nhẹ phần tri giác của cảm quan. Sự thật, phần tri giác cảm quan cũng là hết sức quan trọng. Chính tác dụng của sáu thức giúp chúng ta mở mang Trí tuệ. Mở mang Trí tuệ như thế nào?
Chính là nhờ đoạn trừ vô minh và chấp thủ.
Vô minh và chấp thủ là hết sức đáng sợ. Hãy lấy một câu chuyện xảy ra trong nhà tôi để minh họa.
Một ngày, con tôi từ ở trường đem về nhà một hộp đựng các con tằm, khiến tôi phải lo lắng không biết phải nuôi những con tằm như thế nào. Bởi vì lúc còn nhỏ tôi đã từng nuôi tằm thất bại. Tôi hỏi con tôi: “Con đem các con tằm về nhà nuôi chúng thế' nào? Có lá dâu cho chúng ăn không?” Con tôi nói: “Có lá dâu. Hợp tác xã Phúc Lợi của nhà trường có bán, 10 đồng một bao.” Tôi nghe mà giật mình. Bây giờ tiến bộ tới mức lá dâu cũng có bán! Tôi lại hỏi: “Ngày Chủ nhật hợp tác xã không bán lá dâu thì làm thế nào?” Con tôi trả lời: “Không lo, ngày thứ bảy mua thêm một bao đem về bỏ tủ lạnh.”
Thế là việc nuôi tằm ở trong nhà bắt đầu. Tôi thường hỏi con tôi: “Nếu chẳng may, hợp tác xã của trường thiếu lá dâu thì thế nào?”
“Không sao đâu! Làm sao thiếu được nếu thiếu hàng thì thiên hạ sẽ đại loạn. Bởi vì, ở nhà trường, hầu như học trò nào cũng nuôi một hộp dâu tằm.”
Quả nhiên, có một ngày, điều tôi lo lắng đã biến thành sự thật. Trời mưa to, hợp tác xã Phúc Lợi của trường thiếu lá dâu bán. Con tôi đi học và nói với tôi: “Ba ơi, thiên hạ đại loạn rồi, không có lá dâu biết làm thế nào đây!”
Tôi chỉ còn cách lái xe hơi đưa con tôi đến các nơi có thể có lá dâu ở Đài Bắc như Bắc Đầu, Nội Hồ, nhưng cuối cùng cũng không tìm ra. Thực là bi thảm? Chắc là các con tằm phải chết mất!
Con tôi bỗng có suy nghĩ độc đáo: “Này ba, con không tin rằng con tằm lại chịu chết đói mà không ăn một lá cây gì khác hay sao? Chúng ta hãy thử xem.” Tôi nói: “Được chứ!” Con tôi bèn đi hái về 10 lá cây thật tươi, mềm rải trong hộp nuôi tằm. Thế nhưng, lá nào chúng cũng không chịu ăn!
Lúc bấy giờ, cả con tôi cũng cảm thấy mấy con tằm chấp trước quá đáng. Con tôi nói với các con tằm rằng: “Chúng mày ăn một cái lá rồi chết lăn cả ra hay sao? Tao không tin!” Mấy con tằm vẫn không chịu ăn. Con tôi lại nói: “Nhất định bọn tằm ăn lá dâu thành thói quen rồi. Nếu khi chúng mới sanh ra mà bắt chúng ăn một loại lá khác thì chúng sẽ chịu ăn ngay.” Tôi nói: “Đúng như vậy sao? Vậy chúng ta hãy thử xem!”
Để tìm ra đáp án, chúng tôi ngày nào cũng ra sức nuôi tằm. Tằm biến thành Ngài, sanh ra trứng. Trứng chuyển màu đen vài ngày thì chúng tôi khẩn trương đi hái các loại lá khác cho tằm ăn, hy vọng các con tằm mới sẽ bỏ được tập quán ăn lá dâu.
Đáp án thì chắc các vị đã biết rồi. Các con tằm nhất định không chịu ăn các loại lá khác. Kỳ lạ thật, chúng chưa có tập quán ăn lá dâu mà vẫn không chịu ăn các loại lá không phải lá dâu. Cuối cùng đành phải đem lá dâu về cho chúng ăn. Lá dâu vừa rải ra, các con tằm tranh nhau ăn rạo rạo, như là chúng khiêu vũ, nhảy múa vậy!
Lúc ấy, tôi cảm khái nghĩ rằng, sự chấp thủ thói quen thực là đáng sợ.
5. Phá Chấp Trước, Mở Mang Trí Tuệ
Con tằm, đời này qua đời khác, đều ăn lá dâu không chịu ăn lá khác. Tằm xưa nay, trong nước, ngoài nước đều như vậy, không có ngoại lệ. Do chấp trước mà chúng không thể biến thành sinh vật tiến bộ hơn, không thể tiến trên một con đường khác tốt đẹp hơn.
