Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Bấy giờ, ngài Duy Ma Cật nói với các vị Bồ tát rằng: “Thưa các nhân giả, Bồ tát nhập pháp môn không hai (bất nhị) như thế nào? Xin các ngài tùy thích mà nói.”

Ở trước, phẩm thứ sáu, nói về pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghị, tức là giải thoát trong pháp tánh chẳng thể nghĩ bàn. Phẩm này nói về Nhập Pháp Môn Không Hai, cũng tức là nhập pháp tánh không hai. Toàn bộ kinh chỉ ròng khai thị ngộ nhập pháp tánh. Ban đầu là sự đối đáp giữa hai người, để chỉ bày pháp tánh, đến đây là kiến giải của nhiều người về chỗ chứng ngộ pháp tánh của mình, để cái thấy pháp tánh được mở rộng ra trong chúng hội.

Trong pháp hội có Bồ tát tên là Pháp Tự Tại (Dharmavikurvana) nói: “Các nhân giả! Sanh và diệt là hai. Pháp vốn không sanh, nay tức không diệt. Đắc vô sanh pháp nhẫn đây, đó là vào (nhập) pháp môn không hai.”

Sanh và diệt là hai phạm trù của sanh tử, tạo ra sanh tử. Sanh là có không gian sanh, thời gian sanh.

Diệt là có không gian diệt, thời gian diệt. Trong thực tại (Pháp), vốn chưa từng có cái gì sanh, bởi thế nay cũng không có cái gì để diệt.

Các vị Bồ tát chỉ khai thị cho chúng ta thực tại vô sanh pháp nhẫn này, còn ngộ nhập là do chúng ta. Sanh diệt là do chính chúng ta tạo ra, tự mê lầm lấy, cho nên việc tự mình thấy thực tại, thấy tánh là việc của chúng ta. Như hư không vốn không có hoa đốm, vì mê mờ chúng ta thấy ra hoa đốm loạn xạ. Các vị Bồ tát chỉ cho chúng ta, hư không vốn không có hoa đốm, còn việc có thấy hoa đốm nữa hay không là về phần chúng ta.

Làm sao để giải quyết sanh diệt, giải quyết sanh tử? “Pháp vốn không sanh, nay tức không diệt”, hãy tham thiền!

Bồ tát Đức Thủ (Srigandha) nói: “Ta và cái của ta là hai. Nhơn có ta bèn có cái của ta. Nếu không có ta, thì không có cái của ta. Đó là vào pháp môn không hai.”

“Không có ta thì không có cái của ta”, đó là cái gì? Hãy tham (thiền)! Khổ đau đã bao nhiêu đời kiếp, chỉ cái này là chấm dứt khổ đau: hãy tham!

Bồ tát Bất Thuấn nói: “Thọ, không thọ là hai. Nếu pháp không thọ thì không thể đắc; vì không thể đắc, nên không lấy, không bỏ, không tác, không hành. Đó là vào pháp môn không hai.”

Tất cả những gì chúng ta cảm thọ đều do duyên sanh. Vì duyên sanh nên là vô tự tánh, là Không. Ngay khi đang cảm thọ vốn không có một chủ thể bất biến cảm thọ, không có một đối tượng thường hằng của sự cảm thọ, chứ chưa nói đã cảm thọ hay sẽ cảm thọ. Tư duy thiền định thấu đáo thì thấy rằng cái duyên hợp gọi là cảm thọ cũng không thể đắc, không thể lấy hay bỏ, không có tác động, không có hoạt động. Như vậy thọ chính là không thọ, thấu đạt điều này bèn vào pháp tánh không hai. Sự thấu đạt nói ở đây không phải là một cái hiểu qua loa ở bề mặt ý thức, mà là một sự thấu hiểu bằng thiền định. Cái gì thấu hiểu bằng thiền định, cái đó là trí huệ. Cho nên phải hàng tháng, hàng năm thiền định về chủ đề này, người ta mới có được ít phần thấu đạt, ít phần trí huệ về chủ đề đó. Và chắc chắn các vị được gọi là Bồ tát ở đây có hơn chúng ta là hơn về một quá trình thiền định lâu dài mà thôi vậy.

