Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Than phiền là một trong những phương cách mà bản ngã thích dùng để tự củng cố chính mình. Mỗi lời than phiền là một câu chuyện nhỏ mà trí óc bạn thêu dệt nên và bạn hoàn toàn cả tin vào sự bịa đặt này. Than phiền dù được nói ra hay không thì vẫn là sự than phiền. Với những người không có nhiều thứ để tự đồng nhất mình thì chỉ cần có tật hay than phiền thôi cũng là đủ để cho bản ngã của họ sống sót. Khi bạn nằm dưới sự khống chế của thứ bản ngã như thế thì tính ưa than phiền, đặc biệt là than phiền về người khác, đã trở thành một thói quen vô thức ở trong bạn, vì thực ra bạn không biết mình đang làm như thế. Gán cho người khác một nhãn hiệu nào đó có tính tiêu cực, dù là bạn nói thẳng ra điều này hay bạn chỉ kín đáo chê bai họ với những người khác, hay thậm chí bạn không hề nói ra mà chỉ nghĩ xấu về họ thôi, như thế cũng đã là một phần của thói quen này. Nguyền rủa là hình thức thô thiển nhất của thói quen chê bai người khác. Đó là nhu yếu của bản ngã muốn cho rằng mình đúng, rằng mình hay hơn người khác; những câu lăng mạ như: "Đồ khốn kiếp”, “Đồ mất dạy”…; và cả những tuyên bố có tính dứt khoát đến độ, dù có muốn phân trần, ta cũng không thể tranh biện gì được. Ở mức độ thấp hơn của sự mê mờ là quát tháo, gào thét; và mức độ kế tiếp là khuynh hướng bạo hành, sử dụng vũ lực đối với người khác.

    Ghét bỏ là cảm xúc đi kèm với tính hay than phiền, thói quen thích dán nhãn hiệu, chê bai người khác; đó là một thái độ chỉ làm cho bản ngã ở trong bạn mạnh thêm. Ghét bỏ tức là bạn cảm thấy cay đắng, phẫn nộ, hay bị xúc phạm bởi một người nào đó. Bạn thường ghét bỏ tính tham lam của người khác, bạn ghét cái tính thiếu thật thà, thiếu liêm chính của họ; bạn ghét những gì họ đã làm trong quá khứ, những điều họ nói, những gì họ đã thất hứa, những gì lẽ ra họ nên làm hay không nên làm… vì bản ngã ở trong bạn rất thích nhìn thấy những khiếm khuyết này. Thay vì bỏ qua những mê mờ của người khác, bạn lại muốn xem đó là bản chất của họ. Vậy thì cái gì ở trong bạn đã gây ra chuyện này? Đó chính là sự mê mờ ở trong bạn, là bản ngã của bạn. Thỉnh thoảng cái "sai" mà bạn nhìn thấy ở người khác thậm chí là điều không hề có thật. Vì đó chỉ là một suy diễn sai lầm, một sự phóng chiếu của thứ lý trí quen nhìn thấy người khác là kẻ thù của mình, để chứng tỏ rằng bạn đúng hay vượt trội hơn người khác. Cũng có lúc, người khác có thể có sai lầm, nhưng khi bạn quá chú trọng vào những sai lầm đó đến độ bạn không còn nhìn thấy những khía cạnh tích cực khác của họ, lúc đó bạn thường có khuynh hướng phóng đại những lầm lỡ đó một cách không cần thiết. Và khi bạn phản ứng mạnh với những gì tiêu cực mà bạn nhìn thấy ở người khác(xxxix) tức là vô tình, bạn làm cho những khiếm khuyết ấy ở trong bạn trở nên mạnh hơn.

    Thực tập để không phản ứng với những cư xử khiếm khuyết, đượm nhiều tính chấp ngã ở người khácxl, là một trong những phương cách có hiệu quả nhất mà bạn có thể làm. Làm như thế, không những bạn sẽ vượt lên được tính chấp ngã ở trong mình, mà bạn còn giúp hóa giải tính chấp ngã tập thểxli của những người chung quanh. Bạn chỉ có thể ở trong trạng thái bất phản kháng khi nào bạn nhận thức rằng một hành vi vô thức của người khác là một hành vi đã phát xuất từ bản ngã của họ; và đó chỉ là biểu hiện của sự tha hóa tập thể của con người. Khi thấy rằng những hành động đó không phải là một vấn đề đối với riêng cá nhân bạn thì bạn sẽ không có nhu cầu phải phản ứng lại như trước nữa. Nhờ thái độ bất phản kháng đối với những biểu hiện của bản ngã ở người khác, bạn tạo điều kiện cho sự minh mẫn, sáng suốt ở trong người khác được thể hiện ra. Ở đây, tâm thức sáng suốt chính là phần nhận thức chưa bị điều kiện hóa, đối nghịch với phần nhận thức đã bị tha hóa. Tất nhiên có lúc bạn phải có những hành động thực tiễn để tự bảo vệ mình khỏi những người quá mê mờ. Điều này bạn có thể thực hiện được mà không cần phải biến họ thành kẻ thù của bạn. Hãy biết rằng sự bảo vệ tích cực nhất cho bạn chính là sự tỉnh thức, tức là trạng thái nhận thức sáng suốt ở trong bạn. Khi nào bạn còn cho rằng sự thiếu nhận thức hoặc bản ngã của người khác là một vấn đề cá nhân đối với bạn thì vô tình bạn sẽ biến họ thành kẻ thù của bạn. Bất phản kháng là sự biểu lộ của sức mạnh, chứ không phải sự yếu đuối. Bất phản kháng tương tự như lòng bao dung. Vì lòng bao dung là bỏ qua, là cách nhìn xuyên suốt, vượt lên trên những gì đã xảy ra. Khi bạn có lòng bao dung là bạn biết nhìn xuyên suốt qua bản ngã của người khác để tiếp xúc với sự sáng

