Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG Ở TRẺ CON

   Khối khổ đau sâu nặng ở trẻ con thỉnh thoảng được thể hiện ra qua nét ủ rủ,

buồn rầu hay triệu chứng co ro, thu mình lại. Đứa trẻ lúc đó bỗng trở nên ủ dột,

từ chối mọi giao tiếp với những người chung quanh, thường rút vào ngồi trong

một góc khuất nào đó, tay ôm lấy một con búp bê hay mút đầu ngón tay. Cũng có

thể khối khổ đau sâu nặng đó được thể hiện ra thành những trận la hét, khóc lóc

thảm thương hay những cơn bùng nổ của tính khí. Đứa trẻ thường hay la hét,

quay quắt, làm mình làm mẩy hay thích phá phách để tìm vui. Khi chúng muốn

làm một chuyện gì mà bị cha mẹ cản trở thì khối khổ đau sâu nặng này trong

chúng có thể dễ dàng bị kích thích, và trong một bản ngã đang phát triển như ở

một đứa trẻ thì những ham muốn này có thể rất mạnh mẽ. Các bậc cha mẹ thường

chỉ bất lực khoanh tay đứng nhìn mà chẳng thể nào hiểu nổi tại sao chỉ trong vài

giây mà con mình - một thiên thần bé bỏng - lại có thể biến thành một con quỷ

nhỏ. Họ tự hỏi “Làm sao mà con mình lại có khối khổ đau sâu nặng đó được?”.

Đó chính là phần chia khổ đau của đứa trẻ (tất nhiên là ở các mức độ khác nhau)

từ khối khổ đau sâu nặng tập thể của loài người, xuất hiện từ lúc con người có

bản ngã.

   Cũng có thể đứa trẻ đã tiếp nhận khối khổ đau sâu nặng từ cha mẹ của chúng.

Trong trường hợp đó thì đứa trẻ quả là một bản sao nguyên vẹn những khổ đau

đã có sẵn ở trong cha mẹ nó. Một số trẻ có mức nhạy cảm cao rất dễ bị tác động

từ khối khổ đau sâu nặng ở cha mẹ chúng. Những bi kịch xảy ra giữa cha mẹ

chúng sẽ gây ra những nỗi đau tình cảm hầu như vượt ngoài sức chịu đựng của

chúng và thường thì những đứa trẻ này khi trưởng thành sẽ có những khối khổ

đau rất nặng nề. Dù cố che giấu khéo léo đến mức nào thì những bất hòa giữa

cha mẹ cũng không thể dối gạt được con trẻ, vì đằng sau những lời nói hòa nhã,

năng lượng tiêu cực giữa cha mẹ vẫn tỏa ra tràn ngập không khí gia đình. Những

khối khổ đau sâu nặng khi bị đè nén thường trở nên rất độc hại, chúng còn độc

hại hơn những khối khổ đau được biểu lộ một cách công khai. Năng lượng ô

nhiễm tâm lý này được đứa trẻ tiếp thu và góp phần làm lớn lên khối khổ đau sâu

nặng ở trong chúng.

   Đa số trẻ con biết, dù chỉ trong tiềm thức, về bản ngã và khối khổ đau sâu

nặng khi phải sống chung với cha mẹ chúng, những người mất nhận thức một

cách sâu sắc. Một phụ nữ có cả cha lẫn mẹ đều là những người có bản ngã lớn và

những khối khổ đau nặng nề có lần đã bảo tôi rằng, khi nghe cha mẹ cô quát

mắng nhau thì, dù vẫn yêu thương họ, cô thường tự nhủ: “Cả hai người này điên

cả rồi. Mà sao tôi lại sinh ra ở trong một gia đình như thế này?”. Cô có nhận thức

về tính điên rồ của lối sống như vậy và nhận thức đó đã giúp cô giảm bớt nỗi khổ

mà cô đã tiếp nhận từ cha mẹ cô.

    Các bậc cha mẹ thường thắc mắc về việc làm sao để đối phó với khối khổ đau

sâu nặng ở trong con cái của họ. Nhưng câu hỏi cần giải đáp trước tiên là họ có

biết cách tiếp xúc và hóa giải được khối khổ đau sâu nặng ở trong chính họ hay

không. Họ có khả năng để nhận ra khối khổ đau sâu nặng ở trong họ không khi

khối khổ đau ấy bắt đầu phát tác? Các bậc cha mẹ có đủ Hiện hữu, sự Có Mặt sâu

sắc để khi khối khổ đau sâu nặng ở trong họ bắt đầu hoạt động thì họ có thể nhận

thức được những cảm xúc của mình và không để nó biến thành những suy nghĩ

tiêu cực và qua đó mà biến họ thành những “con người bất hạnh?”.

