Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ MỤC ĐÍCH BÊN TRONG

   Cuộc đối thoại sau đây có tính chất cô đọng lại các cuộc nói chuyện giữa tôi và những người đang tìm kiếm mục đích sống đúng đắn cho họ. Một điều chỉ trở nên chân thực nhất khi nó có thể rung động và diễn đạt được trạng thái an nhiên tự tại sâu xa nhất ở trong bạn, khi nó hòa điệu với mục đích bên trong của bạn.

Đây là lý do tôi hướng sự chú ý của họ trước tiên vào mục đích bên trong.

    Hỏi: Tôi chẳng biết chính xác nó là cái gì nhưng tôi muốn có sự thay đổi; tôi muốn những gì mình đang làm là có ý nghĩa, vâng, tôi muốn có được sự sung túc và sau đó là tự do. Tôi muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa, một cái gì đó để thay đổi thế giới này. Nhưng nếu ông hỏi tôi chính xác cái mà tôi muốn là cái gì thì phải thú thật là tôi không biết. Ông có thể giúp tôi tìm ra được mục đích sống không?

    Mục đích của bạn trong phút giây này chỉ là ngồi đây và nói chuyện với tôi, vì trong phút giây này bạn đang ở đây và đó là điều bạn đang làm. Cho đến khi bạn đứng dậy và đi làm một điều gì khác. Lúc đó, việc ấy trở thành mục đích của bạn.

 Hỏi: Thế thì mục đích của tôi là ráng làm thêm 30 năm nữa ở công ty này cho đến khi tôi về hưu hoặc bị sa thải ư?

   Ngay trong phút giây này bạn không đang ngồi trong công ty, và vì thế đó không phải là mục đích của bạn. Nếu quả là bạn đang ngồi trong công ty và đang làm một việc gì đó thì mục đích của bạn lúc ấy là chú tâm để làm công việc đó.

Thực ra bạn, hay bất kỳ ai, không thể làm một việc trong suốt 30 năm sắp đến (2), mà bạn chỉ có thể làm một công việc nào đó trong một thời khắc nào đó của ngày hôm đó.

     Hỏi: Tôi nghĩ rằng chúng ta đang có sự hiểu lầm ở đây. Đối với ông, những gì ông đang làm là mục đích, còn đối với tôi thì mục đích là tổng thể những gì tôi nhắm đến trong cuộc sống; những gì lớn lao và có ý nghĩa cho những việc tôi làm, những gì làm thay đổi cuộc sống của người khác theo chiều hướng tích cực. Vật lộn với đống giấy tờ vô nghĩa trong công ty không phải là mục đích mà tôi mong muốn.

     Chừng nào mà bạn chưa ý thức được về Hiện Hữu, về an nhiên tự tại, thì bạn vẫn còn cố đi tìm ý nghĩa ở trong chiều không gian của công việc và của tương lai. Vì thế những gì mà bạn thấy là có ý nghĩa hoặc những thành tựu mà bạn có rồi sẽ bị mất đi hay chấm dứt. Chắc chắn là những điều ấy sẽ bị thời gian phá hủy, và ý nghĩa mà ta tìm ra ở đó chỉ đúng một cách tương đối và tạm thời.

     Ví dụ, nếu ý nghĩa của đời bạn là chăm sóc con cái thì bạn sẽ cảm thấy ra sao khi chúng không cần đến bạn nữa hoặc thậm chí chúng không muốn nghe lời bạn. Nếu ý nghĩa của đời bạn là giúp đỡ người khác, thì bạn sẽ phụ thuộc vào việc người khác phải kém cỏi hơn bạn để bạn cảm thấy đời sống của mình có ý nghĩa. Nếu bạn thấy đời sống chỉ có ý nghĩa khi mình giỏi vượt bậc, hay thành công hơn người khác, thì khi bạn hoàn toàn thất bại hay vận đỏ của bạn đến hồi kết thúc thì sao? Đến lúc đó, bạn không thể vin vào ký ức và sống với những hồi tưởng về một quá khứ vàng son. Bạn muốn tìm ý nghĩa qua việc làm một người thành công, điều này chỉ có ý nghĩa khi nào còn hàng ngàn, hàng triệu người khác không được thành công như bạn, cho nên bạn cần nhiều người "thất bại" để làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa.