Bồ tát Đức Đỉnh (Srikuta) nói: “Nhiễm ô và thanh tịnh là hai. Thấy được thật tánh của nhiễm ô thì không có tướng thanh tịnh, bèn tùy thuận với sự tịch diệt của các tướng. Đó là vào pháp môn không hai.”

Thấy được và sống được “sự tịch diệt của các tướng”, đó là thiền định.

Bồ tát Thiện Túc (Bhadrajyotis) nói: “Phóng dật và tập trung là hai. Không phóng dật thì không tập trung, không tạo tác, không phân biệt. Thông đạt cái này, đó là vào pháp môn không hai.”

Phóng dật và tập trung là hai trạng thái của tâm. Biết được cái nền tảng từ đó sanh ra hai trạng thái này là bản tâm (hay bản tánh của tâm), mà bản tâm thì vốn không tạo tác, không phân biệt. Thông đạt được bản tâm đó, bèn vào pháp môn không hai, hay còn gọi là thấy tánh.

Bồ tát Thiện Nhãn (Sunetra) nói: “Tướng duy nhất và không có tướng là hai. Nếu không giả định hay tạo tác cái gì thì không thiết lập tướng duy nhất của nó, cũng không thiết lập sự không có tướng của nó. Thâm nhập vào tính bình đẳng của hai cái này, đó là vào pháp môn không hai.”

Tướng duy nhất và không có tướng là hai trạng thái của tâm. Thâm nhập tính bình đẳng của hai cái đó là thâm nhập vào bản tánh của tâm, cái không thiết lập, không giả định, không tạo tác. Nơi đây, “từ gốc không trụ, lập tất cả pháp”.

Bồ tát Diệu Tý (Subahu) nói: “Tâm Bồ tát và tâm Thanh Văn là hai. Quán rõ tướng của tâm là Không, như huyễn hóa, không có đâu tâm Bồ tát, không có đâu tâm Thanh Văn. Đó là vào pháp môn không hai.”

“Quán rõ tướng của tâm là Không, như huyễn hóa” thấy được như thế bằng cách nhìn thẳng vào tâm mình, sự chấp tướng càng tiêu tan thì “pháp môn không hai”, tức pháp tánh càng hiện tiền.

Bồ tát Phất Sa (Tisya) nói: “Thiện và ác là hai. Nếu không khởi thiện, ác, thể nhập cái vô tướng mà thông đạt, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Sư Tử (Simha) nói: “Tội và phước là hai. Nêu thấu đạt tánh của tội, thì thấy nó không khác phước. Nhờ trí huệ như kim cương mà xác quyết trạng thái này, nó không có buộc, không có mở. Đó là vào pháp môn không hai.”

Thấu đạt tánh của tội, tức là tánh không hai của tội và phước. Thấu đạt như vậy là tiếp cận được với trí huệ như kim cương, nhờ trí huệ ấy xác quyết trạng thái của tánh không hai này, trong đó không có buộc, không có mở, không có tội, không có phước. Nhập vào và an trụ trong đó là quá trình thấy và chứng cõi Phật A Súc, tức là Phật Bất Động ở phẩm thứ mười hai.

Bồ tát Sư Tử Ý (Simhamati) nói: “Hữu lậu và vô lậu là hai. Nếu thấy được tánh bình đẳng của các pháp thì không khởi tưởng hữu lậu, vô lậu, chẳng vướng mắc nơi tướng, cũng chẳng trụ vô tướng. Đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Tịnh Giải (Suddhadhimukti) nói: “Hữu vi (Thurman, khổ đau) và vô vi (Thurman, hạnh phúc) là hai. Nếu lìa mọi tính toán, thì tâm như hư không, trí huệ thanh tịnh không có gì chướng ngại. Đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Na La Diên (Narayana) nói: “Thế gian và xuất thế gian là hai. Thế gian tánh Không, tức đó là xuất thế gian, trong đó không có đi vào, không có ra khỏi, không tiến bộ, không lui sụt. Đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Thiện Ý (Dantamati) nói: “Sanh tử và Niết bàn là hai. Nếu thấy tánh sanh tử, thì không có sanh tử, không có trói buộc, không có giải thoát, không sanh không diệt. Hiểu như vậy, đó là vào pháp môn không hai.”

