NỖI BẤT BÌNH
Không phải nỗi bất bình nào cũng từ khối khổ đau sâu nặng gây ra. Có những
bất bình được tạo ra khi bạn không song hành với phút giây hiện tại, khi bằng
cách này hay cách khác, bạn từ chối Hiện hữu. Khi bạn nhận ra rằng phút giây
này luôn luôn là một điều hiển nhiên, một việc không thể nào khác đi được, thì
lúc đó bạn sẽ biết chấp nhận sự việc từ trong nội tâm và vì thế bạn chẳng những
sẽ không tạo thêm bất bình, mà do không còn thái độ chống đối ở bên trong, đời
sống sẽ cho bạn thêm sức mạnh.
Những bất bình gây ra bởi khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn rõ ràng là quá
đáng. Nói khác đi, đây là một phản ứng thái quá và ai cũng dễ dàng nhìn thấy
điều này, ngoại trừ bạn, người đang mang cảm giác bất bình. Những người có
khối khổ đau nặng nề luôn luôn dễ dàng tìm ra một lý do nào đó để cảm thấy
buồn đau, giận dữ… Nguyên nhân của những niềm đau mạnh mẽ ấy lại là những
việc chẳng quan trọng gì, một việc chỉ đáng cho người ta nhún vai bỏ qua, mỉm
cười dễ dãi. Những chuyện cỏn con đó không phải là nguyên nhân thực sự mà
chỉ là một giọt nước cuối cùng2 có tác dụng như một ngòi pháo làm mọi chuyện
bùng nổ ra. Chúng làm sống lại những cảm xúc cũ. Những cảm xúc này sẽ đi vào
trong đầu bạn, được khuếch đại và gia tăng sức mạnh của những cấu trúc của
bản ngã ở trong bạn.
Quan hệ giữa bản ngã và khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn rất thân thiết với
nhau, chúng như anh em một nhà. Chúng rất cần có nhau. Khi có một sự kiện hay
một tình huống có tính chất kích thích nào đó, nó sẽ được suy diễn và phản ứng
qua bộ lọc của bản ngã đầy cảm xúc. Điều này có nghĩa là ý nghĩa của sự việc đã
bị bản ngã và khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn bóp méo hoàn toàn. Bạn nhìn
thực tại qua lăng kính méo mó của quá khứ đầy những cảm xúc tiêu cực ở trong
mình. Nói khác đi, những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận không phải là những
điều nằm trong tự thân của sự kiện và tình huống đó, mà chỉ nằm ở trong bạn.
Trong vài trường hợp, sự kiện hay tình huống là một điều xác thực, nhưng bạn lại
phóng đại nó lên nhiều lần qua phản ứng đầy khổ đau của mình. Khuynh hướng
phóng đại mọi chuyện này chính là những gì mà khối khổ đau sâu nặng cố ý
muốn tạo ra, những gì mà nó có thể nương vào đó để sống còn. Đối với những
người đang bị khống chế bởi khối khổ đau sâu nặng thì họ thường không thể tự
mình thoát ra khỏi lối suy diễn lệch lạc, hay thoát ra khỏi những “câu chuyện đầy
bi lụy” của mình. Một câu chuyện càng có nhiều cảm xúc tiêu cực thì nó càng trở
nên nặng nề và khó cho bạn có thể nhìn xuyên thấu sự việc. Thế là câu chuyện
không còn là câu chuyện nữa mà đã biến thành hiện thực của bạn. Khi bạn hoàn
toàn bị mắc kẹt vào vòng xoáy của ý nghĩ tiêu cực và những cảm xúc đi kèm thì
chuyện thoát ra khỏi nó là một điều bất khả, vì bạn không thể biết điều gì khác ở
bên ngoài vòng xoáy đó. Bạn bị mắc kẹt vào bi kịch hay một cơn ác mộng, rơi
vào ngục tối của chính mình. Đối với bạn, đó là hiện thực duy nhất, không còn
hiện thực nào khác ngoài điều đó. Đối với bạn, những điều bạn phản ứng là điều
duy nhất mà bạn có thể làm.