    Ở đây chúng ta không nói rằng giúp đỡ người khác, chăm sóc con cái hay phấn đấu để thành công trong nghề nghiệp là điều không đáng làm. Đối với rất nhiều người, đó là một phần quan trọng trong mục đích bên ngoài của họ; tuy nhiên nếu chỉ chú trọng mục đích bên ngoài không thôi thì những thành công này sẽ rất tương đối, không vững bền và không làm cho họ cảm thấy thỏa mãn. Điều này không có nghĩa là bạn không nên tham gia vào các hoạt động như thế. Tôi chỉ muốn nói là bạn nên kết hợp những hoạt động bên ngoài ấy với mục đích bên trong, tức là mục đích chính của bạn, để những gì bạn làm sẽ mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho bạn.

    Sống mà không hòa hợp với mục đích bên trong thì cho dù có bạn có thành công với những gì ở bên ngoài, cho dù bạn có tạo ra thiên đàng ở hạ giới thì đó vẫn chỉ là những thành tựu của bản ngã, sẽ chóng tàn lụi theo thời gian. Chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ gánh chịu khổ đau. Nếu bạn lãng quên mục đích bên trong của mình thì dù bạn có làm gì đi nữa, kể cả những điều thuộc lĩnh vực tâm linh, bản ngã của bạn cũng sẽ len vào cách của bạn làm, và phương tiện sẽ phá hủy cứu cánh (3) - như cách nói của câu châm ngôn: "Đường đến địa ngục và khổ đau thường bắt đầu từ thiện chí của chúng ta”. Nói một cách khác, trạng thái nhận thức của bạn là quan trọng nhất, chứ không phải mục đích hay hành động của bạn, vì nhận thức của bạn sẽ hướng dẫn mục đích hay hành động. Hoàn thành mục đích chính của đời sống, chủ yếu là đặt cơ sở cho một thực tại mới, một cõi trời mới. Một khi bạn đã có cơ sở đúng đắn ở bên trong rồi thì mục tiêu bên ngoài như được tạo thêm năng lượng tâm linh, khiến cho mục đích bên ngoài và những điều bạn mong muốn thực hiện sẽ hợp nhất một cách tự nhiên với trào lưu tiến hóa của vũ trụ.

    Sự tách ly thói quen suy nghĩ miên man và lo sợ vẩn vơ ra khỏi nhận thức trong sáng của bạn là điểm mấu chốt của mục đích bên trong. Bạn sẽ có được điều này thông qua việc thoát khỏi sự khống chế của thời gian tâm lý. Điều chúng ta đang nói ở đây dĩ nhiên không phải là việc sử dụng thời gian đồng hồ cho những mục đích thực tiễn như thực hiện một cuộc hẹn hay vạch kế hoạch cho một chuyến đi xa... Ta không nói đến thời gian đồng hồ, mà đang nói về thời gian tâm lý, tức là thói quen cố hữu của trí năng muốn tìm sự toàn hảo ở tương lai (tất nhiên đó là một điều không thể thực hiện được) mà lãng quên đi nơi duy nhất bạn có thể tiếp cận với nó: phút giây hiện tại.

    Khi bạn xem mục đích chính của đời mình là chú tâm vào những việc mình đang làm hay an trú ở nơi mà mình đang hiện diện, tức là bạn đang phủ định thời gian tâm lý. Điều này tạo cho bạn một sức mạnh rất lớn. Sự phủ định thời gian tâm lý trong những gì bạn làm cũng tạo ra sự liên kết cần thiết giữa mục đích bên trong và mục đích bên ngoài, giữa làm việc và trạng thái ung dung tự tại. Khi bạn phủ định thời gian tâm lý tức là bạn cũng phủ nhận luôn bản ngã. Làm được như thế thì bất kỳ việc gì bạn làm cũng sẽ có kết quả rất tốt, vì nó đã trở thành mục tiêu cho sự chú tâm của bạn. Lúc ấy, những công việc bạn làm trở thành một kênh dẫn để đưa nhận thức mới vào thế giới này. Điều này có nghĩa là những gì bạn làm đều có chất lượng, thậm chí là những việc nhỏ nhặt nhất, như lật một trang danh bạ điện thoại hay rảo bước đi qua căn phòng của bạn. Vì mục đích chính của việc lật những trang danh bạ chỉ là để lật những trang danh bạ, mục đích thứ hai mới là tìm số điện thoại. Mục đích chính của việc đi qua căn phòng của bạn chỉ là để đi ngang qua căn phòng của bạn, mục đích thứ hai là tìm một cuốn sách ở bên kia phòng, và khi bạn cầm cuốn sách lên thì nó lại là mục đích chính.