Con bướm, một loại động vật rất gần gũi với con tằm, cũng chỉ hút mật hoa, không chịu ăn cái gì khác, từ khi sanh ra cho đến khi chết đi cũng chỉ ăn như vậy mà thôi. Tôi bèn nghĩ rằng: “Con bướm kiếp trước chắc là không chịu ăn đồ đắng, chỉ muốn ăn ngọt, cho nên mới phải luân hồi làm bướm. Vì chấp trước, như vậy cho nên nó cũng không tiến hóa được.” Cùng một loại bướm thì các chấm trên thân cũng không thể nhiều hay ít hơn!. Lúc nhỏ tôi cũng có nuôi bướm. Một loại bướm có chín chấm đen trên mình thì tất cả con bướm cùng một loại cũng đều có chín chấm đen, không nhiều hơn hay ít hơn, và cũng không có ngoại lệ. Con Ngài cũng vậy, mỗi đêm vào mùa hè, con Ngài đều hay đâm đầu vào lửa, đời đời kiếp kiếp cũng như vậy.
Những hiện tượng như thế đều do chấp trước mà thành, nếu phá được bệnh chấp trước thì có thể tiến bộ nhanh. Tôi nghĩ rằng, nếu có một con tằm nào đó chịu ăn loại lá khác, và phát hiện: A! Loại lá khác ăn cũng rất ngon! Rồi chúng bắt đầu ăn loại lá khác đó, không ăn lá dâu nữa. Nhất định trong nội tâm con tằm đó, sẽ nổ ra một cuộc cách mạng, phá trừ chấp trước và con tằm sẽ phát triển nhanh trên con đường tiến hóa.
Không kể là loài động vật lớn hay bé, đều có bệnh chấp trước như vậy. Có con thú gọi là gấu mèo, loại gấu mèo này chỉ ăn măng ống, không ăn một loại thức ăn nào khác. Vì cây măng ống ngày càng ít đi, cho nên giống gấu mèo bị đe dọa tuyệt chủng. Nếu một ngày nào đó, gấu mèo chịu ăn dưa, thì giống gấu mèo sẽ có thể tồn tại và phát triển, Trí tuệ gấu mèo có thể được mở mang.
Chấp trước là cái bệnh rất đáng sợ. Tôi thường ví chấp trước với nước đọng, nước ao tù, càng để lâu càng có mùi thối. Nước thì phải chảy, thường xuyên chảy sẽ không có mùi thối. Nước mà bị chấp trước, ở yên trong ao tù thì sẽ sanh ra mùi thối.
Vì vậy phá chấp trước là việc làm rất cấp thiết đối với chúng ta trong cuộc sống hiện nay. Chỉ cần nhận thức được sự chấp trước của mình hiện tại là thế nào thì có thể đoạn trừ nó một cách dễ dàng. Cũng như chúng ta cần một quả dưa để ăn, bổ quả dưa ấy ra, thấy rõ trong quả dưa có bao nhiêu hột.
Vì đó là quả dưa chúng ta đang ăn. Nhưng chúng ta sẽ khó đoán biết, trên một cây dưa sẽ sanh ra bao nhiêu quả dưa.
Ăn dưa xong rồi, đem hột chôn xuống đất, hột mọc lên thành cây. Cây ấy sẽ sinh ra bao nhiêu quả dưa, đó là điều chúng ta không thể dự đoán được cái mà chúng ta nắm được là quả dưa mà chúng ta đang ăn, bổ ra làm đôi, chúng ta thấy rõ có bao nhiêu hột.
Cũng tức là nói, nếu nhận chân được sự chấp trước hiện nay của chúng ta thì có thể đoạn trừ được sự chấp trước tương lai, hay là sự chấp trước quá khứ. Sau đó mới dần dần xây dựng được nhân cách của chúng ta.
Vừa rồi có một cuộc tranh luận trên hai tờ báo, tờ Tự Lập và tờ Tự Do giữa nhà văn Tống Trạch Lai và nhiều Tăng sĩ, Cư sĩ, về nếp tu hành khác biệt giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa. Tôi có đọc các bài tham gia cuộc tranh luận đó và có nhận thức sâu sắc đó chỉ là sự tranh chấp giữa mũi dao và cán dao mà thôi.
6. Phật Giáo Giống Như Một Con Dao
Sự giáo hóa của Phật giáo Nguyên thủy cũng như tạo ra một cán dao rất kiên cố. Phật giáo Đại thừa chỉ là cắm mũi dao nhọn, sắc vào cán dao đó. Cho nên vĩnh viễn không thể giải quyết được sự tranh chấp hơn thua giữa mũi dao và cán dao!
