VƯỢT THOÁT
Để thoát ly khỏi sự khống chế của khổ đau, điều tiên quyết là hãy nhận thức
rằng bạn “có” một khối khổ đau sâu nặng ở trong mình. Đó là bước đầu tiên mà
bạn cần làm. Bước kế tiếp và quan trọng hơn là bạn phải đủ sự có mặt, đủ sự tỉnh
táo để nhận ra khối khổ đau sâu nặng đó ở trong mình – như là một cơn lốc của
những cảm xúc tiêu cực – khi nó bắt đầu hoạt động. Một khi bạn đã nhận ra thì
khối khổ đau sâu nặng đó không thể còn giả vờ là bạn được nữa, không còn
khống chế được bạn và lấy thêm sức mạnh cho chính nó.
Chính năng lực Có Mặt đầy ý thức sẽ giúp bạn phá vỡ thói quen sai lầm tự
đồng hóa mình với những khổ đau ở trong mình. Khi bạn không còn tự đồng hóa
mình với khối khổ đau sâu nặng đó thì nó sẽ không còn kiểm soát được suy nghĩ
của bạn và nó sẽ không còn tự nuôi lớn chính nó bởi những suy nghĩ tiêu cực của
bạn. Hầu như mỗi khối khổ đau đều không dễ dàng tan biến ngay, nhưng một khi
bạn đã tách biệt được nó với những suy nghĩ tiêu cực ở trong mình thì sức mạnh
của khối khổ đau đó đã bắt đầu suy giảm. Suy nghĩ của bạn sẽ không còn bị
những cảm giác khổ đau làm cho u ám, cảm nhận của bạn sẽ không còn bị quá
khứ làm cho biến dạng. Năng lượng của bạn bị kiềm hãm trong khối khổ đau đó
sẽ dần dần thay đổi tần số rung và chuyển sang năng lực của an nhiên tự tại. Như
thế khối khổ đau sâu nặng sẽ tiếp sức cho nhận thức. Điều này giải thích tại sao
hầu hết các bậc giác ngộ nhất, thông thái nhất trên thế giới này đều đã từng là
những người có khối khổ đau nặng nề.
Cho dù bên ngoài bạn có nói gì, làm gì hay gắn lên mình bộ mặt gì đi nữa thì
bạn cũng không thể nào che giấu được trạng thái suy nghĩ hay cảm xúc của mình
ở bên trong. Đó là vì mỗi người đều toát ra một trường năng lượng tương ứng
với trạng thái tâm thức bên trong của mình và người khác có thể dễ dàng cảm
nhận được trường năng lượng đó dù họ chưa ý thức rõ về linh cảm này. Điều này
có nghĩa là tuy họ không ý thức được là họ đã cảm nhận được trường năng lượng
ở người kia, nhưng chính năng lượng đó lại quyết định phần lớn cách họ cảm
nhận và ứng xử với người bên kia. Một số người có thể cảm nhận rõ ràng về sự
rung động của trường năng lượng này khi họ gặp một người nào đó lần đầu, thậm
chí trước khi họ có cơ hội chuyện trò với nhau. Đến khi họ có dịp trò chuyện thì
ngôn ngữ bắt đầu chi phối quan hệ của họ và kèm theo đó là các vai trò xã hội mà
hầu hết mỗi người đều miễn cưỡng trình diễn theo khi phải tiếp xúc với người
khác1. Khi đó, sự chú ý của bạn chuyển đến các vấn đề của đầu óc, khiến cho khả
năng cảm nhận trường năng lượng tỏa ra ở người khác giảm sút nhiều. Tuy vậy,
khả năng ấy vẫn còn tồn tại ở cấp độ vô thức.
Khi bạn nhận thức rằng các khối khổ đau sâu nặng, trong vô thức, luôn muốn
tìm kiếm thêm khổ đau mới, tức là chúng luôn muốn có một chuyện gì đó tồi tệ
xảy ra. Chẳng hạn như việc có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra là do các tài xế
có các khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động vào cùng một lúc. Khi cả hai tài xế
có khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động cùng một lúc tiến đến một trục lộ giao
thông thì khả năng xảy ra tai nạn lớn hơn gấp nhiều lần so với lúc bình thường.
Đó là vì, một cách vô thức, cả hai đều muốn cho tai nạn xảy ra. Vai trò của các
khối khổ đau sâu nặng trong các vụ tai nạn xe cộ biểu hiện rõ nhất trong hiện
tượng được gọi là những “cơn cuồng nộ trên xa lộ” (road rage), những lúc đó,
những người lái xe bỗng trở nên hung bạo khác thường, dù chỉ vì những chuyện
nhỏ nhặt như có ai đó lái xe quá chậm, hay lái cắt ngang phía trước đầu xe của
họ...
Nhiều hành vi bạo lực gây ra từ những người mà ta vẫn cho là rất “bình
thường”, nhưng trong nhất thời họ bỗng biến thành những kẻ điên rồ. Cho nên
trong các phiên tòa, luật sư của họ thường nói: “Điều này là hoàn toàn không phù
hợp với tư cách của thân chủ tôi”. Còn bị cáo thì nói: “Tôi không biết chuyện gì
đã xảy ra, một cái gì đó đã khống chế tôi”. Theo tôi, rất thể là trong nay mai,
những vị luật sư của chúng ta sẽ nói với quan tòa: “Thưa tòa, đây là trường hợp
nên được giảm tội vì bị cáo đã mất tự chủ do bị khối khổ đau sâu nặng ở trong
người kích thích và ông ấy đã không biết mình đang làm gì. Thật ra thủ phạm
không phải là ông ấy, mà là khối khổ đau sâu nặng ở trong ông”.
Thế một người có chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm khi họ bị
khống chế bởi khối khổ đau sâu nặng ở trong họ không? Dĩ nhiên là “Không”,
làm sao họ có thể chịu trách nhiệm được? Làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm
cho một việc mà chính bạn không ý thức và bạn không biết rằng bạn đang làm
gì? Tuy nhiên, cứ theo khuynh hướng này thì loài người đang dần dần đi đến chỗ
trở nên có nhận thức hơn và những ai không đi theo xu thế đó sẽ phải nhận chịu
hậu quả của những hành động mất nhận thức của họ. Vì họ không song hành với
trào lưu phát triển của vũ trụ.
Điều này cũng chỉ đúng phần nào thôi, vì khi ta nhìn sự việc từ một cái nhìn
bao quát hơn, bạn không thể nào không song hành với sự tiến hóa của vũ trụ,
ngay cả những mê muội của con người và những khổ đau do nó gây ra cũng là
một phần của quá trình tiến hóa này. Khi bạn không còn chịu đựng nổi những
vòng luân hồi triền miên của khổ đau nữa thì bạn bắt đầu tỉnh thức. Do đó, khối
khổ đau sâu nặng cũng có chức năng hữu ích của nó trong bức tranh toàn cảnh.