    Ở trên ta đã đề cập đến sự nghịch lý của thời gian. Bất cứ cái gì ta làm cũng cần có thời gian, tuy thế thời gian lại luôn là phút giây hiện tại. Vì thế trong khi mục đích bên trong là phủ định thời gian tâm lý thì mục đích bên ngoài nhất thiết phải có tương lai và không tồn tại nếu không có thời gian. Nhưng mục đích này luôn là thứ yếu. Khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, đó là dấu hiệu bạn đang bị mục đích bên ngoài chiếm lĩnh và không còn nhìn thấy mục đích bên trong nữa. Bạn đã quên rằng trạng thái tâm thức của bạn đóng vai trò chủ yếu (4), những thứ còn lại đều là thứ yếu.

       Hỏi: Sống theo cách đó chẳng phải sẽ khiến tôi không còn khát vọng làm được những chuyện lớn lao ư? Tôi e rằng như thế là tôi sẽ phải làm những việc nhỏ nhặt, chẳng ra gì suốt quãng đời còn lại của mình. Tôi e rằng mình sẽ chẳng bao giờ vượt lên khỏi những điều tầm thường, không dám làm chuyện gì lớn lao, không khai thác hết năng lực của mình. Cái lớn lao được tạo ra từ những cái nhỏ nhặt với lòng trân quý và giữ gìn. Thực ra, đời sống của chúng ta chỉ bao gồm những điều nhỏ nhặt. Cái lớn lao là một sự trừu tượng hóa và chỉ là sự tưởng tượng của bản ngã mà thôi. Điều nghịch lý là cơ sở của bất kỳ một điều lớn lao nào cũng ở chỗ ta biết trân trọng và chăm sóc cho những thứ nhỏ nhặt nhất đang xảy ra trong phút giây này thay vì theo đuổi một ý tưởng vĩ đại nào đấy. Giây phút hiện tại luôn nhỏ bé vì nó rất đơn giản, nhưng ẩn đằng sau đó một năng lực rất lớn; giống như hạt nguyên tử, một trong những thứ nhỏ nhất nhưng sức mạnh lại cực lớn. Chỉ khi bạn song hành với giây phút hiện tại, bạn mới có thể tiếp xúc được với sức mạnh đó. Nói đúng hơn, lúc ấy năng lực của phút giây hiện tại mới có thể tiếp cận với bạn và qua bạn mà sức mạnh ấy có thể biểu hiện ra trong đời sống này. Chúa Jesus đã từng nói đến năng lực này khi Ngài nói: "Tự ta, ta chẳng làm được chuyện gì; chính là Thượng đế, năng lực của Vũ Trụ ở trong ta làm ra tất cả". Ưu tư, căng thẳng và những trạng thái tiêu cực khác tách bạn ra khỏi năng lực đó, khiến bạn rơi vào ảo tưởng rằng bạn đã bị tách rời khỏi năng lực lớn lao của vũ trụ. Nó khiến bạn cảm thấy cô đơn, lo lắng đối phó, lăng xăng làm việc này việc nọ. Tại sao bạn lại cảm thấy âu lo, căng thẳng và khiến cho những cảm xúc tiêu cực nổi lên ở trong bạn? Đó là vì bạn đã chối bỏ phút giây hiện tại. Vì sao bạn làm như vậy? Vì bạn cho rằng có một điều nào khác quan trọng hơn. Bạn đã quên đi mục đích chủ yếu của mình là trân trọng và có mặt với phút giây hiện tại. Từ một sai sót nhỏ trong nhận thức, bạn đã tạo nên cho mình rất nhiều khổ đau.

    Thông qua phút giây hiện tại, bạn tiếp xúc được với năng lực của Đời sống mà người ta thường gọi là "Thượng đế" hay Vũ Trụ. Ngay khi bạn quay lưng với phút giây hiện tại thì Thượng Đế đã không còn là một thực tiễn trong đời sống của bạn nữa, những gì còn lại chỉ là những khái niệm, những ý tưởng, tư duy về Thượng đế, những khái niệm mà có người tin, kẻ không. Ngay cả niềm tin vào một Đấng Tối Cao cũng chỉ là sự chắp vá nghèo nàn cho cái thực tại sống động mà chúng ta gọi là Thượng đế thể hiện ra trong cuộc sống của bạn ở từng phút giây.

    Hỏi: Khi nói “hoàn toàn hòa điệu với phút giây hiện tại”, ý ông muốn nói là ta chấm dứt mọi hoạt động ư? Có phải khi tôi có một mục tiêu để nhắm đến thì nó sẽ tạm thời làm rối loạn sự hài hòa của giây phút hiện tại, và khi tôi đạt được mục tiêu thì sự hài hòa đó phải chăng được thiết lập trở lại ở một cấp độ cao hơn hay phức tạp hơn? Tôi hình dung là một mầm cây non đang nhú lên khỏi mặt đất không thể nào hài hòa được với phút giây hiện tại vì nó có một mục tiêu để nhắm đến: Trở thành một thân cây lớn. Có lẽ khi mầm cây đạt được điều này thì nó sẽ hài hòa trở lại với phút giây hiện tại?