Sự quán sát liên tục thế giới hiện tượng với những nhị nguyên của chúng sẽ làm cho các tướng bớt ảnh hưởng trói buộc, hay nói cách khác, đưa những hình tướng trở lại tánh bình đẳng, tánh Không, tánh không hai, và như vậy tánh dần dần hiển lộ. Tâm càng ít vọng tưởng bao nhiêu, càng ít tính toán bao nhiêu (vì khi các tướng là bình đẳng, là Không, là như huyễn thì chúng mất hiệu lực trên tâm, và tâm ít vọng động vì tướng), các tướng càng “mờ đi” bao nhiêu, thì thật tánh của tất cả càng lộ rõ bấy nhiêu.

Sự tu hành là nhờ quán chiếu, các tướng bị mất đi ảnh hưởng để cho thật tánh hiển lộ. Hoặc là hành giả trực tiếp có kinh nghiệm về thật tánh, sống trong thật tánh này thì các tướng dần dần tiêu tan (trở lại bình đẳng, không phân biệt). Những vấn nạn khổ đau, hữu lậu (có nhiễm ô), thế gian, sanh tử... đều phải được tự mình giải quyết bằng cách quán thấy thật tướng của chúng. Thật ra thế gian, sanh tử cũng chỉ là một quán tưởng sai lầm của chúng ta mà thôi, và để chữa lành sự sai lầm đưa đến khổ đau này, chúng ta phải sử dụng chánh quán, tức là cái thấy thật về mọi sự. Như vậy, không có một vấn nạn nào trong ba cõi mà không được thực hành quán sát giải quyết một cách tận gốc.

Bồ tát Hiện Kiến (Pratyaksadarsana) nói: “Tận và bất tận là hai. Chỗ rốt ráo của pháp thì dù tận hay bất tận đều là tướng vô tận. Tận là khoảnh khắc, nhưng không có sanh hay diệt trong một khoảnh khắc, thế nên nó là bất tận, bất diệt. Tướng vô tận tức là Không. Không thì không có tướng tận hay tướng bất tận. Thể nhập như thế, đó là vào pháp môn không hai.”

Hiện Kiến là cái thấy thực. Trong một khoảnh khắc, không có sanh hay diệt, không có tận hay bất tận, và tất cả các khoảnh khắc cũng thế. Thấy được như vậy, đó là sự thể nhập pháp tánh.

Bồ tát Phổ Thủ (Parigudha) nói: “Ngã và vô ngã là hai. Ngã còn không thể đắc, vô ngã làm sao có thể đắc. Thấy thật tánh của ngã, thì không còn sanh khởi hai ý niệm. Đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Điện Thiên (Vidyuddeva) nói: “Minh và vô minh là hai. Thật tánh của vô minh tức là minh. Minh cũng không thể nắm lấy, lìa tất cả số lượng, trong đây bình đẳng không có hai. Đó là vào pháp môn không hai.”

Minh (vidya) là trí, biết, và vô minh (avidya) là không biết. Thật tánh của vô minh là cái biết. Đây là một kiến giải của Đại thừa: người ta vốn ở trong cái biết, trong ánh sáng, nhưng vì một niệm vô minh mà thành ra có đủ thứ phân biệt, lớp này chồng lên lớp kia mà tạo ra sanh tử khổ đau. Nhưng cái minh này, cái ánh sáng này, cái vốn biết này - nếu có thể diễn tả thì nó đồng thời là tất cả mọi chủ thể và tất cả mọi đối tượng - cho nên không thể nắm lấy bằng một chủ thể hay như một đối tượng.

