Xưa, có con chim cú mèo làm tổ chung trên một cội cây với con chim gáy. Một hôm Cú Mèo đến từ giã chim gáy để dọn đi nơi khác, Gáy ngạc nhiên hỏi:
- Bác đi đâu thế?
- Tôi dời nhà sang phương Tây.
- Sao thế? Có việc gì làm trở ngại cho bác? Tôi thấy nơi đây mát mẻ, sinh sống dễ dàng, sao bác lại bỏ đi?
Cú Mèo buồn rầu đáp:
- Dân cư vùng này không ưa tôi!
Gáy dịu dàng bảo:
- Này bác ạ! Chỗ thân tình với nhau tôi nói cho bác nghe ... Sở dĩ người ta không ưa bác là tại vì tiếng kêu của bác. Nếu sang phương Tây bác cũng kêu như thế thì người ta cũng ghét bác thôi. Chi bằng bác đổi tiếng kêu đi thì Ðông Tây gì cũng tốt như nhau, chẳng ai ghét bác nữa đâu mà sợ.
Cú Mèo nghe nói giận dữ bỏ đi đến miền Tây ở. Ðúng như lời tiên đoán của Gáy, dân chúng miền Tây cũng ghét bỏ nó. Cú mèo đâm ra hận đời, nhất định đi vào thâm sơn cùng cốc lánh xa loài người, loài vật, mặt trời, mặt trăng ...
Em thân mến
Ðổi chỗ ở bao giờ cũng dễ dàng hơn sửa đổi một cố tật của mình, phản ứng mất thì giờ của chúng ta mỗi khi gặp trở ngại, bị bạc đãi, là giận dỗi bỏ đi.
Ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ, chiều chuộng, vuốt ve, những hành động của ta được tung hô vạn tuế. Bằng ngược lại, ta hờn, ta dỗi, ta hận đời đen bạc, than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá, v.v ... và v.v...
Vậy thì nên đổi cảnh hay đổi tâm đây?
Em có để ý rằng, chư vị Bồ Tát dù ở địa ngục mà vẫn hỷ lạc như cảnh trời Tam Thiền, còn chúng ta ở giữa cảnh đời đầy trăng thanh gió mát, hoa thắm lá xanh, bụng no chăn ấm mà vẫn muộn phiền không nguôi chăng? Và có lẽ, nếu ai mang cái mạng mộc của mình đi lang thang từ nơi nầy sang nơi khác, dù gặp được những chốn thong dong như cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà đi nữa, chúng ta cũng chỉ tự làm phiền mình và chúng sanh lân cận mà thôi.
Em nghĩ sao?
Như thành quách được phòng hộ thế nào, tự thân các người cũng phải nên phòng hộ như thế. Một giây lát cũng chớ buông lung. Hễ một giây lát buông lung là một giây lát sa đoạ địa ngục.
(1983)