    Mầm cây không hề muốn gì cả vì nó đã là một với Đại thể, và Đại thể cũng qua đó mà được thể hiện ra. Chúa Jesus nói: "Hãy nhìn những bông hoa huệ kia trên cánh đồng. Chúng chẳng loay hoay mà cũng chẳng nhọc nhằn”. Ta có thể nói rằng Đời sống – cái Đại thể – muốn cho mầm cây trở thành một thân cây, nhưng vì mầm cây không bao giờ cảm thấy mình tách biệt khỏi đời sống nên mầm cây chẳng muốn gì cho riêng mình. Mầm cây đã hòa làm một với những gìmà Đời sống muốn nó làm. Đó là lý do vì sao mầm cây không cảm thấy buồn đau hay căng thẳng. Và nếu có phải chết đi thì nó cũng sẽ vui lòng chết. Nó cũng an nhiên với cái chết như cách nó an nhiên với sự sống. Mầm cây cảm nhận, dù mơ hồ cách mấy, là nó đến từ Hiện hữu, từ Sự sống duy nhất bất diệt, vô hình tướng.

    Chúa Jesus thích hướng sự chú ý của mọi người về thiên nhiên vì Ngài thấy thiên nhiên có một năng lực vận hành mà loài người đã không còn tiếp cận được. Đó là năng lực sáng tạo của vũ trụ. Chúa Jesus còn nói thêm rằng nếu Thượng đế đã ban cho những bông hoa một vẻ đẹp như thế, thì Thượng Đế còn phú cho bạn biết bao nhiêu cái đẹp nữa. Tức là nếu thiên nhiên là một sự diễn đạt đẹp đẽ cho xu hướng tiến hóa của vũ trụ, thì con người khi sánh bước với sự thông minh sáng tạo tiềm ẩn sẽ biểu đạt cái đẹp ở một cấp độ cao hơn, tuyệt vời hơn.

    Vì thế hãy trung thực với đời sống bằng cách trung thực với mục đích bên trong của bạn. Khi bạn có mặt hơn, tức là khi bạn chú tâm hoàn toàn vào những gì bạn đang làm, hành động của bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh của tâm linh.

Thoạt đầu có thể không có thay đổi nào đáng kể trong những việc bạn làm; chỉ khác là ở cách làm của bạn. Mục đích chính bây giờ là tạo điều kiện cho ý thức đi vào trong những việc bạn làm. Mục đích thứ yếu là những thành tựu qua những công việc đó. Trái với quan điểm trước đây là bạn luôn nghĩ về một mục đích ở tương lai, thì bây giờ bạn có một mục đích sâu hơn mà chỉ có thể tìm thấy ở phút giây hiện tại, qua thái độ chối từ thời gian tâm lý.

    Khi gặp gỡ người khác, dù trong công việc hay ở nơi nào khác, bạn hãy dành cho họ sự chú tâm trọn vẹn. Bạn không hiện diện với tư cách đơn thuần là một con người, mà là một sự Hiện Hữu đầy ý thức. Lý do bạn gặp gỡ là để mua bán, hỏi han… bây giờ chỉ là thứ yếu. Sự có mặt giữa hai bên trở thành mục đích chính của cuộc giao tiếp. Khoảng không gian đầy ý thức giữa hai bên sẽ trở thành quan trọng hơn những gì bạn nói ra, quan trọng hơn vật chất hay những gì bạn suy tư. Quan hệ giữa con người trở nên rất quan trọng. Như vậy không có nghĩa là bạn sẽ xao lãng những gì cần phải làm trên bình diện thực tiễn. Trái lại, những gì bạn làm không những sẽ trở nên dễ dàng hơn mà còn mạnh mẽ hơn khi an nhiên tự tại được thừa nhận và trở nên chủ yếu. Sự khởi phát của trường nhận thức có tính chất thống nhất giữa con người với nhau trở thành nhân tố chủ yếu của các mối quan hệ trên trái đất này.

    Hỏi: Thế thì ý niệm thành công chỉ là một ảo tưởng của bản ngã? Vậy làm sao để ta đo lường một thành công đích thực?

    Người đời thường nói rằng thành công là đạt được những gì mình nhắm đến. Người đời sẽ cho rằng thành công tức là tìm mọi cách, kể cả dùng thủ đoạn để chiến thắng, rằng đạt được danh vọng hay giàu sang là yếu tố cơ bản trong bất cứ thành công nào. Nhưng những thứ kể trên chỉ là phó sản của sự thành công, vì chúng không phải là thành công. Ý niệm về thành công thường được cho rằng có liên quan đến kết quả công việc. Một số người cho rằng thành công là kết quả của sự kết hợp giữa tính cần cù và sự may mắn, hay giữa lòng quyết tâm và tài năng, hay biết tận dụng thời cơ...