Lấy thí dụ là tâm như tấm gương sáng. Sự sáng ở khắp mọi chỗ là minh, và vô minh là sự phân biệt các hình bóng trong gương thành những hình tướng tách biệt, ngăn ngại nhau. Như thế thật tánh của các hình tướng bị phân biệt chính là tấm gương sáng. Ánh sáng của gương, không chỗ nào không có nên không thể nắm lấy, không bị hạn cuộc trong số lượng hình bóng khác biệt nhau.

Khi ở trong nền tảng của tâm thức, chúng ta sẽ thấy điều này. Tùy theo sự thấy rõ và sâu đến đâu mà chúng ta ‘thoát khỏi vô minh để thấy tất cả là minh’ đến đó.

Bồ tát Hỷ Kiến (Priyadarsana) nói: “Sắc và Không là hai. Sắc tức là Không. Chẳng phải do sắc diệt mới thành Không, mà tánh của sắc tự Không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Thức và Không là hai. Thức tức là Không. Chẳng phải do thức diệt mới thành Không, mà tánh của thức tự Không, ở trong đây mà thông đạt, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Minh Tướng (Prabhaketu) nói: “Bốn đại chúng và không đại chúng là hai. Tánh của bốn đại tức là của không đại. Như khoảng trước, khoảng sau là hư không, thời khoảng giữa cũng là hư không. Nếu có thể biết tánh của các đại chúng như vậy, đó là vào pháp môn không hai.”

Cho rằng sắc diệt mất rồi mới có tánh Không, đó là quan niệm thô về tánh Không. Kiến giải của Đại thừa là sắc ở trước mắt, nhưng sắc đó là Không. Thức vẫn khởi nhưng thức là Không. Như vậy cái Không này không phải là một cái gì chết, hoàn toàn ngừng lặng, mà là một cái Không sống động: sanh tức vô sanh.

Chẳng phải sắc diệt mới là Không, chẳng phải thức diệt mới là Không, đó là cái gì?

Bồ tát Diệu Ý (Pramati) nói: “Mắt và sắc là hai. Nếu biết tánh của mắt đối với sắc vốn không tham, không sân, không si, thì đó là tịch diệt. Như vậy tai và thanh, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp là hai. Nếu biết tánh của ý đối với pháp chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, thì đó là tịch diệt. An trụ trong ấy, đó là vào pháp môn không hai.”

Các pháp chẳng đến nhau, không dính mắc, không lìa bỏ, thì ngay đó là giải thoát. Tánh tịch diệt của các pháp nghĩa là các pháp đều không có tự tánh, cho nên chẳng ăn nhập gì nhau, chẳng dính dáng gì nhau, chẳng có hiệu lực gì với nhau, lấy đâu cho tham sân si sanh khởi. Thấy như vậy và an trụ trong đó là sống sự giải thoát của Đại thừa.

Bồ tát Vô Tận Ý (Aksayamati) nói: “Bố thí và hồi hướng Nhất Thiết Trí là hai. Tánh của bố thí tức là tánh của hồi hướng Nhất Thiết Trí. Cũng vậy trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ và hồi hướng Nhất Thiết Trí là hai. Tánh trí huệ tức là tánh hồi hưóng Nhất Thiết Trí. Ở trong đó mà nhập vào một tánh này, đó là vào pháp môn không hai.”

Tánh của bố thí tức là tánh của hồi hướng Nhất Thiết Trí: ở trong đó mà làm thì không có người bố thí, không có đối tượng để hồi hướng, và không có việc bố thí hồi hướng.

Ở trong đó mà làm tức là giải thoát.

