Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Với tư cách người cố vấn và là một vị thầy tâm linh, một tuần hai lần tôi đến thăm một người phụ nữ làm nghề giáo đang mắc bệnh ung thư. Cô khoảng chừng bốn mươi tuổi và bác sĩ cho biết rằng cô chỉ có thể sống tối đa thêm vài tháng nữa. Thường chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau và hầu như chỉ ngồi trong im lặng. Và khi ngồi như thế, cô ấy đã cảm nhận được nhiều lần, dù chỉ trong thoáng chốc, trạng thái tĩnh lặng ở bên trong mà trước đây, khi còn là giáo viên bận rộn, cô chưa bao giờ cảm nhận được.

         Nhưng một hôm tôi đến thì thấy cô đang rất giận dữ, và tôi buột miệng hỏi: “Hôm nay đã xảy ra chuyện gì?”. Cô bảo rằng chiếc nhẫn kim cương của cô, một vật rất có giá trị về tiền bạc cũng như tình cảm, đã biến mất và cô ấy đoan chắc với tôi rằng chính người phụ nữ thường đến chăm sóc cho cô mỗi ngày đã lấy mất. Cô than rằng không thể hiểu tại sao người giúp việc kia lại nhẫn tâm với cô như vậy. Cô hỏi tôi rằng cô có nên lập tức chất vấn người phụ nữ ấy hay nên báo với nhà chức trách. Tôi bảo rằng tôi không thể khuyên cô điều gì nên hay không nên trong lúc này, tuy nhiên tôi có hỏi rằng vào giai đoạn này trong cuộc đời, cô còn quan tâm làm gì đến một chiếc nhẫn hay bất cứ một vật nào khác mà cô sở hữu. “Thầy không biết đó thôi”, cô nói, “Đây là chiếc nhẫn của bà ngoại tôi để lại. Tôi luôn đeo nó trên tay cho đến khi tôi bị ốm nặng và những ngón tay của tôi sưng phù lên như bây giờ. Đối với tôi, giá trị tình cảm của vật đó nhiều hơn chuyện đấy chỉ là một chiếc nhẫn, làm sao tôi không buồn cho được?”.

          Vẻ giận dữ, thái độ chống chế cùng cách trả lời cấp bách của cô cho thấy rằng cô chưa thực sự có mặt sâu sắc để nhìn lại lòng mình và tách ly những phản ứng của cô với sự việc đã xảy ra và quan sát cả hai. Sự giận dữ và thái độ biện bạch của cô là dấu hiệu cho thấy bản ngã của cô đang nắm chủ quyền và lên tiếng thông qua con người cô. Vì vậy, tôi bảo cô: “Tôi sẽ hỏi cô một vài điều, nhưng thay vì suy nghĩ rồi trả lời ngay như bình thường, cô hãy từ tốn lắng lòng xem rằng cô có thể tìm ra được câu trả lời từ bên trong cô mà không phải bằng suy tư. Tôi sẽ ngừng một lát sau mỗi câu hỏi. Một câu trả lời có thể đến với cô, nhưng có thể là đến ở dưới hình thức của một cảm giác hơn là bằng ngôn từ”. Khi cô bảo rằng cô đã sẵn sàng, tôi liền hỏi: “Cô có thấy rằng sớm muộn gì cô cũng phải buông bỏ chiếc nhẫn ấy, điều này có lẽ là không còn bao lâu nữa, đúng không? Cô nghĩ cô cần thêm bao lâu nữa trước khi cô sẵn sàng để buông bỏ chiếc nhẫn ấy? Khi không còn chiếc nhẫn ấy thì cô có cảm thấy giá trị của cô bị giảm sút? Khi mất chiếc nhẫn thì bản chấtchân thực của cô có bị giảm sút đi không?”. Sau câu hỏi cuối cùng của tôi, vài phút đã trôi qua mà cô ấy vẫn ngồi trong im lặng.

      Khi cô bắt đầu trả lời thì nét mặt của cô như thoáng có nụ cười và dường như cô đang cảm nhận được sự bình an đang có mặt ở trong cô. “Câu hỏi cuối của thầy làm tôi nhận ra được một điều rất quan trọng. Nhưng trước đó, khi tôi hỏi lý trí của tôi về câu thầy hỏi thì nó bảo: “Có chứ, giá trị của tôi chắc chắn sẽ giảm đi”. Rồi tôi tự hỏi lại mình câu hỏi: “Liệu bản chất chân thực của tôi có bị suy giảm khi tôi không còn sở hữu chiếc nhẫn ấy?” thì lần này, thay vì suy nghĩ để tìm ra một câu trả lời, tôi chỉ để ý đến những cảm xúc xảy ra bên trong mình. Và bất chợt tôi cảm nhận được Sự Hiện Hữu của chính tôi(xiv) mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Nếu tôi đang có thể cảm nhận được Sự Hiện Hữu của chính mình mạnh mẽ đến thế, trong khi tôi đang không có chiếc nhẫn, vậy thì bản chất chân thật của tôi sẽ không hề bị suy giảm chút nào khi tôi buông bỏ chiếc nhẫn. Bây giờ tôi vẫn còn đang cảm nhận được điều đó, một cảm nhận rất bình an và sống động. “Đó là an nhiên tự tại, là niềm vui của Hiện Hữu”, tôi nói. Cô chỉ có thể cảm nhận được khi cô bước ra khỏi cái đầu hay suy tư của mình: Hiện Hữu chỉ có được ở trong ta qua cảm nhận. Bạn không thể suy nghĩ để mong tìm ra nó được. Bản ngã của bạn không thể biết gì về Hiện Hữu vì bản ngã chỉ gồm toàn những ý nghĩ. Cô đã lẫn lộn chiếc nhẫn, mà thực ra cũng chỉ là một ý nghĩ trong đầu cô, với cảm nhận về Sự Hiện Hữu của chính cô. Cô đã sai lầm khi cho rằng một phần Hiện Hữu của cô nằm trong chuyện cô sở hữu chiếc nhẫn ấy.