    Bất cứ điều gì nói trên cũng có thể là nhân tố quyết định sự thành công, nhưng chúng không phải là bản chất của thành công. Những gì người ta không cho bạn biết - vì chính họ cũng không biết - là bạn không thể "trở nên" thành công. Bạn chỉ "là" thành công mà thôi. Đừng để thế giới điên rồ kia định nghĩa cho bạn thành công là gì; vì không có thành công chân chính nào có thể nằm ngoài sự thành công của giây phút này. Điều đó nghĩa là gì? Là chất lượng trong những gì mình làm, ngay cả những điều đơn giản nhất. Chất lượng có nghĩa là bạn có sự quan tâm và lưu ý, tức là từ ý thức mà có. Và chất lượng luôn đòi hỏi sự có mặt.

    Chẳng hạn bạn là một doanh nhân và sau hai năm làm việc cật lực, cuối cùng bạn đã tạo ra được một sản phẩm hay dịch vụ bán rất chạy và sinh rất nhiều lợi nhuận. Thành công ư? Theo cách nghĩ thông thường của người đời thì có. Nhưng trong thực tế, bạn đã dành ra 2 năm làm ô nhiễm con người mình cũng như trái đất này bằng những năng lượng tiêu cực; bạn tạo ra khổ đau cho mình và cho những người chung quanh, và còn tác động đến nhiều người khác mà bạn chưa hề gặp. Cái lý lẽ vô thức đằng sau những hành động như thế chính là niềm tin sai lầm rằng: thành công là một cái gì đó nằm ở tương lai, rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng cứu cánh và phương tiện chỉ là một. Và nếu phương tiện đã không mang hạnh phúc đến cho con người, thì cứu cánh cũng sẽ không thể làm được điều đó. Kết quả là, vì không thể tách rời với những việc bạn làm để tạo ra thành công đó, nên bạn đã bị ô nhiễm bởi những việc bạn làm và vì thế mà bạn sẽ tạo thêm những khổ đau mới. Đây là nghiệp báo, tức là sự vô thức của bạn làm cho khổ đau cứ tiếp diễn.

    Như bạn đã biết, mục đích bên ngoài của bạn nằm trong chiều thời gian, trong khi mục đích bên trong không tách rời khỏi phút giây hiện tại, vì thế mục đích bên trong yêu cầu bạn phải phủ nhận thời gian tâm lý. Vậy bằng cách nào ta có thể dung hòa hai mục đích đó? Đó là khi bạn nhận thức rằng cuộc hành trình của đời bạn rốt cục chỉ gồm những gì bạn đang làm trong giây phút này. Luôn luôn chỉ có một bước này thôi, vì thế bạn hãy dành tất cả sự chú tâm trọn vẹn nhất của mình vào những gì bạn đang làm trong phút giây hiện tại. Điều này không có nghĩa là bạn không cần biết mình đang đi đâu, nó chỉ có nghĩa là bước đi này là chủ yếu, còn nơi đến chỉ là thứ yếu. Khi bạn đi đến đích thì những gì bạn gặp ở đó sẽ tùy thuộc vào chất lượng của bước đi này. Nói khác đi, những gì tương lai dành cho bạn tùy thuộc vào trạng thái nhận thức của bạn trong phút giây này.

    Khi chất lượng của những gì bạn đang làm được truyền sức mạnh bởi trạng thái an nhiên tự tại, không bị ảnh hưởng bởi thời gian, đó chính là thành công. Nếu bạn không có mặt trong những công việc của bạn làm, thì bạn sẽ tự đánh mất chính mình trong những công việc ấy. Tương tự như thế, khi không có mặt, bạn sẽ đánh mất mình trong những lo sợ vẩn vơ, hay thói quen suy nghĩ miên man, hay dễ bị cuốn theo những gì đang xảy ra chung quanh bạn.

    Hỏi: Khi ông nói "tự đánh mất chính mình" thì chính xác là ông muốn nói gì?