Bồ tát Thâm Tuệ (Gambhiramati) nói: “Đây là Không, đây là Vô tướng, đây là Vô tác, là hai. Không tức Vô tướng, Vô tướng tức Vô tác. Nếu Không, Vô tướng, Vô tác tức là không có tâm, ý, thức. Nơi một cửa giải thoát tức là ba cửa giải thoát, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Tịch Căn (Satendriya) nói: “Phật, Pháp, Tăng là hai. Pháp là bản tánh của Phật, Tăng là bản tánh của Pháp, Tam Bảo đều là tướng vô vi, đồng đẳng với hư không và tất cả các pháp cũng như vậy. Tương ưng với sự thật này là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Tâm Vô Ngại (Apratihatanetra) nói: “Các uẩn và sự diệt của các uẩn là hai. Các uẩn tự chúng là diệt. Tại sao thế? Các cái thấy các uẩn tự chúng là không sanh, rốt ráo không hiện hữu, do đó không khởi tưởng các uẩn và các uẩn diệt, không có hai, không phân biệt. Bởi thế các cái thấy ấy tự chúng là bản tánh diệt. Ớ trong đây, không xảy ra, không diệt mất là vào pháp môn không hai.”

“Các cái thấy các uẩn tự cúng là không sanh, rốt ráo không hiện hữu, do đó không khởi tưởng các uẩn hay các uẩn diệt. Các cái thấy ấy tự chúng là bản tánh diệt.”

Đây là thấy tánh. Hãy an trụ vào cái thấy ấy.

Bồ tát Thượng Thiện (Suvinita) nói: “Thân, khẩu, ý thiện là hai. Ba nghiệp này đều là tướng vô tác. Thân là tướng vô tác, tức khẩu là tướng vô tác. Khẩu là tướng vô tác, tức ý là tướng vô tác. Ba nghiệp này là tướng vô tác thì tất cả các pháp đều là tướng vô tác. Có thể tùy thuận huệ vô tác như vậy, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Phước Điền (Punyaksetra) nói: “Hành động phước, hành động tội và hành động trung tính là hai. Thật tánh của tất cả những hành động này là Không. Không tức là không có hành động phước, không có hành động tội, không có hành động trung tính. Chứng ngộ sự không thành tựu của ba hành động này, đó là vào pháp môn không hai.”

Các tướng “vốn không sanh, rốt ráo không hiện hữu, tự chúng là bản tánh tịch diệt”, “không thành tựu” vì “Vô tác”, nghĩa là “Không, Vô tướng”. Tất cả các pháp đều “nhập vào một tánh này”, đều ở trong “pháp môn không hai”. Hãy an trụ trong ấy.

Sở dĩ chúng ta không vào được pháp môn không hai vì tâm thức chúng ta theo nghiệp của nó, thấy tất cả thành hai. Cho nên bất kỳ lúc nào chúng ta “không khởi tưởng, không phân biệt” hay “không có tâm, ý, thức phân biệt”, thì chúng ta kinh nghiệm ngay thực tại không hai. Chính khởi tưởng, phân biệt làm cho mặt trăng thật biến thành mặt trăng thứ hai. Không khởi tưởng, không phân biệt, thì mặt trăng thứ hai “nhập vào”, trở lại mặt trăng thật.

Bồ tát Hoa Nghiêm (Padmavyuha) nói: “Do ngã mà sanh khởi nhị nguyên là hai. Thấy thật tướng của ngã thì không sanh khởi nhị nguyên. Nếu không trụ nhị nguyên thì không có thức. Không có thức (phân biệt), đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Đức Tạng (Srigarbha) nói: “Có chỗ đắc là hai. Không chỗ đắc là không hai. Nếu không có chỗ đắc, thì không có lấy, bỏ. Không có lấy bỏ, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Nguyệt Thượng (Candrottara) nói: “Tối và sáng là hai. Không có tối, không có sáng tức không có hai. Tại sao thế? Như nhập diệt thọ tưởng định thì không có tối, không có sáng, tất cả các pháp cũng như vậy. Đi vào trong tánh bình đẳng này, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Bảo Ấn Thủ (Ratnamudrahasta) nói: “Vui thích Niết bàn không vui thích thế gian là hai. Nếu không vui thích Niết bàn không chán ghét thế gian thì không có hai. Tại sao thê? Nếu có buộc thì có mở. Nếu vốn không có buộc, thì cần gì cầu mở? Không có buộc, không có mở, tức là không có vui thích, chán ghét. Đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Châu Đĩnh Vương (Manikutaraja) nói: “Chánh đạo và tà đạo là hai. Trụ nơi chánh đạo thì không phân biệt đây là tà, đây là chánh. Lìa hai cái này, đó là vào pháp môn không hai.”