Nếu Phật giáo là một con dao thì cán dao là cái gì?
Cán dao là Phật giáo căn bản. Đạo lý chủ yếu do Phật giáo căn bản giảng là Ba pháp ấn, Bốn chân lý thánh, con đường đạo tám nhánh, 12 nhân duyên.
Ba pháp ấn là: các hành là vô thường, các pháp là vô ngã, Niết bàn là vắng lặng.
Bốn chân lý thánh là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đời người là thống khổ; hiện nay chúng ta sống và cảm thấy những nổi khổ đó. Chúng ta là một tập hợp, tức là một tập hợp khổ. Muốn xóa bỏ tập hợp khổ đó, phương pháp duy nhất là đi theo con đường giác ngộ (Bồ đề), con đường giải thoát, diệt hết cội nguồn của khổ.
Con đường đạo tám nhánh là Chánh kiến (thấy biết đúng đắn), Chánh tư duy (suy nghĩ đúng đắn), Chánh ngữ (lời nói đúng đắn); Chánh nghiệp (hành động đúng đắn); Chánh mạng (sinh sống đúng đắn); Chánh tinh tấn (siêng năng đúng đắn); Chánh niệm (nhớ nghĩ đúng đắn); Chánh định (tập trung tư tướng đúng đắn).
Thuyết 12 nhân duyên giải thích quy trình một chúng sanh từ khi nhập thai, ra khỏi thai mẹ, lớn nên, trưởng thành rồi già chết như thế nào.
Những giáo lý căn bản đó của đạo Phật giống như cán dao của một con dao. Nếu không có những giáo lý căn bản đó, tức là ba pháp ấn, Bốn chân lý thánh, Con đường đạo Tám nhánh, 12 nhân duyên thì Phật giáo sẽ không có chỗ đứng chân vững chãi.
Mọi tranh chấp giữa Đại thừa và Tiểu thừa, nguyên nhân lớn nhất là người theo Tiểu thừa rất bất mãn với danh xưng “Tiểu thừa.” Vì vậy, chúng ta nên gọi Phật giáo Tiểu thừa là Phật giáo “căn bản.”
Còn nếu Phật giáo Đại thừa coi thường Tiểu thừa, thì đó là một thái độ sai lầm. Một người tu hành theo Đại thừa mà không có một nhận thức cơ sở đối với Phật giáo căn bản, thì Đại thừa chỉ là một lâu đài xây dựng trên hư không mà thôi. Cũng như một con dao phải đủ cả mũi dao và cán dao thì mới có thể dùng được.
7. Học Phật Là Để Chế Tạo Một Con Dao Tốt
Người học Phật cũng giống như người chế tạo một con dao tốt; không kể là tu hành theo Đại thừa hay Tiểu thừa, tất cả Phật tử đều phải hấp thụ giáo hóa cơ bản của Phật Thích Ca truyền lại. Có hấp thụ được sự giáo hóa đó mới có biện pháp chế tạo ra được một con dao tốt, dùng được.
Điều kiện căn bản nhất để chế tạo ra một con dao dùng được là xây dựng cho mình một phẩm chất tốt, một bản chất sống tốt.
Thế nào gọi là một phẩm chất sống tốt? Xin lấy ví dụ sau đây để minh họa.
Có một loài sò gọi là ngọc trai, có thể tạo ra ngọc. Một đặc điểm của loài sò này là mỗi lần bị một vết thương là nó sinh ra ngọc trai. Người nuôi ngọc trai lợi dụng đặc điểm này, bèn bắt những con ngọc trai lớn, vạch miệng và cứa hai nhát dao rồi thả con sò xuống nước như cũ. Con sò ngay tại nơi bị thương tích, sinh ra ngọc trai. Thậm chí, người nuôi ngọc trai có thể tạo ra ngọc trai với hình dáng theo ý muốn của mình, tùy theo hình dáng vết thương trong thân con sò ngọc trai. Mỗi lần người ta tạo ra vết thương, thì con ngọc trai lại hàn vết thương đó bằng ngọc trai do nội thân tiết ra.
Các loài sò khác, nếu bị tạo ra vết thương như vậy, đều chết sau khi được thả lại xuống nước. Chỉ riêng loài sò ngọc trai là có phẩm chất nhẫn nhục tốt đẹp có khả năng chịu đựng và tự băng bó vết thương của mình.
Một người học Phật và tu hành, trước hết phải tạo cho mình một phẩm chất tốt đẹp như con sò ngọc trai, khéo chịu đựng mọi nỗi khổ ở đời và chế tạo ra ngọc trai của mình.