“Sở hữu” thật ra nghĩa là gì? Làm cho một cái gì đó thành ra “cái của Tôi” có nghĩa là gì? Nếu có một người đứng trên một đường phố lớn ở thành phố New York, chỉ tay vào một tòa nhà chọc trời và nói “Tòa cao ốc đó là của tôi, do tôi sở hữu đấy!”, thì hoặc là người ấy rất giàu có hoặc anh ta là một kẻ dối trá, hoặc là một người đang bị mắc chứng hoang tưởng nặng. Dù là gì đi nữa, thì bạn đang kể một câu chuyện, trong đó ý niệm “Tôi” và ý niệm “tòa nhà” đang trộn lại với nhau làm một. Đó là cách vận hành của khái niệm về quyền sở hữu. Nếu mọi người đồng ý với câu chuyện của bạn thì sẽ có những chữ ký trên giấy tờ để xác nhận sự thỏa thuận đó. Và lúc đó bạn trở thành một người giàu có. Còn nếu không ai đồng ý, thì bạn sẽ bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì bạn là một người mắc chứng hoang tưởng, hoặc bạn là một kẻ láo khoét.
Ở đây, điều quan trọng mà ta cần nhận ra là câu chuyện và các kiểu suy nghĩ làm nên những câu chuyện đó, bất luận là người khác có đồng ý với bạn hay không, là hoàn toàn không liên quan gì đến bản chất chân thật của bạn. Dù cho mọi người có đồng ý với bạn thì rốt cuộc, đây vẫn chỉ là một câu chuyện hư cấu, không có thật. Có rất nhiều người không nhận ra sự thật đó cho đến khi họ cận kề với cái chết, vì lúc đó mọi thứ chung quanh họ bỗng dưng sụp đổ, vì đó là những thứ không liên quan gì đến bản chất chân thật của họ. Khi bạn đang cận kề cái chết thì toàn bộ những khái niệm về sở hữu tài sản sẽ lộ rõ ra sự hoàn toàn vô nghĩa của nó. Trong giờ phút lâm chung của mình, người ta mới nhận ra rằng họ đã hoang phí cả đời để chạy theo một cái gì không thực, những thứ chỉ để làm tăng thêm cảm nhận của họ về nhân cách, về cái “Tôi” giả dối của mình. Trong khi bản chất chân thật của họ, cũng chính là Hiện Hữu của họ, đã luôn có sẵn ở trong họ. Bản chất bất hoại ấy luôn bị che mờ bởi thói quen tự đồng nhất họ với đồ vật, mà rốt cuộc chính là tự đồng nhất mình với những ý tưởng, suy tư ở trong đầu họ.
“Những kẻ nhẹ nhàng ở trong tâm hồn mới thực là những người may mắn vì họ sẽ sở hữu tất cả cõi trời”, Chúa Jesus đã nói như vậy. Nhưng “nhẹ nhàng ở trong tâm hồn” nghĩa là gì? Nghĩa là không đeo nặng, không tự đồng nhất mình với đồ vật, với hình tướng, với những khái niệm chất chứa cảm nhận sai lầm về một cái “Tôi” biệt lập với mọi người và với đời sống. Còn “cõi trời” là gì? Đó chính là an nhiên tự tại, là niềm vui của Hiện Hữu, đơn sơ nhưng sâu sắc khi ta buông bỏ hết sự đồng nhất sai lầm của mình với hình tướng và trở nên “nhẹ nhàng ở trong tâm hồn”.
Đây chính là lý do tại sao ngày xưa ở phương Đông lẫn phương Tây, muốn thực hành tâm linh đúng đắn, ta phải chối bỏ mọi khái niệm về sở hữu. Nhưng khước từ của cải, vật chất không hẳn sẽ giúp bạn thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã. Vì bản ngã của bạn sẽ luôn bảo đảm sự sinh tồn của nó bằng cách tìm một thứ khác để tự đồng nhất với thứ đó, chẳng hạn như bản ngã bạn sẽ tự tạo cho mình một hình ảnh rằng bạn là người đã từ bỏ được mọi thú vui vật chất trên đời và vì thế mà bạn có vẻ cao siêu hơn, có nhiều chất tâm linh hơn những người khác... Cho nên có những kẻ đã chối bỏ tất cả của cải vật chất nhưng bản ngã của họ thì lại lớn hơn bản ngã của những nhà triệu phú. Nếu bạn buông bỏ một phương cách để tự đồng nhất mình với một cái gì đó thì bản ngã của bạn sẽ nhanh chóng tìm ra một phương cách khác để tự đồng nhất. Bản ngã có thể tự đồng nhất nó với bất kỳ cái gì mà nó có thể bám vào, không phân biệt hình thức. Chủ nghĩa bài bác sự tiêu thụ, bài bác sự sở hữu về tài sản rốt cùng cũng chỉ là một quan điểm khác của bản ngã để thay vào quan điểm thích tiêu thụ hoặc sở hữu tài sản trước đây. Nói như thế vì qua đó mà bạn cho rằng mình đúng và người khác là sai. Như ta sẽ thấy sau này, việc cho rằng mình đúng, người khác sai là một trong những khuôn mẫu suy tư của bản ngã, một trong những mê mờ chủ chốt nhất. Nói một cách khác, những vật sở hữu của bản ngã có thể thay đổi; nhưng cấu trúc của bản ngã thì không.