Bồ tát Lạc Thật (Satyarata) nói: “Thật và không thật là hai. Thật còn không thấy là thật, huống chi chẳng phải thật. Vì sao thế? Chẳng phải mắt thịt thấy, mà mắt huệ mới thấy. Nhưng mắt huệ thì không thấy cũng không chẳng thấy. Đó là vào pháp môn không hai.”

Để vào pháp môn không hai vấn đề là phải thấy tánh: Tánh của bố thí và hồi hướng, tánh của Tam Bảo, tánh của các uẩn, tánh của thân khẩu ý, tánh của hành động tích cực, tiêu cực và trung tính, tánh của thế gian và Niết bàn... Thấy tánh của tất cả mọi sự, tánh đó gọi là tánh không hai.

Nhưng một cách cụ thể, làm sao thấy được tánh không hai đó? Cái gì ngăn cản chúng ta thấy được tánh không hai này? Cái gì khiến chúng ta không thấy được tánh không hai giữa một cái cây với một ngôi nhà, một con người, một cánh đồng, tánh không hai, tánh đồng nhất giữa con người, bầu trời và mặt đất? Cái gì khiến chúng ta không thấy được tánh không hai, tánh đồng nhất giữa các hình bóng trong một mặt gương? Chính vì tâm thức chúng ta không đủ ổn định, chúng ta quá vội vàng thoáng qua với mọi sự, tâm thức chúng ta quá nặng nghiệp phân biệt, vừa thấy cái gì là tưởng phân biệt khởi lên... Cho nên điều tiên quyết là tâm thức chúng ta phải cắt đứt với nghiệp vọng động của nó, đi dần tới sự ổn định nền tảng vốn có của nó, khi sự ổn định đã vừa đủ, tự nhiên chúng ta thấy ra. Chẳng phải là cái gì mới lạ lắm lắm, mà cái đã có tự muôn đời nay và ai cũng có: tánh đồng nhất của tất cả mọi sự, tánh đồng nhất của tâm và thân, của tâm và thế giới. Vậy thì sự thực hành nằm ở chỗ chận đứng, cắt đứt, không cho tâm thức thêu dệt, vẽ vời những điều giả tạo vô ích nữa, để cho nó trở lại với trạng thái thật muôn đời của nó, tức là tánh đồng nhất của nó với tất cả mọi sự. Và cái đồng nhất này không có cái gì để đồng nhất, nên gọi đó là tánh Không.

Các vị Bồ tát mỗi người nói như vậy rồi, hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi: “Thế nào là Bồ tát vào pháp môn không hai?”

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Thưa các vị, tất cả các vị đều nói rất đúng. Tuy nhiên mọi giải thích tự chúng đều nhị nguyên. Không biết một giáo pháp nào, không lời, không nói, không chỉ bày, không giải thích, không chỉ danh, lìa hết hỏi đáp, đó là vào pháp môn không hai.”

Bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi trưởng giả Duy Ma Cật: “Chúng tôi mỗi người đều nói hết rồi. Bây giờ, xin ngài hãy soi tỏ, thế nào là Bồ tát vào pháp môn không hai?”

Lúc bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật lặng thinh, không nói gì cả.