    Khi khối khổ đau sâu nặng ở trong một đứa bé đang hoạt động thì bạn không

thể làm gì tốt hơn là hãy tỉnh táo, giữ mình Có Mặt để đừng bị lôi cuốn vào

những phản ứng do cảm xúc gây ra. Vì khối khổ đau sâu nặng ở trong đứa trẻ chỉ

chực chờ sự phản ứng vô thức của bạn. Những khối khổ đau sâu nặng ở trong

trong đứa trẻ rất thích những bi kịch của khổ đau. Bạn không tham dự vào đó

nhưng cũng đừng coi đó là một điều quá nghiêm trọng. Đừng chiều theo những

yêu sách của đứa trẻ, nếu không thì đứa trẻ sẽ hiểu là: “À, mình càng làm tới thì

mình càng được những gì mình đòi hỏi”. Đây là công thức của những tha hóa mà

bạn vô tình tạo ra cho đứa trẻ trong cuộc sống sau này. Khi không gặp phản ứng

của bạn thì những khối khổ đau sâu nặng trong đứa trẻ sẽ không được khích lệ và

nhanh chóng trở nên lắng dịu. May là những cơn bộc phát của những khối khổ

đau sâu nặng ở trẻ con thường ngắn ngủi hơn ở người lớn.

    Ngày hôm sau khi các cháu đã lắng dịu, bạn có thể hỏi chúng về những gì

xảy ra, nhưng đừng giải thích gì nhiều về khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng.

Chẳng hạn bạn có thể hỏi: “Ngày hôm qua, con còn nhớ có cái gì đó ở trong con

đã làm cho con khóc không? Con cảm thấy nó thế nào? Cảm giác đó có dễ chịu

không? Cái chế ngự lấy con ấy, con có thể gọi tên nó là gì? Không ư? Nếu con có

thể đặt tên cho cái đó thì con sẽ gọi nó là gì? Nếu con có thể nhìn thấy được nó

thì nó trông như thế nào? Nếu con vẽ tranh để miêu tả nó thì con sẽ vẽ thế nào?

Khi cảm giác ấy đi khỏi, thì trong người con cảm thấy như thế nào? Nó đi ngủ rồi

phải không con? Cảm giác ấy có bao giờ trở lại với con không?”.

   Đây là vài câu hỏi gợi ý và những câu hỏi này cốt để giúp đánh thức khả

năng quan sát của đứa bé, tức là khả năng Hiện diện của chúng. Khả năng ấy sẽ

giúp cho đứa bé không tự đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng ở trong

chúng. Bạn có thể nói về khối khổ đau sâu nặng ở trong chính bạn nhưng bạn

dùng cách nói của đứa trẻ để giúp các cháu dễ hiểu. Nên lần sau khi đứa trẻ bắt

đầu bị khối khổ đau sâu nặng này khống chế thì bạn có thể nói: “Nó bắt đầu quay

trở lại rồi, phải không con?”. Dùng những cách mà đứa bé đã dùng khi nói về

điều này. Hướng sự chú ý của đứa trẻ vào chỗ đứa trẻ “cảm nhận” cái đó như thế

nào. Hãy bày tỏ một thái độ quan tâm hoặc hiếu kỳ thay vì chỉ trích hay phê

phán.

    Có thể là cách này chưa thể ngăn chặn được sự hoành hành của khối khổ đau

sâu nặng ở trong các cháu hoặc có thể là đứa trẻ sẽ không nghe lời bạn. Tuy

nhiên, ngay khi khối khổ đau sâu nặng đang hoạt động thì chút ý thức đó vẫn

nằm trong nhận thức của đứa trẻ. Và sau mỗi lần khối khổ đau sâu nặng trong

các cháu bộc phát, thì chút ý thức đó trong các cháu cũng mạnh lên và khối khổ

đau sâu nặng sẽ suy yếu dần. Đứa trẻ ngày càng lớn lên trong Hiện hữu. Đến một

lúc nào đó chính đứa trẻ lại là người sẽ chỉ cho bạn là khối khổ đau sâu nặng của

bạn đang khống chế bạn.

Xem mục lục