    Bản chất chân thực bạn chính là ý thức – là khả năng nhận biết ở trong bạn. Do đó khi bạn hoàn toàn tự đồng nhất với những suy nghĩ đang xảy ra ở trong đầu bạn thì bạn đã quên đi bản chất chân thực của mình. Đó là lúc bạn đã tự đánh mất chính mình trong suy tư. Khi bạn tự đồng nhất mình với những suy nghĩ, cảm xúc như ham muốn hay sợ hãi - những động lực chính của bản ngã - thì bạn đã tự đánh mất chính mình trong những hình thái đó. Nhận thức cũng tự đánh mất chính mình khi nó tự đồng nhất nó với những hành động và có phản ứng với những gì đang xảy ra. Mỗi ý nghĩ, mỗi ham muốn hay sợ hãi lúc đó đều chứa đầy cảm nhận sai lầm về bản thân và làm cho bạn không còn cảm nhận được niềm vui của trạng thái an nhiên tự tại, vì thế mà bạn muốn đi tìm khoái lạc hoặc thậm chí là khổ đau để thay thế cho trạng thái này. Đây là tình trạng sống trong sự lãng quên trạng thái an nhiên tự tại. Nếu sống trong trạng thái lãng quên bản chất chân thật của mình thì mỗi thành công của bạn đều chẳng hơn gì một ảo tưởng, rất chóng tàn phai. Dù có đạt được điều gì, bạn cũng sẽ chẳng vui được lâu, hoặc lại bị cuốn hút hoàn toàn bởi những vấn đề nan giải mới.

    Hỏi: Làm sao tôi có thể đi từ chỗ nhận ra mục đích bên trong đến chỗ biết những gì tôi cần phải làm ở bên ngoài?

      Mục đích bên ngoài của bạn thay đổi rất nhiều tùy theo hoàn cảnh từng lúc của bạn, và không mục đích nào có thể kéo dài mãi mãi. Nó bị chi phối bởi thời gian và sẽ bị thay thế bởi một mục đích khác. Quyết tâm theo đuổi mục đích tỉnh thức ở bên trong sẽ làm thay đổi hoàn cảnh sống bên ngoài của bạn với các mức độ rất khác nhau. Đối với một số người, sự đoạn tuyệt với quá khứ có thể xảy ra nhanh hoặc chậm: trong lĩnh vực nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, quan hệ luyến ái - mọi thứ đều trải qua những thay đổi rất sâu sắc. Một số thay đổi là do chính họ tạo ra mà không cần phải trải qua một quá trình gian khổ bởi nó xuất phát từ một nhận thức đến rất bất ngờ: “Ồ đây là những điều tôi cần làm”. Có thể nói quyết định đó đến như một điều đã được định trước. Nó đến qua nhận thức, chứ không phải do suy nghĩ mà ra. Ví dụ, một buổi sáng tỉnh dậy, bạn tự dưng biết mình phải làm một điều gì đó. Nhiều người bỗng dưng nhận ra rằng họ phải rời bỏ ngay một công việc không như ý hay một tình huống chẳng vui vẻ gì. Vì thế, trước khi bạn tìm ra những gì mình cần làm ở bên ngoài, cái gì là thích hợp với thứ nhận thức mới đang trỗi dậy ở trong bạn, có thể trước tiên bạn phải tìm ra cái gì là không thích đáng, cái gì không còn đáp ứng với mục đích bên trong của bạn.

    Một số thay đổi khác có thể bất ngờ đến từ bên ngoài. Chẳng hạn như một cuộc gặp gỡ tình cờ mang lại một cơ hội mới và sự phát triển cho bạn. Một chướng ngại hay một mối hiềm khích từ lâu bỗng nhiên được hóa giải. Những người bạn thân của bạn sẽ cùng bạn đi sâu hơn vào những chuyển hóa bên trong này hay sẽ chia tay với bạn. Một số quan hệ sẽ tan vỡ, một số quan hệ khác sẽ trở nên sâu đậm hơn. Bạn có thể bị sa thải, hay sẽ trở thành một tác nhân tạo nên những đổi thay tích cực ở nơi làm việc của bạn. Người hôn phối của bạn sẽ chia tay với bạn, hay quan hệ vợ chồng của bạn sẽ trở nên thân thiết hơn. Một số thayđổi bề ngoài thì có vẻ tiêu cực nhưng bạn sẽ chóng nhận ra rằng nhờ nó mà một không gian mới đang được tạo ra cho cuộc sống của bạn, tạo điều kiện cho những cái mới được đơm hoa.

    Hỏi: Có những thời kỳ mà tôi cảm thấy không được ổn định và không chắc chắn. Vậy tôi nên làm gì?

