Khi bản ngã của bạn đang ở trong tình trạng tranh chấp, hãy hiểu rằng đó
chẳng qua là một ảo tưởng đang đấu tranh để tự bảo vệ chính nó. Ảo tưởng đó
cho rằng nó là bạn. Thoạt đầu thật khó để bạn có mặt ở đó như là một chứng
nhân, để nhìn thấy hết mỗi cảm xúc và suy nghĩ đang xảy ra ở trong bạn, khó
nhất là khi bản ngã của bạn đang ở trong tư thế phải đấu tranh để sống còn, chiến
đấu để tồn tại, hay khi một khuôn mẫu phản ứng bó buộc trong tình cảmlviii đang
bị kích động ở trong bạn; nhưng khi bạn đã làm quen với sự có mặt ở đó như một
chứng nhân rồi thì năng lực của Sự Có Mặt ở trong bạn sẽ dần dần lớn mạnh hơn
và bản ngã của bạn sẽ không còn khả năng khống chế bạn được nữa. Lúc đó có
một năng lực mới, lớn hơn cả bản ngã và trí năng, đi vào cuộc đời bạn. Để thoát
khỏi sự kiềm chế của bản ngã thì bạn chỉ cần nhận diện được nó, ý thức được nó.
Vì nhận thức và bản ngã là thứ đối nghịch nhau, không thể trong một lúc mà
cùng tồn tại. Nhận thức là năng lực ẩn tàng trong giây phút hiện tại, vì thế ta còn
gọi nó là Sự Có Mặt. Mục tiêu tối thượng của con người, cũng là mục tiêu của
chính bạn, là đưa năng lực của Sự Có Mặt đó vào trong thế giới này. Điều này
cũng cho thấy rằng chuyện vượt thoát khỏi bản ngã không thể là một mục tiêu
phấn đấu nằm ở trong tương lai. Vì chỉ có sự có mặt của bạn trong phút giây này,
tức Hiện Hữu, mới có thể giải thoát bạn ra khỏi bản ngã và bạn chỉ có thể có mặt
ngay trong giây phút này, mà không thể là trong quá khứ hay tương lai. Chỉ có
năng lực của sự có mặt của bạn trong phút giây hiện tại mới có thể hóa giải quá
khứ ở trong bạn và qua đó mà chuyển hóa nhận thức của bạn.
Như vậy giác ngộ tâm linh là gì? Có phải là bạn tin rằng bạn là một người có
đời sống tâm linh? Không, đó chỉ là một ý tưởng, dù ý nghĩ này gần chân lý hơn
một tí so với ý nghĩ cho rằng bạn là con người ở trong chứng minh thư của mình.
Giác ngộ là nhận thức rõ rằng những gì bạn đang cảm nhận, đang trải nghiệm
hay đang suy nghĩ, rốt cuộc đều không phải là bản thể đích thực của mình, rằng
bạn không thể tìm thấy một cái Tôi riêng biệt trong tất thảy những thứ đang diễn
ra, đang đi qua. Có lẽ đức Phật là người đầu tiên thấy rõ được điều này và vì thế
mà Anata, tức là Vô Ngãlix, là một giáo lý căn bản trong tất cả những răn dạy của
Ngài. Còn Chúa Jesus thì nói: "Hãy chối bỏ bản ngã của con25" Nghĩa là: Hãy
phủ định (và vì thế mà hóa giải) ảo tưởng về một tư cách, một con người tách
biệt với tất cả - ở trong bạn. Nếu quả cái “Tôi” – tức bản ngã sai lầm ở trong bạn
– là một cái gì chân thật của bạn thì chuyện phải "chối bỏ" nó đi quả là một điều
rất ngớ ngẩn.
Những gì còn lại chính là sự tỏa sáng của thứ nhận thức thuần khiết, là không
gian trong đó mỗi cảm xúc, mỗi ý nghĩ, mỗi trải nghiệm, mỗi cảm xúc… ở trong
bạn xảy ra rồi tan biến đi. Nhận thức sáng tỏ đó chính là Hiện Hữu, là Chân Ngã
sâu sắc và chân thực của bạn. Khi bạn biết rằng bạn chính là Hiện Hữu bất diệt,
không hình tướng đó26, tất thảy những gì xảy ra trong đời bạn không còn mang
giá trị tuyệt đối nữa mà chỉ là một cái gì tương đối. Bạn vẫn trân trọng những gì
bạn đang có, nhưng những thứ (mà bạn đang tạm thời sở hữu) ấy không còn
mang tính chất tuyệt đối nữa, vì chúng không còn quá nghiêm trọng và nặng nề
như trước. Điều quan trọng là: Liệu lúc nào bạn cũng có thể cảm nhận được sự
Hiện Hữu, cái Biết thường hằng, ở đằng sau hậu trường cuộc sống của bạn hay
không? Nói chính xác hơn là bạn có cảm nhận được Hiện Hữu đang ý thức chính
nó trong giờ phút này không? Bạn có thể cảm nhận được bản thể chân chính của
mình chính là nhận thức, là Tâm không? Hay bạn đang tự đánh mất mình trong
suy tư, trong những gì đang xảy ra xung quanh?