Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG Ở CÁC CHỦNG TỘC VÀ QUỐC GIA

    Những nước phải hứng chịu nhiều bạo lực tập thể thì thường có khối khổ đau

tập thể sâu nặng hơn ở những nước khác. Điều này giải thích tại sao khối khổ đau

sâu nặng ở những nước có lịch sử lâu đời thì thường mạnh hơn; còn những nước

có lịch sử non trẻ như Canada và Úc cùng một số nước như Thụy Sỹ - tách biệt

với cơn điên rồ đang xảy ra chung quanh - thì khối khổ đau tập thể ở trong họ

thường nhẹ hơn. Dĩ nhiên là ở các nước đó, mỗi người cũng phải đối diện với

khối khổ đau sâu nặng của riêng họ. Nếu bạn có đủ nhạy cảm, bạn có thể cảm

nhận được vẻ nặng nề trong trường năng lượng ở một số nước khi bạn vừa bước

chân ra khỏi máy bay. Trong khi ở những nơi khác, trường năng lượng của bạo

lực chỉ ở mức độ tiềm ẩn sau những sinh hoạt thường nhật thì tại một số nước

(như ở Trung Đông) khối khổ đau tập thể này sâu nặng đến mức nhiều người

buộc phải phát tiết nó ra trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát của sự oán thù

và trả đũa, khiến qua đó khối khổ đau tập thể sâu nặng này liên tục được tiếp

thêm sức mạnh. Người ở Đức và Nhật có xu hướng làm giảm bớt sự nhạy cảm

của họ đối với khối khổ đau tập thể, dù vẫn còn nặng nề trong họ, qua sự tìm

quên trong công việc, trong khi cư dân các nước khác thì tìm quên bằng cách

uống rượu. Ở Trung Quốc, nhiều người nhờ luyện tập Thái Cực Quyền (Tai Chi)

mà khối khổ đau sâu nặng của họ được giảm bớt phần nào. Hằng ngày, trên các

đường phố hoặc các công viên, có hàng triệu người tham gia luyện tập phương

pháp giúp tĩnh tâm này. Phương pháp này tạo ra sự khác biệt đáng kể trong

trường năng lượng tập thể theo hướng làm giảm bớt khối khổ đau bằng cách

giảm bớt suy nghĩ và tăng cường khả năng Có Mặt trong phút giây hiện tại.

   Những phương pháp rèn luyện tâm linh có liên quan đến vận động của cơ thể

như Thái Cực Quyền, khí công hay yoga ngày càng được ưa chuộng ở phương

Tây. Những cách luyện tập này không tạo ra sự chia tách giữa thể chất và tinh

thần, lại rất có ích trong việc làm suy yếu khối khổ đau sâu nặng trong mỗi

người. Chúng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp nhân loại tỉnh

thức.

   Người Do Thái bị ngược đãi qua nhiều thế kỷ nên khối khổ đau sâu nặng của

tập thể một chủng tộc được thể hiện ở họ rất rõ#11. Chẳng mấy ngạc nhiên khi ta

thấy rằng người thổ dân Da Đỏ ở Mỹ cũng có khối khổ đau sâu nặng rất lớn, vì

dân số của họ càng ngày càng suy giảm còn nền văn hóa của họ thì hầu như bị

xóa sổ bởi những di dân đến từ châu Âu. Khối khổ đau sâu nặng tập thể này cũng

được thể hiện rõ ở người Mỹ da đen. Tổ tiên của họ bị buộc phải rời xa nơi chôn

nhau cắt rốn, phải chịu khuất phục kẻ khác và bị bán làm nô lệ. Sức lao động của

4-5 triệu người da đen đã tạo cơ sở cho sự phồn vinh về kinh tế của nước Mỹ.

Thật ra đau khổ mà thổ dân da đỏ ở Mỹ và người Mỹ da đen không chỉ giới hạn

ở riêng hai chủng tộc này mà đã trở thành một phần của khối khổ đau sâu nặng

tập thể của tất cả mọi người ở nước Mỹ. Lúc nào cũng vậy, hậu quả của mỗi

hành vi bạo lực, áp bức, hay ác tâm đều không những chỉ xảy ra cho nạn nhân mà

còn xảy ra cho chính kẻ đã gây tội ác. Với những gì ta gây ra cho kẻ khác, thì

chính ta cũng gánh chịu những hậu quả tương ứng.

   Bạn không cần bận tâm là trong khối khổ đau sâu nặng của bạn có bao nhiêu

phần là thuộc tập thể và bao nhiêu phần là thuộc cá nhân bạn. Bất luận thế nào,

bạn chỉ cần vượt ra khỏi nó bằng cách chịu trách nhiệm cho trạng thái nội tâm

của bạn ngay phút giây này. Đừng trách móc người khác cho dù điều đó là chính

đáng vì khi làm như thế, bạn sẽ tiếp sức cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn

và bạn sẽ còn mắc kẹt trong bản ngã của bạn. Trên thế giới này, chỉ có một thứ

gây ra tội lỗi, đó là sự vô minh – tức là sự thiếu nhận thức của con người. Khi

nhận ra điều này là lúc bạn có thể tha thứ cho người khác. Khi có tha thứ, bạn sẽ

thoát ra được tâm thức “tôi là nạn nhân” và năng lực thực sự của bạn sẽ trỗi dậy –

đó là năng lực của Sự Có Mặt. Thay vì trách móc bóng tối, bạn mang đến ánh

sáng.

Xem mục lục