    Vì bản ngã của bạn không còn khống chế bạn như trước đây nên nhu cầu về sự yên ổn ở bên ngoài - đó cũng chỉ là một ảo tưởng - sẽ từ từ giảm bớt. Bạn có thể sống với những bất trắc, thậm chí còn tìm thấy niềm vui từ trạng thái đó. Khi ấy, những khả năng lớn ở trong bạn sẽ được mở ra. Điều này có nghĩa là sự sợhãi không còn là một nhân tố chi phối những gì bạn làm và không còn ngăn bạn hành động để tạo ra sự thay đổi. Nhà triết học La Mã Tacitus đã rất đúng khi nhận thấy rằng: "Mong muốn về sự an toàn đi ngược lại mọi nỗ lực cao cả và lớn lao". Nếu bất trắc là điều mà bạn không thể chấp nhận được, nó sẽ biến thành nỗi sợ hãi trong bạn. Còn nếu bạn chấp nhận nó hoàn toàn, bất trắc sẽ trở nên một cái gì đó sống động, tỉnh táo và đầy sáng tạo.

    Cách đây nhiều năm, do kết quả của sự thúc đẩy mạnh mẽ ở bên trong, tôi từ bỏ vị trí giảng dạy ở bậc đại học mà nhiều người cho là "đầy hứa hẹn" để bước vào một lĩnh vực đầy bất trắc; và vài năm sau, tôi trở thành một vị thầy tâm linh.

Sau đó một thời gian, lại có chuyện tương tự xảy ra. Tôi bị thôi thúc phải từ bỏ ngôi nhà ở nước Anh để đến định cư ở một bang miền Tây của Hoa Kỳ. Tôi làm theo sự thôi thúc đó mặc dù chưa hiểu tại sao mình phải làm như vậy. Nhưng từ những bất trắc đó, tôi viết ra cuốn "Sức mạnh của Hiện tại" mà hầu hết được viết tại bang California và British Columbia ở Canada, trong khi tôi chưa sở hữu một căn nhà. Tôi thực sự không có chút thu nhập nào và hoàn toàn sống nhờ vào khoản tiền tiết kiệm đã dành dụm trước đó, và khoản tiền này cũng nhanh chóng hết sạch. Nhưng quả thực mọi chuyện đã xảy ra đâu vào đấy: Khi sắp viết xong cuốn sách này thì túi tiền của tôi đã cạn. Nhưng khi tôi mua một tấm vé số thì lại trúng được một ngàn đô la; số tiền trúng số này giúp tôi sống thêm được một tháng nữa.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ trải qua những thay đổi lớn ở hoàn cảnh sống bên ngoài. Có những người mà đời sống của họ vẫn không có gì thay đổi, họ cứ tiếp tục làm những công việc như đã làm trước đây. Đối với họ, chỉ có "cách họ làm" là thay đổi chứ "công việc làm" thì không hề thay đổi. Đây không phải do họ sợ hãi hay trì trệ. Vì những gì họ đang làm đã thực sự là một công cụ tuyệt hảo cho thứ nhận thức mới đi vào thế giới này, và đó cũng là tất cả những gì cần thiết. Và như thế, họ cũng đang góp phần vào việc hiện thực hóa một thế giới mới.

   Hỏi: Tại sao tình huống ông vừa nói không phải là điều duy nhất diễn ra với mọi người? Vì nếu hoàn thành mục đích bên trong tức là hợp nhất với những gì đang có mặt trong giây phút này, thì tại sao người ta lại có nhu yếu rời bỏ những công việc hay hoàn cảnh sống hiện thời của họ?

   Hợp nhất với hiện hữu không có nghĩa là người ta không còn tạo ra đổi thay hay mất khả năng hành động, mà chính là động lực làm cho chúng ta hành động giờ đây đã nằm ở một tầng sâu hơn chứ không nằm ở lòng ham muốn hay sợ hãi của bản ngã. Hài hòa với giây phút hiện tại từ bên trong làm mở toang cánh cửa nhận thức của bạn và giúp nhận thức đó hài hòa với tất cả, trong đó giây phút hiện tại là một bộ phận không thể tách rời. Lúc đó, cái toàn thể của Đời sống sẽ thông qua bạn mà hành xử.

    Hỏi: Cái toàn thể là gì?

    Một mặt, cái toàn thể bao gồm tất cả những gì đang hiện hữu; đó là vạn hữu hay vũ trụ. Nhưng tất cả những gì đang hiện hữu - từ những vi sinh vật cho đến con người hay các thiên hà - không phải là các thực thể tách rời nhau mà cùng tạo nên một phần của mạng lưới gồm các quá trình liên đới chặt chẽ với nhau có tính chất đa chiều.