Ngài Văn Thù Sư Lợi ca ngợi: “Tuyệt vời! Tuyệt vời! Cho đến không cả văn tự, ngữ ngôn, đó mới thật là vào pháp môn không hai.”

Khi những giáo pháp Vào Pháp Môn Không Hai này được nói, trong chúng có năm nghìn Bồ tát vào Pháp Môn Không Hai, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Ba mươi mốt vị Bồ tát ở trước nói về sự ngộ cái tánh không hai, đi từ tướng vào tánh, hội cái hai về cái không hai. Đến ngài Văn Thù Sư Lợi nói về sự nhập tánh không hai này. Trong tánh không hai, nghĩa là trong thực tại, tất cả mọi sự giải thích cái này và cái kia, mọi sự quy cái nhiều về cái một... đều vô nghĩa. Tất cả đều là tánh không hai, có lời nào để nói, có cái gì để chỉ bày, giải thích, chỉ danh, có ai để hỏi và đáp? Trong bản tánh của tâm, nghĩa là trong thực tại, mọi khởi niệm dứt niệm, mọi thức phân biệt giải thích cái này cái kia, mọi hoạt động dù theo cách nào của thức, đều chỉ là Tâm. Vì tất cả chỉ là Tâm nên “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành tuyệt” vậy.

Từ chỗ vào (ngộ) của ba mươi mốt vị Bồ tát, và cứ thế mà hành thì người ta sẽ đến chỗ nhập như ngài Văn Thù chỉ dạy. Ban đầu tuy ngộ (tức là vào, nhưng mới vào, mới nhập) nên mặc dù đã kinh nghiệm được tánh, nhưng vẫn còn kinh nghiệm các tướng phân biệt (vì đây là nghiệp từ bao đời nay). Hai kinh nghiệm ấy, một bên là kinh nghiệm tánh không hai, một bên là kinh nghiệm sự có hai của các tướng, tranh chấp nhau từng bước một cho đến khi đối với hành giả tất cả chỉ toàn là tánh. Và kinh nghiệm chỉ toàn là tánh này phải xuyên suốt cả ba hình thái của đời sống, tức là khi thức, khi thiền định và khi ngủ.

Cho đến chót đỉnh của sự nhập là cái lặng thinh, không chút ngôn ngữ nào của ngài Duy Ma Cật. Với sự im lặng vô ngôn vô thủy vô chung này, chúng ta không còn có thể “bình giảng” gì được nữa cả, vì đó là cùng đích của tất cả mọi kiếp người, chấm dứt mọi học hỏi, mọi tham thiền, thiền định. Nhưng điều quan trọng nhất là, cái gì ở cuối con đường cái đó cũng đã có ở từ đầu con đường. Nghĩa là sự im lặng vô ngôn vô thủy vô chung ấy của ngài Duy Ma Cật không đợi đến cuối con đường mới hiện hữu, mà nó đã có ở nơi mỗi chúng ta trong lúc này. Sự im lặng vô ngôn của tánh không hai đó đang hiện diện cùng chúng ta trong mỗi bước thời gian, trong mọi nơi chốn, trong từng cử động, trong từng động niệm. Nó là kho tàng từ xưa nay đang chờ chúng ta khám phá, miễn là chúng ta khéo nhận ra, khéo thâm nhập. Cho nên chúng ta hãy học hỏi, hãy thiền định về sự im lặng vô ngôn vốn đang hiện hữu ở nơi mỗi chúng ta. Chính sự thực hành như vậy mới làm hiển hiện cái cùng đích của tất cả mọi kiếp đời, cái vì nó và từ nó mà có mọi kiếp đời của chúng ta, và cũng vì nó và từ nó mà qua vô minh chúng ta đã kéo dài thành một chuỗi khổ đau bất tận. Cho nên hãy thiền định để thu tất cả chuỗi khổ đau bất tận này thành một niệm vô ngôn. Hãy thiền định về cái thực tại không cần ngôn ngữ, không cần bất cứ cái gì để hiện hữu này.

Xem mục lục