Một trong những cách nghĩ sai lầm là khi bạn đồng nhất mình với một đồ vật, qua sự hư cấu của chuyện sở hữu tài sản mà sự rắn chắc và bền vững của đồ vật đó sẽ giúp cho cảm nhận về cái Tôi của bạn được rắn chắc và bền vững hơn. Điều này đặc biệt đúng khi đồ vật đó là nhà cửa và đất đai, vì hầu như đất đai là thứ duy nhất mà bạn có thể sở hữu mà không sợ bị hủy hoại. Và do đó, điều lố bịch về chuyện sở hữu một cái gì đó càng hiển nhiên hơn qua chuyện sở hữu đất đai. Vào thời kỳ lập quốc của người Mỹ da trắng trong thế kỷ 18, khái niệm quyền sở hữu đất đai đối với thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ quả là một điều họ không thể nào hiểu được. Vì thế mà họ mất hết những vùng đất họ đã từng sinh sống khi người di dân đến từ châu Âu buộc họ ký vào những mảnh giấy mà họ thấy cũng khó hiểu không kém khái niệm sở hữu đất đai. Vì những người thổ dân ấy cho rằng họ thuộc về đất đai còn đất đai thì không thể thuộc về họ.
Bản ngã có khuynh hướng đồng hóa chuyện sở hữu một cái gì đó với Hiện Hữu. Điều này biểu hiện qua ý tưởng: “Tôi sở hữu, vì thế tôi hiện hữu”. Tôi càng sở hữu nhiều của cải thì sự hiện hữu của tôi càng chắc chắn. Bản ngã tồn tại qua sự so sánh với người khác. Bạn tự nhìn mình qua cách người khác nhìn bạn như thế nào. Nếu mọi người đều giàu sang, có nhà cao cửa đẹp thì lúc đó tài sản hay nhà cửa không còn tác dụng nâng cao cảm nhận về cái “Tôi” ở trong bạn. Lúc đó có lẽ bạn sẽ dọn vào một túp lều nhỏ, từ bỏ hết tài sản và cho rằng mình có trình độ tâm linh cao hơn những người khác vì đã từ bỏ những thứ đó. Lúc đó cách mà người khác nghĩ về bạn sẽ trở thành một tấm gương méo mó mà bạn dùng để so sánh bạn là người như thế nào. Đối với bản ngã, trong hầu hết mọi trường hợp, thì giá trị của bạn thường bị trói buộc bởi giá trị mà những người khác định đặt cho bạn, bạn luôn cần người khác cho bạn một cảm nhận về bản thân mình. Trong trường hợp bạn sống trong một nền văn hóa mà phần lớn đánh đồng giá trị của một người với việc người đó sở hữu cái gì và sở hữu bao nhiêu, nếu bạn không nhìn rõ được cái ảo tưởng có tính chất tập thể này, thì bạn sẽ hoang phí cuộc đời mình để đuổi theo thứ này thứ nọ với hy vọng rằng bạn sẽ tìm ra giá trị con người mình và hoàn thiện cảm nhận về bản thân mình qua những thứ đó.
Làm cách nào để bạn buông bỏ được sự vướng mắc vào vật chất? Bạn đừng cố gắng vô ích, vì đó là một điều bất khả. Sự vướng mắc vào vật chất chỉ triệt tiêu khi bạn không còn cố tìm chính mình qua những thứ đó nữa. Trong lúc này, bạn chỉ cần ý thức rằng mình đang có sự vướng mắc với vật chất. Đôi khi thật khó để bạn biết rằng mình đang vướng mắc với cái gì, tức là tự đồng nhất mình với cái đó, cho đến khi bạn vừa đánh mất thứ ấy, hay có nguy cơ là bạn sẽ mất nó. Nếu lúc đó mà bạn cảm thấy buồn khổ, lo âu,... thì đó là một dấu hiệu tốt để bạn thấy rằng bạn có sự vướng mắc với thứ đó. Nếu bạn vừa nhận ra rằng “Ồ, tôi đang bị vướng mắc với cái này” thì nhận thức đó sẽ có công dụng làm cho sự vướng mắc ấy không còn hoàn toàn trói buộc được bạn như nó đã từng trói buộc bạn trước đây. Bạn chính là ý thức; cái phần đang nhận biết rằng ở trong bạn đang có sự vướng mắc. Đây là bước khởi đầu của quá trình chuyển hóa trong nhận thức.