    Có hai lý do tại sao chúng ta thường thấy mọi vật nằm riêng rẽ chứ không nhìn thấy sự hợp nhất này. Thứ nhất là vì khái niệm. Khái niệm biến thực tại thành những gì mà chúng ta có thể cảm nhận một cách giới hạn qua giác quan: nghe, ngửi, thấy, nếm, xúc chạm. Nhưng khi ta cảm nhận sự việc mà không có sự suy diễn hay thói quen dán nhãn hiệu này nọ, tức là không thêm cộng suy nghĩ của mình vào, thì ta vẫn có thể cảm nhận sự liên kết sâu xa hơn bên dưới cảm nhận của chúng ta về những thứ có vẻ riêng rẽ như thế.

    Một lý do khác quan trọng hơn, tạo ra ảo tưởng cách ly trong chúng ta, chính là lối suy nghĩ bó buộc của chúng ta. Đó là lúc chúng ta bị dòng suy tư không-thể-ngừng-lại, làm cho vũ trụ trở thành phân rã, và chúng ta đánh mất khả năng cảm nhận sự liên kết, sự ràng buộc của tất cả những gì đang hiện hữu. Suy nghĩ cắt xén thực tại thành từng mảnh rời rạc, không có sự sống. Những hành vi cực kỳ ngu xuẩn và thiếu hiểu biết đều phát sinh từ cách nhìn thực tại một cách sai lầm, méo mó.

    Tuy nhiên, ngoài tính chất liên kết trên bề mặt của vạn vật đang hiện hữu đó, đại thể còn mang một tầng liên kết sâu hơn. Ở cấp độ này, mọi thứ là một. Đó là Cội Nguồn, là Đời Sống duy nhất, vô hình tướng. Đó là sự thông minh sáng tạo vượt thời gian, được biểu hiện ra thành một vũ trụ phát triển qua thời gian.

    Đại thể bao gồm những gì đang hiện hữu và an nhiên tự tại, những gì đã biểu hiện và chưa biểu hiện, thế giới và Thượng Đế. Vì thế khi bạn hòa hợp với Đại thể, bạn trở thành một phần của nhận thức trong cái tổng thể liên kết gồm cái đại thể và mục đích của nó: đó là sự trỗi dậy của thứ nhận thức mới đi vào thế giới này. Do đó những ngẫu nhiên thích hợp xảy ra cho bạn một cách tự nhiên, những cuộc gặp gỡ tình cờ, những sự kiện trùng hợp với nhau… xảy ra thường xuyên hơn. Carl Jung gọi tính ngẫu nhiên đồng bộ này là một "nguyên lý nối kết không có nguyên nhân". Có nghĩa là giữa các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra trên bề mặt của thực tại có vẻ như không có nguyên do. Nhưng đó chỉ là sự thể hiện ở bên ngoài của một sự thông minh sáng tạo nằm đằng sau thế giới của hình tướng và là một sự liên kết ở tầng cấp sâu hơn mà trí năng của chúng ta không thể hiểu được. Nhưng chúng ta có thể làm một người tham dự có ý thức trong việc làm hiển linh sự thông minh sáng tạo này.

    Thiên nhiên hiện hữu trong một trạng thái hợp nhất tự nhiên với Đại thể. Điều này giải thích tại sao trong trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương, hầu như không có một loài thú hoang nào bị chết đuối bởi trận hải chấn này. Nhờ tiếp xúc với đại thể một cách tự nhiên hơn con người, những loài thú hoang có thể nhận biết cơn sóng thần sẽ xảy đến một thời gian rất lâu trước khi cơn sóng ấy thực sự xảy ra, nên chúng có thể rút lên trú ẩn ở những chỗ đất cao hơn. Nhưng đó cũng là cách nhận xét phiến diện của con người chúng ta, vì có thể những loài thú hoang này chỉ tự nhiên cảm thấy rằng chúng cần phải di chuyển lên những vùng đất cao hơn theo một bản năng tự nhiên của chúng mà thôi. Làm "cái này" vì "cái kia" chỉ là cách mà trí năng cắt xén thực tại, trong khi thiên nhiên sống trong sự hợp nhất với Đại thể một cách tự nhiên. Mục đích chính và sứ mệnh của ta là mang một chiều không gian mới vào trong thế giới này bằng cách sống hòa hợp một cách có ý thức với Đại thể và song hành có ý thức với sự thông minh sáng tạo của vũ trụ.

   Hỏi: Đại thể có thể dùng khả năng của con người để sáng tạo những tình huống và những gì cần thiết để hòa hợp với mục đích của nó không?

   Có chứ, khi nào có niềm cảm hứng (tức là có sự hợp nhất với tâm linh) hoặc lòng nhiệt tình (tức là sự hợp nhất với Thượng đế) thì sẽ có năng lực sáng tạo vượt xa hơn những gì mà một con người có thể làm được.

Xem mục lục