suốt vốn là bản chất ở trong mỗi con người.   Bản ngã thích than phiền và bất mãn, không những đối với người khác mà còn với cả những hoàn cảnh trong đời sống. Những gì bạn đối xử với một con người, bạn cũng có thể đối xử với một hoàn cảnh nào đó: biến người đó hay hoàn cảnh đó trở thành kẻ thù của bạn. Bản ngã luôn luôn muốn ám chỉ rằng: Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có mặt ở nơi nàyxlii, rằng bạn không muốn làm những gì bạn cần phải làm, rằng bạn đang bị đối xử quá bất công... Và đối với bản ngã thì kẻ thù lớn nhất của nó chính là phút giây hiện tại, tức cũng chính là đời sống (xliii).

       Đừng nhầm lẫn thái độ than vãn của bạn với việc cho người khác biết là họ đã thiếu sót cốt chỉ để giúp họ sửa sai, và thái độ không than vãn không nhất thiết có nghĩa là bạn phải nhận chịu một thái độ khiếm nhã hay một việc tệ hại mà người khác mang đến cho bạn. Nếu bạn bảo người hầu bàn rằng bát canh mà người đó vừa mang ra cho bạn đã quá nguội lạnh, bạn nhờ họ hâm nóng lại một chút cho bạn thì đây không phải là thái độ của bản ngã vì bạn chỉ nói lên một sự thật khách quan – bát canh đã nguội lạnh; và khi bạn chỉ đưa ra sự kiện một cách khách quan thì điều đó luôn luôn có tính trung hòa, nghĩa là không nhắm vào chuyện ai đúng, ai sai. Ngược lại, nếu bạn bảo: "Tại sao anh dám mang cho tôi một bát canh nguội ngắt như thế này!" thì đó chính là một thái độ than vãn. Vì ở đây có một cái "Tôi" đang cảm thấy rằng nó bị xúc phạm vì tô canh nguội và cái “Tôi” ấy sẽ không dễ dàng bỏ qua chuyện này. Một cái "Tôi" rất thích chỉ ra rằng người khác đã làm một điều gì sai. Thái độ than phiền mà chúng ta đang nói ở đây chỉ nhằm phục vụ cho bản ngã chứ không phải để mang lại một sự thay đổi tích cực. Nhiều lúc, rõ ràng bản ngã của bạn thực sự không muốn có một sự thay đổi nào cả, để nhờ đó mà nó có dịp tiếp tục than vãn (xliv).

    Hãy để ý xem bạn có thể nắm bắt, tức là nhận ra tiếng nói luôn vang vang ở trong đầu bạn, ngay phút giây tiếng nói ồn ào ấy đang than phiền về một chuyện nào đó? Bạn hãy nhận thức rằng đó chính là tiếng nói của bản ngã ở trong bạn, đó là một khuôn mẫu bó buộcxlv của thói quen suy tư không thể cưỡng lại ở trong bạn; rằng đó chỉ là một ý nghĩ đang xảy ra ở trong bạn, thế thôi. Bất cứ lúc nào mà bạn nghe tiếng nói vang vang đó ở trong đầu, bạn sẽ nhận thức rằng bạn không phải là tiếng nói đó vì bạn chính là cái phần nhận ra tiếng nói đóxlvi.

Thực vậy, bạn chính là ý thức, cái đang nhận ra tiếng nói của bạn ngã ở trong bạn. Vì ở đằng sau hậu trường của tâm thức bạn có một sự nhận biếtxlvii. Còn ở đằng trước là tiếng nói ồn ào của bản ngã, là cái phần hay suy tư, lo lắng ở trong bạn. Thực tập được như thế, bạn sẽ thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngãxlviii, thoát ra khỏi phần suy tư chưa được nhận biết ở trong bạn. Phút giây mà bạn nhận ra được bộ mặt thật của bản ngã ở trong bạn thì lúc đó bản ngã của bạn sẽ không còn là bản ngã nữa, mà chỉ còn là một thói quen, một mô thức cũ kỹ, bị trói buộc của thói quen suy tư ở trong bạn. Nói đến bản ngã tức là ta đang nói đến sự vô minh, mê lầm và thiếu nhận thức ở trong bạn. Vì nhận thức sáng suốt và bản ngã là hai thứ không thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một khoảnh khắc, một không gian. Tuy nhiên, những lối hành xử cũ hay những thói quen suy tư ở trong  bạn vẫn có thể còn tồn tại và sẽ tái diễn trong một thời gian nữaxlix vì đằng sau nó có quán tính rất mạnh của những thói quen vô thức lâu đời trong tập thể của con người suốt hàng ngàn năm qua. May thay, mỗi khi những thói quen cũ này bị nhận diện, thì nó sẽ càng ngày càng yếu đi.

Xem mục lục