         Bất cứ cái gì mà bản ngã ta cố bám víu vào đều được dùng để thay thế cho kinh nghiệm về Hiện hữu, vì đó là cái mà nó không thể cảm nhận được. Ta có thể quý trọng và nâng niu đồ vật nhưng nếu ta để bị vướng mắc vào chúng thì lúc đó ta đã đồng hóa mình với bản ngã nhỏ hẹp ở trong ta.Thật ra bạn không thể vướng mắc với một đồ vật nào cả, mà thực ra bạn vướng mắc vào một ý nghĩ rằng vật ấy là của “Tôi”(xv). Khi bạn đánh mất một

vật nào đó và bạn hoàn toàn chấp nhận sự mất mát ấy, bạn sẽ vượt qua được bản ngã và từ đó bản chất chân thực của bạn - cũng chính là nhận thức, là Tâm - sẽ lộ diện”.

          Cô ấy nói: “Giờ đây tôi mới thực sự hiểu điều mà Chúa Jesus đã từng nói trước đây: “Nếu ai đó muốn lấy chiếc áo mà con đang mặc, thì con hãy cởi và cho họ luôn chiếc áo khoác mà con đang mặc ở bên ngoài”(xvi)”.

         “Phải rồi”, tôi nói, “Điều này không có nghĩa là khi bạn rời nhà để đi đâu thì bạn sẽ không cần phải khóa cửa lại. Những gì Chúa Jesus thực sự muốn nói là: Hãy buông bỏ sự vướng mắc của bạn vào chuyện sở hữu những đồ vật, đôi khi đó lại là một hành động tốt hơn là cố bảo vệ hay nuối tiếc chúng.

          Trong những tuần lễ cuối cùng, khi cơ thể của cô ngày càng suy yếu hơn thì tinh thần cô lại càng rạng rỡ hơn, như thể có một luồng ánh sáng tâm linh đang chiếu rọi qua con người cô. Cô quyết định biếu cho người khác rất nhiều thứ mà cô đang sở hữu, biếu cả cho người phụ nữ giúp việc mà trước đây cô từng nghĩ là đã đánh cắp chiếc nhẫn của cô. Mỗi món đồ cô biếu đi, niềm vui trong cô càng trở nên sâu sắc hơn. Khi mẹ của cô cho tôi biết là cô đã mất, và sau khi cô mất, họ đã tìm thấy chiếc nhẫn kim cương của cô ở tủ thuốc trong phòng tắm của cô. Người phụ nữ giúp việc kia đã trả lại chiếc nhẫn, hay nó vẫn luôn nằm ở đó từ trước đến giờ? Chẳng ai biết được. Điều duy nhất mà ta biết được là: Đời sống sẽ luôn cho ta những kinh nghiệm có ích nhất với quá trình phát triển của nhận thức ở trong ta. Vậy làm sao để bạn biết đâu là một trải nghiệm mà bạn cần phải đi qua? Câu trả lời là bạn hãy thực tập đối diện, mà không phản kháng, với những gì đang xảy ra cho bạn

trong phút giây này.

          Vậy thì có gì sai quấy không khi bạn cảm thấy tự hào về tài sản mà bạn đang sở hữu hay bực bội khi người khác giàu có hơn mình? Không, không có gì sai cả. Cảm giác tự hào, hay cần được nổi bật, hoặc củng cố quan điểm của mình qua chuyện “Tôi có nhiều hơn” hay cảm thấy thua thiệt khi thấy “Tôi có ít hơn”, là không đúng cũng không sai, vì đó chỉ là đặc tính của bản ngã. Bản ngã không phải là một điều gì sai mà chỉ là sự biểu hiện của mê mờ, của vô thức. Khi bạn bắt đầu quan sát cách bản ngã của mình vận hành, chính là bạn đang bắt đầu vượt qua được nó. Nhưng bạn đừng quá quan trọng hóa bản ngã. Chỉ cần mỉm cười khi nhận ra mình vừa có một hành vi đầy tính chấp ngã. Đôi khi bạn phải cần cười to lên khi nhận ra những biểu hiện ngốc nghếch của bản ngã ở trong mình(xvii). Tuy nhiên, làm sao mà loài người chúng ta lại có thể bị khống chế bởi bản ngã lâu đến như vậy? Trước hết bạn nên nhớ rằng bản ngã không phải là một vấn đề của riêng bạn. Bản ngã cũng

không phải là bản chất chân thật của bạn. Nếu xem bản ngã là vấn đề của riêng mình, thì bạn chỉ tạo thêm cho chính bạn một vòng xiềng xích khác của bản ngã (xviii).

Xem mục lục